Tâm Don
Những người yêu sách ở Việt Nam vừa có thêm một cuốn sách quý bằng tiếng Việt để đọc, đó là cuốn Bất Phục Tùng của Henry David Thoreau do dịch giả có uy tín và trách nhiệm Phạm Nguyên Trường dịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng cấp giấy phép xuất bản.
Bìa sách “Bất Phục Tùng” của Henry David Thoreau
Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Henry David Thoreau – tên khai sinh là David Henry Thoreau (12/7/1817-6/5/1862) – là nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học, nhà triết học, nhà địa hình học nổi tiếng người Mỹ. Ông là một trong những người đi tiên phong theo thuyết Tiên nghiệm ( tri thức có trước kinh nghiệm, hoặc tri thức nảy sinh trước kinh nghiệm) và là một nhà hoạt động tích cực tham gia phong trào kháng thuế, bãi nô. Ngoài ra, ông còn để lại dấu ấn khi chỉ trích mạnh mẽ sự phát triển của công nghệ. Ông được nhiều người biết đến qua tác phẩm nổi tiếng Walden – trong đó ông đề cập đến việc bản thân đã từng sống một cuộc sống đơn giản và gần gũi với thiên nhiên, và bài luận Civil Disobedience (Bất Tuân Dân Sự) bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cá nhân kháng cự lại chính quyền dân sự trên tinh thần phản đối kiểu Nhà nước bất công.
Nhiều người Việt Nam đã trích dịch nhiều đoạn ngắn trong cuốn Civil Disobedience của H.D. Thoreau ra tiếng Việt. Trong khoảng 7-10 năm nay, cộng đồng mạng ở Việt Nam rất thích thú với các trích đoạn dịch ngắn ngủi này, và đồng cảm với phương thức bất tuân dân sự.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường đã dịch Civil Disobedience ra tiếng Việt, và ông đã dịch đúng thuật ngữ là BẤT TUÂN DÂN SỰ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Nhà xuất bản Đà Nẵng – nơi tiến hành biên tập và cấp phép xuất bản – đã sửa lại thành BẤT PHỤC TÙNG. Còn trong nội dung cuốn sách, thuật ngữ BẤT TUÂN DÂN SỰ đã được biên tập ngắn gọn lại chỉ còn BẤT TUÂN. Dịch giả Phạm Nguyên Trường cho biết, Nhà xuất bản Đà Nẵng, nơi biên tập và cấp phép xuất bản cuốn Bất Phục Tùng mà thực chất là Bất Tuân Dân Sự, đã không hề trao đổi với ông về việc chuyển tên sách – thuật ngữ Bất Tuân Dân Sự thành Bất Phục Tùng, chuyển thuật ngữ Bất Tuân Dân Sự trong nội dung thành thuật ngữ Bất Tuân.
Dù phải mang tên BẤT PHỤC TÙNG, dù khái niệm Civil Disobedience – bất tuân dân sự – được rút gọn lại thành bất tuân, thì Civil Disobedience của Henry David Thoreau cũng đã đến với những người yêu sách, yêu chuộng tiến bộ và tự do ở Việt Nam. Trong lời giới thiệu cuốn sách này, dịch giả Phạm Nguyên Trường viết: “160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ”.
Bất Phục Tùng của H.D. Thoreau là bài luận có hai quan điểm xuyên suốt: Một, chính phủ không phải bao giờ cũng tốt, thậm chí chính phủ xấu nhiều hơn chính phủ tốt, vậy nên, công dân có quyền bất tuân chính phủ bằng các phản kháng dân sự ôn hòa; Hai, sự phục tùng thái quá các luật pháp bất công và không tiến bộ sẽ làm cho đất nước và công dân có nhiều bất hạnh, vì vậy công dân có quyền không phục tùng các luật lệ mà họ cảm thấy bất công. Giọng văn trong Bất Phục Tùng của H.D. Thoreau rất trong sáng, giàu hình tượng và giàu chất văn chương.
Bất Phục Tùng được mở đầu bằng một quan điểm mạnh mẽ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với châm ngôn: Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất (That Government is best which governs least), và mong câu ấy được áp dụng vào thực tế một cách có hệ thống hơn, càng nhanh càng tốt. Tôi tin rằng, khi phương châm ấy được đưa vào thực tế thì nhất định cuối cùng nó sẽ đưa đến: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả” (trang mở đầu, sách đã dẫn).
Dù được viết từ 160 năm trước, nhưng bài luận Bất Phục Tùng có những luận điểm tiến bộ, hoàn toàn mới mẻ trong thế giới hiện đại đang đầy rẫy biến động, chẳng hạn quan điểm: “Khi chính phủ bỏ tù người ta một cách bất công thì nhà tù chính là chỗ cho người công chính” (trang 42, sách đã dẫn), hay quan điểm: “Tất cả mọi người đều công nhận quyền làm cách mạng; nghĩa là, quyền từ chối trung thành với và chống lại chính phủ khi những hành động bạo ngược hay sự bất tài của nó đã trở thành không thể chịu đựng được” (trang 22, sách đã dẫn).
H.D.Thoreau luôn hoài nghi vai trò của nhà nước, và ông xác quyết: “ Nhà nước chưa thể trở thành tự do và khai phóng thật sự chừng nào nó chưa công nhận công dân là những chủ thể độc lập với nhà nước và cao hơn nhà nước; quyền lực và sức mạnh của nhà nước là từ nhân dân mà ra và phải đối xử với công dân một cách tương xứng”.
H. D. Thoreau tin rằng, bất tuân dân sự là một cuộc cách mạng. Ông viết: “Khi công dân bất tuân và công chức từ nhiệm thì đấy chính là cách mạng” (trang 44, sách đã dẫn).
Bất Phục Tùng là một cuốn sách xứng đáng hiện diện trên kệ sách của những người yêu sách.
Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2019/03/vntb-hay-en-voi-mot-quyen-sach.html