Liều

Truyện cực ngắn Phùng Thành Chủng

Cực ngắn nhưng vẫn gợi liên tưởng tới nhiều chuyện đang xảy ra chung quanh chúng ta, trong cuộc sống đời thường.

Rất “đời thường”.

Văn Việt

Trà không dư, tửu chẳng hậu. Mới vài vại bia, Lý và Sự đã người qua kẻ lại cùng nhau chém gió.

Lý: “Mấy hôm nay, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về ý tứ của câu tục ngữ “Bán trời không văn tự…”.

Sự: “Thì có gì mà phải ngẫm với nghĩ! Chẳng qua là để nói về những thằng liều!”.

Lý: “Nhưng liều thế là liều khôn!”.

Sự cười: “Đã liều lại còn liều khôn!”.

Lý: “Này nhé! Thứ nhất, trời thuộc “sở hữu toàn dân” chứ không phải sở hữu của thằng bán. Thứ hai, tuy thuộc “sở hữu toàn dân” nhưng vô khứ, vô lai, vô hình, vô ảnh. Lại nữa, nếu nói về tâm linh thì trời thuộc phạm trù “văn hóa phi vật thể”. Vậy mà nó đem bán cái “sở hữu toàn dân”, cái “vô khứ, vô lai, vô hình, vô ảnh” thuộc văn hóa phi vật thể, chẳng văn tự, văn khế gì ráo trọi (bởi có văn tự thì khi bị phát hiện hoặc có người tố cáo sẽ can tội lừa đảo). Nghĩa là bán cái không phải của mình, rủng rỉnh có tiền bỏ túi mà lại yên tâm ở ngoài vòng pháp luật! Vậy mà, ai cũng cho như vậy là liều, nhưng theo tôi như thế là khôn! Mà đã khôn thì không thể gọi là liều!”.

Sự ngẩn ra: “Vậy như thế nào mới gọi là liều?”.

Lý: “Cho nên ẩn ý của câu tục ngữ “Bán trời không văn tự” là không để chỉ thằng bán mà phải nói thằng mua mới đáng gọi là liều!”.

Comments are closed.