Người Việt – một câu hỏi lớn (13)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình.

NGUYEN THANH BINH - Copy

*Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?
-Có lẽ, tôi có một tuổi thơ không giống như nhiều người Việt khác. Nhà có bốn anh em, tất cả đều bắt đầu ở châu Âu, đều sống với nếp sống đó và tiếp thu nền giáo dục kiểu châu Âu từ nhỏ, vì ba tôi là đại sứ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tại Tiệp, Hung, Roumani, Nam Tư…). Khi về nước (1961) tôi dường như “lạc lõng” giữa đám trẻ Việt đồng lứa, vì luôn tỏ ra ngớ ngẩn, ngốc nghếch hơn chúng, điều đó ảnh hưởng đến tận bây giờ, khi cách suy nghĩ và nhìn nhận mọi việc không giống số đông.

Mẹ tôi vốn xuất thân từ gia đình đại điền chủ miền Tây, nhưng ông ngoại là một người cấp tiến, gia đình gia phong nền nếp, nên bà được ăn học đàng hoàng và sau này nuôi dạy các con nghiêm khắc. Ngược lại, ba tôi lại là người rất hiền, không bao giờ ngại trả lời những câu hỏi bất tận, nhiều khi ngô nghê của anh em chúng tôi. Ông có cuốn tự điển Larousse và tôi luôn làm phiền ông về những gì thấy trong đó…

*Ngày nhỏ anh/chị từng mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?
-Khi mới về nước, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người nhai “cây gậy” (!), mẹ giải thích rằng đó không phải là “cây gậy” mà là cây mía, Trong quá trình chuyển đổi từ ngôn ngữ châu Âu sang ngôn ngữ Việt (kể cả cách suy nghĩ), hình thành một tư duy ngôn ngữ (nếu có thể gọi như thế) hơi khác người Việt, do đó ngay từ nhỏ (từ khi nói thạo tiếng Việt) luôn nói gãy gọn và chính xác. Tuổi thơ, ước mơ thì nhiều, nhưng để nói “lớn lên sẽ làm gì” thì tôi không rõ lắm. Tuy nhiên tôi đặc biệt thích ngôn ngữ, thích đọc sách, thích “vặn vẹo” câu chữ.

Trong một giờ học địa lý (hồi học sơ trung bảy năm, trường Cao đẳng Mỹ thuật) cô giáo đứng trên bục giảng, nói: “Hôm nay chúng ta học về khí hậu”, ngồi dưới, tôi đế lên: “Khí hậu lậu bậu…”, kết quả là phải đứng úp mặt vào tường ở góc lớp. Năm đó, tôi mới mười hai tuổi. Những “tình huống” như thế nhiều vô kể.

Ngày ấy, Viện Ngôn ngữ sơ tán gần trường Mỹ thuật, trong viện có chú Tăng Thiên Tắc, vốn tu nghiệp tại Tiệp Khắc những năm gia đình tôi còn bên đó, nên ba tôi thường “gửi gắm” cho chú, mà tôi cũng rất thích sang đó chơi, để lục xem tủ “tư liệu” của chú Tắc. Chú phụ trách hai mục từ là “O” và “P”. Vì thế ngay từ hồi đó, tôi đã biết cấu trúc và cách thực hiện một cuốn từ điển. Nhưng, tôi đã không trở thành nhà văn hay nhà báo. Tuy nhiên, trở thành “họa sĩ” không phải “ước mơ” của tôi, mà chỉ đơn giản vì ngày ấy học văn hóa vừa dốt vừa lười, lại ở nơi sơ tán, không có ba mẹ và người thân, nên có nhiều điều kiện “lêu lổng” với một tương lai vô tích sự. Ba tôi có người bạn thân (ông Trần Văn Lắm, cũng là đồng hương Nam Bộ) là Hiệu phó trường Mỹ thuật, và nghe nói ở trường đó, phần văn hóa “nhẹ” hơn trường ngoài, nên ông bà quyết định gửi tôi vào đó, dù thật sự, tôi không có năng khiếu gì.
Số phận đã dẫn tôi đi trên con đường đầy khó khăn đó, bởi vì, thay cho năng khiếu (là yếu tố quan trọng, cho những ai học các ngành nghệ thuật), tôi phải nỗ lực tìm kiếm chỗ dựa ở kỹ năng và kỹ thuật, lấy đó làm công cụ khơi mở cảm xúc, ngược lại với đồng nghiệp. Vì thế, tôi không tìm kiếm một chỗ đứng mà tìm một con đường. Sau những năm dài lần mò, tôi đã ra đến đường lớn.

*Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?
-Ở châu Á, có lẽ chỉ người Tàu và người Việt có tính lươn lẹo, không trung thực, trước mặt nói một đằng, sau lưng nói một nẻo, và thường là nội dung không thiện cảm. Người Việt không có nhân sinh quan và thế giới quan đặc thù của mình, mà chủ yếu chịu ảnh hưởng rất sâu từ văn hóa Tàu. Khi người Pháp bắt đầu công cuộc “khai hóa” thuộc địa ở Đông Dương, thì một lớp trí thức kiểu phương Tây cũng hình thành. Tuy nhiên, bên cạnh sự phân hóa giữa tầng lớp chịu ảnh hưởng Nho giáo cũ với giới tân học, có một thiểu số trung hòa giữa hai bên, tạo ra một lớp trí thức có bản sắc.
Người Việt sống với truyền thống dân gian của mình thì khi lập quốc, cần cù, lam lũ trong cái “nhân sinh quan” làng xã, những cơn sóng của ánh sáng văn minh ập vào rồi lại dội ra bởi chiến tranh và cách mạng, không còn thời giờ để mở mắt, mà tạo nên một “thế giới quan”.
Như vậy, để  “xây dựng” lại nhân sinh quan nhân bản hay thế giới quan minh triết, vốn nhỏ hẹp và bị vò nát hơn nửa thế kỷ qua, chẳng những phải thay đổi nền tảng giáo dục mà cả thể chế.

*Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?
Ít có dân tộc nào mà suốt chiều dài lịch sử toàn đánh nhau. Tháng 3 năm 1975, khi trận đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột kết thúc, lúc hành quân vào nội đô, đập ngay vào mắt tôi bảng quảng cáo Coca Cola to tướng, đỏ thắm, nổi bật trên nền cây xanh. Đối với tôi, thứ nước giải khát ấy không lạ, vì đã biết đến nó thời thơ ấu. Lúc vào nhà một gia đình công nhân đồn điền cao su, ấn tượng không bao giờ quên là thái độ của gia đình ấy: không vồn vã cũng không thờ ơ. Họ lấy nước cho uống, với một vẻ bình thản kỳ lạ, và khi nhìn thấy trong căn nhà cũng đơn sơ, vách gỗ lợp tôn có ti vi, có xe máy, có cả chiếc tủ lạnh nhỏ, tôi ngay lập tức hiểu rằng “… Họ đâu có cần ai đến giải phóng!”. Cuộc sống của họ tuy là công nhân nghèo, nhưng điều kiện vật chất vượt xa 99.9% người dân miền Bắc!

Hồi ấy ngoài Bắc chỉ vài gia đình cán bộ cao cấp mới có tủ lạnh, ti vi thì hầu như không có vì chưa có đài phát! Tôi được xem ti vi từ nhỏ ở Praha, nên không lạ lẫm gì cái thiết bị gia dụng ấy, nhưng với tất cả lính tráng kể cả sĩ quan đơn vị tôi, thì chưa ai biết nó là cái gì. Vài năm sau, sau khi xuất ngũ (1978) lững thững đi bộ từ ga Hàng Cỏ về nhà (số 6 Chu Văn An, Ba Đình – Hà Nội), cảm giác hoàn toàn trống vắng, không vui, không buồn…

Không có chìa khóa vào nhà, ngồi trên bậc cầu thang đợi ông già về, tôi ngồi nhớ lan man về quãng thời gian đã qua, chợt nhận ra rằng: “Đó là một cuộc nội chiến tương tàn, thảm khốc!”.
Càng những năm sau này, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc đó, càng củng cố nhận thức rằng: Lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đau khổ, không có gì đáng tự hào cũng chẳng có gì để hối tiếc. Chiến tranh chống ngoại xâm hay nội chiến, chỉ là những cơn sốt của một cơ thể cố gắng sống còn, một khi đã bước qua, không có điều gì để hối tiếc… Có chăng, chỉ là hối tiếc những gì tốt đẹp đã bị hủy hoại.

*Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?
-Cách đây gần thế kỷ, sử gia Trần Trọng Kim từng nhận xét: “… Người An Nam đã lười nhác lại hay ăn cắp vặt ...”.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng tắt mắt, nhưng nói chung tính cách người Việt nhạt.
Thật thà ư? Người Thái, người Lào mới là thật thà.
Cần cù ư? Nông dân ở đâu cũng cần cù.
Dũng cảm ư? Tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản há chẳng phải điển hình của lòng dũng cảm.
Thông minh ư? Nhìn công cụ lao động và vật dụng sinh hoạt truyền thống của người Việt xem, mấy ngàn năm không thay đổi…
Nói chung, tính cách người Việt không có gì nổi bật, vì nếu nói đến “dân tộc” phải đặt nó trên bình diện “giữa các dân tộc”, nếu không, chỉ là việc “mèo khen đuôi mèo”.
Nhưng một tính cách nhạt nhoà, tự thân không có gì xấu, không có gì để tự ti hay tự ái, mà nó là điều cần được nhìn thấy để sửa đổi.
Cách đây nhiều năm, trong một buổi nói chuyện đề tài tương tự (về thơ) trong buổi khai trương Cà phê thứ bảy, chủ toạ đưa ra một câu hỏi: “Người Việt có tính sáng tạo không?”. Tôi phát biểu: “Thật sự, người Việt không có tính sáng tạo!”. Tôi đã làm dấy lên một cuộc tranh luận ồn ào kéo dài sau đó!
(Há há há… )

Người Việt giàu lòng tự ái chứ không biết tự trọng, ưa cãi lộn chứ không biết tranh luận một cách trí tuệ.
Đó chính là hệ quả của một lịch sử chiến tranh liên miên, phân hoá rã rời của một xã hội nông nghiệp.
Hẳn ai cũng thấy, nhiều người Việt đã thành công, thậm chí đạt đến địa vị cao ở các quốc gia văn minh. Điều ấy nói rằng: Tính cách và trí tuệ người Việt tuy chẳng hơn ai nhưng cũng không thua kém ai. Do đó, thể chế mới chính là yếu tố quyết định để thay đổi, chẳng những tính cách mà cả nếp sống xã hội theo chiều hướng tốt hơn.
Tại sao?
Ta hoàn toàn có thể thấy miền Nam trước 1975 hay Việt Nam trước 1954, đang định hình theo chiều hướng mà hôm nay ta phải “mong đợi, ước ao”. Đó cũng là điều ta phải hối tiếc cho lịch sử tang thương của dân tộc!   

*Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt? 
Chỉ mới mười lăm năm học Phật, biết đến và hiểu được bản chất của khái niệm vô thường. Không có gì thường trụ mãi mãi, vì thế tôi tin chắc rằng mọi sự sẽ thay đổi mà không cần phải hy vọng, không cần phải trông chờ vào những điều mong manh, không thực.

Comments are closed.