Truyện
Trần Hạ Tháp
1.
Đàn bò nhẩn nha bên từng nấm mộ. Riêng gã ngồi dựa lưng vào một tấm bia đá hướng mặt lề đường. Mắt nhắm, mồm gã chăn bò vẫn ê a hát mãi. Trần dừng xe gần đó, bảo thằng bạn ngồi sau lưng:
-Mi đi vô nhanh ra, tau đợi.
Hắn chưa chịu đi, ngơ ngác:
-Mày chờ chỗ nào? Đoạn quốc lộ đâu quán xá gì, trống không hà.
-Không cần biết, cứ ra là có tau… Mi rườm rà hoa lá cành khi mô rứa? Bỏ Huế đi mấy chục năm học đâu cái tật, hở chút ngồi quán ni quán nọ. Người Huế thân là về nhà. Không chơi quán xá nghe mi. Nhớ lại chưa? Tau đứng đây hút thuốc, không đi mô hết.
Hắn mang xách tay, lấy xe rú ga chạy vào xóm tre tìm người thân sau nhiều năm lưu lạc. Lúc đi trẻ, nay trở về tóc đã thay màu, Trần biết rõ hắn vẫn chưa chút gì thanh thản. Ngoài sinh kế, hai thằng đâu có khác gì nhau về tâm tư chất chứa. Thời còn ngồi cà phê Góp Gió uống đen và năm điếu thuốc lẻ Capstan, hai đứa đèo nhau qua giảng đường Văn khoa bằng xế điếc. Mới đó…
Cho đến khi dòng đời đổi thay, sau 75 mỗi đứa một đường biệt dạng. Đằng đẵng cuộc phong trần tan hợp. Hơn nửa đời người, gặp lại nhau không đủ nói nên lời.
Thì ra, thời gian vẫn là bộ sưu tập triền miên khẳng định cô đơn của bước người giữa tiếng tru loài lang sói. Mỗi đứa riêng một nẽo hoang xứ miền và, vẫn đôi tay trơn che gió lạnh tê lòng.
2.
Trần móc bật lửa hút thuốc, nghe rõ hơn câu hát quen tai “Đàn bò vào thành phố. Reo buồn tiếng hạt chuông. Một người vào thành phố. Nghe hồn giá lạnh băng”.
Bước vô lề đường gần bụi cây, Trần xoay nhìn mặt gã chăn bò lạ hoắc. Cây roi tre khẳng khiu cắm xuống đất trước mặt gã. Một mũ lưỡi trai nhàu nát móc lên đó. Cái mũ vẫn đong đưa theo gió đồng hoang dã.
3.
Gã chăn bò vẫn hát không cần biết người tới gần trước mặt là ai “Đàn bò vào thành phố. Không còn ai hỏi thăm. Đàn bò tìm dòng sông. Nhưng dòng nước cạn khô. Đàn bò bỗng thấy buồn. Bỗng thấy buồn. Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn”.
Khuôn mặt gã sạm đen, chừng trên năm mươi hoặc sáu mươi xấp xỉ. Gã ta cao ốm, râu mép rậm điểm đã nhiều sắc bạc. Không khó để Trần nhận biết ngay gã ta cùng một thế hệ như mình.
Cảm giác chạnh lòng và câu ca ngùi ngùi màu hoang phế bể dâu “Một người vào thành phố. Đếm từng bước buồn tênh. Một người vào thành phố. Không còn ai người quen. Người tìm về đồng xanh. Nhưng đồng đã bỏ không. Rồi người bỗng thấy buồn. Bỗng thấy buồn. Người chợt nghe xót xa đất mình”.
Trần đọc thấy sau lưng gã hàng chữ khắc trên bia đá lộ ra: Thân mẫu chi mộ. Năm Ất mão 1975. Toàn gia đồng phụng lập.
Tiếng hát kiểu một mình, mình nghe. Như hơi hám của ngàn cỏ cây thoảng qua đồng, không tan loãng. Tiếng hát mãi ẩn khuất giữa mây trời, lăng mộ… Tiếng hát vỗ về ai? Hay tặng phẩm của một kẻ hát rong đang chia phần cho cả chúng… Mấy con bò già ốm o, quanh quẩn.
4.
Tiếng xe máy đã trở lại, thằng bạn Trần bước vào trố mắt nhìn quanh. Trần lặng yên khoát tay ra dấu.
Rồi hắn hiểu, cả hai cùng im lặng ngồi xuống bên một vành lăng mộ tình cờ.
Không thân thích với nhau nhưng có cần phân biệt? Khi dưới mộ vẫn là da vàng và xương trắng Việt Nam.
“Ôi quê hương đã lầm than. Sao còn, còn chiến tranh. Mẹ già hết chờ mong. Đã ngủ yên… Mẹ già mãi ngủ yên”.
Xách tay thả xuống đất, trong còn lòi ra ống kính tele máy chụp hình loại xịn. Thằng bạn Trần trụt xuống đất, như một kẻ mất hồn mắt trừng trừng xuyên ngọn cỏ. Hắn đã quên, không chụp hình như hôm nào vừa mới bước xuống xe. Chợt ôm choàng lấy lăng mộ của người ta, đôi vai thằng bạn Trần rung lên bần bật.
“Buông lời ru cho muôn năm… Buông vòng nôi cho hư không. Cho hư không buông bàn tay… Con đi hoang. Con đi hoang một đời. Con đi hoang phận này”.
Tiếng khóc của thằng bạn Trần buông ra, xới lên không kìm hãm được như nước tràn bờ.
Gã chăn bò mở mắt ra nhìn vào khoảng không, ngừng hát. Trần lóng cóng chưa biết nói gì. Gã chăn bò ngồi dậy bước ra, cúi xuống lượm điếu thuốc thằng bạn Trần vừa buông rơi lên cỏ.
Đưa nguyên gói lẫn Zippo ra trước mặt, Trần nói ngay:
-Mời anh, xin lỗi. Hắn… thằng bạn tôi gần ba mươi năm xa xứ mới về.
Gã chăn bò từ chối không ngần ngừ:
-Cám ơn, bỏ lâu rồi. Mà cái ni – gã chăn bò đưa mẩu thuốc lá còn bốc khói về phía cái mũ lưỡi trai đang đong đưa trên cây roi cắm đất:
-Tui lượm mời hắn đây, thằng nầy. Chừng đó đủ rồi. Hắn là ai à? Là hiện ảnh: Cái thế đứng điêu tàn giữa trùng trùng thân phận…
Một lỗ thủng ở mũ lưỡi trai, vừa vặn để gã chăn bò chui thẳng mẫu thuốc vào đó mặc cho đến khi tàn lụn lấy. Khói um nhẹ đựng đầy lòng chiếc mũ. Kiểu mời hút thuốc ngược kì dị, nhả khói vào bên trong, hướng nội. Xoa tay, gã chăn bò lầm bầm nói với cái mũ lưỡi trai chắc cú, rõ ràng:
-Yên tâm đi mày. Ngẩng đầu lên. Tau lượm mót, vẫn chưa từng cúi xuống xin ai. Mời…
Trần đứng dậy, gật chào gã chăn bò trước khi gã ta lại tiếp tục dựa bia mộ, mắt nhắm và một bài ca khác tình cờ vừa chợt đến:
“Cúi xuống cho máu ngược dòng. Cho nước sông cạn nguồn. Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ. Cúi xuống cho bóng đổ dài… Cho xót xa mặt trời… Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha… Cúi xuống”.
5.
Hai đứa bước ra quốc lộ chở nhau về. Thằng bạn úp mặt sau lưng Trần, co ro không thiết chuyện trò. Tới nhà, hắn nằm hết buổi trưa không đi đâu một bước. Hoàng hôn, hắn chợt hỏi khi ra ngồi mái hiên lặng lẽ nhìn trời:
-Ông ta quen khi nào? Hình như cũng không thân mày gì lắm.
-Ai nói tau quen? Tình cờ nghe, nhảy vô đứng một chặp mi về. Tau gặp cha nớ lần đầu. Tên tuổi biết chi mô, lạ hoắc.
Thằng bạn ngớ người:
-Chết mẹ. Tao cứ tưởng…
Hắn còn mãi nỗi bồn chồn không tìm ra giải thích:
-Ô, mấy con bò, bia mộ, mũ lưỡi trai và cây roi trước mặt… Lời và kiểu hát hoang vu hết chịu nổi. Được khóc xong, tao mới thấy nhẹ trong lòng. Đâu người hát rong nầy thôi mày, ngay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước đây tao đã gặp qua nhưng vẫn chưa bao giờ quen biết.
-Cần chi quen biết. Mà quen biết thì ra răng? Kẻ hát cứ hát, ai nghe cứ nghe không lập trình sửa soạn. Đừng lộn sòng chuyện biểu diễn nhạc show với phơi-bày-Tâm-thức-Việt. Nhạc Trịnh cho tất cả con người và đất nước Việt Nam. Là giây phút đồng cảm bất ngờ, mi vượt mọi qua phân để nhìn ra cùng thân phận… Quen biết Trịnh Công Sơn làm chi mi? Điều quan trọng có hay là không? Với ông ta, đồng cảm.
-Nhạc Trịnh, kiểu khai thị một phần Tâm-thức-Việt.
-Mi chộ đó, cho những ai vốn chưa biết nhau – khách quan – cần trải qua và tự chứng. Đã quen biết, tính bất ngờ của khai-thông-bùng-vỡ sẽ không tồn tại đủ như ý thức Trịnh Công Sơn hằng chú trọng.
Thằng bạn lôi ngay chai uýt ky trong xách còn đầy ra năn nỉ, vẫn cái tật lần đân:
-Cho rót ly. Không cho tao cũng uống.
Trần ngó hắn, cười khặc khặc:
-Rượu của mi ưa uống mấy, kệ chó mi. Tau thì một ly thôi. Đừng có say khóc lóc giống y con nít báo hại tau. Sáng ni khóc chưa bưa à?
Thấy hắn lễ mễ bày ra đến bốn cái ly cơ đủ bộ, Trần trợn mắt:
-Bốn ly ai uống đây? Đừng có bốc. Nửa chai thôi thằng điên, còn đưa tau cất.
Thằng bạn Trần cầm chai rượu bằng cả hai tay đứng dậy, nói không hề cười cợt:
-Một, để kính Tâm-thức-Việt cái căn cốt hồn thiêng trong nhạc Trịnh. Một, để kính người hát rong bên mộ bia tình cờ hồi sáng sớm. Hai người mà kẻ rót rượu, tao đây vẫn chưa hề quen biết. Nhưng không sao. Tao cứ mời theo cung cách riêng tao.
Hắn vẫn đứng, mắt chăm chăm nhìn vào hai ly rượu đặc biệt. Trần đứng dậy, kéo thêm hai ghế trống đặt xoay vào hai ly cơ đang được rót… Trước khi ngồi xuống, hai thằng cùng nâng ly nốc cạn.
(Thành nội Huế. 24/01/2011)