(Để tưởng nhớ Lê Thánh Thư, vừa tạ thế vì Covid 19 ngày 16/7/2021)
Nguyễn Viện
Tôi không nhớ đã quen Lê Thánh Thư từ khi nào và đã đọc thơ Thư từ bao giờ, nhưng tôi không thể quên lần gặp Thư tại một quán café bên Chánh Hưng Q.8 cùng bức tranh Thư mới vẽ, những năm đầu sau 1975, do nhà thơ Trần Hữu Dũng và Ngô Nguyên Nghiễm rủ đi. Có lẽ đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của Thư. Tôi cũng không hiểu tại sao Thư lại mở rộng lãnh địa của mình từ thơ qua hội họa. Lúc đó, họa sĩ không phải là một nghề hứa hẹn cũng như tất cả mọi kiểu văn nghệ sĩ khác, nếu không muốn nói là một loại nghể tiềm ẩn rất nhiều tai họa, ngoại trừ những kẻ cơ hội như bọn 30 tháng tư đeo băng đỏ.
Không trường lớp, hội họa Lê Thánh Thư chập chững từ gian khó của cuộc sống mà sau này anh đã thú nhận, hội họa đã cứu rỗi anh. Tất nhiên, tranh của Thư ngày ấy buồn cười nhưng dễ thương. Điều gì khiến một tay ngang như thế dấn bước vào một lãnh vực đòi hỏi phải có một kỹ thuật vững chắc? Tôi tin rằng Lê Thánh Thư phải là một người tự tin quyết liệt.
Vốn là một nhà thơ, tranh của Thư đầy chất thơ ngay cả với những bức tranh mang tính thời sự nhất. Một cách nhất quán, thơ và tranh của Thư thơ mộng đến mơ màng, đồng thời quằn quại nỗi đau nhân thế. Tuy nhiên, người ta có thể tìm thấy trong thơ Lê Thánh Thư đâu đó cái châm biếm cay đắng, nhưng hội họa của Lê Thánh Thư thì tuyệt đối không. Lê Thánh Thư không muốn cái đẹp bị hoen ố.
Và Lê Thánh Thư đã thành công một cách ngoạn mục. Anh hai lần đoạt giải Mỹ thuật Việt Nam Phillip Morris 1996 và 1998, giải triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001-2005. Anh cũng đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế, đặc biệt tranh của anh rất được người Nhật ưa chuộng.
Một nhà sưu tập người Nhật, ông Yukio Ogushi đã dành tình cảm đặc biệt của mình cho Lê Thánh Thư.
Trong một lần đến thăm Lê Thánh Thư gần đây tại nhà của anh trong khu cư xá Kiến Thiết đường Lê Văn Sỹ – Tân Bình, anh bảo ngôi nhà này do anh mua được hoàn toàn bằng tiền bán tranh. Đó là một kết quả đẹp không phải họa sĩ nào cũng làm được. Nhất là, những người làm nghệ thuật như thế hệ chúng tôi. Trước 1975 thì chưa kịp làm gì. Sau 1975 mọi ước mơ đều đứt gãy. Nhưng hi vọng thì vẫn cứ phải hi vọng, tự tin và phấn đấu. Tôi nhìn những bức tranh từ sơn dầu trên vải đến acrylic trên giấy đang được đóng gói, Thư bảo gởi đi Nhật. Cứ cái nào ưng ý thì đóng gói gởi đi. Được bao tiêu, sướng.
Lê Thánh Thư vẽ hàng loạt theo từng chủ đề như không gian sống, bao gồm loạt tranh mô tả đô thị thời mở cửa và cõi người ta xô bồ. Anh cũng có những loạt tranh phong cảnh như rừng mía, mùa lúa và sông nước. Tất cả mang tính ý niệm và trừu tượng biểu hiện. Ngoài ra, Lê Thánh Thư cũng đã vẽ hàng loạt tranh về Chúa Giêsu khổ nạn, có thể do một nguồn cơn của con đường tu hành dang dở. Đây là một trong những lý do anh được mời sang Đức để vẽ tranh cho nhà thờ.
Cho dù là thời sự, tôn giáo hay cái muôn thuở của phong cảnh, Lê Thánh Thư không mô tả như pop art mà tranh của anh mang hàm lượng của sự cảm nhận trong bản chất sự vật, sự thế một cách triết lý. Nó mang đến cho người xem những dự phóng vượt thoát của tình cảm cũng như tư tưởng mà nó có thể gợi lên.
Hòa sắc nhẹ nhàng, đường nét đơn giản nhưng hội họa Lê Thánh Thư là một không gian đầy sáng tạo, phóng túng và khác lạ nhưng cũng hấp dẫn như một nhan sắc bí ẩn.
(17/7/2021)
THƠ LÊ THÁNH THƯ
(Nguồn Tienve.org)
ĐỌC TRẠI SÚC VẬT CỦA GEORGE ORWELL
Thứ hai xúm xít đọc trại súc vật
thứ ba xăm xúi nhai trại súc vật
thứ tư xăng xái uống trại súc vật
thứ năm xèn xẹt photocopy trại súc vật
thứ sáu xéo xắt chuyền tay trại súc vật
thứ bảy xì xèo giấc mơ trại súc vật
chủ nhật váy xập xoè tiếng xoen xoét đi xăm xúi nhà xốc xếch khua xủng xoảng người xạo xự kẻ xàu xò chó xăm xăm trại súc vật
Thưa các đồng chí xanh xao
giấc xập xình
buổi xâu xé
nơi đây
trại súc vật
mọi con vật đều bình đẳng
nhưng
một số con vật bình đẳng hơn
những con khác
Thưa các đồng chí xớn xác
ới ời
ởi ởi
ời ơi
này các đồng chí xương xẩu
muôn năm
xoay xoành xoạch
mồm xuýt xoa
chạy xáo xác
nơi đây
súc vật và người
không còn phân biệt được ai là ai
Không ai nhìn ra ai trên mảnh đất này ai ải ài ai.
BẾP LỬA QUÊ NHÀ
Bếp lửa quê nhà
quạnh quẽ
mùi lá khô cây khô cỏ khô da khô máu khô thôi thúc cháy
chữ nghĩa cong khô vặn vẹo nằm phơi nắng cả
bút mực cũ càng chỏng chơ bụi bặm góc nhà
thân phận lưng cơm
chén cháo
trầy trật lưng người
đủng đỉnh
chiều chim hót
đủng đỉnh
đêm chó tru
đủng đỉnh
mọi giấc mơ hẩm hút xâu thành chuỗi gác trên chái bếp
mọi chữ nghĩa vo tròn rạc rời ném vào lửa cháy thành tro
Bếp lửa nằm co
kẻ về người đi
bí ẩn bờ ao nẻo đường rập rình ngọn đèn ám hiệu
giấu lửa chuyền tay hẻm tối quán vắng
năm tháng phận bạc
ao tù
mọi giấc mơ đành mượn gió đi rong
mọi chữ nghĩa đành tẩm quất phận mình
ngày tháng khan khan
tiếng nói khàn khàn
nằm nghe
đứng nghe
đi nghe
ngồi nghe
chạy nghe
rình nghe
nấp nghe
im nghe
lặng nghe
người ngây quần quật điêu đứng…
THÁNG THƯƠNG KHÓ
Hãy bằng lòng với nhau nhé tháng tư
chúng ta vo tròn lời nguyện ngắm bên mười bốn chặng đàng thánh giá khổ nạn
tháng sám hối khóc lóc và cắn răng
mỗi người giấu kín một thiên đàng
mỗi người nín lặng nhai bóng tối trần gian đầy mụ mị này
Mỗi người đi qua mộng mị qua rừng qua núi qua biển qua chiến thắng qua thất bại qua hành hương
chúng ta câm lặng trước họng súng kẻ thù trước kẻ bị đày ải trước người bị bắt bớ trên đường phố
chúng ta đi qua hoàng hôn quê nhà buồn thảm
đời sống mỗi ngày một ngạt thở vì lời kêu gào bình yên của cư dân
đời sống vùi chôn sự mới mẻ của mật ngôn bầy đàn
bóp nghẹt khí hậu tháng tư thương khó
Chúng ta tưởng nhớ tháng tư xanh mộ
tấm gương phản chiếu mỗi ngày già nua bệnh hoạn lầm lạc mịt mù
chúng ta bất động từng ngày
chúng ta cần sống cần thở cần tự do
trước tháng tư thương khó mật dụ này
Chúng ta mong bình yên trước khi trời sáng
tháng tư thong thả mà giam hãm
chúng ta nhẫn nại với nỗi đau dao cứa
mỗi ngày buồn mửa trước bình minh
Chúng ta thoát ly & sống sót
mỗi ngày sống lạnh chết lạnh
bên người lạnh khí lạnh máu lạnh tình lạnh cùng mật ngữ lạnh
tháng tư.
4/2012
XỨ SỞ
Tôi cư dân từ xứ sở lao động là vinh quang
sống không có việc gì làm
thường lang thang thường tàng tàng thường nghênh ngang
tháng ngày mãi chìm sâu trong lòng giếng lạnh.
Chiêm bao tôi thường mơ thấy xe tăng máy bay bom rơi đạn nổ và những
tượng đài chiến thắng
mơ thấy phút giết người giết thần thánh giết cái đẹp giết chữ nghĩa
những cư dân lam lũ đang ăn không khí nhiễm độc và ăn nắm đấm
những cư dân bầm dập sống trong sợ hãi sống trong hẻm vắng sống
đầu đường xó chợ
mọi giấc mơ khép kín sáng lòa và tăm tối.
Tôi từ xứ sở sống chiến đấu học tập theo tấm gương
mạng người bị dốc ngược thân tàn ma dại
đời sống còn lại là những đôi mắt uất ức ráo hoảnh và mở rộng
những câu hỏi trả lời
những công khai bí mật
từng ngày
mất nhà
mất đất
mất biển
mọi giấc mơ khép kín
trong lời kinh chay tịnh.
Lạy chúa
lạy phật
chúng con là người câm nín lặng im
khát vọng muôn đời treo trên thập tự
tự do
tự do
người người vừa thèm khát vừa khiếp sợ.
Xứ sở này một mình một chợ
một bãi đìu hiu
người người rúm ró lột da tìm nơi an nghỉ mới.
***
MỌI NGÀ Y
1.
Mọi ngày như con thú bị nạn
tôi tự liếm vết thương
tâm hồn & thân xác tôi bị nhiễm độc
mọi ngày có thể thơ mộng có thể tuyệt vọng có thể không
mọi ngày có thể bị chụp mũ phản động có thể bị khủng bố có thể không
mọi ngày có thể thương khó có thể đàn áp có thể theo dõi có thể hành hung
có thể báo thù có thể không.
Tôi không nơi chốn
tháng ngày này có thể chết có thể sống có thể không.
2.
Thuốc gia tuyền trong uống ngoài thoa
tôi thoa lên người những bức bối của đời sống của tội ác của giết người
của chính trị của bắt bớ của giam cầm…
và uống cạn chén đắng mọi ngày nơi đây.
Mọi ngày tôi mơ những giấc mơ không phải của mình
Và gọi tên những hy vọng thăm thẳm từ giếng sâu.
Mọi ngày quạnh hiu tôi quá lửa.