Nguyễn Xuân Thọ
Tuần rồi vợ chồng tôi sang Berlin để thăm các thầy cô giáo đã dạy dỗ, chăm sóc tôi từ 50 năm trước cũng như tranh thủ thăm bạn bè ở Đông Đức. Dù bận rộn tôi cũng phải đi bằng được, có thể đây là lần cuối cùng gặp lại một số thầy cô đã ngoài 90. Nếu trễ sẽ ân hận vô cùng.
Chúng tôi đi máy bay giá rẻ sang Berlin, tá túc ở nhà đứa cháu, con cô bạn. Cháu Việt coi chúng tôi như bác ruột. Mỗi lần đến Berlin, cháu đều đưa đón và cho tôi mượn xe hơi để tự đi.
Việt sở hữu một cửa hàng siêu thị Nahkauf nằm lọt thỏm trong khu phố ở Berlin-Tempelhof, gia đình ở ngay trên gác, nhảy hai vòng cầu thang là xuống đến cửa hàng. “Nahkauf”, nôm na tiếng Việt là “siêu thị sát nách”, một loại siêu thị gọn nhẹ cho bà con lối xóm trong vòng 500 mét trở lại. Đây là mô hình vệ tinh của tập đoàn Rewe, tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Đức. Khách hàng và nhân viên đều là những người quanh đó nên vào ra gặp nhau nói chuyện vui vẻ như trong một cửa hàng ở làng. Ông bà Thielen, nhân viên cửa hàng từ những ngày đầu, gắn bó với ông chủ châu Á như người nhà. Bà đảm nhiệm thêm vai trò quản gia cho Việt, trong khi ông làm bảo mẫu, giúp chăm sóc cậu con trai 6 tuổi khi hai vợ chồng Việt bận bịu.
Những ngày trọ ở đây, Việt luôn chọn các món bơ, fromage, xúc xích, sữa chua, mật ong ngon nhất từ dưới cửa hàng để chúng tôi ăn sáng với bánh mỳ nóng và cafe sữa. Cháu bảo hai bác thích ăn gì tùy chọn. Tôi nói đùa:
– Sáu mươi năm mơ mộng, nay bác mới được hưởng chủ nghĩa cộng sản, ăn uống tùy thích mà không mất tiền.
Nói vậy nhưng tôi biết để có được cái cộng sản đó, vợ chồng cháu đã phải vật lộn lao động hết sức “tư bản” bao nhiêu năm qua.
Khác với cảnh xô bồ, náo nhiệt ở các khu tập trung người Việt như Đồng Xuân, Rhintrasse, cuộc sống ở khu vực này quả là êm đềm. Dù bận rộn, cứ tám giờ tối là ông bố Việt đóng của hàng, lên gác đọc cho cậu con trai một câu chuyện cổ tích trước khi đi ngủ. Cuối tuần hai bố con đạp mountain bike vào rừng chơi để cháu gần gũi với thiên nhiên.
Tôi đã giúp đỡ Việt cách đây gần 20 năm, khi cháu mới sang Đức nên biết rõ sự vất vả của cháu. Việt phải làm từ nghề rửa bát, chạy bàn để theo học ngành tài chính chứng khoán. Nhưng rồi Việt nhận thấy nước Đức không phải là mảnh đất của “The American Dream”, có thể biến thằng rửa bát thành một tỷ phú. Nay Việt đang theo đuổi giấc mơ Đức, một giấc mơ được tóm gọn trong “Mein Job, mein Haus, meine Rente” (công việc, căn nhà và lương hưu).
Giấc mơ tuy chỉ nêu các mục tiêu vật chất rất đời thường, nhưng đòi hỏi người di cư phải hội nhập toàn diện, cả về văn hóa lẫn lối sống. Không thay đổi cách sống, sẽ không có các quan hệ xã hội để bảo đảm công việc và thu nhập.
Cách cửa hàng Nahkauf không xa là cửa hàng may vá sửa chữa quần áo của một người Việt, cũng lọt thỏm trong một phố vắng vẻ. Hằng, cô chủ cửa hàng, từ Hải Dương mới sang đây cưới chồng được vài năm, nhưng đã thu hút được cảm tình của những người Đức xung quanh. Tôi tưởng trong thời buổi của quần áo may sẵn từ Á Châu tràn sang với giá 9-10 Eur thì làm sao có thể duy trì một cửa hàng như vậy. Nhưng Hằng nói người Đức rất tiết kiệm và rất thích cắt sửa các loại quần áo để mặc. Những người Đức làm công việc này không còn nhiều. Dân chúng rất mừng vì có một người nhập cư đã giúp cho họ được sống theo truyền thống. Công việc làm cho Hằng vui, vì được tiếp xúc hàng ngày với người Đức để bổ sung thêm ngôn ngữ và hiểu biết. Hiện cô phải tuyển thêm mấy bạn gái sinh viên để giúp cho công việc chạy.
Phương, em trai Việt, một cử nhân tin học có chứng chỉ Cisco Certified Internetwork Expert CCIE, được ở lại Đức dưới dạng thẻ xanh. Những năm đầu, Phương cũng thử vận may của mình để thực hiện “The American Dream”. Cậu bỏ công sức và vốn liếng ra xoay xở kinh doanh buôn bán, nhưng đều thất bại, kể cả một cửa hàng Bubble Tea (Chè Đài Loan) trị giá hàng chục ngàn Euro. Trắng tay!
Thất bại đã khiến Phương nhận ra thế mạnh của ba chứng chỉ độc cậu đang có trong tay, Cisco, Microsoft và HP. Giấc mơ Đức đã đến với Phương khi một hãng công nghệ mạng tuyển dụng cậu. Hãng loại này ở Đức không thiếu, nhưng chỉ công ty nào có nhân viên đạt những chứng chỉ trên thì mới nhận được hợp đồng béo bở. Phương trở thành bảo bối của hãng và hãng trở thành con thuyền của Phương. Cậu muốn gì hãng chiều nấy: xe Audi, lương cao, home office, các khóa đào tạo tận bên Mỹ, các đợt nghỉ kết hợp. Tuần sau Phương đưa vợ con về Việt Nam nghỉ phép, sau đó cậu sẽ sang Mỹ thi lấy thêm một chứng chỉ Cisco cho hãng.
Khu phố tĩnh mịch Tempelhof và trung tâm Đồng Xuân là hai thế giới khác hẳn nhau. Có thể coi Đồng Xuân là một hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam ở Đức. Ở đây, nhiều “Giấc mơ Việt” tiếp tục được mơ dưới bầu trời Âu. Nhiều đồng bào chỉ coi mảnh đất này là nơi kiếm tiền cho tương lai ở quê nhà. Tiền bạc dành dụm được, dù do làm ăn chính đáng, hoặc từ các nguồn thu bất minh, đều được đầu tư vào các mục đích sinh lợi ở Việt Nam, khi thì bất động sản, khi thì cổ phiếu, hoặc có khi chỉ là các kỳ nghỉ với bồ bịch tại quê nhà.
Cũng có những người không chủ trương về Việt Nam sống, vì họ đã mua nhà cửa bên này, vì vợ con đã bắt rễ vào xã hôi Đức, nhưng vẫn mơ “Giấc mơ Việt”. Họ luôn tìm kiếm niềm vui, niềm tự hào ở các sinh hoạt và thói quen tồn tại ở Việt Nam mấy chục năm nay. Trên tường một cửa hàng ăn lớn ở Đồng Xuân treo khẩu hiệu chào mừng một vị Ủy viên trung ương từ Việt Nam sang công tác ra đây ăn nhậu. Ông ta đã về nước từ nhiều hôm, nhưng khẩu hiệu vẫn treo đó như một dấu ấn của lòng tự hào. Té ra giai thoại về “không gội đầu cả tuần để giữ vết tay của bộ trưởng” lại có thật ở miền trời tây này.
Dù ở Đức hay ở Nga, ở Ba-Lan hay Tiệp, các loại hội như “Cựu chiến binh”, “Hội phụ nữ”, “Hội đồng hương” mọc lên như nấm. Nếu đồng hương tỉnh chưa đủ đã thì thêm đồng hương huyện, đồng hương xã. Lập hội thì phải có chức sắc, mà đã có chức sắc là lại có chuyện tranh giành góc chiếu giữa đình với kết cục là những cuộc sát phạt như vụ liên hiệp hội gì đó, nghe đâu hồ sơ kiện tụng đã lên đến tòa án Đức.
“Giấc mơ Việt” cũng là một giấc mơ luôn chìm trong khói nhang và tiếng mõ cầu kinh Phật. Người Việt đã mở ra rất nhiều chùa chiền ở châu Âu để một phần tận hưởng cuộc sống tâm linh mới được du nhập từ trong nước sang. Mặt khác chùa cũng là nơi để họ tìm kiếm may mắn trong kinh doanh ở xứ người. Nhiều ngôi chùa Phật giáo bên này đã bắt đầu mang mầu sắc chùa kinh tế như ở Việt Nam, nơi mà người ta hy vọng dùng tiền bạc phúng viếng cuối tuần để rửa bớt những lỗi lầm do làm ăn khuất tất trong tuần gây ra.
Trên đường chở vợ chồng tôi ra sân bay để về Köln, Chu Văn một đồng nghiệp của tôi 30 năm trước, hiện đang kinh doanh ở Berlin, ngán ngẩm than thở với tôi về những điều anh cảm nhận như trên. Đối với Chu Văn, “Giấc mơ Việt” kiểu đó đã trở thành cơn ác mộng mà anh phải giũ bỏ từ vài năm nay.
Ngày thứ bảy, vợ chồng nghệ sỹ Hùng & Hoa ở Berlin mời chúng tôi dự đám cưới cháu Chi. Tôi biết Chi từ thủa cháu còn bé và rất vui thỉnh thoảng được xem cháu đóng phim trên truyền hình Đức.
Nay cháu cưới Arne, cậu bạn học từ hơn 10 năm qua. Hùng giới thiệu ông thông gia Felgendreher với tôi. Ông bà là những người rất cởi mở và yêu văn hóa Việt. Bà Felgendreher mặc chiếc áo dài màu đỏ của mẹ cô dâu tặng. Arne rất thích đồ ăn Việt nên cậu quyết định chọn 100% món ăn Việt để đãi các bạn Đức, từ bún chả, nộm, chả lá lốt đến nem tươi mà người Đức gọi là Sommerrolle. Vui nhất là cảnh nam thanh nữ tú Đức xếp hàng chờ đến lượt mình để được chỉ dẫn gắp các loại rau, trứng, thịt, bún, xếp vào bánh đa nhúng để cuốn. Xong mỗi đứa cầm một cuốn ra đứng ăn nhồm nhoàm, có đứa còn không biết chấm nước mắm.
Kết thúc đám cưới là hòa tấu âm nhạc của hai cặp thông gia. Họ đã mất nhiều buổi để tập hòa tấu mấy bản nhạc dân ca Việt Nam bằng đàn thập lục, guitar và sáo. Một giấc mơ Đức-Việt tuyệt đẹp.
Köln 13.07.2017
PS: Tôi không viết về Giấc mơ Việt không có ngoặc kép, vì rất nhiều người Việt đang viết về nó.