Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết

Lê Minh Hà

28.

Ngân có mặt trong đám thay áo cho bà Chánh bé vì nhiều cớ. Giỗ họ, bố sai về góp giỗ, trùng dịp cải mộ ông bà Chánh, may có dịp thực hiện lời hứa thầm giùm bà. Ba nấm mồ sát nhau, ngày chiến tranh đánh phá con cái ông bà tứ tán không tiện sang cát, loay hoay thế nào bị lạc, thuê người thuốn nát mấy khu ruộng mới tìm thấy. Mở ván thiên, Ngân suýt ngất: Ba gương mặt còn nguyên hình, phồng lên, đỏ hoe hoe như phẩm điều phai, chắp tay nằm nghiêm chỉnh nhìn trời. “Mộ kết”. Tiếng thầm thào. Tiếng tụng niệm của các bà già. Hơi sương và hương phớt qua mặt Ngân. Đến lúc nhìn lại: không còn gì cả. Những tám ván thôi đã được quăng lên miệng hố. Một cái mùi khó tả: mùi hương khói, mùi sương đang bốc trắng cánh đồng, mùi đất mục, mùi băng phiến từ những tấm áo dài của các bà lão đứng sát bên Ngân, mùi nước cốt trầu, mùi rượu rửa cốt, tất cả, làm Ngân thấy hồ như sức lực mình bị rút dần dần. Đằng kia là con đường đồng dẫn vào xóm nhỏ năm xưa Ngân sống với bà, nơi ba con người nằm đây đã từng đi, nơi Ngân theo bà chiều chiều ra múc nước ao nhà chị Thục tưới rau, nơi bố mẹ đạp xe về thăm Ngân ngày đánh phá.

*

– Thấy bảo mộ thế là kết, là con cháu sẽ phát lắm đấy. Nhưng mà Ngân sợ quá. Nhoáng cái tất cả tan đi. Tưởng như là cả một cuộc đời vừa bắt đầu vừa kết thúc trong nháy mắt ngay trước mũi mình. Cái cảm giác ấy…

– Thế có thực là con cháu các cụ đó phát không? Uống đi này. Bé ơi, thay cho bạn anh bát nước nóng khác đi.

Cô bé con chị chủ quán bê lại bát nước sôi mới, nhấc cái tách cà phê của Ngân đặt vào đó, lạnh lẽo quay đi. Việt chờ Ngân xong hớp cà phê đầu tiên, thông báo:

– Tháng này tháng mười. Ngân nhớ nhé! 22 tháng mười hai, ngày thành lập quân đội, Việt cưới – Việt cười cười – Cho dễ nhớ ngày thành lập gia đình.

Sau này nhớ lại Ngân ngạc nhiên thấy mình choáng váng. Y như buổi chiều nào biết tin Phan và nghe lời tỏ tình của Việt. Từ lâu rồi người đàn bà – trẻ con đã quen với tình bạn của người con trai, không áy náy vì một tình yêu không thành, tin cậy. Nhưng bây giờ… Lại vẫn là cảm giác ấy, chiều nào, cà phê, mưa, phố hớt hải người xe, Trịnh Công Sơn, quán vắng. Không còn ai cho ta ngồi lại lặng im như thế này sao? Không còn không còn ai – ta trôi trong cuộc đời… Thứ bảy vừa rồi Vĩnh tới. Lâu lắm Vĩnh mới lại tới. Ngồi đọc hết đống báo, Vĩnh mở cặp rút đưa Ngân thiếp mời: – Ngân là người đầu tiên đấy. – Cảm ơn. Ái chà. Thiếp in đẹp quá. Ngân sẽ phải kể cho mọi người biết mình được là người đầu tiên nhận thiếp của Vĩnh. – Người đàn bà – trẻ con vui vẻ trả lời, như rất đỗi vô tâm. Lòng băn khoăn tự hỏi lời đáp vô duyên của mình sẽ giúp gì cho bạn, và bạn sẽ nghĩ gì, có biết mình sẽ không thể nào đến mừng, sẽ không thể gặp lại bố mẹ bạn trong ngày bạn cưới. Đã Phan. Đã Vĩnh. Giờ là Việt. Và sang xuân thôi là Ngân. Ngân lắc đầu nhè nhẹ, nhớ cái đơn xin thuyên chuyển công tác vừa xin dấu hiệu trưởng để đưa cho người đàn ông mà Ngân đã quyết định lấy. Thôi đừng nói vội. Bất chợt rùng mình. Phan ở nơi xa, đã hẳn không thể đưa bạn gái tới giới thiệu. Nhưng Vĩnh, nhưng Việt, và cả Ngân… Ai cũng biết dù sao mỗi người vẫn có một cuộc đời riêng, đã có người để đưa đón thăm nom mỗi cuối tuần từ lâu, nhưng chưa bao giờ hỏi nhau về điều đó. Như thể sự lặng im bình thản này sẽ là lời thì thầm với nhau rằng có một khoảng đời riêng cho nhau, cho tình bạn. Hình như tất cả đều nhầm.

– Nào, Việt giao Ngân làm gì trong ngày cưới của Việt? Đừng bắt bạn rót nước cho khách nhé. Thứ nhất là không đủ trẻ trung, thứ hai là Ngân sẽ không đeo kính ngày hôm đó để trông cho thêm phần xuân sắc, nhỡ rót nước vào đùi khách của Việt thì tàn đời.

– Chớ, chớ thế. Phải đeo kính, và nếu cần thì thay kính mới để nhìn Việt hạnh phúc ra sao chứ. Không cần Ngân làm gì cả ngoài việc giữ sức để không ốm đúng vào hôm đó thôi.

– Thế… có thể tặng gì cho Việt, à không, cho cô bạn của Việt nhỉ? Cô ấy thích gì?

– Thích tất cả những gì mà các cô gái thích. Vợ Việt không có những ý nghĩ quái dị như Ngân .

*

Quái dị? Chẳng lẽ thế lại là quái dị? Nhưng vẫn có một người đàn ông đang muốn cưới mình?! Vậy là tất cả chúng mình sẽ yên ấm. Chỉ không biết là ngày sống của Phan thật ra thì sao… Sau này, khi đã quen loay hoay vun vén cái tổ ấm của mình, quen với mùi đủ thứ mắm tập pha tập chưng theo khẩu vị của nhà chồng, quen với công việc mới chồng thu xếp cho trong cơ quan bộ, quen đêm về có bờ vai rộng nghiêng xuống, đôi mắt chồng nhìn nửa tin cậy nửa quyền uy, người đàn bà – trẻ con vẫn không sao quên được băn khoăn cũ. Không biết là Phan…

Khoảng cách giữa đám cưới đầu tiên đến đám cưới thứ hai của Việt chỉ là ba năm. Thật không thể ngờ hạnh phúc từ bỏ con người nhanh đến thế. Cô gái trẻ và đẹp giật mình trong bộ áo cưới mong manh như một con bướm trắng khổng lồ, như mây thôi giang hồ, tựa nhẹ vào vòng ôm hờ của chồng bước đi trong tiếng cười, tiếng chúc. Một đứa trẻ ra đời. Người mẹ bỏ chồng, bỏ luôn con trở về nhà mẹ đẻ, và lại sống cuộc đời một cánh bướm, một làn mây. Ngân chưa bao giờ có dịp gặp mặt vợ Việt lâu lâu, nên những băn khoăn về sự đứt đoạn trong đời sống vợ chồng của Việt không bao giờ tự giải đáp nổi. Chỉ thấy Việt chẳng có vẻ gì một người chồng bất hạnh. Việt đưa con tới những cuộc tụ bạ, đến nhà Ngân chơi, âu yếm bón cho con từng thìa cơm, đưa đứa bé đi ị đi tè, mặt mũi đầy vẻ hài lòng đến nỗi bạn bè không một ai dám hỏi. Ngày cưới Việt lần thứ hai, Ngân sinh đứa con đầu. Cái cớ tốt đẹp để khỏi gặp bạn bè, gặp lại Phan, nghe nói sẽ về đúng dịp đó. Biết nói gì với nhau lúc ấy, rằng mình hạnh phúc ư? Hạnh phúc là thế chăng? Một người chồng điềm đạm, chu đáo, kiếm được. Một căn hộ đủ điện đủ nước. Một chỗ làm nhàn nhã, không dính với trách nhiệm trực tiếp nào. Một đứa con ra đời, không quá muộn quá sớm sau ngày cưới. Nếu lúc đó Ngân không bận bịu với con thì chắc Ngân sẽ hoang mang lắm, bởi vì tất cả, đúng như mong mỏi của Ngân về một cuộc sống bình ổn, nhưng sao mà bấp bênh. Người đàn bà – trẻ con hiểu rằng sự bình ổn này phụ thuộc hoàn toàn vào mình, và tránh tất cả mọi lý do để phải cật vấn mình. Nhưng tránh làm sao mãi được. Đã ba năm, sau khi cưới và chuyển công tác, Ngân không gặp lại vợ chồng anh Khá chị Thục, thôi không phải vã mồ hôi trên xe khách hay trên cái xe đạp tàng đi đi về về mỗi cuối tuần, chiều chiều chấm bài và soạn giáo án xong thôi không qua cầu về thăm lại ngõ nhỏ ngày xưa trên bến sông, nơi có căn nhà của bà, gốc rơm dưới chân lùm tre, cái chuồng gà cuối vườn sát cây xoan gầy, tiếng những người đàn bà hàng xóm chao chát sau phiên chợ. Song những chuyện từ đời tám hoánh nào lại còn hiện rõ ràng hơn, phủ một sắc xám mờ trang trọng lên ngày đang sống.

– Mẹ Chich con có còn nhớ nhà bà Trong cách vườn nhà bà mình ngày xưa không? Tội nghiệp cái cô Xanh con bà ấy thế nào mà giờ thong manh hẳn rồi.

– Thật ư ông. Mấy năm trước còn dạy trong ấy, con có gặp cô Xanh một lần. Cô ấy mắt cũng đã nhìn kém rồi. Mà cô ấy chỉ hơn con mười mấy tuổi. Thế ông về làng hôm nào?

– Tuần rồi. Gặp đủ mặt. Ông Thồng vào tù ra tội vậy mà thọ quá. Hơn tám mươi rồi mà vẫn đêm đêm ra lều vịt ngủ với thằng cu cháu. Ông Thồng bảo bố anh nhìn chú đây này, tao còn sống thêm mười tuổi trời nữa là ít xem chúng mày ra sao. Tao chỉ cần như hòn đá xanh dưới bến kia thôi. Mấy chục năm nước chảy người dẫm, có mòn đi tí tị nhưng vẫn nằm thù lù đấy không suy xuyển. Bố nhớ hòn đá xanh ấy có từ hồi bố đi tản cư cơ đấy. Từ bấy đến giờ, từ năm bốn sáu đến giờ.

– Thế ông bảo cô Xanh…

– Gặp bố cô ấy khóc quá con ạ. Bảo muốn đón bà Trong vào, vì mắt mũi giờ ra thế không thể về làng năm một được, mẹ thì già quá rồi ở một mình, lo lắm. Bà Trong nhất định không chịu, vì còn mộ ông ấy và chú Trong.

Chú Trong chết trẻ thế, vợ con chưa có, lấy ai hương khói thay bà. Ngân hình dung cô Xanh lần cuối cùng gặp mặt, đôi mắt trong như mắt giả nhìn thẳng về phía trước, nụ cười ngơ ngơ, từ đôi mắt của cô, hai dòng nước mắt bò ra. Người con gái con địa chủ, người con gái học hành và hát hay nhất làng một thời giờ chả khác gì một bà già. Giá mà ngày ấy cô lấy chồng gần, liệu có sung sướng hơn không?

*

– Nó không nghe em bác ạ. Bao lâu nay em thắt lưng buộc bụng động viên cháu gắng học rồi tìm đường thoát li. Cũng chả mong nên vương nên tướng gì, chỉ mong cho nó đỡ lấm mặt như mình. Vậy mà nó rằng thì là giá được thế thì chắc anh Trong đã chẳng phải trích máu viết đơn xin đi bộ đội rằng thì là người ta đâu có thiết cái lý lịch nhà mình. Mấy lại nó bảo rằng thì là có đi đâu cũng chả yên tâm để em một mình. Thật thì em cũng không chê gì thằng ấy bác ạ. Kể thì nó nói cái giọng tận đẩu tận đâu, nghe cứ như tiếng Ngô tiếng Lào, nhưng đâu thì cũng đồng đất nước mình. Mấy lại cứ nghĩ mấy thằng thương binh miền Nam như nó dữ lắm, chứ xem ra cũng người thế này thế khác. Thằng này có vẻ hiền, mà biết việc đồng việc áng ra phết bác ạ. Con Xanh bảo ở nhà nó cũng dân ruộng, có điều trong đó đất rộng hơn ngoài mình. Em sai con Xanh viết thư cho cháu Trong xin ý kiến thằng anh, chả gì thằng Trong cũng là đàn ông đàn ang trong nhà. Mà chờ mãi chả thấy thư từ của nó. Dễ bom đạn thế này, em cũng phải cho con Xanh nó tự lo đời nó thôi, bác bảo thế có được không?

– Đời cua cua máy đời cáy cáy đào, dì nghĩ làm gì cho mệt. Nó đã không có đường thoát li, mà cũng chả muốn thoát li, ở làng thì làm được gì. Tôi bảo thật dì, gả quách. Chứ giờ nó cũng đã sắp hăm mốt rồi, gái hát hay cày giỏi, nhưng mà dì nhìn quanh xem có thằng nào xứng với nó không, có thằng nào đem giầu cau đến xin dì ra đuổi chó cho không. Thằng tử tế thì đi B hết cả rồi, nhìn quanh toàn cái bọn sứt môi lồi rốn trốn nghĩa vụ, chỉ tìm đường nhót cho nhanh khỏi làng. Còn thằng nào đường được thì… cơ khổ, nội cái việc dì cho con học hết cấp ba đã làm cho con Xanh nó khó rồi, lại còn thêm tội con địa chủ… cưới nó về phấn đấu ra làm sao.

Bà Trong khóc. Bà lão chủ nhà thở dài. Mấy người đàn bà ngồi hóng chuyện, nghĩ vẩn vơ, sợ sợ. Nhìn người điên ở bệnh viện thần kinh cuối làng đi rều rễu trên đê không hãi bằng nghe chuyện thương binh miền Nam ở làng bên sông. Họ cũng đi rều rễu quanh làng, người cụt tay người cụt cẳng, lúc nào cũng say sưa, lôi thôi là họ dí ngay cái thẻ thương binh vào mặt và ục luôn. Mấy tháng vừa rồi xe khách từ Hà Nội về bỏ bến xe bên kia sông không vào làm mấy bà đi buôn chết dở. Nguyên do cũng chỉ vì quý vị thương binh. Họ đứng dàn hàng ngang giữa đường, huy hiệu thương binh cài trên ngực, lên xe không có vé đã đành, nổi xung lên là khua nạng đập vào mặt người đối thoại và mấy tháng trước đánh chết luôn cả lái xe. Ai có việc ra tỉnh cũng phải cuốc bộ chờ cơ vẫy xe tải tới Vác rồi mới đón được xe khách, từ tỉnh về cũng chỉ tới được Vác là dừng, đến khổ. “Họ là anh hùng khùng mà bà, ai chả sợ. Thật ra cũng tội. Vào sinh ra tử, giờ bị bó cẳng ở cái xó này, ai biết đâu mà ơn với huệ, vợ con không có, tiền bạc cũng không, mất chân mất tay nhưng mà vẫn là thằng đàn ông đã vào sinh ra tử, chịu làm sao nổi hả bà”. Ông chủ tịch xã ghé thăm mấy bà cháu nhân ngày thương binh liệt sĩ vui vẻ giải thích- “Bà bảo cái Xanh sắp lấy một thằng trong cái trại thương binh đó à. Tội nghiệp!”.

Thế mà thật ra có lẽ cô Xanh lại hạnh phúc nhất trong đám bạn gái quanh làng. Chả gì chồng cô cũng đóng góp xong cái phần xương máu, giờ yên tâm mà quanh quẩn bên vợ. Đêm đêm cô Xanh thôi ra bến sông hát với chúng với bạn kể cũng làm lắm người nhớ giọng. Riêng con bé thì không. Suốt ngày nó đã nghe cô lích chích hát một mình. Hết Đường cày đảm đang, Bài ca năm tấn lại Nổi trống lên rừng núi ơi, hết Hà Tây cửa ngõ Thủ đô lại Tiếng ai hò trên quê hương ta đó Nghệ An với Ở tận sông Hồng em có biết quê hương anh cũng có dòng sông ơi Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông. Nơi con sông xa tít mù ấy là quê chú Hùng chồng cô. Bà hồi đầu cứ lầm thầm chê cái thằng mặt như hai ngón tay úp chéo, sau lại nắc nỏm khen thằng ấy thế mà lành mà tử tế. Chỉ cần len qua chum nước và cối đá lúc nào cũng lõng bõng ít rau chuối trộn cám lợn của nhà bà Trong là con bé có thể đứng ngó vào buồng cô Xanh. Chiếu mới, gối trắng thêu chim bồ câu, lá xanh hoa hồng, vỏ chăn vải chéo hoa Trung Quốc. Đến là đẹp. Rồi cô Xanh hay sang hàng xóm xin tương, múc đầy bát còn đứng húp tại chỗ khen tương ngọt. Bà Trong mặt mũi tưng bừng thì thầm với bà hàng xóm. “Em để ý nó tắt kinh hai tháng nay rồi bác ạ”.

*

Đứa con đầu lòng của cô Xanh sẽ ra đời không đúng ngày. Buổi trưa đi làm cỏ lúa về, cô Xanh cầm cái cào xuống sông rửa chân tay, cái nón lá ngửa lên đựng đầy rau tập tàng dựa ở góc bậc thang cuối bến. Cô cúi người khỏa nước, mỉm cười vì cái bụng đã bắt đầu càng ràng, ngẩng lên nhìn quanh và hét lạc cả giọng. Quẩn sát chân cô, một con người bé nhỏ, trần truồng, rốn còn chưa cắt nổi lập lờ. Năm tháng ấy lại bắt đầu những ngày căng thẳng nhất của cuộc chiến đang đến hồi kết. Lâu lâu lại có những đơn vị bộ đội đi dọc triền đê, dừng lại ở các làng, đóng quân rải khắp nhà dân, nhanh thì một hai tuần rồi đi, chậm thì tháng hơn tháng ngót. Có những người con gái chửa buộm một mình vật vã. Những bào thai hoang dạt vào bờ, mắc lại chân tre, rễ sung rễ ngái. Đấy sẽ chưa phải là lần cuối.

Cô Xanh ngã dụi ở bậc thang sát mép nước, mặt úp vào cái nón lồng phồng rau. Bụng cô quặn lên, tưởng chừng như có một cánh tay rất dài thò vào, quấn hết ruột gan mà rút. Đứa con ra đời ngay tối đó. Không phải là một con người dù đã sắp đủ ngày đủ tháng, chỉ là một cục thịt có mắt mũi miệng, không chân tay. Người mẹ ngất xỉu một lần nữa. Người cha ngồi ở đầu hồi nhà suốt một ngày, trừng trừng nhìn vườn.

Cô Xanh sẽ còn đẻ tiếp, liên tiếp. Đứa thứ hai, lông lá như khỉ, mắt dính tịt, không có chóp mũi. Ông em rể bà Trong, tợn tạo nhất làng, xách chân đứa trẻ chả biết sống hay chết ra bờ sông, xả một nhát dao bầu vào thân hình bé nhỏ đó và quăng ra giữa dòng, bảo để con ranh con lộn không trở lại bụng cháu gái. Đứa thứ ba, cô Xanh không nhìn, nhắm mắt nửa ngày. Chú Hùng vái ông chú vợ: “Xin chú cho vợ chồng con chôn cháu. Tội nghiệp, nó không được sống làm người, tất cả ở như con”. Mấy người thương binh miền Nam chống nạng lọc cọc đi theo cái quan tài bé nhỏ trên vai đồng đội, nước da đen sạm giờ tái ngắt.

Cả làng ồn ĩ vì chuyện nhà bà Trong bị ma ám, vì những tội nghiệt từ đời kiếp nào. Không ư? Ông Trong phải thắt cổ. Chú Trong bị sét đánh. Cô Xanh đẻ bận nọ đến bận kia toàn những hình nhân chưa thành người. Chú Hùng đưa vợ rời làng, ra trại thương binh sống. Con bé con chỉ gặp lại vợ chồng chú một lần, ngày nó sắp được bố mẹ đón ra Hà Nội, về lại trường cũ. Vợ chồng cô Xanh theo bà Trong sang thăm mấy bà cháu. Bà mở tấm chăn, moi ra một thân hình trẻ con khiếp đảm, đầu to tướng, mũi huếch, mắt lồi, khắp người từ cổ tới nách khuỷu chân khuỷu tay đeo toàn bùa. “Mẹ cháu đi xin ông thầy tận trên Yên Cốc đấy bác ạ!” – Cô Xanh hổn hển. “Mày có bị sản hậu không mà nói năng lào thào như người ốm liệt thế cháu? Có được thằng bé này rồi khéo trời thương, sau lại chẳng con một bầy như cua. Xem mà lo bồi bổ, rồi ngừng chửa đẻ một hai năm hãy tính tiếp. Chứ như mấy năm vừa rồi, tao nghĩ mà hãi cho chúng mày quá. Để bà xem thằng bòi của bà dài ngắn thế nào nào?”. Chú Hùng nhận lại đứa bé, mỉm cười: “Đệ tử Cái Bang sáu túi đó bác. Ba xem bé con của ba đã sắp tè chưa nhé”. Chả ai hiểu đệ tử Cái Bang là gì, cùng cười theo chú trong khi đầu óc vẫn theo đuổi ý nghĩ riêng. Thằng bé đầu nặng đến nỗi bỏ qua mọi giai đoạn quá độ lẫy bò trườn, được cái chả khóc mếu gì, nằm lặng lẽ dù mọi người vần như vần quả bí. Đến gần bốn tuổi nó mới lẩy bẩy bước được bước đầu tiên. Có điều nói ron rỏn. Khôn phát kinh. Nhưng quả đúng như lời bà, tựa hồ nó được sống là để gánh mọi sự khó cho gia đình. Đến cái ngày người làng ra Hà Nội tới thăm bà, kể chuyện cô Xanh theo chồng vào Nam, nó đã có một bầy em ba đứa.

*

– Bà Trong ấy hả bà. Có mà xe công nông cũng chả cày được bà ấy ra khỏi làng. Hôm bà ấy ngồi với bọn em ở đám con nhà Thiện, hỏi, bà ấy bẩu giờ chỉ còn con Xanh, ai chả muốn có mẹ có con, nhưng nó bề gái, theo chồng là phải, mình chả đỡ được cái khổ cho nó, theo làm gì thêm bận. Kể cũng phải. Chứ đem thân vơ váo vào quê thằng con rể, chả biết thổ ngơi tiếng tăm ra thế nào, sống làm sao bác nhẩy? Rồi lại còn mồ mả ngoài này.

– Cái kiếp đàn bà… Bà có để ý không? Con bé ngày xưa nhanh mồm nhanh miệng thế, mà khoẻ… đứng giã cối bèo nặng nhọc thế nó vẫn còn hát được, giọng lanh lảnh lanh lảnh. Ấy vậy mà sau này y như dải khoai héo, nói cười gì mặt cũng chả tươi được lên.

Người đàn bà – trẻ con im lặng nghe và sẽ tự hỏi trong nhiều năm sau đó rằng không biết bà có nghĩ tới chính mình khi nói thế. Cô Xanh, ngay trong lúc cay cực nhất vẫn còn có mẹ, có chồng. Còn bà, ông lên Việt Bắc năm bà mới chỉ ngoài ba mươi tuổi, con một bầy bốn đứa, tay trắng chạy từ Hà Nội tiêu thổ kháng chiến về làng. Mấy chục năm trời, bà như mẹ mái già, ủ dưới cánh mình hết con đến cháu, gặp sự khó thì xù bộ lông xơ xác, xoè móng cục ta cục tác đến chồn đến quạ phải khiếp. Trên đất nước này, ở đâu cũng những người đàn bà như thế. Ai đong được bao nhiêu giông bão đã thổi qua tấm lưng mỏng của họ, khi nhìn họ cặm cụi một mình, vẻ rất đỗi an nhiên.

Và cuối chiều

Dòng sông chảy dưới chiếc cầu gỗ

Không thể không dịu dàng

Và cuối chiều

Rừng bạch dương đã trở vàng trong nắng

Lẽ nào không nỗi nhớ

Và cuối chiều

Biết ngày xuân đã đi rất xa

Bao điều, thôi đành lỡ

Và cuối chiều

Ngôi sao nào sáng xanh lấp lánh

Thật chăng là đắm say?

29.

– Kinh nhỉ. Chắc là do ông chồng từng đóng quân ở vùng rừng bị Mỹ rải thuốc khai quang đấy mà. Mà mày có nhìn thấy tận mắt không hay chỉ nghe đồn.

Người đàn bà nhỏ nhẹ

– Chuyện hàng xóm nhà mình mà, hồi sơ tán ấy. Bé tí chả biết gì, chạy theo bọn trẻ con xem cảnh ông già chém đứa bé sơ sinh, về mê hoảng mấy tháng không hết. Bà mình đêm nào cũng phải đặt con dao phay ở đầu giường cho mình đỡ sợ.

Từ phòng trong, bà mẹ chồng ôm cái túi len đan dở bước ra, giọng lạnh:

– Đang bụng mang dạ chửa… Vợ Thịnh thiếu gì chuyện không nói lại đi nói cái chuyện nghe sái thế. Thật là các chị thời nay sướng chả biết sướng, rỗi hơi bàn chuyện đâu đâu. Làm người ở đất nước này, sống thì tránh sao khỏi buồn khỏi khổ, cứ ngồi đó mà úi với ái thì có làm được gì cho hết buồn khổ hộ thiên hạ không?

Mấy người đàn bà trẻ ý tứ nhìn nhau, cười xòa:

– Chúng cháu vô ý quá thật. Nhưng như nhà bác đây thì buồn khổ ở chỗ nào bác? Bố mẹ chúng cháu ở tuổi bác mà được thế này thì… Nhà bác các anh các chị ai cũng thành đạt hiếu thuận. Cái Ngân vào làm dâu cửa bác thật là sướng. Chúng cháu thì nằm mơ chưa ra.

Bà cụ thu xếp chỗ ngồi, tay bắt đầu ngoáy đôi kim đan, mắt ngước nhìn qua gọng kính:

– Ai bảo các chị là bác sướng? Sướng khổ là tự mình thôi các cháu ạ. Vợ thằng Thịnh mới về làm dâu, mẹ trông cung cách, chắc chưa bao giờ hỏi chồng cặn kẽ về gia cảnh, phải không nào?

Người đàn bà giật mình. Bà cụ vô tình hay thật ra hiểu rõ lòng cô con dâu trẻ? Quả Thịnh chưa bao giờ kể cho vợ nghe nhiều về cảnh nhà. Và Ngân không định biết thêm, hoàn toàn hài lòng về quan hệ trong nhà chồng. Bố mẹ chồng già mà còn khoẻ, ở riêng trên phố. Anh chị em tất cả đều học hành nghiêm chỉnh, có nhà có cửa riêng, đặc biệt kính trọng bố mẹ, yêu thương nhau mà không bao giờ làm phật lòng nhau vì những quan tâm quá đáng. Thịnh, khoẻ, điềm đạm, kháu lão và kính vợ như bọn bạn vẫn đùa, lại có địa vị và tiền bạc. Ngân luôn luôn có cảm tưởng rằng với một người đàn ông như thế người đàn bà sẽ chẳng phải băn khoăn gì chuyện cơm áo lễ nghĩa, miễn là tròn trách nhiệm với nhau.

*

Trách nhiệm? Thế nào là trách nhiệm? Lại một câu hỏi khó. Từ trong thâm tâm, người đàn bà luôn cảm thấy bất an, có gì không phải với chồng. Cảm giác bất an cứ mỗi ngày một lớn, khi mà người đàn ông không bao giờ căn vặn vợ về một tiếng thở dài bất chợt, về những phút bần thần khi mở một trang sách cũ, cũng không bao giờ kể cho vợ nghe về những gì một người vợ lẽ ra phải biết nhưng đã không bao giờ hỏi. Bà mẹ chồng chỉ thỉnh thoảng gọi xích lô đến thăm, vậy mà dường như bà đã cảm ra ngay cái êm lặng lạnh lẽo trong đời sống của hai vợ chồng.

– Các chị nhìn tôi không nghĩ là tôi đã có thời điêu đứng đâu nhỉ? Cứ thử hình dung, nhà bảy đứa con, đánh đùng một cái ông nhà nước cải tạo công thương nghiệp. Có gì là đem hiến hết. Tôi muốn giữ lại mấy căn nhà, tính cho thuê tiếp mà nuôi con. Nhưng ông nhà tôi bảo chỉ giữ lại một căn một tầng ở phố Bát Đàn, mặt tiền có ba mét, vỏn vẹn hai phòng lợp ngói, được cái sâu hút vào phía trong cả vườn tược cả giếng cả sân gạch rộng. Ông nhà tôi, lúc thường hết giờ dạy học thì đi ra đi vào, mà đến lúc đó… Tôi thì cuống, không biết phải làm gì, anh chị bên chồng di cư hết rồi, bố mẹ chồng già nhất quyết sống mãi với Thủ đô, con một đàn, hiến hết thì lấy gì mà đổ miệng. Thế nhưng ông nhà tôi bàn với các cụ xong đánh một câu: Hiến! Chuyển về Bát Đàn, tôi tính còn ít của nả bỏ ra cơi cao lên cho các cụ và bọn trẻ đỡ chui rúc chật chội, nhưng mà ông ấy bảo muốn yên thì chịu lún ở thấp, đừng có động cựa gì. Thế là bảy con, thêm hai cụ với vợ chồng tôi, chỉ độc hai phòng, mà phòng ngoài đã là cửa hàng chất đầy hàng họ. Còn ông ấy thì xung phong đi làm nhà nước, mấy chục năm ngày nào cũng kèo kẽo cái xe đạp tàng qua cầu Long Biên… Đấy, cô gì nói đúng đấy, có cái nhà máy gỗ, ông ấy nhà tôi làm ở đấy đấy, đầu tiên là làm công nhân, sau biết ông ấy từng có thời dạy học thì họ đưa lên làm ở phòng thống kê. Ông ấy bảo tôi ở nhà ngồi cửa hàng, lo vật chất. Ông ấy đi làm nhà nước, nhất quyết không nhập nhằng tơ hào một mảy gì. Là để đảm bảo cái phần tinh thần cho bọn trẻ.

Ngân ngồi tựa thành giường, loay hoay gỡ đống len rối cho bà cụ, lòng dậy một nỗi xấu hổ và xót xa. Ai ngờ ông bố chồng lù khù thế mà lại là trụ cột tinh thần của cả đại gia đình bấy nhiêu năm. Biết bao nhiêu gia đình ở đất Hà Nội này đã rơi vào cảnh nhà chồng Ngân và đứng vững được như thế. Bảy đứa con qua tay cha mẹ, quần áo đứa bé mặc của đứa lớn, không một lời nằn nèo tị nạnh. Bảy đứa con, bao giờ cũng một điều thưa cậu thưa mợ, gặp nhau ngày giỗ ngày tết, chưa bao giờ Ngân thấy xưng với nhau là tôi, lúc nào cũng anh cũng chị cũng em như là vẫn đang tuổi bé. Bảy đứa con qua đại học, ba đứa đi nước ngoài. Cái gốc nhà phải sâu đến thế nào thì gia đạo mới vượng được trong lúc gia cảnh sa sút vậy?

– Người đàn ông trong nhà là quan trọng lắm các chị ạ. Mà cái uy của họ nó còn là ở do mình. Mấy mươi năm ông nhà tôi đi làm nhà nước, cứ tối mịt mới đạp xe về tới nhà, có thời kỳ đánh phá căng thẳng quá, ông ấy phải ở luôn bên kia sông có về được đâu. Thế nhưng con cái chỉ nghe thấy ông ấy hắng giọng là sợ một phép. Là bởi vì chúng nó nhìn bố cư xử với ông bà, với mẹ chúng nó, có khuôn có phép, là bởi chúng nó biết mẹ nể bố, biết bố vạch đường chỉ lối trong nhà. Ông bà cụ tôi lúc đó đã già, mấy anh chị em chúng nó phải một tay lo hết việc nhà, đứa học sáng thì đi xếp hàng buổi chiều, đứa học chiều thì ngược lại. Bao nhiêu tem phiếu thịt thà cá mú một tay các anh chị ấy lo hết, chứ tôi thì phải ngồi cả ngày ngoài hàng. Đến cái hồi vác hai cụ và bầy con đi sơ tán mới gọi là cơ cực. Nhà nước bán toàn bột mì, bột nở không có, hồi đầu cụ nhà tôi đem nhào rồi lấy lá chuối gói, trong nhồi cục đường bé bé, đem luộc. Bột ngoài thì nhão trong thì không chín, rắn y như nắp hầm tăng xê, ném chó khéo chó chết. Sau tôi phải đem cán, cắt nhỏ như bánh canh, đem nấu cua. Anh Thịnh chồng cô Ngân đây, học trò Hà Nội mà đi móc cua giỏi lắm. Được cái mấy bà hàng xóm nếm thấy ngon, sau toàn mang gạo đổi mì. Thế là mẹ con đâm khá. Bà cụ sinh ra ông nhà tôi đi tắm ngoài sông, thấy đàn bà con gái trong làng mặc cái xu chiêng tự khâu, đệm hai cái bầu vú thật dày, cấy gặt gì mồ hôi đọng đấy nó lâu rách các cô ạ. Thế là đang lúc căng thẳng, cụ cứ tháng hai ba lần ra Hà Nội, đặt người may, đẹp hơn, dày hơn, nên cũng bền hơn. Cụ giấu trong làn, nhìn, ai cũng tưởng bà già Hà Nội đông con cháu sơ tán phải đi thăm nom. Thế mà qua mặt phòng thuế không lần nào bị bắt. Buồn cười!

Bà mẹ chồng được một hôm hay chuyện, hay là cũng làm như vô tình vỡ lòng cho cô con dâu trẻ về nếp nhà. Mấy cô bạn gái tròn xoe mắt nghe, cười lăn lộn, phục sát đất chuyện hàng xén nào ở mấy cái chợ lớn dọc triền sông ấy cũng treo đầy xu chiêng của cụ bà Hà Nội. Thịnh vừa về, nghe mẹ kể cũng cười, góp lời:

– Bà anh giỏi lắm. Bình thường bà chỉ ngồi trên sập lo rót nước cho ông thôi. Đến mấy cây ngâu cây sói ở vườn sau nhà bà mê lắm mà cũng không bao giờ tự tay tưới. Mà khác mẹ anh… Bà còn trang điểm rất kỹ mẹ nhỉ. Thế mà hồi sơ tán, cụ lăn lộn đến ghê. Không thì nhà mình gay phải không mẹ? Hồi anh An chị Thuận học xong ở Nga về, con kể chuyện nhà mình đi sơ tán, anh chị ấy ngớ người, cười mãi, bảo không tưởng tượng nổi.

Ngân nghiêng người về phía chồng, nghe lưng âm ấm hơi người đàn ông. Cái thai quẫy nhẹ. Một cảm giác tự hào lan toả làm thân thể người đàn bà bừng bừng. Trong niềm kính nể đang lớn dậy rất nhanh trước bà mẹ chồng, Ngân vẫn biết mình sẽ không như thế. Sẽ không có niềm tự tin ấy, quyết tâm sống còn ấy. Sẽ lắm nỗi hoang mang hơn, cô đơn hơn. Nhưng Ngân sẽ sinh con, sẽ nuôi dạy con, sẽ hết lòng với con mình, theo cách của Ngân. Người đàn bà nào trong bất kể thời buổi nào mà chẳng hết lòng với con theo cách của thời buổi ấy. Dù sinh ra giữa những năm tháng gian nan, tự trong thâm tâm, Ngân biết, chỉ khoảng đời có mặt Phan, Việt, Vĩnh, khoảng đời sinh viên và hậu sinh viên mới thực là của Ngân. Sau này người đàn bà đã nhiều lần hiểu ra rằng những cảm giác thánh thiện của thời trẻ trung, cả những xót xa, tuyệt vọng, khao khát và hoang mang, đã là miền bình yên nhất để tìm về khi buồn khổ, để sống tiếp.

Lạ lùng làm sao, người sống cùng Ngân, người đàn ông cởi mở mà kín đáo, chu tất mà thờ ơ, tưởng như chỉ công việc và những kết quả hàng ngày trong công việc, và một gia đình yên ổn là điều kiện đủ để hài lòng lại là người hiểu tất. Người duy nhất.

Ngồi với nhau đây

Hiền như dãy ghế trong nhà thờ

Còn nhìn đi đâu

Mưa rơi tàn đêm trên biển lớn

Mai này em đã xa

Vắng em trong thành phố

Vắng em nơi dòng sông

Vắng em nơi nụ hôn

Vắng em khi tiếng hát

Thế nghĩa là chưa hết

Ngồi với sao khuya

Hồn như dãy ghế trong nhà thờ

Ấm tay lời nước mắt

Bao giờ ta có nhau?

Comments are closed.