“Các bạn tôi ở trên ấy” như là thể loại essay (*)

Phạm Thị Phương

Khoa Ngữ văn ĐHSP TP HCM

Tóm tắt: Dựa vào đặc trưng thể loại, bài viết chứng minh tập văn xuôi “Các bạn tôi ở trên ấy” thuộc về thể loại essay; đồng thời cũng cho thấy dáng dấp và cốt cách essay đã hình thành bền bỉ lâu nay trong suốt hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc, như một kiểu “thi pháp” của ông.

Từ khóa: Các bạn tôi ở trên ấy, essay, Nguyên Ngọc, Tây Nguyên

Nói đến tác phẩm văn học – nghệ thuật ta thường quy nó về một thể loại nhất định. Tuy nhiên không hiếm bất đồng xảy ra khi khuôn tác phẩm vào thể loại nào đó. A. Chekhov gọi Vườn anh đào của mình là “hài kịch”, các nhà phê bình đương thời ông gọi là “chính kịch”, còn đạo diễn K. Stanislavski khi dàn dựng trên sân khấu lại muốn thấy nó như một vở “bi kịch”[1]. M. Prishvin từng bị ta thán về cách đặt tên thể loại không theo một nguyên tắc lí luận nghiêm nhặt nào cả. Những tác phẩm mà ông gọi là “ký” được các vị trong Hội nhà văn Liên-xô đặt lại thành “trường ca”; và ngược lại, khi ông gọi Kalyaevka của mình là “trường ca” thì người ta lại bảo đó là “ký”[2]. Phạm Vĩnh Cư gọi vở Uyên ương là “kịch trữ tình”, vở Kinh Kha là “kịch anh hùng – lịch sử”, trong khi đó tác giả Vi Huyền Đắc gọi hai tác phẩm ấy của mình là “bi kịch”[3]. Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam lâu nay vẫn được gọi lúc là “tùy bút”, lúc là “bút ký”[4]… Có muôn vàn lí do dẫn đến sự không thống nhất ấy. Cũng có thể, hoặc nhà văn ngụ ý nhấn mạnh đặc điểm thi pháp nào đó của mình, hoặc nhà văn/ nhà phê bình, tuy ý thức được sự “tràn bờ” của thể loại, nhưng, để gọi cho tiện, cứ khuôn nó vào một thể loại nhìn bề ngoài gần nhất với tác phẩm? Ngày hôm nay sự “tràn bờ”, “lấn sân”, “vượt biên” giữa các thể loại diễn ra rộng khắp và công nhiên, mỗi lúc lại làm cho đời sống của thể loại trở nên phồn tạp và sôi động hơn. Và tính chất “động” này của thể loại được nhìn thấy rõ nhất, có lẽ, trong essay[5] – một hình thức năng sản nhất trong văn học hiện đại và ngày càng thể hiện vai trò của mình như một thể loại đặc biệt và phức tạp. Trước tình hình đó, một số nhà lí luận đề xuất xếp essay thành nhóm thể loại văn học thứ tư, bên cạnh kịch, tự sự và trữ tình.

Trong bài viết này tôi muốn bàn đến tác phẩm Các bạn tôi ở trên ấy[6] của Nguyên Ngọc. Trang bìa cuốn sách ghi là “Bút ký”. Dựa vào đặc điểm thể loại, theo tôi, có lẽ nên coi tập văn xuôi này là essay thì thích hợp hơn.

Trong ngôn ngữ Nga, từ “essay” (эссе) và “ký” (очерк) không hiếm khi được coi là từ đồng nghĩa. Một số từ điển, ví dụ Từ điển Giải nghĩa Ushakov (Толковый словарь Ушакова, M., 1935, 1940), cho rằng эссе cũng là очерк và очерк cũng là эссе. Còn Từ điển tiếng Nga Ozhegov (Словарь русского языка Ожегова, 1977, 1982) chỉ có mục từ очерк. Tính nhập nhằng càng gia tăng, khi văn học Xô-viết đưa ra những hình thức lai ghép trong phân loại ký: “ký sự trữ tình”, “ký sự triết học”, “ký sự văn xuôi”… Bản thân thể loại ký trong nửa đầu thế kỉ XX đang trải qua thời kì hình thành và bổ sung lí thuyết, có những gập ghềnh phức tạp, hầu như ít để ý đến xu hướng là chính mình đang bị “essay hóa”. Văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 – một dòng văn học rất dồi dào “ký sự người thật việc thật” – cũng chịu ảnh hưởng của cách nhìn này, dẫn đến những thể loại gần với kí như tùy bút, phóng sự đang độ phát đạt hồi tiền chiến mờ nhạt hẳn.

Ký là một thể loại phức tạp, có sự kết hợp giữa yếu tố báo chí và văn xuôi. Tính thể loại của nó được xác định bằng ba nguyên tắc: xã hội học, báo chí nghiệp vụ và hình tượng. Hai cái đầu làm cho nó liên kết với báo chí, cái sau – với văn học. Như thế, nhìn bề mặt, ký và essay có nhiều điểm chung. Tuy nhiên có một sự khác biệt cơ bản giữa chúng là vai trò của sự kiện. Trong khi ký coi sự kiện là trung tâm (nên còn gọi là ký sự?), là nòng cốt phát triển mạch tự sự lớp lang, thì với essay, sự kiện chỉ là cái cớ gây ấn tượng, liên tưởng, khơi gợi những suy tư, nghiền ngẫm về cuộc sống, về khoa học, về nghệ thuật… Montaigne gọi tính mạch lạc của ký là “ý sau nhìn vào gáy ý trước”, còn ở essay ý kiến ngổn ngang không theo trật tự trước sau, chúng “liếc nhìn nhau”[7]. Trong essay là một dòng chảy tự do của thông tin, và thông thường vắng bóng cốt truyện.

Phải thừa nhận rằng tập văn xuôi Các bạn tôi ở trên ấy dồi dào chất ký, nhưng chất “ký”, cũng như chất “tùy bút”[8] quan sát thấy trong này, chỉ là những yếu tố được pha trộn của một kiểu sáng tác mang phẩm chất essay thôi.

1. Lộ trình đến với essay của Nguyên Ngọc

Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc trải dài trên một khoảng thời gian đáng nể. Hơn 60 năm qua, trong số các tác giả đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ đến nay, ông là một trong số rất ít người vẫn còn viết, viết đều đặn, viết theo sự “đặt hàng” của chính mình, ngày càng thú vị. Lộ trình sáng tạo của Nguyên Ngọc làm người ta liên tưởng đến tinh thần tích lũy và tích hợp của thể loại essay – một quá trình vận động tiến tới tổng hợp những lĩnh vực tri thức bị tách biệt, được hội tụ để “thử nghiệm” gắn kết với nhau, cùng tham gia “trải nghiệm” cuộc sống xung quanh. Nhìn lại lộ trình ấy, từ Đất nước đứng lên (1955), Mạch nước ngầm (1960), Rẻo cao (1960), Đường chúng ta đi (1963), Rừng xà nu (1965), Đất Quảng (1971),… đến những tác phẩm sau này, Có một con đường trên biển Ðông (2000), Cát Cháy (2002), Tản mạn nhớ và quên (2004), Nghĩ dọc đường (2005), Lắng nghe cuộc sống (2006), Bằng đôi chân trần (2008), Các bạn tôi ở trên ấy, (2013) ta thấy một Nguyên Ngọc đi từ văn xuôi dài hơi đến đoản thiên, từ văn học hư cấu đến phi/ bán hư cấu, từ thể loại “thuần khiết” tương đối nghiêm nhặt về thi pháp, đến thể loại “pha trộn” và tổng hợp mà đường biên thể loại được nới lỏng. Ngay cả giọng điệu, văn phong cũng theo mạch đó: Đất nước đứng lên âm vang huyền thoại, Rừng xà nu đặc sắc sử thi, Đường chúng ta đi dồi dào âm hưởng hịch…; còn các tác phẩm sau này, trong đó có Các bạn tôi ở trên ấy, giọng điệu ngày càng đa sắc hơn, văn ngôn và đàm thoại hòa trộn. Phạm Duy Hiển gọi Nguyên Ngọc trước kia là “tráng sĩ – nhà văn” còn bây giờ là “một nhà văn hóa được trang bị kiến thức Đông Tây kim cổ”[9] với những trang viết gần gũi với đời sống hơn. Bản thân Nguyên Ngọc cũng tự ngẫm thấy điều đó rõ rệt: “…tôi đi ngược. Thường thì người ta đi từ bút ký, “lên” truyện ngắn, rồi mới “lên” tới tiểu thuyết. Tôi lại lần mò đi dần hơn 50 năm từ tiểu thuyết “xuống” truyện ngắn, cuối cùng “xuống” bút ký. […] Riêng với tôi, qua cuộc đời sáng tác dài, cuối cùng tôi đã bị lôi cuốn bởi bút ký vì khả năng to lớn đến không ngờ của nó có thể trộn lẫn tất cả, hiện thực khắc nghiệt và tưởng tượng bay bổng, phi hư cấu nghiêm nhặt và thả lỏng tự do, trữ tình say đắm và chính luận chặt chẽ, cả suy tư lan man và triết luận sâu xa […] dễ tìm được không gian thật rộng cho biểu đạt tự do[10].

Những dòng tự bạch trên của Nguyên Ngọc cho thấy hai điều: thứ nhất, thực chất của việc “lên” và “xuống” ấy là quá trình trải nghiệm để đi đến sự tổng hợp nào đó về hiện thực đáng tin cậy hơn, ở cả chiều kích sâu xa của triết học, ở cả chiều kích gần gũi của đời thường, mà người viết cần đến độ trải đời, lịch duyệt nào đó mới có được – điều này dễ làm ta liên tưởng đến phẩm chất của người viết essay; thứ hai, việc xác định những phẩm tính ngòi bút mà ông gọi là “bút ký” trên, thực chất chính là phong cách của essay – được thể hiện rõ trong tập văn xuôi Các bạn tôi ở trên ấy. Trong cuốn sách này, Nguyên Ngọc thật sự là người viết essay – một cây bút chuyên nghiệp của thể tài tài tử, nghệ nhân phối màu cho bức tranh đa sắc, nghệ sĩ của những ý tưởng bay bổng tự do, triết gia trầm tư về mạch nguồn văn hóa và cõi nhân sinh, nhà báo phản biện ưu thời mẫn thế. Những phẩm chất ấy bài viết sẽ bàn cụ thể hơn ở phần sau.

Mà thật ra, không cần đến tận Các bạn tôi ở trên ấy, văn chương của Nguyên Ngọc mới có cốt cách của essay. Cái hơi hướng này đã ngầm chảy trong suốt mạch sáng tác của ông, dai dẳng như một kiểu “thi pháp Nguyên Ngọc”, được thấy rõ nhất trong sự “trộn lẫn” yếu tố “phi hư cấu nghiêm nhặt” với yếu tố hư cấu “thả lỏng tự do, trữ tình say đắm”, ngay từ tác phẩm đầu tiên, định hình cho một phong cách trở về sau. Tiểu thuyết Đất nước đứng lên ra đời trong phong trào sáng tác loại truyện anh hùng, “người thật việc thật”, nguyên mẫu bok Núp là có thật, không gian và các sự kiện là có thật, nhưng cốt truyện lại được xây dựng bằng toàn bộ vốn sống và trí tưởng tượng bay bổng của cây bút thử sức lần đầu ở lứa tuổi 23. Nhiều tác phẩm sau này cũng thế, như Rẻo cao, Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, Rừng xà nu…, Nguyên Ngọc luôn đưa các nhân vật anh hùng từ đời sống hiện thực hòa vào cái bay bổng giàu chất thơ của hư cấu, của điển hình hóa, lí tưởng hóa. Ông trộn ký vào truyện ngắn, vào tiểu thuyết, nhẹ nhàng như không. Đọc Trở lại Mèo Vạc mà tác giả đề tên là “ký”, Trần Đăng Khoa gọi đó là “một truyện ngắn hoàn chỉnh”[11]. Có thể nói, ngay từ hồi nào Nguyên Ngọc đã bắt đầu “essay hóa” sáng tác của mình, thể nghiệm nhiều hơn một thể loại, nhiều hơn một phong cách trong một tác phẩm; nói một cách hơi to tát là làm giãn bớt tính cứng nhắc, giáo điều, toàn trị của đường lối văn nghệ một thời, bởi trong bản chất, essay mang sẵn mầm mống của sự cởi mở, bình đẳng, đa nguyên. Sự phi nghiêm cẩn đã lặng lẽ xảy ra trong một hệ hình văn học nghiêm cẩn, lại ở một nhà văn hàng đầu và được coi là “mẫu mực” của nền văn học ấy, nhưng không hề gây một cú sốc nào, kiểu như Trần Dần. Nguyên Ngọc không hề tuyên bố cách tân, ông chỉ, một cách hết sức tự nhiên, thể nghiệm những gì mà tài năng và sự nhạy bén mách bảo. (Sự nhạy bén và tài năng ấy còn thấy ở ông trong tư cách một nhà nghiên cứu, nhà lí luận và phản biện xã hội).

Ngay từ cuối thập niên 80, với sự nhạy bén ấy, Nguyên Ngọc là người Việt Nam đầu tiên bị hút vào dòng “văn học-tư liệu”, trước hết là của Svetlana Alexeivich, một kiểu sáng tác, như ông nhận xét, “triệt hạ, phá vỡ tất cả ranh giới giữa các thể loại, giữa hư cấu và phi hư cấu, truyện ngắn với tiểu thuyết, bút ký” mà chính ông gọi là “essay”[12]. Và điều đó không phải ngẫu nhiên. Những thập niên cuối thế kỉ XX “văn học-tư liệu” và một loạt hiện tượng văn học vốn bị xếp là “ngoại vi” bắt đầu bung ra khỏi khuôn khổ bức bối chật chội của văn học truyền thống, tìm cho mình tiếng nói càng ngày càng dõng dạc. Irzhi Gaek ghi nhận: “Các loại báo cáo thông tấn, essay trữ tình, hồi ức, tự truyện và tất cả những gì trước đây bị coi là văn học đại chúng, là loại “phi cốt truyện”, “ngoại vi”, bỗng dứt mình khỏi tình trạng phi chính thức, bứt lên chiếm vị trí thượng phong, trở thành một phần thiết yếu, quan trọng, và tất nhiên không còn là là “ngoại vi” nữa của văn học[13].

Essay không chịu một khuôn khổ quy ước sẵn có, nó luôn “vượt rào” sang các thể loại khác, nhưng không bao giờ hoàn toàn thuộc về thể loại nào. Nó xóa nhòa ranh giới giữa văn học hư cấu và văn học phi hư cấu, giữa văn ngôn với đàm thoại. Nó là-tất-cả nhưng không phải là thể loại hoàn-toàn nào, bởi khi hoàn toàn là cái gì thì nó chấm dứt là essay. Văn bản essay vì thế giống như một bức khảm, có thể cùng lúc cài vào nhiều hình thức như tự bạch, nhật ký, ghi chép, tự truyện, triết lí v.v. Điều này làm cho phong cách essay không đơn điệu, cùng lúc có thể kết hợp nhiều phong cách: văn học, báo chí, khoa học, kết hợp văn ngôn với đàm thoại…

Nhìn toàn cục, tập Các bạn tôi ở trên ấy toát lên sự bứt phá các giới hạn, sự tích hợp của các phong cách và thể loại: tính xác thực của đời sống toát ra từ tư liệu, sự khái quát hóa và tính tư tưởng toát ra từ triết lý suy tư, tính hình ảnh cụ thể và sinh động toát ra từ văn chương; có phần là tự vấn – giống như tự bạch, có phần bình luận – giống như bài báo, có phần trần thuật – giống như chuyện kể… Chúng kết hợp hài hòa với nhau, không cái nào lấn át cái nào. Cuốn sách đạt số phiếu đối đa ở vòng chung khảo văn xuôi Hội Nhà văn Hà Nội 2013. “Tỷ lệ tuyệt đối ấy cho thấy cuốn sách có tư tưởng, kiến thức, tình yêu với đối tượng, thể hiện qua giọng văn đắm đuối; những yếu tố hiếm khi đứng chung được cùng nhau[14].

2. Tinh thần essay của đề tài Tây Nguyên

Dường như đi đâu rồi cuối cùng Nguyên Ngọc cũng trở về với Đất, Nước, và nhất là Rừng. Với Các bạn tôi ở trên ấy không phải là lần đầu tiên nhà văn thử nghiệm đề tài Tây Nguyên. Nó như một vòng xoáy ốc, trở đi trở lại suốt đời ông, là “mạch nước ngầm”, càng ngày càng sâu thẳm, da diết, bi thiết hơn, đồng thời cũng là mảng sáng tác thành công nhất của ông. Cả 3 giải thưởng sáng tác văn học của ông đều thuộc về đề tài này: tiểu thuyết Đất nước đứng lên (giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1955), tập truyện ngắn Rừng xà nu (giải thưởng của Hội văn nghệ giải phóng Miền Nam 1965), và tác phẩm Các bạn tôi ở trên ấy (giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2013). Hai tác phẩm đầu về Tây Nguyên trong chiến tranh, tác phẩm cuối là Tây Nguyên thời bình. Nguyên Ngọc viết: “Hóa ra cả ba lần đều về Tây Nguyên. Vậy đó, đối với tôi Tây Nguyên là một số kiếp. Nếu có người chịu khó đọc cả ba tác phẩm của tôi vừa kể trên, hẳn có thể thấy càng về sau càng bi tráng hơn, hay nói thẳng ra, càng buồn hơn[15]. Cái buồn nghịch lí này làm cơ sở cho cảm hứng essay.

Bản thân đề tài Tây Nguyên đã tiềm ẩn một tinh thần essay.

Đó là sự dung hợp hài hòa nhiều lĩnh vực – điều vốn ẩn chứa trong tính nguyên hợp cố hữu của nền văn hóa khu vực.

Đó là sự chưa hoàn kết và biên độ mở của tính ứng tác nghệ thuật và tâm thế trải nghiệm trong hành trình sáng tạo.

Tinh thần essay được hiểu như quá trình tích hợp nhiều lĩnh vực văn hóa, là sự vận động tiến tới tổng hợp tư duy hiện thực, triết học, nghệ thuật… – vốn từ xa xưa gắn bó chặt chẽ trong tính nguyên hợp của văn hóa dân gian, văn hóa trung đại, dần dần bị tách ra, phân chia thành những bộ phận/lĩnh vực/thể loại riêng với những đặc trưng rạch ròi nhằm xác lập ranh giới khu biệt. Trong thế giới hiện đại có thể quan sát tính chuyên môn hóa đang tiến những bước rất xa, đến nỗi không hiếm khi đại diện các lĩnh vực văn hóa không còn hiểu được nhau nữa. Xuất hiện vô số nền vi văn hóa (microcultures): văn hóa thể thao, văn hóa bóng đá, văn hóa cờ vua, văn hóa toán học… cùng cất tiếng nói tự trị, độc tôn giá trị chuyên biệt của mình trước các giá trị đồng đẳng khác. Tinh thần essay không phải là lắp ghép, hòa trộn máy móc các cấu thành đang phân rã ấy, mà là sự tổng hợp mới nhằm tìm lại hài hòa bên trong, giảm thiểu nguy cơ đụng độ giữa các thái cực có thể phá hủy thế cân bằng của đời sống xã hội và con người. Quá trình tích hợp này có thể tìm lại được trong tính nguyên hợp của một số nền văn minh văn hóa khu vực. Tây Nguyên là một khu vực như vậy.

Giữa lúc bi kịch chuyên biệt hóa các phân môn diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp, Tây Nguyên vẫn ít nhiều giữ lại được cho mình tính nguyên hợp của nền văn minh nương rẫy. Với trục phương thức sản xuất theo nông lịch và lễ thức thờ cúng đa thần “vạn vật hữu linh”, nền văn minh nương rẫy của các cư dân thiểu số Tây Nguyên đến nay vẫn giữ được tính toàn thể cộng đồng, tổng thể nguyên hợp. Trước hết là sự đan xen và hỗn dung văn hóa. Cộng sinh trên cùng một vùng đất cao nguyên, các tộc người Tây Nguyên, dù mẫu hệ, phụ hệ hay song hệ, dù ngữ hệ Malayo-Polynésien hay Môn-Khmer, bao đời nay vẫn gắn bó khắng khít trong giao lưu và giao thoa văn hóa. Tiếp đó là cách thế sống của cư dân bản địa trong sự hài hòa, không tách biệt của con người với thiên nhiên, của cá nhân với cộng đồng, của nghệ thuật với cuộc sống… Trong mối quan hệ với thiên nhiên, con người Tây Nguyên luôn “chông chênh” giữa rừng (thiên nhiên) và xã hội, không bao giờ dạt được hẳn về phía nào. Rừng réo gọi họ. Và hễ là người Tây Nguyên đích thực, như Đinh Núp, H’ Ben, Y Dơn, Su Man, Hrúck, Nay Nô…, hay là người say mê hương vị “phương xa” (exotique) như anh lính thông tin Năm, trưởng trạm phát thanh truyền hình Nguyên, nghệ sĩ vĩ cầm Thịnh, các ông Tây như công sứ Sabatier, linh mục Dournes, nhà khoa học Condominas… đều đắm mình với rừng Tây Nguyên, bởi chính nó đem lại tinh thần tươi xanh, để con người xã hội “nhúng rễ rất sâu trong ấy, nếu không muốn khô khốc, cằn cỗi, chết rụi. (tr.77). Sự hài hòa tượng tự nhìn thấy trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng: con người nơi đây không tách khỏi, không đối lập, không chìm mất trong cộng đồng, “chẳng hề, chẳng ai cảm thấy việc là riêng mình với việc mình là một tế bào máu thịt của cộng đồng trở thành “vấn đề” gì cả – điều hình như loài người đã đánh mất không còn phương cứu chữa được trong các xã hội hiện đại” (tr.15). Trong mối quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật cũng vậy, ở Tây Nguyên là một tinh thần essay, đó là cuộc tổng hợp của đời sống (hiện thực) – tư tưởng (triết lí) – hình tượng (văn học). Mọi cái ở trong nhau, không tách biệt, con người “có khả năng sống cùng một lúc, tự nhiên như không, trong hai không gian thực và ảo, không phải song song, mà là nhập một” (tr.23). Mọi chiều kích hòa trộn, đo đạc lẫn nhau: “Nhà dài như một tiếng chiêng”, là vì “không gian và thời gian thật ra chỉ là một chỉnh thể duy nhất, họ biết đo cái này cũng là đo cái kia, chiều dài của ngôi nhà chính là độ ngân của tiếng chiêng và độ vang ngút ngát của tiếng chiêng thì chính là chiều dài của ngôi nhà” (tr.13). Trong một không gian như thế, “ta được chạm trở lại ngọn nguồn đầu tiên của nghệ thuật”, cái “nghệ thuật tuyệt đối không phải là một nghề. Nghệ thuật là đời sống, cách sống” (tr.38), “nghệ thuật trong ý nghĩa sơ khởi, nguyên lai của nó, chưa vấy chút bụi trần nào khác” (tr.258). Trong hát sử thi là sự tích hợp của hát, nhạc, kịch; và khi diễn xướng nó, cũng như khi thổi Đinh Tút, chơi Klong Put, đàn T’Rưng hay làm tượng gỗ, các nghệ nhân Tây Nguyên rất gần với tinh thần nghệ thuật đương đại: đề cao tính ứng tác, tính quá trình, “con đường” (le chemin) hơn là kết quả, “cái đích” (le but)[16]. Vì thế các tạo tác nghệ thuật bao giờ cũng độc đáo, không bao giờ trùng lắp nhau, và cũng “sẽ không bao giờ để lại một bản nhạc hoàn chỉnh, đã xong, bất biến, mãi mãi cả” (tr.257).

Có thể nói, chính không gian văn hóa như thế là một lối dắt đầy ám dụ, đầy quyến rũ, dẫn con người đầy chất nghệ sĩ cả đời trải nghiệm với mảnh đất này đến với phong cách essay, một phong cách dung hợp được những gì từng bị đứt gãy, tách rời thành những vế thiếu hụt nhau, nay tìm thấy lại mình một cách hài hòa trong đề tài Tây Nguyên. Đó là một hiện thực đặc biệt, nơi sinh sống cả nhân vật và cả người viết, không cần hư cấu, nơi mà, như M. Epstein nói, người viết essay không cần hành xử như một chuyên gia bất cứ lĩnh vực nào, mà hãy như một cá thể đang “thử”, đang “cố gắng” nhúng mình vào môi trường, “chạm tới, đặt mình vào đó”[17].

3. Cốt cách essay của cái tôi tác giả

Về nguyên lí, essay đòi hỏi ngôi trần thuật trực tiếp hay dẫn dắt của tác giả, không cần dựng nhân vật hư cấu, không cần chất kết dính cốt truyện, nhưng nhất thiết phải chuyển tải một hiện thực đặc biệt và cấp thiết, phải thể hiện được mối quan hệ với thời điểm hiện sinh, không phải với tư cách nhà khoa học, hay nhà triết học, nhà xã hội học, người viết biên niên sử, người viết tự truyện v.v, hay nói đúng hơn, phải là tất cả họ cộng lại. Đó là một cái tôi tác giả uyên bác, từng trải và đang tràn ngập cảm xúc, muốn chia sẻ.

Các bạn tôi ở trên ấy là một cuốn sách ghi chép sự kiện và suy ngẫm, có những điều trở đi trở lại thao thiết của một người cả đời sống với đối tượng như “là một số kiếp”. Đây là tập văn xuôi đoản thiên phi hư cấu. Trong số 24 tiểu phẩm, duy nhất có một sáng tác hư cấu, là truyện ngắn “Tháng Ninh Nông”, được viết ở thời gian xa nhất (tháng 12/1996) so với thời điểm xuất bản (2013). Tuy nhiên tiểu phẩm này, cũng như nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn (văn xuôi hư cấu) khác của Nguyên Ngọc, đều luôn dựa trên hạt nhân có thật của sự kiện và nhân vật. Ở một essay viết sau đó hơn mười năm, tác giả ghi chú rằng “Tháng Ninh Nông” được viết dựa vào “một bối cảnh có thật làm nguyên mẫu”, “con người thật làm nguyên mẫu” (tr.139). Truyện ngắn được đưa vào tập essay này có lẽ là vì nó có mối quan hệ trực tiếp với “Lửa nguyên thủy” và, cùng các tác phẩm còn lại, tạo nên một bức tranh có tính chỉnh thể thống nhất về một Tây nguyên bí ẩn, lạ lẫm đến vô cùng, nơi mà cái thực và cái phi thực trộn lẫn nhau, đường biên của đời sống và nghệ thuật nhập vào nhau làm một. Trong không gian và hiện thực đó, Nguyên Ngọc đã sáng tạo với một tinh thần essay: cùng lúc là nhà nghệ sĩ sống trong thế giới hình tượng, là triết gia – trong thế giới khái niệm, là nhà báo – trong thế giới tư tưởng chính trị xã hội, cộng với cái tôi suy tư – trong thế giới sự kiện và trải nghiệm. Tác giả không dừng lại bền lâu ở bất cứ một thể loại nào, mà theo “định luật của tự do” lang thang không biết mệt mỏi vào những khu vực khác nhau cứ trải ra và trải ra.

Tập sách ngồn ngộn sự kiện và thông tin, nhưng sự kiện (rất hấp dẫn) hầu như không nhằm xây dựng cốt truyện, chúng đóng vai trò khơi gợi suy tư, nghiền ngẫm, hướng đến nhấn mạnh việc “sống trải qua” của cái tôi quan sát, cái tôi tự nghiệm; thông tin (đầy lạ lẫm thú vị) được đưa ra theo một lối liên tưởng, từ cái này lan man theo cái khác, theo lối “liếc nhìn nhau”. Trong “Những chiều kích của rừng” người kể chuyện dẫn dắt người đọc đi theo một lối gần như ngẫu hứng, tiện đâu ghé đấy trên con đường ngao du: đi từ một tứ thơ của Xuân Diệu đến địa hình Trường Sơn, bắt sang chuyện “chẳng hề dính dáng gì đến địa hình: chuyện… kiến trúc” (tr.12), rồi lan sang sử thi, già làng, chiếc kpan… Lối dẫn ấy chẳng làm thành một cốt truyện bề mặt nào cả, nhưng ấn tượng để lại trong người đọc thật rực rỡ, khiến anh ta ngạc nhiên, ngẩn ngơ và thấm đượm một nỗi buồn vô cớ, mênh mang…

Tác giả kể về những kì lạ, hay đúng hơn những kì diệu, những huyền thoại giữa đời thường của con người và cuộc sống một vùng văn hóa độc đáo với cảm hứng bao trùm là lòng ngưỡng mộ và nỗi xót xa đoái tiếc những nét vẻ “vang bóng một thời”. Đoái tiếc vì chính những điều đó không chỉ làm nên bản sắc độc đáo của một dân tộc, mà còn “hàm chứa những câu trả lời cho những câu hỏi trằn trọc nhất không chỉ của chính nó, mà còn của cả đất nước, thậm chí của con người nói chung, vùng đất thâm trầm và tuyệt diệu ấy đang bị tàn phá, bởi sự ngu dốt và tham lam của con người, đến mức không biết có còn quay lại được nữa không[18].

Đi theo dẫn dắt của tác giả, người đọc ngỡ ngàng, thích thú trước những kiến thức phong phú, mới lạ về địa lí, kiến trúc, nông học, sử học, dân tộc học… Nhưng, như tác giả tự xác nhận: “tôi không phải là nhà sử học, cũng không phải là nhà dân tộc học. Tôi chỉ say đắm Tây Nguyên” (tr.303), nên khối kiến thức chính xác cụ thể được trình bày không phải bằng các luận chứng rành mạch, văn phong khoa học khách quan, mà như trải nghiệm hiện sinh, sự xúc động tâm hồn, mọi cái cứ luôn tràn bờ, chuyển hóa và nhuốm dư vị chủ quan nồng nhiệt. Dường như trong mỗi bước đi các thể loại cứ tự hình thành và lần lượt tự xóa bỏ, liên tục tìm một hình thức mới để biểu hiện: khoa học hay nghệ thuật, triết lí hay giảng giải, kể chuyện…

Người viết essay cần thu hút người đọc bằng cách đặt vấn đề mang tính phát hiện lí thú, tính gây hấn, nghịch lí. Công thức phản đề của essay là: “Tất cả nghĩ là A, nhưng tôi sẽ chứng minh không phải là A”. Với ý nghĩa này, phản đề của essay không đơn giản chỉ mang tính luận chiến mà còn điều chỉnh cái nhìn phổ quát và quen thuộc về đối tượng. Đọc Các bạn tôi ở trên ấy ta không chỉ biết thêm thông tin mà còn nhìn lại sự vật tưởng chừng đã quen thuộc, thậm chí bấy nay chẳng ngó đến, trong một ánh sáng khác, một tri ngộ mới. Biết đâu có bạn đọc nào đó đang bắt đầu hồ nghi cái nhìn vốn dĩ của mình về một mảnh đất rừng rú âm u, về một cộng đồng lạc hậu cần được khai hóa. Hóa ra Tây Nguyên là một nơi con người hiện đại, con người đô thị nên tìm về để học lại vẻ đẹp đích thực của văn hóa, để biết thêm thế nào là sống hạnh phúc của những người sinh ra và suốt đời ở với thiên nhiên, để chợt nhận ra hình như mình quá trần tục trong cõi trần tục này… Tác giả viết về những “huyền thoại đời thường”, “không hiểu sao lại không được các nhà sưu tầm bác học của ta chú ý lắm” (tr.243), như nhà rông, tượng gỗ nhà mồ, akhan, âm nhạc hát rong, Đinh Tút, Klong Pút, dạy tiếng cho chiêng, đàn đá tiền sử, mùa Ninh Nông, chế biến rượu cần, lễ kết nghĩa anh em sinh tử, lễ thổi tai, tục bỏ mả…– những cái có nguồn gốc thuần thiên nhiên, thuần chất nghệ thuật đang dần trôi tuột mất trong bước đi ào ạt và xô bồ của văn minh. Chẳng hạn như Y Dơn – linh hồn của “hát rong vũ trang” – người mà lịch sử âm nhạc hàn lâm không bao giờ biết đến, “lịch sử kháng chiến Tây Nguyên sẽ không ghi”, một loại hình nghệ thuật hồn nhiên như gió, không “kịp thời” kiểu thực dụng, không chính trị theo lối “minh họa” (tr.164). Hay là như nước mội – món quà vô giá của Mẹ thiên nhiên, một loại nước bắt nguồn từ mái nhà sinh tử Tây Nguyên “nhỏ nhoi và thầm lặng, nuôi sống nền nông nghiệp trù phú của vương quốc xưa” (tr.48) – ngày nay biến mất giữa đời sống khô cạn của con người tách biệt dữ dội với thiên nhiên, vô tâm hủy hại thiên nhiên…

Tác giả nhìn chủ nghĩa thực dân trong sự phân biệt “thực dân xâm lược” với “thực dân khai hóa”. “Chính ủy” Nguyên Ngọc thời kháng Pháp giờ đây công bằng định vị lại những trí thức thực dân mà ông gọi là “các bạn tôi”, những người từng “ở trên ấy” và đã được “Tây Nguyên hóa”. Ông không dùng lập luận khoa học hay lời biện hộ đanh thép, mà chỉ đơn giản kể về những gì họ làm cho vùng đất Tây Nguyên, với lưu ý thoáng qua một lần nào đó: “Chủ nghĩa thực dân không đơn giản. Nó có những mặt bất ngờ lắm khi thú vị của nó…” (tr.159). Cái “thú vị” là chính các nhà thực dân khai hóa đó đã đào tạo nên lớp trí thức đầu tiên, những viên chức y tế và giáo dục rất cần thiết cho cao nguyên; cái “bất ngờ” là những trí thức đó “tuyệt đại đa số về sau đều trở thành cán bộ nòng cốt của Cách mạng vùng này” (tr.156). Những người “bạn” ấy là các nhà khoa học uyên bác và nặng tình Henri Maitre, Jacques Dournes, Bernard Jouin, Georges Condominas, lặng thầm cống hiến tuổi thanh xuân cho mảnh đất này, để lại các công trình nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng học có giá trị bậc nhất về cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Nhà nhân chủng học Condominas đã “ăn rừng”, học tiếng nói, lối tư duy của cư dân nơi đây suốt những năm tháng tuổi trẻ. Linh mục Dournes 25 năm “truyền đạo cho các dân tộc “bán khai”, nhưng rồi sống với họ, học tiếng của họ, thâm nhập đắm mình vào văn hóa của họ… cuối cùng ông đã bỏ đạo, “quy y” theo văn hóa Tây Nguyên” (tr.124). Công sứ Sabatier chủ trương “bảo tồn” một Tây Nguyên “nguyên bản”, đưa môn Phong tục tập quán Ê Đê và Gia Rai (Coutumes Rhadés et Jarai) vào dạy để trẻ em nơi đây biết giữ gìn dân ca, mỹ nghệ của dân tộc mình. Một chủ đồn điền người Pháp dạy cho Ama H’rin biết giữ lấy rừng và biết nuôi mình bằng đất đai, trao cho ông vài hecta đất canh tác để ông trở thành người Ê Đê đầu tiên đầu tư vào cây cà phê, đến nay sự nghiệp vẫn được dòng họ lưu truyền, thịnh phát…

Đối thoại trong essay rất quan trọng, quan trọng với người viết cũng như với người đọc. Với essay, nhân vật-tác giảđộc giả trở nên gần gũi, tin cậy nhau, bởi “chân thành” được coi là dấu hiệu căn bản của thể loại này. Người ta thấy rằng những tác phẩm được coi là tiêu biểu của thể loại essay thường được sinh ra từ nhu cầu tha thiết muốn “tìm để biết”, “tìm để hiểu” thế giới hiện sinh, để rồi những cái “biết hiểu” tìm được này sẽ trở thành trải nghiệm của người viết, chia sẻ với người đọc. Mục đích giao tiếp là tác động lên cảm xúc và lí trí người nhận, đưa ra quan điểm của người viết về đối tượng – thường phi lí so với ý kiến phổ biến, mời gọi cùng suy ngẫm, cùng đồng cảm, qua đó dần chuyển dịch cho người nhận cái cảm quan của mình. Theo nguyên lí essay, người viết được quyền bộc bạch, giải thích đối tượng dựa theo cảm xúc chủ quan. Tuy nhiên, cũng theo nguyên lí essay, ý kiến của anh ta không có tính xác quyết, đóng kín, không phải là kết luận cuối cùng của nhà khoa học, mà chỉ là sự “trải nghiệm cá nhân”, sự “thử đưa ra” để bàn luận, như Montaigne nói, anh ta “không lấy ý kiến mình làm thước đo sự vật”, mà chỉ làm sáng tỏ “bằng thước đo nào mình nhìn sự vật”[19]. Cái kiểu dẫn chuyện trong Các bạn tôi ở trên ấy là lối rủ rỉ trò chuyện hơn là thuyết giảng, xác quyết. Nhiều lần vang lên các cụm từ, những câu như “Xin thử nói”, “Tôi sẽ thử cố gắng nói về điều đó”, “Tôi xin thử cố nói đôi chút về điều ấy xem sao” (tr.14, 17, 180), “Mong sao những dòng sau đây sẽ có thể như lời mời bạn cùng bước vào cái khoa học và nghệ thuật đó. Bạn có muốn đi cùng chăng?” (tr.125). Từ ngữ đối thoại không hề cao siêu, mà gần gũi, mời gọi: “Chuyện Tây Nguyên thì có thể kể suốt đời, không bao giờ hết, chẳng bao giờ chán. Để tôi nói với bạn trước hết một chuyện này nhé” (tr.122), “Quanh năm, bao chuyện nhiêu khê, ngày xuân thư giãn đôi chút […] ta nói chuyện vui thôi. Chuyện akhan nhé” (tr.242). Người viết, rất tự nhiên, chương trình hóa các bước liên kết với người nhận, dẫn dắt tư duy của anh ta. Để làm điều đó, người viết đã đối thoại hóa độc thoại của mình lên trang giấy: “Trường Sơn, Tây Nguyên thì đúng rồi, nhưng… có phải là núi không? Vậy mà có người lại khẳng định đấy không hề là núi” (tr.10). Một trong những phương thức đơn giản nhất là câu hỏi tu từ – làm sao người đọc tự nhiên mong muốn trả lời những câu hỏi đó: “…một triết lý: làm vừa đủ ăn, thiếu đôi chút cũng chả sao, còn để thì giờ mà chơi: đó là hạnh phúc. Chắc gì đã sai, cái triết lý ấy?” (tr.30)…

Cái tôi chủ thể độc đáo của người viết essay được coi là “phẩm tính nguyên thủy của thể loại”[20], đặc trưng cơ bản để nhận diện thể loại, làm cho essay trở thành biểu hiện kinh nghiệm hiện sinh của tác giả, nơi mà “tôi” – vừa là chủ thể vừa là đối tượng được nhận thức. Đó là một cái tôi trải nghiệm mang hơi hướng tiểu sử tác giả, giống như cái tôi trữ tình trong thơ ca. Nếu như cái tôi nhà thơ vừa như không phải viết về mình mà đồng thời lại chính là viết về mình, thì trong essay cái tôi hiện lên vừa là chủ thể vừa là khách thể, không phân tách nhau, hướng cái nhìn không chỉ sang xung quanh mà còn lên chính mình. Người kể chuyện trong Các bạn tôi ở trên ấy nhìn Tây Nguyên không phải từ bên ngoài của kẻ phương xa, mà từ bên trong, dường như với tư cách chủ thể của nền văn hóa ấy, được nó chấp nhận, ung dung sống giữa nó, tin cậy nó, nhập vào nó làm một, nhưng lại luôn tách ra để không ngớt xuýt xoa kinh ngạc ngắm nhìn, say đắm nó. Tác giả dệt cái tôi tiểu sử vào trang viết: “Tôi đã làm một chuyện dại dột, tôi đi Mường Hon đúng giữa mùa mưa” (tr.85), “Tôi có đi đây đi đó ở Tây Nguyên, lang thang vào một số nơi ta thường gọi là “vùng sâu vùng xa”, rất sâu, rất xa, đó là những nơi Tây Nguyên còn thật là Tây Nguyên, ta gặp được Tây Nguyên thật chứ không phải Tây Nguyên sân khấu, Tây Nguyên màn ảnh nhỏ” (tr. 255), dệt nỗi nhớ nhung vào ngọn núi Ngok Linh, vào nhà rông làng Đak Rơwa thân quen: “Mỗi lần tới đây “gặp” lại nó, với tôi như một cuộc tái ngộ cảm động, gặp lại một người thân, đã lâu lắm, nhớ lắm mà biết có bao giờ còn thấy lại được nhau không” (tr.15), đan cài những suy tư: “…lịch sử loài người là lịch sử mà mỗi bước tiến là một bước lùi tương đối. Mỗi bước đi tới của con người cũng là mỗi bước con người trở nên thực dụng hơn, lấm lem bụi trần hơn” (tr. 258)…

Cái tôi tác giả trong essay cần thể hiện được tính chỉnh thể, sự thống nhất ý nghĩa nội tại của đề tài, của tư tưởng. Đây là một đòi hỏi tưởng chừng mâu thuẫn của essay: bề ngoài là một cấu trúc tự do, ý tứ ngổn ngang “liếc nhìn nhau”, cộng thêm cá tính chủ quan của người viết, giờ lại cần đi đôi với sự thống nhất ý nghĩa bên trong. Vượt qua thách thức này, chất lượng vàng của người viết essay sẽ được bảo đảm. Tác giả Các bạn tôi ở trên ấy, với lối đi như lang thang ngẫu hứng, làm thao tác đan cài những mảnh ghép phồn tạp, phi cấu trúc từ các thể loại, phong cách, sự kiện, ý tứ… thành một cái nhìn nhất quán về Tây Nguyên. Cái nhìn ấy không được xây dựng bằng sự lớp lang của luận điểm, luận cứ, bằng logic trình tự tuyến tính mà bằng logic trực giác. Bởi mọi cái xuất hiện ở đây không phải là đối tượng của nghiên cứu khoa học, mà chỉ như một nguyên cớ cho sự khai mở tư tưởng, trong đó cái được mô tả hiện ra như một vòng tròn xoáy quay lại với chính mình, với chính tác giả, như điểm khởi hành và điểm cần đến. Cái tôi tác giả trình diện như một kẻ trải nghiệm quá khứ và thử rà soát tương lai mình. Thế giới nghệ thuật ở đây là không gian hiện sinh của nội tâm, cảm xúc, tư duy của anh ta. Cái không gian ấy xác lập cảm quan của người kể chuyện và đưa anh ta trở về với đời sống, đặt ra những tự vấn cho bản thân, cho độc giả như một cuộc đối thoại, và thử tìm phương hướng giải quyết:

Hãy nhìn lên cái mái nhà chung kia mà bao nhiêu thế hệ nhiều nghìn năm qua đã giao lại cho chúng ta, trên ấy đã mất hết màu xanh của sự sống.

Có còn cứu được không?

Còn, với một điều kiện: biết giật mình, dừng lại, bắt đầu lại” (tr.54).

***

Các bạn tôi ở trên ấy là một cuốn sách hay. Điều đó ai cũng nhận thấy. Có lẽ cái hay cái đẹp cái sâu sắc của cuốn sách sẽ được hiển lộ đầy đủ hơn khi ta đọc nó như tập essay – một hình thức thể loại cho phép tác giả Nguyên Ngọc, như chính lời ông nói, “dễ tìm được không gian thật rộng cho biểu đạt tự do”, cho một cây bút đang ở độ chín, độ sâu nhất, viết về “cuộc sống ngày càng là một hiện thực phức hợp” (tr.6).

P.T.P

Tháng Giêng 2017

Tài liệu tham khảo

1. T. Adorno (1984) Essay như là thể loại, Nxb Giáo dục, Moskva.

(Т. Адорно (1984) Эссе как жанр, Просвещение, Москва).

2. A. Dmitrovski (2013) Thể loại essay: vấn đ lí thuyết.

(А. Дмитровский (2013) Жанр эссе: к проблеме теории).

http://cyberleninka.ru/article/n/zhanr-esse-k-probleme-teorii

3. M. Epstein (1988) Giao điểm hình ảnh và khái niệm (Tinh thần essay trong văn hóa thời đại mới) // Nghịch lý sự mới lạ, Moskva.

(М. Эпштейн (1988) На перекрестке образа и понятия (Эссеизм в культуре Нового времени). // Парадоксы новизны, М.).

4. I. Gaek (1989) Sự đa dạng thể loại trong văn xuôi hiện đại phương Tây, Kiev.

(И. Гаек (1989) Жанровое разнообразие современной прозы Запада, Киев).

5. Hoàng Ngọc Hiến (1997) Văn học và học văn, Nxb Văn học, TP. Hồ Chí Minh.

6. Nguyên Ngọc (2014) Các bạn tôi trên ấy, Nxb Trẻ, TP. HCM.

7. Nhiều tác giả (2012) Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa… Nxb Tri thức, Hà Nội.


(*) Đã đăng trong Thomas Engelbert (chủ biên), Việt Nam học ở Việt Nam và Đức: Văn học Việt Nam – Quá khứ và hiện tại, Publikationen der Hamburger Vietnamistik, 2017, tr. 213-232.

[1] Xem S. Senderovich “Vườn anh đào” – hài kịch cuối cùng của Chekhov (С. Сендерович  “Вишневый сад” – последняя шутка Чехова). http://magazines.russ.ru/voplit/2007/1/ss14.html. (Cập nhật 5.1.2017)

[2] Xem A. Dmitrovski. (2013) Thể loại essay: vấn đề lí thuyết (А. Дмитровский (2013) Жанр эссе: к проблеме теории). http://cyberleninka.ru/article/n/zhanr-esse-k-probleme-teorii. (Cập nhật 5.1.2017)

[3] Xem Phạm Vĩnh Cư (2004) “Thể loại bi kịch trong văn học Việt Nam” thế kỉ XX // Sáng tạo và giao lưu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 88.

[4] Xem Trần Văn Minh (2011) “Về thể loại tùy bút” // Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Những lằn ranh văn học, Nxb. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tr. 323.

[5] Người được coi là sáng lập ra thể loại essay ở phương Tây là nhà văn – triết gia Pháp Michel de Montaigne (1533 – 1592) với 3 tập luận có tên là “Essais” (1580), dựa vào nội dung và ý đồ sáng tạo có thể hiểu là “Kinh nghiệm/ Trải nghiệm/ Thí luận”. Một số định nghĩa về essay:

√“Essay là sáng tác văn xuôi có kích cỡ nhỏ, kết cấu tự do, thể hiện những ấn tượng, cảm xúc nhân dịp nào đó, về một vấn đề nào đó, không có ý định đưa ra nhận định xác quyết và đầy đủ về đối tượng phản ánh” (J. T. Shipley (1970) Dictionary of World Literary Terms, Leningrad, tr. 106).

√ “Essay là thể loại văn xuôi kết hợp triết học, phê bình văn học, thông tấn báo chí cùng quan điểm đặc sắc của tác giả, cách triển khai tự do, thường đưa ra điều không thuận lí, sử dụng ngôn ngữ đàm thoại” (V. Kozhenikova, P. Nikolae (cb) (1987) Từ điển Bách khoa văn học hiện đại, Nxb Từ điển, tr. 516).

[6] Nguyên Ngọc (2014), Các bạn tôi ở trên ấy, Nxb Trẻ, TP. HCM. Các trích dẫn tác phẩm lấy từ nguồn này.

[7] Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến (1997) “Ký và tiểu luận (etxe)” // Văn học và học văn, Nxb Văn học, tr.150.

[8] Essaytùy bút khá gần nhau ở dấu ấn chủ quan phóng khoáng, tự do theo dòng suy nghĩ, liên tưởng của người viết, sự không ràng buộc ngòi bút vào khuôn khổ đề tài. Tuy nhiên, đồng nhất essay với tùy bút chỉ giải quyết được bề ngoài của từ ngữ – ở từ “tùy” mà ta thấy dường như tương đương với tính chất tự do của essay. Trong nội hàm từ ngữ cũng như trong bản chất của tùy bút đã thiếu vắng một vài phương diện quan trọng của essay:

1) sự trải nghiệm (một ấn tượng gì đó trước sự kiện/ hiện tượng), nhấn mạnh “sống trải qua” như một quá trình, coi trọng cái “quá trình” ấy hơn là kết quả;

2) sự thử nghiệm, nỗ lực (đưa ra một cái nhìn mới, thông thường là một phản đề, nghịch lí nào đó so với cái nhìn đã quen thuộc); Trong tiếng Pháp động từ essai có nghĩa thử xem, hay cố gắng tìm xem thực chất bên trong hiện tượng/ sự vật là gì;

3) tính phi xác quyết, chưa hoàn kết của tư tưởng, nhận định. Từ essay/essai có gốc từ Latin exigium – nghĩa là “cân”, “đắn đo”. Adorno nói: “Essay là thể loại trình bày ý tưởng ở thời điểm nó đang nảy sinh, chưa phát triển thành một chỉnh thể hoàn kết hợp lí” (T. Adorno (1984) Essay như là thể loại, Nxb. Giáo dục, Moskva, tr. 154).

[9] Xem Phạm Duy Hiển (2012) “Đã bát tuần rồi Nguyên Ngọc ơi!” // Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa… Nxb Tri thức, Hà Nội.

[10] Nguyên Ngọc (2014), “Diễn từ nhận giải”, sđd, tr. 5 – 6.

[11] Xem Trần Đăng Khoa (2012) “Nguyên Ngọc – Chân dung văn học” // Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa… Nxb Tri thức, Hà Nội.

[12] Xem video clip Nhà văn Nguyên Ngọc: Giải Nobel Văn học năm 2015.

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=XEKQmeFYAZg (Cập nhật 7.1.2017)

[13] И. Гаек (1989) Жанровое разнообразие современной прозы Запада, Киев, c.101.

(I. Gaek (1989) Sự đa dạng về thể loại trong văn xuôi hiện đại phương Tây, Kiev, tr. 101).

[14] Báo Hà Nội Mới ngày 19/10/2013. Hoàng Định giới thiệu Các bạn tôi ở trên ấy

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/sach/629430/-cac-ban-toi-o-tren-ay. (Cập nhật 5.1.2017)

[15] Nguyen Ngọc (2014) “Diễn từ nhận giải”, sđd, tr. 6, 7.

[16] Nguyên Ngọc (2017) “Trên ấy, vẫn còn…”// Người đô thị số 56 + 57 (1-2/2017), Tổng hội Xây dựng Việt Nam – Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, tr.46.

[17] M. Epstein (1988), “Giao điểm hình ảnh và khái niệm (Tinh thần essay trong văn chương thời đại mới)” // Nghịch lý sự mới lạ. Moskva, tr. 71.

[18] Nguyên Ngọc (2014), “Diễn từ nhận giải”, sđd, tr. 6, 7.

[19] Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến (1997) sđd, tr. 152.

[20] M. Epstein (1988), sđd, tr. 416.

Comments are closed.