Sinh ra từ trứng (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Căn phòng tầng áp mái

Tôi thích hai màu nâu đất nung và vàng đất. Tôi cũng thích gọi đó là màu quê nhà. Nồng nàn và buồn bã. Tôi ước ao có thể chìm đắm vào những cô gái mặc áo yếm hoặc cởi trần bên bờ giếng với chum vại màu đất nung và màu vàng đất. Bao giờ lòng tôi cũng đầy xót thương với những gam màu u buồn đó.

Tôi thấy tôi là đất.

Ông họa sĩ lên tiếng, “Nếu như có thể được, tôi cũng muốn mình là đất”.

Người đàn ông mặc bộ đồ nỉ  đỏ nói, “Nhưng tại sao ông lại nhuộm đỏ tôi thế này?”

Ông họa sĩ thanh minh, “Đã có lúc tôi sợ. Vì thế tôi vẽ ông màu đỏ để người ta đừng nhầm lẫn về tôi. Nhưng tôi cũng còn một nỗi sợ khác lớn hơn, đó là sự phủ nhận chính mình, vì thế tôi đã đặt ông trong một không gian xám và trống rỗng”.

“Cũng có thể vì thế mà tôi không biết buồn hay vui chăng?”, người đàn ông nói.

“Tôi xin lỗi”, ông họa sĩ nói khẽ. “Bù lại, tôi cũng đã tặng ông một người đàn bà”, ông họa sĩ nói tiếp.

“Cũng chẳng ra làm sao”. Người đàn ông nói.

“Không phải đấy là một tình yêu sao?” Ông họa sĩ ngạc nhiên.

“Tốt nhất là ông cứ để tôi một mình”. Người đàn ông tỏ ra bực dọc.

“Thế cũng được. Tôi sẽ sửa chữa trong những lần sau”. Ông họa sĩ chấp nhận. Một hiện thực trần trụi, không có ngày mai.

Ông họa sĩ quay sang phía tôi, “Không có phụ nữ áo yếm hay cởi trần cho ông đâu. Cũng không có bờ giếng hay chum vại gì cả”.

Tôi nói, thật ra cái tôi cần là màu đất nung và màu vàng đất. Nhưng ông họa sĩ nói cũng không thể có những gam màu ủ dột đó được. “Tất cả phải tươi sáng, ông hiểu không?”

Tôi hiểu đó là một bi kịch thời đại, không một nghệ sĩ nào thoát khỏi ám ảnh mất lập trường quan điểm, nếu muốn được lộ diện trước công chúng. Tôi để nỗi u buồn của tôi vào những chiếc lu sành mà tôi mua ở làng gốm Nguyệt Lãng. Chẳng ai cấm được màu đất nung nồng nàn và buồn bã trên những cái lu, chậu trong vườn nhà tôi.

Người đàn ông nói, “Tôi muốn đứng lên”.

Ông họa sĩ bảo, “Tùy. Nhưng tốt nhất là đừng đi lại”. Và tôi thấy người đàn ông đứng lên, vặn vẹo trong không gian xám. Bất ngờ, ông ta cất bước. Sau mỗi bước chân ông, cỏ mọc lên, nhưng vẫn là màu xám. Ông họa sĩ hoảng hốt kêu lên, “Chết tôi rồi”. Cỏ màu xám mọc lan đến chân trời.

Và điều không tránh được đã xảy ra.

Tôi nghe thấy tiếng đập cửa. Rồi có người xô vào. Không phải một người. Họ đứng chen chúc trước cửa. Tôi nghe tiếng ồn ào, “Ở đây chứa chấp tội phạm”. Các bức tranh bị niêm phong. Ông họa sĩ bị dẫn đi.

Trong quán cà phê

Nhiều năm sau, tôi vẫn đến ngồi ở quán cà phê quen thuộc, không để tìm lại hình ảnh ông họa sĩ cao ngạo ngậm ống vố hay bất cứ điều gì, mà chỉ để giữ một thói quen như cái thành trì tối hậu của sự riêng tư. Trong khi ấy, ông họa sĩ vẫn bị dập vùi theo cách của một xã hội chuồng trại. Mọi tiêu chuẩn nhu yếu phẩm để sống của ông vốn dĩ chưa đủ cho ra một con người đã bị cắt hết. Ông bị vất ra đường trong sự tránh né của đồng nghiệp và đồng loại.

Ở quán cà phê, tôi gặp những người khệnh khạng, tuy họ không ngậm ống vố. Họ là những người biết tuốt. Cái gì cũng biết. Họ cũng là những anh hùng trong hàng quán. Chửi tuốt không chừa một ai. Và họ vô can trong mọi sự. Tôi ớn lạnh. Tôi cũng thực sự buồn nôn. Tôi tự hỏi, thế giới này làm bằng gì? Tôi không trả lời được.

Tôi lại bùi ngùi mất rồi. Cuộc đời đang tuột khỏi tôi.

Không biết tự khi nào, một cô gái lạ ngồi bên cạnh tôi. Cô nói, cô không muốn sống như cô đang sống. Cô gái trẻ đẹp, có phần quí phái.

Tôi hỏi, có phải cô chán cái nghề  đi theo dõi người khác không?

Ồ, không. Cô nói, “Ông coi thường tôi”.

Tôi bảo, không dám.

Cô nói, “Tôi thích làm người mẫu hoặc đóng phim”.

Tôi bảo, tốt đấy.

Cô ta nói, “Tôi cũng thấy vậy, nó có thể cho tôi cái tôi muốn”.

Tôi hỏi: “Sao cô không làm chính trị? Quyền lực cho phép người ta làm bất cứ cái gì, hay nói một cách khác, quyền lực cho người ta mọi cái mà người ta muốn”.

Cô ta rụt vai, “Tôi sợ lắm”.

Tôi nói, ”Làm chính trị cũng là một nghề mà. Cô sợ cái gì?”

Cô ta nhìn thẳng tôi, “Chắc là ông không sợ?”

À… à… Tôi cũng sợ. Nhưng tôi lại hỏi, “Có phải cô muốn sống khác như cô đang sống?”

Cô ta gật đầu.

Tôi bảo, thế thì chẳng có cách nào khác ngoài làm chính trị. Trong mô hình xã hội hiện nay, làm chính trị được coi là đồng nghĩa làm cách mạng. Nhưng đấy không phải là một trò đùa. Tôi không đùa với cô nữa, tôi nói có một cuộc cách mạng khác không phải đổ máu, không phải ngồi tù là hãy đi theo tôi, dẹp cái vụ người mẫu hay đóng phim đi.

Cô cười nắc nẻ, “Anh nói được đấy”.

Hằng ngày, tôi ngồi với cô.

Cô nói, “Em có thể đi bất cứ  đâu mà không cần có tiền”. Thưa, tôi tin. “Em có thể chọn người đàn ông mà em muốn”. Thưa, tôi tin. “Nhưng em chọn anh”. Thưa, tôi tin. Cô nhìn tôi, không nói thêm. Tôi cười. Tôi đi tìm niềm vui. Nhưng cô không bao giờ đi khách sạn với tôi. Cô không bao giờ cho tôi bụp. Cô chọn tôi để làm gì? Cô nói, em muốn đi với anh đến mọi nơi anh vẫn đến, trừ khách sạn. Nhưng tôi bảo, khám phá lớn nhất về anh chỉ có thể tìm thấy trong khách sạn. Cô bảo, em chỉ muốn biết những bí mật nhỏ của anh thôi.

Bí mật nhỏ của tôi

Cô gái theo tôi về căn phòng tầng áp mái. Người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ bất chợt quay mặt lại, ông ta nhìn đăm đăm vào cô ấy. Có vẻ như họ quen nhau.

Cô gái nói: “Không ngờ lại gặp anh ở đây. Xin lỗi, tôi tưởng anh không còn nữa”.

Người đàn ông nói: “Tôi không chết. Tôi mãi mãi là hình mẫu đàn ông của cô”.

Cô gái nói: “Anh không biết xấu hổ  à?”

Người đàn ông nói: “Thế mà người ta đã tạo ra tôi cho những người như cô đấy”.

“Đó chính là lý do khiến tôi phải bỏ đi, anh biết không?” Cô gái nói.

Người đàn ông quay mặt đi: “Cô đã thật sự thay đổi rồi sao?”

Cô gái: “Phải, tôi không thể chịu đựng nổi một khuôn mẫu duy nhất như anh. Nó hủy diệt tôi. Hủy diệt mọi ham muốn của tôi”.

Người đàn ông nói: “Không phải tôi đã lo lắng tất cả cho cô?”

Cô gái: “Và anh biến tôi thành một xác chết”.

Người đàn ông: “Tôi yêu xác chết đó”.

Bỗng tôi nghe dậy lên trong không trung tiếng ầm ì từ xa như tiếng sấm rồi rõ dần tiếng của một đám đông: “Chúng tôi yêu xác chết”.

Cô gái hốt hoảng nói với tôi: “Anh mau ra khỏi đây. Bọn giết người đến”.

Tôi không tin có bọn giết người kiểu hoang đường truyền khẩu. Trong lúc chưa kịp phản ứng gì, chung quanh tôi đã đầy người. Tất cả bọn họ đều mặc bộ đồ nỉ đỏ y như người đàn ông trong bức tranh trên tường. Họ không hiếp hay giết cô gái, nhưng họ xông vào tôi, xé bộ quần áo tôi đang mặc, rồi trùm vào tôi bộ đồ nỉ đỏ. “Tôi không muốn”, vừa nói tôi vừa cố giằng lại bộ quần áo cũ của mình. Vô ích. Họ đánh đập tôi.

Khi tỉnh lại, tôi đã là một người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ.

Từ ấy, tôi trở thành một người yêu xác chết. Tôi cần phải giết người, hoặc tôi phải tìm kiếm những tử thi.

Những người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ lôi kéo tôi vào những cuộc đàn áp như họ đã từng đàn áp tôi. Nhưng tôi không thể. Tôi đứng nhìn. Rồi tôi bị cô lập. Lạc lõng.

Khi đứng một mình, bộ đồ nỉ  đỏ làm cho tôi trở thành tương phản với chính mình. Tôi vốn màu nâu đất và tôi thuộc về sự chết, nhưng tôi không giết người và không yêu xác chết. Những xác chết cần phải được đem chôn hoặc hỏa táng. Và quên đi.

Tôi nôn mửa hiện tại. Và yêu cuồng một tương lai bất định, nhưng cũng như những kẻ “chém gió” khác, tôi bất động và thủ dâm với một con cu bệnh hoạn, càng ngày càng teo tóp. Cô gái nói với tôi, “Anh không còn là người như em chờ đợi”. Tôi hỏi, “Em chờ đợi gì nơi anh?” Cô gái bảo, “Một cái gì khác”. Bộ đồ nỉ đỏ làm tôi khó thở, nó dán chặt vào da và càng ngày càng trở nên hôi hám. Tôi nói, “Tôi không thể”. Với bộ đồ nỉ đỏ, tôi giống như người đeo bao cao su toàn thân phòng hộ với cuộc làm tình giả tưởng. Tuy nhiên, trong tận cùng tôi, nỗi khao khát muốn hiếp cô vẫn nóng nẩy. Cô đẹp và đầy sức mạnh hủy diệt. Làm thế nào để tôi lột bỏ bộ đồ nỉ đỏ tù túng oan nghiệt đó? Một thứ bản năng nào giúp tôi trở nên thanh sạch?

Cô gái có mái tóc như một cánh rừng

Tóc cô quấn cao, búi lệch qua một bên. Lần đầu gặp, tôi cứ đinh ninh rằng cô tóc ngắn.

Cô nói: “Thật ra, tóc em rất dài và lúc nào cũng bồng”.

Tôi nói: “Thả xuống cho anh coi”.

Cô nghiêng đầu, tay gỡ búi tóc và thả xuống, rồi nhìn tôi cười. Mái tóc dài ngang lưng giống như bờm sư tử, che khuất cổ và bờ vai trần.

Tôi nói: “Nếu được chọn, anh thích em tóc ngắn. Khuôn mặt em sẽ rực rỡ hơn”. Tôi cũng muốn nói thêm, cổ em sẽ gợi cảm hơn, nhưng tôi ngần ngại.

Cô nói: “Cắt đi em tiếc lắm”.

Tôi nói: “Nếu muốn để tóc dài lại cũng được mà”. Nhưng cô chỉ cười. Vuốt ve mái tóc.

Cô nói: “Em yêu những cánh rừng”.

Tôi nghĩ, cô là một cánh rừng, mỗi ngày một rậm rạp thêm. Trong cánh rừng ấy, tôi không phải là một gã tiều phu. Tôi là một con thú nhỏ.

Cô lại nói tiếp: “Nhưng em chỉ là một sa mạc”.

Tôi không thích cô kiểu cách ăn nói làm dáng như thế. Nhưng tôi không thể không ví von cô như dòng sông, mỗi ngày một dài rộng thêm. Tôi là một con cá nhỏ.

Đối với cô, tôi lúc nào cũng như hồi tưởng. Cho dù tôi có ý thức hay không việc cô đã rũ bỏ người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ và để ông ta ngồi lại một mình trên chiếc ghế gỗ công viên màu nâu xám.

Cô nói, “Rũ bỏ quá khứ, không bao giờ là việc dễ dàng. Nhưng nếu không rũ bỏ nó, em sẽ không thể là con người tự do”.

Bản thân tôi, tôi cũng muốn sống như người không có quá khứ, nhưng trong thực tế, tôi là một kẻ lộn xộn về thời gian và xào xáo hiện thực. Vì thế, có lúc tôi tưởng như đã lột bỏ được bộ đồ nỉ đỏ khỏi thân mình và trần truồng trước cô gái. Nhưng tôi đã không đạt được bất cứ điều gì để cô gái có thể đến với tôi thuần khiết giống như tôi mong ước về cô.

Bọn chúng từ rừng ra.

Trong lúc tôi cố gắng giải tỏa mọi ngăn cách chướng ngại giữa hai chúng tôi thì bọn người mặc bộ đồ nỉ đỏ đã ập tới và đè tôi xuống. Bọn chúng vẽ lên người tôi những khẩu hiệu kêu gọi đoàn kết chống phá rừng. Không cho phép bất cứ thứ đoàn kết nào khác tồn tại ngoài đoàn kết với bọn chúng. Giống như bị đeo ngàm vào miệng, tôi nhất trí chống phá rừng.

Năm mươi con của người mẹ đẻ ra trứng vẫn ở trên rừng. Họ tin vào truyền thuyết và chờ đợi ngày dòng dõi ưu việt của họ tiếp tục được sinh ra từ trứng. 

Căn phòng tầng áp mái

Để tuân thủ việc chống phá rừng, tôi chui về căn phòng tầng áp mái và trồng rừng trên mái nhà. Tôi trở thành kẻ ẩn nấp và âm mưu. Trên tất cả các bức tường nhà tôi bỗng đầy những bức tranh mô tả việc kết nạp Đảng. Từ kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ đến kết nạp tại các nhà máy, nông trường hoặc trong hầm mỏ… Cảm giác mình bị kết nạp vào một cái gì đó thật kinh khủng, tôi ớn lạnh toàn thân, giống như sắp bị một con ma ăn thịt. Tôi vừa tháo những bức tranh xuống vừa run. Xúc phạm thánh thần hay ma quỉ đều đáng sợ như nhau. Tôi không muốn bị ám ảnh về tình trạng mất linh hồn. Khi những bức tường đã trống, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn, mặc dù tôi không biết phải làm gì với những bức tranh đó. Có thể tôi sẽ tìm một cái kho và bỏ vào đó tất cả mọi hệ lụy. Thời gian sẽ lãng quên.

Trước đó, tôi tìm thấy chân dung cô gái ngồi chống tay trên tấm phản, đôi vai nhô lên như lệch lạc, nhưng không làm mất đi vẻ dịu dàng thơ mộng của cô. Đôi mắt lá dăm xa vắng. Hiện tại không có tôi. Quá khứ phía sau lưng cô là một con ngựa gỗ, màu nâu. Bên cạnh cô, những búp sen hồng được ám thị như những dương vật thẳng đứng và gầy ốm. Cô mặc chiếc áo dài đen, tóc cô xõa ra thành rừng, âm u.

Tôi tiếp tục tìm thấy những cô gái khác trong vườn hoặc dưới trăng, nguyên sơ và đầy tính biểu tượng. Chỉ có trăng màu vàng chanh, còn lại vẫn là không gian màu xanh xám. Những mảng màu mạnh mẽ khỏa thân và biến tan. Cái tôi của tác giả bị che giấu. Bên dưới lập trường quan điểm về cái đẹp của tính bầy đàn, tôi nghe ra một giai điệu hoang mang, vô định.

Không có bất cứ điều gì để chia sẻ với các cô gái, nhưng lòng tôi lại tràn ngập lòng xót thương ông họa sĩ. Ông ấy phải chết. Cho dù cái chết không giải thoát ông khỏi gông cùm của sự áp đặt mượn danh con người, vốn chỉ là những hình mẫu không có linh hồn. Trong một bầu khí đầy âm tính được cường điệu hóa bởi sự hùng hổ của các khẩu hiệu nghệ thuật vị nhân sinh ấy, tôi cảm thấy mọi điều trở nên xa lạ, thù địch. Ngay cả căn phòng mà tôi vẫn ở xưa nay cũng khác, nó không còn là của tôi, mà thuộc về cái thế giới đang vây hãm tôi. “Kết nạp” trở thành một từ khủng khiếp với tôi giống như cái còng được liên tưởng cùng lúc bập vào hai cổ tay.

N.V.

Comments are closed.