Chuyện kể năm 2000 (kỳ 4) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Cả trại vừa “đánh đồng thiếp” đi được một lúc thôi chứ mấy, thì có tiếng súng nổ chói đanh ngay mang tai. Rền từ rừng xanh vọng về. Liên tiếp năm sáu phát. Tất cả choàng dậy. Ngơ ngác. Sợ hãi. Tiếng Cán quát:

– Tất cả ngồi yên tại chỗ.

Cả trại vẫn im lặng như chết. Lại hai tiếng súng nữa. Cách nhau. Phát một. Có tiếng chân người chạy. Tiếng gọi nhau. Và tiếng béc-giê sủa ồm ồm.

– Lại có thằng nào trốn trại rồi.

Tiếng ai đó lầu bầu. Giọng Nghệ An. Một lúc sau là Lê Bá Di giọng Quảng Trị:

– Báo cáo. Tôi Lê Bá Di, số tù 127, vào nhà mét đi đái.

Im ắng. Bên ngoài im ắng lắm. Có lẽ anh tù trốn đã chạy được vào rừng. Cuộc rượt đuổi diễn ra xa trại. Anh ta có trốn thoát được không? Ai thế nhỉ?

Tất cả ngồi dậy trong màn, chờ đợi một sự kiện gì đó nhưng chẳng có gì xảy ra. Thế là lại chen chúc nhau trong nhà mét. Rồi lại về màn. Hắn và già Đô như cùng ngả lưng xuống chiếu một lúc. Già chép miệng:

– Trốn đi đâu được mà trốn cơ chứ.

Lại nằm. Lại nghĩ. Nghĩ đến anh tù trốn trại chui lủi trong rừng. Đến các ông công an, đến đàn chó đang lùng sục. Rồi nghĩ đến thân phận mình tù không án, ngày về chẳng có. Thôi. Đừng nghĩ gì nữa. Tất cả sẽ qua. Đến cả cuộc đời mình rồi cũng qua nữa là…

Khi đã hoàn toàn yên lặng, có tiếng chân người ngoài sân. Loang loáng ánh đèn pin. Tiếng Chắt khàn khàn:

– Dậy nhé! Tất cả dậy! Dậy! Điểm danh!

Lại bật dậy. Chui ra ngồi ở đầu màn. Lại xếp bằng tròn. Tay để trên đùi, ngửa lên. Người sàn trên sóng đôi với người sàn dưới. Sàn bên này đối xứng với sàn bên kia. Ông Thanh Vân hầm hầm bấm đèn pin soi vào mặt từng người. Rồi đi ra. Chắt lại khoá cửa. Hai người đi sang buồng khác. Còn ngủ nghê gì được nữa. Ngao ngán hết cả người. Nhưng nằm xuống chiếu rồi Lượng vẫn vui vẻ nói lên tâm trạng chung của anh em khi bị điểm danh đột xuất, khi bị rọi đèn pin vào mặt:

– Báo cáo cán bộ. Ai trốn thì trốn, chứ chúng tôi cho ăn kẹo cũng không trốn. Có trốn thì trốn thời gian sơ tán rồi. Chúng tôi cứ phải có hộ khẩu, có sổ gạo, không là chết đói.

Nằm trong màn, Lượng cứ báo cáo với bóng đêm như vậy. Không ai hưởng ứng Lượng. Tất cả cố gắng tìm đến với giấc ngủ bị ngắt quãng.

Hắn cũng cố chợp được một lúc. Trở dậy trời đã sáng. Sáng hôm ấy trời nắng. Đã cảm thấy cái nắng của đầu hè. Mây bục. Bay. Dồn. Lộ ra những khoảng trời xanh thèm khát gần trăm ngày nay.

Thấy tiếng chân ông Quân, tất cả xuống đất. Ca, ống bương, bi-đông, khăn mặt chờ sẵn. Ông Quân mở toang hai cánh cửa và rất nhanh nép sang một bên tránh cái mùi người, cái mùi hôi hôi của hơi người, quần áo giày dép chăn màn, nhà mét bị nhốt một đêm ào ra. Cái mùi đó, những người ở trong nhà quen mũi không thấy. Còn người ngoài không ai chịu được. Nó nặng. Có trọng lượng. Nó ùa ra như nước ùa khi cánh cửa đập mở. Nó nồng nặc cứ thẳng cửa tràn ra sân. Có lẽ vì thế mà đất sân ở đó đen sạm lại và tất cả những cây trẩu trồng đối diện với các cửa buồng đều còi cọc, lá bị cháy táp không lớn được. Đó là một loại không khí có áp suất lớn, được cấu tạo khác hẳn với khí quyển của trái đất. Chả thế có những hôm ông cán bộ khác mở cửa buồng thay ông Quân, vừa mở tung cánh cửa, ông như bị đánh mạnh vào ngực, giật mình lùi lại, nép vội vào một bên làm cho cả bọn cười rộ lên.

Những người tù xếp hàng hai bước ra trước cái bút dứ dứ của ông Quân. Thiếu một người. Tù gọi ầm:

– Còn ai trong ấy ra mau lên.

Dự thắt vội dải rút quần, từ nhà mét chạy ra. Dự buồn đi đồng, đã định nhịn đến lúc đi làm, nhưng không chịu được. Thân tù thật khổ. Đi ỉa cũng vội. Ỉa không hết cứt.

Ngoài sân anh em tù thoải mái hít thở không khí trong lành. Nhiều người không đánh răng, chỉ súc miệng. Hắn vẫn có thuốc đánh răng, nên già Đô cũng được đánh. Hắn phải bảo mãi già Đô mới chịu đấy. Già cười:

– Trâu bò nó có đánh răng đâu mà răng nó trắng thế. Các cụ nhà mình có đánh răng đâu mà các cụ vẫn sống lâu.

Mấy anh tập thể dục. Hắn cũng múa may vài đường cơ bản. Chỉ riêng Nguyễn Văn Phổ, tù mười tám năm tập rất đều. Tập thể dục đều, tắm đều và làm việc cũng đều nữa.

Phổ cũng là tổ trưởng như hắn. Anh em nghỉ, hắn nghỉ, Phổ vẫn làm. Phổ chỉ làm việc nhẹ thôi: Đánh luống. Xới cỏ. Phổ làm không vội vã, cứ nhát một đều đặn, chăm chỉ. Nắng tháng Sáu, anh em dạt cả vào gốc cây tránh nắng, Phổ vẫn một mình với cái cuốc giữa nương, mồ hôi đầm đìa. Hắn bảo Phổ:

– Anh nghỉ cho anh em nghỉ với chứ.

– Anh em cứ nghỉ đi, mình làm quen rồi, nghỉ nhiều lại chán.

Phổ ở Phú Sơn về. Hắn ở QN lên. Đi làm với nhau nhưng không nói chuyện với nhau. Tù vốn giữ mình, giữ mồm, giữ miệng. Hắn vừa đưa nhát cuốc vừa lẩm bẩm một mình:

Hôm nay đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy

Em vấn đầu soi gương (1)              

Hắn đang nghĩ về quá khứ, nghĩ về những áng thơ bất hủ dù không được in lại.

Bỗng Phổ hỏi:

– Anh thích Nguyễn Nhược Pháp lắm à?

Hắn nhìn Phổ, kính trọng một người tù có kiến thức. Phổ cũng như trăm ngàn người tù khác. Quần áo xám bạc, da đen tai tái. Dòng chữ đỏ in trên ngực: AM xê-ri kỳ cựu. Hắn đáp:

– Vâng. Tôi thuộc Nguyễn Nhược Pháp từ nhỏ.

Phổ buông cuốc:

– Tôi là anh ruột Nguyễn Nhược Pháp đây.

Đến lượt hắn rời cuốc. Hắn không ngờ Phổ là con Nguyễn Văn Vĩnh: “Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè, đến khi gió bấc thổi” . Hắn thuộc từ lúc còn bé tí. Bố hắn mua về cho hắn cả một quyển ấy, khi bố hắn sang phố. Còn những “chuột nhắt, mèo và gà trống” những “cá to cá bé nuốt nhau” (2)

Từ ấy hai người hay trò chuyện. Phổ đọc cả thư con gái út đã mười tám tuổi cho hắn nghe. Phổ có một cái gáo múc nước bằng tôn hoa nhà gửi cho. Đi làm về, dù xa dù gần, Phổ cũng xách theo một gáo nước suối. Sáng hôm sau tập thể dục xong, Phổ tắm. Đầu Phổ  ít tóc nhưng chải mượt. Nóng lạnh, hôm nào Phổ cũng tập thể dục, cũng tắm. Có lẽ Phổ  bình thường hoá cuộc sống trong tù.

Anh em rửa mặt đánh răng, đi đái đã vãn. Số trực nhật đã xuống bếp lấy suất ăn sáng. Những cặp mắt hướng về nhà bếp. Trong tù thì chỉ có đợi ăn. Chia thức ăn sáng đơn giản hơn. Mì nấu muối, hay sắn, hay khoai lang. Cũng cân. Nhưng chỉ một lần cân thôi. Sợ nhất khoai lang như hôm nay, vớ phải củ hà thì meo suốt sáng.

Tiếng kẻng gọi đi làm. Hắn cùng mọi người bị bọc, bước ra sân. Hắn trông thấy Hợp nhét con chuột nhắt vào bị. Con chuột cứng quèo, co lại trông

 

(1) Chùa  Hương. Thơ của Nguyễn Nhược Pháp, thời đó còn bị cấm, không được in lại.

(2) Thơ  ngụ  ngôn của  La Phông-ten. Nguyễn  Văn Vĩnh  dịch 

càng béo, to hơn ngón tay cái, vàng hươm. Đúng là một con chuột cụ. Trưa nay Hợp sẽ có thứ sột sệt cải thiện rồi. Các toán xếp thành hàng hai, ngồi trên sân hướng về cổng trại dốc thoai thoải. Trông như những mô đất xám xếp thành luống gù gù kín cả sân trại. Ở phía cổng, ông Quân nhìn tờ giấy gọi to:

– Phạm nhân Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thế Hiển ở lại.

“Xà lim rồi”. Hắn ghé tai già Đô, nói nhỏ. Hai người bao giờ cũng xếp hàng đôi cạnh nhau. Già Đô vội lục bị, dúi cho hắn hai củ khoai lang. Đó là toàn bộ suất sáng của già. Già không ăn, già để phòng xa cho hắn. Rất nhanh, hắn nhét vào bị của hắn, sợ người khác trông thấy. Một người tách hàng tù đứng ra. Đó là Hiển, một anh tù trẻ. Có tiếng quát: “Anh Tuấn đâu?” Hắn nặng nề khoác bị đứng lên, đi ra khỏi hàng, về phía cổng. Hàng nghìn con mắt nhìn vào hắn.

Ông Quân tay cầm quyển sổ, tay cầm bút máy:

– Toán rau xanh!

Toán rau xanh đứng lên. Nón rách, quần áo xám, cúi mặt, phớt đời, lầm lì, khó hiểu đi hàng đôi chầm chậm trước mặt ông Quân. Ông cầm cái bút máy, cứ mỗi hàng tù đi qua, lại dứ một cái, miệng lẩm nhẩm đếm. Rồi ông ghi vào sổ.

Ở trong buồng trực, nhiều ông công an áo xanh, công an áo vàng đang uống nước, hút thuốc cười nói. Khi người cuối cùng trong toán ra cổng trại, một ông công an vũ trang xách khẩu súng dựa vào tường, khoác lên vai đi theo. Và một ông công an áo vàng, đó là ông quản giáo phụ trách toán.

– Toán làm đồi!

Lại một toán tù quần áo xám uể oải chậm chạp, tuyệt vọng đứng lên. Số tù đỏ, số tù đen in ở lưng, ở ngực áo, ở ống quần. Ông Quân lại giơ bút dứ dứ. Ông đếm từng đôi, miệng lẩm nhẩm. Trong phòng trực lại một ông quản giáo súng lục, một ông công an vũ trang khoác súng trường đi ra.

– Toán may.

– Toán lò vôi.

– Toán lò gạch.

Cứ thế sân trại rỗng. Phòng trực rỗng. Ông Quân đi vào cái phòng trực rỗng ấy, ngồi xuống ghế, đặt quyển sổ lên bàn làm tính cộng.

Hắn nhìn thấy anh tù trẻ và bước về phía anh ta:

– Tập trung hay án?

– Án. Anh bọp à?

Hắn gật đầu lo lắng:

– Không biết các ông ấy gọi lại làm gì.

Hiển không giấu được niềm vui:

– Em hôm nay hết án. Lo quá, chỉ sợ ông ấy cho thêm cái bọp. Khi nhận được thư bố em, em mới yên tâm.

– Án mấy ?

– Đúng một năm, ăn đủ, ở đủ. Chẳng được giảm ngày nào. Người nhà em lên đón từ hôm qua.

Ông Quân đã cộng trừ xong, buông quyển sổ:

– Anh Hiển vào đây.

Hiển bước vào phòng. Một mình hắn đứng chờ. Lại càng lo lắng, càng buồn, càng nẫu ruột. Trên đầu hắn là cái bốt gác chính ngay ở cổng trại. Có tiếng lục cục trên đó. Tiếng dựng súng, tiếng kéo ghế, tiếng chân người. Một đầu mẩu thuốc đỏ lừ rơi xuống gần chân hắn. Kìa Hiển đã ra. Hiển nhảy chân sáo ra cổng sau khi vẫy hắn. Nụ cười sáng bừng. Đó là những bước chân đầu tiên của tự do. Cái vẫy tay mới tuyệt vời. Nó vừa là biểu hiện của tự do vừa là bản thân tự do. Không ai dám vẫy tay vui tươi một cách chân thành như vậy trước mặt ông quản giáo khi còn là một thằng tù. Những giây phút đầu tiên được trở lại làm người tự do mà hắn chứng kiến. Chỉ thoắt một cái đã thay đổi hoàn toàn dù vẫn mang trên người bộ quần áo xám có in số. Thật không thể hiểu được.

Nhưng hắn không kịp suy nghĩ nhiều. Ông Quân hiện ra ở cửa, ra hiệu cho hắn vào. Hắn nhìn thấy cái hòm gỗ của hắn vứt chỏng chơ dưới đất. Nắp hòm mở, bên trong màu gỗ trắng, bên ngoài màu sơn xám. Cái hòm đã gắn bó với hắn ba năm tù. Cái hòm trung thành không bỏ hắn suốt từ toán tăng gia sang toán rau xanh trại Q.N. Rồi theo lên V.Q với hắn. Toán làm đồi, toán văn nghệ, toán chăn nuôi… Ông Quân ngồi xuống ghế chậm chạp. Lấy ra một tờ giấy đánh máy, đánh vần từng chữ. Hắn biết thế vì thấy miệng ông lẩm nhẩm. Rồi ông để trễ kính xuống sống mũi, ngước nhìn hắn qua phía trên mắt kính:

– Anh tên chi?

– Báo cáo ông. Tên tôi là Nguyễn Văn Tuấn.

– Ngày tháng năm sinh?

– Mồng ba tháng bảy năm 1934 ạ.

– Quê quán?

Hắn nói quê quán.

– Về đem nội vụ ra đây. Anh được tự do.

Giọng ông hờ hững.

*

*     *

Hôm ấy là mồng ba tháng tư năm 1973. Hắn nhớ. Cứ mỗi lần bận bịu, suýt quên, hắn lại nhớ đến con số ấy để khỏi quên đi cái ngày quan trọng nhất của mình. Ngày sống lại. Về sau, chắc chắn hơn, hắn ghi vào một quyển sổ. Bẵng đi vài năm lao vào kiếm sống, vật lộn để tồn tại, nhớ lại ngày ấy hắn đâm lẫn lộn. Mồng bốn tháng ba hay mồng ba tháng tư. Hắn giở sổ ra xem. Nhưng vẫn còn ngờ ngợ. Có thể ngay lúc ghi hắn đã nhầm lẫn mất rồi. Đến khi dọn dẹp giấy má, tìm lại được bức thư hắn viết cho vợ hắn ngay tối hôm sau khi được tha trong một căn buồng Hà Nội thì hắn mới thật tin. Đúng 3-4- 1973.

Tuy nhiên lúc nào hắn cũng nhớ rất rõ ngày hôm ấy. Nhớ từng chi tiết.

“Về đem nội vụ ra đây. Anh được tự do”. Hắn không té xỉu. Không chết lặng đi, không dựa lưng vào tường để khỏi ngã. Không cắn môi để khỏi cười trước ông quản giáo như những nhà văn giàu tưởng tượng có thể nghĩ và viết.

Hắn bị bất ngờ. Đúng. Hắn không ngờ hắn được tự do, trong khi những người mười tám năm, hai mươi mốt năm vẫn còn ở lại. Con số năm tháng ấy không gợi mấy trong lòng hắn, nhưng đến khi nghe Phổ  nói:

– Tôi đi tù năm vợ tôi 33 tuổi. Năm nay vợ tôi 5l tuổi rồi.

Thì hắn bàng hoàng. Hiện thân của đau khổ ở Nguyễn Văn Phổ nhỡn tiền cũng làm hắn hoảng. Nhưng đến khi đau khổ mười tám năm tù hoá thân thành một người phụ nữ thì hắn rợn người.

Ôi! Đời một con người. Tuổi ba mươi đang là tuổi chín nhất của người phụ nữ. Tuổi của chăm sóc và đòi hỏi chăm sóc. Tuổi của yêu đương và đòi hỏi yêu đương. Hắn rỏ những giọt nước mắt trong lòng khóc thương người phụ nữ Hà Nội 5l tuổi mà hắn chưa biết mặt. Hắn rỏ những giọt nước mắt trong lòng khóc thương vợ hắn đang ở tuổi chín ấy, phải goá sống, phải vật lộn, đè bẹp, giết chết lòng mình, giết chết tuổi trẻ, giết chết những đòi hỏi yêu đương, sống trong cô đơn và nhục nhã.

Hắn bị bất ngờ vì nó đã đến, tuy vẫn chờ đợi nó, đồng thời hắn lại nghĩ rằng nó đã đến quá muộn. Phải, nó đã đến quá muộn. Hắn có tội gì mà phải ở đến năm năm. Lẽ ra nó phải đến lâu rồi.

Hắn cười, nhìn ông Quân như muốn ông xác nhận lại điều ông vừa nói, điều quan trọng tột cùng đối với hắn, nhưng ông Quân không để ý gì đến hắn. Với ông, hắn không còn ở đây nữa. Ông đang để tâm trí vấn một điếu thuốc sâu kèn. Ông chỉ hút thuốc rời, vấn lấy và không lúc nào rời điếu thuốc trên môi.

Hắn nói:

– Cám ơn ông. Xin phép ông tôi về buồng.

Ông Quân vẫn nhìn vào điếu thuốc đang quấn dở, gật đầu, không quay lại. Hắn về buồng, cho vào bị bộ quần áo tù thay đổi, hai cái chén mắt trâu. Hắn nắn lại hai củ khoai mềm mềm, sự phòng xa của già Đô nếu hắn vào xà lim. Hắn ấn cái bị vào góc trong cùng nội vụ của già. Hắn muốn cho già nhiều nữa, nhưng hắn sợ có người nào đó phát hiện, già không nhận được. Tốt nhất là thông qua quản giáo, thông qua trại.

Hắn chỉ đút vào cái túi khâu bằng một ống quần tù cái ca có cả nắp của Lỷ Xìn Cắm, cái bút máy Pilot ngòi cánh sẻ bằng vàng 14 ca-ra không có mực từ mấy năm nay, xấp thư từ vợ con bố mẹ hắn gửi vào cho hắn. Rồi hắn đem hết nội vụ ra. Bê, xách, ôm, đeo. Hắn đặt tất cả xuống đất trước mặt ông Quân.

– Báo cáo ông. Tôi để tất cả những thứ này nhờ trại chuyển cho mấy anh.

Hắn chỉ cái hòm: “Cái này cho anh Lê Bá Di, cả khoá nữa ạ”. Hắn chỉ cái áo bông Trung Quốc to xù, rộng thùng thình: “Cái này cho anh Đô”. Hắn chỉ cái chăn bông: “Cái này cũng cho anh Đô”.

Hắn cảm thấy tự do đang nhập vào hắn để hắn từ một xác chết biến thành người khi nói những câu ấy: Hắn đã có thể nhờ vả các ông quản giáo, có quyền đối với những thứ của hắn và cho hết tài sản đồ sộ, quí giá tạo thành cuộc sống người tù của hắn. Ông Quân gật, ừ. Rồi ông chậm rãi bảo:

– Anh ghi lại đi. Đây bút giấy. Ghi đi.

Hoá ra ông Quân rất coi trọng lời dặn của hắn. Hắn bỗng thấy quí ông, thấy ông thật tốt. Chưa ai coi trọng lời dặn của một thằng tù. Phải, đến lúc này hắn vẫn còn là một thằng tù. Hắn mới chỉ đi hết đoạn đường tù của hắn, nhưng chưa đặt chân sang đến bên kia, chưa đặt dù chỉ một chân thôi sang phần của tự do.

Phải người không có trách nhiệm ừ ào để đấy. Hắn biết sao được. Mà biết thì đã làm sao?

Hắn cảm thấy mình dược đối xử như một con người khi cầm bút giấy ông Quân đưa, nhìn đống nội vụ ngổn ngang, ghi chép. Tự nhiên hắn thấy phải gấp rút. Hắn không cớ thời gian. Hắn vội lắm rồi.

Thuốc lào cho anh Nguyễn Văn Hợp, bi-đông cho anh Vũ Lượng, cặp lồng cho anh Dự…

Ông Quân cầm tờ giấy hắn đưa, rồi lại nhìn đống nội vụ của hắn:

– Chu cha. Anh này đi tù mà cứ như ở nhà. Lắm đồ.

Đấy là hai cái chén mắt trâu hắn đã để vào trong bị, xếp sang chỗ già Đô rồi, ông không trông thấy đấy. Ông Quân đưa cho hắn một tờ giấy có đóng dấu son, cả chữ ký của của ông thượng uý giám thị phân trại.

– Anh vào trại trong, lối đi vào thôn Khởi Nghĩa. Lấy giấy tờ của trại chính.

Hắn chào ông Quân, phấn khởi nên chào to, cởi mở, tuy vẫn kính trọng.

Hắn bước ra khỏi cổng trại. Nhìn về phía ngọn đồi xa xa, nơi hắn đoán là cả toán đang chặt hom sắn. Hắn đã dứt ra khỏi họ và bỗng trào lên niềm thương xót những người còn ở lại chịu kiếp tù đày. Tôi đã được tự do. Tôi đã được ra khỏi trại. Tôi đã thoát khỏi cuộc sống tù tội. Tôi trở lại làm người. Chào anh em đang tiếp tục cuộc sống âm phủ. Tôi đã trở về dương thế. Hắn bỗng nhớ đến điều mọi người sợ nhất: Chết trong tù. Chết là hết thôi. Nhưng mang cái tiếng chết rục tù thì nhục nhã quá. Già Đô sợ nhất điều ấy. Tuổi già đã cao. Cứ có một anh tù nào chết là già lại lo. Già như trông thấy nụ cười độc ác của ông giám đốc Phin “Thằng ấy tao cho chết rũ tù rồi”.

Hắn dừng hẳn lại. Nhìn về phía đồi. Một mỏm đất nhô lên giữa vòng vây của rừng xanh. Hắn tìm bóng dáng già Đô. Hắn nói với già trong ý nghĩ : “Tôi thì không thể chết ở trong tù được rồi! Già cũng vậy. Sẽ gặp nhau ở P”.

Hắn tin rằng sẽ gặp lại già, gặp lại Lượng. Cân thì khó gặp. Kỷ Mình cũng khó. Vì hai người ở xa. Kỷ Mình đã từng tâm sự với hắn:

– Tôi đi tù vì cái chính trị tôi cao, A Tuấn à!

Cái chính trị cao của Kỷ Mình là đấu tranh vạch mặt những người trong uỷ ban, trong ban chủ nhiệm hợp tác xã làm sai chính sách, rằng họ là những phìa, tạo mới. Rằng họ đã lấy mìn của bộ đội, nổ mìn dưới suối đánh cá. Rằng họ đã bán quế của hợp tác xã, đút tiền vào túi họ. Thỉnh thoảng Kỷ Mình lại thở dài hối hận:

– Tôi đi tù vì cái chính trị tôi cao à!

Anh em vẫn lúi húi làm. Chẳng ai ngẩng lên nhìn hắn. Để hắn vẫy tay, khuơ nón chào từ biệt.

Tự do quả là một cái gì lạ thật. Cũng con đường ấy nhưng nay đi mà thấy nhẹ như bay. Cả khu trại rộng mênh mông kia không có sức hút với mình nữa. Con đường này cũng không còn lực hút. Đồi, rừng, ruộng không còn lực hút. Chúng không còn là chỗ vẫn để mình đi làm, mình về trại. Chúng không còn là chỗ để giết dần, giết mòn mình. Mình đã tách khỏi từ trường. Đã tách khỏi chúng.

Hắn ngẩng lên nhìn trời. Trời nắng cuối xuân. Trời xanh và mây vẫn bay. Đẹp. Cây đa Tân Trào nổi tiếng xa xa mọi hôm chỉ gợi lên vẻ thâm u xa vắng, hôm nay cũng đẹp. Những thân chính, những rễ phụ hơi võng trắng xoá trong nắng, tán lá rợp nền trời.

Trên đường, hắn gặp mấy ông quản giáo, mấy ông công an vũ trang. Cả mấy thỏi nam châm này cũng không còn lực hút. Hắn vẫn chào và bỗng hiểu rằng những người từng gắn chặt với hắn ấy từ nay chỉ là xa lạ.

Đã vượt qua khu nhà khách. Nơi hắn gặp Ngọc mấy tháng trước. Hắn cũng thấy lố nhố người. Những người từ các nơi về đây, mệt mỏi và đau khổ. Chờ gặp mặt. Mười lăm phút nhìn nhau ngắn ngủi của những người ở hai thế giới. Ôi! Cái vòng đời không bao giờ hết. Đã qua cái dốc về phía sau quả núi mà hắn chưa đi đến bao giờ. Đến một ngã ba. Đi theo ngả nào? Hắn đứng phân vân lựa chọn. Đó là cảm giác tự do đầu tiên đối với hắn: Được phân vân. Được đứng trước một ngã ba, tự mình lựa chọn con đường. Tự do là được quyền do dự.

Một người đi xe đạp từ phía sau tới. Quần ka-ki màu be, áo sơ-mi trắng bong. Người tự do đầu tiên hắn gặp. Hắn định hỏi thăm đường, bỗng người ấy phanh xe gọi to:

– Anh… anh gì nhỉ. Anh cũng được tha đấy à?

Bấy giờ hắn mới nhận ra Hiển, anh tù án được tha trước hắn ít phút. Có lẽ Hiển quên tên hắn vì hắn cũng chỉ là một trong trăm ngàn người tù đang bị giam giữ. Còn hắn nhớ tên Hiển vì Hiển là khát vọng tự do của hắn.

– Anh đi lấy giấy phải không? Lên đây em đèo.

Thật may mắn. Đã may thì may đủ đường. Hiển ở toán chăn nuôi. Rất thông thạo đường lối. Hắn nhảy lên poóc ba-ga xe đạp.

– Ở đâu ra xe thế này?

– Cái cộ (1) này người nhà em mang ở P lên. Anh cũng ở P à?

Thật là hạnh phúc của người tù án. Họ sung sướng biết bao. Người nhà biết trước ngày về lên đón mang theo cả xe đạp, cả quần áo. Vợ con hắn bây giờ vẫn nghĩ rằng hắn còn đang trong tù, lo lắng, mòn mỏi chờ ngóng ngày hắn được về. Em. Anh đã được tự do. Anh đang được tự do. Anh sẽ về với em. Cố chờ một hai ngày nữa thôi, em ạ. Xe đi. Gần năm năm hắn mới lại được ngồi trên xe đạp và bây giờ hắn mới thực sự biết thế nào là tự do.

Tự do, đó là tốc độ.

Ngồi trên xe đạp đi trên con đường nhỏ, hai bên là rừng rậm, chỉ khoảng mười ki-lô-mét một giờ, hắn thấy cây lá chạy vun vút về phía sau. Gió vù vù qua tai. Gió phạt hai bên má hắn mát rượi. Hắn bỏ nón ra cho gió thổi vào tóc. (Bọn hắn vẫn đội nón đi làm cho mát. Ngoài ra cái nón còn dùng để che nhiều thứ tạt được khi đi qua ông trực trại.) Hắn xoè bàn tay ra cho gió lùa qua kẽ tay. Hắn thực sự cảm thấy mình tự do.

Các cảm giác, gió, tốc độ, di chuyển ấy hắn không bao giờ nghĩ đến, quên hẳn đi rồi, vụt đến, quen thuộc, thân thiết và thích thú lạ thường.

Cho tới mãi về sau này, cứ nghĩ đến ngày được tha, hắn lại nhớ đến cảm giác gió ùa phạt qua hai má hắn. Cảm giác ấy gắn liền với buổi sáng hắn được ra tù nên nó là tự do.

Năm năm. Phải hiểu cái tốc độ năm năm vừa qua của hắn. Đó là một năm xà lim và sáu tháng được ra buồng chung. Chỉ nằm một chỗ. Nằm trong một hộp bê-tông. Ngồi. Nằm. Đứng. Ngồi. Nằm. Đứng. Bắt rệp. Nhìn kiến tha cơm. Nói vọng sang với Đỗ, người tử tù xà lim bên kia chờ ngày đem bắn. Không nhìn thấy trời. Chỉ có cảm giác trời qua những nan chớp chéo xuống ở mãi sát trần, có hàng song sắt to và dày. Không một sự xáo động nào của không khí. Suốt ngày nhờ nhờ, đục đục. Rồi ba năm ở hai trại trung ương, có tốc độ đấy nhưng là tốc độ con rùa. Hắn đi làm. Mọi người đi làm. Đầu cúi, lê từng bước. Chậm chạp chỉ có lợi cho bọn hắn. Thời gian đi đường là thời gian lao động. Đi nhanh ra chỗ làm làm gì. Lúc làm cũng vậy. Cả bọn ngồi xổm, mân mê từng lá cỏ và rứt. Rồi xển sang chỗ khác. Còn chậm hơn tốc độ con

(1)Xe, xe đạp.

sên.

Chỉ một lần hắn đạt tốc độ cao trong khi làm việc. Đó là lần đi gánh than ở cách trại Q.N mười cây số. Không hiểu sao lại có hàng đống than trong rừng.

Hắn cùng anh em quẩy phân ký (1) leo lên. Vừa leo vừa thở. Nhưng gánh xuống còn mệt hơn. Gánh than nặng kéo hắn xuống dốc. Hắn phải chạy cho nhanh. Trông thấy hòn đá nhọn, cái gốc cây vát cũng quăng chân vào, không tránh được. Gánh than nặng trĩu cứ lôi xuống không thể nào dừng lại. Rồi lại quẩy phân ký leo dốc. Thở. Mồ hôi đẫm tóc, đẫm áo. Rừng im lặng, ngột ngạt. Muỗi. Vắt. Ruồi vàng. Trong một lúc dừng chân khi leo dốc, hắn rên lên thành lời:

– Bố mẹ vợ con có biết lúc này mình khổ thế nào không?

Chỉ lần ấy hắn có tốc độ. Nhưng không có gió nào lọt tới rừng già. Còn cứ ngồi xển mà nhổ cỏ. Ai quát cũng mặc. Cả bọn cứ ngồi, cứ xển. Nước sông, công tù. Công của thằng tù vô tận. Đó là khi đi làm. Khi về cũng vậy. Về trại sớm hơn chục phút để vào buồng giam sớm ư? Cứ lê bước, cúi đầu nhìn đất, ngửa mặt nhìn trời. Thời gian là tra tấn. Thời gian là đau khổ, nhục nhã, ê chề, quằn quại. Muốn quăng đi, ném đi khúc đời tù tội rỏ máu này, dù tuổi sống bớt đi mười năm cũng được. Tù đọng, mục nát từ trong lòng. Trong cuộc đời. Trong sự di chuyển. Tù đọng mực nát ở chung quanh.

Thế rồi bỗng nhiên là bánh xe lăn nhanh. Là tiếng gió thổi vù vù qua tai. Là gió phạt hai bên má. Là đi đến một nơi mình chưa biết. Là nói cười với người bạn tù vừa quen, được tự do trước mình mười lăm phút và đã mặc quần áo của người tự do. Hai người tự do nói chuyện với nhau như không hề có những năm tháng tù đày, như vẫn được tự do từ trước tới nay. Không phải tập cho quen. Không có gì bỡ ngỡ.

Vâng. Con người ta sinh ra vốn là tự do.

*

*        *

Khu văn phòng trại trong, nghĩa là Tổng trại, nơi ông thiếu tá, chánh giám thị làm việc, ở cách trại của hắn khá xa. Đường đi quanh co sâu mãi vào rừng. Hắn chỉ nhớ được là toàn cây cối. Nhà lá ẩn trong những lùm cây. Một ông cán bộ trả lời khi hắn hỏi thăm đường:

 

 

(1) Một loại sảo đan bằng nứa hình cái hót rác, có buộc dây thép liền làm quang

– Các anh được về hở. Đi qua cái nhà kia khoảng trăm mét thì rẽ phải. Rồi đi thẳng hơn cây số nữa là đến.

“Cái nhà kia” nhô ra từ một ngoẹo núi. Hai người đi về phía ấy. Hắn giật mình khi trông thấy con béc-giê đầu tiên từ một ngách núi đi ra. Nó như một điềm gở. Như báo trước một tai hoạ. Con béc-giê to lớn, ướt át, thè lưỡi đỏ đọc, đuôi cúp, theo sau là một ông công an cầm dây xích. Rồi bốn con béc-giê khác cũng ướt át, cũng to lớn lần lượt hiện ra cùng với một đoàn áo vàng, áo xanh, tất cả ướt đẫm. Một anh tù quần áo xám rách tơi tả bị trói hai tay quặt về phía sau đi ở giữa. Chỉ nhìn lướt qua (không dám nhìn kỹ, dù đã được tự do) hắn cũng nhận ngay ra Sáng. Anh tù trốn trại đêm qua! Anh tù ấy là Sáng. Và Sáng đã bị bắt lại.

Hiển vội xuống xe. Hai người sợ hãi nép vào một bên đường. Lúc Sáng đi qua, hắn liều nhìn thẳng vào Sáng. Vẫn là cái nhìn của Sáng. Nhìn đấy nhưng chẳng nhìn thấy gì. Cái nhìn vô hồn vô cảm trên khuôn mặt nhẫn nhục, cam chịu.

Hiển bảo hắn khi đoàn người đi qua:

– Tay này quản chế đây mà.

– Toán lò rèn. Tên là Sáng. Người cùng huyện mình đấy. Bốn lần trốn trại rồi.

Hiển tròn mắt:

– Lần này là năm à?

– Năm. Lần nào cũng bị bắt lại.

– Tay ấy án hay bọp?

– Bọp.

Hiển ra chiều thông cảm:

– Bọp thì gay thật. Trông hắn gầy quá. Về cùm xà lim chỉ có chết. Trốn thế qué nào được mà trốn. Chắc lần này cạch rồi.

Hắn không biết Sáng đã cạch chưa. Bởi vì cái khát vọng tự do của Sáng ghê gớm lắm. Cùng giam ở 75 Trần Phú, cùng từ bê dê (buồng D) chuyển lên Q.N, ngồi cùng một chiếc ô-tô với hắn, chân ướt chân ráo tới Q.N một ngày, Sáng đã chuẩn bị trốn trại ngay, nhưng chẳng hiểu vì sao bị lộ. Ông Thanh cán bộ ban giáo dục, tạm thời phụ trách toán hắn, gọi Sáng ra. Ông kê một cái bàn ngay chỗ toán hắn làm, ngoài trời, đầu hội trường, quát tháo ầm ĩ. Tất cả bọn hắn xanh le mắt. Sáng bị cùm ngay. Xà lim ngay. Ăn cháo loãng ngay. Mười ngày sau mới được ra. Sáng vào toán quản chế. Toán mộc. Cùng với Giang.
Mười ngày xà lim ăn cháo loãng, cùm đủ để thay đổi vóc dáng Sáng. Không như Lê Bá Di phải mất nhiều năm nhai sắn mới có bộ mặt hổ mang bành, Sáng thay đổi rất nhanh. Từ mặt tròn, Sáng trở thành mặt dài. Nước da Sáng vốn rất trắng khi ra có màu xanh cớm nắng, thiếu hồng cầu. Người thon hơn. Thế mà chỉ mười hôm trước Sáng còn là một cậu bé nông thôn tầm thước, đẹp trai, trắng trẻo, có khuôn mặt tròn trĩnh, má phính, tóc mượt mà. Đó chỉ là vết nắn lại con người Sáng, vết nắn nhẹ nhàng đầu tiên. Sáng còn được nắn lại nhiều lần nữa.

Là một thanh niên nông thôn đi tù, Sáng không có bạn. Sáng sợ bọn Triều Phỉ, Lập Ba Tai, Ba Đen… Vốn đã xa lánh anh em trong toán, Sáng lại càng cô đơn. Chiều chiều, trước lúc khoá buồng, Sáng đứng một mình, dựa vào gốc cây ở sân trại, hoặc ngồi lên tảng đá cuội to, lối vào trạm xá, nhìn ngắm những người tù khác đi lại vật vờ với đôi mắt trong trẻo và sầu thảm.

Chỉ hơn một tháng sau Sáng lại trốn trại. Trốn ban ngày. Ngay ở chỗ làm. Khi các ông công an phát hiện và bổ vây thì Sáng đã đi xa rồi. Lần ấy Sáng đi nhanh vì Sáng yểm được bộ quần áo trong lúc đóng số tù. Áo sơ-mi trắng, quần ka-ki, bộ quần áo diện Sáng vẫn mặc sang P xem diễu hành, xem bắn pháo hoa ngày 2 tháng 9, bộ quần áo ấy không bị đóng số. Vượt khỏi hàng rào khu quản chế, Sáng trút bộ quần áo tù, mặc vào người bộ xi-vin.

Nhưng Sáng đi đâu được. Là một cậu bé nông thôn, nơi xa nhất Sáng đến là thành phố P. Họ hàng Sáng toàn ở quê. Sáng chỉ có thể về làng. Các ông công an cũng phán đoán như vậy. Các ông về làng Sáng, bắt được Sáng đang ăn cơm với mắm cáy, rau muống luộc dưới bếp cùng với bố mẹ và chị Dậu. Sáng bị đưa lên ô-tô về trại. Chẳng lẽ lại trói Sáng, còng Sáng ngay trước mặt bố mẹ Sáng. Và hình như các ông ấy cũng cho rằng Sáng chỉ nhớ nhà, đói mà trốn về thôi. Lúc đó cả trại chưa ai hiểu được khát vọng tự do của cậu bé nông thôn mới mười tám, mười chín tuổi kia.

Xe đi, tới một thị trấn miền rừng thì dừng lại. Đã trưa. Các ông ấy phải ăn cơm. Sáng ngồi uống nước ngay cạnh. Thế mà chỉ thoắt một cái Sáng biến mất. Các ông bỏ dở bữa cơm. Tìm. Huy động cả dân phố tìm.

Sáng vẫn biến mất, không một dấu vết. Cuối cùng một ông công an tìm thấy Sáng trong hố phân sầu. Đó là một thùng phân người, phân súc vật ngâm với nước giải, súc vật chết. Sáng lặn xuống dưới, mồm ngậm một ống đu đủ thò lên xuyên qua lớp phân nổi đóng thành bánh dày cứng ở bên trên để thở. Sáng bị đưa về trại. Ông Lâm tập trung bọn hắn lại nghe ông nói về đường lối cải tạo con người, về Sáng:

– Những anh nào có ý định trốn trại? Trốn đi đâu? Tôi đố các anh trốn đi đâu được đấy. Chạy ra nước ngoài à? Nước ngoài nó không thèm dùng bọn các anh. Hay vào Nam? Với Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ? Được đấy nhỉ. Anh nào có giỏi cứ đi.

Đúng là không trốn đi đâu được! Ngày xưa các cán bộ cộng sản có thể ở nhà một cơ sở hàng tháng. Giờ đây ai nuôi anh được một tuần.

– Chúng tôi đã bắt được anh Sáng, nhưng dọc đường anh Sáng lại nhẩy vào hố phân sầu trốn lần nữa. Cơm không muốn ăn, ăn cứt.

Mặt ông đanh lại, khinh khỉnh, khinh khỉnh. Ông tiếp:

– Làm người không muốn lại muốn làm con vật. Con vật biết suy nghĩ cũng không hành động như vậy Có tội mới phải vào đây. Vào đây chỉ có một con đường duy nhất: Chịu sự cải tạo. Chính sách cải tạo nhân đạo của Nhà nước ta rõ như ban ngày: Đưa các anh trở lại làm người, đưa các anh trở lại con đường ngay thẳng. Hiểu rõ tội lỗi của mình. Hiểu rõ giá trị của lao động…

Sáng không được nghe bài nói chuyện của ông Lâm. Sáng đang nằm trong xà lim. Cùm. Mười lăm ngày cháo loãng cầm hơi. Lần này Sáng được nắn lại mặt mũi một cách căn bản. Đầu cắt trọc. Trên cái mặt choắt lại, trông đầu Sáng to ra một cách kỳ dị. Mũi tự nhiên to ra. Mồm như vẩu. Toàn răng là răng. Xanh bóng. Gió thổi cũng bay. Lướt đi. Trong bộ quần áo xám đóng số đỏ rộng thùng thình. Nhưng không có gì dập tắt được khát vọng tự do của Sáng. Hai tháng sau Sáng lại trốn trại. Lần này Sáng cáo ốm. Tù ốm, khi bị dồn vào một buồng, khi được ở lại buồng mình (tất nhiên là đều khoá). Trong một lần ở lại buồng toán mộc – toán Sáng, Sáng đã thủ sẵn một lưỡi cưa. Sáng cưa chấn song cửa sổ (chấn song gỗ to bằng cổ tay). Cưa đứt xong Sáng gắn lại bằng vôi. Khi chuyển buồng Sáng nhận chỗ nằm ngay cạnh cửa sổ là vì mục đích ấy. Sáng chờ. Sáng chờ một đêm mưa bão. Vẫn để nguyên màn mắc, chui ra. Vượt qua giao thông hào. Trèo qua hàng rào cao. Vào rừng.

Mãi đến sáng, trại mới biết Sáng trốn. Báo động toàn trại. Áo vàng. Áo xanh. Và chó. Vào rừng sâu. Trèo lên những đỉnh rừng cao nhất. Xuống thung lũng. Phục kích đón lõng. Cả ngày. Cả đêm. Các ông dắt chó qua chỗ hắn làm tỉnh táo, khoẻ khoắn và khô ráo. Khi trở về ướt đẫm người, ướt đẫm chó, mệt mỏi bơ phờ tức giận.

Sáng bị bắt lại sau năm hôm chui lủi trong rừng.

Lần trốn trại thứ tư phải đến nửa năm sau. Sáng trốn theo lối nhà mét. Nhưng lần ấy Sáng bị lộ. Các ông để Sáng trèo qua mái buồng giam, trèo qua hàng rào cao vây quanh trại mới thả chó ra. Sáng vừa tiếp đất thì lũ chó chồm lên. Các ông để chó làm việc với Sáng. Năm con chó cắn xé một anh tù kiệt sức như một cái giẻ vật vã dưới đất. Không còn mảnh quần áo nào lành. Ngực, mông, đùi Sáng đầy những vết răng chó. Sáng tắm máu. Lại xà lim. Mức xà lim tăng dần lên. Lần thứ ba một tháng. Lần này hai tháng. Phải đè bẹp ý chí của Sáng. Phải để cho những ai có ý định trốn trại nhìn vào Sáng. Hết hạn phạt ra khỏi xà lim, Sáng không thể gầy hơn được nữa. Đã định hình rồi, Sáng chỉ khác trước có đôi mắt. Đôi mắt lờ đờ. Sáng như không nhìn thấy gì. Không nhìn thấy ai. Như người đang sống ở đâu đâu. Đôi mắt Sáng chỉ nhìn thấy chập chờn định mệnh.

Hắn kính trọng khát vọng tự do của Sáng, con người hành động của Sáng, nhưng hắn cũng nghĩ như Lượng, như ông Lâm, chánh giám thị trại Q.N: Không thể trốn đi đâu được trong xã hội quản lý tuyệt vời hoàn chỉnh này: Sổ gạo, phiếu thực phẩm, sổ hộ khẩu, phiếu chất đốt. Đúng là chỉ có một con đường: Chịu đựng. Chịu đựng cho đến bao giờ là tuỳ ở ý thích của các ông ấy. Bởi thế lại càng phải giữ mình, giữ mồm, giữ miệng, cẩn thận từng li từng tý. Không tin một ai. Giữ kín lòng mình. Không cởi mở với một ai. Không phàn nàn kêu ca điều gì. Dù như vậy là quá sức mình. Nhưng đó là cách duy nhất để còn có ngày về. Hắn đã làm được như vậy. Cả trại đã làm được như vậy, trừ một số ít anh em cánh trẻ.

Ngồi trên cái xe đạp Hiển đèo đi lấy giấy tờ để thoát khỏi trại, hắn cứ nhìn về phía trại, cứ nhìn theo đoàn cán bộ cùng với chó dong Sáng về trại, về cái vòng tròn hàng rào những cột cọc gỗ nứa vây ba phần tư quả đồi nằm lọt trong lòng chảo, bốn chung quanh núi cao rừng rậm. Dù đã khuất sau ngoẹo núi, hắn như vẫn nhìn thấy đoàn người dẫn Sáng đi ngược lại ấy. Hai vec-tơ ngược chiều. Hắn đến với ánh sáng. Còn Sáng đi vào bóng tối. Buổi sáng này là tuyệt vời với hắn. Buổi sáng này là tuyệt vọng với Sáng, là đổ sụp với Sáng. Đời. Bày ra lắm trò chơi đến thế. Lại một lần nữa hắn cảm thấy tất cả chặng đường ghê rợn hắn vừa bỏ lại sau lưng. Và hắn muốn mau mau thoát khỏi nơi này, mau mau về với tự do, về với bố mẹ, vợ con, bè bạn.

*

*        *

Từ hai căn nhà lợp lá cọ hình thước thợ lẩn dưới tán lá những cây to vọng ra tiếng cười nói làm Hiển và hắn tin rằng mình đã đến nơi định đến.

Hiển dựng xe ở vách. Hai người rụt rè bước vào. Trước mặt hắn là một khung cảnh quen thuộc. Đó là nơi làm việc văn phòng, mà từ khi đi công tác hắn đã sống và trưởng thành, vì thế hắn còn thấy gần gũi nữa. Là nơi cán bộ công nhân viên ngày ngày đến với sổ sách giấy tờ và được công nhận cái danh hiệu vẻ vang là người nhà nước. Tủ đứng mậu dịch xếp liền nhau. Bàn mậu dịch cùng đánh một mầu dầu bóng. Những người công an nam nữ mặc sắc phục ngồi trước bàn. Một cái bàn chỉ để ấm chén, phích, gầm bàn có sọt để điếu cầy.

Thấy hắn vào, tất cả im câu chuyện. Hắn và Hiển đưa giấy tờ cho một cô thượng sĩ:

– Báo cáo bà. Chúng tôi đến lấy giấy tờ.

Người này chỉ sang bàn bên. Một cô trung sĩ trẻ da ngăm ngăm, xấu xí, quê mùa cầm lấy tờ giấy.

– Anh chờ một tý.

Đã lâu lắm hắn mới nghe thấy âm thanh của phái đẹp. Nó trong. Vang. Ngân nga. Nó lăn vào lòng người. Êm dịu.

Cô trung sĩ vào sổ và giở một cái cặp ba dây. Cô bảo Hiển sang bàn bên (chắc hồ sơ tù án để riêng). Bên ấy cũng là một trung sĩ.

Tiếng máy chữ bỗng rộ lên rào rào, giòn tan, vui vẻ.

Cô trung sĩ đứng lên mở tủ. Cô quá béo. Hàng cúc áo quân phục chật căng, tóc xoã xuống vai mềm mại. Hắn cảm thấy cô xinh đẹp, uyển chuyển nữa. Hãy thông cảm với hắn. Hắn là người có thẩm mỹ. Nhưng hắn đã nhìn những khuôn mặt sát khí đằng đằng của các ông quản giáo súng lục trễ hông, các ông vũ trang lạnh lùng, súng trường lệch vai quá lâu rồi. Ngày đêm, chung quanh hắn chỉ là những người tù, toàn đàn ông quần áo xám một màu, những số tù di động, những nước da bờn bợt, sưng sưng, cử động chậm chạp, nhìn xuống, miệng mím, đôi mắt mệt mỏi lờ đờ. Thấy những người không thuộc đối tượng quen thuộc ấy, hắn đều thích thú.

Như hôm chuyển trại từ Q.N lên đây, cùng già Đô “hai ba nào” nhảy xuống đái, hắn bỗng nhiên nhìn thấy đồng bằng. Những bà mẹ ngồi ở vệ đường với quang gánh cải bắp. Những đứa bé cởi truồng, thò cả chim chạy theo người lớn, vừa chạy vừa khóc trong tiếng vọng về của một phiên chợ gần đâu đó. Hắn như tỉnh lại.

Lúc này hắn thấy các cô sao mà uyển chuyển và duyên dáng, nhất là mái tóc. Những mái tóc mềm mại óng ả chảy xuống vai. Thì ra cuộc đời vẫn tồn tại những mái tóc như vậy.

Cô trung sĩ đưa cho hắn một tờ giấy nhận tiền:

– Anh chờ một tý, chị thủ quĩ sắp về.

Hắn bảo Hiển:

– Khéo muộn mất. Sắp trưa rồi.

Cô trung sĩ thông cảm với hắn:

– Ô-tô có đến ba giờ chiều cơ. Anh tranh thủ nhận quần áo và thay, trả quần áo cho trại.

Cô mở một tủ khác, đưa cho hắn bộ quần áo nâu. Hắn biết ai về cũng được phát bộ quần áo nâu này. Bộ quần áo của tự do đấy. Mặc bộ quần áo ấy anh là người tự do. Đó là bộ quần áo khao khát ước mơ. Hắn cầm bộ quần áo gụ, mới tinh, hỏi lối và đi sang phòng thay quần áo. Chỉ một mình hắn. Hiển không nhận quần áo nâu. Hiển đã có bộ cánh người nhà đem lên, Hiển không cần.

Phòng thay quần áo liền bên, hơi tối, vì các cửa đều đóng. Những cây luồng buộc từ cột nọ sang cột kia, chạy bốn chung quanh. Rất nhiều quần áo tù cũ vắt ở đây. Muỗi đói vo ve bay lên, rồi lại đậu xuống những chữ số đỏ đen lòi ra ở những chiếc quần ảo mốc hôi hám, dấu vết trút lại của những người thoát khỏi tù đày, về với tự do.

Hắn thay nhanh. Hắn ngắm nghía bộ quần áo nâu mặc trên mình, vuốt vuốt nếp áo, kéo cái ống quần, hớn hở và sung sướng như hồi còn bé, mẹ hắn may cho hắn bộ quần áo nâu khi hắn ở vùng giáp ranh về từ biệt mẹ, đi lên Thái Nguyên. Lần ấy, chính mẹ hắn vuốt tà áo, kéo gấu quần cho hắn. Từ xám chuyển sang nâu, hắn đã đổi màu. Hắn không vắt bộ quần áo tù của hắn lên cây luồng để trả trại. Hắn gấp và cuộn tròn bộ quần áo cũ, lấy dây dải rút ở cái quần dài quấn lại như bó giò thật chặt, rồi đút vào ca, cho ca vào túi. Cái túi nom chẳng phồng ra bao nhiêu. Cái trò yểm hắn thạo. Hắn muốn đem bộ quần áo tù CR 880 của hắn về nhà, cho vợ hắn, bạn bè hắn nom thấy màu tù, cái đã khoác lên người hắn cả quãng đời vô tận vừa qua. Hắn muốn đem về làm kỷ niệm.

Hắn nghe thấy tiếng người rộ lên bên văn phòng. Tiếng các cô thánh thót, ríu rít, tiếng đàn ông cười vui.

Hắn hiện ra ở cửa văn phòng với bộ quần áo nâu. Và hắn lại nhìn thấy ông Thanh Vân. Ông đang kiễng chân giơ một tệp sách lên cao giữa gần chục bàn tay trắng trẻo của các cô công an từ hạ sĩ đến thượng sĩ.

Một cô kéo tay ông Thanh Vân xuống:

– Đưa đây xem nào.

Một cô khác:

– Hay không đấy?

Cô trung sĩ béo tin tưởng:

– Truyện Thanh Vân chọn thì nhất rồi.

Người ta đang giải lao. Người ta đang nô đùa một tý.

Ông Thanh Vân đặt mấy quyển sách xuống bàn. Các cô mỗi người một quyển. Hắn thấy một quyển truyện của người bạn hắn. Và kìa! Quyển “Người gác đèn biển”. Quyển truyện của hắn. Quyển truyện hắn viết. Hắn đã là người viết văn. Tên hắn in trên bìa sách chứng tỏ điều đó.

Như có một ma lực, hắn bước đến chỗ ấy. Hắn buột kêu to như gặp lại con mình:

– Thưa các ông các bà, đây là sách tôi viết.

Mọi người ngơ ngác. Cả Hiển cũng không hiểu câu hắn vừa nói.

– Cái gì? Anh nói gì?

Đấy là câu hỏi của ông Thanh Vân. Hắn cầm lấy quyển truyện. Bìa có đóng dấu của trại. Hắn nhìn mãi những chữ tên hắn in trên bìa sách. Thật không tin được. Bề thế, trang trọng như nhiều tên tác giả khác, như mọi người làm văn hoá khác. Mọi người đáng được kính trọng khác. Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời. Hắn choáng váng muốn ngã. Hắn lật trang trong. “Mùa hè đã về trên biển”. Câu mở đầu quyển truyện của hắn. Bỗng nhiên hắn đối mặt với tuổi trẻ của hắn. Tuổi trẻ phơi phới và tin tưởng. Coi thường mọi vất vả khó khăn. Buổi gặp gỡ với độc giả do Thư viện Hà Nội tổ chức khi hắn tròn ba mươi tuổi. Những độc giả trẻ đáng yêu tuyệt vời. Những giờ phút trí tuệ thăng hoa. Những đêm khuya, như một con ngựa kéo cày, đánh vật với ngôn ngữ. Và những chuyến ra khơi mê hoặc. Sóng cứ to lên mãi. Nước cứ xanh lên mãi. Biển đó. Loà nắng. Sóng dào dạt. Gió dào dạt. Hắn từ tàu xuống xuồng. Tàu chỉ đu đưa. Còn xuồng thì tung lên hạ xuống. Hắn nắm chắc thang dây ướt và bẩn. Chở sóng hút xuồng xuống, hắn nhảy. Những người khác nhảy. Sóng bắn lên mặt. Lên môi. Mặn. Xuồng vọt lên, vào đảo. Con đường trên đảo rải toàn san hô. Hắn bám vách núi đá lên Bàn Cờ Tiên. Mồ hôi dính áo. Những cây bòng bòng héo nẫu đứng im phăng phắc. Tay bám vào những thớ đá. Chân bám vào những thớ đá. Mặt úp vào đá. Hơi đá nóng phả ra. Thở cả mang tai. Hầm hập. Hầm hập. Và bỗng nhiên tóc bay tung. Gió tới tấp. Mát lạnh khuôn mặt. Đã lên đến đỉnh: Bốn phía chân trời.

Hắn lắp bắp như người nghẹn thở:

– Quyển sách của tôi.

Cô trung sĩ nhìn giấy tờ của hắn. Rồi lại nhìn tên hắn in trên bìa sách. Cô đưa tờ lệnh tha cho ông Thanh Vân đọc. Ông ngẩng lên nhìn hắn chăm chú từ đầu đến chân. Rồi với giọng hiểu biết:

– Anh lại Nhân văn Giai phẩm chứ gì?

Hắn lắc đầu:

– Báo cáo ông. Nhân văn Giai phẩm có từ năm 1956, tôi bị bắt năm 1968.

– Thế anh bị bắt về tội gì?

Đúng như hắn nghĩ: Trại chỉ là cái kho. Có lệnh nhập thì nhập. Có lệnh xuất thì xuất. Ban giám thị, ban giáo dục, ban quản giáo chỉ là người giữ kho. Ông Thanh Vân, thuộc ban giáo dục, còn hỏi hắn: Anh bị bắt về tội gì?

Đối thoại sao được với ông Thanh Vân. Mỗi người một mặt bằng khác nhau. Làm sao có thể hiểu được tiếng nói của nhau. Làm sao ông có thể dịch nghĩa tội tuyên truyền phản cách mạng như anh em tù : “À! Tội nói sự thật”.

Hắn chỉ cười mà không trả lời ông Thanh Vân. Hắn cầm tờ lệnh tha từ tay cô trung sĩ. Hắn đi đến bàn thủ quĩ lĩnh tiền. Biết nói gì với ông Thanh Vân. Ông có biết “Nhân văn Giai phẩm” là gì không. Hay ông chỉ nghe nói đến như một tên tội chung cho tất cả những người làm nghệ thuật. Hẳn ông xuất thân từ một gia đình cốt cán ở nông thôn, được số phận nuông chiều, khi bé chăn trâu cắt cỏ. Lớn lên đi học, rồi đi công tác thoát ly, vào đây làm quản giáo.

Đến bây giờ hắn mới thấy ông còn trẻ quá. Chỉ mười tám, mười chín tuổi.

Comments are closed.