Về tiểu sử Thế Lữ (kỳ 3)

Vu Gia

Trở lại việc của Thế Lữ. Người xưa cũng đã tổng kết: “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”. Thế Lữ lại là người bình thường như bao người bình thường khác nên cũng không thiếu người thông cảm, song những người trong xứ đạo của ông chắc chẳng ai đồng tình. Và người buồn nhất khi biết chuyện chắc là người mẹ đã cố công đánh tháo ông từ Lạng Sơn về Hải Phòng và xem ông như là một thứ lễ quý báu nhất mà bà có được để hiến dâng cho Chúa với hy vọng chuộc lại phần nào lỗi lầm của bà đã lấy cha ông là người ngoại đạo; bên cạnh đó là người vợ có cưới xin hợp pháp, một lòng một dạ với chồng.

Lúc hai người quyết định chung sống như vợ chồng, thì chắc người vợ của Thế Lữ ở Hải Phòng đời nào chịu để yên. Ớt nào mà ớt không cay/ Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng/ Vôi nào mà lại chẳng nồng/ Gái nào là gái có chồng không ghen. Có phải vì vậy mà cặp tình nhân Thế Lữ – Song Kim phải dời chỗ ở liên tục, khi thì ở gần Ngã Tư Sở, khi ở ngoài đê Yên Phụ, khi thì ở trọ nhà của Thạch Lam, khi thì dời về trại Doi làng Sét, khi thì ở trên Láng gần nhà Tú Mỡ?… Đây là ước đoán theo thói thường mà tôi biết. Nhưng khi đọc Hồi ký văn học của Anh Thơ càng thấy ước đoán của tôi là đúng. Lúc ra đời làm báo, Anh Thơ đi phỏng vấn một số vợ nhà văn, nhà thơ. Sau khi phỏng vấn vợ Khái Hưng và vợ Nhất Linh, Anh Thơ viết: “Những văn sĩ của Tự lực văn đoàn còn có Tú Mỡ và Thế Lữ (vì Thạch Lam không bằng lòng cho tôi phỏng vấn vợ, Hoàng Đạo thì còn độc thân). Thế Lữ thì luôn luôn thay đổi chỗ ở, tôi chưa tìm được nhà”.[1] Anh Thơ viết tiếp: “Dư luận Hà Nội đang sôi nổi bàn tán, nhất là về Song Kim. Vì Song Kim là một cô giáo (mặc dầu là cô giáo dạy tư) phải nêu gương đạo đức, không nên lấy chồng người; nhất là không nên bỏ một nghề cao quý, mà đi vào trò xướng ca, v.v. đấy là những lời bàn tán của mấy bà cũ kỹ. Còn đối với phái trẻ, thì câu chuyện Thế Lữ, Song Kim lại rất hấp dẫn”.[2] Khi Anh Thơ gặp được đôi uyên ương Thế Lữ – Song Kim, Song Kim nói: “- Anh Thơ tìm nhà mình vất vả lắm, phải không? Chúng mình cứ phải thay đổi chỗ ở luôn, vì không muốn để vợ anh ấy biết…”.[3]

Lúc này, “Hàng tuần Thế Lữ ở trụ sở bốn ngày làm việc cho báo, còn ba ngày xuống “trang trại” mở rộng cửa đón các bạn đến bàn chuyện văn thơ, chuyện nghệ thuật, nhất là chuyện sân khấu”.[4] Cuộc sống của họ, dựa vào tiền nhuận bút, tiền lương hằng tháng của báo Ngày nay và tiền lãi từ nhà xuất bản, nhà in Đời nay. Khi rời nhà Thạch Lam về ở trên đường Láng, Song Kim cho biết: “Chúng tôi bắt đầu sống một quãng đời hết sức nhàn dật (tôi đã thôi nghề dạy học từ khi làm bạn với Thế Lữ) cố dẹp yên mọi băn khoăn đối với thời cuộc chộn rộn ngày đó, để hoàn toàn yên hưởng sự thảnh thơi”.[5]

Nhưng thảnh thơi thế nào được khi thời cuộc có sự đổi thay. Báo Ngày nay bị đóng cửa, đồng nghĩa với việc Thế Lữ thất nghiệp không còn tiền nhuận bút, không còn được hưởng lương hằng tháng từ tờ báo mà ông là một trong những người trụ cột, và cũng không thể kêu gọi sự viện trợ của gia đình từ Hải Phòng. Nhìn đôi bạn Thế Lữ – Song Kim, nhiều anh em văn nghệ sĩ “phục lăn” và không ngần ngại tặng cho họ “cái danh hiệu “đôi bạn tiên”. Tú Mỡ châm biếm một cách thân ái: không phải tiên như mọi vị tiên thông thường mà là: “đôi bạn tiên khồng” để nói lên cái cảnh luôn luôn hết tiền của chúng tôi!”.[6] Tiên khồng nói lái là không tiền. “Đôi bạn tiên khồng” tức là “đôi bạn không tiền”.

Trên báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, Phạm Văn Đôn nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên gặp Thế Lữ: “Hồi đó, anh ở ngoài đê Yên Phụ, con đường nhỏ dẫn vào xóm anh ở, hai bên là hồ nước mênh mông, nổi lên một xóm nghèo, hầu hết là mái lá lụp xụp, xen vào một vài căn nhà ngói nhỏ nhoi.

… Bước vào nhà, tôi thực sự ngỡ ngàng vì ai ngờ một nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu nổi danh như thế lại phải sống trong xóm nghèo, chật hẹp như vậy”.[7] Chắc tác giả bài báo lần đầu tiên mới tiếp cận được văn nghệ sĩ, chứ nếu quen biết một số người thì Phạm Văn Đôn chẳng lấy chi làm lạ. Lớp đàn anh của Thế Lữ như Tú Xương, Tản Đà đã không ít lần“Van nợ lắm khi tràn nước mắt/ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, hoặc “Người ta hơn tớ cái phong lưu/ Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo”… Cùng thời với Thế Lữ, Vũ Trọng Phụng chết trong đói nghèo; Lan Khai dù học hành đến nơi đến chốn, là niềm hy vọng của gia đình nhưng thích theo đuổi nghề viết văn nên khi nhìn lại… “cha mẹ già của tôi cũng đã lây đói rét vì tôi. Hơn nữa, mẹ tôi đã chết vì thiếu cơm, thuốc uống, và có lẽ khi xuống suối vàng, còn đem theo cái sầu tủi vì nỗi cô độc một thằng con lại chẳng làm nên nghề ngỗng gì!”[8]. Trong một bài thơ viết gửi Trương Tửu, Nguyễn Vỹ đã không ngần ngại hạ bút: “Nhà văn An Nam khổ như chó!”, v.v… Vả lại, hoàn cảnh “rày đây mai đó” của Thế Lữ – Song Kim như thế thì làm sao đòi hỏi hơn được.

Phạm Văn Đôn viết tiếp: “Trong hoàn cảnh của Thế Lữ và Song Kim lúc ấy, nghĩ đến việc thành lập một ban kịch chuyên nghiệp thì tưởng như một chuyện viễn vông, song anh vẫn kiên trì theo đuổi chí hướng ấy. Anh gần như không để ý gì về cuộc sống vật chất của bản thân và gia đình. Hầu như anh chỉ để tâm vào viết, hoạt động sân khấu và nuôi ước mơ về nghệ thuật. Có thể nói người nội trợ đảm đang, vất vả lúc đó là Song Kim. Chị đã chạy vạy từng bữa ăn đạm bạc, từng thang thuốc lúc anh đau yếu. Chị cũng đã phải nhiều lần lui tới các nhà xuất bản để chạy chút tiền tạm ứng bản quyền còm cõi cho những tác phẩm anh chưa hoàn thành”.[9]

Chuyện nghe cũng xúc động lắm, nhưng theo tôi thì… không đúng.

Song Kim đến với Thế Lữ vì sự tài hoa của Thế Lữ, vì “ánh hào quang” đang bao trùm lên người Thế Lữ, và để được làm diễn viên trên sân khấu, chứ không phải đến với Thế Lữ vì có bộ mã đẹp trai, hay vì quyền vì lợi như bao cô gái cùng thời. Trong cuộc phỏng vấn, Anh Thơ ghi: “- Chị yêu anh Thế Lữ vì thơ hay vì kịch?

– Mình yêu anh ấy cả vì thơ lẫn vì kịch. Nhưng không phải chỉ yêu riêng Thế Lữ vì tài năng đâu, mà mình còn yêu con người kịch sĩ lại có tâm hồn thơ, và một trái tim trẻ, sôi nổi (mặc dầu anh ấy đã năm con [sic]), nhiệt tình với cuộc sống…

– Nhưng riêng chị, chị có làm thơ không? Hay chị chỉ diễn kịch?

– Mình rất yêu thơ nhưng không có tài làm được thơ, mình chỉ diễn kịch. Được một đạo diễn có tài nâng đỡ, mình rất hạnh phúc vì mỗi ngày mình cảm thấy tài năng mỗi phát triển lên. Điều đó khiến mình quên hết mọi chuyện”.[10]

Do vậy, trong lúc báo Ngày nay bị đình bản và đã ra khỏi Ban kịch Tinh hoa, Thế Lữ không nghĩ đến việc thành lập ban kịch thì còn nghĩ điều gì khác để níu kéo tình yêu của Song Kim? Việc Thế Lữ “gần như không để ý đến cuộc sống vật chất của bản thân và gia đình”[11] là chuyện dễ hiểu, bởi từ nhỏ đến lớn Thế Lữ có biết làm gì đâu ngoài việc ăn học, lấy vợ sinh con. Đau thì về mẹ lo, cần gì thì về xin mẹ, thậm chí vợ con ông ở Hải Phòng cũng không rời bàn tay chăm sóc của mẹ. Lần đầu tiên trong đời nhận được mấy chục đồng nhuận bút, Thế Lữ cũng vội về đưa tiền cho mẹ, dù lúc đó đã có vợ có con. Và cũng như bao bà mẹ thương con khác, mẹ ông đi khoe khắp xóm, khắp họ hàng coi như thằng con của bà đã thành nhân, đã biết lao động kiếm tiền về giúp mẹ, giúp gia đình. Cầm số tiền lao động của con, bà đi mua cho con chiếc xe đạp tốt nhất lúc bấy giờ để con làm phương tiện đi lại, để cho con khỏi bị mặc cảm vì thua sút bạn bè (nếu có). Ngày chưa gặp Song Kim, Thế Lữ làm báo Phong hóa và thường về thăm gia đình với “Áo sơ mi lụa vẫn y nguyên nếp là, cà vạt bóng nuốt. Bộ tờ-rô-pi-can màu nhạt tuy hơi cũ nhưng rất trang nhã, rất hợp với khổ người xương xương của anh”.[12] Cậu học trò mười ba, mười bốn tuổi Nguyễn Đình Thi một lần ra ga xe lửa lên Hà Nội “bỗng thấy nhà thơ lững thững đi tới, không mang theo hành lý gì, dáng người mảnh khảnh trong bộ âu phục mùa hè màu sáng”[13]… Do vậy, Song Kim “chạy vạy từng bữa ăn đạm bạc, từng thang thuốc lúc anh đau yếu” là điều dĩ nhiên. Nếu Song Kim làm ngược lại thì chắc chắn cuộc tình duyên ấy đã sớm… tan hàng và trên sân khấu kịch nói Việt Nam sẽ không có Nghệ sĩ nhân dân Song Kim, và cũng chưa chắc có Nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Thế Lữ là thành viên nòng cốt của Tự lực văn đoàn thì làm gì có chuyện đưa tác phẩm đến các nhà xuất bản khác, khiến Song Kim “đã phải nhiều lần lui tới các nhà xuất bản để chạy chút tiền tạm ứng bản quyền còm cõi cho những tác phẩm anh chưa hoàn thành”. Viết vậy là chẳng hiểu gì về Thế Lữ, không biết gì về công việc của Tự lực văn đoàn. Về giai đoạn ấy, Song Kim kể: “Báo Ngày nay không được ra lại nữa, nhưng Nhà xuất bản Đời nay tăng cường việc kinh doanh, đồng lương tháng của Thế Lữ tuy ít ỏi nhưng cũng đỡ cho chúng tôi lúc này”.[14]

Những ngày ấy, nhiều bạn bè đến chơi bàn chuyện thơ văn và sân khấu. Trong số bạn đó, có Phạm Văn Khoa. Theo Song Kim, “Khoa không giấu giếm cái mê sân khấu của anh bằng những lời đơn sơ không úp mở. Anh ghét lối làm việc cẩu thả, vì thế anh rất yêu công việc của Thế Lữ mà anh đã chú ý theo dõi từ lâu. Anh thẳng thắn nói đến công việc của chúng tôi: làm kịch với mục đích đứng đắn và muốn cho được lâu dài không thể không có một tổ chức quy củ hẳn hoi. Lại cần phải họp vốn, cần tính việc kinh doanh, và muốn thế cần phải có sự quản lý đâu ra đấy.

Chúng tôi sung sướng gặp được bạn tâm giao. Khoa cũng sốt sắng tỏ ra cho biết anh không nề hà một khó khăn nào, nếu một ngày kia cùng làm việc.

Phạm Văn Đôn, Phạm Văn Khoa còn giới thiệu cho chúng tôi một người bạn mới nữa: Trịnh Như Lương rồi các bạn yêu sân khấu qua các anh chị giới thiệu đến tìm chúng tôi ngày một nhiều thêm… Thế Lữ nói:

– Xuống ở đây, đã tưởng để đọc sách ngâm thơ “tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao” không ngờ tiếng hạc, tiếng đàn ấy lại là tiếng sân khấu. Bạn tri âm đã đến! Cả ta và họ đều không muốn ở yên, chuẩn bị tinh thần để xông vào công việc nay mai thôi”.[15]

Không lâu sau đó, Ban kịch Thế Lữ ra đời. Nhưng Ban kịch Thế Lữ không thể tồn tại qua một mùa kịch. Và Thế Lữ – Song Kim trở về với cuộc sống của “đôi bạn tiên khồng”. Song Kim cho biết: “Tết năm ấy chúng tôi ăn tết suông. Cái trại doi bề thế um tùm, ngày Tết bỗng như vắng lặng hiu hắt. Bỗng có tiếng gọi ngoài cổng: Hai anh chị Nguyễn Tuân ngồi chung một cái xe kéo xuống, anh vẫn đàng hoàng lịch sự, tay xách một đôi bánh chưng, quà Tết của anh chị tặng chúng tôi”.[16] Rồi… có một kiến trúc sư có tài tháo vát lại muốn kinh doanh ngành sân khấu. Đó là kiến trúc sư Võ Đức Diên (cũng là diễn viên kịch nói). Hai bên sớm được thỏa thuận, về chuyên môn: Thế Lữ lo; về kinh doanh, giao tế…: Võ Đức Diên lo. Và ban kịch thống nhất đặt tên là Anh Vũ.

Đoàn kịch Anh Vũ lên đường với “Dự định sẽ đi dọc theo đường quốc lộ 1 diễn khắp các tỉnh đi qua, vào tuốt Sài Gòn, qua Nông Pênh rồi mới quay về”.[17] Khi đoàn đang diễn ở Thanh Hóa thì Cách mạng Tháng Tám thành công. Hòa cùng niềm vui với nhân dân, Thế Lữ bàn bạc cùng anh em trong đoàn thêm thắt một số cảnh vào vở diễn để phù hợp với khí thế cách mạng lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, đoàn còn soạn gấp các vở hoạt cảnh dựa vào những trang lịch sử oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc, như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám… và đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.

Đến Quy Nhơn, đoàn kịch Anh Vũ tiếp tục được sự đón tiếp nhiệt tình của khán giả, nhưng sau mấy đêm trình diễn, đoàn quyết định quay trở lại đất Bắc, không đi tiếp như dự định, vì chiến sự ở miền Nam ngày một lan rộng do thực dân Pháp muốn xâm lược đất nước ta lần nữa.

Trên đường trở về, đến địa phương nào, đoàn kịch Anh Vũ cũng tiếp tục trình diễn, nhưng diễn viên ngày một rơi rụng dần và đến Hà Nội vào giữa năm 1946. Song Kim cho biết: “Gánh Anh Vũ mỏng dần, đến sân ga Hà Nội trông đi trông lại chỉ thấy vợ chồng anh Văn Chung, anh Nguyễn Xuân Khoát, tôi, Thế Lữ, ông bầu Diên và vài em nhỏ diễn viên nữa.

Ông bầu đã hết trách nhiệm với mọi người và mọi người cũng không ai đòi hỏi gì ở ông, mặc dầu ai cũng hiểu là ông ta chẳng thua thiệt gì trong chuyến đi này”.[18]

Và đôi tình nhân Thế Lữ – Song Kim tiếp tục những tháng ngày khó khăn, “hàng tháng chỉ còn số trợ cấp ít ỏi của nhà xuất bản Đời nay để sống”.[19]

Thực dân Pháp tiếp tục gây hấn, chính quyền non trẻ của nước Việt Nam độc lập cương quyết bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Nhiều người xung phong vào tự vệ, tự tìm lấy vũ khí chiến đấu; nhiều người tản cư đến những vùng an toàn. Thế Lữ – Song Kim quyết định tản cư về Hòa Xá – Hà Đông, vì nơi ấy có người bạn (ông Nghiêm Ngữ – V.G) trước đây từng tham gia với Ban kịch Thế Lữ, nhưng cứ chần chừ mãi chưa đi được, vì họ chỉ là… “đôi bạn tiên khồng”. Rồi vận may chợt đến. “Một hôm xuống phố tình cờ tôi gặp một anh ở nhà xuất bản Đời nay. Anh mừng rỡ trao cho tôi món tiền 6.000 đồng (tiền thời đó). Đó là tiền bán những máy in của nhà xuất bản mà Thế Lữ có cổ phần”.[20] Thế Lữ – Song Kim tản cư về Hòa Xá.

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. “Thế Lữ cứ như con thoi từ Hòa Xá đi Vân Đình, từ Vân Đình về Hòa Xá bắt liên lạc với anh Bùi Huy Phồn.

Anh Phồn cho biết: có thư của Bộ Nội vụ triệu tập anh chị em văn nghệ sĩ lên căn cứ Việt Bắc. Thế Lữ bảo tôi chuẩn bị sẵn sàng có liên lạc đến là đi”.[21] Và… sau Tết nguyên đán (đầu 1947) liên lạc từ Việt Bắc về đón Thế Lữ – Song Kim lên Xuân Áng. Nơi đây, Thế Lữ – Song Kim gặp nhiều gia đình văn nghệ sĩ khác. Cuộc sống kháng chiến khá vất vả, nhưng ai cũng như nấy nên đối với Thế Lữ – Song Kim cũng thấy có phần hơn, vì từ cuối năm 1938 đến ngày tham gia kháng chiến, họ có khá giả gì hơn. “Bây giờ là giữa năm 1947, để kỷ niệm hai năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, chúng tôi “họp trại” bàn nhau tổ chức một tối kịch. Nhiều anh chị em tự giác, hoặc được lôi cuốn tham gia việc dựng vở: Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Khang, Tạ Mỹ Duật, Thanh Tịnh, chị Tăng Phú (vợ anh Phạm Văn Khoa) cả ông Phan Khôi cũng đều nói không từ chối nếu được phân vai, dù là vai rất phụ.

Tôi và Thế Lữ được tiếng là đã nhiều lần lên sân khấu, tất nhiên không thể thiếu mặt.

Thế Lữ bàn với anh Bùi Huy Phồn, viết ngay vở kịch ngắn một màn Tay người đàn bà […] Tiếp theo, chúng tôi lại tổ chức một tối kịch ở Thanh Cù vở Tay người đàn bà, vở Cụ đạo và Sư ông.

Thế Lữ đóng vai cha Phan, họa sĩ Nguyễn Khang vai cố đạo Phéc-năng, Thanh Tịnh vai thanh tra mật thám Pháp. Cứ thế nhóm kịch của chúng tôi lần lượt diễn khắp vùng Ấm Hạ, Ao Châu, Ấm Thượng. Tôi và chị Tăng Phú vai nữ tu sĩ.

Đốm lửa đầu tiên của kịch kháng chiến ở Việt Bắc đã được nhen lên từ đó”.[22]

Nói như Song Kim thì người đọc hôm nay cứ tưởng Bùi Huy Phồn là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa và Thế Lữ một lòng quyết theo cách mạng nên cứ “như con thoi từ Hòa Xá đi Vân Đình, từ Vân Đình về Hòa Xá bắt liên lạc với anh Bùi Huy Phồn”, và… Bùi Huy Phồn cho (hoặc đề xuất) liên lạc về đón vợ chồng Thế Lữ – Song Kim. Đúng là oai tứ phương! Nhưng sự thật thì không như thế.

Bùi Huy Phồn cho biết: “Một hôm, cuối tháng 2-1947, Như Phong, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng cùng về quê tôi; các anh thông báo cho tôi biết Trung ương mới thành lập Đoàn văn hóa kháng chiến Bắc bộ, và giao cho tôi nhiệm vụ xem trong vùng có anh em văn nghệ sĩ nào thì vận động họ chuyển cả gia đình lên chiến khu. Tôi xuống làng Hòa Xá, cách làng tôi 7 cây số, gặp vợ chồng anh Thế Lữ – Song Kim đã tản cư về đây từ ngày đầu kháng chiến. Chị Song Kim lúc đó đang tráng bánh cuốn bán. Rồi tôi lại đi Bồ Nâu (Thanh Oai) gặp vợ chồng kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật. Các anh chị hăng hái nhận lời và gia đình tôi vô hình chung trở thành cơ sở liên lạc cho một nhóm văn nghệ sĩ tản cư trong vùng. Khoảng giữa tháng 3-1947, Như Phong rủ tôi cùng mấy họa sĩ trẻ xuống một số nơi đang có chiến dịch ở thành phố Nam Định về thì tất cả mấy gia đình văn nghệ sĩ đã hẹn trước tập trung ở nhà tôi để chuẩn bị đi lên Việt Bắc. Người liên lạc đến đón chúng tôi lúc bấy giờ là anh Nguyễn Văn Mãi. Cả đoàn đi bộ theo đường Vân Đình – Ba Thá – Sơn Tây, rồi đi đò dọc đến thị xã Phú Thọ… Trong mấy tháng đầu, chúng tôi chưa liên lạc được rộng rãi với các cơ quan có nhu cầu về văn nghệ đóng ở Việt Bắc, nên thường sáng tác cho Sở Thông tin Khu 10.

Ở Khu 10, tôi viết truyện, làm thơ, đôi khi viết kịch. Anh Thế Lữ đã dựng được một ban kịch nghiệp dư mà diễn viên là chúng tôi… Vở kịch Tay người đàn bà của tôi, và vở Cụ đạo và sư ông của Thế Lữ được dựng đi dựng lại nhiều lần… Mùa thu 1947, tờ Đây Việt Bắc ra đời (Khu ủy Khu 10 ủy nhiệm cho tỉnh Phú Thọ). Ban biên tập gồm có các anh Vũ Thế Lĩnh (Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, chủ nhiệm báo), Tô Ngọc Vân, Thế Lữ, Thanh Tịnh và tôi (thư ký tòa soạn). Tờ báo ra mỗi tuần một kỳ, 4 trang, khổ rộng bằng nửa tờ Nhân dân hiện nay… Tờ Đây Việt Bắc ra được đến đầu năm 1948 thì đình bản. Cả Đoàn văn hóa kháng chiến Bắc bộ chúng tôi kéo về dự Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ II, tiếp luôn đến Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ I, họp ở Đào Giã, gần thị trấn Hạnh Cù nổi tiếng đông vui lúc bấy giờ”.[23]

Trên báo Văn nghệ Công an, Tường Duy có viết một chi tiết, “ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với Phạm Cao Củng, Thế Lữ đã được mời làm việc một thời gian cho Sở Công an Bắc kỳ”.[24] Chi tiết này, tôi lấy làm lạ, vì “ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công”, Thế Lữ cùng với Đoàn kịch Anh Vũ lưu diễn ở miền Trung đến giữa năm 1946 mới về tới Hà Nội, rồi tản cư về Hòa Xá – Hà Đông…, thì không thể phân thân làm việc cho Sở Công an Bắc kỳ. Vả lại, lý lịch còn lưu tại Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như chưa có tư liệu nào ghi chi tiết ấy. Có phải, chi tiết này được Tường Duy “diễn dịch” từ ý của Hoàng Minh Châu: “Có điều lý thú nữa, là do Thế Lữ viết nhiều truyện trinh thám hay, nên thời kháng chiến có cán bộ Bộ Nội vụ đã có ý mời ông sang ngành Công an làm việc! Tất nhiên là Thế Lữ từ chối – có lẽ theo ông thì làm “công an thực” khó hơn tưởng tượng ta “chuyện ly kỳ”… chăng?”.[25] Sở dĩ, tôi nói thế là vì trong bài viết trọn một trang báo, Tường Duy có thêm một lần “diễn dịch” như thế. Cụ thể, nhắc tới sự nghiêm túc trong công việc của Thế Lữ, Tường Duy có kể lại chuyện Tú Mỡ nhận một vai kịch, khi tổng dượt, ông thấy cái chân giò đạo cụ làm giống y như thật nên phì cười, khiến ai cũng cười làm cho Thế Lữ tức giận ra lệnh đóng màn, và… “Nhà thơ Tú Mỡ là người vào vai người nhận chiếc chân giò giả đã phải một phen ân hận, đứng thần ra. Thế Lữ cầm chiếc chân giò “đạo cụ” đay đả với Tú Mỡ. “Nhớ đây là chiếc chân giả nhé! Không việc gì mà cười nhé”. Được biết, Thế Lữ và Tú Mỡ là hai người bạn, từng cùng có chân trong nhóm văn chương Tự lực văn đoàn thời kỳ trước Cách mạng”[26]. Sự thật không phải vậy, bởi Song Kim kể thì chắc chắn đáng tin hơn Tường Duy. Theo Song Kim, sau khi Tú Mỡ cười thì… “Bỗng một tiếng thét lớn từ trong cánh gà: “đóng màn!”. Tiếng đạo diễn Thế Lữ! Màn vội đóng lại. Thế Lữ chạy ra, mặt tái nhợt đi vì tức giận, Tú Mỡ ân hận quá, đứng thần ra. Anh cầm chiếc chân giò “đạo cụ” lên nói như dặn dò mình: “Đây là cái chân giò giả nhé! Không việc gì mà cười nhé!”. Mọi người đều cười. Hai người bắt tay nhau xuề xòa làm lành”.[27] Như vậy, câu nói “Đây là cái chân giò giả nhé! Không việc gì mà cười nhé!” là của Tú Mỡ tự dặn mình chứ không phải câu nói “đay đả” của Thế Lữ với Tú Mỡ. Cũng ở bài báo này, Tường Duy còn có chi tiết sai: “các báo Phong Hóa, Thời Nay…”[28]. Với chi tiết “Thời Nay”, tôi nghĩ do lỗi morasse, chứ chẳng lẽ viết về Thế Lữ lại viết sai tờ báo nổi tiếng một thời: báo Ngày nay mà Thế Lữ là thành viên trụ cột lại thành báo Thời nay được.

Phạm Đình Ân cho biết: “Năm 1948, tại Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, Thế Lữ được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành. Ông là trưởng đoàn sân khấu Việt Nam trong hai năm 1948-1949.

Cuối năm 1949, Thế Lữ phụ trách Đoàn kịch Chiến thắng (tiền thân của Đoàn sân khấu Việt Nam), tổ chức đi biểu diễn ở các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên”[29]

Đúng thì có đúng, nhưng không được rõ lắm. Theo Thanh Tịnh: “Đầu xuân 1949, Đoàn Sân khấu Việt Nam kéo nhau sang Đèo Khế đầu quân. Năm văn nghệ sĩ đầu quân trước nhất là: Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Khoát, Thanh Tịnh… Sau ngày “Đầu quân” Đoàn Sân khấu Việt Nam đổi tên là Đoàn kịch Chiến thắng của quân đội. Đoàn được Bộ Tổng tư lệnh cho một con ngựa để vận tải và lúc cần chở chị Song Kim. Chúng tôi về đóng ở Xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên. Địa bàn hoạt động cũng rộng hơn. Chúng tôi đi phục vụ các đơn vị bộ đội và nhân dân địa phương trên nhiều nẻo đường kháng chiến, khắp vùng Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang”.[30] Chính Hữu cho biết thêm: “Tháng 4-1949 Hội nghị văn nghệ quân đội toàn quân lần thứ nhất khai mạc tại Việt Bắc. Hội nghị đã xây dựng nền móng cho phong trào văn nghệ quân đội và đã thành lập Ban văn nghệ quân đội… Ban văn nghệ quân đội còn có một số đồng chí ủy viên gồm các anh Thâm Tâm, Mai Văn Hiến, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Văn Khoa”.[31]

Sau giai đoạn này, hầu hết các tư liệu viết về tiểu sử Thế Lữ cơ bản thống nhất. Năm 1955, Thế Lữ là Trưởng ban Ban Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Ông cũng là Trưởng đoàn Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, tham gia hội diễn ở Nhà hát Nhân dân thành phố Hà Nội. Ông chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương đi biểu diễn ở các nước Trung Quốc, Liên Xô, Ba Lan.

Hai ngày 6 và 7-5-1957, Đại hội thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Thế Lữ được bầu làm Chủ tịch; các ông Lưu Trọng Lư, Học Phi, Hoàng Châu Ký được bầu làm Tổng Thư ký. Thế Lữ làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho đến ngày về hưu (1977). Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), và là đại biểu Quốc hội khóa II, nhiệm kỳ 1960-1964.

Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần III (26.11-1.12.1962), nhà văn Đặng Thai Mai được bầu làm Chủ tịch; nhà phê bình Hoài Thanh được bầu làm Tổng Thư ký; các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… được bầu làm Ủy viên Thường vụ: Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Cao Luyện, Nông Quốc Chấn, Huy Cận, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Tế Hanh.

Liên quan tới chức vụ, lương bổng của Thế Lữ sau ngày hòa bình lập lại, Lưu Trọng Văn (con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư – V.G) có viết: “Cha tôi tuy thua Thế Lữ bốn tuổi (Thế Lữ sinh năm 1907) nhưng cùng khởi xướng ra phong trào Thơ mới cùng là hai nhà thơ chuyển sang viết kịch, cùng lãnh đạo Đoàn văn công của Thanh niên Việt Nam đi dự nhiều liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới, cùng lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhiều năm. Tôi còn nhớ, có lần cha tôi đi làm về, lúc ấy chúng tôi còn ở phố Nguyễn Thái Học sau lưng Văn Miếu, Hà Nội, cha tôi có vẻ không vui. Mạ tôi hỏi: “Mình ở Bộ Văn hóa chuyển qua làm ở Hội, không vui à?” Cha tôi bảo: “Hôm nay giở sổ lương, thấy anh Thế Lữ là Chủ tịch Hội mà lương chỉ có 115 đồng (chuyên viên 1). Vô lý quá! Răng mà bao năm, anh Thế Lữ không kêu với trên? Trong khi anh Nguyễn Xuân Khoát, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam, lương 160 đồng (chuyên viên 6), lương anh Trần Văn Cẩn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật, cũng 160 đồng”. Thế rồi cha tôi kêu lên đến ông Lê Đức Thọ, và nhà thơ Thế Lữ đã nhảy vọt lương từ 115 đồng lên 160 đồng. Theo nhiều người quen biết với Thế Lữ, Thế Lữ chẳng tỏ ra vui vẻ gì, bởi hình như ông không quan tâm tới lương bổng, chức tước”.[32] Hoài Việt thì nói: “Mọi chuyện ông phó vào sự tháo vát của bà vợ. Có người bạn ở cơ quan kể rằng hồi chuyển về làm chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ông vẫn nhận mức lương 120 đ/tháng. Mãi đến hai năm sau, một đồng chí chủ tịch Hội khác biết mới nhắc ông và đề xuất để cơ quan giải quyết đưa ông lên mức 140đ”.[33]

Lòng tốt của nhà thơ Lưu Trọng Lư đối với bạn văn thuở nào rất đáng trân trọng, nhưng việc “Thế Lữ chẳng tỏ ra vui vẻ gì, bởi hình như ông không quan tâm tới lương bổng, chức tước” cũng là điều dễ lý giải. Nói đến sự vui vẻ thì làm sao vui vẻ khi Thế Lữ không biết vợ và ba đứa con của mình sống chết ra sao. Một phụ nữ như bà Thế Lữ thì làm gì để nuôi được ba đứa con, trong lúc báo chí đang tuyên truyền bộ máy chính quyền Mỹ – Diệm đang đàn áp dã man những gia đình có chồng con theo kháng chiến. Bà Thế Lữ di cư vào nơi đất lạ quê người, một nách ba đứa con, lại có chồng và con trai lớn không chỉ theo kháng chiến mà còn ở lại phục vụ cho chế độ dân chủ cộng hòa. Bên cạnh đó, những thông tin về những người di cư vào Nam được các phương tiện thông tin ở miền Bắc hồi đó phản ánh cho thấy… một màu đen kịt. Tú Mỡ có tham gia phản ánh: “Bao người bị bọn “bố mìn”/ Lôi đi bắt ép rời miền quê hương/ Văng vào mặt bọn bất lương/ Quyết không theo giặc lên đường vào Nam/ Bao người bị bọn dã man/ Đã dùng võ lực giải mang xuống tàu/ Vào Nam chưa được bao lâu/ Bỏ đường, bỏ chợ, cơ cầu, bơ vơ”.[34] Trong hoàn cảnh ấy mà Thế Lữ “vui vẻ” thì Thế Lữ không còn là Thế Lữ được chúng ta quý mến nữa.

Ngày đó, mức lương của Thế Lữ dù chỉ 115 đồng là đã khá cao so với rất nhiều người khác, lại không phải nuôi ai (con trai của ông là Nguyễn Đình Nghi có lương, bà Song Kim có lương và tôi tin chắc cả hai người này, mức lương cũng không thấp hơn ông bao nhiêu vì cùng tham gia kháng chiến một lần), nên tính thu nhập bình quân đầu người trong gia đình thì thu nhập của gia đình Thế Lữ có khi cao nhất so với nhiều gia đình cán bộ trung, cao cấp ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên có thêm mấy chục đồng cũng thế mà không thêm đồng nào cũng đủ có cuộc sống sung túc, chứ làm gì mà phải nhờ vào sự “tháo vát” của vợ? Với tôi, lời kể của Lưu Trọng Lư về mức lương của Thế Lữ đáng tin hơn những gì Hoài Việt đã viết. Đáng tin hơn, vì không phải Lưu Trọng Lư là người cùng lãnh đạo cơ quan mà vì… hợp lý hơn. Mức lương chuyên viên 1 thời ấy có phải 115 đồng không thì tôi không rõ, chứ sau ngày giải phóng cho đến những năm đầu thập niên 80, tôi biết mức lương chuyên viên 1 là 105 đồng, và ở Thành phố Hồ Chí Minh, ai được mức lương này trở lên mới được khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Thống nhất; và mức lương chuyên viên 1 hồi thập niên 80 của thế kỷ trước cũng đã cao lắm lắm so với những người tham gia cách mạng sau ngày 30-4-1975 như chúng tôi.

Còn chức tước, thì những nhà văn, nhà thơ cùng thời với Thế Lữ và tham gia cách mạng sau ngày Toàn quốc kháng chiến như ông, đã có mấy người được như ông? Chức tước đối với một văn nghệ sĩ thành danh trước Cách mạng Tháng Tám, không phải là đảng viên như ông mà được bố trí ngồi vào ghế Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là đã đụng trần, nếu còn ham muốn nữa là không biết mình biết người. Nhưng cứ cho rằng Thế Lữ có quan tâm, thậm chí rất ham hố thì sẽ làm tới chức gì? Chắc chắn trong bộ máy công quyền không còn chức nào khác dành cho Thế Lữ. Giả thiết, những người yêu quý Thế Lữ có thực quyền nghiêng trời lệch đất thì sắp xếp cho ông ở ghế nào tốt hơn, phù hợp hơn chiếc ghế Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam? Chắc không có! Nhưng cũng nói thật, nếu Đoàn Phú Tứ không “dinh-tê” về thành – “vào đến Hà Nội (20-7-1951)”[35], thì chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chưa chắc đã dành cho Thế Lữ. Nói điều này là tôi dựa vào những hiểu biết về công tác tổ chức sau hơn 34 năm sống, công tác, trưởng thành dưới chế độ mới và cũng từng là thủ trưởng một đơn vị hành chính sự nghiệp. Về trình độ học vấn, Đoàn Phú Tứ đã đỗ tú tài. Về đường văn học, trước Cách mạng Tháng Tám, Đoàn Phú Tứ có nhiều thơ đăng trên báo Phong hóa, Ngày nay và nổi tiếng đến tận bây giờ với bài thơ Màu thời gian, có sách xuất bản ở Nhà xuất bản Đời nay; chủ trương báo Tinh hoa và chủ Ban kịch Tinh hoa – ban kịch tồn tại lâu nhất so với các ban kịch khác trước Cách mạng Tháng Tám. Đoàn Phú Tứ là kịch tác gia, là đạo diễn, diễn viên… Ban kịch Tinh hoa chính là đầu dây mối nhợ kéo Thế Lữ lên sân khấu và Đoàn Phú Tứ là người tạo điều kiện cho Thế Lữ làm đạo diễn, diễn viên kịch nói chứ không phải ai khác. Đoàn Phú Tứ là đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong Hội nghị tranh luận Văn nghệ tại Việt Bắc, từ ngày 25 đến 28-9-1949, Đoàn Phú Tứ ngồi ghế chủ tọa từ phiên họp đầu tới phiên họp cuối (11 phiên họp), còn Thế Lữ chỉ là đại biểu… Do vậy, dù yêu Thế Lữ đến đâu cũng không nên tùy hứng đưa đẩy cho xong chuyện. “Trong buổi Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Thế Lữ được Hội Nghệ sĩ sân khấu và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 9-6-1997 vừa qua, Giáo sư Đình Quang đã đề nghị suy tôn Thế Lữ là ông tổ của kịch nói nước ta. Nhiều nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có mặt trong buổi lễ đã tán thành với đề nghị này”[36]. Nhưng hơn mười năm rồi, đề nghị ấy chắc chẳng tới đâu, vì để chọn ra được “ông tổ của kịch nói nước ta” không hề đơn giản.

Sau ngày giải phóng một thời gian, Thế Lữ giã từ Hà Nội, giã từ cuộc tình đẹp hơn 40 năm để vào ở hẳn với vợ con tại 161 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1984, Thế Lữ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Đây là danh hiệu cao quý nhất trao tặng cho nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật và là đợt phong tặng đầu tiên cho 40 nghệ sĩ (Quyết định số 44/CT ngày 25-1-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu này, cùng với Thế Lữ có Song Kim (kịch nói), ông Ba Du (cải lương), ông Ba Vân (cải lương), bà Cả Tam (chèo), ông Năm Ngũ (chèo), ông Đội Tảo (tuồng), ông Sáu Lai (tuồng)…

Lúc 1 giờ, ngày 3-6-1989, Thế Lữ trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 82 tuổi (tính theo dương lịch).

Năm 2000, theo Quyết định số 392 KT/CTN ngày 1-9-2000 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương, trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt II)[37] cho 21 công trình, cụm công trình khoa học – công nghệ và 40 cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Thế Lữ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với hai tác phẩm kịch: Cụ đạo, sư ôngĐề Thám. Đây là giải thưởng cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trao tặng cho những công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân… Cùng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt này với Thế Lữ có Lộng Chương (sân khấu), Lưu Quang Vũ (sân khấu), và các nhà thơ, nhà văn Lưu Trọng Lư, Tú Mỡ, Anh Đức, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng…

Khi qua đời, nhà thơ Thế Lữ được an táng ở đâu, hoặc nếu hỏa táng thì tro cốt của ông để ở đâu, tôi hỏi rất nhiều văn nghệ sĩ đang sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng một ai biết. Ngày Thế Lữ qua đời, tôi không biết và không dự đám tang của ông, nên khi ra Hà Nội (2002) tìm tư liệu về Thế Lữ, Trần Tiêu, Tú Mỡ, tôi có đến gặp Nghệ sĩ nhân dân Song Kim và hỏi ngày Thế Lữ mất, bà có mặt không. Bà ngồi cúi mặt nói bằng giọng buồn buồn: “Hơn nửa thế kỷ qua, tổ chức biết tôi là vợ ổng, bạn bè biết tôi là vợ ổng nhưng khi nghe tin ổng bệnh, tôi không được vào thăm; khi nghe tin ổng mất, tôi chỉ được gửi một vòng hoa viếng”. Khi hỏi về quê của Thế Lữ, bà cho hay tuy làm vợ Thế Lữ từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, nhưng chưa hề biết quê chồng và bà con bên chồng; còn mộ ông ở đâu thì bà cũng lắc đầu thở dài rồi từ từ đứng dậy lấy một tờ giấy khổ A 4 đưa tôi: “Anh đọc sẽ hiểu nỗi lòng của tôi”. Đây là bài thơ bà viết bằng bút mực xanh, ghi ngày 21-6-1997. Bài thơ như sau:

Nhớ Thế Lữ

Nửa đêm tỉnh giấc

Nhớ dáng nhớ hình

Cô đơn, ai biết nỗi mình cô đơn

Bắc, Nam xa cách dặm trường

Nhớ nhau đâu dễ tìm đường gặp nhau

Năm mươi năm cuộc bể dâu

Trang thư còn thắm những câu ân tình

Ảnh đề nét chữ còn xanh

Giấu nhau giọt lệ trường hành tiễn đưa

Người đi, người vẫn trông chờ

Năm canh khắc khoải bến bờ xa xăm

Người về với cõi Vĩnh – Hằng

Người đơn côi với mảnh trăng đêm nào!

Song Kim

21-6-1997

Nhân tuần 100 ngày của nhà văn Nguyễn Khải (tối ngày 22-4-2008), anh em văn nghệ sĩ có mặt khá đông, tôi tranh thủ trò chuyện hỏi về mộ phần của nhà thơ Thế Lữ, ai nấy đều lắc đầu không rõ.

Hỏi kỹ như vậy, vì theo Tin buồn đăng trên báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 10-6-1989:

“Tang lễ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh:

Lễ viếng từ 9 giờ ngày 5 tháng 6 năm 1989 tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – 81 Trần Quốc Thảo. Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi vòng hoa đến viếng.

Lễ truy điệu 8 giờ ngày 6-6-1989. An táng tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ truy điệu tại Hà Nội tổ chức 8 giờ ngày 6-6-1989 tại 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội”.

Khi tôi đến tìm, thì Ban Quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định không có phần mộ nhà thơ Thế Lữ tại đây. Khi đọc bài viết Thế Lữ như tôi biết của Hoài Việt có chi tiết: “Vào những ngày cuối đời, ông vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có dịp đến thăm ông và được ông đưa ra cho xem mấy vở ông đã dịch và đang chữa. Ấy là những năm cuối thập kỷ 70. Tôi đã có mặt đưa ông về nghĩa trang liệt sĩ thành phố đúng mười năm sau đó”[38]. Tôi lại chạy xuống Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố lần nữa, nhưng kết quả chẳng hơn gì lần đầu.

Tôi định khi viết xong cuốn sách này mà vẫn không tìm ra mộ của Thế Lữ thì đành phải… lách! Nhưng trời không phụ lòng người. Một bữa, ngồi uống cà phê với anh Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, anh hỏi tôi, viết xong cuốn sách về Tú Mỡ rồi thì còn định viết cuốn gì nữa không. Tôi nói cho anh biết là đang tập hợp tư liệu để viết cuốn sách về Thế Lữ. Nghe vậy, anh nói:

– Con cái của ông Thế Lữ làm ăn có khá không mà chẳng thấy ai chăm sóc mộ phần.

– Anh biết mộ Thế Lữ ở đâu hả?- Tôi hỏi.

– Mỗi lần đi thăm mộ cha mẹ, tôi thường đi ngang qua mộ của Thế Lữ lấy gì hổng biết. Hồi Thế Lữ mất, mộ xây như vậy là được, nhưng mấy năm sau này, con cháu các ngôi mộ chung quanh làm ăn khá nên đã nâng cấp phần mộ đẹp hơn, khang trang hơn nhiều so với hồi thập niên 90 (thế kỷ XX). Do vậy, bây giờ nhìn mộ Thế Lữ lóm thóm, tội nghiệp lắm.

Tôi nhờ anh đưa đi viếng phần mộ của Thế Lữ. Như vậy, Thế Lữ được an táng tại Nghĩa trang Thành phố chứ không phải Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố. Nghĩa trang này còn có tên là Nghĩa trang Lạc Cảnh, tọa lạc trên địa bàn quận Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung, dưới mắt tôi, phần mộ của Thế Lữ vẫn còn đẹp lắm so với nhiều mộ khác ở chung quanh, chỉ tiếc vì ngày đó xây bằng xi măng nên phần áo quan có dấu rạn chân chim. Trên nấm mộ của ông có cây điểu bất quần đang trổ hoa đỏ rất đẹp.

Cũng nhờ vào sự may mắn, tôi biết thêm khi vào sống với vợ con ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thế Lữ có ý nguyện trở lại đạo.

Ngày 28-5-2008, nghe tin Linh mục Thiện Cẩm, Tu viện trưởng Tu viện Mai Khôi (44 Tú Xương, phường 7, quận 3 – TPHCM) vừa giải phẫu đại tràng về, tôi đến thăm và tặng ông cuốn sách Tú Mỡ – Người gieo tiếng cười của tôi vừa mới phát hành. Ông nằm trên giường, cầm cuốn sách của tôi trao, cười nói: “Anh ạ, nếu con người không chết, tôi nghĩ chẳng ai lập tôn giáo làm gì. Như bạn của ông này (Tú Mỡ – V.G), nhà thơ Thế Lữ, anh có biết không? Sau ngày giải phóng, ông ấy vào Sài Gòn sống với bà vợ cả và con gái, thì có nguyện vọng trở lại đạo”.

Nghe chi tiết khá thú vị, vì tôi đang tập hợp tư liệu viết về Thế Lữ, nên hỏi tiếp và Linh mục Thiện Cẩm cho biết, ông rất thân với chị Tâm – con gái của Thế Lữ. Khi Thế Lữ có nguyện vọng trở lại đạo thì được Linh mục Nguyễn Huy Lịch và Linh mục Nguyễn Công Đoan giúp đỡ. Lúc Thế Lữ hấp hối được cha Lịch làm lễ xức dầu và cầu nguyện lên đường bình an theo nghi thức công giáo. Linh cữu được quàn tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (81 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3 – TPHCM), vì Thế Lữ là người của Nhà nước, là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cả hai mươi năm…

Nhà thờ chỉ làm Thánh lễ cầu hồn cho ông. Thế Lữ mất không lâu thì cô con gái của ông cũng qua đời (Nguyễn Thị Tâm, 1931-1994). Khi chị Tâm qua đời, Linh mục Thiện Cẩm làm chủ tế Thánh lễ an táng tại nhà riêng (161 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TPHCM). Ngày 27-5-1997, bà Thế Lữ (Nguyễn Thị Khương) qua đời. Linh mục Thiện Cẩm nói: “Bà Thế Lữ thì làm Thánh lễ an táng tại nhà thờ Mai Khôi và chính tôi làm chủ tế. Chắc cũng vì ông Thế Lữ và người con trai cả là Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi, nên hôm tổ chức Thánh lễ an táng có rất đông văn nghệ sĩ tham dự. Lúc đó, tôi có nói đại ý, cả đời bà cụ chờ chồng, chờ con và trước khi về cõi vĩnh hằng, cụ đã được gặp và sống với chồng, với con, ấy là hạnh phúc. Tôi có dẫn lời một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Người chết nối linh thiêng vào đời” và giảng về cái chết, về cuộc đời. Hôm sau, anh Nguyễn Đình Nghi đến thăm cha Lịch ở bệnh viện và trình với cha Lịch là anh rất “thấm” bài giảng của tôi, vì anh cũng được rửa tội từ nhỏ”. Chị Nguyễn Thị Tâm (con gái nhà thơ Thế Lữ), và bà Thế Lữ (Nguyễn Thị Khương) được hỏa táng, hài cốt được gửi tại Tu viện Dòng Chúa cứu thế, 38 đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lúc vui miệng tại một quán cà phê gần cơ quan, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái[39] cho tôi biết anh có dự Thánh lễ cầu hồn nhà thơ Thế Lữ, và người chủ tế Thánh lễ cầu hồn hôm ấy là Linh mục Nguyễn Huy Lịch.

Tàn cuộc vui ở quán cà phê, tôi cứ nghĩ vẩn vơ về vợ chồng Thế Lữ và Lời tạ ơn trong Thiên Thánh vịnh – Cựu ước: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời/ Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời cầu khấn/ Phàm nhân hỡi, cho đến bao giờ lòng vẫn còn chai đá ưa thích chuyện hư không, chạy theo điều giả dối?/ Hãy biết rằng: CHÚA biệt đãi người trung hiếu với Chúa; khi tôi kêu CHÚA đã nghe lời/ Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa, trên giường nằm, suy nghĩ và lặng thinh”.[40] Phải chăng vì suy nghĩ như thế, Thế Lữ xin trở lại đạo?

Cuối đời, Khổng Tử nói: “Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”, nghĩa là “bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý”.[41] Ở tuổi này, Thế Lữ cũng đã “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (thơ Nguyễn Công Trứ), và đã từng là Kitô hữu nên càng hiểu “Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình”.[42] Do đó, Thế Lữ có nguyện vọng xin trở lại đạo và đã trở lại đạo cũng là chuyện tự nhiên, nhất là người vợ đã chịu phép bí tích hôn phối cùng ông vẫn còn đó, vẫn mỏi mòn chờ đợi ngày ông quay lại; những đứa con đang ngóng đợi cha về. Mặc dù, ngày đi kháng chiến, ông đã dẫn theo người con đầu (Nguyễn Đình Nghi) và đã nuôi dạy con nên người, nhưng ba người con còn lại vẫn thiếu bàn tay chăm sóc của ông. “Giáo dục con cái không phải chỉ là bổn phận quan trọng, mà còn là một vinh dự lớn lao của bậc làm cha làm mẹ, bởi vì được cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo nên những con người mới, những con người của Thiên Chúa. Đó là việc trồng người. Không chỉ trồng nên những người hữu ích cho xã hội, cho Hội Thánh mà còn trồng nên những vị thánh. Vì thế, giáo dục con cái không phải là một việc tùy hứng, nhưng cần có một đường hướng, một kế hoạch và những phương pháp”.[43] Theo tôi, điều đó cũng củng cố thêm lý do Thế Lữ trở lại đạo.

Còn bà Thế Lữ (Nguyễn Thị Khương), tôi nghĩ, với bà, hôn nhân trước hết là một ơn gọi. Sách Sáng thế kể lại, sau khi đã dựng nên Ađam, Thiên Chúa phán: “Con người có một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Khi thấy Evà, Ađam đã sung sướng kêu lên: “Này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”.[44] Đối với người Kitô hữu, hôn nhân không chỉ là một khế ước, mà còn là một bí tích. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Hôn nhân là bí tích tình yêu… Khi vợ chồng nên một trong hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời”.[45] Do đó, bà đã không chỉ đã chờ đã đợi “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, mà còn chu toàn bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Chúa đã dạy “Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” cùng lời cam kết khi được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội Thánh và cộng đoàn: “Em nhận anh làm chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em”, nên bà đã vui mừng dang rộng vòng tay đón người chồng sau gần bốn mươi năm xa cách. Và các con ông, cụ thể là người con gái (chị Tâm) đã hy sinh phận mình giúp mẹ nuôi dạy hai đứa em trai nên người, nay được trực tiếp phụng dưỡng cha già sau nhiều tháng năm thương nhớ là một điều hạnh phúc. Với chị, cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục ta nên người. “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin”.[46]

Theo chị Thảo Nguyên, người dâu út của vợ chồng bà Thế Lữ, thì: “Mẹ người tầm thước, vừa người, vấn khăn vải, ăn trầu và còn răng đen. Mẹ là người cổ kính, ăn nói nhỏ nhẹ, không thấy to tiếng bao giờ. Mẹ rất hiền và nghe theo ý của các con, nhất là ý chị lớn. Việc mẹ bằng lòng cho con trai lấy tôi, một cô bạn học của anh, theo đạo Phật, và chấp nhận tôi không phải theo đạo Chúa, được xin “miễn chuẩn dị giáo”, là do các con khuyên được. Mẹ chăm lo cho các con, dù đã lớn, từng miếng ăn, giấc ngủ. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc, ngay cả khi tiễn con cháu đi xa không biết bao giờ mới trở lại. Mẹ nói mẹ không còn nước mắt”.[47]

Đúng, nước mắt làm sao còn những chừng đó năm buồn chồng, nhớ thương chồng, nhớ thương con. Đứa con trai đầu lòng (Nguyễn Đình Nghi) do bà bứt ruột sinh ra đã đi theo bố không biết sống hay chết thì có người mẹ nào không lo, không buồn. Ngày đó ở miền Nam, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Ngô Đình Diệm đưa nhiều tin không tốt, không may về Thế Lữ. Chuyện này tôi không rõ lắm, nhưng dựa vào luận điệu tuyên truyền của giặc, Tú Mỡ có phản ánh: “Nhà thơ Thế Lữ hiện đang đi/ Đại hội liên hoan Vácxôvi/ Chúng bảo: ngậm hờm trong cũi sắt/ Phi!”.[48] Nói gì thì gì Thế Lữ vẫn là chồng bà, vẫn là bố của những đứa con của bà, vả lại đứa con trai lớn của bà đang sống với bố… Nếu chồng bà có việc gì không may xảy đến thì đứa con trai mang nặng đẻ đau của bà sẽ ra sao? Trong hoàn cảnh ấy, tôi nghĩ không có người vợ, người mẹ nào ăn ngon, ngủ yên cả. Nhưng cớ sự nào, Nguyễn Đình Nghi đi theo bố? Chị Thảo Nguyên cho biết: “Như tất cả mọi người, gia đình ở Hải Phòng gồm bà nội, mẹ và bốn anh em cũng chạy tản cư. Vào một ngày năm 1948, đang ở nhờ trong một nhà dân vùng hậu phương xa thành phố, nghe tin có ban kịch đi qua, các anh đi tìm ngay được bố, đưa bố về gặp gia đình. Bao nhiêu lâu mới được một lần sum họp, mới có một bữa ăn đông đủ cả nhà… Nhưng, người lớn có chuyện cần bàn ngay: Nhà đã hết tiền, không có cách sinh nhai, không thể tiếp tục sống ngoài hậu phương được mãi. Gia đình quyết định cho tất cả đàn bà trẻ con về thành, từ anh lớn. Bố nói: “Nghi đi với cậu, con về thành sẽ bị bắt đi lính cho Pháp”.

Từ đó, chia ly hai ngả”.[49]

Nếu đây là sự thật thì cũng không có gì sai, bởi tôi đã từng sống trong những năm chiến tranh nên hiểu cách xử trí của các bậc cha mẹ như thế là tốt nhất. Nhưng tôi không tin những lời chị Thảo Nguyên kể là đúng. Khi Nhà xuất bản Đời nay tìm Thế Lữ trao 6.000 đồng tiền cổ phần trước ngày tản cư (trao tận tay Song Kim), thì… Song Kim kể: “Nghĩ đến gia đình Thế Lữ còn ở Hải Phòng, chúng tôi bàn nhau để anh cấp tốc về Hải Phòng đưa thêm ít tiền nhà xuất bản trả để gia đình tản cư ở Kiến An, rồi anh lại trở lại Hòa Xá”.[50] Như thế, gia đình Thế Lữ tản cư về mạn Kiến An chứ không phải mạn Phú Thọ, Thái Nguyên. Trong lúc đó, Thế Lữ – Song Kim đi theo nhóm anh em văn nghệ sĩ do Bùi Huy Phồn tập hợp lên mạn Phú Thọ. Anh em văn nghệ sĩ có mặt tự đứng ra thành lập ban kịch nghiệp dư phục vụ nhân dân, chiến sĩ vùng Phú Thọ, Thái Nguyên rồi lên thẳng chiến khu Việt Bắc chứ chưa một lần về diễn kịch ở mạn vùng biển. Cuối thu 1948, có một đoàn văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế ở Liên khu Ba và khu Bốn, chứ không có đoàn kịch nào về miệt này, và trong đoàn cũng không có sự tham gia của Thế Lữ. Bùi Huy Phồn kể: “Xuất phát từ Xuân Áng (Đại Từ, Thái Nguyên – V.G), đoàn chúng tôi có 6 người: Nguyễn Đình Thi, Tô Ngọc Vân, Xuân Diệu, Văn Cao, Trần Đình Thọ và tôi. Anh Thi làm trưởng đoàn”.[51] Do đó, tôi nghĩ, lúc Thế Lữ về nhà đưa tiền cho gia đình, thì cũng bàn bạc đưa người con trai lớn theo mình, để rủi thời có chuyện gì cũng không… trắng tay. Và Nguyễn Đình Nghi đi theo bố từ lúc ấy.

Sở dĩ, có chuyện đoán định như thế này vì chẳng có tư liệu nào ghi lại. Cuốn hồi ký Những chặng đường sân khấu, Song Kim viết hơn 200 trang, trọng tâm là từ ngày đi theo kháng chiến, ấy mà không có một dòng nào nói đến Nguyễn Đình Nghi, dù có mấy lần nói về “con gái nuôi Liên (cô bé nạn nhân của nạn đói năm 1945, 1946, bơ vơ ở bãi Phúc Xá gia đình chết không còn ai)”.[52] Trong bài nhắc về những ngày theo bố đi kháng chiến, Nguyễn Đình Nghi viết: “Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi theo bố lên Việt Bắc. Lúc này mình đã lớn nên đã biết nhận xét việc này việc nọ. Tôi để ý thấy đi tới đâu cũng vậy, bố tôi rất chú ý đến việc sắp xếp cuộc sống cho có ngăn nắp. Về cái góc làm việc của ông, ông thu dọn, bày biện hết sức cẩn thận. Ông cầm dao đi tìm chọn các mấu tre chặt về gài vào phên liếp để mắc mũ, treo áo quần đàng hoàng, ông lấy thép (kẽm gai) hoặc sắt phế liệu làm những đồ dùng trong nhà một cách rất khéo tay. Tôi được chịu ảnh hưởng nhiều của ông về điều này”.[53] Thời gian ấy, trong căn nhà ấy, chắc chắn không chỉ có hai bố con Thế Lữ, mà còn có bà Song Kim. Và không chỉ trong bài viết này, trong một số bài viết khác, Nguyễn Đình Nghi vẫn nói về bố, nhắc về bố mà không có một dòng nào nhắc tới Song Kim. Tại sao như thế? Lý giải cũng dễ thôi. Lúc đó, lòng Nguyễn Đình Nghi cũng như lửa đốt, không biết bà nội mình, mẹ mình, ba đứa em của mình sống ra sao, còn hay mất. Vì ai mà gia đình phải gặp những cái nhìn không còn mấy kính trọng của bà con xứ đạo; vì ai mà bà nội và mẹ ông phải thở ngắn than dài; vì ai mà ba đứa em nhỏ dại của ông “mất” bố? Nếu trong bài viết nào của mình khi nhắc tới bố, Nguyễn Đình Nghi kèm theo mẹ Song Kim thế này, mẹ Song Kim thế kia… thì không còn là Nguyễn Đình Nghi luôn được mẹ và các em thương nhớ nữa. Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh như thế, nên rất hiểu Nguyễn Đình Nghi và rất tôn trọng nhân cách của anh.

Năm 1973, vợ chồng anh Nguyễn Thế Học ở nước ngoài bắt được liên lạc với bố và anh. Đôi bên thường xuyên thư qua tin lại. Theo chị Thảo Nguyên, có lần “Anh Nghi nói riêng với chúng tôi rằng:

Công bằng mà nói, bố sống xa gia đình rất lâu, nổi tiếng như thế, hồi đó rất nhiều các mệnh phụ đẹp như bà hoàng của Hà Nội, mê bố. Cho nên, không có người này thì có người khác. Bố đã gặp được người cùng chí hướng, cùng bố xây dựng, thực hiện những đam mê nghệ thuật, hơn nữa bố có được một gia đình an ổn, hạnh phúc để làm việc trong rất nhiều năm, nhất là trong suốt những năm đất nước chia cắt, có người săn sóc tinh thần cũng như vật chất cho bố, thật là đáng quý. Mình phải kính trọng và cám ơn bà Kim. Vả lại, đây là một chuyện đã được xã hội ngoài này trong bao nhiêu năm nay công nhận, mình nên tôn trọng việc đó. Họ hàng làng nước ai có nói gì cũng mặc họ”.[54]

Đó là những lời động viên các em và cũng gián tiếp xoa dịu nỗi buồn của mẹ, chứ theo các tài liệu công khai đây đó, tôi không thấy như vậy. Trước Cách mạng Tháng Tám, những người nổi tiếng không chỉ một mình Thế Lữ mà nào có mấy ai như Thế Lữ đâu? Cụ thể, anh em trong Tự lực văn đoàn không có ai bỏ vợ con đi theo người khác. Những người bạn của Thế Lữ như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Khoát… cũng không có ai như thế.

Tháng 6-1989, phương tiện giao thông đã không còn khó khăn, bà Song Kim cũng còn khỏe, ấy mà nghe tin Thế Lữ mất, bà chỉ gửi một vòng hoa viếng đã nói lên tất cả.

Và bà Thế Lữ đâu chỉ hết nước mắt vì chồng vì con. Cả một thời làm dâu của bà cũng trăm đắng ngàn cay. Theo chị Thảo Nguyên: “Tính bà nội rất khó, nhất là đối với mẹ. Bố đã giải thích cho mẹ hiểu là tại tình duyên của bà gặp nhiều trắc trở, bà khổ quá, bà hành con dâu vì những điều uất ức không nói ra được… Có một lần, bố viết một truyện ngắn, mang về nhà, giả vờ là truyện của văn sĩ khác, đọc cho bà nghe, mong bà thương mà nghĩ lại cho. Đang đọc, thì bà cầm lấy cái tráp đựng trầu, dằn mạnh xuống phản một cái rầm, rồi nói:

“À, thế ra anh lại muốn dạy tôi đấy!”

Bố sợ quá, chạy thẳng một mạch không dám trở về nhà nữa. Và người phải chịu đựng mọi thứ trên đời vẫn là mẹ […] Nhiều lúc mẹ khốn khổ quá, không chịu nổi, đã trốn về gia đình mình. Nhưng về tới nhà, thì bà ngoại lập tức khóc lóc nói:

– Con đã lấy chồng, là con người ta, thì sống chết cũng phải về đó không được bỏ, nếu không, mẹ chết ngay bây giờ đây.

Rồi cụ đưa mẹ về lại nhà chồng.

Mỗi lần mẹ ốm, phải uống thuốc, thì bà nội lại ngấm nguýt:

– Mình ốm rơi răng cũng chẳng thuốc men gì, còn nó thì hơi tí đã thuốc.

Mẹ giận quá, nên đến lần ốm đó, mẹ không uống thuốc nữa, ốm luôn một mẻ vài tháng. Đang lúc đó, mẹ lại mang thai chị lớn, mẹ ốm tới nỗi thai đang lớn lại nhỏ đi, mười một tháng mới sinh, về sau chị lớn lên, rất yếu đuối.

Có một chuyện mẹ hay kể cho chúng tôi nghe là:

Nhà có ba gian, ông ấy (bố chồng tôi) ngủ nhà ngoài, bà lang (bà nội) ngủ nhà giữa, còn mẹ ngủ nhà trong. Mà có xong đâu, mỗi khi bà lang đi vào trong Thanh (tỉnh Thanh Hóa) vài ngày, đi mua xương hổ nấu cao hổ cốt, thì gọi mẹ ra dặn:

– Này, nó đang ốm đấy, đừng có lộn xộn!

Thế nhưng khi nghe mẹ có thai thì bà mừng lắm, vì bà rất thích có cháu”.[55]

Chuyện mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn thế, nhất là làm dâu về gia đình có con trai một như Thế Lữ. Dân gian đã có câu: “Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương yêu cũng thể nàng dâu mẹ chồng”. Những năm đầu của thế kỷ XXI này cũng chưa hết chuyện mẹ chồng nàng dâu. Trong vòng một tuần, báo Người Lao Động có hai mẩu chuyện, tôi xin được dẫn ra đây để hiểu thêm nỗi khổ của nàng dâu cũng như nỗi buồn của mẹ chồng, chứ không phải hồi thời Thế Lữ mới có như thế, còn bây giờ thì… hết rồi.

Mẩu chuyện thứ nhất:Một mẹ, một con

Chú Hưng nhờ má đi làm thủ tục bảo lãnh nhập hộ khẩu. Chú nhờ má từ hai tuần trước nhưng mãi đến hôm qua má mới thu xếp đi được. Nghe má kể vợ chồng con cãi nhau, chú Hưng rất buồn. Chú nói: “Không có ai như thằng Quang nhà chị. Bộ nó muốn cầm tù má nó hay sao chứ?”. Thấy chú giận, má đã cố nói đỡ cho con: “Tụi nó không muốn tôi đi đứng mệt nhọc thôi mà”.

Con à, má nói thì nói vậy thôi chứ thật sự lòng má rất buồn. Ba con mất khi con còn trong bụng má. Năm ấy, má mới mười chín tuổi. Gần 30 năm qua, những vui buồn, hạnh phúc, khổ đau của má đều từ con mà ra. Bao nhiêu người đàn ông có ý định chắp nối, má đều từ chối vì má muốn dành tất cả tình yêu thương cho con. Khi con lớn lên, lần đầu tiên đưa bạn gái về nhà, má đã bị sốc và cảm thấy bị mất mát rất nhiều. Rồi mà cố vượt qua điều đó để vui vẻ khi con cưới vợ. Người phụ nữ con chọn, tuy chẳng vừa ý nhưng má vẫn chấp nhận vì má nghĩ, đó là hạnh phúc của con.

Thế nhưng, từ ngày ấy, các con đã gạt má ra khỏi cuộc sống của mình. Đi làm về, ăn cơm xong, vợ chồng con lại rúc vào phòng riêng. Má thèm được nấu cho con một chén chè đậu xanh thơm mát giữa những ngày hè nóng bức; muốn kéo mền đắp cho con những đêm đông gió lạnh… Nhưng tất cả giờ đã không còn nữa dù những điều đó vợ con không hề làm cho con. Có lẽ, giờ đây, trong mắt các con, má chẳng hơn gì một người giúp việc. Chính vì vậy mà các con đã gây gổ khi vợ con phải nghỉ làm, ở nhà trông cháu để má đi làm thủ tục nhập hộ khẩu cho chú Hưng.

Má cô đơn lắm, Quang à. Con có biết không?”.[56]

Mẩu chuyện thứ hai:Mẹ và em…

Em nói điều này có khi anh không vừa lòng nhưng ngoài anh ra, em không thể nói với ai. Bởi người mà em muốn đề cập chính là mẹ anh – đúng hơn là mẹ của chúng ta.

Từ khi mới quen nhau, em đã nghe đến thuộc lòng câu chuyện ba mất khi anh còn trong bụng mẹ. Cả cuộc đời mình, mẹ đã phải vừa làm mẹ vừa làm cha. Biết bao vất vả, nhọc nhằn; biết bao cạm bẫy, lọc lừa, mẹ đã vượt qua tất cả để nuôi con ăn học nên người. Cả anh và mẹ đều tự hào về nhau. Khi trở thành người yêu, rồi thành vợ của anh, em cũng tự hào vì điều đó.

Thế mà giờ đây, em đang tự hỏi mình, liệu sự hiện diện của em trong ngôi nhà này có làm mất mát, tổn thương ai không? Mẹ không cho em đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo cho anh vì mẹ lo rằng em sẽ không làm anh vừa ý. Còn anh, nhất nhất chuyện gì, anh cũng đều mở đầu bằng câu: “Để anh hỏi mẹ xem sao”.

Chẳng lẽ, trước mắt anh, trong lòng anh không hề có sự hiện diện của người vợ này? Trong khi em mới chính là bạn đời của anh. Mẹ không thể sống mãi để xem hôm nay anh ăn có ngon miệng không, ngày mai anh ngủ có tròn giấc không, ngày kia anh làm việc có vui không?… Còn anh, cũng không thể mãi mãi có mẹ để hỏi “Mẹ ơi, hôm nay con mặc áo này có đẹp không? Con có nên mua chiếc giường mới cho vợ chồng con không? Cuối năm nay, vợ con có nên sinh em bé không?”…

Em thật sự thấy mỏi mệt vì tất cả những điều đó. Và em muốn nói với anh một điều thật đơn giản rằng chuyện cuối năm nay chúng ta có nên sinh em bé hay không chắc chắn sẽ không phụ thuộc vào câu trả lời của mẹ… Em mới là người quyết định điều đó. Thế thì em cũng cần được hỏi ý kiến. Phải không anh?”.[57]

Chị Thảo Nguyên còn cho biết: “Sau năm 1975, khi bố mẹ được sum họp, bà nội đã mất từ lâu, thỉnh thoảng bố viết thư cho chúng tôi, trong những lá thư gửi con cháu ở xa, có những câu:

“Bây giờ cậu được sống ở nhà với mẹ và chị lớn của các con, cho bõ những ngày xưa thương nhớ”.

Chúng tôi rất hạnh phúc vì chuyện bố về với mẹ “cho bõ những ngày xưa thương nhớ”. Tuy nhiên, việc đó cũng làm một người khác khổ. Hình như trên đời này không có gì toàn vẹn. Mẹ từ chối việc liên hệ với phía đó, có nói riêng với tôi rằng:

– Kể ra thì chuyện cũng xa rồi, bố mẹ cũng già rồi, trên 70 cả, nhưng mẹ là người theo đạo Chúa, mẹ không được phép chính thức chấp nhận việc đó”.[58]

Một việc quả khó chấp nhận. Tôi rất hiểu chuyện này, vì mẹ tôi không phải là Kitô hữu cũng đã không chấp nhận việc làm tương tự như thế của ba tôi, huống gì bà Thế Lữ.

Những năm cuối đời, đôi vợ chồng Nguyễn Đình Lễ – Nguyễn Thị Khương đã cùng nhau sum họp; họ không còn phải là hai mà là một huyết nhục như Thiên Chúa đã phán dạy, rồi… hơn mười năm sau, họ lại chia ly và bà lại run rẩy đưa ông về với đất.

“Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả!”[59]./.


[1] Anh Thơ, Hồi ký văn học, NXB Phụ nữ, H, 2002, tr 193.

[2] Anh Thơ, Hồi ký văn học, NXB Phụ nữ, H, 2002, tr 193.

[3] Anh Thơ, Hồi ký văn học, NXB Phụ nữ, H, 2002, tr 194.

[4] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 80.

[5] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 86-87.

[6] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 88.

[7] Phạm Văn Đôn, Thế Lữ và Ban kịch Thế Lữ.- Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 10-6-1989.

[8] Lan Khai, Tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, NXB Văn hóa – Thông tin, H, 2002, tr 106.

[9] Phạm Văn Đôn, Thế Lữ và Ban kịch Thế Lữ.- Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 10-6-1989.

[10] Anh Thơ, Hồi ký văn học, NXB Phụ nữ, H, 2002, tr 194.

[11] Phạm Văn Đôn, Thế Lữ và Ban kịch Thế Lữ.- Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 10-6-1989.

[12] Nguyên Hồng, Bước đường viết văn, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2001, tr 41.

[13] Nguyễn Đình Thi, Mừng anh Thế Lữ tám mươi tuổi, Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, (số ghép 24-25-26), tháng 6-1987.

[14] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 88.

[15] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 90-91.

[16] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 102.

[17] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 113.

[18] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 131.

[19] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 131.

[20] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 133.

[21] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 134.

[22] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 137.

[23] Bùi Huy Phồn, Đường về Liên khu Ba.- Dẫn theo Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, NXB Khoa học xã hội, H, 1995, tr 361.

[24] Báo Văn nghệ Công an, ngày 1-6-2009.

[25] Hoàng Minh Châu, Truyện trinh thám của một nhà thơ.- Dẫn theo Thế Lữ – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 437.

[26] Báo Văn nghệ Công an, ngày 1-6-2009.

[27] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 97.

[28] Báo Văn nghệ Công an, ngày 1-6-2009.

[29] Phạm Đình Ân (giới thiệu và tuyển chọn), Thế Lữ – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 16. Theo Văn Tâm, Đoàn Phú Tứ, con người và tác phẩm, NXB Văn nghệ TPHCM, 2001, trg 18: “Cùng Thế Lữ và Phạm Văn Khoa, phụ trách Thường vụ Ban Chấp hành Đoàn sân khấu Việt Nam (được thành lập trong Hội nghị Văn nghệ toàn quốc – 1948).- Theo Song Kim, Những chặng đường sân khấu, thì “Sang năm 1948 Đoàn Sân khấu Việt Nam được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội Văn nghệ Việt Nam” (trg 137).

[30] Thanh Tịnh, Độc tấu và hành trình theo kháng chiến.- Dẫn theo Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, NXB Khoa học xã hội, H, 1995, tr 140-141.

[31] Chính Hữu, Sự hình thành Lực lượng văn học trong quân đội và những bài thơ đầu tiên của tôi.- Dẫn theo Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, NXB Khoa học xã hội, H, 1995, tr 270.

[32] Lưu Trọng Văn, Chuyện những đôi mình.- Dẫn theo Thế Lữ – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 158.

[33] Hoài Việt (sưu tầm và biên soạn), Thế Lữ – Cuộc đời trong nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn, H, 1991, tr 53.

[34] Tú Mỡ toàn tập, T.2, NXB Văn học, H, 1996, tr 256-257.

[35] Văn Tâm, Đoàn Phú Tứ – Con người và tác phẩm, NXB Văn học, H, 1995, tr 28.

[36] Phan Trọng Thưởng, Thế Lữ, nghệ sĩ hai lần tiên phong, Tạp chí Văn học – Viện Văn học, H, số 7-1997.

[37] Một số tư liệu, ghi Thế Lữ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II vào năm 2001 là không đúng.

[38] Hoài Việt (sưu tầm và biên soạn), Thế Lữ – Cuộc đời trong nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn, H, 1991, tr 54.

[39] Nguyễn Quốc Thái, “bút danh cũng là tên khai sinh, sinh năm 1943, nguyên quán Hà Nội (Hà Đông cũ). Nguyễn Quốc Thái là nhà thơ có khuynh hướng phản chiến. Ông có thơ đăng trên các báo, tập san văn chương ở Sài Gòn từ những năm 60, nhất là trên các tạp chí: Hành trình, Đất nước, Trình bày, Nhà văn… Tác phẩm đã xuất bản: Thân phận quê hương và tôi (Trình bày, S, 1967), La Crépuscule de la violence (Trình bày, S, 1970). Sau ngày giải phóng, Nguyễn Quốc Thái hoạt động báo chí và sáng tác ở Thành phố Hồ Chí Minh” (Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, T.4, NXB Văn học, H, 2008, tr 863].

[40] Kinh Thánh (trọn bộ), NXB TPHCM, 2000, tr 684.

[41] Nguyễn Hiến Lê, Luận Ngữ, NXB Văn học, H, 1995, tr 39-40.

[42] Kinh Thánh (trọn bộ), NXB TPHCM, 2000, tr . 799.

[43] Giáo lý hôn nhân, NXB Tôn giáo, H, 2005, tr 23-24.

[44] Giáo lý hôn nhân, NXB Tôn giáo, H, 2005, tr 5.

[45] Giáo lý hôn nhân, NXB Tôn giáo, H, 2005, tr 7.

[46] Giáo lý hôn nhân, NXB Tôn giáo, H, 2005, tr 24.

[47] Thảo Nguyên, Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ, e-mail ngày 28-2-2009.

[48] Tú Mỡ toàn tập, T.2, NXB Văn học, H, 1996, tr 276.

[49] Thảo Nguyên, Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ, e-mail ngày 28-2-2009.

[50] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 133.

[51] Bùi Huy Phồn, Đường về Liên khu Ba.- Dẫn theo Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, NXB Khoa học xã hội, H, 1995, tr 363.

[52] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 133.

[53] Nguyễn Đình Nghi, Ông bố tôi.- Dẫn theo Thế Lữ – Cuộc đời trong nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn, H, 1991, tr 73-74.

[54] Thảo Nguyên, Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ, e-mail ngày 28-2-2009.

[55] Thảo Nguyên, Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ, e-mail ngày 28-2-2009.

[56] Báo Người Lao Động, ngày 30-3-2009.

[57] Báo Người Lao Động, ngày 4-5-2009.

[58] Báo Ngày nay, ngày 18-11-1939.

[59] Kinh Thánh (trọn bộ), NXB TPHCM, 2000, tr 846.

Comments are closed.