Sài Gòn – Những ngày phong thành (40)

DANH SÁCH TỔ PHẢN ỨNG NHANH QUẬN/ HUYỆN

HCDC – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM

TPHCM khẩn trương lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà

UBND TPHCM đã có văn bản giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, Công an, Đoàn thanh niên, …

Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.

Khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh sẽ gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.

Tải file PDF tại đây:

https://hcdc.vn/public/img/da39a3ee5e6b4b0d3255bfef95601890afd80709/images/mod1/images/danh-sach-to-phan-ung-nhanh-quanhuyen/files/S_O_S%20(Final%20PDF).pdf

 

VACCINE VERO CELL: CHỌC GẬY BÁNH XE?

FB Nguyễn Phan Tú Dung

Thật đau lòng khi mỗi ngày phải chứng kiến cảnh người tử vong, xác người chuyển đi thiêu không kịp.

Đau đến quặn lòng khi nhìn cảnh người nhà ôm người bệnh chạy vạy khắp Sài Gòn để cầu cứu bệnh viện tiếp nhận người thân đang thoi thóp..

Tim đau nhói khi mỗi ngày chứng kiến biết bao cuộc gọi cầu cứu, tìm bệnh viện, tìm xe cấp cứu, tìm cách mang sự sống đến cho những bệnh nhân đang thoi thóp vì bệnh tật…

Tôi thiết nghĩ không một vị lãnh đạo nào mà không nghe thấy, thậm chí nghe thấu tim và ám ảnh cả cuộc đời…

Cuộc chiến Chống lại Covid-19 mà nhà nước ta đang triển khai với nhiều mũi tiến công bằng tất cả nỗ lực và phát huy mọi nguồn lực.

Trong đó, chiến dịch tiêm vaccine là chiến lược cốt lõi quan trọng nhất trong giai đoạn này. Ngay từ khi bắt đầu, TPHCM với quyết tâm: hoàn thành 70% tiêm vaccine mũi đầu tiên cho toàn dân. Tất cả các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn cố gắng từng ngày để hoàn thành mục tiêu… Cố gắng đẩy số lượng tiêm chủng mỗi ngày dù cho họ vẫn mệt mỏi và đâu đó có người suốt 2 tháng nay vẫn phải xa gia đình, xa người thân… Tất cả họ để cố gắng hết sức lực để TP.HCM sớm đạt được 70% người dân được tiêm vaccine.

Xót lắm, khi nhìn thấy các nhân viên của mình có hôm phải làm việc đến 20h-21h, làm việc bất kể ngày đêm và không có một ngày nghỉ cuối tuần….

Thoạt đầu, Bệnh viện JW chúng tôi chỉ có 2 đội tiêm vaccine, sau đó tôi đề nghị tăng cường thêm 3 đội thành 5 đội.

Số lượng người dân được tiêm mỗi ngày cao ngất và tỷ lệ hoãn tiêm rất thấp… là điều khiến tôi rất tự hào ở các đội tiêm của JW.

Có ngày, toàn đội tiêm được 1700-1800 người (bằng cả 8-10 đội tiêm nơi khác).

Các anh em làm rất hăng say trong bộ đồ bảo hộ trùm kín… Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại và những dấu hằn trên gương mặt, khiến tôi vừa thương vừa tự hào.

Với tốc độ tiêm vaccine thế này, ai cũng hi vọng cuối tháng 8 thì Sài Gòn chúng ta sẽ đạt mục tiêu 70% người dân được tiêm mũi 1 và TP.HCM đạt miễn dịch cộng đồng.

Nhưng không, mọi thứ đã dừng lại…!

Kể từ lúc xuất hiện cái tên Vaccine Vero Cell của Sinopharm (do Trung Quốc sản xuất), một làn sóng dư luận đã nổi lên…

Tạm gọi là "Chọc gậy bánh xe"… Nó khiến dân chúng hoài nghi, phản ứng kịch liệt về nó (dù chưa kết quả thế nào), nhưng dường như mọi mũi dao đang lao thẳng vào nó…

Có lẽ, người ta sợ hoặc cũng có thể người ta ghét nơi đó!

Trong các nhóm tiêm cộng đồng thì 2 nhóm tiêm ở Quận 1 tại Điểm Tiêm Tao Đàn đã nghỉ 2 ngày vì lý do gì thì chắc ai cũng biết. Còn nhóm tiêm ở Quận 6 thì kể từ ngày triển khai vaccine mới thì chỉ le que vài người đồng ý tiêm…

Từ con số 1800 người tiêm/ngày nay chỉ còn vỏn vẹn 300 người tiêm/ngày…

Phải chăng, mọi thứ đang đổi chiều… và không đúng như kế hoạch đã đặt ra? Với tình hình như hiện tại thì chúng ta cần bao lâu nữa mới đạt mục tiêu… Nếu vẫn tiếp tục duy trì như hiện tại…

Tôi không hiểu sao chính quyền phải quyết định cho vaccine này vào lúc nhạy cảm nhất, tại sao phải phá hỏng kế hoạch, mục tiêu mình đã đặt ra… tại sao không nhìn thấy chậm một ngày là hàng trăm người phải chết…

Không phải là tôi chê vaccine này, bởi lẽ người Trung Quốc và một số nước khác đã dùng thì nó phải có giá trị nhất định nhưng trong giai đoạn này chúng ta nên cân nhắc.

Đâu phải chúng ta hết vaccine, vẫn còn hàng triệu liều AstraZeneca đã về Sài Gòn…

Vẫn còn nhiều nơi trong nước tiêm không đạt tiến độ…

Nhiều nơi không bị nhiễm nặng, không nhận vaccine hoặc nhận chậm trễ… đến mức BYT lên tiếng là không nhận hoặc chậm trễ thì phát cho nơi khác…

Trong mấy tuần qua, nhìn cảnh người bệnh không thể nhập viện cứu chữa, người chết không kịp mai táng ở Sài Gòn…. người thân ly biệt, không kịp thắp 1 nén hương vì đại dịch…

Thử hỏi ai có thể làm ngơ?

Thử hỏi lòng ai không nhói đau?

Thật sự, đáng phải suy ngẫm!

Bởi họ là dân mình đấy!

Có thể là hình ảnh về 1 người

Không có mô tả ảnh.

Có thể là hình ảnh về văn bản

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang ngồi và trong nhà

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ BIỆN PHÁP CỨU TRỢ KHẨN CẤP VÔ ĐIỀU KIỆN

FB Nguyen Ngoc Chu

1. TP HCM giãn cách thêm một tháng đã buộc hàng ngàn đồng bào phải tháo chạy vì không có miếng ăn. Phải tiên lượng rằng giãn cách ở TP HCM còn có thể kéo dài. Không lương không việc làm thì lấy gì để sống?

2. Việc cứu trợ khẩn cấp đã đề nghị ngay từ đợt tháo chạy lần trước mà Thủ tướng phải ra lệnh chấm dứt từ ngày 01/8/2021. Nhưng từ đó, việc cứu trợ đã không được thực hiện một cách có hiệu quả. Khẩu hiệu “không để ai bị đói” của Chính phủ vẫn chưa được thực hiện.

3. ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ BIỆN PHÁP CỨU TRỢ KHẨN CẤP VÔ ĐIỀU KIỆN CHO ĐỒNG BÀO.

4. CÁC NƯỚC, KHI GIÃN CÁCH, NGƯỜI DÂN ĐƯỢC TRỢ CẤP VÔ ĐIỀU KIỆN TỪ 60%-80% LƯƠNG, HOẶC HƠN NỮA.

5. ĐỊNH HƯỚNG XHCN LÀ ĐÂY. KHÔNG PHẢI TÌM Ở ĐÂU XA.

clip_image002

VẠ VẬT TÌM ĐƯỜNG RỜI TP HCM

Nguyễn Điệp – Công Khang, VNExpress, ngày 18/5/2021

Dẫn theo trẻ nhỏ, trên xe chất đầy đồ đạc, nhiều người tập trung tại chốt kiểm soát ở cửa ngõ phía Đông để về quê sau khi nghe tin TP HCM giãn cách thêm một tháng.

 

CUỘC DI TẢN LẦN THỨ HAI VÀ VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN (*)

FB Lưu Trọng Văn

Hãy xốc lại đội ngũ, loại ngay những kẻ bất tài vô cảm và đưa ngay những Chiến binh tài năng, tâm huyết thực sự vào cuộc, thưa tổng tư lệnh Nguyễn Văn Nên!

Cuộc di tản lần thứ hai diễn ra ở SG với hàng ngàn người – những người kiên nhẫn ở lại SG mà không di tản như bao đồng hương của họ vì còn niềm tin và hy vọng nào đó vào chính quyền sẽ sớm dập dịch.

Bây giờ họ không còn niềm tin và hy vọng nào nữa. Họ quyết định phải tự cứu mình.

Tại sao hàng trăm ngàn người lao động nhập cư phải sa vào tình cảnh khốn khó đến cùng cực này?

Lý do có nhiều. Trong đó có lý do cơ bản chỉ những lúc bị dồn đến tình thế khủng hoảng lớn như đại dịch hiện nay mới toang ra.

Đó là hệ quả công tác nhân sự của TP không được tuyển chọn những người tài và có bản lĩnh chuẩn bị ứng phó trong mọi biến cố lịch sử từ trên xuống dưới.

Đó là một bộ máy chính quyền, đảng, các đoàn thể của TP vô cùng cồng kềnh, hình thức, chồng chéo nhau mà tính trách nhiệm không rõ ràng.

Chính vì bao lâu nay tự sướng với những thành quả có được nào đó, tự cho mình là nhất cùng mô hình cũng cho là nhất ấy nhưng thực chất bên trong có biết bao vấn đề cốt lõi bị bỏ quên nên khi gặp sự cố như vỡ đê đã bộc lộ ra hết sự yếu kém của mình.

Bây giờ thì lúng túng.

Một loạt chỉ thị tung ra đối phó rồi lập tức rút lại thể hiện sự lúng túng này.

Và Dân nhất là Dân lao động, Dân nghèo chính là những người phải lãnh đủ.

Tình trạng di tản lần hai này ở SG đã thấy rõ năng lực của hệ thống. Chính quyền cơ sở nếu ở đâu có người tài, giỏi, biết lo cho Dân thì ở đó ổn định vì Dân tin rằng mình không bị bỏ rơi.

Và ngược lại.

Tiếc rằng "ngược lại" quá nhiều dẫn đến những xáo trộn lòng Dân đang dâng cao.

Cái gì xảy ra đã xảy ra rồi. Hơn bao giờ hết Dân phải bình tĩnh. Nhưng Dân chỉ có thể bình tĩnh nếu chính quyền bình tĩnh.

Đây là lúc chúng ta đòi hỏi lãnh đạo Sài Gòn phải bình tĩnh.

Bí thư Nguyễn Văn Nên phải hành xử như một tư lệnh quyền uy đúng nghĩa.

Giải tán ngay hội đồng tư vấn chống dịch do ông chủ tịch lập ra vì không thể hiện được vai trò tư vấn. Thành lập ngay hội đồng tư vấn mới gồm các tài năng có chuyên môn y tế, quản trị, ứng phó tình trạng khẩn cấp và am hiểu Lòng Dân.

Cách chức ngay những kẻ đề xuất các chỉ thị vi phạm nguyên tắc giãn cách như chỉ thị "Di biến động dân cư” vừa rồi.

Lập tức lên đài Truyền hình kêu gọi Dân di tản đâu về đó. Chính quyền cam kết sẽ giúp chỗ ở – những ai không còn tiền trọ, giúp tiền ăn và thực phẩm, tiêm vaccine và hệ thống y tế chăm sóc khi bị bệnh.

Ra lệnh cho chính quyền địa phương cùng các đoàn thế phải thực hiện cam kết này. Cách chức người đứng đầu địa phương ngay lập tức nếu để xảy ra tại địa phương bất cứ ai dù là người nhập cư không có chỗ ở và bị thiếu thực phẩm, không được chăm sóc y tế.

Rất cần tổng tư lệnh hành động quyết liệt An Dân và lấy lại Niềm Tin của Dân.

Với những việc ngành y tế đang tích cực triển khai chống dịch, các phát kiến cung cấp túi thuốc FO, chăm sóc FO tại nhà và gói hỗ trợ an sinh, cùng sự chủ động một số chính quyền cơ sở rất hiệu quả, và Làn sóng phát huy tinh thần "Người Sài Gòn nghĩa hiệp và cao cả dấn thân" đang lan toả khắp TP, với sự bình tĩnh chủ động dám chịu trách nhiệm của tổng tư lệnh TP, Sài Gòn chắc chắn vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Hãy xốc lại đội ngũ, loại ngay những kẻ bất tài vô cảm và đưa ngay những Chiến binh thực sự vào cuộc, thưa tổng tư lệnh Nguyễn Văn Nên!

(*) Nhan đề của Văn Việt.

DI BIẾN ĐỘNG? KHÔNG DI, KHÔNG BIẾN VÌ KẸT CỨNG

FB Vũ Kim Hạnh

Bảo dân khai báo "Di biến động" bằng điện thoại thông minh, dùng QR Code ngay giữa đường. Khai báo xong mới được đi. Thế là… không di mà cũng chẳng biến chi hết, kẹt cứng ở đúng địa điểm phải kẹt: các chốt kiểm tra. Không biết cách sử dụng QR code, không quen khai báo, điện thoại mờ, hết pin sau khi "mò" thiệt lâu không được (15 phút?), đứng chờ cán bộ hướng dẫn (từng người)…

Nhiều sáng kiến… khó đỡ thiệt. Cái nào cũng cần.

Nhưng vì sao KHÔNG THÔNG BÁO VÀ HƯỚNG DẪN TRƯỚC cho dân biết, dân tìm hiểu, thao tác và làm luôn QR Code ở nhà, đến chốt chỉ trình thôi?

-Cũng ly kỳ không kém, trưa qua 14/8/2021. Bình Dương, Dĩ An, ngay quốc lộ 1, bỗng từ trên trời rớt xuống 3 cục bê tông bự, chặn bít hết cả bề ngang đường. Xe cô phải đi vòng (toàn xe tải) ùn tắc cả 4 km ngay cửa ngõ phía Đông TPHCM. Ai chơi ngon chiếm hết quốc lộ 1? Thì ra "do buổi sáng, anh em triển khai chốt kiểm soát không kịp nên lấy bê tông chắn tạm trên quốc lộ để PHÒNG DỊCH", ông Lê Thành Tài, chủ tịch ủy ban ND TP Dĩ An giải thích.

Hồn nhiên và thân thiện đến thế là cùng, mà là cùng chưa, khi khỏe re coi quốc lộ lớn nhất như sân nhà mình?

Khổ ghê, mùa này, Cô Vy hành, nhiều chuyện được làm đều nhằm phòng dịch, chống dịch mà hiệu quả thấy ngay là TẠO TỤ TẬP cứ xảy ra hoài, không chỉ riêng TPHCM, mà Hà Nội, Bình Dương và hơn thế nữa. Sao vậy kìa? Rốt cuộc ai lãnh đủ? Cần coi lại coi người thi hành mấy chuyện này có tính tới chuyện tôn trọng dân không, có ngại làm phiền dân không?

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đi xe máy, đang ngồi, đang đứng, xe môtô và đường

Kẹt cứng vì "tập" thao tác khai báo "Di biến động". Ảnh Tuổi Trẻ

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Cán bộ cũng nhiệt tình, mà dân cũng đeo bám hỏi đến khai xong mới thôi, tất cả xe đằng sau chịu khó ngừng chờ đi nha… Ảnh: Tuổi Trẻ.

Có thể là hình ảnh về đường

Ba cục bê tông "từ trên trời rơi xuống" chặn ngang quốc lộ 1, chặn luôn cửa ngõ phía Đông TPHCM chỉ vì cán bộ triển khai chốt kiểm soát không kịp, nên "TẠM" chắn quốc lộ thôi mà. Ảnh: Dinh Văn

Có thể là hình ảnh về đường

Vì ba cục bê tông tạm chặn mà xe tải nối đuôi nhau đứng chờ có… 4 km ngay trên quốc lộ 1, phường An Bình, thành phố Dĩ An trưa 14/8/2021.

 

“KHÔNG BIẾT VỀ ĐÂU” (*)

FB Trần Minh Quân

Điều gì đến phải đến, họ đã chịu hết nổi chi phí nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt sau thời gian bị mất việc kéo dài như bất tận, từ 1 tuần, 2 tuần, rồi 1, 2 tháng… Cuộc mưu sinh nơi xứ người chưa bao giờ khó khăn đến thế. Họ cạn kiệt, suy sụp, chỉ có đường về quê là lối thoát duy nhất. Họ nghĩ vậy rồi bất chấp tất cả, với đồ đạc lỉnh kỉnh, họ quyết định làm một cuộc hồi hương sau khoảng nửa tháng lắng xuống.

Hàng ngày, đọc những lời kêu cứu trong vô vọng trên các nhóm thiện nguyện, những danh sách dài dằn dặt cần trợ giúp, những hoàn cảnh bị bỏ lại ở một góc khuất nào đó của thành phố thật sự xót xa mà đành bất lực. Một khoảng trống quá lớn khó lấp đầy. Chỉ biết dõi theo và hy vọng có một phép màu nào đó cứu giúp mọi người, để không ai phải bị đói, bị bỏ rơi.

Đã ở lại thành phố, trải qua mấy lần chỉ thị 15, rồi 16, 16+, … họ dư sức hiểu rằng hiện giờ mà lao ra đường thì sẽ hết sức khó khăn thậm chí bị phạt, nhưng biết phải làm sao khi những gói hỗ trợ, những phần quà từ thiện nó còn ở đâu đâu, trong khi hàng ngày vẫn phải ăn, phải chi tiêu, phải ngồi thu lu buồn chán trong một góc trọ chật cứng nào đó.

Thiết nghĩ chính quyền phải cần sâu sát, rõ ràng, đừng ngồi đó phó mặc cho cấp cơ sở, đợi những báo cáo của các ông bà tổ trưởng. Phải có ai đó cấp cao hơn, sâu sát hơn phụ trách riêng mảng hỗ trợ người dân khó khăn lúc này, để họ an tâm bám trụ. Phải có phương án rõ ràng ngay tức thì: Ở đâu? Ăn gì? Chi phí điện nước, sinh hoạt ai lo?

Trong giai đoạn kỳ quái, vô tiền khoáng hậu này, mới thấy mọi thứ mong manh quá. Ai cũng là con người, ai cũng từng góp sức để cho thành phố có được như ngày hôm nay mà sao lại để họ phải đứng ở bước đường cùng, ở thế tiến thoái lưỡng nan như vậy.

Chạy tiếp hay quay đầu? Cái nào cũng đều khó quá.

"Tiến thoái lưỡng nan

Đi về lận đận

Ngày nay lận đận

Không biết về đâu

Về đâu cuối ngõ

Về đâu cuối trời"

clip_image004

(*) Nhan đề của Văn Việt.

NHƯNG ĐÓI NGHÈO GIẾT HỌ TRƯỚC RỒI (*)

FB Ngô Như Quỳnh 

Lúc chiều đi mua ít thực phẩm, thấy những chốt chặn vẫn cảnh bao người ách lại khai báo di biến động dân cư. Tự hỏi đến giờ khi cả F0 cũng đã cho cách ly tại nhà thì chuyện khai báo – vốn dùng để truy vết – để làm gì? Thương dân mình. Thương cả những người thực thi nhiệm vụ, họ cũng có muốn đâu. Họ đứng ở đây, nắng gió, nguy cơ cao khi tiếp xúc biết bao người. Đúng sai, tốt xấu, tôi không muốn bàn nữa. Buồn trong lòng chẳng nói được, xong phần mình thì đi…

Trong cửa hàng tiện lợi chỉ có tôi và một anh Grab. Tôi đứng cách ra xa, nhường phần anh trước. Anh trao đổi với người bán hàng trong khi gọi điện cho chị khách nào đó. “Cái chị muốn ở đây hết rồi, đổi món tương tự nhé…”. Bên kia không chịu. Đổi món abc nhé. Trong điện thoại vẫn không chịu. Người bán hàng hết kiên nhẫn nói với tôi, thôi chị mua gì em tính trước cho. Tôi lấy ít bánh trái bước tới. Anh Grab tiu nghỉu đứng qua một bên, vẫn cố thuyết phục chị khách lấy cái gì đó, cũng đã cố công anh chạy tới đây. Sau cùng bên kia vẫn nhứt quyết không. Anh nói vậy chị cancel đi nhé, mặt buồn thiu. Anh đen nhẻm, gầy gò, người mỏi mệt, mồ hôi nhễ nhại, bước ra cửa, bấm bấm vào điện thoại, chắc là chờ cuốc mới. Thấy tội quá. Tôi cứ sợ tính tiền lâu quá anh đi mất. Chạy ra cửa kịp với tay đưa anh ít tiền rồi đi ngay. Cũng không nói lí do rằng coi như bù cho anh cuốc xui xẻo khi nãy. Tại sao có những kẻ nỡ nào bắt người ta chạy tới chạy lui xong cancel. Nếu là tôi, tôi sẽ lấy cái gì đó, đằng nào cũng đã đặt. Người ta đi làm mùa này đã khổ cực rồi, hành hạ nhau tàn nhẫn quá…

Đọc báo nghe tin giãn cách tiếp tới 15/9 thì đồng thời thấy những hình ảnh dân mình lũ lượt kéo nhau về quê. Một tháng không dài nhưng một tháng với người đã kiệt quệ mấy tháng qua thì nếu không ở vào hoàn cảnh như họ đừng cười chê. Ai ngồi nhà máy lạnh gõ bàn phím nói họ thiếu ý thức… Họ còn lựa chọn nào khác đâu. Covid chưa biết ra sao nhưng đói nghèo giết họ trước rồi. Tôi thương họ, ước có thể giúp hết được họ. Một chỗ ở đủ thoáng khí, thực phẩm ăn uống nhu cầu cơ bản và thuốc thang. Ai giúp? Giúp ai? Những đội thiện nguyện có đến được hết…

Trên đường về nhà lái qua rồi mà vẫn không chịu nổi, lui xe lại. Một người ăn xin tóc bạc trắng dài che phủ mặt ngồi dưới nắng không ai ngó ngàng. Xuống xe đặt lên chiếc xe lăn một bịch bánh và ít tiền, rồi rời đi. Cũng chẳng dám nói hay dặn dò gì. Một người cha chở con trên xe đạp đi ngược chiều với bịch đồ tòn ten tạm bợ. Một người lượm ve chai ngồi thở dốc bên đường… Tôi không bao giờ có thể đi qua họ mà đi thẳng. Tôi phải quay lại, bởi biết mình đã không thể giúp được những dòng người về quê kia rồi, tôi chỉ có thể giúp những ai tình cờ mình gặp được. Đôi khi thấy mình vô dụng, và hèn.

Về tới nhà tắm rửa súc họng súc mũi gội đầu xong ngồi sấy tóc ngắm xuống đường, thấy cuộc đời buồn quá. Mỗi ngày đọc không sót tin gì, đã cố không đưa tin lại, không bình luận gì thêm, không để mình tức tối quá hay đau lòng quá, vờ như chỉ tập trung sống một cuộc đời bình thường là được. Mà sao có thể được.

Chẳng biết làm sao.

Chỉ thấy buồn quá.

Sài Gòn ơi…

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Hình: Nguyễn Viết Thương

(*) Nhan đề của Văn Việt.

 

THƯƠNG QUÁ NGƯỜI NGHÈO ƠI!

FB Anmai CSsR

Thế là không phải là tin đồn nữa! Vậy không còn là dự tính nữa mà là quyết định: Sài Gòn tiếp tục gia hạn giãn cách!

Cũng dễ hiểu cho người có trách nhiệm cũng như nhìn con số nhiễm chưa dừng lại nên rồi phải đưa ra quyết định xem chừng hết cách. Cũng tìm mọi cách để ngăn chặn nhưng dường như lúng túng và bó tay với sự công phá của con virus quái ác.

Chả ai muốn bỏ Sài Gòn đâu! Đơn giản Sài Gòn vẫn là nơi nương tựa, vẫn là nơi cưu mang cho những mảnh đời bất hạnh. Cũng thương đau lắm khi phải rời nơi chôn nhau cắt rốn để tìm về Sài Gòn để tìm kế sinh nhai. Có lẽ không còn cách nào khác và với lệnh gia hạn nên họ đành phải về.

Về thì bị cho quay đầu lại mà quay đầu lại thì biết sống ra sao?

Cuộc tàn phá khốc liệt của con Covid quái ác đã lấy đi biết bao sinh mạng của con người. Không dừng lại đó, tiềm năng kinh tế, cách thế sinh nhai dường như đang đi vào bế tắc.

Vậy là hơn 2 tháng qua không làm được đồng nào mà những đồng tiền còn lại cứ đội nón ra đi.

Ta cứ thử tính một người di dân trả tiền tiền trọ và bao chi phí khác quả là nặng gánh cho đời sống của họ. Quanh đi quẩn lại là hết tháng rồi!

Vấn đề lớn nhất vẫn là an sinh xã hội. Tất cả đều chới với trước cảnh ngộ không bao giờ ai nghĩ đến. Giờ bắt họ quay về thì họ sẽ sinh sống như thế nào? Nên chăng cũng phải có giải pháp nào đó ổn định để giữ chân họ ở lại hay mở cho họ đi nếu như ta kham không nổi cho cuộc đời của họ.

Sài Gòn là vậy, làng quê nơi tôi sinh sống cũng có khác chi đâu. Cái nghèo, cái đói vốn dĩ nó yêu thương ôm ấp cả ccuộc đời ở cái quê nghèo này quanh năm suốt tháng giờ cũng chẳng buông tha.

Chiều vào làng, gia đình nhỏ bé đã kiệt nay lại quệ!

Cột trụ của gia đình bỏ cái làng nghèo vào Bình Dương tìm kế sinh nhai. Chẳng được bao lâu người chồng phải về quê nhà với "thân tàn ma dại".

Anh bị tai biến và hiện tại không kiểm soát được chuyện vệ sinh của mình để rồi gia đình phải tìm cách làm cho anh căn phòng phía dưới ngôi nhà sàn sẵn có của gia đình. Khi tôi đến chia sẻ bì gạo thì bắt gặp những người trong xóm dựng đỡ vài miếng tôn để cho Anh ở tạm.

Nhìn Anh tiều tụy lòng tôi như quắt lại. Giờ này bao gánh nặng vốn đã không buông tha nay lại đè nén trên gia đình nhỏ bé của anh.

Đâu chỉ có thế ! Nhiều và nhiều lắm trong các buôn làng đang phải đối diện ra cái đói trong thời gian rất ngắn.

Cho con bé ở trọ học đi cùng để như "mở mắt" ra cho bé thấy ! Có khi bé cũng là người đồng bào nhưng bé vẫn còn may mắn hơn những mảnh đời như vậy. Và, cho bé đi để con bé có cái nhìn sâu hơn trong cuộc sống để đừng bon chen, đừng chạy theo lối sống của người Kinh.

Cả đời chỉ ôm cây mì cây mía nhưng giờ đây mía và mì cũng ra đi. Nếu như trước đây còn dựa vào người Kinh để cày thuê cuốc mướn nhưng nay người Kinh cũng chả còn việc để làm. Dĩ nhiên là những người đồng bào lại phải bó giò trước cảnh đời nghiệt ngã.

Chiều về, hình ảnh của ông già mù, của người đàn ông tai biến, của những cụ già vẫn còn trong tâm trí lại thấy hình ảnh của đoàn xe gắn máy đang dừng lại giữa đường giữa trời trưa nắng. Họ bị dừng lại và buộc quay lại nơi cư trú.

Vậy đó, giờ đi về đâu khi trong tay không còn ngân khoản cũng như việc làm đã hết.

Thử nghĩ một cái Sài Gòn phồn hoa đô thị mà nay như thành phố chết thì ta thấy phận người nghèo khổ đi về đâu? Thương nhất vẫn là những người buôn gánh bán bưng hay xe đẩy hủ tíu bánh mì hay hủ tíu. Cả gia đình họ bám víu vào gánh xôi của mẹ, xấp vé số của cha nhưng nay không còn xôi để gánh và không còn vé để sổ nữa thì cuộc đời của họ sẽ về đâu.

Phận người của họ là vậy đó ! Kiếp nghèo cứ như yêu lắm cuộc đời của họ. Nhìn dòng người tìm về quê sinh sống với ý nghĩ rằng về quê dù sao cũng có bữa no bữa đói với gia đình còn hơn khi ở lại mà toàn là bữa đói chứ chả thấy bữa no.

Nghe tin những phòng trọ bị phong tỏa hơn tháng qua đến giờ đến độ mì gói không còn để ăn không ai không khỏi chạnh lòng. Cả tháng qua họ chả khi nào tìm thấy miếng thịt hay khứa cá. May lắm là vài bó rau viện trợ từ nhiều tấm lòng thơm thảo.

Dĩ nhiên ngoài tầm tay với vì chả danh phận gì nhưng rồi hình ảnh của những người nghèo đang tìm đủ mọi cách về quê sao mà thương quá!

Chiều về, lòng nặng trĩu với bao thân phận khó nghèo. Thêm lời cầu nguyện cho cơn đại dịch mau qua để cho đời sống trở lại như trước cũng như xin cái nghèo thôi đừng đeo đuổi những người nghèo nữa.

Chiều ngày Lễ Đức Mẹ về trời

Lm. Anmai, CSsR

 

CỨU DÂN Ư? (*)

FB Phạm Xuân Nguyên

Khi cả Sài Gòn đang ngắc ngư

Bắt khai "di biến động dân cư"

Để dân dồn ứ thêm lây dịch

Thế này gọi là cứu dân ư?

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, xe môtô và đường

(*) Nhan đề của Văn Việt.

Sài Gòn: BIỆN PHÁP ĐỘT NGỘT CỦA CHÍNH QUYỀN và NHU CẦU CẤP BÁCH CỦA NGƯỜI DÂN

FB Trong Thanh

Tại Việt Nam hôm nay, 15/08/2021, chính quyền TP CHM bất ngờ đưa ra quyết định kéo dài thời gian “giãn cách xã hội” thêm 2 tuần (tức tổng cộng thành một tháng).

Trong quyết định điều chỉnh được thông báo sáng hôm nay, chính quyền TP HCM đã không đưa ra các giải thích cụ thể rõ ràng nào để biện minh cho sự thay đổi bất ngờ này: Vì sao lại là một tháng chứ không phải 2 tuần, như cách đó một hôm?

Theo báo chí trong nước, đã có hàng trăm và có thể hàng nghìn người dân ngoại tỉnh sinh sống tại Sài Gòn đổ ra các cửa ngõ thành phố đề hy vọng nhanh chóng trở về quê nhà, nhưng đều bị công an ngăn chặn.

TP HCM đã "giãn cách xã hội" theo chỉ thị 15 từ đầu tháng 6. Từ ngày 09/07 đến nay, "giãn cách xã hội" theo chỉ thị 16 (tức siết chặt phòng dịch ở mức cao nhất cho đến nay) đã hơn một tháng.

Việc phòng chống dịch Covid hiển nhiên đòi hỏi các biện pháp cấp bách từ phía chính quyền, nhưng hiển nhiên là người dân cũng có những nhu cầu cấp bách.

Vì sao hàng trăm và có thể hàng nghìn người đột ngột quyết định rời khỏi TP. Khi nhiều người dân buộc phải quyết định ra đi ắt hẳn họ cũng phải lo lắng cho những nhu cầu tối thiểu sắp tới của họ sẽ không được bảo đảm: trả tiền nhà, tiền thực phẩm ăn uống hàng ngày, tiền cho thuốc men, y tế khi có chuyện… Không đủ khả năng chi phí cho những nhu cầu tối thiểu trong bối cảnh không khí bức bối, tù túng của những ngày phong tỏa, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Còn những người dân thường trú tại Sài Gòn thì sao?

Cảnh tượng đông đảo người dân đi xe máy dồn về cửa ngõ thành phố nhắc lại thảm cảnh xảy ra chỉ vừa mới ba tuần trước (“Chưa bao giờ, chúng ta lại thấy một cuộc di chuyển, tản cư của hàng triệu người về các hướng quê khác nhau để tránh dịch Covid-19, sau nhiều năm tưởng chừng như đã "an cư lạc nghiệp" nơi đất khách” – trích báo trong nước).

Liệu chính quyền TP HCM có kịp rút ra các bài học?

 

"DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ"

FB Dũng Hoàng

Một người bạn hỏi tôi về từ ngữ "di biến động dân cư" đang tràn ngập trên các phương tiện truyền đại chúng mấy hôm nay. Tôi chưa kịp trả lời thì đọc được bài sau đây của tác giả Thụy Bất Nhi, xin chia sẻ với các bạn.

Tôi chỉ xin nói thêm: "di biến động dân cư" là thuật ngữ quen dùng trong nội bộ ngành công an (xem ảnh, từ bài trên trang Công an Nhân dân https://cand.com.vn/…/Qua-n-ly-cu-tru-va-du-lie-u-quo…/, năm 2015).

Chống dịch thì ngôn từ phải trong sáng, dễ hiểu. "Di biến động dân cư" là cách nói không quen thuộc đối với đa số người dân, đã thế, cấu trúc của nó không phải dễ hiểu, nên việc đưa thuật ngữ này ra sử dụng đại trà bị phản ứng và rất không có lợi cho việc chống dịch.

Phòng chống COVID-19 là cuộc chiến tổng lực, phải huy động sức mạnh của nhiều nguồn, tập hợp trí tuệ của nhiều ngành, kể cả đóng góp nhỏ nhoi của ngành Ngôn ngữ học.

clip_image006

***

*

"Di biến động dân cư" – tối nghĩa và phi ngữ pháp

Thụy Bất Nhi. | 15/08/2021 – 11:09

Trong khi hệ thống của bộ Công an ghi rõ cụm từ “Khai báo di chuyển nội địa” thì từ ngày 14.8, một số tờ báo và trang mạng xã hội đã đăng tải các tin tức ghi nhận ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng khai báo đi lại của người dân với từ rất lạ là "Di biến động dân cư". Nhưng có thật đây là từ Hán Việt chính xác, rõ nghĩa để có thể sử dụng trong thông tin dư luận như vậy?

Không ít nhà nghiên cứu ngôn ngữ, giảng viên bộ môn Văn, và cả một số nhà báo kỳ cựu đã tỏ ra băn khoăn khi thấy xuất hiện một cụm từ Hán Việt mới, mà tra cứu tự điển thế nào cũng không nhận dạng được.

Có nhà nghiên cứu đã bày tỏ trên mạng xã hội, rằng cấu trúc ghép từ Hán Việt “di+biếnđộng+dâncư” không thuộc trường phái quy tắc nào trong quy ước ngữ pháp tiếng Việt lâu nay. Việc ghép hai từ “di động” và “biến động” để tạo ra từ mới “di biến động” là phi ngữ pháp.

Với một số người làm công tác biên dịch, phiên dịch, cụm từ này cũng mới lạ và… không rõ nghĩa. Khi thử tra theo các công cụ trực tuyến, cụm từ Di biến động dân cư (移變動民居) dùng trong tiếng Trung Quốc hiện đại, sẽ cho kết quả có phần gượng ép là… tái định cư, tương đương với từ An trí (安置) của Trung văn, có nghĩa là bố trí (chỗ ở) an toàn.

Mà kể cả có dùng nghĩa này đi, thì với ngữ cảnh khai báo đi lại của người dân, một cụm từ về “tái định cư” chắc chắn không bao giờ phù hợp được.

Cho nên, ngay với tiếng Trung Quốc hiện đại, cũng sẽ không ai dùng cụm từ "Di biến động dân cư" cả.

Trong khi đó, chỉ cần đơn giản đăng nhập vào hệ thống của bộ Công an, ai cũng thấy rõ cụm từ “Khai báo di chuyển nội địa”, để chỉ rõ nội hàm vấn đề cần thực hiện là gì.

Chỉ cần theo nội dung này, báo chí có thể dùng các cụm từ “khai báo đi lại”, “khai báo di chuyển” là rõ nghĩa rồi. Xem ra, không có lý do gì để báo chí lại sử dụng một cụm từ hoàn toàn rối nghĩa và tối nghĩa như vậy.

Không ít người cho rằng, lâu nay việc dùng tiếng Việt tại nhiều cơ quan, văn bản hành chính khá lỏng lẻo, từ đó đã tạo ra những “từ mới” không nằm trong dữ liệu ngôn ngữ tiếng Việt truyền thống.

Đơn cử những từ “thanh kiểm tra” ghép lại bởi hai từ “thanh tra” và “kiểm tra”; hay từ “phối kết hợp” ghép lại bởi “phối hợp” và “kết hợp”. Đến khi báo chí sử dụng những từ này vào thông tin chính thống, sẽ dễ tạo ra những ảnh hưởng sai lệch, nhầm lẫn và làm tối nghĩa, rối nghĩa tiếng Việt trong cộng đồng xã hội.

Rõ ràng với trách nhiệm “làm trong sáng tiếng Việt”, những kiểu “tạo từ mới” không có căn cứ khoa học, không có logic ngữ pháp, cần phải được chấn chỉnh và loại trừ.

Mong sao báo chí chính thống đừng lạm dụng khi dùng những từ ngữ phái sinh này nữa, để không làm rối nghĩa tiếng Việt hơn.

Nguồn: https://dulich.laodong.vn/…/di-bien-dong-dan-cu-toi…

 

“DI BIẾN ĐỘNG” CỦA BAO THUỐC LÁ!

FB Lê Huyền Ái Mỹ

Trong một quán cà phê ven đồi, cụ Reshit cùng nhiều nông dân của xã đang ngồi ngóng, có 4 vỏ bao thuốc lá được giữ như bảo vật trên bàn. Nhân vật tôi tò mò thì cụ Reshit kể: mỗi năm trước kỳ bầu cử, các quan chức cao cấp lại chia nhau đi về các làng để lắng nghe nguyện vọng của dân chúng. “…Trong chế độ dân chủ thì những người lãnh đạo có trách nhiệm lắng nghe ý nguyện của dân chúng. Vì thế hôm nay chúng tôi đến đây. Các vị ai có yêu cầu nguyện vọng gì xin cứ nói ra”.

Dân chúng bắt đầu thay nhau kể hết những khó khăn, cơ cực. 4 vị quan ngồi ghi lại lời dân chúng trên những vỏ bao thuốc lá.

“Thưa các ngài, dịch sốt đang hành hạ chúng tôi, không có cách gì cứu được. Xin các ngài hãy giúp đỡ chúng tôi”. Cả bốn vị quan khách đều ghi cái gì rất nhanh trên những vỏ bao thuốc lá. Với bất cứ nguyện vọng nào họ cũng đều trả lời: “Được, được, chúng tôi sẽ giải quyết”. Họ không từ chối một yêu cầu nào…

Tối đến, trong 4 vị khách kia, có hai vị quăng những vỏ bao thuốc của mình đi. Một vị khác, vừa bước ra khỏi quán mới ném bao thuốc lá. Cả 4 leo lên ô tô. Dân chúng vẫy tay chào. Từ cửa ô tô lại có một vỏ bao thuốc nữa được quăng ra.

Trên vỏ thuốc nhãn Bogazichi, ghi “xin hộ cho cậu em vợ. Tìm một chỗ tốt cho Vafi. Đưa con rể vào danh sách đoàn đại biểu đi Italia… Trên vỏ thuốc nhãn Gelindik vẽ một con mắt lớn và một quân bài, ghi “Được, tốt, có thể, sẽ làm, tốt”.

Giờ thì họ lại trở lại, lại đến để lắng nghe nguyện vọng dân chúng. Hai tay áp ngực, họ cúi chào dân, từ trẻ đến già. Họ hỏi thăm tận tình dân chúng, “thưa các vị, trong chế độ dân chủ các quan chức lãnh đạo có nhiệm vụ phải lắng nghe nguyện vọng của nhân dân”.

1 trong mấy vị quan khách lôi ra trong túi bao thuốc lá Gelindik. “Được khích lệ bởi cuộc gặp lần trước, chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi… Hôm nay, chúng tôi lại đến gặp các vị. Các vị hãy nói đi, các vị có điều gì khó khăn”.

Những người nông dân im lặng và sau đó thì bắt đầu thì thầm. Mấy vị khách vẫn ghi chép trên vỏ thuốc lá.

Và Aziz Nesin gọi “Nỗi bất hạnh của chúng ta là ở đó” (lược thuật truyện ngắn cùng tên trong tập Những người thích đùa của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, Aziz Nesin – NXB Dân trí).

Ở ấp Xanh làng tôi, người dân cũng đang chịu một cơn bệnh dịch. Lạ là trong khi các ấp đỏ, ấp vàng đều khốn đốn vì dịch bệnh, người chết như rạ thì ấp Xanh tôi vẫn khỏe mạnh. Nhiều chuyên gia bác sĩ tới tấp về tìm hiểu, điều tra xem vì sao cư dân vùng Xanh lại miễn dịch vô đối đến vậy. Tìm mãi chẳng ra. Chỉ người ấp Xanh chúng tôi mới hiểu. Chúng tôi hầu như không có tiền để thi nhau đổ xô vào siêu thị để mua đồ thiết yếu dự trữ, nên không ai lây nhiễm cho ai. Chúng tôi thường ăn uống rất kiệm, hầu hết đều… tập thở mà no. Đói quá thì ngồi lại, tự phê bình mình và phê bình nghiêm túc, chân thành lẫn nhau. Vậy mà lướt qua mọi bệnh tật, ốm đau.

Từ ấp, lên huyện, lên thành, cư dân tôi trở thành tấm gương chống dịch. Thi nhau thành từng nhóm đi báo cáo và nhận tuyên dương. Đến một ngày, cụ trưởng ấp, cứ như cụ Reshit ấy, dẫn đoàn chúng tôi lên trung ương.

Chúng tôi chỉnh tề áo xống. Nín thở chờ. Bụng đói meo mà vẫn không dám thở. Thi thoảng chỉ dám nhếch tí mũi bên phải lên để qua cơn. Mãi rồi thì ngài ấy cũng xuất hiện. Ngài cúi chào tất cả, từ trẻ đến già. Ngài hỏi han ân cần, ngắn gọn. Ngài chăm chú lắng nghe, nhìn thật lâu, thật sâu vào từng người.

Rồi ngài ngồi xuống, rút từ túi quần bên trái một bao thuốc lá.

 

BLUEZONE – SAO CÔNG AN TPHCM LẠI LƯU Ý LÀ KHÔNG ĐƯỢC DÙNG?

FB Vũ Kim Hạnh

Thông báo của Công An TPHCM (xem bảng thông báo), trong hướng dẫn 5 bước khai báo “Di biến đông dân cư khi ra vào các chốt ở TPHCM”, cuối phần 1 có lưu ý, không dùng phần mềm Bluezone. Lạ quá, thiên hạ bàn tán râm ran vì không hiểu.

Và làm nghề thông tin, tôi tò mò đi tìm hiểu, qua các thông tin khác. Đây là đoạn phỏng vấn Đại tá Phùng Đức Thắng, Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết có nhiều phần mềm khai báo y tế nên người dân dùng "phần mềm nào cũng được". Một lãnh đạo cục của Bộ Y tế cho biết hiện chưa có quy định bắt buộc người dân phải khai báo y tế bằng phần mềm nào. Bởi vậy, công dân CÓ THỂ KHAI BÁO Y TẾ BẰNG BLUEZONE, Tokhaiyte hay phần mềm của Bộ Công an đều được.

Bộ Y Tế cho dùng, sao Công an TPHCM không cho dùng?

Bluezone, các bạn nhớ không, là ứng dụng truy vết các ca nhiễm COVID-19 mà mọi công dân đều được yêu cầu cài Bluezone. Gần đây có thông tin là Bluezone bị hack, thông tin này thể hiện rõ trên trang mạng xã hội tinhte.vn. Lần theo loạt thông tin rất dài trên mạng XH này thì quả có vụ Bluezone bị hack thật. Chính thông báo về “di biến đông dân cư” chỉ có một dòng bí ẩn về Bluezone vậy. Hiện nay, thông tin Bluezone bị hack xuất hiện trên khá nhiều trang về IT của nhiều group, cả những trang quốc tế về bảo mật. Thật đáng lo khi nghĩ đến hàng chục triệu số liệu: tên, địa chỉ, số điện thoại, tình trạng sức khỏe (F0/F1), lịch sử tiếp xúc gần của hàng chục triệu người Việt sẽ bị chiếm đoạt, dù hacker hứa “không đem bán” nhưng bữa nào hắn "buồn buồn" ngồi táy máy chơi, sửa một loạt người đang âm tính bình thường thành F0 thì sao trời?

Vào đọc tinhte.vn đi, thấy diễn biến đối đáp giữa hacker với nhà quản lý Bluezone ly kỳ như một trận “thực chiến” (lời ông Nguyễn Tử Quảng) mà sao các nhà quản lý thông tin quốc gia, những đại diện chăm lo bảo mật thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của người dân chẳng thấy nói gì, cho đến khi có cái thông báo bí ẩn của Công An TPHCM về “di biến động”?

Có thể là hình ảnh về văn bản

CHẠY ĐUA VỚI COVID-19: VẮC-XIN SẢN XUẤT TẠI VIỆT NAM

FB Bs. Tran Tinh Hien

Tử vong do Covid-19 hàng ngày với 3 con số thì cuộc chạy đua giữa vắc xin và Đại Dịch nay đã trở thành “sống còn”! Những thành viên của cuộc chơi là ai…

1. NANOCOVAX của Cty Nanogen

– Công nghệ protein tái tổ hợp (recombinant subnunit protein)

– Gene S do Nanogen thiết kế

– Giai đoạn III đã hoàn tất 13,000

ClinicalTrials.gov identifier: NCT04922788

Kết quả pha I và II đã công bố trên trang dành cho công trình mới hoàn thành chưa được bình duyệt của cộng đồng khoa học; có nhiều tranh luận về phương pháp thử nghiệm

https://www.medrxiv.org/con…/10.1101/2021.07.22.21260942v1

2. COVIVAC của Viện Vaccine & Sinh Phẩm Y Tế Nha Trang (IVAC)

Giai đoạn II

ClinicalTrials.gov Identifier: NCT04830800

Thực hiện: Đại Học Y Hà Nội và CDC- Thái Bình

Vaccine COVIVAC được IVAC bắt đầu nghiên cứu và phát triển từ tháng 5.2020. Đây là dự án hợp tác với các trường Đại học của Mỹ (Mount Sinai, New York; Texas, Austin) và tổ chức PATH. Ba đơn vị sản xuất (gồm IVAC- Việt Nam, GPO- Thái Lan, Butantan- Brazil) cùng nghiên cứu phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức PATH, là một nhánh nằm trong liên minh sáng tạo và phát triển vaccine COVID-19 (CEPI)

“Vaccine COVIVAC là dạng dung dịch chứa protein S tái tổ hợp của virus SARS-CoV-2 biểu hiện trên bề mặt virus Newcattle, bất hoạt, không có chất bảo quản, nhiệt độ bảo quản từ 2o- 8oC. Công nghệ của vaccine COVIVAC là viral vector, sản xuất trên trứng gà có phôi, tinh khiết đạt 99% và bất hoạt bằng beta-propiolactone” (Báo Lao Động 9-8-2021)

Hiện nay chưa rõ chi tiết công nghệ nhưng theo những gì được công bố cho báo chí thì

công nghệ dùng virus đưa kháng thể vào cơ thể con người của vắc-xin này có thể hiểu là dùng công nghệ tái tổ hợp tạo protein S của virus SARS-CoV-2 gắn trên tế bào virus Newcastle rồi nuôi cấy trên trứng gà? (báo có viết không chính xác?). Theo IVAC thì “cho biết cả hai loại vaccine đều sử dụng công nghệ vector tuy nhiên có “giá thể” khác nhau, trong đó, công nghệ của AstraZeneca dùng Adenovirus tái tổ hợp và còn của Covivac dùng NewCastle virus.

Theo mô tả công nghệ “viral vector” thì phải là “dùng một virus đã được biến đổi để đưa mã di truyền của protein-kháng nguyên – trong trường hợp này là mã di truyền của protein S gắn trên bề mặt của virus (Newcatle) vào tế bào cơ thể. Sau khi vào cơ thể thì virus sẽ tạo ra kháng nguyên S bằng cách sử dụng tế bào cơ thể theo mã di truyền mang theo; tiếp theo là đáp ứng miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên (protein gai S). Không rõ là trứng gà hay phôi (eggs or in chick embryos) dùng để nuôi virus Newcastle mang mã di truyền sau đó mới đưa vào cơ thể?

Nếu là “viral vector” thì COVIVAC tương tự vaccine của Oxford-Astrazeneca nhưng sử dụng Newcastle virus (Newcastle disease virus (NDV) [thay vì adenovirus trên tinh tinh (ChAdOx1)], là virus gây bệnh trên loài chim; trên người gây bệnh giống cúm hay viêm kết mạc mắt hoặc viêm thanh quản.

Không tìm thấy chi tiết rõ hơn trong trang đăng ký đề cương trên clinicalTrial.gov (NCT04922788)

Thử nghiệm lâm sàng: 3 nhánh khác liều, mỗi nhóm có 2 phân nhóm có và không có phụ gia

+ COVIVAC 1mcg, 3mcg, 10mcg IM 2 liều 0.5 mL

cách nhau 28 ngày

+ COVIVAC 1mcg + CpG1018 1.5mg, IM. 2 liều (0.5mL)

cách nhau 28 ngày

+ Giả dược (Placebo): Phosphate buffered saline (pH 7.2) IM(0.5mL)

Cách nhau 28 ngày

“Đại diện IVAC cho biết, trong giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng, vaccine này được triển khai trên 120 tình nguyện viên tại trường Đại học Y Hà Nội. Các tình nguyện viên có độ tuổi từ 18-59 tuổi, được phân bổ vào 4 nhóm thử, mỗi nhóm 25 người với các mức liều vaccine như 1mcg, 3mcg, 10mcg, 1mcg + 1,5mg tá chất CpG 1018, và nhóm giả dược có 20 người tiêm dung dịch muối đệm phosphat, pH=7,2.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 cho thấy, vaccine COVIVAC an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch trên tất cả 4 nhóm liều vaccine triển khai.

Cụ thể, về tính đáp ứng miễn dịch, các chuyên gia đánh giá, tất cả 4 nhóm mức liều khác nhau của vaccine COVIVAC đều có đáp ứng miễn dịch, trong đó nhóm liều cao nhất là 10mcg, tiếp đến là nhóm 1mcg + tá chất, nhóm 3mcg và đến nhóm 1mcg

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine này, mức liều 3mcg được các chuyên gia lựa chọn là mức liều hợp lý nhất trong bối cảnh sản xuất vaccine cho đại dịch. Ngoài ra, IVAC bổ sung thêm 1 mức liều trung gian giữa 3 và 10 mcg để thử ở giai đoạn 2 là mức liều 6mcg.

https://laodong.vn/…/vaccine-covivac-duoc-chap-thuan…

3. VBC-COV19-154 (ARCT-154) Arcturus-Vinbiocare

Đây là vaccine được sản xuất theo công nghệ mARN đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. Hiện nay Cty Arcturus cũng sắp triển khai nghiên cứu tương tự ở Singapore.

Đáng chú ý về công nghệ được giới thiệu là công nghệ mRNA “thế hệ mới”

Trong công nghệ truyền thống mRNA thì gene mã hoá kháng nguyên được gắn vào đoạn không được dịch mã 5′ – 3′ UTRs rồi được phiên mã. Trong công nghệ self-amplifying RNA (saRNA), đoạn gene mã hoá kháng nguyên được gắn thêm một đoạn khởi động promoter (nsP1-4 genes) và đoạn trình tự cố định (5′ and 3′ CSE sequences). Promoter sẽ tạo thành một tổ hợp gồm nsP1-4 proteins, men RNA dependent RNA polymerase và đoạn trình tự kháng nguyên gọi là “phức hợp RdRP”. Trong quá trình phiên mã tại chỗ sẽ tạo ra được nhiều những phiên bản mã hoá kháng nguyên ngay trong tế bào (xem hình). Với kỹ thuật này số lương kháng nguyên nhiều hơn do đó đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với công nghệ mRNA ban đầu.

Các thử nghiêm tiền lâm sàng và pha I và II ở Singapore cho thấy. ARCT-154 và ARCT-165 đáp ứng tốt với các biến thể alpha, beta, gamma và delta. Công ty Arcturus đã loan báo khởi động thử nghiệm trên người ở Việt Nam hợp tác với VinBiocare (VinGroup).

https://www.nature.com/articles/s41434-020-00204-y.pdf

https://ir.arcturusrx.com/…/arcturus-announces-approval…

Tất cả công nghệ của 3 loại vắc xin đang thử nghiệm là những công nghệ mới nhất trong các công nghệ làm vaccine hiện nay trên thế giới – tái tổ hợp protein, viral vector và mRNA với thế hệ mới nên rất hy vọng!

Một điều nên nhớ rằng công nghệ và máy móc dụng cụ là cần thiết nhưng nhân tố quyết định là con người – ở đây là “thử nghiệm lâm sàng”. Nếu chúng ta không tôn trọng nhưng bước cơ bản về thử nghiệm lâm sàng vắc xin hiện nay thì kết quả và hậu quả lâu dài sẽ khó lường được!

“Sự thành công của chiến lược tiêm chủng sẽ phụ thuộc vào mức độ mà công chúng tin tưởng vào độ an toàn và hiệu lực của các loại vaccine được sử dụng, vào khả năng và độ tin cậy của những cơ sở đã làm ra các vắc xin đó, và những nguyên tắc mà nhà cầm quyền đã dựa vào để ra quyết định và hành động theo…”

clip_image008

clip_image010

MUA NHANG (*)

FB Ký ức đại dịch

Trưa hôm qua, mình đi mua nhang, nến. Lần đầu tiên trong suốt 10 năm sống ở Sài Gòn, mình làm việc này.

Bà của bạn mình vừa mất do Covid. Bạn tìm hết các tiệm tạp hoá, siêu thị ở quận 2 nhà bạn, không đâu có nhang, nến để lập bàn thờ cho bà. Mình không biết tại sao nhang, nến lại khan hiếm như vậy, do khó khăn trong sản xuất hay lại bị xếp vào hàng không thiết yếu?

May sao tiệm tạp hoá đầu hẻm nhà mình còn. Mình định mua hết số nhang, nến còn lại của tiệm nhưng lại thôi, vì biết đâu có người sẽ cần, biết đâu có người cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm khắp nơi như bạn mình. Vì không rành chuyện ma chay nên mình hỏi cô bán hàng có cần phải mua nhang, đèn theo số lượng chẵn hay lẻ không, sợ có phong tục kiêng cử gì mà mình không biết, lại có lỗi với người đã mất. Cô bán hàng nói không cần chẵn, lẻ gì cả, mình mới an tâm mang về.

Mua được rồi thì hồi hộp tìm cách ship, từ Bình Thạnh sang Q.2, biết bao nhiêu là chốt chặn. Mình gõ vào dòng ghi chú trên các app ship hàng: “Em mua nhang, nến giúp người bạn, anh nhận đơn giúp em”. Mình thử lần lượt ba app, cái nào cũng hiện: “Đang tìm tài xế cho bạn”, không bác tài nào nhận đơn. Sốt ruột quá, mình đành ship chui không qua app mà gọi điện nhờ một bạn shipper có thể giao hàng liên quận chuyển hàng giúp.

Nhang, nến cuối cùng cũng được trao tận tay cho bạn mình.

Dù chuyện này có buồn, mình cũng muốn được kể ra, để không quên một mùa dịch như thế.

clip_image012

(*) Nhan đề của Văn Việt.

RỒI GIỜ LÀM SAO?

FB Nguyễn Thùy Dương

Em trai tôi nhiễm Covid. Nó sốt 5 ngày li bì, tôi cứ nghĩ nó viêm họng hành sốt như mọi khi, đưa đi viện. Bệnh viện xét nghiệm nhanh Dương tính. Bệnh viện xét nghiệm PCR tiếp, rồi cho nó về với tờ giấy hướng dẫn cách ly tại nhà. Chờ kết quả PCR.

Không một viên thuốc, em trai tôi sốt tiếp, vật vã hầm hập, dị ứng Paracetamol. Tôi xót em, gọi Y tế phường như bệnh viện hướng dẫn, đáp lại tôi, họ nói phải có giấy xét nghiệm của Bệnh viện, chứng minh em trai tôi nhiễm Covid mới hỗ trợ. Tôi làm dữ, họ kêu em trai tôi gọi cho họ. Để rồi, họ cũng đòi nó giấy chứng nhận.

Thằng nhỏ sốt, dị ứng đủ thuốc. Tôi chỉ còn cách tự chữa cho nó. Đồ ăn thức uống để ở cửa khu vực riêng của nó. Đứng từ xa kêu em dậy ráng ăn uống, uống kẽm, uống viên C, uống nước ấm, ăn nhiều, ăn thêm trái cây, súc miệng xong khò nước muối, ngày 2 lần khò nước khử khuẩn.

3 ngày sau trận sốt thập tử nhất sinh, nó dần bình phục. Ngày thứ 5 sau trận sốt đó của nó thì Y tế phường xuống phong toả vì nhận được kết quả PCR từ Sở Y Tế. 2 ngày sau đó, họ mới xuống test lại cho em tôi. Và lấy mẫu PCR

Tới hôm nay, thằng nhỏ tươi tỉnh, ăn uống tốt, đang tập khứu giác để lấy lại mùi thì Y tế phường thông báo đi cách ly tập trung tại cơ sở Trường Cao Đẳng Nghề Thủ Thiêm- phường Bình Trưng Đông- Tp. Thủ Đức. Trong khi, nó có hẳn một khu vực riêng, có cửa sổ thông thoáng chỗ ở, có toilet riêng, có chỗ phơi nắng, tập thể dục riêng, đủ mọi điều kiện đáp ứng cách ly tại nhà.

Anh chị nói kết quả PCR của nó dưới 30, nồng độ virus cao cần đưa điều trị. Gia đình tôi yêu cầu cho nó cách ly điều trị dịch vụ, anh chị nói không có. Và như vậy, đưa thằng em tôi đi. Nó khờ khạo, mọi thứ đều cam chịu, từ nhỏ trăm thứ dựa vô mẹ, vô chị Hai, anh Ba.

Người nhà gọi lên hỏi ở được không? Nó cái gì cũng được. Tới hơn 10 giờ đêm mới nhắn tin về thủ thỉ với chị Hai:

– Hai ơi! Cái chú ở chung phòng em, ổng sốt dữ lắm. Không có ai đem thuốc cho ổng, em đưa thuốc cho ổng mà ổng không uống, phòng cũng không có nước uống. Tự nhiên, em thấy đau họng. Em sợ lắm. Hồi chiều, em vừa vô, có người bị quấn khiêng ra.

Tôi biết liền, thằng em mình đang chịu đả kích về mặt tâm lý rất lớn. Nó nói không có chiếu ngủ, tôi kêu nó chụp hình cái giường. Cái giường khung sắt chổng chơ. Tôi muốn khóc, rồi trấn an nó: Để Hai thử!

Tôi gọi cho Quản lý khu cách ly, yêu cầu đổi phòng cho nó. Đề nghị nhờ người hỗ trợ đem nước uống từ nhà lên cho nó với chiếc chiếu. Nó được đổi phòng, nhưng tới khi nó có nhu cầu đi vệ sinh thì tôi choáng váng với hình cái toilet.

Lạy thánh thần, trời phật! Bệnh nhân đi toilet chung, cái toilet dơ khủng khiếp. Tôi thật sự bàng hoàng. Khi hôm nay, người trải nghiệm chuyện này chính là em ruột của mình. Tôi rụng rời khi tự hỏi: bấy lâu nay, những bệnh nhân khác được điều trị ra sao trong điều kiện vệ sinh và cơ sở vật chất đúng tính "dã chiến" như vầy?

Tôi yêu cầu Y tế phường lẫn những cán bộ, bác sĩ có trách nhiệm tại điểm cách ly tập trung trường Cao Đẳng Nghề Thủ Thiêm xem xét lại trường hợp của em trai tôi, trả nó về cách ly tại nhà. Các vị lấy mẫu PCR 3 ngày trước, thì mẫu đó, nồng độ đó có còn đúng với 3 ngày sau không mà đưa em tôi đi cách ly tập trung? Trong khi, điều kiện cách ly tập trung không thể so với cách ly tại nhà, tại sao khi nó thập tử nhất sinh trong cơn sốt, không đem nó xuống đi điều trị dùm đi?

Quy trình là chết, con người là sống. Đừng để con người đang sống phải chết theo quy trình.

Hình 1: cái giường đầu tiên của em trai tôi trong bệnh viện dã chiến. Mền gối đem từ nhà vô.

Hình 2: cái phòng sau khi đã đổi

Hình 3, 4, 5: nhà vệ sinh chung

clip_image014

clip_image016

clip_image018

clip_image020

THƯ NGỎ

TÌM KIẾM TÌNH NGUYỆN VIÊN HỖ TRỢ Y TẾ CỘNG ĐỒNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID 19, THAM GIA HỆ THỐNG “ TELE-TRIAGE COVID-19”

FB Nguyen Tuong Vu

Giới thiệu về dự án Tele-triage Covid-19.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến vô cùng phức tạp, dẫn đến tình trạng quá tải về y tế, nhiều Người bệnh bị F0 được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà.

Trước tình hình đó, từ đầu tháng 7 năm 2021, Chúng tôi gồm tập thể các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, các chuyên viên tham vấn tâm lý cùng các chuyên gia công nghệ hiện đang học tập, làm việc tại Việt Nam và các nơi trên thế giới (Mỹ, Đài Loan …) đã cùng nhau thành lập một nhóm triển khai dự án cộng đồng mang tên Teletriage Covid-19. Dự án ứng dụng công nghệ giúp sàng lọc, theo dõi, tư vấn từ xa và hướng dẫn tự chăm sóc, hỗ trợ y tế thiết yếu cho những Người bệnh lỡ không may bị nhiễm COVID-19.

Dự án được thành lập với mong muốn góp một phần nhỏ công sức của cả nhóm, chỉ áp dụng đối với các đối tượng được xem là F1 hay F0 (không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ đã báo y tế, chính quyền địa phương và được phép cách ly, theo dõi tại nhà theo quy định cập nhật hiện hành). Từ đó góp phần giảm thiểu lo lắng cho Người bệnh, vì họ an tâm hơn khi có đội ngũ nhân viên y tế hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng quá tải cho các cơ sở y tế thu dung điều trị COVID-19.

Dự án Teletriage Covid-19 hoạt động dựa trên tinh thần tình nguyện của tất cả các thành viên và thực hiện các hỗ trợ trong khả năng nhất định với cộng đồng. Bất cứ khi nào Người bệnh hoặc Người thân, Người nhà cần được hỗ trợ có thể liên hệ với hệ thống của Chúng tôi.

Với xây dựng hệ thống như nêu trên và sơ đồ hình kèm theo.

Chúng tôi mong muốn mời gọi các thành viên TÂM TRÍ THIỆN NGUYỆN có chuyên môn trong chăm sóc y tế khắp mọi nơi (ưu tiên những nơi có khuynh hướng tình hình dịch diễn biến phức tạp trong thời gian đến – để làm quen hệ thống và được chuyển giao cho những địa phương này) tham gia.

ĐỐI TƯỢNG XIN ĐƯỢC MỜI:

1. Bác sĩ: đã có hiểu biết về COVID-19 (ưu tiên) hay mong muốn tìm hiểu về COVID-19

– Sẽ được thực hành và ứng dụng E-consultation, Telemedicine trong quá trình tham gia.

– Thực hành sàng lọc, theo dõi, tư vấn và hỗ trợ cho đối tượng F0 bị COVID đang cách ly tại nhà, làm việc từ xa (Tele) và team work, theo giờ trong ngày mình lựa chọn, đăng ký khi rảnh.

– Số lượng trước mắt: 20 Bác sĩ

2. Dược sĩ lâm sàng

– Sẽ được hướng dẫn ứng dụng giải pháp Telepharmacy, làm việc từ xa cùng team work với đội ngũ nhân viên y tế khác, cùng với các nhà thuốc Pharmacy.

– Thực hành vai trò của 1 Dược sĩ lâm sàng, phục vụ cung cấp những thuốc thiết yếu và những dụng cụ y tế hỗ trợ trong quá trình theo dõi, hỗ trợ chăm sóc cùng Bs có chứng chỉ hành nghề.

– Số lượng: 20 Dược sĩ.

3. Điều phối viên từ xa (Tele-Coordinator) làm việc trong mô thức Tư vấn, Sàng lọc, Khám từ xa (Telehealth/E-consultant/Teletriage/Telemedicine) cùng với Team rất nhiều thành phần: Bác sĩ, Ds lâm sàng, Điều dưỡng, Tham vấn trị liệu, Công nghệ…

Yêu cầu:

– Nhanh nhẹn, giao tiếp tốt

– Có hiểu biết về lĩnh vực chăm sóc y tế

– Khả năng sử dụng công nghệ và các kỹ năng văn phòng

– Làm việc theo ca đăng ký trước trong ngày và trong tuần và TẠI NHÀ MÌNH.

Đây là 1 vị trí RẤT MỚI và đòi hỏi khả năng làm việc đa nhiêm với các thành phần y tế (cũng làm việc từ xa tại nhà) và công nghệ.

Tham gia vị trí này các Bạn sẽ học được:

– Remote team work

– Networking với nhiều NVYT đa dạng

– Mô thức trao đổi thông tin qua thiết bị công nghệ

– Hiểu nhiều hơn về Logistics và Delivery trong Y tế

* SỐ LƯỢNG: 30 BẠN.

4. Điều Dưỡng viên:

DỰ ÁN TELE-TRIAGE COVID 19 này gồm Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng, Tâm lý và đội ngũ công nghệ cùng làm việc chung trên 1 hệ thống: cùng phối hợp theo sàng lọc, theo dõi từ xa diễn tiến bệnh người nhiễm Covid, hỗ trợ điều trị, chăm sóc cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình cũng cần tuyển Điều Dưỡng viên:

Yêu cầu:

– Tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, KTV, hộ sinh…

– Ưu tiên có kiến thức cơ bản về chăm sóc NB Covid 19, kiến thức về vaccine COVID. Trong quá trình làm việc sẽ được huấn luyện đào tạo thực hành chuyên sâu hơn, để có thể ứng dụng 1 phần mô hình Telenursing/Telehomecare (Chăm sóc điều dưỡng tại nhà từ xa)

– Nhiệt tình, chủ động trong công việc.

– Tham gia với tinh thần thiện nguyện nhằm giúp đỡ bệnh nhân Covid trong giai đoạn quá tải.

Quyền lợi:

– Cập nhật kiến thức về COVID 19 cùng với phương thức chăm sóc y tế từ xa (Telehealth), cụ thể Telenursing/Telehomecare (Chăm sóc điều dưỡng tại nhà từ xa).

– Học hỏi được cách làm việc nhóm từ xa hiệu quả (remote teamwork).

TẤT CẢ CÁC VỊ TRÍ ĐƯỢC MỜI, HÃY THỬ KHẢ NĂNG TIỀM ẨN CỦA BẠN TRONG VÒNG 1 THÁNG VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID 19 NHÉ!

Vui lòng liên hệ trực tiếp Ds Xuân Phong (0938643350 – Zalo) Quach Xuan Phong, Hải Đăng (0902961197- Zalo) Doan Hai Dang, Điều dưỡng Hội (0973442112) Nguyễn Khánh Hội và Bs Tường Vũ trưởng dự án (0913628246).

clip_image022

CHUYỆN MÙA DỊCH: ‘NGƯỜI SÀI GÒN DỄ THƯƠNG VÔ CÙNG!’

Nguyễn Trà – Pháp luật, 15/8/2021

(PLO)- Nếu chị có đọc được bài viết cho chúng tôi – những người dân xóm trọ hẻm 149 phường 28 quận Bình Thạnh gửi lời cảm ơn.

Câu chuyện nhỏ vừa xảy ra chiều 13-8 ở hẻm 149 phường 28 quận Bình Thạnh. Chuyện là hôm đó, tầm 4 giờ chiều khi tôi đang bế con mở cửa cho chồng đi làm thì một người phụ nữ chạy xe máy tới. Chị dừng xe, ngó sang hỏi: "Bên đó mấy phòng bé?".

"Dạ bốn phòng chị"- tôi đáp.

Chị gật đầu, bỏ xuống bốn bịch rau củ quả. “Lấy vô ăn nha bé!”

clip_image024

Anh hàng xóm nhận giùm cho bà con xóm trọ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Khi tôi còn đang ngơ ngác, chị ngó sang bên kia thấy một anh thanh niên đi ra, chị hỏi luôn: "Bên đó mấy phòng em ơi?"

"Dạ gần chục phòng chị"- anh trả lời.

Chị: “Ừ” rồi để xuống thêm những phần rau nữa.

"Mà chị bên nào vậy chị?"- Tôi hỏi

"Không bên nào hết, lấy vô xài đi nha!". Nói vậy rồi chị chạy xe đi thẳng. Khi tôi kịp định thần mang điện thoại ra chụp thì chỉ còn lại khói xe, chị chạy xe đi mất rồi.

Anh hàng xóm xách từng bịch rau củ vào trước cổng phòng trọ đối diện để lát mọi người ra nhận. Chồng tôi mang vào để trong thùng xốp trước nhà cho hàng xóm ra lấy. Thùng xốp đó dãy trọ chúng tôi để sẵn từ cách dây hơn một tháng để nếu có mạnh thường quân hỗ trợ rau thịt, gạo mì tôm…thì đại diện sẽ ra nhận, rồi để vào thùng. Sau đó, mọi người tự ra lấy. Hồi đầu tháng 7, hẻm tôi trọ có ca nhiễm dịch COVID-19 nên cả hẻm bị phong toả gần một tháng trời.

clip_image026

Phần quà người phụ nữ gửi tặng: rất nhiều loại rau củ như dưa chuột, đậu, cà tím, khoai lang… Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trước đó, thấy chị chở một xe nặng trĩu rau củ tôi tưởng chị đi bán rau, tính hỏi mua. Qua nay, chồng tôi đi làm về trễ, tôi ở nhà trông con nhỏ không đi chợ được, và cũng chưa đến ngày được đi siêu thị theo phiếu. Nhìn lại, thấy trên xe chị la liệt rau củ quả đều đã được chia thành từng phần sẵn, mới hay chị mang đi tặng bà con.

Chị mang khẩu trang kín mít, cũng kiệm lời, chẳng giới thiệu họ tên, chúng tôi không biết chị là ai. Chị đến và đi lẹ quá chừng, hỏi một hai câu để quà xuống rồi đi thẳng nên một lời cảm ơn chúng tôi cũng chưa nói kịp. Về mở túi quà thấy lòng ấm áp. Trong mỗi túi quà có nhiều loại rau: bí đao, khoai lang, đậu cove, dưa chuột…mỗi loại một ít, tầm khoảng 10kg/phần.

Nếu chị có đọc được bài viết cho chúng tôi- những người dân xóm trọ hẻm 149 phường 28 quận Bình Thạnh gửi lời cảm ơn. Chân thành cảm ơn chị!

clip_image028

Hẻm 149 phường 28 quận Bình Thạnh bị phong toả gần một tháng trước đó. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Gần một tháng trong khu phong toả, xóm trọ chúng tôi nhận được rất nhiều món quà từ: phường, chủ trọ và cả những người chúng tôi chưa một lần biết mặt, tuổi tên. Họ thầm lặng mang đến bao gạo, hộp mì, túi rau, kí thịt… san sẻ khó khăn cùng bà con nơi khu vực cách ly, phong toả.

Chúng tôi là những người tứ xứ: Nghệ An, Quảng Ngãi, Nha Trang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Long… tìm đến Sài Gòn mưu sinh, lập nghiệp. Nhiều người trong xóm trọ vốn là xe ôm, thợ may, lao động tự do…, nhưng vì dịch bệnh nên nhiều người thất nghiệp nhiều tháng nay.

Gia đình tôi khá giả hơn nhiều bà con trong xóm trọ. Số rau củ quả này tôi có thể mua được nhưng sự hào sảng của một người xa lạ chạy xe máy khệ nệ mang rau củ quả đến tặng người dưng trong những lúc dịch bệnh này, khiến tôi xúc động.

Những phần quà trong lúc ngặt nghèo không chỉ giúp dân xóm trọ phần nào vơi bớt nỗi lo, yên tâm ở nhà mà còn giúp chúng tôi thêm vững tin vượt qua đại dịch: Ở Sài Gòn, chúng tôi không cô đơn!

 

NHỮNG SUẤT CƠM ĐẶC BIỆT MANG TÊN "ĐỘNG LỰC"

FB Bệnh Viện Thành Phố Thủ Đức

Những dòng nhắn nhủ được viết và vẽ bằng tay dán lên những hộp cơm dành cho các y bác sĩ, điều dưỡng khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng thấy thú vị và xúc động. Nó thể hiện người làm đã dốc cả trái tim để gửi gắm lòng biết ơn đến các chiến sĩ tuyến đầu.

"Bữa ăn này được nấu từ tình thương và sự biết ơn. Chúc bạn ăn vào có thêm năng lượng để luôn mỉm cười bước tiếp", "Corona lao ra/ Bác sĩ nước ta rất là dũng mãnh/ Bác đánh tanh bành/ Bọn Corona bay xa, bay xa", "Cảm ơn. Cuộc đời này thật đẹp vì tấm lòng của các bạn. Chúng ta sẽ chiến thắng. Chúc mọi ngươi ăn ngon miệng"… là dòng nhắn nhủ được viết và vẽ bằng tay của các học sinh, phụ huynh của Bếp tuyến đầu hệ thống trường Tuệ Đức – Pathway school dành cho các y bác sĩ, điều dưỡng đang tham gia chống dịch COVID-19 ở TP.HCM. Những dòng thông điệp yêu thương này đã góp phần sưởi ấm trái tim của những chiến sĩ tuyến đầu đang căng mình chống dịch.

Riêng Bếp ăn hệ thống trường Tuệ Đức cung cấp 1.000 suất/ngày, gửi tặng các y, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Hồi sức COVID-19, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến số 4, Bệnh viện Lê Lợi (Quận 1). Với suy nghĩ "chống dịch COVID-19 không đơn lẻ của riêng ai", "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình", để tất cả 8.000 hộp cơm hàng ngày đều có các note yêu thương, ý nghĩa, thầy Danh đã lập group viết note "Năng lượng yêu thương". Thấy được việc làm ý nghĩa này, nhiều phụ huynh và học sinh đã hào hứng tham gia với hàng ngàn note/ngày để lan tỏa yêu thương và lòng biết ơn.

Toàn thể cán bộ công nhân viên và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân đang làm việc và điều trị tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức trân trọng cảm ơn những suất ăn thơm ngon, bổ dưỡng và gửi gắm những tình cảm, yêu thương của #TuệĐức đã gửi đến cho mọi người. Một lần nữa thay mặt Bệnh viện thành phố Thủ Đức xin gửi những lời cảm ơn chân thành nhất vì đã giúp các "chiến sĩ" trong những ngày qua ngon miệng, no bụng, ấm lòng, thể hiện sự quan tâm, là hậu phương vững chắc. Với sự đoàn kết, chung tay này chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh!

Việt Nam quyết thắng!

clip_image032

clip_image034

clip_image036

clip_image038

clip_image040

clip_image042

clip_image044

clip_image046

clip_image048

clip_image050

clip_image052

SUẤT ĂN MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LANG THANG Ở TPHCM

Vnexpress, 14/8/2021

Ngoài phát cơm cho người nghèo, các tình nguyện viên còn chuẩn bị thêm bánh mì, sữa, xúc xích… để tặng cho người nước ngoài bị mắc kẹt trong Covid-19.

clip_image054

Trong những ngày giãn cách xã hội, các thành viên của nhóm tình nguyện Tấm Lòng Chung tặng bánh, tiền cho người ngoại quốc không thể về nước vì Covid-19.

"Những lần đi phát cơm cho bà con nghèo, mình thấy cũng có nhiều người ngoại quốc gặp khó khăn, mất việc phải sống ngoài đường nên muốn giúp đỡ họ một phần", Lê Thị Lan Anh, trưởng nhóm tình nguyện nói, sau khi trao bịch bánh mì và 100.000 đồng cho người đàn ông quốc tịch Senegal trưa 12/8.

clip_image056

Trước đó từ 10h30, tại một cửa hàng ở quận 7, hai tình nguyện viên chia 150 phần quà để phát cho người nước ngoài cùng bà con nghèo.

Từ khi dịch bùng phát, nhóm thiện nguyện với 65 thành viên, mỗi người phân chia nhau công việc như nấu cơm 0 đồng, hỗ trợ oxy cho các ca nhiễm, đi phát suất ăn miễn phí…

Mỗi ngày, nhóm kêu gọi nhà hảo tâm được khoảng 1.000 phần cơm. Ngoài ra còn có các phần nhu yếu phẩm như rau, gạo, mắm, muối… để hỗ trợ các khu cách ly, phong tỏa và các hoàn cảnh khó khăn.

clip_image058

Phần quà thường là bánh mì ngọt, sandwich, sữa, xúc xích, trái cây… "Lúc đầu chúng mình cũng phát cơm nhưng người nước ngoài bảo ăn không quen nên chuyển sang thực đơn như hiện tại", trưởng nhóm cho biết.

clip_image060

Hai thành viên chạy xe đi khắp các tuyến đường trung tâm TP HCM để tìm người nước ngoài. Trưởng nhóm cho biết, họ thường tập trung nhiều ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, trạm xe buýt, công viên… ở quận 1.

clip_image062

12h, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, sau khi tặng phần ăn trưa, nước uống, tình nguyện viên hỏi thăm cuộc sống và xin số điện thoại của một người ngoại quốc lần đầu gặp để tiện hỗ trợ lần sau.

clip_image064

Để suất ăn trưa trên ghế chờ xe buýt ở phố đi bộ, ông David (quốc tịch Anh) cho biết, ngày nào cũng đi lang thang khu quận 1 rồi về đây ngồi ngủ.

"Tôi ở Việt Nam 5 năm nay, làm giáo viên ngoại ngữ. Ba tháng qua tôi thất nghiệp, sống bằng tiền dành dụm. Hơn một tuần nay hết tiền, tôi phải ở trạm xe buýt, có lúc nhịn đến hai ngày. Bữa giờ được tặng đồ ăn tôi cảm kích lắm, cảm ơn người Việt Nam rất nhiều", người đàn ông 52 tuổi nói.

clip_image066

"Người này quốc tịch Estonia, bị kẹt ở Sài Gòn cả hơn năm nay, từ khi dịch bùng phát. Ông thường lang thang ở phố đi bộ nên lần nào đi phát quà mình cũng ngang qua đây tìm ông ấy", nữ tình nguyện viên nói.

clip_image068

Tại bến xe buýt trên đường Hàm Nghi, anh Kwon Chang Woo (quốc tịch Hàn Quốc) nhận bánh từ nhóm thiện nguyện. Cả tháng nay, những phần cơm từ các nhà hảo tâm giúp anh cầm cự trong đại dịch.

clip_image070

Trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), người ngoại quốc này đề nghị giấu mặt. Anh cho biết, công việc chính là giáo viên và không muốn học trò của mình biết đang phải lang thang, sống cảnh vô gia cư.

clip_image072

Ngoài giúp đỡ người nước ngoài, nhóm còn tặng thêm bánh mì, sữa cho bất kỳ người nghèo nào gặp trên phố. Mọi người đều phải rửa tay khử khuẩn trước khi nhận phần ăn.

clip_image074

14h, trời mưa nhỏ, hai thành viên vẫn đi đến từng con đường, ngõ hẻm… tìm đến những người gặp khó để mời họ một bữa ăn ngon. Mỗi ngày, nhóm thường gặp khoảng 10 đến 15 người ngoại quốc và đều ghi thông tin để có thể giúp họ những lần sau.

Quỳnh Trần

GỬI CHO SOEUR – NGƯỜI CON GÁI YÊU CỦA MẸ

Hải Đăng – TGP Sài Gòn, 14/08/2021

clip_image076

TGPSG — Mẹ cũng ngạc nhiên vì sao con gái của mẹ vốn nhút nhát mà giờ lại mạnh dạn và can đảm đến như vậy? Phải chăng vì thiện tâm và vì lòng yêu mến Chúa…

Tình cờ, một người bạn gửi video clip qua cho mẹ. Đoạn video nói về một nữ tu sĩ rất trẻ, tình nguyện đi vào giữa tâm dịch để san sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân đang bị nhiễm virus corona. Mẹ hết sức ngỡ ngàng và hốt hoảng vì nữ tu sĩ trẻ ấy không ai khác chính là đứa con gái yêu quí của mẹ.

Qua phút giây bần thần hốt hoảng ấy, mẹ đã xem và nghe hết tâm sự của con. Mẹ nhận ra rằng con gái của mẹ đã khôn lớn, đã trưởng thành và đã có những suy nghĩ thật chín chắn rồi.

Con thương yêu!

Ba mẹ đã cho con một thân xác được kết hợp trong sự yêu thương của đời sống gia đình. Hình hài mà Thiên Chúa đã ban cho ba mẹ là một bé gái xinh xắn. Ba mẹ nuôi dạy con suốt thời gian qua và giờ đã đến lúc ba mẹ phải trả con về với ý định của Thiên Chúa khi con dâng mình trong đời sống thánh hiến. Con đã chọn con đường tu trì để tận hiến cuộc đời theo ơn gọi mà Thiên Chúa đã mời gọi con vì Ngài đã chọn con từ muôn thuở. Ba mẹ sẵn sàng dâng con gái yêu vào đền thánh Chúa.

Ngày hôm nay con đã nghe theo tiếng gọi của tình yêu và lòng mến để đi vào tâm dịch. Nơi đó có biết bao nguy hiểm đang chờ đón con, nhất là sự lây nhiễm, nhưng mẹ biết con không đơn độc vì con còn có Chúa, có các chị em thuộc nhiều dòng tu khác đồng hành. Đấy chính là những con người biết hy sinh vì tình yêu Chúa qua hình ảnh của các bệnh nhân đang thoi thóp vì virus covid 19 hành hạ.

Ngày xưa, mẹ biết con là một đứa con gái rất yếu mềm: Yếu cả thể chất và tinh thần, bởi vì con là cô con gái út hay đau bệnh lại được bao bọc trong tình thương yêu của ba mẹ, anh chị nên con có chút ỷ lại, hay làm nũng. Do đó, con cũng là đứa bé rất nhạy cảm, dễ xúc động và mau nước mắt. Các anh chị hay mắng yêu con là "út có một tâm hồn mộng mơ, có thần kinh rất nghệ sĩ", thế mà nay con đã tình nguyện đi vào tâm dịch – nơi đầy rẫy sự thương đau rên siết. Những bệnh nhân nơi ấy dường như chỉ biết phó mặc số phận của mình cho các bác sĩ và những nhân viên y tế chăm sóc hầu có thể bình phục.

Qua video clip, mẹ đã nhận thấy những vất vả, mệt nhọc nhiều lúc ngã quỵ vì làm việc quá sức của các y bác sĩ và các tình nguyện viên, trong đó có cô con gái yêu của mẹ. Thật cảm động biết bao khi nhìn thấy các bệnh nhân đang hôn mê, quanh người họ đầy những dây nhợ, ống thở. Mẹ cũng ngạc nhiên vì sao con gái của mẹ vốn nhút nhát mà giờ lại mạnh dạn và can đảm đến như vậy? Phải chăng vì thiện tâm và vì lòng yêu mến Chúa qua hình hài những bệnh nhân đang đau đớn quằn quại kia mà con đã được biến đổi nhiều nhu thế.

Con gái yêu của mẹ !

Mẹ từng biết những lời dạy của mẹ thánh Têrêsa Calcutta: "Chúng ta cảm thấy điều chúng ta làm chỉ như một giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương sẽ ít hơn bởi thiếu đi giọt nước ấy". Quá đúng phải không con yêu? Việc làm của con cũng chỉ như một giọt nước bé tẹo, nhưng sẽ nhiều hơn khi nhỏ thêm giọt nước ấy vào lòng đại dương con nhỉ. Với tinh thần đó, mẹ nghĩ con gái của mẹ cũng đang thực thi theo lời Mẹ thánh đã dạy: Không phải ai trong chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những việc rất nhỏ nhặt đó với một tình yêu vĩ đại. Nếu con không có chuyên môn y tế thì con có thể làm bất cứ việc gì khác như: phụ giúp lau chùi, dọn vệ sinh cho các bệnh nhân… Khi có một chút giờ rảnh, mẹ nghĩ con nên tận dụng một loại vũ khí hết sức lợi hại, đó không phải là súng đạn bom mìn nhưng là Tràng chuỗi MÂN CÔI – Vũ khí của tình yêu thương và niềm tin tín thác. Từ đó, mẹ đã hiểu được rằng các y bác sĩ, các tình nguyện viên và cả con nữa sẽ không đơn độc trong cuộc chiến này vì ở "hậu phương" mọi người vẫn luôn hướng về những chiến sĩ nơi tuyến đầu với tâm tình biết ơn và nguyện cầu cùng Thiên Chúa với sự trợ giúp của Mẹ Maria nhân lành và Thánh Cả Giuse để đại dịch này mau qua đi.

Với tâm tình tín thác, mẹ biết sự dấn thân và hy sinh của các y bác sĩ cũng như của các tình nguyện viện như con không vượt qua ý định của Thiên Chúa nếu Người muốn. Là con người ai cũng phải chết một lần con ạ, nhưng chết như thế nào để mọi người trân trọng khâm phục giống như những vị anh hùng tử đạo để cái chết được trổ bông và sinh nhiều hoa trái cho thế hệ hôm nay. Mẹ cũng biết rằng, sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ, các tình nguyện viên chính là những gương sáng khi sẵn sàng dấn thân vào nơi nguy hiểm. Nếu thực sự trường hợp xấu có xảy ra thì với lòng tin vững vàng con cũng biết là "Cuộc sống này chỉ đổi thay chứ không mất đi".

Những tâm tư này mẹ gửi đến con gái yêu và tất cả những người ở tuyến đầu. Nguyện xin BA ĐẤNG ban nhiều ơn lành cho mọi người và cho dịch bệnh mau chóng qua đi.

 

THƯ GỬI CHỊ NƠI TUYẾN ĐẦU

Em A.N, Rndm – TGP Sài Gòn, 15/08/2021

clip_image078

TGPSG – Niềm an bình của Chúa Giêsu đã cho chị thêm năng lượng để vượt qua mọi ranh giới của lo âu, sợ hãi…

Gió chiều buồn bã, nắng úa phai dần, khó khăn lắm mới tìm được một chút giọt nắng còn sót lại trước mảnh sân nhà. Chính khi dõi theo chút ánh sáng hiếm khan còn lại đó, em lại nhớ đến một ánh sáng đang tỏa hết mình nơi tuyến đầu chống dịch, nơi có những cuộc giao tranh ác liệt và đau đớn với tử thần. Em đang nhớ đến ánh sáng của các chị, những tu sĩ thiện nguyện đến từ nhiều hội dòng khác nhau, nhưng đều là những người bạn cùng nhau đi tìm Chúa trong ơn gọi thánh hiến.

Chị mến, dẫu rằng về khoảng cách địa lý, chị em mình xa nhau hàng trăm ki-lô-mét, nhưng chính trong cầu nguyện, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, trong mối dây linh đạo của gia đình tu sĩ, em lại thấy mình gần nhau hơn bao giờ hết. Dẫu không được tận mắt chứng kiến những gì chị đã và đang làm nơi các bệnh viện dã chiến, nhưng em tin một sức sống trong chị đang tuôn tràn. Nó có thể tạo nên một vùng từ trường yêu thương, an lành nào đó nơi chị đang phục vụ.

Em cảm thấy chị thật có phúc vì, dù khó khăn, chị vẫn cảm nhận mình gặp được Chúa Giêsu cách cụ thể và sống động nơi các bệnh nhân chị đang chăm sóc, được ngắm nhìn Chúa Giêsu trong vườn Dầu năm xưa, nay được hiện thực hóa nơi vườn dầu của mỗi bệnh nhân. Có lẽ chị cũng được nhìn thấy những khuôn mặt nhợt nhạt sắc tím, những ánh mắt cầu cứu tuyệt vọng, những thân hình gầy còm héo hắt, những nỗi cô đơn đến lạ của các bệnh nhân vì không có người thân nào bên cạnh họ đêm nay dẫu chỉ một giờ. Chị cũng thật có phúc vì đã có can đảm thức đêm với các bệnh nhân hằng đêm không chỉ một giờ mà là nhiều giờ trong vườn Dầu của họ. Và có lẽ chị cũng được nhìn thấy cả những giọt mồ hôi đẫm ướt khuôn mặt của các y bác sĩ như những giọt mồ hôi của Chúa Giêsu trong vườn Dầu năm xưa ấy.

Chị mến, em tin rằng chính tình yêu, niềm an bình của Chúa Giêsu đã cho chị thêm năng lượng để vượt qua mọi ranh giới của lo âu, sợ hãi.  Em tin chị cũng đang là hạt muối tan chảy mãnh liệt ướp đậm những tâm hồn đang nhạt vị do cô đơn, đau đớn. Em tin chị cũng đang là ngọn nến cháy hết mình để chiếu soi vào ngõ ngách những tâm hồn đang bị bóng tối của sợ hãi, lo âu bao phủ. Em tin chị cũng đang tỏa hết sức nguồn sức nóng để sưởi ấm những tâm hồn đang đóng băng vì lạnh lẽo do thiếu vắng bóng dáng của người thân.

Chị! Chiều đã tắt lịm, chị em mình cùng gặp nhau trong lời kinh đêm nay nhé!

“Con đi tìm bình an ở nơi đâu, con đi tìm bình an giữa đêm thâu trong tiếng kinh nguyện cầu đèn khuya sáng hắt hiu, một mình con với Chúa.” Lời bài hát “Con đi tìm bình an” đã phần nào cho chị em mình tìm gặp nhau nơi một điểm hẹn duy nhất là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, đúng không chị? Nguyện cầu Thiên Chúa – là nơi trú ẩn của chị em mình – sẽ che chở chị trong mọi giây phút của ngày sống. Nguyện mong sự hiện diện của chị mãi mãi là dấu chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu với những người mà chị đang phục vụ…"

Em A.N, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)

U ĐÃ VƯỢT QUA ĐƯỢC DỊCH BỆNH!

FB Hoàng Nguyên Vũ

Bao lâu nay U vẫn giữ thói quen viết thư tay. Cứ dặn dò gì là U viết. Con cái có lỗi lầm gì U cũng viết, không trách móc, chỉ khuyên bình yên sống và giữ sự an lành.

Chữ U đẹp. Câu cú gọn gàng. Văn phong từ tốn, sang trọng nhưng rất tình cảm.

Khi Sài Gòn bùng dịch, mình lo nhất là U. Vì U rất nhiều bệnh nền, từ tim mạch, huyết áp, hen suyễn, lại thêm cái thận không nạp được đạm. 2 năm nay U yếu hẳn, ăn ít, ngủ khó và rất hay chóng mặt.

Rồi một ngày, cái block chỗ U ở giăng dây. Một nhà, hai nhà, năm nhà rồi… nhiều hơn thế. Sợ con cái lo, U giấu tiệt.

Rồi một người quen gần đó đến test nhanh cho U, cho kết quả âm. Nhưng, người đó lại dương tính sáng hôm sau.

U vẫn bình tĩnh, vẫn giấu.

Đến khi U khó thở, nửa đêm phải bật dậy ló đầu ra cửa sổ để thở. Rồi sáng ra ăn cả nắm ớt không thấy cay. Rồi mũi không ngửi được mùi…,

vẫn giấu!

Đến hẹn cả khu đó test, trước cửa nhà U một cái biển treo lên: Nhà có ca nghi nhiễm…

Lúc này, U bắt đầu không giấu.

Anh em tôi tức tốc xin xuyên tâm liên của thầy; lá xông; lều xông; tiếp tế trái cây, rau dưa. Thương U cứ lủi thủi cắt cắt nấu nấu.

U khè muối nơi mũi, súc họng, uống thuốc. Rồi ngồi thiền thở nhẹ. Rồi tụng kinh như mỗi ngày. Thản nhiên, nhẹ nhàng.

Giờ U không còn khó thở. Mũi đã ngửi lại được. Lưỡi cảm nhận dần hết các vị trở lại từ chua, mặn, cay, đắng, ngọt.

Ừ, vị ngọt sau cùng, muộn màng, nhưng vẫn là cả cuộc đời khổ hạnh…

U ổn dần trở lại. U bình tĩnh, bình thản, thì cô vít có đến cô vít lại đi thôi.

Vâng, bình yên và an lành, những chữ luôn có trong các bức thư U gửi con, sẽ luôn là thế, U nhỉ?

SG 14/8/2021

clip_image080

clip_image082

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Luyện cơ bắp lén lút và công khai

clip_image084

Comments are closed.