Nguyễn Quang Thân
Nhớ một lần, từ miền Nam ra thăm miền Bắc, đầu những năm 1980, trong một bữa cơm có rượu ngon ở một khách sạn Hải Phòng, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nâng ly với Nguyên Hồng và chúng tôi, nói bằng một giọng Huế quyến rũ của một ông thầy dạy văn và một nhà thơ: “Thưa anh Nguyên Hồng, hồi nhỏ tôi đọc Bỉ vỏ, vào trường tôi học Bỉ vỏ, sau này thành giáo viên trung học, tôi lại dạy Bỉ vỏ cho học trò. Sách của nhà văn cộng sản Nguyên Hồng vẫn có trong chương trình trung học miền Nam. Suốt cả thời gian đó, tôi chỉ khát khao có một lần trong đời, được nhìn thấy Anh, nhà văn Nguyên Hồng, đứng xa anh dăm bước chân, ngả mũ chào anh rồi đi cũng là quá mãn nguyện. Không ngờ hôm nay tôi còn được hơn thế, được nâng ly chúc mừng sức khỏe của anh…”.
Nguyên Hồng nhận giải văn chương Tự Lực Văn Đoàn, giải có giá trị bậc nhất thời của ông, với cuốn tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ lúc ông mười sáu tuổi. Năm đó tôi vừa lên hai. Và không ngờ hơn hai mươi năm sau, tôi được làm quen với ông, là học trò ông ở trường viết văn Quảng Bá cùng Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, v.v. rồi sau nữa là bạn vong niên, bạn văn của ông, cùng một cơ quan với ông là Hội Văn Nghệ Hải Phòng. Tôi còn được nhiều hơn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nguyên Hồng sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918, năm kết thúc thế chiến lần thứ nhất. Những người sinh năm này có cái không may vì sẽ là nạn nhân của cuộc tổng khủng hoảng toàn cầu, nguồn gốc của thất nghiệp, đói khát và tha hóa. Nhưng với người Việt có năng khiếu văn chương lớn như Nguyên Hồng, ông có cái may của khách văn chương là “sinh phùng thời”, lúc ông cầm bút thì gặp ngay một vận hội văn chương vô tiền khoáng hậu của đất nước. Có lẽ chưa bao giờ trên đất nước ta và có thể trên nhiều quốc gia, chỉ trong vòng 15 năm (1930-1945), chỉ bằng cuộc đời lưu lạc của nàng Kiều thôi, một dân tộc đang là nô lệ của chủ nghĩa thực dân mà có thể tạo ra một nền văn học nghệ thuật rực rỡ đến thế! Văn xuôi có những tiểu thuyết còn lại mãi với thời gian của nhóm Tự Lực với Nhất Linh, Khái Hưng và nhiều người khác, nhóm Tiểu thuyết thứ Bảy với Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Lan Khai, Tô Hoài… Tiểu thuyết cũng có đủ thể loại: lãng mạn, hiện thực (thời đó gọi là tả chân), xã hội, trào phúng, trinh thám, võ hiệp truyền kỳ, văn học thiếu nhi với Sách Hồng của Tự Lực và một số khác. Truyện ngắn cũng rực rỡ không kém với Thạch Lam, Nam Cao, Khái Hưng… Thơ Mới, chỉ cách nền thơ phong hoa tuyết nguyệt công thức cứng nhắc và văn biền ngẫu Hoàng Ngọc Phách mươi năm đã xuất hiện hàng trăm thi sĩ có giá trị đích thực, tạo nên một nền thi ca với những ông hoàng không ngai như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử… Một thi sĩ thời đó ít nổi tiếng như Thái Can cũng để lại một hai bài thơ vẫn được người yêu thơ hôm nay cho là hay. Kịch cũng phát triển đủ loại: bi, hài, chuyển thể từ dân gian với tác giả hàng đầu là Vi Huyền Đắc, Thế Lữ… Hội họa cho chúng ta một thế hệ vàng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh và nhiều người khác…
Mười lăm năm lịch sử văn học Việt đã được các nhà văn tài ba khai sinh những nhân vật bất tử: Tám Bính, Năm Sài Gòn (Nguyên Hồng), Xuân Tóc Đỏ, Bà Phó Đoan (Vũ Trọng Phụng), Loan và Dũng (Nhất Linh), Chị Dậu (Ngô Tất Tố), Mẹ Lê (Thạch Lam), Chí Phèo (Nam Cao), có cả một con côn trùng nhỏ là Con Dế Mèn (Tô Hoài)…,Nó rất khác với một giai đoạn văn học có hàng ngàn hàng triệu nhân vật tham gia hành động nhưng rất khó tìm ra một cái tên được người ta nhớ chứ chưa muốn so sánh với cỡ Thị Nở, nhân vật loại 2 của văn học 30-45.
Nguyên Hồng có mặt, đi trong hàng đầu cuộc diễu hành văn chương hiếm hoi ấy của dân tộc vào lúc ông mười tám tuổi, đi đứng hay ngồi chiếu rượu một cách đàng hoàng, xứng đáng! Nếu Vũ Trọng Phụng, nhà tiểu thuyết vĩ đại để lại hàng chục cuốn sách bất tử rồi ra đi năm 27 tuổi, đã tạo được một nhân vật trào lộng là Xuân Tóc Đỏ sống mãi đến hôm nay, không những sống mà còn được nối dõi con đàn cháu đống một cách bất ngờ, làm thiên hạ choáng váng thì nhân vật Tám Bính của Nguyên Hồng không được ông tạo ra để cười cợt mà để xót thương. Vâng, đọc Bỉ vỏ, không phải để chúng ta học “cảnh giác” với bọn móc túi mà để thương xót những kiếp người. Thương xót như Hugo với Phăng-tin, như Nguyễn Du với Nàng Kiều. Chính vì “khác” một chút với Vũ mà Nguyên Hồng có vị trí độc đáo trong văn học nước nhà, không ai chen chân với ông được. Đó chính là danh hiệu nhà văn của “Những người cùng khổ”, “những người dưới đáy xã hội”, nhà văn của những số phận bị tha hóa đúng hơn, bị xã hội làm cho “tha hóa”. Đúng như lời đề tựa trong lần xuất bản đầu tiên: “Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, thưa các bạn, những bạn đọc yêu dấu của tôi, “Bỉ vỏ” đã viết xong rồi. “Bỉ vỏ” đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro; Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là vang lên tiếng muỗi và tiếng trẻ khóc; Bỉ vỏ đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo âm thầm mà mọi vật như đều rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dào dạt trong những bụi mưa thấm thía. Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, con xin dâng Bỉ vỏ cho mẹ với cả tấm lòng kính mến trong sạch của con, và xin tặng nó cho các bạn với tất cả cảm tình đằm thắm tươi sáng của tôi”. Nguyên Hồng/ Tháng 3-1938.
Ông, người đã khai sinh Tám Bính. Người đã làm mọi người biết tới một Hải Phòng cùng khổ, một Hải Phòng với những địa danh đặc sắc được đưa vào tiểu thuyết và truyện ngắn của ông. Hải phòng của các ngõ ngách bí hiểm như ngõ Đá, ngõ Cô Ba Chìa, ngõ Đồng Lùn, ngõ Tây bán vải, ngõ Cố Đạo… Và những Sông Lấp, Ao Than, Máy Chai, Tam Bạc, Vườn Hoa Đưa Người… những nơi mẹ con nhà văn lặn lội kiếm sống vất vả cho miếng cơm bát cháo hàng ngày và cũng là môi trường sống của nhiều nhân vật tiểu thuyết và truyện ngắn của ông. Bắc Ninh nên mãi mãi biết ơn thi sĩ Hoàng Cầm, người đã làm sáng danh sông Đuống. Và Hải Phòng được sống trong ký ức người Việt trong tương lai như một thành phố đặc sắc ngậy mùi mồ hôi, nước mắt và cả tội ác, sản phẩm của một xã hội bất công không thể quên. Một Hải Phòng hào hiệp, cưu mang sống trong lòng người như mấy câu thơ rất hay của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “nơi ấy đã cho ta mơ ước/cho ta suy nghĩ buổi ban đầu/ nơi ấy bao lần ta đã khóc/ta đã khinh đã giận làm sao”!
Sau Bỉ vỏ (1938), được đà Nguyên Hồng viết Những ngày thơ ấu (hồi ký, 1940); Bảy Hựu (truyện ngắn, 1941) và bốn cuốn tiểu thuyết khác như Cuộc sống (1942), Quán nải (1943), Đàn chim non (1943), Hơi thở tàn (1943)… Và sau đó, cho đến những năm 1944, 1945, sau khi ra khỏi nhà tù Pháp, tham gia Văn Hóa Cứu Quốc của Việt Minh, ông không viết tiểu thuyết nữa mà chỉ viết truyện ngắn.
Đáng kể và đáng khâm phục nhất là hồi ký Những ngày thơ ấu, cuốn hồi ký được viết lúc ông vẫn là một chàng trai đôi mươi, mẹ ông và những nhân vật có thực liên quan trong đời vẫn còn sống. Vậy mà ông, với tài năng và nhân cách của một nhà văn hiện thực chủ nghĩa đã không ngần ngại phơi trần những sự thật tế nhị nhất của những kiếp người. Theo tôi, Những ngày thơ ấu là cuốn hồi ký hay nhất, thực nhất cho đến hôm nay của văn học nước ta. Tác giả viết không phải để thanh minh, để chạy tội hay khoe khoang mà để giải tỏa bức xúc của một ngòi bút hiện thực chủ nghĩa. Với cuốn này, văn chương không còn là sự lừa dối như Albert Camus từng kết án.
Thường nhà văn chỉ có một cuốn tiểu thuyết duy nhất, trong đó anh ta đốt sáng tài năng, bộc lộ những gấp khúc bí ẩn nhất của tâm hồn mình và những ưu thế, những nhược điểm về ngôn ngữ, thi pháp. Có thể nói, Nguyên Hồng là nhà văn của một cuốn tiểu thuyết. Đó là cuốn Bỉ vỏ. Sau đó, kể cả sau những năm 1960 với sự ra đời của những cuốn tiểu thuyết khá đồ sộ về độ dày, độ chữ như Cơn bão đã đến (tiểu thuyết, 1963), Thời kỳ đen tối (tiểu thuyết, 1973), Khi đứa con ra đời (tiểu thuyết, 1976), và bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập Núi rừng Yên Thế thì người đời vẫn cũng chỉ muốn biết ông là tác giả của Bỉ vỏ.
Ông hưởng dương, đúng hơn sống kiếp nhà văn kéo cày trả nợ hay con tằm nhả tơ dài gần gấp ba lần nhà văn họ Vũ, ông cũng viết tới 10 cuốn tiểu thuyết, hàng chục tập truyện ngắn, hồi ký. Nhưng người đời chỉ muốn nợ ông cuốn Bỉ vỏ. Có nhiều lý do mà lý do chính có lẽ là trong tác phẩm đầu tay thành công ngoài sự mong đợi này, ông đã tạo ra một nhân vật sống mãi với đời là Tám Bính. Cũng như Vũ Trọng Phụng tài lớn, sự nghiệp vẻ vang, đồ sộ, cũng có hàng chục tác phẩm đồ sộ hiện thực chủ nghĩa. Nhưng người đời luôn nghĩ Vũ chỉ là tác giả của Số đỏ. Có lẽ vì trong cuốn sách tuyệt phẩm này ông đã khai sinh được khá nhiều nhân vật cho hậu thế, trong đó có cả chúng ta hôm nay nhìn ngắm, chế diễu, liên tưởng và suy tưởng như Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan hay TYPN!
Lần theo biên niên tiểu sử của ông, ta thấy ông luôn là “đứa con của người đời”. Nhà nghèo, mồ côi cha từ thuở bé, hai mẹ con rời quê Nam Định dắt díu nhau ra Hải Phòng kiếm sống như hầu hết những kẻ thất cơ lỡ vận thành Nam những năm khủng hoảng kinh tế ấy. Là một học sinh mới xong tiểu học, biết ít tiếng Pháp, mê văn chương, Nguyên Hồng vừa dạy học tư vừa tranh thủ đọc sách, sách có thể cầm gọn trên tay nhưng là ngôi trường vĩ đại của nhà văn tương lai. Mãi đến những năm 1970, lang thang với ông trong xóm nghèo cũ bao đổi thay hay ở xóm thợ Xi-măng, tôi thấy một số người già vẫn còn nhận ra và gọi ông là “cậu giáo Hồng”.
Ông sống nghèo với người mẹ tần tảo nhưng không bao giờ quên dành cho con một không gian văn hóa để “thành người”. Nguyên Hồng đọc sách với ánh đèn dầu và cả ánh trăng như Maxime Gorky hồi thanh niên. Ông ngốn ngấu cả đống sách đến tay ông thời đó. Tất nhiên sau những giờ gõ đầu trẻ toát mồ hôi để kiếm tiền nuôi thân, phụ cho mẹ. Đi mượn, đọc “boóng” (đọc nhờ tại chỗ ở các hiệu sách). Và từ một tâm hồn phong phú, sớm nếm mùi tân khổ cuộc đời lang bạt, những dòng chữ máu đầu tiên đã giúp ông có được một dấu ấn đáng thèm muốn trong giới nhà văn đương thời cũng như nhiều thế hệ nhà văn tương lai.
Tháng 9 năm 1939 ông bị bắt. Một kẻ hiếu học tuổi lại sớm có tên tuổi luôn được nhóm Tự Lực đề cao, tặng giải và những truyện ngắn bài báo “không giống ai”, luôn đề cập, bênh vực “lũ dưới đáy”, luôn la cà xóm thợ với những hành vi khả nghi và lại còn tham gia tuy không sôi nổi gì nhưng một cách khá công khai phong trào Mặt Trận Dân Chủ ở Hải Phòng. Một thanh niên như thế rất dễ bị bắt để trừ hậu họa, như một kiểu cải tạo không giam giữ người vị thành niên. Mấy tháng sau ông ra tù và lần này đã có một Nguyên Hồng khác, chín chắn có ý thức hơn về chính trị tuy còn non nớt nên lại bị đày đi trại Bắc Mê để rồi mấy tháng sau lại được thả, về Nam Định chịu quản thúc. Bốn cuốn tiểu thuyết và mấy tập truyện ngắn từ 1939 đến 1943 là được viết xen kẽ giữa thời gian đi đày và quản thúc. Ông nói với tôi: “May mà cai ngục còn cho giữ bút giấy và cho viết, cho đăng báo thoải mái”.
Một người như ông mà tham gia Văn Hóa Cứu Quốc năm 1943 là điều dễ hiểu và cũng là đương nhiên. Ông viết và tham gia biên tập cho Tạp chí Tiên phong. Tôi còn nhớ những tờ tạp chí in trên giấy vàng do GS Đặng Thai Mai chủ trì, chuyên đăng chính luận và văn học. Truyện ngắn Người đàn bà Tàu của Nguyên Hồng in trong tạp chí này đã gây cho tôi, hồi đó chi mới là một cậu bé chín tuổi ham đọc sách những ấn tượng rất mới lạ, khác hẳn với những trang văn tao nhã của Tự Lực Văn Đoàn vốn rất được yêu mến trong gia đình tôi. Sau này anh Nguyên Hồng kể: “Hồi đó tiếng là bị quản thúc nhưng chúng nó cũng dễ tính, chứ không tích cực và chặt chẽ, mình lên Hà Nội bán bài và in sách cũng chẳng sao. Gặp Nguyễn Huy Tưởng, được tuyên truyền và tham gia Văn Hóa Cứu Quốc luôn. Tưởng hồi đó là quan tham biện, lương to lắm, có cả một ngôi nhà rộng thênh thang. Đến đầu năm 45 bà Tưởng sinh con phải kéo cả nhà về Thái Bình nhờ ông bà ngoại, Tưởng rủ mình và Kim Lân đến ở cho vui, tất nhiên nuôi cơm luôn hai thằng bạn văn thất nghiệp. Hai đứa mình lúc đó “thoát ly” hẳn, làm việc đi chợ, nấu ăn cho ông tham Tưởng, vừa hoạt động Việt Minh, được cái cơm rượu thì thoải mái!”.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Nguyên Hồng cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến, làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc (Yên Thế, Bắc Giang). Không mấy khi nghe Nguyên Hồng nhắc tới giai đoạn này và ông cũng như nhiều nhà văn khác, không viết được gì nhiều về kháng chiến chống Pháp. Công việc của ông là tham gia biên tập tạp chí Văn Nghệ, in bằng giấy đen nhưng hay hơn rất nhiều thứ tạp chí văn học ngày nay, được dân kháng chiến vồ vập đón nhận. Nguyên Hồng bảo tôi: “Dù sao thì chúng tớ vẫn còn được tự do để bình luận về thơ không vần của Thi, văn “ăn tiệc” của Tuân mà không ai ngăn cấm”. Ông là người đầu tiên được Hoàng Cầm đọc cho nghe Bên kia sông Đuống và cũng chính ông cho đăng ngay trên tạp chí Văn Nghệ bài thơ nổi tiếng này.
Về Hà Nội cùng cơ quan văn nghệ kháng chiến, Nguyên Hồng tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà Văn, vẫn làm biên tập viên Tạp chí Văn Nghệ. Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, tờ báo tuần của Hội Nhà Văn được đổi tên là báo Văn và Nguyên Hồng, với “thành tích cách mạng” và là một tên tuổi lớn được phân công làm Tổng biên tập. Bấy giờ khá nhiều văn nghệ sĩ rường cột như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng bị “nhúng chàm” ít nhiều trong vụ Nhân Văn, Nguyên Hồng vốn chỉ ham rượu chứ không thích chính trị xa lông, xem ra có vẻ “trong sạch”, hiền lành và người ta nhắm ông cũng vì lý do đó.
Nhưng họ không đánh giá đúng ông. Một Nguyên Hồng ít học, lặng lẽ, không thích lý luận về tự do sáng tác, nhưng là một núi lửa cá tính mạnh đầy chất phản kháng khó lường. Tờ báo Văn với Nguyên Hồng là Tổng biên tập và một số nhà văn tên tuổi như Tế Hanh, Lê Minh, v.v. ra được vài số thì bị phát hiện ra là nó không chịu “an phận” như người ta tưởng. Văn đăng bài thơ Gió của Xuân Diệu và đây là cái cớ để bị tạp chí Học Tập và báo Nhân Dân đánh tới tấp. Với hai cỗ đại pháo truyền thông này, cùng những tay phê bình sắt thép như Thế Toàn (Trịnh Xuân An) với những luận điểm phê phán chết người như “báo Văn toàn là những thứ lượm lặt ngoài rìa cuộc sống” đến nỗi “không ăn nhập gì với cuộc sống, không dính dáng gì đến những con người vĩ đại và dũng cảm của thời đại chúng ta.” hay, “Tờ báo hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống” và kết luận rằng tờ báo đã “tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng”. Bên cạnh một số tác phẩm khác, Thế Toàn dẫn ngay bài thơ Gió của Xuân Diệu đăng trên số thứ ba của báo Văn để minh họa ý kiến của mình” (theo Lại Nguyên Ân). Nguyên Hồng bật đèn xanh cho báo Văn phản pháo với những bài của một số nhà văn tên tuổi như Nguyên Hồng, Nguyễn Văn Bổng, Lê Minh, Tô Hoài, Nguyễn Tuân và Tế Hanh, một nhà thơ từ miền Nam ra có uy tín và cũng được tiếng là “trung kiên”. Một phản ứng “phạm thượng” khó có thể được Tố Hữu chấp nhận vào thời đó. Nguyên tắc là không được cãi! Tờ Văn liên tục bị đánh tới tấp. Nguyên Hồng kể với tôi: “Khi nghe Tưởng kể Tố Hữu nói tờ Văn đã bắt đầu hiện ra chữ Nhân phía trước thì mình không hãi gì nhưng nhận thấy là không chơi với bọn họ được nữa!”.
Nguyên Hồng xin thôi (thực ra nếu không thì người ta cũng buộc ông phải thôi) chức Tổng biên tập và sau đó không lâu giới bạn bè văn chương Hà Nội sửng sốt khi biết tin ông đã có một quyết định đột ngột: ra khỏi biên chế Hội Nhà Văn (thôi việc), cùng cả gia đình gồm bà Nguyên Hồng và mấy đứa con từ bỏ hộ khẩu Hà Nội, đồng nghĩa với việc vất sổ gạo cùng các loại tem phiếu, những thứ nhu yếu phẩm của cuộc sống tối thiểu. Ông lôi cả nhà về Yên Thế (Bắc Giang), chọn quả đồi hồi kháng chiến ông đã ở với gia đình để sinh sống bằng nghề “cày sâu cuốc bẫm”. Một quyết định không thể tưởng tượng nổi với một gia đình đông con, chân yếu tay mềm vốn gốc thành thị từ ba đời, không hề biết thế nào là cày cuốc. Nhưng Nguyên Hồng đã chấp nhận để có tự do, để không chịu làm gì trái với bản thân mình.
Các nhà xuất bản không bỏ ông. Họ tạm ứng tiền cho ông để đặt ông viết sách, tiểu thuyết hồi ký hay truyện ngắn. Cứ thiếu tiền là ông được biên tập nhà xuất bản nào đó (nhiều nhất là nhà xuất bản Văn Học của nhà văn Như Phong (1917-1985), ông bạn Văn Hóa Cứu Quốc tốt bụng, ứng tiền. Hội Nhà Văn cũng muốn dùng tên tuổi của “cậu giáo Hồng”. Họ mời ông làm hiệu trưởng Trường Viết Văn của Hội ở Quảng Bá và ông có tiền lương hợp đồng ngắn hạn. Ông được Hải Phòng mời làm Chủ tịch danh dự của Hội Văn Nghệ từ năm đầu thành lập và mỗi lần về họp hay phụ trách trại sáng tác đều có tiền phụ cấp đủ cơm rượu hàng ngày. Hội Nhà Văn các nước anh em, nhất là Liên Xô biết nhiều đến Nguyên Hồng, quý ông, yêu ông nên họ mời ông đến chơi nhiều lần, dịch Bỉ vỏ (tôi được ông cho một bản tiếng Nga có tên là Vorovka) và lần nào đi cũng có tiền tiêu vặt thoải mái. Nhà văn khác thì nhịn tiêu xài mua hàng như nồi hầm, dây bếp điện hay bàn ủi. Còn Nguyên Hồng thì mua rượu đãi từ lái xe, người phiên dịch đến bạn văn mới quen.
Con cái của ông đều trưởng thành. Hồng Hà sau này là giảng viên tiếng Anh trường Sư phạm Ngoại ngữ. Giang (Cửu Long Giang) tiếp thu cơ ngơi, nay trông coi ngôi nhà cũ thành nhà lưu niệm của bố. Các cô con gái đều thành đạt. Thanh Thư là nhà văn phiên dịch tiếng Ba Lan có uy tín.
Gan góc đưa cơm áo “đùa với khách văn”, không tem phiếu, không lương hưu đến suốt đời để đổi lấy tự do và bản tính khí khái, nhà văn Nguyên Hồng đã ra đi ở tuổi 62, bị đột quỵ trong khi đắp lại cái chuồng lợn của nhà mình. Có thể nói nhà văn “của những người cùng khổ” đã ra đi trong sự cùng khổ không hơn gì những nhân vật đáng thương xót trong tác phẩm của ông. Nhưng với cuộc đời thì đó lại là một phần thưởng lớn, ông xứng đáng một dòng ghi lên bia mộ: Nơi yên nghỉ của một nhà văn chưa bao giờ phản bội nhân vật của mình.
Rút trong tập Di cảo Nguyễn Quang Thân – Người khát sống
(Nxb Phụ Nữ và Phuongnam book 2017).