Bùi Thanh Hiếu
Hàng nước của chị Huệ gói gọn trong một cái làn, trong làn chứa một phích nước nóng, một cái ấm tích, vài cái chén và mấy bọc nilon. Thuốc lá chỉ để trong cái túi đeo. Còn mấy bọc nilon là để đựng mấy bộ cờ nhựa, bàn nilon. Loại cờ nhựa rẻ tiền bàn nilong tiện đâu cũng rải ra được.
Khách của chị không chơi ăn tiền như các nơi khác, họ đánh giải trí. Tuy là giải trí những mức độ quyết tâm chả khác gì đánh cược lớn, thậm chí còn gay gắt hơn. Cứ bắt đầu từ 2 giờ chiều đổ ra là khách lác đác kéo đến, đông nhất là từ tầm 5 giờ chiều đến 7 giờ.
Chỗ chị Huệ bán hàng cho khách chơi cờ là khu vực vườn hoa trước cửa ngân hàng nhà nước, cái vườn hoa đầu tiên có tên là Chí Linh, sau là tên vị thủ tướng Ấn, sau này là tên vị vua Lý rời đô về Thăng Long. Khách chơi cờ lâu ngày dần dần cũng quen mặt, biết tên nhau, thậm chí biết cả tính tình.
Những người sức cờ ngang nhau thì tập trung một bàn, bàn khác của tốp người chơi cờ kém hơn. Thường có ba bàn cờ như thế, hai người chơi và hai người chầu rìa. Bàn thì đánh im lặng, người chơi vã mồ hôi. Bàn thì náo loạn, cười nói, cãi cọ loạn xạ.
Bàn tôi hay chơi có anh Lâm làm nghề in lưới, anh hay cười, được cũng cười, thua cũng cười, đứng ngoài mách nước chầu rìa cũng cười. Có chú Thành vẻ như chủ doanh nghiệp nhỏ , cứ 5 giờ chiều là chú ghé vào xách theo ca táp, tính chú điềm đạm, nói năng nhẹ nhàng. Có anh Tài, tóc lúc nào cũng bóng mượt, quần áo lượt là, anh ta cũng cán bộ cơ quan nào đó gần Hồ Gươm. Hình như cơ quan anh ta chả có việc gì, nên cứ hơn 2 giờ là anh có mặt tại quán cờ. Anh Thành được thua hay cáu gắt, chửi bới. Đấy là ba người có công việc và hoàn cảnh khá ổn định.
Còn lại là anh Cao Bằng bán báo dạo, chả biết anh ta tên gì, mọi người gọi là Cao Bằng. Còn một ông nữa bán kết quả sổ xố, ông ta chơi đến tầm 6 giờ là chuẩn bị đi bán kết quả sổ xố ở ngã tư Bà Triệu, Trần Hưng Đạo. Tôi thì đang làm thử việc tại một công ty quảng cáo với mức lương 300 nghìn một tháng, trong khi đó bát phở bò giá 5 nghìn.
Chúng tôi chơi cờ, không phân biệt địa vị, giàu nghèo. Bàn cờ đã bày ra hai bên quân đều nhau, đi nước nào nước đó lồ lộ. Những người không cầm quân thì chầu rìa, tiện bên nào mách nước cho bên đó. Mách cho bên nào họ nghe thì mách nhiều hơn.
Chúng tôi chơi cờ ngày này qua ngày khác, từ mùa hè nóng bỏng nền gạch vườn hoa đến mùa đông gió bấc thổi, mưa phùn lắc rắc, áo mũ sùm sụp kín đầu vẫn cứ chơi. Cứ thay nhau đánh, người ra, người vào, người chầu rìa. Tôi chỉ đánh với chú Thành một lần, đó là ván cờ mà tôi mệt óc nhất trong cuộc đời chơi cờ. Mỗi bên đi nước thứ 15 mà chỉ ăn được nhau một con tốt, đến nước thứ 30 thì hai bên tướng sĩ tượng vẫn vẹn toàn, chỉ mỗi bên mất một con mã. Kéo dài đến hơn hai tiếng thì chúng tôi chấp nhận hoà. Từ đó chú Thành thấy tôi là lắc đầu, chú bảo đánh cờ giải trí mà đánh với mày tổn thọ. Tốt nhất là tao đánh thì mày chầu rìa mách bên kia, mày đánh tao chầu rìa mách bên ngược lại. Tôi cũng không muốn đánh với chú, vì đánh cờ nhiều lúc phải giăng bẫy, mỗi lần giăng bẫy rất tốn công nghĩ, lần nào chú cũng tránh được, đâm ra tôi cũng nản.
Ngày 27 Tết, chị Huệ tuyên bố bán nốt hôm nay là nghỉ Tết đề về quê. Chúng tôi thống nhất chơi thua ra được vào, để ai cũng được chơi ván cờ Tất Niên. Đầu tiên anh Tài đánh với anh Lâm, anh Tài thua ra cho Cao Bằng vào, Cao Bằng hạ anh Lâm, ông bán kết quả sổ xố vào thay. Lúc đó đã là 6 giờ chiều. Anh Tài xem một lúc thì đứng dậy về. Còn lại Cao Bằng chơi với ông bán kết quả sổ xố. Tôi và chú Thành, anh Lâm chầu rìa.
Hai người nghĩ khá lâu không như mọi khi, họ đi những nước chắn chắn, chẳng bên nào muốn tìm cách tấn công bên kia. Đến gần 7 giờ thì trời tối mịt, chúng tôi chuyển ra chân cột đèn chơi. Chị Huệ nằng nặc đòi về, chú Thành chưa được chơi thấy vậy thanh toán hết tiền nước thuốc cho cả hội, chú lại bỏ tiền mua luôn cả bộ bàn cờ nhựa để chi Huệ về trước.
Đầu tiên thì ba kẻ chầu rìa chúng tôi là chú Thành, anh Lâm, tôi chia làm hai phe mách hai bên. Tôi mách nước cho ông bán kết quả sổ xố, chú Thành mách nước cho Cao Bằng. Còn anh Lâm ngồi giữa vừa cổ vũ , vừa khích bác, dèm pha hài hước cho tăng hấp dẫn.
Đến 8 tối vẫn chả ai thắng, trời mùa đông lạnh tê tái, trên đường đã ít người đi. Nhưng trong vườn hoa, dưới ánh cột đèn 5 người chúng tôi vẫn chụm đầu vào bàn cờ không cần biết đến thời gian và cái giá lạnh. Anh Lâm đứng dậy lấy xe phi đi mua bánh mỳ cho cả hội ăn.
Lạ lùng là hôm nay hai người chơi chẳng ai nghe chúng tôi mách nước. Họ chơi theo kiểu của họ, nước nào họ cũng đắn đo chán chê. Có những nước nhìn thấy cơ hội để nắm phần lợi chỉ cho họ, họ cũng bỏ qua. Sau cùng thì những kẻ chầu rìa cũng mệt mỏi, mụ mị. Còn hai kẻ chơi thì đi những nước vô hồn.
9 giờ chú Thành thở dài, chú đứng dậy đi về, với chú một ngày ra đến đây mà không đánh được vài ván cờ, chú ngủ không ngon. Nhưng điện thoại của chú đã reo vài lần vì vợ gọi. Chú nói dối là họp cuối năm với anh em, đang bàn này nọ, chốc nữa về. Mấy lần chốc nữa rồi chú cũng phải đứng dậy về. Khi về chú bứt rứt, quanh quẩn chỉ gỡ gạc vài nước mới chịu đi.
Anh Lâm thì thảnh thơi, anh bảo nghỉ Tết rồi, hôm nay phải quyết xem ván này ai thua. Anh tức Cao Bằng đã hạ anh ấy, nên quyết muốn trông thấy Cao Bằng bị hạ gục. Anh chỉ nước cho ông bán kết quả để hạ Cao Bằng thì ông ta không nghe. Anh quay sang chỉ cho Cao Bằng để ông bán kết quả sổ xố thua nhanh bật ra. Để tôi hay chú Thành vào hạ Cao Bằng. Nhưng Cao Bằng không nghe anh ấy, còn bảo mày đã thua thì ra ngoài ngồi im, chỉ trỏ cái gì.
Vợ anh Lâm gọi, anh trả lời, gọi gì gọi lắm thế, ngủ trước đi, tôi đang ngoài vườn hoa đánh cờ. Vợ anh nói nữa, anh quát tôi làm cả năm, được hôm nghỉ chơi cho bõ, mai không còn ai chơi cờ nữa vì nghỉ Tết rồi. Đừng có lắm chuyện.
Tôi nhìn đồng hồ, đã gần 11 giờ đêm, chỉ hơn tiếng nữa là sang ngày 28 tháng Chạp. Chắc khối người còn đang lo lắng chuẩn bị Tết chưa ngủ. Tôi hình dung những ngày còn bé, ngày giờ này tôi ngồi bên nồi bánh chưng, bố mẹ tôi còn đang làm gì đó cho ngày Tết, anh chị tôi cũng vậy. Nhưng giờ thì anh chị em nhà tôi ai cũng có gia đình riêng, chỉ mỗi mình tôi là độc thân. Ngày mai tôi cũng không phải đi làm nữa, tôi cố nán lại đợi xem kết quả ván cờ thế nào. Chú Thành về tôi cũng không còn hứng chơi nữa, vì nếu tôi thắng một trong hai người đang chơi dở kia thì cũng chưa phải là người chiến thắng trong đêm cuối năm này.
Tôi và anh Lâm cố gắng tập trung mách nước, nhìn bên nào sơ hở để mách cho bên kia. Nhưng thật trớ trêu, bây giờ mỗi lần mách nước lại thành một lần cãi nhau, trình bày là đi thế này, sẽ bị thế kia. Cãi nhau đến mức thò cả tay vào bàn đi thử năm ba nước rồi lại xếp lại như lúc dang dở. Càng sốt ruột mách nước thì càng thành tranh luận khiến ván cờ lâu hơn.
Cả hai người chơi đi những nước khiến tôi và anh Lâm ngồi ngoài ức hộc máu, những nước cờ như trêu ngươi với thời gian.
Điên cả rồi, đã 12 giờ đêm, cái lạnh ngấm khiến ai cũng run bần bật. Chỉ là ván cờ không có ăn giải gì mà kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ, cả lũ dầm mình trong sương lanh đêm đông. Tôi đứng dậy vươn vai, chả biết là lần thứ bao nhiêu tôi đứng dậy như thế. Anh Lâm bảo đi kiếm cốc nước chè nóng. Tôi bảo ban nãy anh mua bánh mỳ cả nước khoáng rồi, lần này để tôi đi. Tôi đi tận ra ga Hàng Cỏ mang theo cái vỏ chai nước khoáng, mua được một chai nước trà đặc về, xé ngang mấy cái vỏ chai còn lại lấy phần đít làm cốc, nhấp nháp uống.
1 giờ sáng ngày 28. Tôi giật mình nghe tiếng ông bán kết quả sổ xố thúc Cao Bằng.
– Nào đi đi chứ.
Tôi mở mắt, thấy Cao Bằng cũng vừa ngẩng đầu dụi mắt, thì ra hắn cũng ngủ ngồi. Anh Lâm đã nằm trên cái yên xe máy, đầu về phía đuôi, chân gác lên ghi đông xe ngủ ngon lành. Mặc mưa phùn rắc lâm thâm, hình như từ lúc mưa phùn xuống trời lại ấm hơn, hết gió lạnh.
Tôi quyết định đi về, anh Lâm nài nỉ ở lại. Nhưng tôi quyết về, anh cũng bảo thôi tao cũng về.
Khi chúng tôi phi xe từ vườn hoa xuống đường nhựa, ngoảnh lại hai người chơi vẫn cắm đầu vào bàn cờ.
Chiều hôm sau đi qua vườn hoa, tôi giật mình nhác thấy hai người vẫn ngồi. Tôi vội vòng xe lại để xem, hoá ra họ đang chơi ván mới. Tôi hỏi kết quả ván hôm qua họ bảo hoà.
Tôi ngồi xem một lúc , nhớ ra phải đi lấy gà cho mẹ. Ngoài đường người nhộn nhịp, xe thồ chở hoa, bình gốm, hàng Tết nhộn nhịp. Tôi tự hỏi hai con người ngồi biệt lập ở vườn hoa kia họ chơi đến bao giờ nhỉ.? Sao họ không về lo Tết nhất ở nhà?
Hỏi đến câu đấy, tôi chợt nhận ra rằng. Họ chẳng có nhà để về, hoặc nhà của họ xa lắm, họ không có tiền về, hay ở quê nhà họ cũng không còn người thân. Cả một năm trời hầu như ngày nào cũng gặp họ, những ván cờ cuốn hút làm tôi không để ý gì khác.
Bây giờ thì tôi biết lý do mà ván cờ đêm trước của họ kéo dài bất tận như vậy.
Top of Form
Nguồn: Bottom of Form
https://www.facebook.com/notes/1032231553468732/