Kịch

Truyện Trần Doãn Nho

TRAN DOAN NHO 2

Chân dung tác giả Trần Doãn Nho

Phụ rời nhà ra đi đến một tiểu bang khác khi đứa con trai út cưới vợ. Rời nhà thì rất mục đích, vì nghe loáng thoáng cô con dâu nói xa nói gần là cha chồng không nên ở chung với dâu, nhưng ở đâu làm gì thì Phụ hoàn toàn đang vô mục đích. Đi cái đã, đau lòng trước được lòng sau, tránh cái cảnh bố chồng con dâu – mà lại dâu xứ người nữa – chẳng chóng thì chầy thế nào cũng sinh chuyện. Bỗng nhiên, trên trời rơi xuống cho Phụ một mục đích, lúc đầu trông có vẻ mơ mơ hồ hồ, nhưng rồi cụ thể một cách bất ngờ: Chi.

Khi đi làm thủ tục ghi danh ở văn phòng trở vào thì nàng đang ở giữa bản bây giờ tháng mấy tiếp theo là biển nhớ, rồi con đường xưa em đi và vọng gác đêm sương, bản nào cũng sướt mướt chia tay và dang dở hẹn hò. Tay nàng nắm chặt chiếc micro thoăn thoắt bấm kho bài hát vô tận trên điện thoại, tiếp tục hát hết bài này sang bài khác, bất chấp một ông và một bà đang đứng đợi. Giọng không mấy ăn khớp với nốt nhạc, đôi khi lạc hẳn, nhưng có cái nhuần nhuyễn, tự tin của một người chuyên luyện karaôkê lâu năm, vừa hát vừa làm điệu bộ của một người trình diễn sân khấu, mắt liếc nhìn quanh khoảng vài chục khán giả lơ đãng trong phòng, thỉnh thoảng hất đầu ra sau, thỉnh thoảng luyến láy kiểu Thanh Tuyền, thổn thức và nũng nịu. Mãi đến khi Phụ đến gần kêu lên chi, chi, chi, thì nàng cắt ngang câu hát mùi mẫn phong kín tâm tư tôi gói đời trai…, đưa chiếc micro cho người đàn ông, kêu lên trời phụ, phụ, anh Phụ anh Phụ…

Chi nghiêng đầu gần má Phụ, ném cái nhìn về phía hai người đang hát, nói nhỏ và liên tục bên tai, anh nhìn cặp đang hát kia kìa. Đấy đấy, phải nhận là chị ta hát hay. Anh ta thì giọng khàn khàn, nhưng giọng chị ta nghe khá, chả là vì chị ta hát trong ban hợp xướng nhà thờ. Chẳng phải vợ chồng đâu nha. Thấy dzậy mà không phải dzậy, lầm chết. Cặp này mới ghép nhau chừng độ hơn năm, mê karaokê hết biết, ngày nào đến đây là hai người thay nhau hát mệt nghỉ từ đầu đến cuối. Em thì không ưa giành giựt nhưng nhiều khi tức, cứ nghe cái giọng lanh lảnh rồi cái giọng rền rền nức nở, bực quá, cũng lên giành máy hát một hơi năm, bảy bài cho bỏ ghét. Máy chung mà. Còn anh thấy cái ông bụng mập đàng kia không, chỗ mấy bàn ping pong ấy. Ông ta trước nghe nói cũng đại úy hay thiếu tá gì đó làm trong ngành an ninh, bị vợ và con bỏ khi còn đi cải tạo ngoài Bắc, giờ thì ghép với một bà đơn thân nào đó, chẳng biết có con hay không, thỉnh thoảng thấy dắt nhau đi chợ, trông bộ cũng tình tứ lắm. À, còn cái bà ngồi gần kệ sách báo bên kia, anh thấy chưa, …gái đơn thân đấy. Trai đơn thân như anh vào đây là có giá lắm. Toàn là đơn thân gặp đơn thân. Chi quay sang Phụ thì thầm, mà em cũng đơn thân nè anh. Đơn thân, nghe hay. Phụ tủm tỉm cười, thì anh cũng đơn thân. Đơn thân, cũng như đồng tính, hiện là một phong cách mang tính hành tinh, vừa tự do, vừa tiện lợi.

Thực tình thì Phụ không cách gì tiêu hết lượng thông tin phong phú mà Chi cung cấp, nhưng khoái nghe hai tiếng “anh”, “em” ngọt ngào quấn quýt nhau, khoái nhìn đuờng nét chuyển động duyên dáng của đôi môi son đỏ đậm đà và cái đầu hào hứng quay qua quay lại của Chi khiến có lúc vài sợi tóc quẹt vào má Phụ kích thích. Miệng Chi không khác gì ngày trước, một miệng chữ, nơi chứa đựng đủ loại chuyện, bố cục thì hết sức tùy tiện nhưng tình tiết nào cũng mặn mòi hấp dẫn. Đôi mắt vẫn to và trong với hai điểm sáng đồng tử linh động, hai bờ môi dài kéo vòng qua khóe miệng lõm sâu, nói thấy vui mà ngậm miệng cũng như mỉm cười. Ngay cả khi kể chuyện đứa con gái hăm bốn tuổi sắp đi lấy chồng thì bị ung thư hay anh chồng về Việt Nam dan díu với vợ của một bạn cũ nào đó, thế mà khuôn mặt Chi vẫn phảng phất nét tươi tắn đến lạ. Chi dày dạn ra, nhưng vẫn thế, nhanh nhẹn, liến thoắng y như cuộc đời là nỗi vui bất tận, chẳng khác gì hai mươi mấy năm trước đây. Phụ nhớ như in buổi sáng hôm ấy.

Cô gái lạ hiện xuất hiện đột ngột như một món quà bất ngờ khi Phụ đang ngồi gát chân trên pê-đan xe đạp dựa vào gốc cây, mỏi mòn đợi khách mở hàng. Chưa kịp hỏi thì cô tự nhiên ghé đít ngồi lên yên sau, giục đi đi anh. Cô muốn đi đâu? Đâu cũng được, thôi hãy về nhà anh đi. Sao lại nhà tôi? Ừ, nhà anh. Đừng đùa tôi tội nghiệp cô. Em không đùa đâu, em ở trong trỏng mới ra, đường sá ngoài này em không rành, em muốn làm quen, về nhà anh đi, em có việc cần anh giúp, về rồi em nói chuyện. Ừ, ưng về thì về. Và rồi Phụ chở cô gái về nhà. Cô nói, nói thiệt với anh, có người giới thiệu anh với em, em biết mới đi tìm anh đó chớ. Em tên Chi, em ở trong Nam ra, người Nam thích nói thẳng, không biết quanh co rào đón gì như người Huế anh. Em độc thân, anh bây giờ cũng độc thân đúng không, em muốn, em muốn… cưới anh à không, lấy… à không, muốn làm hôn thú với anh, em muốn đi Mỹ… với anh. Phụ bảo, tốn lắm, tôi không lo nỗi, mà lại chuyện nhà tôi rắc rối lắm. Chi cười, em biết mà, từ từ, em sẽ tính. Và Chi tính. Và Phụ gật đầu. Thỏa thuận xong với nhau, Chi nghiêm chỉnh:

– Vậy kể từ nay, anh phải nghe em, giữ mồm giữ miệng, không những với người ngoài mà cả với người trong nhà của anh nữa. Anh phải làm ra vẻ chưa tính chuyện ra đi, là zdậy mà hổng phải zdậy.[1]

Phụ hơi ngớ ra:

– Là sao?

– Thì là giấu thiên hạ, là… là… đóng kịch chớ sao nữa. Cái ông này, thiệt tình!

Thế là Chi trở thành một tổng hợp hài hòa giữa con vụ, con sóc và con lươn. Nàng xoay, nàng lách, nàng tới, lui, vào, ra, lên, xuống, từ Sài Gòn, Long An, đến Đà Nẵng, Hà Nội, từ đồn công an, tòa án cho đến trại cải tạo, lo đồng thời một lần hai vụ ly dị, một giữa Chi và Huấn và một giữa Phụ và Liễu. Huấn thì đơn giản còn Liễu là bài toán đố khó tìm ngay ra lời giải. Mặc dầu đã có con và đang sống với tình nhân ở Đà Nẵng, Liễu vẫn khăng khăng không chịu cắt đứt sợi giây pháp lý buộc nàng với Phụ, nhất là khi những người đi cải tạo về bỗng nhiên trở thành tài sản bất ngờ trong một xã hội chẳng còn gì để bám víu. Liễu không thể bỏ người yêu và hai đứa con để đi ra nước ngoài với một người mà nàng đã phản bội, nhưng không thể giao món hàng quý cho một người đàn bà khác, nếu không được đền bù tương xứng. Chi không nản, bám theo một triết lý thời thượng, cái gì không mua được bằng ít cây thì có thể mua được bằng nhiều cây, Chi bán thêm nửa căn nhà ở Long An, trả cho Liễu bảy cây để mua một chữ ký. Phụ đột nhiên trở thành kẻ vô công rỗi nghề, được giải thoát khỏi việc tiêu phí sức lực trên những chuyến xe đạp “thồ” kiếm sống, nhưng bắt đầu đóng vai trò của một diễn viên bất đắc dĩ cho đến ngày cùng Chi chính thức rời Việt Nam.

Cuộc tái ngộ bất ngờ với Chi mấy chục năm sau làm Phụ choáng váng buột miệng, em khi nào cũng như một phép… lạ. Chi cười, nói nghe ghê, gì mà phép lạ với phép quen. Phụ nói, phép lạ là vì nó lạ, nó thình lình, không chờ mà đến. Không hề định trước, Phụ bỗng trở thành thành viên bất chuyên cần của cái hội, nơi Chi làm việc bán thời gian, gồm những người khác biệt nhau từ nhiều đến rất nhiều nhưng giống nhau ở chỗ đều là cao niên. Đây là nơi thuận tiện để người ta có thể tiêu phí thoải mái những ngày tháng thừa tự do và chia sẻ tâm tình bằng những câu chuyện cổ tích của chính mình. Thỉnh thoảng Phụ ghé đến thăm Chi để trám chỗ cho cái cảm giác không-biết-làm-gì mà cứ sáng nào thức dậy Phụ cũng gặp phải. Phụ cảm thấy mình như mới mẻ hẳn lên.

Chi rủ Phụ đi ăn kỷ niệm ngày tái ngộ. Chi thích ăn mì xào giòn, Phụ thích ăn bún mắm. Chi nói: “Lại bún mắm”. Phụ cười: “Em chẳng cho ăn bún mắm hết ngày ngày sang ngày khác đó sao”. Chi nói: “Hồi đó mới qua, không ăn mắm thì ăn gì? Đã ở Mỹ mấy chục năm mà vẫn thế sao?”. Phụ nói: “Mắm là quê hương mà em. Ăn mắm mới ra người Huế”. Chi nói: “Anh sai rồi. Huế đâu có độc quyền ăn mắm. Người Nam em cũng ăn mắm chứ bộ, mắm cá linh này, mắm cá sặc này, mắm cá trèn này. Huế chỉ có mắm nêm”. Phụ nói: “Bậy nà, Huế còn có mắm tôm chua, mắm cà, mắm dưa, mắm nục… Em chỉ lấy chồng Huế… giả nên chẳng biết gì về Huế cả”.

Ăn xong, Chi nắm tay, nhìn thẳng vào mắt Phụ, giọng nghe nghiêm chỉnh và dứt khoát như đang tuyên thệ vào quốc tịch, nghe em nói đây: trước giả sau thật, giờ em muốn tái giá. Phụ ngạc nhiên, tái giá, ai tái giá, tái giá với ai? Tái giá với anh chứ với ai nữa, mình chẳng đã từng là vợ chồng rồi hay sao, một ngày cũng là nghĩa huống hồ gì cả mấy, mấy năm nhỉ. Phụ nói tám năm. Gì mà tám năm lận, Chi cãi. Phụ nói, tám năm là tính từ ngày em kêu anh đi xe thồ cho đến khi ký giấy ly dị, ừ, tái giá thì tái giá. Bộ anh không ưng hả, sao trả lời em cái giọng nhạt như nước ốc vậy. Đâu có, anh nói ừ mà. Chẳng có ai như anh, gái cho không mà chẳng chút nhiệt tình gì ráo. Phụ chống chế, không phải đâu em, anh đi cưới… nhiều lần quá, thành ra, thành ra… có hơi ngán. Chi véo tay Phụ, thiệt tình cái ông này, đàn ông mà ấm a ấm ớ, lúc nào cũng chờ người khác quyết định, hèn gì… hèn gì bà Liễu bà bỏ là phải.

Thấy Phụ chợt trầm ngâm, Chi hiểu ý, nói:

– Thôi, em xin lỗi. Liễu khác, em khác mà mấy bà kia cũng khác, anh không thấy sao. Thương anh là thương cái ấm ớ đó, ấm ớ mà thành thật. Giờ nói cho em biết: anh còn tờ hôn thú mới ký nào không?

– Không. Lần ly dị sau cùng cách đây ba năm.

– OK. Giấy ly dị của em cũng mười lăm, mười sáu năm rồi. Huấn đã lấy vợ khác từ lâu. Con lớn cả rồi, tụi em chẳng còn dính líu gì nhau. Nghĩ cái số em cũng đa đoan, có một thằng chồng thôi mà ly dị đi rồi ly dị lại, thiệt chán. Anh nhiêu?

Phụ lúng túng:

– Liễu, là một. Em, là hai. An, là ba. Lan, là bốn…

– Thiệt tình không ai đào hoa bằng anh. Thôi, thôi, ba, bốn, năm hay sáu, bảy hay tám cũng giống nhau thôi. Nhưng phải hứa, lần này là… trăm năm nghe.

Phụ cười:

– OK, nhưng đừng ăn gian. Còn đâu nữa mà trăm năm em. Mình tiêu quá nửa đời rồi. Cho anh chừng mười năm thôi. Nhưng lần này không được khóa cửa phòng, không được ăn riêng, không…

Chi nghiêm túc:

– Em đã chán cái nghề đóng kịch.

Phụ thẳng thắn:

– Em mới có một vở, anh thì quá nhiều.

Chi ngoéo tay Phụ:

– Nhiều hay ít thì kịch hạ màn rồi, bây giờ là đời nghe. Đã đời là phải thực. Em sẽ, em sẽ… order anh nguyên một ngày.

Phụ ngạc nhiên:

– Order anh? Để làm gì?

– Để… trăng mật.

– Cái gì mà trăng mật?

– Trăng mật là trăng với mật. Để em nói cho nghe. Hai anh em mình “cưới” nhau từ đó đến giờ là hai mươi mấy năm, đúng không? Thế mà vợ chẳng ra vợ, chồng cũng chẳng ra chồng. Ở với nhau mà nhịn, nhịn riết sinh bệnh chứ tưởng chơi sao. May mà hồi đó, mình còn trẻ. Giờ thì anh và em, ai cũng mãn… cả rồi…

– …?

– Em mãn kinh còn anh mãn… dục, mà cũng mãn…nhiệm luôn. Anh em mình bây giờ tự do, không thai nghén không lo con lo cái, đúng không. Anh còn nhớ mấy cặp trong hội không, họ ghép nhau, người bên đông kẻ bên tây, còn anh em mình, dù sao cũng từng ở với nhau, đủ thứ kỷ niệm vui buồn. Em nghĩ kỹ rồi, anh em mình cũng duyên nợ với nhau đấy. Thiệt tình bao lo toan, bao tính toán khiến tuổi xuân hết hồi nào mà rốt cuộc, cũng chẳng đến đâu…

Phụ đùa:

– Em, em… hồi xuân!

Chi duyên dáng:

– Em không “hồi”, em chỉ muốn “bù”… xuân. Lâu rồi, em thiếu hơi… đàn ông. Tháng ngày trôi qua nhanh còn hơn chạy giặc…

Giọng Chi đượm chút bùi ngùi. Phụ nhìn Chi, cảm động. Từ lâu, cuộc sống đẩy Phụ tới chỗ trở thành một diễn viên lành nghề với một vai diễn lặp đi lặp lại không cần cảm xúc: cưới Chi hai mươi bảy tuổi ở Huế, cưới Thúy An mười chín tuổi ở Sóc Trăng, cưới Hoàng Lan ba mươi tuổi ở Đà Nẵng, cưới Phan Thị Lành bốn mươi tuổi tận Hải Phòng với toàn là chụp ảnh và chụp ảnh, hết ôm eo đến nắm tay tiệc tùng, hết lên suối xuống biển đến vào khách sạn, hết bàn thờ gia tiên đến công viên tình ái… Một ông/chú/anh/thằng rể càng ngày càng chuyên nghiệp. Cưới và ly dị. Riết, Phụ dị ứng với chữ cưới, chán ngán chữ vợ. Dẫu sao, vợ Chi có đôi chút khác hẳn mấy vợ kia, không san sẻ gian khổ nhưng cũng chia ngọt xẻ mặn nhiều thứ. Phụ nắm chặt tay Chi:

– Mới đó…

– Ừa, thiệt tình là mới đó!

***

Nhà trọ ở lầu hai của một ngôi nhà ba tầng số 69 trên đường Townsend nằm trong khu dân nghèo thành phố, nơi tụ hội của những người sinh ra từ nhiều tổ quốc rất khác nhau, có ba phòng, Phụ và hai đứa con ở hai phòng, phòng còn lại là của Chi. Nhà thuê vội, cứ nửa đêm thức dậy, bật đèn lên là thấy gián, cơ man nào là gián, chen chúc trong nhà cầu, lổm ngổm trong phòng tắm, sục sạo trong nhà bếp, chui rúc trong góc phòng, biểu diễn trên tường, diễn hành dưới sàn. Thỉnh thoàng, Chi bắt gặp một cái quần lót nằm dưới gầm giường, Phụ tìm thấy một miếng giẻ chùi nhà trên đầu tủ, mấy đứa con Phụ nhặt được một số hòn, cục, miếng không tên linh tinh lỉnh kỉnh mà chủ nhà trước có nhã ý tặng lại cho kẻ đến sau như những món quà lưu chủ. Láng giềng số một là chủ nhà, Việt Nam, trẻ, giọng Quảng nặng, ăn nói nhanh nhảu, dài và dai, tiếng Việt chêm tiếng Mỹ, chiếm giữ tầng trệt, ở một mình. Láng giềng số hai, gốc Tây Ban Nha, đến từ một nước nào đó ở tận phía nam châu Mỹ, ở lầu ba, nơi sản xuất đủ thứ tiếng động cả ngày lẫn đêm như sàn diễn sân khấu, nghe riết mãi cũng thành ghiền. Phải hai ngày sau khi đến ở, Phụ mới biết còn có láng giềng số ba, một mẹ năm con, cũng ở tầng hai, nhưng nằm chệch sang một bên với cầu thang riêng, mặt sau nối liền với căn Phụ ở bằng một hành lang nhỏ chạy song song.

Một hôm, đi chợ về, Chi khoe với Phụ một khám phá nóng sốt mới thâu thập được từ những thông tin giấu đầu lòi đuôi của láng giềng số ba tên Gấm, anh biết không, gia đình bà Gấm này té ra là vợ con của anh chàng chủ nhà. Hèn gì! Thì ra, cặp vợ chồng chủ nhà đã thực hiện một kịch bản hoàn hảo: chồng độc thân, còn vợ là mẹ đơn thân với năm đứa con, mỗi đứa có một ông cha riêng nào đó nhưng không có tên trên giấy khai sinh vì đã quất ngựa truy phong trước khi chúng ra đời, xem như chửa hoang. Mẹ đơn thân cũng như những đứa con dưới mười tám tuổi rất được các chính sách an sinh xã hội nhà nước Mỹ cưng chiều. Chẳng cần điều tra điều trẻ gì, chính sách này ban cho họ mọi thứ quyền lợi vật chất từ ăn đến ở từ học hành đến chữa bệnh mà không cần phải thực hiện một nghĩa vụ lao động nào cả. Về sau Phụ mới biết thêm rằng kịch bản này khá phổ biến trong nhiều cộng đồng di dân, một trong nhiều yếu tố được gọi một cách đáng yêu là giấc mơ Mỹ. Phụ than phiền kịch bản này trông có vẻ lợi dụng quá, nhưng Chi bảo anh coi chừng, không biết ai kịch hơn ai đa. Phụ tỉnh ngộ nhận ra rằng kịch bản Phụ và Chi dàn dựng cũng hoàn hảo chẳng kém. Phiền một nỗi, kịch bản này không áp dụng được giữa nhau trong chốn riêng tư. Ở chung nhà, nhưng ai có cõi nấy, Phụ lo phần Phụ, Chi lo phần Chi. Chi dứt khoát không nấu chung ăn chung. Nấu chung ăn chung, dù chỉ một bữa, là con đường thuận lợi nhất để đi đến chung phòng chung chăn chung gối chung giường. Chi tổ chức mọi thứ cho mình tuyệt đối riêng biệt, thu vén tất cả mọi sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ vào trong căn phòng nhỏ bé của mình. Chỉ khi cần thiết lắm, Chi mới ra khỏi phòng, còn thì vào phòng, khóa cửa, không thể lơ là chểnh mãng được. Cửa, dù có là khung cửa hẹp, bao giờ cũng là đầu mối của những chuyện tày trời, chỉ cần bất cẩn, hớ hênh một chút là có thể vỡ trận như chơi.

Phụ thì Phụ chẳng hề có manh tâm. Sau bảy năm luyện ngục trong trại cải tạo, thực phẩm duy nhất chỉ là sắn và muối, Phụ trở thành một kẻ thánh thiện bất đắc dĩ. Ngày nhận được giấy ra trại, một đấng tù nhân cao tuổi dặn dò là mới ở tù về, phải tuyệt đối kiêng khem, vì biết đâu, khi vắng nhà, vợ Phụ chẳng yếu lòng ăn vụng vì vắng chồng quá lâu. Phụ tự hứa. Nhưng đêm đầu tiên về nhà, Phụ khỏi cần kiêng khem, vì phải cắn răng lắng nghe bà mẹ thân yêu đọc lại cuốn tiểu thuyết dài mà Liễu, vợ Phụ, là nhân vật chính: nàng văn nghệ văn gừng với một người quen của gia đình, đã có một đứa con. Mất vợ, Phụ tiếp tục cuộc sống thánh thiện của mình, thánh thiện đến nỗi có lúc Phụ quên mất mình là đàn ông.

Bây giờ, Phụ như ngồi nhấp nhổm trên lửa. Đàn ông trung niên, không mắc bệnh nan y, thiếu đàn bà lâu năm, ở chung nhà với một thiếu phụ gái-một-con-trông-mòn-con-mắt, lại là vợ chồng hợp pháp, Phụ phải dồn ép, nín nhịn. Khổ nhất là ban đêm. Ban đêm bao giờ cũng là thời khắc gợi cảm. Con cái ngủ hết, Phụ một mình ngồi ở phòng khách, lâu lâu lại lén lút nhìn trộm căn phòng Chi, khao khát. Thỉnh thoảng, Phụ cố gây ra vài tiếng động vu vơ với hy vọng biết đâu đêm hôm chúng sẽ chẳng đánh động nỗi lòng người thiếu phụ còn đầy xuân sắc. Như trong cơn mộng du, nhiều lần, Phụ nhón gót đánh bạo vượt qua đường biên vô hình, yên lặng đứng nhìn cánh cửa phòng Chi, phân vân, tưởng như cánh cửa khẽ lay động rồi mở ra đón Phụ vào. Vô ích, cảnh cửa chẳng hề hiểu ý người đàn ông khốn khổ, vẫn lạnh lùng nằm im. Phụ bất lực, chẳng dám tiến tới, ấm ức quay bước. Trong căn phòng đầy bóng tối, Chi cũng chẳng hơn gì Phụ, thao thức, nghe ngóng, bứt rứt. Chi bặm môi, bẹo tai, nín thở, cắn răng. Chi quyết liệt với cơ thể mình, chống chọi với từng cảm giác tưng tưng nghẹt thở, chực chờ bùng nổ. Nhiều lúc, cái cơ thể đáng ghét của Chi như tách hẳn khỏi nàng, bừng bừng, run rẩy. Phải chi được chạy ra ngoài phải chi được la lên phải chi được dậm chân múa tay. Chi nhấp nhổm, rạo rực. Không được đâu Chi ơi, nằm im đi Chi ơi, còn chồng còn con bên nhà Chi ơi. Đừng gây tiếng động, đừng đưa ra bất cứ một tín hiệu nào. Tín hiệu nào cũng sẽ kéo Chi tuột, tuột mãi xuống một con dốc dài không cách gì leo trở lên được.

Bốn tháng sau, Chi năn nỉ được cô em họ ở tiểu bang khác qua ở chung phòng. Phụ chưng hửng. Chi tạm thời có lá chắn, hú hồn!

***

Bước ra khỏi thang máy, Chi nhìn Phụ, cười tủm tỉm hỏi, anh có mang theo Viagra không? Phụ giật mình, làm gì có sẵn mà mang theo, cái cô này, muốn mua, phải có toa bác sĩ, chứ có phải kẹo cao su đâu mà để sẵn trong túi, mà anh chẳng có nhu cầu, nghe người ta nói hại sức khỏe lắm, có cho cũng không dám dùng. Chi đánh trống lảng, ờ nhỉ, chuyện của mấy ông ai mà biết, em chỉ hỏi cho vui thôi. Quành qua quẹo lại ba lần mới tìm thấy phòng số 2115. Ném túi xách xuống giường, Chi rủ Phụ tắm chung cho vui. Phụ bảo anh tắm ở nhà rồi, anh muốn ngắm cảnh chút. Chi trề môi nói anh quả thiệt là con rùa, tắm ở nhà là khác mà tắm ở đây là khác, hết chỗ ngắm rồi sao mà lên tầng thứ hai mươi mốt mà ngắm, ừa, mà không thích thôi, cứ ở đó mà ngắm. Phụ nói, tắm thì tắm. Chi đợi, nhưng thấy Phụ cứ đứng tần ngần, Chi lắc đầu, vùng vằng bỏ đi. Phụ nhìn theo Chi, lòng băn khoăn, chột dạ. Đến bên khung cửa, kéo tấm màn che nhìn xuống, Phụ ngợp. Mấy chục năm qua Mỹ, chưa bao giờ Phụ có dịp lên một tầng cao như thế này. Nhìn quanh nhìn quất, chẳng có gì ngoài một quần thể kiến trúc với những hình thù góc cạnh chen chúc nhau lạnh lùng, lì lợm và đe dọa. Chi nói, em muốn book phòng ở tầng cao hơn nữa, nhưng hết chỗ, em thích cao thật cao để cảm thấy mình xa hẳn cái thế giới bạn bè quen biết dưới kia, khỏi phải nghe điều này tiếng nọ, nhức cái đầu. Phụ đùa, rồi em cũng phải xuống lầu. Chi nói, cái ông này, thì ai mà chẳng biết thế, em muốn nói là được khi nào hay khi ấy.

Nghe tiếng chân bước nhẹ, Phụ quay lại. Chưa kịp nhìn, hai tay Chi đã che đôi mắt Phụ, giọng nghe nũng nịu, tưởng vào tắm, đợi hoài không thấy, cái ông này thiệt tình, té ra vẫn đứng ngắm trời ngắm đất chẳng chịu ngắm… người, mà thôi, cấm nhìn à nghe, nhắm mắt lại, khi nào em nói mở mắt mới được mở mắt, vi phạm là em bỏ về ngay. Phụ nghe lời Chi, nhắm mắt, cảm thấy thoang thoảng hơi đàn bà nồng ấm quanh mình. Giọng Chi nghe như gió thoảng, nào, anh, mở mắt ra đi, từ từ thôi nghe. Phụ nhìn Chi, hoa mắt. Chi hớ hênh với tấm khăn voan nhiều màu choàng quanh người, nhìn Phụ với tia mắt nồng nàn mời gọi. Tóc bới cao đen chen vàng vàng chen trắng trắng chen nâu, cột thành chùm ở trên đỉnh đầu. Khuôn mặt Chi trắng hồng để lộ ra một vài đường nhăn nhẹ gần khoé môi. Cổ đeo vòng ngọc hồng nhạt. Hai bờ vai tròn đều. Ngực thon gọn với hai đầu vú sậm màu, phập phồng sau làn vải mỏng. Chi còn trẻ trung đến thế kia ư, Phụ nghĩ. Trong thoáng chốc, Phụ cảm thấy lúng túng pha lẫn ngỡ ngàng, loay hoay chưa biết phải làm gì. Dường như hiểu ý, Chi đưa hai tay níu vai Phụ nói em là Chi, không phải là kịch sĩ. Phụ sực tỉnh, ừ, mình đâu có còn là diễn viên, Chi cũng không còn khóa cửa phòng thủ tiết như ngày xưa. Phụ yên tâm kéo Chi vào lòng, ôm siết, hôn tới tấp lên má, lên mắt, lên tóc rồi vục mặt vào ngực Chi, người bừng bừng sức sống. Có một cái gì trong cơ thể ngủ quên lâu năm bỗng như trở dậy. Phụ mạnh dạn bồng Chi lên, đặt Chi xuống giường, kéo chiếc khăn ném ra xa, ngắm nghía. Chi gọn gàng, nhỏ nhắn, yêu kiều, hé mắt nhìn Phụ, chờ đợi. Cả một quãng thời gian xưa cũ bỗng trở lại trong Phụ với bao nhiêu khao khát hụt hẫng. Cám ơn Chi, cám ơn em, Phụ thì thầm. Chi bịt miệng Phụ, kéo Phụ xuống, hôn khắp người Phụ, đắm đuối. Chi rành rọt, táo bạo, cuồng nhiệt. Phụ loay hoay, vụng về, chậm chạp. Chi khuyến khích, Phụ cố gắng, nhưng có cảm giác như thiếu hẳn cái nhạy bén và hăm hở thuở nào.

Chiều tối, Chi nói, thôi về anh. Phụ ngạc nhiên, em chẳng nói là ở đến mai cơ mà. Ừa, nhưng chán… chán anh quá, em thích về. Về thì về, Phụ nói. Chi hỏi, anh cũng muốn về thật sao. Thì em đòi về mà, Phụ nói. Chi lẩm bẩm, cái ông này, cái ông này… thiệt tình.

Đưa Chi về nhà, Phụ ôm Chi hôn phớt lên má, hỏi:

– Mai gặp nhau ở hội?

Chi lửng lơ:

– Ừa. Thì gặp.

***

Chưa tới một tháng thì đột nhiên, Corona, trong dáng dấp cái vương miện nhiều màu tuyệt đẹp, giáng trần. Từ một chốn không tên nào đó, những xác chết biết đi này hồn nhiên sử dụng cơ thể con người như một môi trưởng sinh sản và chuyển tải tuyệt vời, lập tức biến toàn hành tinh thành một vở kịch dài bi tráng. Thành phố đóng cửa, chợ búa đóng cửa, nhà nhà đóng cửa, người người tự đóng mình lại. Cái gì vô hình bao giờ cũng đáng sợ, nó giúp cho trí tưởng tượng phình to vô giới hạn. Ai cũng sợ ai. Ai cũng là bất trắc của ai. Ai cũng là đe dọa của ai.

Phụ có lẽ là người sợ con siêu vi này thuộc loại nhất, nhì thế giới. Chẳng thế mà dù không hề hình dung cái gì ra cái gì, nhưng nhìn đâu Phụ cũng tưởng như bọn corona bay lượn rình rập, chực chờ ùa tới bám vào da thịt mình. Ăn cái gì cũng lo, uống cái gì cũng ngại. Phụ sợ vật, sợ người và đâm ra sợ luôn cả chính mình. Nhịn đàn bà lâu ngày, đóng vai rể giả lâu ngày khiến cơ thể Phụ lại chai lì cảm xúc nhưng đầu óc Phụ thì nhạy cảm. Trốn biệt trong nhà, Phụ nhớ Chi da diết, ân hận là đã làm Chi thất vọng trong ngày trăng mật muộn. Phụ gọi Chi nói chuyện hoài không chán, hứa sẽ thuốc men cải lão hoàn đồng. Nhưng đùng đùng, Chi biến mất, gọi mãi gọi hoài không bắt máy. Rồi cũng đùng dùng, Chi gọi. Không những gọi, còn hẹn hò. Tiếng gọi của Chi mạnh hơn nỗi sợ corona, Phụ trang bị đủ thứ phòng chống trên người, thu hết cam đảm vượt biên khỏi phòng trọ nhỏ bé thuê tạm của mình.

Quán rượu “No Frills Grill & Sports Bar” láng giềng vẫn có những người khách điếc không sợ súng ra vào, dù quán chỉ mở để “to-go”. Chi, quần jean bạc màu thời trang áo pull xanh nước biển bó sát, gọn gàng, tươm tất, đợi sẵn ở trước thềm, gỡ ngay chiếc mặt nạ nhiều màu nhét vào túi áo, nhìn Phụ cười:

– Tưởng anh sợ, không đến chứ.

– Sao mà không sợ cho được, người ta đau, chết như rạ, nhưng cái nhớ đè cái sợ. Trời, mùa dịch bệnh mà em trông như đi du lịch vậy? Đi đâu mà biệt tăm biệt tích cả nửa năm trời. Về Việt Nam lấy chồng, phải không?

– Anh thật ngớ ngẩn, ai cho về Việt Nam mà về. Anh cũng nên gỡ mặt nạ ra đi. Em thuộc loại vô trùng, không lây đâu mà sợ. Em chẳng khoái đeo, nhưng không muốn làm người khác dị ứng.

Phụ kéo mặt nạ xuống dưới cằm nói, mình ngồi cái bàn ở patio ngoài này đi cho thoáng, đừng vào trong, anh hơi ớn. Chi nói, OK, anh đừng lo, tụi em đi đây đi đó nhiều nên cẩn thận lắm, không bao giờ vào trong, cũng không bao giờ ngồi sát nhau, anh xem, em có đủ mọi thứ, khăn trùm đầu này, bao tay này, thuốc khử trùng này… Em luôn mang theo đủ thứ phòng chống dịch. Hai người ngồi hai đầu cái bàn vuông rộng. Chi lấy bình sanitizer xịt bàn, xịt ghế, xịt tay, xịt áo quần rồi đưa cho Phụ cười, chỗ nào anh nghi có vi trùng thì xịt đại vào, xịt cho chúng nó hết chỗ trốn. Phụ nhìn quanh tìm người chạy bàn. Chi cầm điện thoại lên bảo, để em gọi, anh không thấy bản thông báo dặn là muốn order gì thì gọi điện thoại sao. Anh vẫn draft beer nhé, allo, allo cho một Dallas Blonde và một Mango Smoothie, vâng, vâng ở bên ngoài, patio…

Chi cụng ly với Phụ:

– Em đi công chuyện.

– Công chuyện gì mà những bốn, năm tháng trời?

– Em mới ở Washington DC về hôm kia.

– Washington DC? Em dám đi xa trong tình cảnh này?

– Sao không dám. Tụi em cả bọn lái xe đi vui lắm. Em đây này, đi đông đi tây mà có sao đâu. Anh phải biết, dịch bệnh chỉ là tuyên truyền, có ít họ xít ra nhiều.

Phụ chưng hửng, nhìn Chi không chớp mắt. Thiên hạ sợ gần chết mà nàng dám nói là tuyên truyền. Chi lôi ra một chùm mặt nạ đầy màu sắc, lòng thòng như mấy cái nịt vú, lấy ra từng cái nói, đây là mặt nạ Scarf-Face, đây là Butter-fly, đây là Jewel Toned, đây là Purple Rain, Flower Power, toàn là thứ “xịn” mà mụ Pelosi[2] hay mang đấy, em mua ở Donna Lewis USA, tận trên Washington DC. Chắc anh biết con mụ mất nết này chứ gì, ngày nào cũng xuất hiện trên TV, già mà làm đỏm hết biết, trong lúc cả nước đang sốt vó với dịch thì mụ chuyên môn lấy mặt nạ làm đồ chưng diện, váy nào mặt nạ đó, sáng xanh trưa hồng tối đỏ thôi thì đủ kiểu. Em bắt chước mụ ta, mua mặt nạ làm đồ trang sức rất tiện. Khi gấp, không cần phấn son gì cả, cứ đeo mặt nạ lên là OK, ra đường thoải mái.

Phụ hỏi:

– Em đi những đâu?

– Nhiều. Ở đâu cần là đi. Orlando, Santa Ana, Seatle, Washington DC…

– Làm gì?

Chi không nói, lục xách, đưa cho Phụ một một tấm phù hiệu bọc ny lông. Một bên là hình là cờ Mỹ thu gọn nửa xanh nửa đỏ với năm ngôi sao trắng một nửa với hàng chữ Trump màu xanh lục và chữ “Make America Great Again” màu đỏ; phía bên kia là tên Xuan Chi Ngo nằm trên mấy chữ “Vietnamese Girls for Trump as President Again”. Phụ chợt hiểu. Không đợi Phụ hỏi, Chi lôi ra từ túi xách một xấp ảnh. Phụ chăm chú xem từng cái. Một Chi tươi trẻ, mặt mày rạng rỡ, chụp với một số đồng hương, phần nhiều là phái nữ, tất cả đều đồng phục, cái thì áo dài trắng với những vạch xanh, đỏ và sao trắng của lá cờ Mỹ chạy xéo ngang qua phần áo trước ngực, cái thì đội mũ Maga, quần tây trắng thẳng nếp, giày đỏ, áo pull đỏ, giữa ngực có một ô viền xanh, với hàng chữ trắng: Trump- 2020 – Keep America Great. Chi đứng, Chi ngồi, Chi đi diễu hành, Chi cầm biểu ngữ, Chi phất cờ nồng nàn thắm tình Mỹ-Việt.

Phụ tấm tắc khen:

– Em trông xinh và oai ghê! Thời buổi dịch bệnh như thế này mà em dám đi chỗ này chỗ nọ, thiệt là gan cùng mình.

– Gì mà không dám. Mà đâu chỉ mình em. Hàng ngàn hàng vạn người ấy chứ. Báo chí toàn đưa tin tiêu cực để phá tổng thống Trump. Dịch thì dịch nhưng phải ủng hộ nước Mỹ, ủng hộ tổng thống Trump. Ông mang lại biết bao nhiêu điều tốt đẹp cho nước Mỹ thì mình phải ủng hộ thôi. Ổng là một phép lạ. Anh phải ủng hộ tổng thống Trump.

– Thì tất nhiên thôi, em ủng hộ thì anh ủng hộ.

Chi nói bài bản như diễn thuyết:

– Ổng là người ái quốc, thương nước thương dân, giàu có những không muốn hưởng thụ, đứng ra đương đầu với những người muốn hại nước Mỹ. Cả trăm năm mới có một người như ổng. Ổng là người duy nhất dám chống lại Tàu cộng. Ổng là một người cha gương mẫu, không nghiện ngập rượu chè, ăn uống rất giản dị, không cao lương mỹ vị, không đình đám xa hoa và làm việc phục vụ đất nước Hoa Kỳ không biết mỏi mệt. Cha nào con nấy, con ổng người nào cũng đẹp trai, đẹp gái, học hành giỏi và thành đạt trong xã hội. Ổng còn là một người có lương tâm và trách nhiệm, ly dị với hai bà vợ trước nhưng vẫn coi họ như bạn, chăm sóc và cấp dưỡng họ đầy đủ, chẳng bà vợ cũ nào than phiền và trách móc về cách đối xử của ổng. Em khoái nhất là cảnh ổng làm thân với Kim Jung-un, hai người đi bên nhau như cha với con vui vẻ và thân mật. Thật là một người Mỹ lý tưởng… Ổng là…

– Ừ, anh biết… Trông bộ em mê ông Trump dữ!

– Ừ, em khoái ổng. Ổng là đàn ông thứ thiệt, anh thấy không, từ ăn nói đến cử chỉ, cái gì ông cũng toát lên cái chất đàn ông, đâu có… đâu có… như anh…

– Xưa nay, em mô có thích chuyện chính trị, sao bây giờ lại nhảy vào chính trị.

– Em nhảy vào chính trị bao giờ đâu! Em chỉ ủng hộ ông Trump. Mà ông Trump cũng không chính trị. Ổng chỉ muốn cứu nước Mỹ. Em ủng hộ ổng làm tổng thống Mỹ mãi mãi. Ổng là phép lạ… của nước Mỹ chứ không phải chơi đâu.

Phụ lẩm bẩm, lại phép lạ. Phụ đã từng gọi Chi là phép lạ. Phụ nỏi:

– Chẳng lẽ mình hẹn nhau đến đây để chỉ nói chuyện ông Trump thôi sao.

Chi cười:

– Em xin lỗi. Thiệt tình lâu ni mẹ con em đều bận bịu.

– Mẹ con em?

– Ừ. Hai mẹ con. Con em rủ em đấy chứ. Nó ly dị thằng chồng rồi. Mẹ đơn thân, con đơn thân.

Sửng sốt, nhưng Phụ lảng sang chuyện khác:

– Vậy chuyện chúng mình em tính sao đây?

– Chuyện chúng mình? Chuyện gì vậy anh?

– Ô hay. Em không nhớ là em đã từng bàn chuyện “tái giá”.

Chỉ vỗ vào tay anh:

– Tái giá! Sao không nhớ. Nhưng trong hoàn cảnh này, chưa tính được đâu anh. Phải đợi thôi.

– Đợi, ừ thì đợi. Anh đã đợi mấy chục năm rồi, có đợi thêm cũng không sao. Nhưng đợi đến khi nào?

Chi dứt khoát:

– Khi nào ông Trump… đắc cử và dẹp yên hết cái đám phá hoại. Anh thấy không, từ ngày ổng lên làm tổng thống đến giờ, bọn chúng phá ổng ngày đêm không ngưng nghỉ. Họ kiện cáo, họ đòi truất phế, họ bịa ra chuyện dịch bệnh để hãm hại ổng. Ngày nào truyền thông cũng đưa toàn tin tiêu cực. Số người bệnh lên hàng triệu, số người chết cũng lên gần cả triệu. Triệu đồng chưa dễ gì kiếm, họ moi đâu ra một triệu người chết. Anh có tin nổi không? Sẵn TV, sẵn báo, bọn họ mặc tình bịa ra đủ thứ. Anh nhìn quanh vùng mình đây xem, làm gì mà hàng ngàn người bệnh, hàng trăm nguời chết. Láo còn hơn cộng sản. Ổng đưa ra chương trình nào, họ cũng phá, ổng nói gì, họ cũng chửi. Anh xem, trong lịch sử thế giới, có ai phải ba bên bốn bề thọ địch như ổng không. Thế mà ổng vẫn coi như pha…

Phụ nhìn sững Chi. Khuôn mặt Chi, khi nói, dường như đanh lại, cương quyết. Chi như có một nguồn năng lượng khác lạ mới mẻ trong người. Vẫn là Chi, nhưng không phải Chi. Chi càng nói, Chi càng khác. Y như thể Chi đóng một vai diễn khác. Phụ cười:

– Ông Trump cũng giỏi mà em cũng giỏi…

– …?

– …như kịch, ngó zdậy mà hổng phải zdậy.

Chi đập mạnh tay vào vai Phụ:

– Cái ông này, thiệt tình…

***

Mặc dầu có thêm một phiếu của Phụ, ông Trump của Chi vẫn thất cử. Phụ gọi điện thoại cho Chi năm lần bảy lượt, Chi mới bắt máy. Phụ chia buồn với Chi. Chi nói anh tào lao, bầu cử đã xong đâu mà buồn với vui, đừng nghe tụi truyền thông thổ tả đầu độc, ông Trump làm sao mà thua được, đây là một cuộc bầu cử gian lận, ổng sẽ kiện tới bến, kiện lên tối cao pháp viện với đầy đủ bằng chứng. Tụi em bây giờ bận lắm, còn nhiều việc phải làm, khi nào rảnh em sẽ gọi lại.

Phụ chờ mãi, nhưng không nghe Chi gọi lại. Phụ gọi, Chi vẫn không bắt máy. Mãi đến giữa tháng giêng.

– Bác Phụ phải không ạ? Cháu là Bảo, con của bà Chi.

– Bác Phụ đây. Mẹ con ở đâu mà bác gọi mãi không được.

Giọng Bảo bỗng sướt mướt:

– Bác ơi, mẹ cháu hiện đang nằm ở bệnh viện.

Phụ hoảng hốt:

– Mẹ cháu bệnh gì vậy?

– Covid, bác ơi.

– Trời!

Phụ thả điện thoại xuống, ôm đầu, ngẩn ngơ. Giọng cô gái vẫn còn bác ơi bác ơi bác ơi vang lên từ chiếc điện thoại nằm bất động trên bàn. Phụ lại cầm lên:

– Khổ thân Chi của tôi chưa! Mẹ ở bệnh viện nào vậy?

– Emory ở Atlanta, thưa bác.

– Ở tận Atlanta lận à. Vậy mà bác tưởng vẫn ở Austin chứ. Mẹ làm gì mà về dưới đó?

– Mẹ cháu theo mấy cô mấy bác trong phái đoàn Florida đi kiện bầu cử gian lận. Mấy ngày trước, mẹ cháu nhức đầu, đau cổ, mẹ cháu ở nhà nghỉ ngơi, uống Tylenol, thấy đỡ. Nhưng không biết sao tối hôm qua, mẹ cháu trở nặng, không thở được, cháu gọi 911, họ tới chở đi ngay…

– Cháu vào thăm chưa?

– Cháu đang ở bệnh viện đây, nhưng họ không cho vào. Nghe nói họ đã chuyển mẹ cháu vào phòng ICU[3]…họ nói…họ nói…mẹ cháu, mẹ cháu…

– Mẹ cháu sao?

– …mẹ cháu phải nằm máy trợ thở…bác ơi, cháu không biết phải làm gì đây…cháu sợ quá…

– Cho bác địa chỉ của cháu. Bác sẽ, bác sẽ tìm cách xuống đó…

– Không được đâu bác. Cháu ở nhà người quen, bác ơi. Nhưng bác đừng xuống đây làm gì. Tình hình dịch bệnh này nguy hiểm lắm. Bác mà không khéo là cũng bị lây. Hiện bệnh viện này đã hết chỗ chứa. Có gì cháu sẽ tin cho bác ngay. Bác có xuống đây thì cũng chỉ ngồi ở nhà mà chờ tin thôi… Con covid này nó ác lắm, nó đợi mình thăm là nó nhảy qua mình ngay.

Giọng Bảo lạc đi:

– Bác ơi….nhà nào có bệnh nhân covid cũng phải chờ thôi. Nhiều người bệnh vào đây là… là… đi luôn, thân nhân, thân nhân…cũng chẳng biết họ mang đi… đi… đâu… họ đang đuổi… đang ra lệnh cho … mọi người phải rời bệnh viện… mẹ ơi, mẹ ơi… bác ơi, cháu… phải về thôi… họ không cho…. không cho… ở lại. Có gì… có gì… cháu sẽ…

Phụ nhìn điện thoại, ngẩn ngơ. Giọng Bảo nhỏ dần rồi im bặt. Phải làm làm gì cho Chi đây? Phụ hoàn toàn bất lực.

Trong lúc bối rối, Phụ bỗng nghĩ đến phép lạ. Chỉ có phép lạ may ra mới cứu được Chi. Nhưng kiếm đâu ra phép lạ, Phụ chịu. Chắc phải xin phải cầu chứ ai mà cho không. Nhưng cầu ai đây. Từ ngày qua định cư, nhọc nhằn lăn lộn với đời sống, Phụ chẳng hề nhớ Phật nhớ thánh, cũng chẳng tin Chúa tin Phật. Đôi khi sực nhớ không khí cúng quảy bên nhà, Phụ cũng muốn lập cái bàn thờ nho nhỏ để thờ ông bà cha mẹ, nhưng cứ lênh đênh hết nhà này đến nhà khác, lần lữa mãi, cho đến khi giao nhà lại cho đứa con trai ra đi, nhà Phụ vẫn vắng bóng hương khói, chẳng kỵ chẳng giỗ gì cho ai cả. Phụ nghĩ mình không vô thần mà như kẻ vô thần. Cả đời không hề cầu xin, lần này, tự nhiên đi cầu Phật, cầu thánh Phụ cảm thấy ngài ngại. Biết Phật thánh chắc cũng chẳng chấp trách gì, nhưng mới định bụng thôi là Phụ đã cảm thấy ngượng với mình y như thể là kẻ ăn gian. Nhưng Phụ biết bọn siêu vi này chắc chẳng sợ đấng thiêng liêng nào cả. Bọn chúng xuất hiện như một kịch bản lạ lùng, vô tiền khoáng hậu. Có khác gì phép lạ đâu. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, chúng đẩy cả loài người kiêu hãnh vào chỗ ngất ngư, kể cả cái nước Mỹ vốn tự hào là khôn ranh nhất hành tinh này.

Phụ xuôi tay, thấm thía mùi vị cuộc đời, ngày nào cũng chỉ biết kêu thầm: Chi ơi, Chi ơi, đừng bỏ anh mà đi nghe em. Phụ mong sao Chi zdậy mà hổng phải zdậy.

(12/2020-2/2023)


[1] “Nhìn vậy mà không phải vậy”, nói theo giọng người Nam bộ

[2] Nancy Pelosi, nguyên chủ tịch Hạ Viện, Hoa Kỳ

[3] Intensive Care Unit = Khu điều trị đặc biệt dành cho những bệnh nhân bệnh nặng

Comments are closed.