Thái Hạo
Hơn 4 giờ sáng, đang ngồi bên bàn thì mẹ lên, giọng hớt hải “Con mèo ăn phải thuốc rồi”. Tôi bỏ máy tính xuống chạy vội ra nhà kho tìm bình oxy già và thuốc điện giải. Hai mẹ con đi nhanh xuống nhà, con mèo đang nằm trên sàn, chân quơ cào, miệng gào rú thất thanh. Tôi cắt miệng bình oxy và đưa cho mẹ cùng với bao tay, nói mẹ cho nó uống đi. Trong nhà, nó chỉ thân với mẹ. Đêm nào cũng len vào nằm cùng, rúc vào lòng hay gối lên gối mẹ. Trừ mẹ, nhà chẳng ai rờ được nó.
Mẹ cho uống hết nửa bình oxy già, nó nôn ra nhưng chỉ được một chút, hai mắt đã dại đi, chân không ngừng giãy dụa, sùi bọt trắng vương vãi khắp nhà. Mẹ dỗ nó và cho uống thêm điện giải rồi đưa vào bếp cho nằm.
Sáng, tôi xuống chợ mua than hoạt tính, về nghiền nát và hòa với nước. Mẹ nói nó chỉ uống được một ít, cơ miệng cứng rồi không nuốt vô được, người bất động rồi, kêu không ra tiếng nữa.
Trưa tôi xuống, vừa tới sân, mẹ nói, “mèo chết rồi”. Tôi vào nhìn nó, rồi quay ra. Hút xong điếu thuốc thì đi tìm cây cuốc. Tôi đào chiếc hố dưới gốc cây đào, cắt một tầu lá chuối, chia làm hai rồi lót xuống một nửa, bế con mèo ra, đặt nó vào, đậy lên trên nửa tầu lá còn lại, bỏ lên cho nó nắm đất, vun lên thành ngôi mộ nhỏ. Mẹ đã tránh đi chỗ khác từ khi nào…
Tôi vào bàn thờ tìm nhang, đốt cho nó một cây. Đang châm lửa vào đầu que thì thằng cháu chạy ra. “Bác ơi, bác thắp nhang cho con mèo lên thiên đàng phải không”. “Ừ, cháu A Di Đà Phật cho con mèo nghe đi”. “A Di Đà Phật”. “Bác Tuấn ơi, con mèo của bà nội, nó siêng bắt chuột lắm, không cho chuột cắn lúa, nó được lên thiên đàng phải không bác Tuấn?”. “Ừ, nó được lên thiên đàng”.
Mùi nhang và mùi hoa bưởi tháng Ba lẩn khuất trong vườn.
Hôm nay gió mùa, trời âm u trở lại, hơi lạnh chờn vờn trên cành lá. Trưa, ngồi nhìn hoa bưởi trắng lấm tấm trong lá xanh, mẹ hỏi “bận chi không, chở mẹ ra đồng dặm lúa”. Hai mẹ con đi. Tiết trời này là trời lang thang qua những cánh đồng và làng mạc xa, đi mãi không muốn về.
Mới ra tới đê, đến chỗ cống Hai Cửa thì gặp mấy người đàn ông đang ngồi bệt bên đường “Các bác mời cơm với chúng em”. Chúng tôi cười và nói một câu bâng quơ để chào lại rồi đi qua. Mẹ bảo họ đập bê tông để lấy sắt. Ra đến đồng, mẹ chỉ tay “chuột ăn quang hết rồi”. Nhà này, nhà này nữa, quang hết cả đồng rồi…
Tôi quay về, lại đi qua chỗ mấy người đàn ông đang ngồi ăn cơm. Lại có tiếng chào lớn “Ăn cơm với chúng tôi này”. Tôi dừng xe bên đống xà bần đang đổ ngổn ngang trên vệ đê. Không biết ai đã đổ chúng ở đây. “Các bác đập bê tông này để lấy sắt ạ?”. “Vâng, lấy sắt”. “Chừng này được khoảng bao nhiêu cân rồi?”. “Chắc khoảng hơn hai mươi cân”. “4 người mà nửa ngày được có hơn 20 cân… Sắt vụn bán bao nhiêu tiền một cân hả bác?”. “10 nghìn, 12 nghìn”. “Từ sáng tới giờ 4 bác mới kiếm được khoảng hơn 200 nghìn thôi nhỉ”. “Vâng, già rồi, không ai thuê nữa, nhưng khổ, còn ăn được, uống được, thì phải làm thôi anh ạ”.
Tôi nhìn 4 người đàn ông, người trẻ nhất cũng phải bằng tuổi bố tôi, người già nhất có lẽ phải ngoài 70 hay gần 80, không biết chắc. Trên tàu lá chuối trải bên đường là ít đồ ăn với rau sống, có cả bia nữa, bên cạnh là mớ sắt 6, sắt 8 nằm lộn xộn. “Uống với chúng tôi một ly”. “Cảm ơn bác, cháu không biết uống. Các bác quê đâu?”. “Chúng tôi Hải An”. “Hải An, cách đây chắc 15 cây nhỉ…”.
Nhìn trời đất này chỉ muốn quay xe mà lang thang sang làng bên, việc thì đang dở ở nhà. Vào tới sân, bố tôi bảo, con chó nhà chú tôi cũng mới ăn phải thuốc chết rồi. Mấy hôm trước là chó và mèo nhà cậu tôi.
Loa thôn bên Nông Cống vọng lên núi, “Alo, alo, xin thông báo, bà con chuẩn bị kế hoạch đánh thuốc chuột…”.
Thằng bé đang chơi một mình trên hiên. “Bác Tuấn ơi, giờ con mèo đã lên thiên đàng chưa”. “Bác không biết”. “Bác Tuấn nhìn này, cháu đang làm đôi dép này cho con mèo đấy…”.
Cây nhang trên mộ con mèo dưới gốc đào đã sắp cháy hết, tàn gục đầu xuống chân nhang. Hoa bưởi đang căng lên trong gió, như sắp vỡ ra…
Tào Sơn, 7.3.2024