Những lá thư của Kafka

Paul Auster

Đoàn Huyền dịch

Dần dà, chúng ta bắt đầu hiểu Kafka. Trong số tất cả các nhà văn hiện đại Kafka sống ẩn dật nhất, khó tiếp cận nhất, và cuộc đời và nghệ thuật của nhà văn thường xuyên bị hiểu nhầm. Người ta biết rõ rằng bình sinh nhà văn cho in rất ít tác phẩm; nếu không phải vì sự tận tụy của Max Brod bạn nhà văn, người đã bỏ lơ yêu cầu hủy tất cả những trang viết chưa xuất bản của Kafka sau khi nhà văn qua đời, thì có lẽ cái tên Kafka cũng chết theo nhà văn năm 1924. Chính sự xuất hiện của tác phẩm Kafka, sau đó, [cũng] bị bao quanh bởi sự bí ẩn và mơ hồ. Tại sao những tiểu thuyết vẫn chưa hoàn thành? Và tại sao, [bất chấp] sự xuất chúng và độc đáo hiển nhiên của chúng, tác giả lại không muốn xuất bản? Một hình ảnh lớn dần lên về Kafka [trong diện mạo] một công chức khúm núm, một nạn nhân điển hình của xã hội hiện đại, một kiểu người-bóng tối. Trong suy nghĩ của công chúng, nhà văn là Gregor Samsa của Hóa thân.

Nhiều năm trôi qua, khi nhiều sự thật về tiểu sử của nhà văn đã sẵn, hình ảnh này đang thay đổi. Việc xuất bản Nhật ký, những trầm tưởng và cách ngôn, những lá thư đầy đam mê gửi Milena và Felice, cũng như những tiểu sử và hồi ký của Brod, Gustav Janouch, và những người khác, để lộ ra một Kafka phức tạp, tinh tế và lôi cuốn gấp bội với những gì [người ta] có thể tưởng tượng. Như Milena Pollak nói một cách súc tích trong lá thư gửi Brod ngay sau khi quan hệ của cô với Kafka chấm dứt: “Những cuốn sách của anh ấy thật đáng kinh ngạc. Bản thân anh ấy còn đáng kinh ngạc hơn nhiều…”

Tính cách Kafka đặc biệt mâu thuẫn một cách quyết liệt. Với bạn bè và người quen biết, nhà văn là người thông thái và hấp dẫn đến mức khó tin, cực kỳ rộng lượng, sắc sảo trong đối thoại, và không biết mệt mỏi trong hoạt động tinh thần. Đọc những tư liệu về Kafka, người ta bị gây ấn tượng hơn hết thảy bởi khả năng tận hiến, bởi sự thuần khiết và phẩm cách, bởi sự hiện diện không thể quên của Kafka. Nhà văn, đơn giản là, không giống một ai khác – phần nhiều trong Những cuộc đối thoại với Kafka của Janouch, chẳng hạn, Kafka được miêu tả như một vị thánh. Mặt khác, Kafka của Những Trang Nhật ký, một Kafka đối đầu với chính mình, bị hành hạ bởi sự tự hoài nghi, ý thức một cách gần như bệnh hoạn về những khuyết điểm nhỏ nhặt nhất của mình. Bị giằng xé giữa lý tưởng hôn nhân, gia đình và cộng đồng với đòi hỏi của sự viết (điều dẫn đến hai lần đính hôn thất bại của nhà văn), không thể đào thoát khỏi gia đình của mình và ảnh hưởng ngột ngạt của sự độc đoán người cha, ám ảnh bởi những nỗ lực tự tu dưỡng của ông (làm vườn, thuyết ăn chay, nghề mộc, những bài học Do Thái), biết rằng tài năng của mình là viết văn nhưng không thể đặt niềm tin sâu sắc vào bất cứ điều gì mình viết (mặc sự đồng cảm của những người xuất bản sách, những người điểm sách, và những người bạn), Kafka không nhận được chút mẩu hạnh phúc nào cho đến những năm cuối đời khi nhà văn yêu nàng Dora Dymant và cùng cô chuyển tới Berlin. Nhà văn đặt ra những tiêu chuẩn cao đến bất khả cho chính mình mà đến cuối cùng anh thất bại. Nhưng chính sự đấu tranh, những khát khao không thỏa này vượt trên chính anh, điều đó khiến tác phẩm của anh trở nên rất quan trọng. Giống như nghệ sĩ đói ở một trong những truyện ngắn hay nhất của anh, cuộc đời và nghệ thuật của Kafka không thể tách rời: thành công trong nghệ thuật của anh có nghĩa là tự ăn mình trong tư cách một con người. Anh viết, không phải để được công nhận, mà bởi chính cuộc sống của anh phụ thuộc vào nó. Như anh bộc lộ trong nhật ký: “Viết là một hình thức cầu nguyện.”

Đọc những lá thư của một nhà văn, đôi khi, có thể khiến người đọc tự thấy xấu hổ. Chúng ta cảm thấy mình đang phạm vào đời tư, nhìn thấy những thứ không dành cho mình, và thường thì ta không thể tìm được bất cứ thứ gì giúp làm sáng rõ tác phẩm của nhà văn – lý do mà từ đầu chúng ta tìm kiếm chúng. Với Kafka, tuy nhiên, những lá thư lại rất quan trọng. Nằm trung gian giữa trận chiến bên trong của những trang nhật ký và những trang viết khách quan của người viết tiểu sử, chúng giúp chúng ta hiểu những quan hệ của nhà văn với thế giới và cho chúng ta một bối cảnh để thấu hiểu tính cách của anh. Một kết luận xuất hiện ngay tắp lự: Kafka là một nhà văn bẩm sinh, không thể viết một câu tồi hay tự bộc lộ một cách vụng về. Đầu năm 1902, lúc 19 tuổi, anh viết cho một bạn học, Oskar Pollak, với một khả năng tưởng tượng và tính hài hước rồi sẽ thành đặc trưng của anh:

Mình ngồi bên cái bàn gỗ của mình. Cậu không biết nó đâu. Sao mà cậu biết được? Cậu thấy đấy nó là một cái bàn đứng đắn dùng vào mục đích giáo dục. Chỗ gần đầu gối của người viết có hai đầu nhọn kinh khủng. Và giờ hãy chú ý. Nếu cậu ngồi yên lặng, thận trọng, và viết gì đó đúng đắn, mọi sự ổn thôi. Nhưng nếu cậu trở nên phấn khích, cẩn thận đấy – nếu thân thể cậu rung lên chỉ chút thôi, cậu không thể không cảm thấy cái đầu đinh trên đầu gối cậu, và đau không thể tả. Tớ sẽ cho cậu xem những vết bầm tím. Và điều này đơn giản có nghĩa là “Đừng viết bất cứ cái gì gây kích thích và đừng để thân thể cậu rung lên khi cậu viết.”

Hai năm sau nhà văn lại viết cho người bạn Oska Pollak này:

Tớ nghĩ chúng ta chỉ nên đọc loại sách gây thương tích và đâm ta một nhát dao. Nếu cuốn sách chúng ta đọc không làm ta bừng tỉnh với một cú đấm vào đầu, thì ta đọc chúng làm gì?… Nhưng chúng ta cần những cuốn sách ảnh hưởng đến mình như một thảm họa, khiến chúng ta đau đớn một cách sâu sắc, như cái chết của người ta yêu hơn chính bản thân mình, như bị đẩy vào những khu rừng cách xa mọi người, như một sự tự sát. Cuốn sách phải là một cái rìu cho đại dương đóng băng bên trong chúng ta. Đây là tín niệm của mình.

Max Brod, tất nhiên, là người bạn trao đổi thư từ quan trọng nhất của Kafka, và suốt hai mươi năm tình bạn của họ, Kafka đã thổ lộ tâm hồn mình cho bạn. Những bức thư gửi cho Brod là thân tình nhất vượt xa những bức thư còn lại trong cuốn sách, liên quan đến những vấn đề văn chương và riêng tư một cách rất tường tận – hằng hà sa số các sự kiện của cuộc sống thường nhật của Kafka – và gồm những miêu tả xuất sắc về con người và không khí ở nhiều viện điều dưỡng Kafka ghé tới trong những năm cuối đời. Người ta không thể đọc những lá thư này mà không bị ấn tượng bởi sự sâu đậm của tình bạn giữa hai người, mối gắn kết của niềm tin cậy tuyệt đối giữa họ. Chỉ những lá thư này thôi cũng đủ tạo thành một cuốn sách lạ kỳ. Nhưng vẫn còn nhiều bức thư khác: nhiều lá thư gửi cho Kurt Wolff, người xuất bản sách của nhà văn, Kafka viết rất đỗi khiêm nhường về những tác phẩm của mình, gần như Kafka cảm thấy Wolff đang làm ơn xuất bản những truyện ngắn của nhà văn; sự trao đổi thư từ một thời gian dài giữa Kafka và Minze Eisner, một cô gái trẻ bị rối loạn về xúc cảm, người anh đã kết bạn, động viên, khuyên nhủ, và giúp đỡ qua những năm tháng khó khăn của tuổi thành niên; một luận văn gây ấn tượng mạnh mẽ bàn về giáo dục trẻ em gửi cho chị của Brod; những nỗ lực không ngừng của nhà văn để giới thiệu tác phẩm của những người bạn trẻ tuổi tới những người xuất bản và biên tập viên tạp chí; và tập hợp những lá thư gửi Martin Buber, Robert Musil, Franz Werfel, và các nhà văn quan trọng khác trong giai đoạn này. Chúng ta thấy Kafka từ nhiều khía cạnh khác nhau, bắt gặp anh trong quan hệ với rất nhiều kiểu người khác nhau, từ đó cuối cùng chúng ta có thể chứng kiến sự phát triển tính cách của nhà văn, đối diện với nhà văn với tư cách một con người. Giá trị của cuốn sách này không thể bị xem nhẹ. Bởi nó, việc đọc những tác phẩm Kafka của chúng ta thực sẽ không bao giờ còn có thể như cũ.

Tám trang cuối cùng là “Những mẩu đối thoại”, những ghi chú được viết bởi Kafka trong những giờ phút cuối đời cho Dora Dymant và Robert Klopstock – hai người bạn ở bên anh tận đến thời khắc cuối cùng và là những người anh gọi là “gia đình nhỏ.” Kafka bị bệnh lao thanh quản và không thể nói được; việc ăn uống trở nên rất đau đớn đến mức bệnh chưa phát tác hết thì anh thực sự đã chết vì đói. Những ghi chú này, trong toàn bộ sự khúc triết ngắn gọn của nó, là một trong những điều khiến lòng người tan vỡ nhất mà Kafka từng viết. Đây Kafka, ốm liệt giường, nằm giữa những bông hoa, được trông nom bởi hai người bạn, đang sửa bản in thử Một Nghệ sĩ Nhịn Đói, đang đợi chết.

Nghĩ rằng mình đã từng có thể chỉ cả gan uống một ngụm nước lớn… Mình đặc biệt thích chăm nom hoa mẫu đơn vì chúng quá mong manh… và chuyển những cây đinh tử hương ra ngoài nắng… Mình sẽ cầm cự thêm một tuần nữa, hy vọng thế; những điều đó thật nhiều sắc thái… Làm ơn hãy chắc chắn mình không ho vào mặt các bạn… Mình đã cố gắng nhiều xiết bao hướng về tất cả các bạn; thật điên rồ… Sợ hãi rồi sợ hãi… nếu không có đề tài chính, không có chủ đề cho đối thoại… Vấn đề là mình không thể uống một ngụm nước, mặc dù sự thèm muốn tự nó là một thỏa mãn nào đó… Tuyệt vời phải không? Cây tử đinh hương – đang chết, nó uống, cứ nuốt ừng ực… Đặt tay bạn lên trán mình một phút cho mình sự can đảm.

Và cuối cùng, sau khi bác sĩ tới thăm anh:

Người cứu chữa ấy lại một lần nữa khuất dạng mà chẳng giúp được gì.

Anh 41 tuổi, kề cận một cuộc sống mới, tràn đầy hy vọng cho tương lai. Thậm chí giờ đây, cảm giác mất mát ấy vẫn gần như khôn kham.

1977

Dịch từ bài viết Kafka’s Letters, in trong The Art of Hunger, Paul Auster, Penguin Books, 1997, p.134-139.

Comments are closed.