Thuật ngữ chính trị (1)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

1. Absolutism – Quân chủ chuyên chế. Chế độ quân chủ tuyệt đối, là chính thể mà nhà vua nắm thực quyền. Chế độ này không có hiến pháp. Chế độ quân chủ chuyên chế đã có mặt từ thời cổ đại và phát triển mạnh tại các quốc gia phong kiến phương Đông. Chế độ này thịnh hành ở các nước châu Âu vào thế kỷ XIX.

Chế độ quân chủ chuyên chế cổ đại coi quân chủ tương đương với thần thánh, quân chủ là hình ảnh của thần thánh ở trần thế, lời của quân chủ là ý muốn của thần thánh vì quân chủ là người duy nhất có thể gặp và nói chuyện với thần thánh. Và dân chúng phải phục tùng quân chủ như phục tùng thần thánh. Ở Ai Cập cổ đại, Pharaoh được coi là hình ảnh của thần Bầu trời trên trần thế. Hình ảnh trên bia đá Bộ luật Hammurabi, vị vua này đang tiếp nhận ý muốn của thần Công lý Shamash,…. Sang thời phong kiến, đặc biệt ở các nước Á Đông, ví dụ Trung Quốc, Việt Nam, chế độ quân chủ chuyên chế mang tính chất thế tục hơn, nhưng nhà vua vẫn được coi là Thiên tử, thần dân phải tuyệt đối trung thành, đến mức: “Quân xử thần từ, thần bất tử bất trung”. Một ví dụ điển hình về chế độ quân chủ chuyên chế châu Âu là nước Pháp dưới triều vua Louis XIV. Các vua Pháp trước thời Louis XIV đã xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở một mức độ nào đó, nhưng Louis XIV mở rộng hơn hẳn. Vào đầu thế kỷ XVIII, tất cả những người bảo hoàng và phê bình trên khắp nước Pháp và châu Âu đều coi uy quyền của ông là độc đoán. Chế độ quân chủ chuyên chế của ông cũng được các nước Nga, Phổ và Áo noi theo.
2. Accountability – Trách nhiệm giải trình. Đòi hỏi người đại diện trả lời về cách sử dụng quyền lực và thực thi nhiệm vụ cũng như hành động trước những lời phê bình. Trong đạo đức và quản trị, trách nhiệm giải trình, có nguồn gốc Latin là accomptare (giải thích), là trách nhiệm giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ hay những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình khi được yêu cầu. Là một khía cạnh trong ngành quản trị, nó là trung tâm của các cuộc thảo luận liên quan đến các vấn đề trong khu vực công, các bối cảnh phi lợi nhuận và tư nhân (doanh nghiệp) và cá nhân. Trong vai trò lãnh đạo, trách nhiệm giải trình là sự ghi nhận và giả định về trách nhiệm đối với hành động, sản phẩm, quyết định và chính sách bao gồm cả việc quản lý, quản trị, và thực hiện trong phạm vi vai trò hay vị trí làm việc, bao gồm nghĩa vụ báo cáo, giải thích và chịu trách nhiệm về hậu quả.
Trong quản trị, nó thường được mô tả như là một mối quan hệ giải trình giữa các cá nhân, ví dụ A có trách nhiệm giải trình đối với B khi A có nghĩa vụ thông báo cho B (trong quá khứ hay tương lai) về hành động và quyết định của A, để biện minh cho chúng, và phải chịu hình phạt trong trường hợp có hành vi sai trái.
3. Activist – Nhà hoạt động. Nhà hoạt động là người có niềm tin mạnh mẽ rằng có thể thực hiện được những thay đổi trong lĩnh vực chính trị và xã hội và tìm cách thực hiện những thay đổi như thế. Các nhà hoạt động là những người tình nguyện, làm việc trong các đảng phái chính trị, các nhóm hoặc tổ chức dân sự.
4. Additional member system – sẽ hoàn thiện khi soạn về tổ chức bầu cử.
5. Administrative law Luật hành chính. Luật hành chính là bộ phận luật pháp quản lí hoạt động của các cơ quan hành chính của chính quyền. Hoạt động của cơ quan chính phủ có thể bao gồm việc hoạch định chính sách, xét xử, hoặc thực hiện một chương trình nghị sự về quản lý cụ thể. Luật hành chính được coi là một nhánh của luật công. Là một bộ phận luật pháp, luật hành chính liên quan đến việc ra quyết định của các đơn vị hành chính của chính phủ (ví dụ tòa án, ban hoặc ủy ban) thuộc một chương trình quy định quốc gia trong các lĩnh vực như luật cảnh sát, thương mại quốc tế, sản xuất, môi trường, thuế, phát thanh, nhập cư và vận tải. Luật hành chính đã mở rộng rất nhiều trong thế kỷ XX, khi các cơ quan lập pháp khắp thế giới đã tạo ra nhiều cơ quan của chính phủ để điều chỉnh các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị trong tương tác của con người với nhau. Luật dân sự thường có các tòa án đặc biệt, các tòa hành chính, xem xét các quyết định này.

6. Adversary politics – Chính sách kình địch. Đấy là khi xảy ra bất đồng sâu sắc giữa các chính đảng lớn. Trái ngược với chính sách đồng thuận. Chính sách kình địch xảy ra khi một đáng (thường không nằm trong chính phủ) có quan điểm trái ngược (chí ít là khác) với quan điểm của đang kia (thường là chính phủ) ngay cả khi về mặt cá nhân họ đồng ý với cách làm của chính phủ. Thuật ngữ này được S. E. Finer trình bày trong cuốn Adversary Politics and Electoral Reform (1975).
7. Affirmative action – Chính sách nâng đỡ. Chính sách trong đó màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của một cá nhân được một doanh nghiệp hoặc chính phủ đưa vào xem xét để tăng các cơ hội cho một bộ phận của xã hội. Chính sách nâng đỡ được thiết kế để tăng số lượng người từ các nhóm nhất định trong các doanh nghiệp, tổ chức và các lĩnh vực khác trong xã hội mà họ có lịch sử đại diện thấp. Nó thường được coi là một phương tiện chống lại sự phân biệt đối xử đã ăn sâu vào thâm căn cố đế chống lại một nhóm cụ thể trong xã hội.
Ở Việt Nam chính sách nâng đỡ được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục dành cho đồng bào thiểu số hoặc vùng sâu, vùng xa.
Ở Mỹ, chính sách nâng đỡ đã xuất hiện vào những năm 1960 như một cách để thúc đẩy cơ hội bình đẳng giữa các nhóm khác nhau trong xã hội. Nó được phát triển như một cách để thực thi Đạo luật Dân quyền năm 1964, nhằm tìm cách loại bỏ sự phân biệt chủng tộc tại thời điểm đó. Ngày nay, chính sách nâng đỡ có cả những người ủng hộ mạnh mẽ và các nhà phê bình bảo thủ.
8. Agenda-setting theory – Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự. Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự do Max McCombs và Donald Shaw đưa ra trong công trình nghiên cứu về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968. Thiết lập chương trình nghị sự là một lý thuyết khoa học xã hội; nó cũng cố gắng đưa ra dự đoán. Lý thuyết cũng cho thấy rằng phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn dân chúng, bằng cách thường xuyên nói với họ rằng nên nghĩ về cái gì. Tức là, nếu một tin tức nào đó được nói đi nói lại và nhấn mạnh thì dân chúng sẽ coi vấn đề này là quan trọng hơn.
Thiết lập chương trình nghị sự là tạo ra nhận thức xã hội và những mối quan tâm về các vấn đề nổi bật bởi các phương tiện truyền thông. Đồng thời, Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự mô tả những biện pháp mà truyền thông đại chúng tìm cách gây ảnh hưởng đến khan thính giả và lập ra hệ thống phân cấp về mức độ phổ biến tin tức. Hai định đề cơ bản làm nền tảng cho hầu hết các nghiên cứu về thiết lập chương trình nghị sự:
– báo chí và truyền thông không phản ánh đúng thực tế; họ chọn lọc và định hình thực tế;
– tập trung truyền thông vào một số vấn đề và chủ đề khiến công chúng cho rằng những vấn đề đó quan trọng hơn các vấn đề khác.

Tóm lại, đây là khoa học hoặc nghệ thuật kiểm soát chương trình nghị sự nhằm làm gia tăng đến mức tối đa khả năng mang lại kết quả mà mình mong muốn.

Comments are closed.