NHÂN NGÀY GIỖ LẦN THỨ 10 NHÀ THƠ XUÂN HOÀNG (24/1/2OO4-24/1/2015)

XUÂN HOÀNG – NGƯỜI ĐI BÊN LỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA MÌNH

Hoàng Vũ Thuật

XHChiều rồi chiều, thỉnh thoảng tôi dừng chân trước ngôi nhà cũ ấy. Đó là một ngôi nhà lợp ngói, nằm tận cùng lô đất, mặt hướng ra ngã ba sông Nhật Lệ, với chiếc Cầu Dài sơn trắng mảnh mai, đổ bóng xuống mặt nước trong xanh. Khoảng lô đất còn lại vẫn vươn lên những cụm hồng xinh xắn. Ngày trước mỗi lần ghé thăm nhà thơ Xuân Hoàng, chưa vội vào nhà, tôi đứng ngắm những búp hồng mới nhú, đỏ đậm rồi nhẩm lại câu thơ: Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta- Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ…

Đồng Hới bây giờ hệt như một thiếu nữ dậy thì, trẻ trung, thanh mảnh. Nó có sức hút riêng, để rồi những ai đi xa, đều mong mỏi ngày trở lại. Nhiều người còn nghĩ, nếu phải chọn nơi ở cuối đời, sẽ chọn Đồng Hới, dù nơi ấy không sinh ra mình.

Vậy mà ông đã ra đi.

Ấy là vào mùa thu năm 1993. Những ngày sắp chia tay, tôi thường xuyên đến thăm ông. Tôi ngùi ngùi nói với chị Bình: “Chẳng lẽ chị và anh Xuân Hoàng, không đủ sức giữ ngôi nhà này lại ư? Còn tôi, tôi đã hết cách”. Tôi đã đặt vấn đề với vài người có trọng trách, cần giữ lại ngôi nhà, nó là địa chỉ văn hoá mai sau… Họ trả lời rằng, chúng tôi biết lắm, nhưng còn bao nhiêu vị cách mạng tiền bối khác, chẳng lẽ lo riêng cho văn nghệ sĩ thôi à. Tôi đành chịu thua. Bây giờ, mỗi lần nhìn lại ngôi nhà xưa nơi nhà thơ Xuân Hoàng cùng gia đình sinh sống, tôi vẫn thấy xót xa, tiếc nuối, như chính mình vừa đánh mất một cái gì thật lớn.

Ở Sài Gòn, ông vẫn ghi thư đều đều cho tôi. Thư nào ông cũng nhắc, có việc gì, chỉ cần ới một tiếng, mình nhảy tàu ra ngay, nhớ không chịu nổi. Vào đây mình thấy trống trải, hoạ hoằn mới đạp xe đến Hội Nhà văn thành phố rồi lại quay về. Mình và anh em đồng hương thỉnh thoảng đến thăm nhau. Ông thường nhắc đến anh Hoàng Nhân, Lê Xuân Đố và một số người nữa. Ông bảo cuộc sống Sài Gòn quay đến chóng mặt. Việc, việc và việc… nên mình cũng ngại đi.

Tôi càng quý ông bao nhiêu, càng thương ông bấy nhiêu. Xuân Hoàng cần bạn. Bạn với ông như bóng với hình. Chỉ cần viết xong bài thơ mới, ông lọc cọc đạp xe đến nhà bạn đọc cho nghe bằng được. Những khi đấy Xuân Hoàng hồn nhiên, sôi nổi và trẻ trung đến lạ. Ông cười nói thoải mái, các vết chân chim càng sâu đậm trên hai đuôi mắt làm cho gương mặt phúc hậu hẳn lên. Nhìn ông, ngỡ cuộc đời là một chuỗi dài niềm vui nối tiếp. Cùng với câu thơ phóng túng, hồ hởi, nó hiện ra ngay trước mắt chúng ta có thể đấy là phong cảnh một miền quê, một cánh đồng, một khu phố hay một bờ biển đầy ắp tiếng sóng. Tôi cho rằng, cảm hứng về con người nói chung, về quê hương, tổ quốc, mang tính sử thi không nhiều người viết được như ông. Cứ mở tập thơ ra, phần lớn tên các bài thơ là tên sông, tên núi, tên làng, tỉnh thành, ngõ hầu không thiếu. Vì thế cho tới nay rất nhiều người còn thuộc những câu thơ ông viết vào năm bốn chín, năm mươi, thời kỳ kháng chiến chống Pháp:

Chợ Bố Trạch sắn nhiều gạo ít

Nâu Ba Rền củ tốt hơn khoai

Sông Dinh, nước cạn bãi bồi

Đồng khô cát động, mùa vơi mùa cằn.

Mảng thơ ấy chảy trong con người ông, thường thật, nó làm nên gương mặt ông qua nhiều tập sách, nhiều tuyển tập. Ngày các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trong Lư còn sống, cái tên Xuân Hoàng luôn được gắn với tên bài thơ như: Đồng Hới, Trên đèo Mụ Giạ, Dấu gậy trên đường, Bên sông Đà nghĩ về Nguyễn Quang Bích, Trăng Trường Sơn, Miền Trung, Phu La Nhích… Không ít nhà phê bình vẽ chân dung Xuân Hoàng bằng mảng đề tài này. Ông hiện diện trong nền văn học lâu nay bằng sức sống đó. Ngần ấy thôi, chúng ta đã có một Xuân Hoàng đáng quý.

Nhưng, còn có một cánh cửa khác từ nơi ông. Thực ra bấy lâu nay nó đã hé mở chút ít, chưa thật rộng rãi. Đó là phần thơ ông viết về thân phận, nỗi đau đồng loại về tình yêu của chính mình.

Xuân Hoàng một lúc song hành cả hai mảng đề tài ấy. Có điều, vào những năm khởi đầu đổi mới, khi lớp trẻ chúng tôi muốn bộc tuệch ra tất cả, thì ông cứ chầm chậm có ra đời chút ít. Nhiều lúc ông cố ém lại một bên. Ông đi bên lề những bài thơ ấy. Hay nói đúng hơn, ông không chịu trưng bày nó ra. Mà cứ để thời gian cùng độc giả tự hiểu lấy. Trạng thái “lơ lửng giữa hai bờ cảm xúc” ấy, thể hiện rất rõ trong bài thơ Người bị treo:

Khi tôi bị bờ bên này kéo xuống

Với tỉ tê khuyên bảo, với lôi đình

Lúc tôi bị bờ bên kia lôi cuốn,

Với vuốt ve, khơi gợi, với ân tình.

Ông vất vả chống trả:

Sự chống chếnh van nài tôi lựa chọn

Tôi vẫn tự treo trên Câu – Rút – Cực – Hình.

Rất may, một phần trong số đó theo lời khuyên của bạn bè, nhất là nhóm bạn Mai Văn Hoan, Phan Ngọc Thu, Lê Thị Mây và tôi đã đọc chọn bước đầu cho vào tuyển thơ Thời gian và quảng cách của Nhà xuất bản Văn học-1990. Năm 1991, nhà thơ Trần Nhật Thu từ Sài Gòn chọn một trăm bài thơ tình, theo thể xonê in ở Nhà xuất bản Thuận Hoá… nhưng chưa hề vơi cái kho tàng bí ẩn đằng sau cánh cửa kia.

Sau ngày chúng tôi kéo nhau về Quảng Bình không lâu, ông mang đến tôi chiếc cặp đen đã sờn cũ. Ông căn dặn: “Nhờ Thuật, mình tin Hoàng Vũ Thuật sẽ giữ cho mình, để ở nhà không tiện. Khi nào mình qua đời, tuỳ cậu…” Tôi ôm lấy chiếc cặp, không biết những gì trong đó, nhưng lòng tôi dâng lên niềm xúc động, khi nhận lãnh điều hệ trọng từ một cõi người đang hiện hữu trước mặt.

Từ ấy, thỉnh thoảng tôi mở chiếc cặp ra, không phải để đọc, tra cứu mà cốt để chống mọt gián, nếu chúng quấy rầy. Tôi không dám chạm mắt vào hàng trăm bài thơ trong ấy. Nó như những bào thai ấp ủ giữa trang vở học trò, chờ ngày nào đó mới cất liên tiếng nói chính mình, như lời ông căn dặn. Tôi sợ nó. Bởi nó đâu chỉ là thứ ngôn ngữ thông thường. Dưới hình thức nào chăng nữa, tôi biết, những câu thơ kia nhất định được chắt ra từ dòng máu chân thành của trái tim ông. Những lúc ấy tôi nhớ ông da diết. Trong tôi lại vang lên giọng đọc đượm buồn của ông:

Không biết nữa buổi chiều đang lịm tắt

Tôi rùng mình biến thành cánh chim đêm

Ôm bóng tôi bay về miền cô tịch…

Một giọt nước mắt rơi xuống chiếc cặp đen. Có thể bài thơ này, chưa ra mắt bạn đọc, nó đang còn đâu đó trong những cuốn vở chép tay.

Ngày 30 tháng 8 năm 1993, đúng vào giờ Ngọ, Xuân Hoàng hoàn thành bản thảo tập hồi ký được đánh máy công phu, trên một nghìn trang – Âm vang thời chưa xa, khởi đầu viết từ tháng 9 năm 1987. Hồi ký xoay quanh trục thời gian hơn một phần tư thế kỷ, qua hai giai đoạn chính từ 1930-1945 và từ 1945-1954. Đọc những trang viết đầy xúc động về Cố đô Huế, về làng quê Quảng Bình, về thị xã Đồng Hới với Nhà Ga cổ, Cầu Dài, Xóm Câu, ngọn hải đăng, nhà thờ Tam Toà sừng sững giữa lòng phố xá, cùng các tuyến nhân vật đan xen giữa gia tộc, họ hàng, các nhân vật lịch sử như Phan Bội Châu, Tôn Quang Phiệt, các chiến sĩ cách mạng như Quách Xuân Kỳ, các nhà văn nhà thơ cùng thời như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Dương Tử Giang, các bầu bạn thời ấu thơ, thời thanh niên tham gia kháng chiến, tôi vô cùng khâm phục và không ngờ tới sức lao động bền bỉ của ông. Nhiều chương hồi ký đã được nhà thơ Lê Thị Mây và tôi chọn giới thiệu rải rác trên các tờ báo, tạp chí. Người ta hiểu ông hơn cái bề trầm của cuộc đời từng trải. Ông viết chân thật, không bị chi phối, lệ thuộc bất cứ khuôn mẫu, xu thế nào. Giao bản thảo cho tôi, kèm theo bức thư gửi Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình, ông viết “Của tin một một chút này…” Tôi soạn thảo công văn gửi lên Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị cấp một phần kinh phí hỗ trợ cho cuốn sách được sớm đến với độc giả, nhất là độc giả quê hương Quảng Bình. Uỷ ban nhân dân tỉnh có ngay quyết định cấp năm triệu đồng – một khoản tiền không lớn, chưa đủ lo cho tập sách dày trên bảy trăm trang in, nhưng nó lớn đối với tình cảm giữa những người làm chính trị và giới văn nghệ sĩ ở một tỉnh còn có nhiều khó khăn như Quảng Bình. Nhà thơ Lữ Huy Nguyên, giám đốc, chị Dương Thu Hồng phó giám đốc, cùng nhà văn Thuý Toàn, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu ở Nhà xuất bản Văn Học đã nhiệt tình đón nhận khi tôi đặt bản thảo lên bàn. Nhà xuất bản phải gánh thêm ít nhất trên hai mươi triệu để lo cho cuốn sách ra đời.

Lữ Huy Nguyên ơi, bây giờ anh không thể đọc được những dòng này nữa rồi. Nhưng lòng tốt như cây thanh thiên dù có vùi quên, nó vẫn ngời xanh trên trần gian mênh mông này. Lòng tốt giúp một người mà được cả ngàn người anh à. Tôi giám chắc ở miền cô tịch Xuân Hoàng sẽ bắt tay anh thay cho nhóm bạn chúng tôi, trong đó có chị Lê Thị Mây chăm chút sửa sang, lo đánh máy từng trang bản thảo. Với sức đẩy của cuốn hồi ký này, Xuân Hoàng đã gắng gổ viết tập hai, giai đoạn từ sau 1954 đến những năm gần đây. Tập bản thảo này có nhiều tư liệu quý, bởi nó đi qua các thời kỳ ông từng tham gia công tác ở Nhà xuất bản Văn học, rồi làm quản lý ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình cũ, Hội Bình Thị Thiên sau này. Đó là giai đoạn có nhiều biến động, nhiều đổi thay. Mãi đến tháng 12 năm 2000, bản thảo Âm vang thời chưa xa, tập hai dày 256 trang hoàn thành tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đúng vào giờ Ngọ, tháng Mão, năm Đinh Sửu mới đến được tay bạn đọc. Bệnh tiểu đường quăng quật ông trên mười năm nay. Ông không còn sức lực để tung hoành như tập trước. Ông viết trong lời tâm sự: “Sức người có hạn mà cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ thì vô cùng, chỉ xin dám dâng đời chút lòng thành trong muôn một”. Khi bệnh tình quá nặng, khó bề qua khỏi, gia đình lại chuyển lên ở nhà cô gái út-nhà báo, nhà thơ trẻ Nhật Lệ để thuận tiện chăm sóc. Tôi nhảy tàu vào thăm ông lần nữa. Ông năm trên giường, liệt nửa người, trong trạng thái vô thức. Duy cánh tay trái vẫn còn cử động, thỉnh thoảng lại đưa lên vuốt tóc. Đây là động tác quen thuộc của Xuân Hoàng mỗi khi ra khỏi nhà, hoặc sắp gặp người nào đó. Chị Bình ghé sát tai ông: “Chú Thuật, ba nhớ không, chú Hoàng Vũ Thuật lại vô thăm ba đó!”. Ông gật đầu, chị Bình quay sang tôi: “Lạ không, nhiều người đến thăm, nói rất to, anh không hề có cử chỉ này, chỉ trừ con cái. Vậy là anh ấy rất nhớ chú…” Tôi quay mặt nhìn sang phía khác, xoá đi những lởn vởn chực xô đẩy tâm trí mình.

Nhớ lại đầu năm 1997, ông trốn gia đình ra Quảng Bình. Anh chị em trong cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật mừng lắm, nhà văn Hữu Phương, nhà điêu khắc trẻ Phan Đình Tiến, cô Hoa, cô Huế, chú Tranh sắp xếp ông nghỉ tạm ở khách sạn Nhật Lệ với giá bình dân, để được dài ngày thăm bà con, bạn bè. Chân tay ông đã run lẩy bẩy, mỗi khi tôi dắt đi hoặc ngồi sau xe máy. Ấy vậy mà ông không chịu nằm yên, phải đi cho hết những nơi ông muốn. Chị Bình hoảng hốt vừa điện thoại cho tôi vừa tức tốc ra quê triệu hồi ông về lại đất Sài thành.

Giữa tháng 11 năm 1997, Câu lạc bộ Hương Nguồn do anh Ngọc Khương, một bạn thơ tổ chức đêm thơ Xuân Hoàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội không còn tiền lo cho tôi vào dự theo lời mời. Tôi ghi thư cho Hội đồng hương, Ban tổ chức xin xá cho. Bắt được mạch, ông đề nghị tôi làm một chương trình như vậy ở Đồng Hới. Chưa đáp lại, ông đã ngả bệnh nặng, nằm liệt người.

Tiến sĩ Phan Viết Dũng, phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh vội vã thay mặt tỉnh và anh chị em văn nghệ Quảng Bình vào thăm ông.

Xuân Hoàng, như nhiều người đã viết và nhiều người từng nhận xét, gặp ông lập tức bị ông cuốn vào trận cười. Chưa hẳn vậy, hình như tiếng cười của ông cốt để xua đi niềm riêng của mình. Nỗi niềm ấy, ít khi ông nói ra mà phần lớn gửi gắm vào trong thơ, trong những trang hồi ký đã in thành sách:

Ôi, có khi nao, qua những tiếng cười

Em thấy được nỗi buồn anh rục chín?

(Buồn thì viết)

Tôi nhớ có thể không trọn vẹn mấy câu thơ dưới đây của ông nói về cái chết của nhà thơ Nga-Mai a:

Mai a cốp xky ơi

Anh sai lầm rồi!

Việc gì phải chết

Dù thắng cuộc anh là người thua cuộc

Cứ như tôi tiếp nối những trận cười…

Ông thờ ơ với những chuyện vô bổ, hình thức, không cần cho ai. Thờ ơ cả chính mình. Ông đãng trí, đa tình và lãng tử. Những câu chuyện đãng trí của ông kể suốt ngày không hết. Vậy mà nhiều lần tôi gặp ông trong trạng thái trầm cảm, vô hồn. Một lần, ông và tôi cùng chị Minh Hà (nhà báo, con gái ông) và nhà thơ Hải Kỳ ra thăm cửa biển Nhật Lệ. Ông không khóc, nhưng tôi thấy gương mặt ông chùng xuống, như có lớp sương mù đang bao phủ, mờ đi trước ngàn con sóng không ngừng ào ạt vỗ lên bãi cát, bên cạnh những khóm hoa tứ quý, một loài hoa ông rất yêu mến. Ông nói nhỏ cùng tôi: “Nếu được nằm xuống, mình muốn nằm ở đây Thuật ạ!” Hiểu tâm trạng ông, tôi nói cùng Minh Hà: “Cô hãy ủng hộ chúng tôi, ông Xuân Hoàng không đi đâu cả. Hãy ở lại Quảng Bình. Với chúng tôi không có Xuân Hoàng, chúng tôi là những người thừa ra mà thôi…” Minh Hà gật đầu. Vậy mà ông đã vào ở hẳn tại thành phố Hồ Chí Minh và ở mãi không bao giờ quay về nữa.

Xuân Hoàng ơi! Tôi hiểu ông chưa hẳn đã bằng những người bạn khác như Trần Công Tấn, Hải Bằng, Trần Nhật Thu, Lê Khai… Nhưng tôi không chịu nổi sự ra đi của ông, mà tôi không được ở bên cạnh, không được cầm tay, vuốt mắt ông lần cuối. Đó là nỗi dằn vặt sẽ còn theo tôi mãi về sau. Bởi lẽ, trong từng chặng đường từ ngày tôi mới đôi mươi cho đến bây giờ, lúc buồn lúc vui đều có ông bên cạnh. Ông chở che đời tôi bằng tàu lá chuối xanh vùng cát trắng, gió Lào, chứ không phải là cái mũ mão thói thường của người đời vốn ưa chuộng.

Đồng Hới, ngày 10 tháng 12 năm 1999

Comments are closed.