Đặng Văn Sinh
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Giống như “Quán thủy thần”, “Dành dành cánh kép” hay “Hoa gạo đáy hồ”, “Bồ kết về đồng”* cũng là một truyện ngắn có cấu trúc nhiều lớp văn bản được định vị trong những không gian khác nhau nhưng lại luôn hiển thị nhờ thủ pháp đồng hiện. Nói cách khác, cả thời gian và không gian của “Bồ kết về đồng” đều không còn là những giá trị định tính có thể đo đếm được bằng định lượng. Nó đã huyền thoại hóa để tương thích với diễn ngôn mới lạ mang đậm phong cách Nguyễn Hải Yến mà thực ra rất khó “kể” lại theo trình tự thời gian. Bởi lẽ, cốt truyện chỉ là một phần nhỏ trong cấu trúc văn bản. Cái làm nên diện mạo tác phẩm là một tổng thể nghệ thuật được xử lý tối ưu trong đó bao hàm cả nghệ thuật ngôn từ.
Nguyễn Hải Yến có kinh nghiệm sử dụng huyền thoại tạo nên những mạch chìm giải thích bằng hình tượng giữa hai thế giới âm dương. Đây là mối quan hệ mang tính giả định, thậm chí ước lệ nhưng lại phù hợp với tập quán văn hóa người Việt từ cả ngàn năm nay. Vì vậy, hệ thống nhân vật của Nguyễn Hải Yến nói chung và “Bồ kết về đồng”, nói riêng, luôn xuất hiện các hồn ma, được miêu tả khá kỹ lưỡng với đầy đủ diện mạo, đường nét, góc cạnh như một sinh thể, nhưng lại không phải là ma. Nói một cách chính xác. Đó là hình ảnh do chính con người tạo ra bằng các biện pháp nghệ thuật bởi khát vọng muốn vươn đến cái cái đẹp và cái cao cả…
Tôi cho rằng, thế giới nghệ thuật trong “Bồ kết về đồng” rất có thể đã vượt khỏi tầm kiểm soát của tác giả ngay từ khi chưa đến với công chúng bạn đọc. Bởi lẽ, trong trạng thái nhập đồng, ai dám bảo, Nguyễn Hải Yến không phải là cô bé, người kể chuyện đã vô tình hóa thân vào những chúng sinh đã thành vong sống vật vờ dưới âm tào địa phủ.
Một trong những nét đặc trưng của “Bồ kết về đồng” là không gian huyền thoại tĩnh chuyển hóa thành động. Từ đó ta có thể xem ngôi nhà cuối bãi đất hoang do chú Thụ làm sau khi giải ngũ là không gian gốc, không gian cố định, nơi phát sinh hầu hết những chi tiết, tình tiết làm nên diện mạo câu chuyện. Không gian thứ hai là không gian chiến tranh, vùng biên giới Vị Xuyên, cửa khẩu Thanh Thủy, nơi đặt trạm phẫu tiền phương có sự tham gia của chú Thụ và cô Mẩy. Còn không gian thứ ba, gò Mả Giặc có ngôi miếu thờ những chiến binh Hàng Xứ trận vong, cư dân địa phương xa lánh vì bị coi là một vùng đất nghịch. Ba vùng không gian này tương ứng với ba văn bản truyện được tác giả kể đan xen vào nhau giống như kỹ xảo chồng mờ của loại hình điện ảnh tạo nên một phức hợp ngôn từ, hình ảnh, diễn biến tâm lý mờ ảo, mông lung khiến người đọc như bị lạc vào mê hồn trận.
Nguyễn Hải Yến rất ý thức trong cấu trúc văn bản. Truyện của chị hoàn toàn không có chi tiết hay câu chữ thừa. Mỗi câu văn đều đảm nhiệm một chức năng nào đó trong quá trình chuyển tải thông điệp nghệ thuật. Một văn bản nghệ thuật luôn có nhiều cách đọc. Điều cần thiết là, người tiếp nhận phải tìm ra cách đọc tốt nhất và hợp lý nhất mới có thể giải mã được tác phẩm qua những ký hiệu bằng ngôn từ.
Công bằng mà nói, loạt truyện viết theo phong cách huyền thoại của Nguyễn Hải Yến không dễ tiếp cận. Đó là cả một thế giới mông lung, huyền ảo, đã là đêm vắng lãng đãng khói sương lại lập lòe ánh lửa ma trơi khiến người yếu bóng vía thần hồn nát thần tính, khó nhận diện được đâu là chân, đâu là giả. Chẳng những thế, tác giả lại hết sức tiết kiệm vốn từ, tỉnh lược đến mức tối đa, khiến cho không ít đoạn văn, câu văn biến thành “mật ngữ”. Cho nên, đọc “Bồ kết về đồng” chẳng những phải giải mã bí mật truyện ngắn này mà ta còn phải “giải mã” Nguyễn Hải Yến với tư cách tác giả – phù thủy ngôn từ…
Câu chuyện mở ra bằng hình ảnh nồi nước bồ kết gội đầu của hai bà cháu và kết thúc cũng bằng cái áng than củi thơm hương bồ kết nhân sự kiện những người Hàng Xứ đón được cô Mẩy về nhà. Tuy nhiên, có sự tương ứng về hình thức nhưng nội dung lại khác nhau. Cuộc sum họp ở phần kết thúc thiên truyện lại là đêm hội ngộ giữa những người của hai cõi âm dương: bà mẹ, cô Mẩy và 51 vong hồn chiến binh lạc xứ với chú Thụ và cô bé trong khu vườn giáp gò Mả Giặc. Như vậy, hương bồ kết ở đây được xem như chất liệu vừa hiện thực vừa huyền ảo làm phương tiện giao tiếp giữa hai thế giới. Cây bồ kết mọc lên một cách hữu tình bên cạnh ngôi đền liệt sĩ nơi trạm phẫu tiền phương được chú Thụ bứng về trồng trên gò Mả Giặc cũng là một hiện tượng lạ. Đó chính là biểu tượng của tinh thần nhân văn, nhân bản như một hành động hóa giải mọi hận thù.
Các văn bản của thiên truyện được tác giả “kể” tuy đều xoay quanh hình ảnh bồ kết nhưng không phát triển theo trình tự thời gian vật lý mà chỉ xuất hiện như những lát cắt đan cài vào nhau theo diễn biến của trạng thái tâm lý, một trạng thái dễ hòa nhập vào thế giới siêu hình, tưởng tượng, rất có thể không tồn tại như một vật thể hữu hình nhưng lại là niềm xác tín của con người.
Văn bản thứ nhất là ngôi nhà cuối bãi đất hoang, nơi hai bà cháu cô bé thường sang quét dọn và đốt lá khô mỗi dịp cuối năm khi chú Thụ khăn gói lên đường đi tìm người. Phải nói ngay, đây là một không gian âm u, đặc trưng mùi liêu trai, nơi chỉ có những hồn phách vật vờ. Cùng với quang cảnh thấm đẫm tinh thần huyền thoại, ngôn ngữ truyện thông qua lời kể dè dặt của bà cụ được cô bé dẫn ra càng làm cho câu chuyện trở nên bí hiểm: Bà bảo đồng đất mình trông hiền thế này nhưng ngày xưa từng là bãi chiến trường. Cái ngày loạn lạc hai nước giao tranh, bên kia thua to, có một bại tướng dẫn tàn quân qua đây, vấp phải mai phục của ta, bỏ xác lại hết, thây chết thành gò nên mới có tên là gò Mả Giặc. Từ bấy, đêm nào cũng nghe tiếng vó ngựa, tiếng binh khí, tiếng khóc… Đủ các thứ tiếng nhưng tịnh không bao giờ nghe thấy tiếng cười. Sau này yên hàn, nguôi ngoai chuyện cũ, dân làng bảo nhau lập cái miếu cho hồn lạc xứ có chốn nương thân… Nếu khảo sát đoạn văn, ta sẽ thấy, đây đúng là ngôn ngữ của người già cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng đã được chuẩn hóa bằng lớp từ nhuốm màu thời đại: “loạn lạc”, “yên hàn”, “vó ngựa”, “hồn lạc xứ”…
Một đặc điểm nữa là lời kể của bà cụ luôn lấp lửng, đứt nối bổ sung vào những lát cắt làm cho câu chuyện không còn là cá biệt, đơn nhất mà trở thành hiện tượng mang tính lịch sử. Bởi lẽ, sau mỗi cuộc chiến, trên đất nước này, có biết bao nhiêu thân phận như chú Thụ, lang thang khắp mọi nẻo đường tìm lại ký ức của mình. Cho nên, tác giả cố tình tạo ra những mẩu đối thoại rời rạc để người đọc suy ngẫm về cuộc thiên di vô vọng nhưng không thể không đi của người lính thời hậu chiến: Nhưng chú Thụ đi tìm ai bà có biết không? Bà không biết. Chỉ thấy bảo xa lắm… Tận mạn ngược kia… Đáy bể tìm kim con ạ.
Bản thân cô bé cũng là đứa trẻ mồ côi. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ mới rồi chuyển lên thành phố. Hoàn cảnh ấy gieo vào tâm hồn cô những mặc cảm về sự bất trắc của số mệnh, sự mong manh của kiếp người. Cho nên, cả bà và cháu lúc này, mặc nhiên có cùng tâm thức. Mọi hoạt động của cô bé chỉ giới hạn trong khuôn viên ngôi nhà nhưng tầm ảnh hưởng của nó lại bao quát cả ba vùng không gian. Chẳng hạn như: Ngồi ở đây, giữa vườn cây này, mỗi âm thanh dẫu mơ hồ tôi đều nghe thấy rõ. Như đã có lần nghe thấy tiếng bước chân người về xin áo giấy trong đêm… Từ đó người đọc có thể nhận biết, bà cụ, chú Thụ và cô Mẩy là những người bị cuốn vào cơn bão táp thời đại, thuộc về lịch sử, còn cô bé chính là người gọi lịch sử về và nhận diện nó qua lăng kính tâm hồn mình.
Nhân vật chính của câu chuyện nằm ở văn bản thứ hai là chú Thụ và cô y tá người H’Mông nhưng lại chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của bà mẹ và cô cháu gái. Nói “gián tiếp” là bởi cô Mẩy đã hy sinh cùng đồng đội trong trận pháo Trung Quốc hủy diệt trạm phẫu tiền phương, hồn vía phiêu bạt, không biết đường về. Mấy chục năm chú Thụ đi tìm người yêu cũng chỉ bằng ký ức, một ký ức đã bị tổn thương, biến dạng. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng có vẻ như người thương binh ấy vẫn không thoát ra được khỏi những ám ảnh khủng khiếp của nó. Nó tàn phá mọi cơ chế tư duy người lính, đến nỗi, cứ sau mỗi cuộc hành trình tìm người trở về ngôi nhà vắng, tâm hồn chú Thụ dường như lại suy sụp hơn trước.
Nên nhớ rằng, qua ngòi bút với sự tiết chế ngôn từ tối đa của tác giả, nhân vật chú Thụ chỉ hiện diện như một phác thảo, vài nét ký họa thoáng qua nhưng để lại ấn tượng rất mạnh bởi nội lực tiềm sinh cấu thành mạch truyện trên nền tảng huyền thoại. Vì thế, chú Thụ gần như không còn là nhân vật được hình thành từ ngôn ngữ văn chương mà là kết quả của những câu chuyện đứt nối, những dòng hồi ức lúc đậm lúc nhạt trong bầu không gian thoang thoảng mùi bồ kết, luôn gợi cho người ta những liên tưởng, kể cả những liên tưởng về một cảnh giới siêu hình nhưng với lòng kính ngưỡng.
Cô Mẩy cũng thuộc về không gian thứ hai và chỉ tồn tại trong văn bản như một sinh linh hồn xiêu phách tán không tìm được đường về. Chính vì hình ảnh của cô luôn ám ảnh ký ức người còn sống nên mới xuất hiện huyền thoại phần đời còn lại, năm nào anh thương binh cũng dành mấy tháng liền, khăn gói gió đưa làm cuộc thiên di lên Ải Bắc tìm cố nhân. Chi tiết chú Thụ cầm nhánh bồ kết khô chải tóc cho cô Mẩy ngay trên miệng hố bom nơi trạm phẫu vừa bị đạn pháo cày xới như một tia hồi quang buổi hoàng hôn u ám làm dịu đi nỗi khủng khiếp của trò chơi súng đạn nhưng cũng lại gia tăng thêm sự huyền bí của mạch truyện. Với nhân vật Mẩy, người đọc còn xót xa, thương cảm về sự trẻ trung, hồn nhiên khi cô cất lên điệp khúc Mưa chiều dừng chân anh ơi. Kìa mưa tràn đỉnh đồi… Một điệp khúc lai láng trữ tình mà người con gái Hà Giang ca lên, khiến cho ngay cả khi cô đã về với cát bụi, người đời vẫn còn thoảng thấy dư âm. Cũng như nhân vật chú Thụ, cô Mẩy được miêu tả dưới dạng tự sự rất ít nhưng cả bà cụ và cô cháu gái, cũng như người đọc đều có cảm giác một nữ y tá chiến trường H’Mông bằng xương bằng thịt đang hiện diện trước mắt, chiếc váy xòe đung đưa, vừa xoay tròn chiếc ô như kính vạn hoa vừa thả vào gió xuân những thanh âm dìu dặt của làn điệu dân ca Gầu Plềnh: Xa vời rừng ban anh ơi, nở trắng ngàn đỉnh đồi…
Giữa chú Thụ và cô Mẩy, đương nhiên là có thần giao cách cảm qua tín hiệu con tim ở vào phút giây tử biệt sinh ly:… ngồi giữa vườn cây một chiều đầy gió, giữa đám nắng xôn xao nhảy trên nền đất vườn mùa này ráo như thềm gạch…, chú vẫn nhìn thấy cô… dưới thung lũng, khuất sau gốc lim cổ thụ của trạm phẫu tiền phương 356 trên đất Thanh Thủy đấy! Cô Mẩy bé nhỏ, mặt tròn, tóc dài búi cao, váy áo Mông còn nguyên vết máu… Thế nhưng, điều lạ là, ngay cả cô bé cũng nhận ra cảnh tượng ấy. Có thể đặc trưng huyền thoại đã làm nảy sinh những liên tưởng như một thủ pháp nghệ thuật đã dẫn đến những câu hỏi mơ hồ: Khổ thân,! Chẳng biết chuyến này có thấy hay lại vẫn chim trời cá nước…? Con nhìn thấy chưa? và Con có nghe thấy tiếng gì không? Tương ứng với ba câu hỏi là ba câu trả lời. Với bà thì cô bảo: Thấy bà ạ! Sớm muộn cô ấy cũng về. Con chuẩn bị sẵn quà rồi cơ. Còn với chú Thụ, cô bé chưa từng phải nếm trải mùi vị chiến tranh, lại đầy vẻ tự tin: Tất nhiên là tôi nhìn thấy, và Tất nhiên là tôi nghe thấy. Hiện tượng kỳ lạ này có thể xem như một trạng thái tâm lý trong thời khắc cô bé trầm tư bất chợt xuất hiện khả năng ngoại cảm nghe thấy, nhìn thấy những gì đã diễn ra không chỉ quá khứ mà còn cả ở tương lai.
Đến đây, người đọc tinh ý sẽ nhận ra, cô bé không phải là trường hợp cá biệt của “Bồ kết về đồng”. Đọc truyện ngắn Nguyễn Hải Yến, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những phiên bản tương tự như cô bé mõ cá trong “Quán thủy thần”, cô bé chơi ô ăn quan trong “Cây mẫu đơn hoa trắng” hay cô bé ngủ gối đầu lên ánh trăng trong “Dành dành cánh kép”. Đặc điểm của những nhân vật nửa thực nửa hư này là có tư duy thấu thị đến cả ba cõi, cùng một lúc đảm nhiệm nhiều vai diễn, vừa là người dẫn chuyện, vừa là nhân vật của truyện, thậm chí có thể còn hóa thân chuyển kiếp… Các “cô bé” có vai trò cực kỳ quan trọng trong mạch truyện bởi đó chính là trung tâm điều phối tạo ra mối liên kết đa chiều giữa các nhân vật, là người dẫn dắt các chi tiết, tình tiết, đồng thời cũng thực hiện các thao tác bình luận trữ tình ngoại đề như một thứ ngôn ngữ giao tiếp với hồn ma làm cho không khí câu chuyện càng trở nên mông lung, huyền ảo.
Không gian thứ ba lại rất gần với không gian thứ nhất. Đó là gò Mả Giặc và ngôi miếu Hàng Xứ. Lai lịch ngôi miếu và những chiến binh phương Bắc trận vong vào ngày mồng 5 tháng Giêng đã được bà cụ kể lại, điều quan trong là, từ một dã sử ấy, tác giả gắn với sự kiện chiến tranh biên giới, nơi trạm phẫu tiền phương bị pháo kích và mối tình chia hai nửa âm dương của chú Thụ và cô Mẩy. Xét từ góc độ văn hóa, cách ứng xử của người Việt với những kẻ xâm lược tử trận đều xuất phát từ giá trị truyền thống. Trên tinh thần mọi chúng sinh đều bình đẳng sau khi nhắm mắt xuôi tay giã từ cõi thế của nhà Phật, cộng đồng dân cư lập miếu thờ còn bà cháu cô bé sắm lễ vật cúng bái và đốt cho mỗi “hồn lạc xứ” một manh áo giấy.
Vốn có sở trường về “thế giới bên kia”, Nguyễn Hải Yến viết về cảnh “người Hàng Xứ” lặng lẽ kéo nhau từ gò đống về ngôi nhà hẻo lánh của hai bà cháu với những bước chân ngập ngừng, thoắt ẩn thoắt hiện làm không ít người đọc lạnh sống lưng: Có tiếng gió trở mình trên tán lá. Âm thanh lúc có lúc không gần lại dần. Rồi bất chợt tôi nghe tiếng bước chân rất nhẹ, rụt rè qua sân rồi dừng lại, không dám dấn thêm bước nữa lên thềm (…),Lửa trong ảng bùng lên thành ngọn. Hương bồ kết quấn quýt cuộn lên theo. Bước chân lên hẳn thềm. Chân trần giẫm trên nền đất. Cửa hé dần theo tiếng kẹt dài. Một người đàn ông tôi chưa quen mặt, tóc bù xù dài xuống tận ngang lưng, rậm như rừng bước vào từ bóng tối… Điều hơi lạ là, các âm hồn thường rất kỵ mùi bồ kết cháy trên than hồng, vậy mà, đám vong viễn xứ lại coi là tín hiệu thân thiện cho cuộc gặp mặt hy hữu với hai bà cháu để rồi lặng lẽ chia nhau đi tìm người con gái H’Mông. Cũng vẫn với mạch văn huyền hoặc, ý tứ mù mờ, nhưng tiểu cảnh đối thoại của hai bà cháu ở phần cuối thiên truyện đã có phần nhẹ nhõm: Chú Thụ gật đầu, lặng im thả chùm bồ kết đầu tiên vào lửa. Khói lên… Gió ngừng… Mơ hồ xa tận ngoài kia tôi nghe tiếng cửa vườn khẽ mở. Tiếng bước chân trên đường rêu…
Có người về bà ạ!
Một người hay nhiều người? Bước lạ hay bước quen?
Bước quen… Là các ngài Hàng Xứ. Họ đi đâu suốt từ đầu tháng bây giờ mới quay lại… Bà có biết không? Bà không biết nhưng con nhớ xem hôm cúng mở cửa ngục, các ngài xin thêm đồ lễ. Chỉ sợ thiếu gì thì tội (…).Đủ rồi bà ạ…
Cuối cùng, Các ngài Hàng Xứ cũng tìm được cô Mẩy. Họ sắm vai nhà gái đưa cô dâu từ chốn thâm u nào đấy về ngôi nhà gần gò Mả Giặc với giọng đồng ca vui vẻ hoàn toàn không phải của người đã chết từ mấy trăm năm trước: Lễ vật đủ đầy. Dâu rước về đây. Xin nhà trai ra đón…
Đến đây, ngỡ như câu chuyện sẽ khép lại bởi chú Thụ và hai bà cháu đã đón được người con gái đẹp của xứ sở Cao nguyên đá “như ức con đại bàng núi đang chắn phong ba”. Nhưng không hẳn vậy. Nguyễn Hải Yến vẫn còn dành lại cho bạn đọc một tình huống bất ngờ mà nếu không đọc kỹ khó có thể nhận ra. Ấy là nhà trai đón dâu chỉ có hai người. Bà mẹ chú Thụ đã qua đời. Đoạn đối thoại giữa hai bà cháu thực ra cũng chỉ là độc thoại. Và đây, một câu văn lướt qua, nhẹ như làn gió thoảng nhưng lại là dấu hiệu cho thấy sự hòa hợp giữa hai vong hồn mẹ chồng và con dâu: Còn đi thành hàng, rất đều, trầm như tiếng đất là bước chân các ngài Hàng Xứ. Lửa lên đều soi cô Mẩy tóc dài như suối. Cô vẫn cười bảo u để con đỡ. Bậc hè này mới làm lại nên cao.
Như phần trên đã nói, “Bồ kết về đồng” là truyện khó đọc. Nó được viết trên cơ sở dữ liệu huyền thoại nhưng cách xử lý huyền thoại lại linh hoạt, uyển chuyển gần như chưa có tiền lệ. Thiên truyện với những áng văn tuyệt đẹp này cũng không thuộc về thị hiếu thẩm mỹ số đông. Nó là văn bản đơn nhất mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo, trong đó bao hàm cả những hằng số dân tộc, đức tính bao dung và bài học lịch sử bang giao bắt nguồn từ kinh nghiệm dân gian của hai bà cháu cô bé với những ngài Hàng Xứ cũng như mạch nguồn nhân văn âm thầm chảy trong kí ức của cả dân tộc suốt mấy nghìn năm.
Chí Linh, ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, năm Canh Tý
Đ.V.S.
* “Bồ kết về đồng”, truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến, tạp chí “Nhà văn & Tác phẩm” số 39 (tháng 1-2/2020), tr. 85.