Miền Hoang Tưởng (kỳ 5) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

VII

 Ngà ơi!

Có phải em đang ngủ mê? Cơn ác mộng đã đến với em. Tỉnh dậy đi em ơi! Anh không dối trá em đâu; Cái ba lô gia tài anh trống rỗng, nhưng chắc chắn rằng nếu nắm tay nhau trên đường đời, chúng mình sẽ giầu có vô cùng.

Em định lấy Mai ư?

Em bé bỏng sao dại dột! Em không sống được cùng sức mạnh cuống nộ đâu. Cái nôi của đời em phải được lót bằng yêu thương dịu dàng. Con vượn ở trước nhà em đã về nói với anh trong giấc mơ:

Tôi với anh cùng một kẻ thù.

Tôi chẳng hận thù.

“ Mai sẽ cướp mất cô Ngà của anh, cũng như đã cướp mất chồng tôi, con tôi. Đó là món nợ máu.

  “ Đừng mờ mắt về sự hận thù. Cái vui của kẻ ác không bền. Máu không rửa được hận.

  “ Anh là thằng ngốc.

….

Ngà ơi! Em định lấy Mai ư?

Nếu lòng em đã quyết thì em bảo Mai chẳng cần phải gặp anh nữa. Gặp để làm gì? Chẳng cần giáp mặt nhau để nói lên những lời ngu xuẩn, anh không phải là người cần sự an ủi, cũng chẳng phải là người sợ sự đe dọa, cũng chẳng phải là kẻ di cuồng cứ phải bám lấy những ảo ảnh đã tắt.

Ngà ơi! Em định lấy Mai ư?

Thì em hãy bảo anh ta thôi đi những trò xúc xiểm. Vừa rồi Mai đã cho người đến trường nhạc, đến khối phố để điều tra về anh. Hắn đã biết được hiện nay anh thực sự không học trường nhạc, mà cũng chẳng có nơi ăn chốn ở. Hắn đã biết được anh nói dối em.

Anh đã dối trá em, Ngà ạ. Hiện nay, anh không có một chỗ đứng dù là bé nhỏ. Trước mắt anh, cũng chẳng có một tương lai nào đón chờ. Anh đã bỏ hết tương lai, bỏ hiện tại êm ấm để được về Hà Nội, để được học nhạc, được làm nhạc. Anh thi đỗ vào trường nhạc, nhưng không được nhập học, vì Tây Bắc không cấp giấy cho đi. Hiện nay anh là kẻ lang thang. Một thằng ma cà bông chính cống. Chỉ có khác, đó là thằng ma cà bông rất thân thiện, và mang trong lòng bao nhiêu ước vọng đẹp đẽ.

Anh nói dối chỉ vì anh yêu em quá. Con chim trắng thơ dại của anh ơi! Anh biết là sẽ mất em, anh ngu ngốc, anh nói dối chỉ để cố giữ em lại bên anh một khoảng thời gian nào đó. Ở những mặt nào đấy, anh là người nghị lực, nhưng đối với tình yêu em thì anh lại yếu đuối vô cùng.

Chim ơi! Em cứ bay đi! Bây giờ em đã hiểu hoàn toàn sự thật rồi đấy. Không phải anh viết lá thư này để cố nài em lại. Anh nói ra, để khi em bay đi lòng chúng ta hoàn toàn thanh thản hẳn với nhau. Chim ơi! Hãy cố bay thật xa. Anh cũng còn chút lo lắng, vì cái xứ sở hạnh phúc của em sắp đến còn có lắm sương mù. Sương mù đẹp nhưng đáng ngại. Dù sao anh cũng vẫn tin là con chim nhỏ của anh sẽ có hạnh phúc. Anh tin vậy vì biết em là người đôn hậu.

Vĩnh biệt con chim nhỏ yêu thương.

Em hãy bay xa.

Lá thư không gửi

Đó là lá thư cuối cùng tôi đã gửi cho Ngà, Tôi biết rằng Ngà sẽ không trả lời tôi nữa. Những người bạn ở Tây Bắc về, báo tin cho tôi Ngà sắp lấy Mai. Biết như vậy, song tôi vẫn cố hy vọng, cố chờ đợi một lá thư. Nỗi đợi chờ làm tôi mất ngủ mấy đêm. Mấy đêm đó, tôi sống hoàn toàn như một kẻ ma cà bông.

Tôi không đến nhà Hưng nữa, vì bữa cơm hôm trước làm tôi hổ thẹn vô cùng. Tôi cũng không đến nhà Minh vì tôi biết anh vừa mua hai sê-ri sơn dầu, tiền anh đã cạn. Tôi không đến nhà bạn bè nào khác, tôi đi ra ga.

Tôi đến ga Hàng Cỏ đúng lúc đồng hồ chỉ 12 giờ đêm.

Những phiền muộn xô tới ào ạt quá làm tôi cảm thấy như tuyệt vọng, cô độc. Cần phải tìm đến đám đông, cần phải tìm đến một nơi luôn luôn có sự hoạt động, có những nỗi khổ của kẻ khác, con người dễ cảm thấy nỗi khổ của mình được chia sẻ và vơi nhẹ.

Một người đàn bà đang ôm một đứa trẻ gầy gò, nhễ nhại khóc.

Một đoàn nông dân, đi mua sắm chống đói từ mạn ngược trở về, họ gánh sắn trên vai ào ào chạy trên sân ga.

Một bà cụ già ôm một chú lợn nơi ngực, vừa đi vừa mời khách qua đường: “Mua lợn đi, tôi đi thăm con sắp sửa vào B. Hết tiền đi đường tôi bán rẻ.”

Tiếng khóc, tiếng gọi nhau, tiếng chửi rủa, tiếng quát mắng, tiếng mặc cả, tiếng cười, tiếng chí chóe tục tằn… Hỗn độn âm thanh!

Vải ni lông màu cá vàng, màu da trời, quần simili màu lông chuột, áo bộ đội sờn vai, những cái yếm cháo lòng, những chiếc sơ mi valide Hoàng Yến, bên trong ẩn hiện một màu da trắng muốt, những chiếc áo nâu loang lổ, vai bạc phếch đẫm mồ hôi muối… Tổng hợp sắc màu!

–         Mời bà mua gà mái tơ!

–         Sáu đồng một cân nhé.

–         Dừa Thanh chính cống, một đồng một quả.

–         Ngỗng sư tử, giống Trung Quốc đấy.

–         Lợn lai kinh tế của em 15 cân đấy. Năm chục thôi à? Chả đủ tiền cám!

–         Định ăn rẻ hả? Định bóc lột lúc đói kém hả? Đồ tư sản!

–         Ai cho phép chị mua mì? Mua bán lương thực là phạm pháp.

–         Không nói lôi thôi, mời lên đồn.

–         Em lạy anh, em van anh! Tha cho em đừng bắt. Cả nhà em đang đói. Đây giấy của xã cấp cho em ra đong mì…

  Tôi ngồi ở thềm ga, cừa nghe, vừa ngắm nhìn những cảnh đời thê thảm ấy, và chợt thấy lòng mình vơi nhẹ.

  Một giọng nói trầm trầm ở ngay bên tai làm tôi giật mình:

–         Xin anh cái lửa.

Tôi quay lại. Một người đàn ông khoảng trên ba mươi tuổi như tôi đã ngồi bên cạnh tự bao giờ không biết. Anh ta ăn mặc sạch sẽ, lịch sự, không kiểu cách lắm, cũng không cổ lỗ lắm. Tôi đánh diêm. Anh ta châm thuốc, cảm ơn rồi hỏi tôi:

–         Anh chờ tầu nào?

–         Tầu Phòng. – Tôi nói dối, lúng túng.

–         Tầu Hải Phòng chạy lúc nãy mà.

  Tôi cười. Tôi càng lúng túng hơn và nói dối tiếp:

–         Tôi đưa một anh bạn ra ga. Tầu chạy, tôi ngồi nghỉ ở đây một lát.

–         Xin lỗi anh! Tầu Phòng chạy đã đúng ba tiếng – anh ta nhìn đồng hồ đeo tay. Giọng nói anh ta như có chút giễu cợt. Thế ra ông ngồi đây chơi đã tròn ba tiếng. Chắc ông là nhà báo ngồi quan sát dân tình. Nói xong anh ta cười mỉm, cái cười vẻ bề ngoài lễ độ, bề trong xấc lấc.

  Tôi đâm ra cáu kỉnh:

–         Xin lỗi anh! Đề nghị cho tôi được ngồi yên một chút. Tôi nghĩ đó là quyền tự do của tôi.

  Tôi nói vậy, tưởng anh ta sẽ mếch lòng bỏ đi, nhưng anh ta đã không bỏ đi, mà lại còn ghé vào tai tôi nói vừa đủ cho tôi nghe rõ:

–         Thưa ông, nếu không có nơi ngủ thì xin ông cứ tự do sử dụng quyền tự do của mình.

  Tôi giật mình, nhìn chằm chằm vào người lạ mặt kia. Anh ta bỗng nghiêm trang với giọng ôn tồn:

–         Tôi xin lỗi đã làm anh cáu, nhưng quả là tôi muốn giúp anh. Tôi chắc chắn là anh đang cần chỗ ngủ mà ở thềm ga này, thì ngủ không tiện đâu. Nếu anh cần tôi sẽ dẫn đến chỗ ngủ tốt ở ngay đây.

Tôi ngạc nhiên, không hiểu con người mới lạ này là ai? Trong óc tôi, chợt thoáng chút nghi ngờ, và anh chàng kia đã đoán được ra ngay:

–         Tôi không phải là “mú” đâu.

–         Anh là ai?

–         Một “phó thường dân”.

–         “Phó thường dân”?

–         Nghĩa là một con người không hộ khẩu, không sổ gạo, không gia đình, không có một nhiệm vụ và quyền lợi nào như người thường dân, nên được gọi là “phó thường dân” hay nói nôm na, tôi là một thằng ma cà bông kiểu mới.

Tôi ngốc nghếch buột miệng cười:

–         Thế thì tôi cũng là “phó thường dân”.

–         Hừ, kể ra tôi đoán tướng cũng giỏi đấy chứ. – Chàng lạ mặt, gật gù như đắc chí. – Nhìn cái dáng anh ngơ ngác ngồi, tôi nhận ra ngay người cùng chủng loại. Có cái gì côi cút trên gương mặt anh. Nhìn anh, tôi chợt nhớ lại tôi hơn một năm về trước…

  Nghe anh ta giãi bầy, tôi chợt như hối hận. Tại sao tôi lại khờ dại thổ lộ tình cảm của tôi với một người lạ mặt? Nhỡ ra anh ta làm một người tồi tệ thì sao? Cuộc sống được chăng đầy cạm bẫy, bịp bợm, nhưng hối tiếc sự lỗ lời ấy làm gì? Bởi vì thực chất tôi đã là một “Phó thường dân”. Tôi còn có gì trên đôi vai trần trụi này để người khác có thể lừa bịp và chiếm đoạt của tôi. Chẳng qua tôi là một kẻ trần trụi, nhưng vẫn còn mang nặng trong mình tâm lý của một anh có của, hoặc của một anh còn đẩy đủ quyền lợi công dân. Của nả tôi chẳng có, quyền làm người thường dân tôi cũng chẳng còn. Vậy thì tôi cũng chẳng cần thổ lộ cũng chẳng cần hối tiếc gì về sự lỡ lời của mình. Trong tôi, tuy thế vẫn còn sự giằng xé. Tôi tự nhủ thầm: “Hiện nay xã hội không công nhận ta, nhưng dù sao ta vẫn là một con người. Ta được tự do nhưng chính vì thế trách nhiệm làm người lại càng khó khăn hơn vì mọi quyết đinh đều do ta lựa chọn. Ta có thể bước trên một con đường rất đẹp, nhưng chỉ một sẩy chân ta cũng dễ sa vực lầy”.

Những suy nghĩ làm tôi bình tĩnh hơn, tự tin hơn.

Người bạn mới của tôi thật tinh, anh ta đã dự đoán hết được ý nghĩ của tôi. Anh cười, giơ bàn tay thân thiện cho tôi nắm:

–         Anh là người bối rối tinh thần…anh cần phải thổ lộ và cần phải có những người bạn hiểu anh, giúp anh. Anh chưa tin tôi? Cái đó dĩ nhiên. Nhưng chắc chắn rằng là hiện nay anh đang đói và cần ngủ.

Người bạn mới lặng lẽ lấy ở túi xách ra một chiếc bánh mì, bẻ đôi đưa cho tôi một nửa. Anh ta vừa nhai bánh, vừa nói:

–         Phải no bụng trước đã, sau đó mới là chỗ ngủ.

  Tôi đói dã hơn một ngày nên nhai bánh ngấu nghiến và ngon lành. Hai đứa chúng tôi nhìn nhau cười. Cái bánh mì đã xóa bớt sự dè dặt, đã làm cho chúng tôi xích lại nhau một cách tự nhiên.

–         Tên anh là gì?

–         Tên tôi là Tư.

–         Còn tôi là Ngọ.

Nhìn chiếc áo bộ đội cũ của tôi, Ngọ nhận xét:

–         Chắc anh đã là bộ đội, đã chiến đấu trong B?

Tôi gật đầu rồi cười:

–         Làm sao anh đoán được tôi đã vào Nam?

–         Trông anh khắc khổ, phong trần quá. Đôi môi vẫn thâm xịt da còn

vàng bợt, di chứng của những cơn sốt rét Trường Sơn.

–         Chắc anh cũng đã là lính?

–         Tôi ở B được 5 năm.

Chúng tôi làm quen với nhau theo một kiểu rất lính. Nghĩa là không ai bảo ai, chúng tôi đều tự khai lý lịch cho nhau nghe. Đó là thói quen của những con người kề bên cái chết. Người ta cần những người bạn đáng tin cậy, người ta cần những hiểu biết và một con người mà vài phút sau là một cái xác được vùi ở giữa rừng. Khi ấy ít nhất trên cái mộ chí bằng gỗ ta cũng có thể nguệch ngoac vài chữ để vong linh kẻ đó đỡ tủi. Vì vậy nên ngồi ở thềm ga, hai chàng cựu binh Trường Sơn đã bắt đầu chia nhau mẩu bánh mì rồi bẻ đôi điếu thuốc Điện Biên phì phèo hút và tâm sự.

Ăn xong, Ngọ dẫn tôi đi khắp các buồng chờ ở nhà ga. Anh chỉ những góc tối, vắng người ngồi giảng giải:

– Đừng ngủ ở các chỗ này. Ở chỗ tối vắng, ngủ chắc ngon, nhưng đó là nơi được người ta chú ý đến nhiều nhất, Những cuộc lục soát bao giờ cũng bắt đầu từ đây. Đang ngủ ngon, bỗng dưng bị dựng dậy, rồi bị hỏi lục vấn, tôi không thích.

Anh chỉ cho tôi những chỗ đầy sọt và gồng gánh của bà nạ dòng đi khai hoang, nói tiếp:

– Chỗ này chẳng ai thèm chú ý, nhưng ở đây nhiều trẻ con quá nhoe nhóe suốt đêm, ngủ sao yên?

Anh dẫn tôi đến chỗ mấy gánh chiếu:

– Tôi thích ngủ nhất chỗ này. Ánh sáng vừa đủ không tối, không sáng, lại có chiếu của mấy tay lái buôn, ta đắp nhờ tha hồ ấm.

Ngọ lấy từ túi xách ra một mảnh vải rộng:

– Chăn dã chiến đấy. Dưới cùng mảnh vải là một cái túi, ta luồn chân vào bảo đảm ấm đôi chân. Vải dài có thể trùm đầu. Mượn thêm cái chiếu phủ lên trên… thứ túi ngủ do tôi sáng chế. Hôm nay ngủ chung, sau này, anh cũng nên sắm một cái túi ngủ như vậy… Đời dã chiến như tụi mình chắc còn dài.

 Đêm hôm ấy, Chúa lại về trong giấc ngủ ga của tôi. Chúa Trời hiền từ an ủi:

– Ta biết con đang gặp rủi ro. Con thất vọng ư? Người yêu con đi lấy chồng ư? Đó mới chỉ là sự trừng phạt ban đầu của Chúa để nhắc nhủ cho con chiên lạc biết quay đầu trở về với bầy. Chỉ cần con biết hối cải, biết sửa mình là cửa thiên đàng lại rộng mở trước mắt con.Quỷ dữ đang nắm tay dắt con đi. Con hãy mau tránh xa nẻo đường ấy. Đó là con đường thất vọng.

– Ông nhầm rồi, tôi không hề thất vọng. Hãy sờ vào trái tim tôi. Trái tim này đương rộn ràng phấp phỏng. Một trái tim thất vọng, lúc này sẽ đập rã rời. Còn trái tim tôi thì đang chờ đợi.

– Anh đợi cái gì?

– Tôi ra ga, chờ đợi những con tầu. Ông nhìn quanh tôi mà xem. Cũng như tôi, biết bao người cũng đang chờ những con tầu. Một lần thất bại giống như một lần nhỡ tầu. Nhưng ở ga, đâu phải chỉ có độc nhất một con tầu đến. Kìa! Người ta đang nhốn nháo! Một chuyến tầu sắp tới…

Ngọ lay gọi tôi:

–         Dậy đi! Dậy mà xem. Tầu Đồng Đăng sắp chạy.

  Giọng cô phát thanh viên nhà ga ngái ngủ, đều đều nói như một lời tụng kinh: “ Quý khách đi tầu Đồng Đăng chú ý! Quý khách đi tầu Đồng Đăng chú ý! Còn 15 phút nữa tầu chuyển bánh. Quý khách ra ga cần xếp hàng trật tự ở phía cửa ga. Quý khách có con nhỏ, phụ nữ có thai, thương binh xin mời đi cửa ưu tiên…”

  Nhà ga nhộn nhạo, linh hoạt hẳn lên. Cái ngái ngủ của ga đêm chỉ trong giây lát bỗng tan biến. Có sự chuyển động những ngọn đèn vàng khè cũng bỗng như sáng thêm. Tiếng hò hét, tiếng í ới gọi nhau, tiếng trẻ con khóc bỗng rộn ràng. Còn những mười lăm phút nữa. Rõ ràng ai cũng kịp tàu nhưng người nào cũng vội vàng hối hả với tâm trạng sợ nhỡ tầu. Tầu đến, ai ai cũng như sung sướng thêm một chút. Hạnh phúc thay sự chuyển dịch!

  Ngọ thì thầm:

–         Tôi ngủ ga đã hàng năm trời, thế mà có chuyến tầu nào, tôi cũng muốn thức để xem.

–         Anh xem cái gì?

–         Xem những con người sung sướng.

–         Anh không sung sướng hay sao?

–         Tôi cũng sung sướng, nhưng người đi tầu sung sướng hơn. Khách đi tầu, hoặc là người chồng về thăm vợ, hoặc là người đi xa trở về quê cũ, hoặc người đi buôn với những hy vọng may mắn, hoặc người đi công tác với những dự định muốn thành tựu. Có khi sự chuyển động của họ thực chất là vô nghĩa, nhưng họ không suy tư về sự chuyển động, họ là người hưởng thụ sự chuyển động. Còn tôi, tôi có ý thức về sự chuyển động của mình. Tôi là một thằng ma cà bông: đời tôi là một chuỗi di động liên tiếp. Càng di động nhiều tôi càng ngẫm nghĩ về sự di động. Thực chất, sự di động của bản thân tôi chỉ là những bước chạy luẩn quẩn.

  Ngày hôm ấy, Ngọ nuôi tôi.

  Buổi sáng anh ta dẫn tôi vào một nhà hàng cháo lòng. Ăn uống đàng hoàng: mỗi anh một ly rượu, thức nhắm là một đĩa lòng tú ụ giá hai đồng bạc. Thấy tôi có vẻ e ngại, Ngọ cười:

–         Xin mời ngài cứ chén cho thỏa thích. Hôm nay là ngày vui của tôi. Bữa ăn rất lương thiện, đồng tiền của tôi rất trong sạch. Ngài không có điều gì cần phải áy náy lương tâm.

Tôi cười ngượng nghịu. Ngọ lại tiếp:

–         Chắc anh nghĩ tại sao tôi lại tiếp đãi anh như thế, khi chúng ta mới chỉ bắt đầu quen nhau. Xin nói chỉ vì tôi thấy thích anh, tuyệt nhiên không có một ẩn ý lợi dụng nào đằng sau hành vi.

  Tôi càng đỏ mặt ngượng nghịu hơn nữa. Cuộc sống cứ bắt tôi phải luôn nghi ngại. Nhưng nghi ngại một con người có lòng tin với mình, thì đó là điều xúc phạm đối với anh ta, và là một điều xấu hổ cho bản thân. Xã hội đầy cạm bẫy, con người ngồi trước mặt tôi lại là một người thông minh, liệu đó có phải cạm bẫy. Nhưng trên toàn bộ con người Ngọ, bàn tay khô gầy, ấm áp, gương mặt cởi mở, đôi mắt sâu đằm thắm, tất cả chỉ toát ra sự thành thật. Điều đó tôi không thể phân tích được, tôi chỉ có thể nhận thức nó bằng trực giác.

  Ngọ đùa bỡn tôi:

–         Tôi xem tướng thấy anh là loại người lúc nào cũng đặt lương tâm lên trên hết. Đói ư? Khốn cùng ư?… Tất cả những cái điều đó thuộc về trần tục. Lương tâm trong sạch là cái quan trọng. Xin lỗi anh, cho phép tôi đùa bỡn với điều thiêng liêng ấy… Nhưng dù sao.. ở thời điểm này, những người như anh thật đang quý. Chính vì thế, tôi mới thích anh.

  Sau bữa cơm trưa, chúng tôi ngồi ghế đá công viên, trò chuyện như một đôi tình nhân. Ngọ hỏi:

–         Anh hiện nay làm nghề gì?

  Tôi đâm lây ngay cái tính đùa bỡn của Ngọ:

–         Tôi đang là thằng ma cà bông làm nhạc.

–         Nhạc sĩ? Chao ôi! Tôi thật sung sướng vì được quen anh, Tôi vốn thích âm nhạc, hồi học lớp 10 tôi suýt thi trượt vì mê học đàn ghi-ta. Lúc ở bộ đội Trường Sơn, tôi vớ được cây đàn ghi-ta cà khổ lúc đánh vào vùng địch chiếm, thế là lúc nào tôi cũng cõng nó trên vai.

–         Anh ở chiến trường B những năm nào?

–         Tôi vào B năm 65. Mùa xuân năm 68 tôi tham gia tổng tiến công. Đến 69 bị thương mới ra Bắc… Này cậu thuộc binh chủng gì?

  – Bộ binh!

–         Tớ thì đặc công.

–         Đặc công? Anh, một thư sinh?

–         Có gì đặc biệt đâu. Làm đặc công cái cốt tử là gan. Còn các kỹ thuật chúng mình học có khó gì. Mìn ư? Thuốc nổ cực mạnh ư? Dây thép gai ư? Võ thuật ư? Kỹ thuật chống chó béc giê ư?… Ngọ chợt cười rất to rồi nói nhỏ lại – Tớ trị chó rất cừ. Hồi trong B tớ là chuyên gia về chó trong đơn vị. Tớ nghiên cứu đủ thứ, tâm lý chó, thức ăn chó, tính nết chó, rồi các loại bả chó…. Chả thế hồi ra Bắc, tớ bị bắt giam, lúc thả ra, mấy tay công an đe nẹt rất cẩn thận. Họ sợ tớ dùng thủ pháp diệt chó và đặc công vào nghề ăn trộm.

–         Thế ra… anh đã bị bắt?

  Ngọ bùi ngùi:

–         Có gì đâu? Kết quả của mấy bài thơ. Tôi học tổng hợp Văn. Nửa chừng xung phong đi bộ đội. Khi bị thương về Bắc, tôi chuyển ngành vào một cơ quan văn hóa.Tôi có làm thơ đăng báo, nhưng cũng làm một số bài thơ không hợp khẩu vị mọi người, những bài thơ ưu tư hoặc phẫn nộ vì những điều ngang trái. Tôi chép thơ ấy trong một cuốn sổ tay, rồi đút trong ngăn kéo, khóa lại. Một lần tôi đi công tác, ở nhà tập thể người ta đã phá khóa ngăn kéo và đem cuốn sổ tay ấy trình lên công an. Tôi bị kết tội có tư tưởng phản động và bị bắt đưa đi cải tạo. Được hơn một năm, người ta thả tôi ra và đuổi về quê tận Nam Định, bắt làm ruộng. Nhà tôi đã có ba đời nay ở Hà Nội, ở quê chỉ còn họ hàng rất xa. Mấy ông cán bộ xã cũng hành tôi rất cực, tôi đâm liều bỏ quê trở lại Hà Nội. Mới đầu mấy tay công an hộ khẩu cũng hỏi đi hỏi lại sau đó cũng lờ đi. Tôi ở nhà bố mẹ, không được nhập hộ tịch, không có gạo ăn, không có tiền lương. Bố, mẹ, anh, em tôi chắc là chán tôi nhưng không ai nói nửa lời, và điều đó làm tôi rất khổ tâm. Tôi hiểu mình phải tự chịu trách nhiệm với bản thân. Tôi dứt khoát không ăn ở nhà một bữa cơm. Tôi không muốn làm phiền người khác, vì cuộc sống khó khăn. Tôi tự đi kiếm sống . Đi lao động, đi dắt bò thuê, đi khuân vác… e ngại và rẻ rúm… vì vậy, cuối cùng tôi bỏ nốt nghề khuân vác.

–         Thế bây giờ, anh làm nghề gì để sống?

  Ngọ bỗng cười to:

–         Làm gì ư? Làm ma cà bông. Nói đúng hơn , xã hội giản lược đi gọi chung những người như chúng ta là lưu manh, kẻ lưu manh hiện đại.

Tôi hỏi nhỏ:

–         Anh làm “lính mổ”

 Ngọ cười ngất:

–         Tôi quen rất nhiều “lính mổ” nhưng tôi đã nói rồi, tôi không thích ăn cắp, thỉnh thoảng tôi đói, bọn lính mổ lại cho tôi ăn. Thế thôi!

–         Vậy thực chất anh làm nghề gì?

–         Thực chất là…? Tôi cũng như anh thôi – Ngọ bối rối như muốn tìm lời diễn đạt chúng ra nhưng bị lúng tùng vì những chữ như trong sạch – lương thiện – lương tâm. Chúng ta bị đói rách khống cùng vì những chữ ấy. Nhưng chúng ta cũng không có quyền xóa bỏ chúng. Và hiện nay, nếu còn ai biết quý mến ta thì cũng chỉ là giá trị những chữ đó mà thôi. Mà thật lạ, chính những ngời mà ta gọi là “lính mổ” đó, có thể một khía cạnh nào đó, họ hiểu, họ trọng chúng ta cũng chỉ vì chúng ta phần nào giữ gìn những giá trị đó.

  Cách diễn đạt ngoắt nghéo, bồng bềnh không đi vào vấn đề của Ngọ, khiến tôi hiểu rằng, Ngọ cũng như tôi hầu như đã mất hết khả năng thực tế kiếm sống. Họ không biết đi buôn, trộm cướp. Họ đuổi theo một giá trị tinh thần nào đấy mà không biết thích ứng. Và dĩ nhiên cuộc sống của họ là vất vưởng, lênh đênh…

  Chúng tôi lặng lẽ ngồi im suy ngẫm và cảm nhận nhau. Lẽ dĩ nhiên những vấn đề như vậy người ta không cần nói nhiều. Cái không khí bông lơn ban đầu tự nhiên qua đi, để nhường chỗ cho những lời nói nghiêm túc hơn.

–         Chắc những anh em ấy họ mến anh?

–         Những người bạn “ khốn cùng” ấy ư? Đúng là họ thích tôi. Thích vì tôi là một phần tử trí thức sa cơ, thích vì tính bông lơn trong những câu chuyện nghiêm túc, còn thích nữa vì tôi hay kể chuyện Tầu: những chuyện rút ra từ Tam Quốc, Đông Chu, Sử ký… Họ muốn tìm ra những bài học ứng xử với đời vì cuộc đời lang bạt đòi hỏi những mưu mô, những kế sách. Tôi muốn giúp họ bằng những lời bàn qua mỗi chuyện.

–         Anh định làm một nhà bình luận lịch sử?

–         Chính trị học là một lĩnh vực kiệt xuất của văn hóa Trung Hoa. Người Tầu đi trước phương Tây rất lâu về mặt này. Từ hơn hai ngàn năm về trước họ đã biết làm chính trị là trò sân khấu, họ đã biết đem cái lý thuyết tàn nhẫn đến lạnh gáy…Ôi phương Đông bí ẩn, phương Đông thực dụng…Chúng ta vĩ đại cũng nhờ những lý thuyết đó, và đắm đuối cũng vì chúng…

  Bỗng nhiên Ngọ vỗ vai tôi:

–         Thôi! Đã lâu lắm hôm nay tôi bỗng trở nên lắm lời và quá ư nghiêm trang. Này nói chuyện kiểu này mãi ư? Khéo già đi mất. Thôi ta sang chuyện khác chuyện vui vậy nhé.

  Anh đứng dậy tươi cười và bán cho tôi một tin vô cùng bất ngờ:

–         Chiều nay, mời anh đến dự một đám cưới.

–         Cưới ai? Tôi tần ngần vì tính tôi vốn dát, tôi sợ những cuộc vui ồn ĩ, sợ giao tiếp hình thức, sợ những quan hệ khách sáo, mà sau đó kéo theo một nỗi buồn mà tôi không phân tích nổi.

Ngọ bằng một điệu rất kịch, để tay vào ngực:

–         Đám cưới chính tôi. – Chắc anh đi chứ?

Tôi tròn mắt đứng dậy nắm chặt lấy bàn tay Ngọ.

Vợ sắp cưới của Ngọ là một cô sinh viên y khoa. Cô yêu Ngọ từ năm học lớp mười, cô đang học năm thứ hai trường Y. Lan, cô gái mảnh dẻ có đôi mắt rất to, tóc vẫn tết đuôi sam như một cô học sinh trung học. Cô bé ngây thơ thực sự, không một chút làm điệu. Lan định lấy Ngọ, mọi người trong gia đình đều phản đối. Người mẹ khóc mấy ngày liền, bà không có lý lẽ gì cả, lý lẽ của bà la những giọt nước mắt. Bà cố níu đứa con mình lại bằng những giọt nước mắt.

Anh của Lan, một kỹ sư, phân tích rất thẳng thắn:

– Những tình cảm bồng bột sẽ dẫn đến những thảm cảnh. Em phải hiểu đời sống con người bây giờ phụ thuộc hoàn cảnh vào giá trị chính trị. Một bản lý lịch trong sạch là điều kiện hàng đầu để có hạnh phúc ở đời. Em lấy Ngọ, một anh chàng đã đi tù, mà lại là tù vì tội phản động. Anh chẳng cần nói nhiều; Tương lai của vợ chồng em sẽ ra sao, em chắc đã rõ, Lan! Em mê cậu Ngọ về cái gì? Tài viết văn ư? Một nhân cách ngược đời ư? Những ý nghĩ độc đáo ư? Đó chỉ là những trò xa xỉ ở xã hội này. Những ý nghĩ không tưởng của nó chắc chắn sẽ lại tiếp tục dẫn nó đến nhà tù. Lúc đó em, vợ một thàng tù, sẽ sống ra sao?

Để trả lời những phân tích hợp lý ấy, cô sinh viên chỉ im lặng. Vì làm sao trả lời nổi một thực tế mà không ai chối cãi được. Cô em gái Lan thì thô bạo hơn. Một hôm, Ngọ đến chơi, cô đã đuổi thẳng:

– Anh chưa đủ tư cách để lấy chị tôi đâu.

Ông bố Lan, một ông trưởng phòng tổ chức, lại dùng những biện pháp tích cực hơn. Ông bao vây tấn công Lan bằng một màng lưới trùng trùng điệp điệp. Ông liên hệ với Đảng ủy nhà trường, chi đoàn lớp để họ liên tục giáo dục cô con gái. Cuối cùng, không lay chuyển được Lan, ông đã công bố kiên quyết:

– Nếu mày lấy thằng Ngọ, đừng bao giờ đặt chân về cái nhà này nữa.

Lan rất ít nói. Để trả lời mọi người, cô chỉ mở to đôi mắt, đôi mắt đen lúc nào cũng như thơ ngây và ngạc nhiên. Có cái gì ẩn đằng sau đôi mắt ấy? Được giáo dục cẩn thận trong một nề nếp nghiêm túc, trong một gia đình cách mạng, làm sao cô lại có một thái độ kiên quyết đến ngang ngạnh như vậy? Tình yêu ở mọi thời đại hình như đều phải tuân theo những mô hình riêng đã được mọi người công nhận không thành văn. Nhưng ở thời nào cũng có những tình yêu nổi loạn, cũng có người gọi đó là tình yêu thuần túy. Tôi chẳng biết xếp loại tình yêu cuả Lan thế nào? Chỉ biết rằng cô ta tin tình yêu của mình là lý tưởng. Có lẽ cô nhìn thấy Ngọ là một con người trong trắng và hẩm hiu, và theo lý luận của trái tim cô thì sự hẩm hiu ấy cần được đền bù mới đúng lẽ công bằng. Dĩ nhiên, đối với tình yêu, phân tích cặn kẽ thế nào cũng vẫn là đơn giản. Có lẽ ta chỉ cần biết rằng Lan rất yêu Ngọ, thế là đủ.

Còn đối với Ngọ, trước tình yêu của Lan, trước thái độ của gia đình Lan, anh rất bình tĩnh:

– Không nên trách ai hết. Bố mẹ anh em đều nói đúng cả. Phải tỉnh táo để nhận ra rằng tương lai của chúng ta không có gì sáng sủa cả. Anh rất cảm ơn em… rất cảm ơn em đã yêu anh trong lúc anh khốn cùng thế này. Chính vì vậy anh không có quyền nhận sự hy sinh của em.

– Em nhất định sống với anh.

– Chúng ta không có nhà!

– Rồi sẽ có nhà.

– Anh không có việc làm.

– Sẽ kiếm sống được

– Anh không có tương lai.

– Tương lai sẽ đến.

– Anh là thằng bưng bê kiếm sống

– Không sao.

– Anh đi buôn kiếm ăn,

– Dù sao cũng lương thiện.

Ngọ ôm lấy đầu:

– Em điên rồi! Điên rồi. Em có biết rằng cả việc ra đăng ký kết hôn anh cũng không có quyền. Muốn đăng ký, phải có giấy tờ. Còn anh là thằng lang thang, trên người anh không một mẩu giấy chứng nhận. Mà bây giờ, không có giấy tờ tức là không nhận dạng mà…mà… cả đến khi chúng ta chung sống với nhau rồi không giấy tờ chúng ta cũng không được phép ăn ở với nhau. Và nếu chúng ta cứ bất cần… thì có thể người ta sẽ kết tội chúng ta vào tội loạn dâm…Ôi! Em đã hiểu chưa?

– Em không cần hiểu. Em không muốn hiểu.

Cô gái lắc lắc đầu và khóc nức lên. Ngọ ngồi nhìn cô khóc, để cho cô khóc, và theo dòng nước mắt của cô, lòng anh cũng phải có trách nhiệm. Còn em thì cần suy nghĩ cho kỹ càng. Một tháng nữa ta sẽ gặp lại nhau và lúc đó em sẽ cho anh biết về quyết định của em.

Ngọ đi biến khỏi Hà Nội đúng một tháng trời. Lúc gặp lại nhau Ngọ hỏi:

–         Em quyết định ra sao?

–         Em muốn ngày mai chúng ta cưới nhau.

–         Tại sao lại ngày mai?

–         Ôi, ngốc ơi là ngốc! Tình yêu mà! Cứ lý luận mãi. – Ngọ ôm lấy Lan – Bây giờ thì anh tin em rồi. Dứt khoát ngày mai cưới.

–         Anh định cưới ở đâu?

–         Ở quán bia!

–         Quán bia?

–         Vì chúng ta không có nhà.

–         Kỳ quặc quá! Nhưng cũng được.

  Câu chuyện tưởng như hoang tưởng, như huyền thoại. Nhưng có gì là lạ? Thời tiền sử, tổ tiên ta đã cưới nhau trong một hang đá…dưới một tán che của vòm đại thụ… hoặc bên một con suối rì rào, thì bây giờ giữa một quán bia cũng có thể có một đám cưới.

  Đám cưới tiến hành ở quán bia Cổ Tân. Khách uống bia không ai biết. Chỉ có cô dâu và chú rể tự biết, ngoài ra còn có tôi và một người bạn nữa biết.

 Nhà văn họ Hoàng, một con người nổi danh, một ngọn Hoàng Liên Sơn trong giới văn như người ta thường nói, thấy Ngọ vào, cười tủm tỉm lại gần và rất lịch sự:

–         Nhờ anh bạn mua hộ bốn cốc bia – Ông ta vừa nói vừa dúi vào tay Ngọ hai đồng bạc (thừa tám hào).

  Ngọ ghé vào tai tôi và Lan:

–         Đừng xấu hổ nhé! Họ thuê mình mua bia hộ đấy. Mình là lính “bưng bia”!

  – Mấy anh họa sĩ áo chim cò cũng tíu tít:

–         Ngọ ơi! Bia! Bia! Bia.

  Ngọ gật đầu rất lịch sự rồi lách đám đông, vào sát quầy bia. Mấy cô phục vụ thấy anh, cười tíu tít (không hiểu Ngọ, bằng cách nào, đã rất thân thiết với họ). Một lát sau, Ngọ vẫy chúng tôi, và tất cả xúm lại bưng ra hai chục vại bia.

 Nhà văn Hoàng Liên Sơn lễ phép cười mỉm, vuốt bộ ria đến nhận bia, rồi lơ đãng ra ngồi gốc cây, xa mọi người. Ông vừa uống bia vừa xem sách, xem như chẳng có ai quanh mình. Còn đám “sâu bia” thì liếc mắt nhìn ông thì thào thán phục.

  Ngọ nói nhỏ:

–         Bác Hoàng đang suy tư và chờ đợi…Bác chờ đợi gì ở quán bia? Một chút tê tái thần kinh? Hay chờ đợi sự tôn trọng của người đời? Hay chờ đợi những ý văn sâu thẳm sẽ đến trong cái vị vừa mát, vừa tê đắng của men bia? Có mà trời hiểu.. Chúng ta thật thảm hại. Bác Hoàng rất thân tôi, nhưng hình như cũng có chút rẻ rúng tôi, bởi vì tôi là một thằng bưng bia. Bác rất lịch sự, lắm khi lại còn tán dương tôi nữa, bởi vì tôi rất ngốc. Tôi hiểu điều đó, mặc dầu tôi vẫn chưa quí trọng bác. Nhiều người vĩ đại khác ở đây cũng đối xử với tôi như thế. Không sao! Có chút đắng cay đấy. Nhưng tôi vui vẻ chấp nhận sự đối xử ấy.

 Thấy mọi người như ắng lặng nhìn Ngọ chằm chằm, Ngọ bỗng biến đổi, linh hoạt hẳn lên:

–         Xin lỗi! Có lẽ tôi lạc để rồi…Vì hôm nay là ngày vui của chúng tôi, hãy hào phóng và rộng lượng với mọi người. Xin mời các bạn cạn cốc bia vui.

  Ngọ chạm cốc với mọi người, uống một hơi. Lan cũng uống một ngụm. Có lẽ cô không biết uống rượu, nên mới chỉ một ngụm mặt cô đã ửng hồng và đôi mắt đã long lanh. Trông gương mặt đẹp đẽ và hạnh phúc của cô, chúng tôi cũng sung sướng lây. Bia vào lòng mát rượi. Tâm hồn chúng tôi cũng mát rượi, bởi vì trước mắt chúng tôi có hai con người vô tư của thế kỷ đang cưới nhau. Họ không có tiền, họ không có nhà, họ không có tất cả… Họ lại cưới nhau ở quán bia, không có cha đạo làm lễ hợp hôn, cũng không có đại diện của một cộng đồng nào đứng ra công nhận.

  Ngọ đang uống bỗng đứng dậy đón tiếp một thanh niên trẻ trạc mười tám tuổi. Chàng trai nói:

–         Em xin lỗi anh chị vì đến muộn.

–         Kìa Lê! Tôi ngạc nhiên gọi, vì đúng là cháu Lê con anh Trần của tôi.

–         Cậu Tư!… Cậu cũng ở đây…A…em xin giới thiệu với anh Ngọ cậu Tư của em. Đã có lần em nói chuyện với anh về cậu Tư.

  Ngọ gật đầu:

–         Anh đã quen biết cậu em rồi.

  Lê tíu tít nói chuyện với chúng tôi. Cháu tỏ ra rất quý Ngọ, qua câu chuyện, tôi hiểu Lê quý Ngọ đến độ sùng bái. Uống cuốc bia đã có vẻ ngà ngà, cháu tôi bốc lên:

–         Cậu có đồng ý với cháu không? Chị Lan là người đàn bà tuyệt diệu nhất. Anh Ngọ là người vô sản hoàn toàn. Một “phó thường dân” chính cống. Thế mà chị Lan dám bỏ trường đại học, để đổi lấy anh Ngọ, bỏ một tương lai sáng sủa, để đổi lấy một hiện tại mung lung – Xin chúc chị hạnh phúc.

  Lan đỏ bừng mặt chạm cốc với Lê. Cháu tôi uống ực cốc bia.

–         Xin chúc anh Ngọ hạnh phúc. Cháu chúc cậu Tư rát mơ mộng của cháu cũng hạnh phúc.

Cháu tôi lại tiếp tục uống. Thằng bé như bị quá kích thích, Lê nhìn quanh rồi nói tiếp:

– Cụ nhà văn Hoàng Liên Sơn kia ngồi quán bia và cao đạo. Cụ ngồi gốc cây, đọc sách, uống bia và chờ đợi cái danh vọng nó đến như trong chuyện “giấc hòe” chăng? Đã có danh vọng mà vẫn còn thòm them danh vọng. Phản đối lẩm cẩm!

Cháu Lê say. Nó say thật rồi. Nó đứng lên, mặt đỏ và hiền lành, làm điệu bộ như một diễn viên.

–         Xin giới thiệu với mọi người, ở đây không phải cụ Hoàng Liên Sơn là vĩ đại. Chị Lan mới là vĩ đại…

Lan cười rũ, còn Ngọ cố kéo Lê xuống. Giá ở chỗ khác, chắc bài diễn văn ứng khẩu với chữ nghĩa to tát kia sẽ làm nhiều người phật ý hoặc ngượng ngùng. Nhưng ở đây người ta chỉ cười xòa. Ở nơi quán bia. Mọi thứ bậc xã hội được xóa sạch, con người rất anh em và con người rất rộng lượng. Không ai giận Lê say, chỉ thấy những nụ cười hiền hậu nở rộng trên môi.

Ngọ tế nhị mời mọi người cạn cố, rồi dìu Lê ra khỏi quán bia…Chúng tôi đi về. Về đâu? Mọi người phân vân. Tôi đề nghị đến nhà Minh, người bạn họa sĩ của tôi.

Minh sau khi được giới thiệu tỏ ra tình cảm ngay với đôi vợ chồng mới cưới. Anh niềm nở, chân tình mở ngay một bữa tiệc trà để nối tiếp cuộc vui cho Ngọ và Lan.

Tôi lặng lẽ ngồi ở góc phòng. Cái vui, cái buồn lẫn lộn. Buồn vì chợt nhớ đến Ngà, trong tiệc vui tôi bỗng thấy mình côi cút. Chợt như giận mọi người. Tại sao lại chỉ các ngươi mới có hạnh phúc? Tại sao hạnh phúc đối với tôi lại chỉ như một bóng trăng đẹp, rất gần mà không sao với tới được? Tôi khác chi các người? Ai ăn cướp hạnh phúc của tôi? Sự ngu xuẩn ư? Không phải! Mai ư? Phải mà cũng không phải! Ngà ư? Phải mà không phải! Có lẽ phải lý giải thế này: Có một con quỷ dữ đã làm phép, và đầu óc Ngà bỗng trở nên mụ mị. Nó đeo vào mắt Ngà một cặp lăng kính biến dạng; và trước cặp kính ấy tôi bỗng biến thành một chàng trai lẩm cẩm, đáng ghét, còn Mai thì bỗng trở thành một hoàng tử mặc áo vàng rực rỡ. Con vượn rừng rất quen thuộc bỗng nổi lên tiếng thì thầm:

 “ Tôi với anh cùng số phận.

“ Ta là ngươi, Mi là vật.

  “Tôi với anh là họ hàng. Chúng ta gắn bó với nhau bằng sự bất hạnh. Chúng ta là kẻ yếu. Tôi mất chồng con, và anh mất vợ.

“ Người định kêu gọi ta làm gì?

“ Trả thù!

“ Điên! Ta không thích hận thù.

  “ Hay nhỉ Ông ăn nói như kẻ tu hành. Được! Ta xin mời Chúa Trời đến giảng giải cho ông.

Chúa lại hiện về trong tâm tưởng.

–         Con ăn nói như nàng Ăngtigôn thuở xua: “Ta sinh ra để yêu thương chứ không để hận thù”. Xin nói thực con nghe: Nàng Ăngtigôn thời nay sẽ nói ngược lại.

  Trước mắt tôi là bức tranh mới của Minh. Bức tranh vẽ một người đàn bà to béo vẻ mặt đau khổ quằn quại. Một con người đương bứt rứt, giằng xé. Quanh cổ chị ta là những vòng tràng hạt. Tôi đếm: một vòng, hai vòng, ba vòng… những hạt vàng mọng mầu hổ phách. Những hạt đen vú to căng đầy nhựa sống. Một nữ tu sĩ chăng? Cái thèm khát xác thịt và cái ngoan đạo đương vật lộn với nhau chăng! Không? Có lẽ đó là nàng. Ăngtigôn đương bị cái yêu thương và cái hận thù co kéo:

  “Ta sinh ra để yêu thương”

  “Ta sinh ra quanh nôi đã đầy ắp hận thù.”

 Tôi bâng khuâng hỏi Minh:

–         Anh vẽ nàng Ăngtigôn?

–         Không! Tôi vẽ một con chiên của Chúa.

–         Ăngtigôn cũng là con chiên của Chúa.

  Mọi người nhìn tôi ngạc nhiên như nhìn một người điên. Có tiếng cháu Lê thì thào bên tai:

–         Cậu ơi! Sao trông cậu lạ lùng thế? Thôi! Cậu đừng nghĩ gì nữa. Cậu đánh đàn đi.

  Một người nào đó giúi vào tay tôi một cây đàn ghi-ta. Tôi đờ đẫn ôm cây đàn vào lòng. Một giai điệu bật ra từ ngón tay như rớm máu. Anh Trương Chi chở con đò nát lại hiện về. Tôi chăm chăm nhìn vào chén nước trà…một con đò nhỏ đang bơi. Tiếng đàn hờn giận hay tiếng đàn ngờ vực?…

Ta là đói nghèo, hèn kém, ta là con đò nát. Tiếng hát ta run rẩy trăng vàng.

Ta là yêu thương. Tình yêu ta chấn động quỷ thần. Những ngôi sao xa, nghe giọng hát ta cũng rưng rưng nước mắt.

Trong bóng tối, tiếng hát ta là giọng đẹp họa mi.

Nhưng dưới mặt trời, ta là anh lái đò rách trên con đò nát.

Ta là kho vàng mặc áo màu đen!

Mị nương ơi! Em yêu sao nổi ta, vì ta là lụa nhung nhưng cũng là bộ áo xô gai góc.

Ta căm giận vì mắt nàng chỉ quen cái mơn trớn ngọt ngào, và sợ hãi những chiếc gai nhọn hoắt.

Ta căm giận vì tai nàng chỉ quen tiếng nỉ non, trong màn trăng nhạt.

Nàng căm giận vì nàng đeo đôi kính mù lòa đôi kính dối trá, làm mắt nàng chỉ quen màu sắc giả.

Nàng xua đuổi cái thực, giao hoan cùng ảo ảnh. Khóc thương cho ta!

Khóc thương cho khúc hoa trắng ngần của ta ơi!

….

Nín đi! Nín đi! Sao em lại khóc hở Lan? – Ngọ thì thầm dỗ dành cô gái.

Em khóc vì tiếng đàn đang nói về chúng ta.

Em hối tiếc? Em phỉ nhổ vào thứ hạnh phúc dối trá. Em yêu anh vì anh là chân thật. Em yêu anh dù hết đêm nay chúng ta sẽ chết.

Có đúng là tiếng Lan nói không? Hay chỉ là những tiếng người tưởng tượng trong bộ óc ốm yếu của tôi. Không! Đúng là tiếng của Ngọ và Lan. Cảm ơn Ngọ! Cảm ơi Lan!

Comments are closed.