TAM TẤU HOA

Truyện cực ngắn

Vũ Ngọc Tiến

Lời thưa: Chùm truyện ngắn mi ni này tôi viết đã lâu, giữa lúc làng văn đang sôi động bình tán cái giải thưởng Hội Nhà văn cho tập phê bình rởm, có tên rất kêu Luận chiến văn chương của me-xừ NVL. Giờ làng văn bỗng lại sôi động vì mấy chuyện thị phi, tôi chợt nhớ lại và muốn đưa lên trang Văn Việt cho bạn hữu đọc chơi…

Khúc I – Hoa trong rác

Khoảng năm mươi năm về trước, trên đường Thụy Khuê – Hà nội, đoạn từ chân dốc Tam Đa đến miếu “Giời ơi”, phía giáp Hồ Tây là một bãi rác mênh mông. Hồi ấy, tôi còn là cậu bé học sinh tiểu học nghịch ngợm, nhếch nhác ở ven đô. Sau kỳ nghỉ Tết, quãng độ mồng mười đến rằm tháng giêng, nhằm lúc bố mẹ bận đi lễ chùa là bọn nhóc chúng tôi rủ nhau ra bãi rác lượm tìm những nút chai bia đem về đập rập để chơi “xèng xèng”.

Lần nào cũng vậy, chúng tôi đều gặp một ông lão ngoài sáu mươi, để râu ba chòm trắng cước, mặc bộ đồ “đại cán” bằng ka-ki vàng, tha thẩn trên bãi rác. Nom ông đạo mạo, quắc thước, ung dung như thầy giáo trường làng. Chẳng ai dám nghĩ ông cùng nghề với mấy bà bới rác kiếm ăn. Ông lão ôn tồn nhắc chúng tôi phải cẩn thận kẻo mảnh chai cứa đứt chân, không được để lấm quần áo và phải sớm về nhà kẻo bố mẹ mong.

Mỗi lần xe rác bóp còi vào bãi mắt ông sáng lên, hồi hộp đứng nhìn từ xa như chờ đợi một cái gì thiêng liêng, hệ trọng. Xe vừa nghiêng thùng trút rác ào xuống đất là ông lững thững lại gần quan sát mấy vòng, nhấc từng cây hoa đào cong queo, úa tã ra xa ngắm nghía tỉ mẩn hàng nửa giờ. Hóa ra ông tìm những cây đào thế mà người trong phố chơi Tết xong quẳng lên xe rác.

Lâu dần thành quen, chúng tôi cũng xúm quanh đống rác vừa đổ, gọi nhau í ới, tranh nhau lượm tìm giúp ông lão những cây đào còn nguyên gốc, vừng đất to bằng chiếc thúng đại. Gặp được cây đào ưng ý, ông cháu hớn hở lễ mễ khiêng ra mép đường nhựa chờ vẫy xe xích lô. Được ông lão thưởng cho mấy hào mua kẹo kéo là chúng tôi vui chân sáo chạy về nhà, mũi nở bằng miếng đậu rán, la hét cười đùa huyên náo.

Một lần, trong lúc chờ xe rác tôi khép nép hỏi:

-Ông ơi! Ông nhặt rác về làm gì, hở ông?

-Nó không là rác. Nó là cái đẹp, cháu à. Ông là nhà văn. Ông đi tìm cái đẹp bị vùi lấp.

-Đẹp gì mà đẹp. Nó sắp chết rồi.

-Nó mới chỉ đang đau và khát chứ chưa chết. Cái đẹp mà bị vùi dập thì thê thảm, đau đớn lắm, các cháu ạ! Ta đem về làm cho nó sống lại và đẹp hơn, giống như ông viết văn ấy, cháu à…

-Có mất công, có lâu không, hở ông?

-Làm sống lại cái đẹp sắp chết đương nhiên là tốn công hơn cả trồng nó từ đầu. Sau này lớn lên cháu khắc hiểu. Nhưng làm được thì ông sung sướng lắm! Chừng nào ông còn mạnh chân khỏe tay, ông còn ra bãi rác này tìm kiếm.

-Nhưng sao ông lại biết nó ở bãi rác mà tìm?

Ông lão nhìn tôi âu yếm, gí ngón tay vào má tôi day day và cười hiền như Bụt.

-Đúng là con nít hễ đã hỏi là hỏi đến cùng. Cháu biết không? Người trong phố sống xô bồ và tù túng. Họ chỉ có thể mua nhanh, bán nhanh, chơi nhanh cái đẹp. Họa hoằn có người muốn gây trồng cái đẹp cũng khó vì chật chội, nên qua mấy ngày Tết là họ coi thành rác.

-Bao giờ thì “cây rác” của ông nở hoa?- Tôi ngây thơ hỏi tiếp.

-Mùa xuân năm sau, cháu ạ!

-Ông có mang ra chợ bán không?

-Ông không bán, chỉ đem cho bạn bè thôi. Năm nào cũng vậy, vào lúc xuân về, trong nhà ông có cả một vườn “cây hoa rác”. Vất vả tìm hoa trong rác, rồi lại mất công làm nó sống lại mà đem bán ngoài chợ thì uổng công lắm, cháu ơi! Song ông quen rồi. Nghề văn của ông cũng vậy. Cái nghề khốn khó mà mê, mê lắm! Khà… khà…

Ông lão cười rung rung chòm râu. Tôi nghe trong tiếng cười đượm chút buồn man mác. Bãi rác mênh mông, bụi mù và hôi nồng. Tôi cảm thấy hơi ấm và hương thơm tỏa sang lòng mình từ chòm râu thưa, trắng phơ. Cho đến tận bây giờ tóc đã hoa râm, mỗi khi nhớ lại buổi chiều chuyện trò với ông lão tìm hoa trong rác, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng cười của ông…

Khúc II – Hoa chuối rừng

Trời sinh ra gã làm thi sĩ, nhưng công việc bộn bề cùng những toan tính đời thường cứ níu chân gã nơi phố hẹp, ồn ã tiếng người hầm hè nhau và những ống bô xe máy phụt khói đen sì. Đã thế khi về đến nhà mụ vợ má hóp, áo lót màu cháo lòng, quần ống cao ống thấp cứ lườm nguýt gã, luôn mồm ỉ eo chuyện tiền nong hay nhà giột mái, chăn rách, thang giường gãy!… Gã thèm đi xa ăn mày một chữ tình, hỏi vay chữ phận dẫu cứ bị đời từ khước. Hễ có dịp là gã mượn cớ trốn bạn thơ, dối vợ lang thang đây đó dăm bữa, nửa tháng.

Lần này nghe tin anh bạn làm kỹ sư ở lâm trường gặp tai nạn rắn cắn, gã viết nhoáng nhoàng vài chữ cho vợ, gài vào ổ khóa cửa rồi tất bật ra bến xe mua vé đi lên Tây Bắc. Đến nơi, té ra với “ông bạn đồng rừng” thì rắn cắn chỉ là chuyện vặt. Gã thở phào, nán lại lâm trường mấy ngày thỏa thuê tắm suối, leo núi, vào rừng tìm hoa cỏ lạ. Xa nhà, xa phố, gặp bạn tri kỷ gã uống rượu như uống nước vối, nói cười văng mạng chẳng sợ ai thổi còi phạt vi cảnh…

Rồi một sáng gã sững người, ngây ngất trước sự kỳ diệu của tự nhiên: Bông hoa chuối rừng hôm đầu lên Tây Bắc gã hái được ở lưng chừng dốc núi, có màu đỏ thắm, chắc nịch như núm vú cô gái dậy thì. Nó càng thêm rực rỡ trong sắc nắng xuân vàng óng và nổi bật trên nền xanh thẫm của cánh rừng già bát ngát. Gã đem về nhà khách của lâm trường cắm vào lọ thủy tinh màu vàng, ra ngắm vào nghía. Mỗi ngày bông hoa chuối rừng lặng lẽ mở dần đôi ba cánh.

Sáng nay, gã ngủ dậy muộn hơn thường lệ sau một đêm nhiều mộng mị. Bông hoa chuối rừng nở xòe hết cỡ và chuyển sang một màu trắng ngần, tinh khiết đến nao lòng. Hình như có ai đó cố tình cắm thêm vào lọ hai bông hồng nhung đỏ thẫm và mấy đọt lá dong riềng xanh biếc, non tơ làm nền tương phản để tôn lên màu trắng tuyệt vời của hoa chuối rừng sắp tàn úa. Gã nghẹn ngào ứa nước mắt vì chợt phát hiện ra cái đẹp đích thực đột biến trở về cái đẹp nguyên bản, tinh khiết ở chính thời điểm thân xác bắt đầu tàn rữa để đi vào lòng đất mẹ.

Rời núi rừng Tây Bắc, trên đường về thành phố, gã nôn nao nghĩ về thơ và nghiệp chướng thơ. Lạ thay, chính bông hoa chuối rừng kia bỗng khiến gã da diết nhớ vợ, yêu cái vẻ nhếch nhác úa tã; yêu cả gương mặt lưỡi cày luôn mồm làu bàu van trời, kêu khổ. Gã hoàn thành bài thơ tình tặng vợ vào lúc xe qua cầu, từ từ lăn xuống dốc, rẽ vào đường phố hẹp, chật cứng những cái bóng bơ thờ sau một ngày kiếm sống. Sông Hồng cuộn réo sau lưng gã và những bụi sương đêm theo gió tạt chéo vào cửa xe không có kính…

Khúc III – Hoa thi sĩ

Thân, ông bạn nhà văn hàng xóm là loại sâu men, trùng rượu. Mỗi lần anh chếnh choáng, liêu xiêu bước sang nhà là mụ vợ tôi nhăn mày vì biết chồng sẽ không tài nào dứt ra được. Mụ làm thư ký văn phòng suốt ngày bị sai vặt nên chỉ mong về nhà sai lại chồng đủ thứ việc cho bõ tức. Khách đến nhà làm mụ chưng hửng, lỡ mất dịp được sai chồng và la hét.

Vào đúng ba mươi Tết, việc nhà lút cổ, tôi đang lúi húi cắm hoa thì Thân khật khưỡng đến sau lưng thở đầy mùi rượu.

-Ông mà cũng biết cắm hoa à?- Anh hỏi.

-Mụ vợ sai thì phải làm, biết gì đâu- Tôi đáp.

-Ông đã bao giờ nghe nói đến hoa thi sĩ chưa?

-Lấy đâu ra thứ hoa ấy. Say rồi bố trẻ!

-Không, say gì mà say. Trên đời này chỉ có hoa hồi là mang cốt cách của thi nhân. Tớ gọi nó là hoa thi sĩ.

-Hoa hồi?- Tôi tròn mắt hỏi lại.

Thân lảo đảo vịn tay vào thành ghế ngồi xuống và phân tích cho tôi nghe vì sao anh gọi hoa hồi là hoa thi sĩ: Hồi là thứ hoa thơm nồng nàn, có sức lan tỏa kỳ diệu. Nó mọc trên các sườn núi cao ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Vất vả trồng cây mười năm mới hái được lứa hoa đầu. Hái hoa hồi là việc nguy hiểm vì cành cây rất giòn. Sẩy chân, lỡ tay ngã xuống không chết cũng què.

Điều thú vị là mùa thu hoạch nhằm lúc bắt đầu có sương móc rơi. Sương là thứ nước tinh khiết chắt lọc từ trời đất. Năm nào sương móc rơi nhiều, hoa hồi được mùa thì cuối năm ấy trời rét đậm. Bao nhiêu tinh túy của đất trời hoa hồi hút hết vào trong mình nó nên mới có sự trùng hợp ấy. Người ta trồng hồi lấy hoa cốt để chưng cất dầu. Tinh dầu hồi là túy hương của hoa. Một tạ hoa chưng cất suốt bốn mươi tám giờ liền mới cất được hơn cân dầu hồi. Thi sĩ làm thơ có khác gì đi tìm hoa giữa cánh rừng chữ để cất lấy tinh dầu. Mà cậu biết không? Dầu hồi vất vả, cay đắng mới có được, nhưng đã có được nó rồi thì sẽ tẩy sạch hết mọi vết bẩn trên các trang thơ. Không tin cậu cứ thử mà xem!…

Tôi nghe chuyện biết vậy, nhưng ai mà tin anh chàng say. Không ngờ sáng mồng một Tết, Thân mang sang lọ dầu hồi, nài kỳ được tôi đưa tập thơ nào có nhiều vết bẩn trong tủ sách ra thí nghiệm. Tôi chiều anh, lấy một cuốn có mấy vết mực mà đã lâu lắm, đứa cháu ngoại lỡ bôi vào lề trang sách. Quả nhiên khi Thân lấy một que tăm bông tẩm dầu hồi lăn qua một lần là sạch bong các vết bẩn. Cuốn sách vừa sạch vừa thơm một cách kỳ lạ.

Comments are closed.