Thụy Khuê
Chương 8
Hịch của Quang Trung
Sau khi đại phá quân Thanh năm 1789, uy thế Quang Trung lừng lẫy, nhưng sự kiện anh em bất hoà từ 1787 vẫn còn hằn vết. Giang sơn chia hai, Nguyễn Huệ giữ từ Phú Xuân ra Bắc, Nguyễn Nhạc từ Quảng Nam tới Quy Nhơn. Đất Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, trên nguyên tắc của Nguyễn Nhạc, nhưng là vùng tranh chấp thường xuyên. Nguyễn Ánh giữ miền Nam. Họ xưng là “ba nước”.
Về phía Nguyễn Ánh, sự bình định miền Nam đã xong, cơ sở hành chính và quân đội đã vững. Kế hoạch chiến tranh cũng được vạch rõ: sẽ không đánh liên tục mà đánh theo gió mùa, thuận gió thì đem tầu thuyền ra tấn công chiếm đất, để quân, tướng, ở lại giữ; hết gió, lại rút về Gia Định, cho quân làm ruộng, đợi năm sau. Chính sách khi có giặc thì đánh, khi nghỉ thì cho quân về làm ruộng, có từ thời nhà Đường; ở ta, các đời vua đều ít nhiều sử dụng, không phải do Bá Đa Lộc “dạy” như Faure viết, rồi những người sau chép lại.
Về phía Quang Trung, chiến lược cũng rõ ràng, sau khi dẹp tan quân Thanh, Quang Trung thăm dò mặt Bắc, vừa hoà hiếu, vừa có ý đòi lại đất Lưỡng Quảng. Về nội trị, xây dựng kinh đô Phượng Hoàng ở Nghệ An, trên đất Vinh ngày nay, để tiện đường vào Nam ra Bắc. Nhân việc Lê Duy Chi, em Chiêu Thống liên kết với quân Lào, Quang Trung sai Trần Quang Diệu chinh phạt Vạn Tượng, chiếm nước Lào. Sau đó đánh xuống Cao Miên và Nam Hà, nhưng gặp trở ngại, ông thay đổi chiến lược, rút quân về; liên kết với chiến thuyền của Tề Ngôi, tấn công mặt biển. Sau khi Nguyễn Ánh tấn công chớp nhoáng tiêu diệt thuỷ quân Nguyễn Nhạc ở Thị Nại tháng 7-8/1792, Quang Trung quyết định san bằng miền Nam, truyền hịch cho dân hai miền Quãng Ngãi và Quy Nhơn, trước khi hành quân thẳng qua đất của Nguyễn Nhạc để đánh vào Gia Định. Bản hịch của Quang Trung mà chúng tôi trình bầy dưới đây, nằm trong bối cảnh đó.
Lịch trình diễn biến sự việc
Lịch trình các biến chuyển, theo thứ tự thời gian như sau:
– Tháng 6/1791, Quang Trung sai Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Uyên chinh phạt nước Lào, vua Lào thua chạy sang Xiêm. Tháng 10/1791, chiếm xong Vạn Tượng.
– Tháng 9/1791, Bá Đa Lộc biết trước tình thế Quang Trung sắp đánh vào Nam, tìm mọi cách bỏ đi, kéo theo tất cả người Pháp, mục đích để lấy lòng Quang Trung nếu Quang Trung thắng, hoặc đợi xong chiến tranh, ai thắng thì theo. Nguyễn Ánh cho phép Bá Đa Lộc về Pháp, nhưng rồi Bá không đi.
– Tháng 2/1792, Quang Trung đem khoảng ba chục ngàn quân, qua đường Lào đánh xuống Cao Miên, tới biên giới Miên Việt, nhưng lại rút về.
– Tháng 4-5/1792 (tháng 3 ÂL), vua Xiêm sai người đưa thư xin Nguyễn Ánh giúp sức để “báo thù” cho vua Lào. Nguyễn Ánh đã dò biết kế hoạch của Nguyễn Huệ: điều động hai, ba mươi vạn quân thuỷ bộ; bộ binh theo đường núi qua Lào đánh xuống Cao Miên, chiếm mặt sau Sài Gòn; thuỷ binh vào cửa bể Hà Tiên đánh lên Long Xuyên, Kiên Giang, chiếm mặt trước Sài Gòn.
– Tháng 6/1792, những người lính Pháp hoặc phạm kỷ luật như Dayot, bị Nguyễn Ánh đuổi đi, hoặc chính họ muốn bỏ đi. Bá Đa Lộc xin đi lần thứ nhì. Nguyễn Ánh giữ lại.
– Tháng 6-7/1792, tháng 5 ÂL, Nguyễn Huệ liên kết với giặc biển Tề Ngôi, đem chiến thuyền đánh phá Bình Khang, Bình Thuận.
– Tháng 7-8/1792, tháng 6 ÂL, được gián điệp cho biết Nguyễn Nhạc tập trung chiến thuyền ở cửa Thị Nại, định đánh vào Nam, Nguyễn Ánh ra tay trước, đem thuỷ binh tấn công Thị Nại, tiêu diệt lực lượng thuỷ binh của Nguyễn Nhạc, trong lúc Nguyễn Nhạc đi săn vắng.
– Trận Thị Nại 1792, chiến thắng lớn đầu tiên của Nguyễn Ánh, làm cho Quang Trung nổi giận, quyết định “quét sạch Gia Định”.
– Ngày 27/8/1792, Quang Trung truyền hịch cho quan, quân, dân hai miền Quảng Ngãi và Qui Nhơn sửa soạn đón đại binh đi qua để chinh phạt Gia Định, “san bằng” miền Nam cho tới biên giới Xiêm La.
– Ngày 16/9/1792, Quang Trung băng hà.
Xây Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An
Sau chiến thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ quyết định dựng nghiệp lớn, việc đầu tiên là thành lập một kinh đô, riêng, không phải Phú Xuân, thuộc về Chúa Nguyễn, cũng không phải Thăng Long, thuộc về vua Lê. Nguyễn Huệ chọn đất Nghệ An, ở giữa, để lập Trung Đô.
Ý định thành lập triều đình ở Nghệ An đối với Nguyễn Huệ có từ bao giờ?
Theo Hoàng Xuân Hãn việc này liên quan đến La Sơn Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Nguyễn Huệ mời phu tử ra giúp, ba lần:
Lần đầu, thư viết ngày 5/2/1787 (18/12 Thái Đức năm thứ 9) (Nguyễn Hữu Chỉnh vừa dẹp Trịnh Bồng, được phong chức Bằng Quận Công, cầm quyền ở Bắc). Phu tử từ chối. Tháng 5/1787 (tháng 4 ÂL), Nguyễn Nhạc xưng Đế ở Quy Nhơn, phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương đóng ở Phú Xuân. Anh em Tây Sơn bất hoà. Huệ vây Quy Nhơn; tự xưng là Chính Bình Vương; sai Vũ Văn Nhậm ra chiếm Nghệ An. Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở Bắc. Huệ cả giận, sửa soạn chiếm Bắc Hà.
Lần thứ nhì, Huệ viết thư ngày 21/9/1787 (10/8/Thái Đức thứ 10) cầu La Sơn phu tử. Phu tử từ chối.
Lá thư thứ ba, Huệ viết thư ngày 23/10/1787 (13/9/ ÂL), lời thư thắm thiết, lý luận chặt chẽ. Phu tử vẫn từ chối.
Ba tháng sau khi gửi lá thư thứ ba, Huệ sai Nhậm ra đánh Chỉnh. Tháng 1/1788 (tháng 12 ÂL) Chỉnh thua, bị giết. Nhậm đóng ở Thăng Long.
Tháng 5/1788 (tháng 4 ÂL) được tin Nhậm muốn tự lập, Huệ ra Thăng Long giết Nhậm.
Trên đường ra Bắc, Huệ đóng đại doanh ở núi Nghiã Liệt, gần bến Phù Thạch và viết thư ngày 23/4/1788 [18/3 ÂL] mời phu tử ra tiếp kiến. Lời lẽ của phu tử trong buổi hội kiến càng làm cho Huệ khâm phục. Và cũng chính trong cuộc hội kiến này Huệ nhờ phu tử coi địa lý giúp để tìm đất lập đô ở Nghệ An.
Cuối tháng 6/1788 [tháng 5 ÂL], Huệ về đến Nghệ An, vẫn chưa thấy phu tử chọn, bèn viết thư trách, trong có có câu: “… tuỳ phu tử lấy con mắt tinh mà xét định. Sớm sớm chọn lấy, giao cho trấn thủ Thận chóng dựng cung điện. Hẹn trong ba tháng thì xong, để tiện việc giá ngự. Vậy Phu tử chớ để chậm chạp không chịu xem”. Trong thư trả lời, nay không còn, Nguyễn Thiếp can Nguyễn Huệ đừng lập đô ở Nghệ An, sợ gây phiền khổ cho dân. Mười ngày sau, Huệ viết thư trả lời, ngày 22/7/1788 [19/6 ÂL], trong có câu: “Lời bàn ấy, như liều thuốc hay, rất xứng với ý ta. Nhưng vì lúc đầu mới lấy được nước, lòng người mới theo. Nếu không lấy đất Nghệ An để thường thường chống thượng du, thì lấy đâu để khống chế trong ngoài. Chắc phu tử đã xét rõ như vậy”.
Ngày 5/8/1788 [4/7 ÂL] trấn thủ Thận lại viết thư giục, tỏ việc định xây Hành cung ở Phù Thạch, nhưng phu tử không trả lời. Hai tháng sau Nguyễn Huệ viết thư trách: “Nhiều lần phiền nhờ Tiên Sinh xem đất. Những chỗ núi sông kết phát ở xứ nầy, Tiên sinh đã từng chú ý xét nhận, thế mà đã lâu chưa thấy trả lời”.
Nguyễn Thiếp chậm trễ không trả lời, bởi lòng vẫn thầm mong miền Bắc trở về nhà Lê, không muốn Nguyễn Huệ bỏ Phú Xuân; nên việc lập đô ở Phù Thạch, trên sông Lam, dưới chân núi Nghiã Liệt không thành. Nhưng Nguyễn Huệ vẫn kiên trì giữ ý định lập đô ở Nghệ An, lần này ở Yên Trường, tức là Vĩnh bây giờ (thường đọc lầm là Vinh), trong thư viết ngày 2/10/1788 (3/9/Thái Đức năm thứ 11) gửi La Sơn Phu Tử, Huệ viết rõ lý do: “Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. Ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng: chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về (…)
Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ. Thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng có thể chọn để xây kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy.”
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Quang Trung quyết định xây cung điện ở núi Dũng Quyết tức Phượng Hoàng Trung Đô,
Ngô Thì Chí viết: “Bởi thấy Nghệ An ở vào giữa nước, đường xá các nơi đến đó cũng vừa bằng nhau, ngài liền bắt rất nhiều thợ thuyền khuân vác gỗ, đá, gạch, ngói để sửa sang cung phủ dựng lâu đền, đắp một vòng thành bên trong. Trong thành dựng toà Long Lâu ba tầng và điện Thái Hoà hai dẫy, làm nơi chầu mừng, gọi là Chung khính Phượng hoàng thành” (Hoàng Lê Nhất thống chí t.322).
Phượng Hoàng là tên núi Quyết hay Dũng Quyết ở cạnh đường Vinh đi Bến Thuỷ bây giờ, Hoàng Xuân Hãn viết: “Có thể tin chắc rằng Phượng Hoàng trung đô ở khoảng giữa núi Mèo (núi Kỳ Lân) và núi Quyết. Trong thành ấy có xây lầu ba từng, xung quanh có các đồn, trên núi có kho lúa. Cuối đời Tây Sơn, lầu đổ; trấn thủ Thận phá lấy gỗ đóng chiến thuyền.”
“Địa thế thành rất dễ giữ. Phía trước có sông Cồn Mộc và sông Lam, phiá bên có núi Quyết, đều là hào và thành thiên nhiên.
Ở giữa thành, còn dấu thành trong, và nền nhà. Nhất là có nền cao ba bậc ở phần bắc, mà ngày sau, đời Nguyễn dùng làm nền xã tắc. Chắc đó là chỗ Quang Trung ngự triều trong khi tạm nghỉ ở Nghệ An.
Tuy gọi là Trung đô, nhưng thành Phượng hoàng nhỏ, thành nam chỉ dài chừng 300 mét, bức thành tây dài 450 mét, và cái nền cao thì ngang dọc cũng chỉ có chừng 20 mét mà thôi”. (Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, Tủ sách Việt Nam, Paris, 1983, t. 118-128)
Trong sách La Sơn Phu Tử, trang 245, có ghi bản đồ Phượng hoàng Trung đô, ở một góc có vẽ hình dạng Vĩnh Thành (thành cổ Vinh), hình lục giác có góc cạnh. Lối thành như thế này, thường được người Pháp và một số người Việt hùa theo, vơ vào, gọi là thành “Vauban”. Nhưng Vĩnh Thành có từ trước thời Quang Trung, vậy không hiểu kiểu thành Vauban này do ông Puymanel đưa lọt vào bằng cách nào? Đó là những câu hỏi chúng ta cần phải đặt ra và tìm lời giải đáp, để hiểu về kiến trúc thành trì ở Việt Nam, chẳng thể để cho người Pháp muốn viết sao thì viết.
Quang Trung chiếm Lào
Sau khi đại phá quân Thanh, xây Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An năm 1789, Quang Trung tiễu trừ tàn quân của Lê Duy Chi, em Lê Chiêu Thống, chinh phạt Vạn Tượng.
Về việc này, Liệt Truyện ghi rõ: “Trước đây, Chiêu thống đế sang nước Thanh, em là Duy Chi chiếm cứ địa phương Tuyên Quang, Cao Bằng, nương tựa với thổ tù [tù trưởng Thổ] là Nùng Phúc Tấn, Hoàng Văn Đồng, liên kết với các bọn Mán ở Vạn Tượng, Trấn Ninh là Trịnh Cao, Quy Hợp, mưu phá thành Nghệ An. Huệ sai đốc trấn Nghệ An là Nguyễn [Trần] Quang Diệu làm đại tổng quản, đô đốc là Nguyễn Văn Uyên đem 5000 quân tinh binh, theo đường ở miền trên trấn Nghệ An đến đánh. Tháng 6 [ÂL, tháng 7/1791], lấy được Trấn Ninh, diệt được Trịnh Cao, Quy Hợp. Tháng 10 [ÂL, tháng 11/1791], quốc trưởng nước Vạn Tượng bỏ thành chạy, bắt được voi ngựa chiêng, trống, đuổi dài mãi đến địa giới Xiêm La, chém được tướng bên tả là Phan Dung, bên hữu là Phan Siêu, bèn kéo quân về Bảo Lạc. Lê Duy Chi cùng Phúc Tấn, Văn Đồng, thế lực không địch được, đều bị hại.” (Liệt truyện Nguyễn Văn Huệ, tập 2, t. 557).
Sự Quang Trung chiếm Vạn Tượng làm rung động cả khối Xiêm, Lào, Miên và Nam Hà, Thực Lục ghi việc tháng 4-5/1792 (tháng 3 ÂL):
“Nước Xiêm La đưa thư đến nói xin giúp quân đi theo miền thượng đạo đánh giặc Tây Sơn. Trước là giặc Tây Sơn gây oán với nước Vạn Tượng, lại dẫn quân đến đánh Vạn Tượng, Vạn Tượng thua to. Vua Xiêm muốn báo thù cho Vạn Tượng, xin ta giúp quân và yêu cầu ta đem Long Xuyên, Kiên Giang cho Mạc Công Bính, và đem Ba Xắc cho Chân Lạp. Vua sai viết thư trả lời rằng:
“Quả nhân từ khi lấy lại được Gia Định tới nay, dằn dọc một nơi, ăn không biết ngon, nằm không yên gối, rất lo nghĩ thù nước chưa trả xong. Nay nghe giặc Nguyễn Văn Huệ chọn quân Hà Bắc được hơn hai ba mươi vạn người, mưu cử đại binh thuỷ bộ vào cướp. Quân bộ thì trước đánh các dân Man ở miền thượng đạo, tiến đánh Nam Vang, quay lại đánh sau lưng Sài Gòn. Quân thủy thì vào Côn Lôn phá Hà Tiên, theo đường Long Xuyên, Kiên Giang để đánh mặt trước Sài Gòn. Nếu thắng sẽ đánh tới Xiêm. Đó chẳng những là thù riêng của quả nhân, mà cũng là thù của nước Xiêm nữa. Tính kế ngày nay thì quả nhân đem quân thuỷ quân bộ đánh Quy Nhơn, mà vương thì đem trọng binh đánh Nghệ An. Giặc giữ Nghệ An thì vương đánh ngả trước, quả nhân đánh ngả sau; nếu giặc giữ Phú Xuân thì vương quấy rối ở ngả sau, quả nhân đánh ngả trước, đầu đuôi giáp đánh thì giặc không còn đi đâu được nữa. Đến như Long Xuyên và Kiên Giang (…) Mạc Công Bính còn nhỏ, chưa có thể đương việc quân (…) còn đất Ba Xắc không cho Chân Lạp là vì…” (TL, I, t. 284)
Xem thư đối đáp giữa vua Xiêm và Nguyễn Ánh, ta thấy vua Xiêm muốn cầu Vương chung sức để “trả thù” cho Chân Lạp, nhưng nhân tiện lại “đòi” luôn cả Long Xuyên, Kiên Giang, và Ba Thắc, và Vương trả lời thẳng là không “trả”. Tuy nhiên kế “liên minh” ba nước chống Quang Trung, cho thấy tình hình nguy ngập là nhường nào.
Bá Đa Lộc chuẩn bị bỏ đi, trước khi Quang Trung tấn công
Trong lúc tình hình hết sức khẩn cấp, Bá Đa Lộc và những “sĩ quan” Pháp tính chuyện bỏ đi.
Dự tính này, riêng về phiá Bá Đa Lộc, đã có từ trước, bởi ông thấy rõ tình hình từ năm 1791. Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791, vị giám mục viết:
“… Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão (leur a donné le temps de revenir de leur frayeur et de s’assurer que tout ce qu’on disait du secours des Européens n’était que chimères). Ông ta đã bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại đầu được.
Tôi không cần nói, ông cũng có thể thấy trước, điều gì sẽ xẩy ra nếu nhà vua lại bị bắt buộc bỏ xứ chạy lần nữa. Và quân Tây Sơn sẽ kịch liệt báo thù như thế nào lên đầu giáo dân và giáo sĩ, nếu tôi cứ khăng khăng ở lại đây đến phút chót? Ngược lại, nếu tôi bỏ đi trước khi sự biến xẩy ra, tất cả người Pháp đều sẽ đi theo tôi, tôi thấy đó là phương tiện làm cho Tây Sơn nguôi giận, và buộc họ phải khen ngợi cách ứng xử của tôi. Tất cả lo lắng của tôi, đúng hơn, lo lắng lớn nhất của tôi luôn luôn là làm sao nhà vua chấp nhận cho tôi rút lui, ít nhất trong một thời gian. Tôi muốn đi Macao, Manille, ngay cả qua Xiêm, để đợi [xong] biến cố, rồi sẵn sàng để trở về hội truyền giáo sau, hay là có thể giúp đỡ hội bằng bất cứ cách nào, nhưng tôi không thể nói thẳng với ông Hoàng, sợ làm phật lòng ông ấy, và như vậy sẽ gây mối hại lớn nhất cho hội truyền giáo, trong trường hợp ông ta thắng trận. Con đường duy nhất mà tôi có thể chọn và tôi đã làm là xin với ông ấy cho trở lại Pháp để thu xếp công việc. Nhà vua cho phép rất dễ dàng bởi vì, ông đã được những người Bồ cho biết tin về Cách mạng Pháp, và ông hiểu tại sao tôi bắt buộc phải quay về. Nhưng điều làm cho ông ấy dứt khoát quyết định, chính là vì ông muốn gửi một chiếc tầu đi mua những thứ ông cần, và việc này ông không thể làm nếu không có sự ưng thuận của triều đình. Do đó, dường như họ quyết định tôi được phép đi vào cuối tháng 11 đầu tháng 12, trên chiếc tầu đồng mà vua vừa mua của ông Gombra. Tầu này chạy tốt, sẽ trở lại đây trong vòng 18 tháng. Trong mọi trường hợp, tôi rất muốn trở lại đây để không mất những mối liên lạc với đất nước này và để chết với thánh giá trên tay, nếu được Thượng đế an bài. Mặc dù tôi hết sức mong muốn, nhưng tôi vẫn có thể gặp nhiều khó khăn lớn; dầu sao chăng nữa, tôi cố gắng chỉ làm những điều mà tôi tin rằng tốt cho hội truyền giáo (…) Tôi để ông Liot ở lại cai quản hội truyền giáo (…) Tôi sẽ tấn phong cho ba tu sĩ, hoặc có thể bốn. Tôi cho rằng, điều bất cẩn là nếu gửi giáo sĩ đến đây mà chưa biết rõ việc gì sẽ xẩy ra từ đây đến tháng ba sang năm [tháng 3/1972]. Tôi rất sợ không đi kịp trước khi tai họa xẩy ra cho nhà vua, nếu có sự ấy.” (Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine III, t. 294)
Lá thư này cho thấy tất cả những tính toán của vị giám mục, và những ai tôn vinh Bá Đa Lộc là “lãnh tụ” bên cạnh Nguyễn Ánh trong việc đánh Tây Sơn để “dựng lại ngai vàng”, sẽ phải kiểm điểm lại “công trạng” của vị “Richelieu” này. Ông tính việc bỏ trốn, khi quân Quang Trung đến, nhưng ông lại muốn bắt cá hai tay: làm sao có thể quay về, khi một trong hai bên thắng cuộc, mà không bị thiệt hại gì. Từ tháng 9/1791, ông đã biết rõ “chương trình” của Quang Trung là tháng 3/1792 sẽ dùng đường Lào đánh xuống Nam Hà. Ông muốn đi trước khi chiến tranh xẩy ra, để nếu Quang Trung thắng không thể trách ông được, và nếu Nguyễn Ánh thắng, ông vẫn có chỗ dung thân.
Lá thư của giáo sĩ Le Labousse viết ngày 16/6/1792, nói lên sức mạnh của Quang Trung và sự sợ hãi của tất cả mọi người. Thư này không đề rõ tên người nhận, và cũng không đề nơi viết, nhưng có thể đoán là Hà Tiên:
“Chúng tôi luôn luôn sống trong tình trạng thường trực báo động; tình thế bấp bênh của nhà vua làm cho số phận của chúng tôi cũng bấp bênh theo. Trong tháng 2 [1792] vừa rồi, chúng tôi bị bắt buộc phải bỏ rơi con chiên, đi trốn, để thoát khỏi tay kẻ thù [Tây Sơn]. Chúng tràn vào khoảng ba chục ngàn quân, qua đường Lào mà chúng đã chiến thắng, tới Cao Mên… Nhưng Thượng đế đã đảo ngược bão tố, cho chúng tôi chút yên thân; hoặc vì chúng sợ những tầu buôn Tây phương đến đây khá nhiều; hoặc vì chúng bị hai đạo quân Xiêm chận lại không cho vào Cao Miên, nên chúng đã rút lui. Giờ đây chúng làm chủ gần hết Nam Hà, chinh phục tất cả Bắc Hà và có lẽ cả nước Lào mà chúng vừa cướp bóc.
Vương quốc Nam Hà bị chiến tranh tàn phá từ 20 năm nay. Dân chúng rất lầm than, bị những công trình xây dựng đè nát, thuế nặng, đói khát xâu xé, chiến tranh tận diệt, số phận họ như thế đó. Năm rồi trải qua một nạn đói rất nhiều người chết. Nam Hà trong tình trạng tuyệt vọng; những kẻ theo vua thật khốn khổ; nhưng những kẻ theo ngụy còn khổ hơn.” (Launay, III, t. 223).
Về Quang Trung, hãy nghe lời một cung nữ nói với mẹ Chiêu Thống: “[Tôn Sĩ Nghị] không biết Nguyễn Huệ là bậc anh hùng lão thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam, thật là thần xuất quỷ nhập, không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào còn dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của y, ai cũng mất cả hồn viá, sợ hơn sấm sét. E rằng bất nhật y sẽ lại ra, quân Tôn tổng đốc còn có cái lo bên trong, địch làm sao nổi” (Hoàng Lê nhất thống chí, t. 301). Những lời trên đây do Ngô Thì Chí viết ra, đủ tỏ nhân sĩ Bắc Hà sợ Quang Trung như thế nào.
Dĩ nhiên trước một “cái họa Quang Trung” trước mắt như thế, các “sĩ quan” Pháp lúc đó phải tìm đường tẩu thoát, lại được thêm một việc nữa giúp vào, là việc bị Nguyễn Ánh “đuổi đi”, nên họ có thể đi mà không bị mất mặt. Theo thư của Le Labousse viết ngày 17/6/1792 cho Quản sự Letondal ở Macao, nguyên do sự kiện bị đuổi này, vì Dayot thụt két, là như sau: “Chuyến đi xui xẻo từ Macao sang Manille của Dayot và sổ sách cực kỳ thâm lạm của anh ta đã làm cho vua ghê tởm, bực quá không thèm nói gì thêm, vua sai đuổi hết không chỉ các lính thủy, mà tất cả sĩ quan, ai muốn đi thì đi, không giữ” (Launay III, t. 296).
Thư của M. Lavoué viết cho M. Létondal từ Lái Thiêu ngày 16/6/1792, cũng một ý như thế: “Nhà vua bất bình với những người Pháp, cho đuổi tất cả trong những ngày đầu tháng năm [1792]; hay là những người Pháp, bất bình với vua, xin đi và được chấp nhận ngay lập tức” (Launay III, t. 295).
Tóm lại, những “sĩ quan” đến đánh giúp Nguyễn Ánh, trong lúc kinh hoàng nhất, đều “may mắn” được bỏ đi.
Về phần Bá Đa Lộc, trong thư ngày 20/6/1792 gửi M. Boiret, ông viết: “Từ hai năm nay, tôi tìm cách thoát ra khỏi vùng này [Nam Hà] để ra Bắc [Tonkin] tấn phong cho các giám mục địa phận này, nhất là vị trợ lý của tôi. Nhà vua đã không bao giờ cho phép. Vì vậy, tôi phải khẩn thiết chấm dứt công việc, và để đánh thức nhà vua khỏi trạng thái hôn mê, tôi đã hai lần xin về Âu Châu. Ông đã nhiều lần tìm cách giữ tôi lại và đã hứa là sẽ cố gắng làm nhanh hơn”. (Launay III, t. 297).
Thư Le Labousse gửi M. Boiret, viết ở Nam Hà ngày 20/6/1792:
“Có lẽ ông đã biết tin Đức Giám Mục Adran, năm ngoái đã tính về Pháp; tầu đã chuẩn bị xong, bỗng nhiên Thượng đế nhiệm mầu cản trở tất cả. Trong lúc tôi viết thư này, người ta cũng đang sửa soạn tầu Pháp Saint-Esprit cho một chuyến đi như thế; nhưng chúng tôi hy vọng là chính vị Thượng đế ấy, đã phế chuyến đi đầu, sẽ phế cả chuyến đi sau”.
Rồi ông viết tiếp:
“Vì Đức Ông muốn bỏ đi, chúng tôi cũng phải sửa soạn cuộc tẩu thoát theo, vì không thể ở lại được khi kẻ thù đến. Dự định của chúng tôi đã và sẽ là, nếu cần, bắt buộc, phải trốn về vịnh Xiêm La; đợi thuận gió để dong buồm đi Manille, rồi từ đó trở lại Bắc Hà, Huế, hay một nơi nào đó ở Nam Hà ngỏ cửa cho chúng tôi vào. Chúng tôi được các giáo sĩ Franciscains người Bồ tốt bụng ở Manille hứa sẽ cưu mang. Chính ông Boisserand bạn đồng giáo sẽ là hoa tiêu… Ông đang nghiên cứu bản đồ, vv… và sắm sửa dụng cụ đi biển”. (Launay, III, t. 298)
Những lá thư này cho biết khá rõ tình trạng của những người Pháp lúc bấy giờ: quá sợ Quang Trung, tất cả đều muốn bỏ đi. Nhưng phe giáo sĩ, chỉ muốn bỏ đi trong thời gian chiến tranh, sau đó họ lại quay về tiếp tục truyền giáo dù Quang Trung hay Gia Long thắng cuộc. Còn những “sĩ quan”, vì bê tha, rượu chè, cờ bạc, bị Nguyễn Ánh đuổi đi. Nhân dịp này, họ có cớ đi luôn mà không bị bẽ mặt là “hèn nhát”. Tuy nhiên cuối cùng, Nguyễn Ánh bớt giận nghĩ lại và dụ Bá Đa Lộc ở lại (chúng tôi sẽ nói rõ hơn việc này sau).
Ở đây ta có thể hiểu, tại sao vị giám mục ở lại: bởi vì Bá Đa Lộc chỉ dọa, ông không thể về Pháp khoảng 1791-1792, vì Pháp đang trong giai đoạn khủng bố Kinh hoàng (La Terreur) thanh trừng quý tộc và thầy tu. Còn Nguyễn Ánh cần sự có mặt của Bá Đa Lộc vì hai lẽ: để tuyên truyền là vẫn có người Pháp giúp và thứ nhì không thể để cho Bá Đa Lộc đi, vì rất có thể ông ta sẽ tìm cách ra Bắc với Quang Trung, và như vậy ông ta sẽ dâng hết những điều ông ta biết về Nguyễn Ánh để lập công.
Nguyễn Ánh và trận Thị Nại 1792
Theo Thực Lục, thì từ tháng 2/1792 (tháng giêng Nhâm Tý) Nguyễn Ánh đã hoạch định chiến lược chống Tây Sơn:
“Vua hăng chí đánh giặc, bảo các tướng: “Hiện nay thế giặc đương mạnh mà quân ta vừa mới tập họp, chưa có thể nắm ngay cái chết của quân địch. Nhưng thù nước một ngày chưa trả thì lòng ta còn lo một ngày. Nếu năm nay không đánh, sang năm không đánh, cứ để cho giặc được rỗi thì thế không phải là kế hay. Chi bằng dùng nhiều phương để lừa nó, đánh gấp để cho nó mệt. Hàng năm gặp mùa gió, thuỷ quân theo đường biển mà tiến, nhân chỗ hở mà đánh. Bộ binh đi từ Bình Thuận, Bình Khang [Khánh Hoà], lần lượt tiến lấy được một châu thì xây thành ở một châu, được một huyện thì đóng đồn ở một huyện, để làm phên giậu cho Gia Định, khiến thế giặc chia ra, sức giặc yếu đi, như thế thì có thể lấy thiên hạ được”.
Từ năm ấy trở đi, hễ gặp gió nồm là ra quân đánh giặc, gió thuận thì tiến, gió vãn thì về. Khi phát thì quân lính họp hết, khi về thì tản ra đồng ruộng. Quân ta không vì đóng lâu mà mỏi, không vì ngồi ăn mà tốn; mà quân giặc Tây Sơn thì phải chạy vạy đối phó, không rỗi mà tính mưu.” (TL, I, t. 283).
Về phiá Nguyễn Huệ, chiếm xong Lào, mùa xuân 1792, Huệ đem 30.000 quân qua Lào, đánh xuống Cao Mên, tiến vào Nam. Nhưng tại sao Huệ lại dừng quân ở biên giới Miên-Việt mà không đánh tiếp vào Gia Định? Theo thư ngày 16/6/1792 của Le Labousse (Launay, III, t. 223), thì có lẽ vì Quang Trung thấy ở Gia Định có nhiều thuyền buôn Âu Châu, nên ngại, hoặc bị quân Xiêm đánh sau lưng. Giả thuyết này khó đứng vững vì theo hịch Quang Trung dưới đây thì ông chẳng coi bọn “mắt xanh” ra gì, và quân Xiêm thì sợ ông hơn cọp, sau vụ Rạch Gầm, Xoài Mút.
Thực Lục, ghi việc tháng 6-7/1792 [tháng 5 ÂL] cho biết: “Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ kết với 40 chiếc thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi khiến chúng men các vụng biển từ miền Khang, Thuận [Bình Khang và Bình Thuận] trở vào, cướp bóc nhân dân” (TL, I, t. 286). Như vậy, Quang Trung đã bỏ chiến dịch đánh qua Lào, Mên, mà chọn đánh thẳng qua miền Trung xuống.
Về phiá Nguyễn Ánh, từ tháng 2/1792 đến tháng 6/1792, vẫn ở thế thủ, chắc sợ sức mạnh thần tốc của Nguyễn Huệ không dám phiêu lưu. Đến khi được gián điệp báo tin Nguyễn Nhạc tích tụ thuyền chiến ở Thị Nại mà không phòng bị, mới quyết định đánh. Nhưng trước khi xuất quân, Nguyễn Ánh vẫn sợ Nguyễn Huệ đánh úp miền Nam, nên đã chuẩn bị rất kỹ, để các tướng: Tôn Thất Huy, Võ Tánh và Tống Phước Đạm giữ Gia Định; Tôn Thất Hội giữ Vĩnh Long và Định Tường và Nguyễn Huỳnh Đức giữ Bà Riạ. Đại quân Nguyễn Ánh cũng chỉ đánh Thị Nại chớp nhoáng 10 ngày, xong là về ngay. Các sự trách cứ Nguyễn Ánh không thừa thắng chiếm Quy Nhơn và đánh ra Bắc (Nguyễn Huệ) của Bá Đa Lộc, của các cha cố và “sĩ quan” Pháp, mà sau này Maybon và những “sử gia” chép lại, là hoàn toàn không hiểu tình thế lúc bấy giờ: Quang Trung còn đó, không ai có thể chống cự nổi.
Về Trận Thị Nại, tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL) Thực Lục ghi như sau:
“Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đóng nhiều chiến thuyền để ở cửa biển Thị Nại, mưu toan vào cướp, kẻ gián điệp báo tin. Vua muốn ra đánh trước để chặn giặc, mới dụ cho tướng sĩ các dinh Tiên Phong và Chấn Võ thuộc Trung Quân chỉnh bị lương thực súng ống khí giới như phép hành quân, định ngày thử các chiến hạm ở ngoài biển, thuyền đại hiệu (là loại thuyền lớn) và thuyền ô sai (là thuyền nhẹ để sai phái, sơn đen), 128 chiếc” (TL, I, t. 286).
Vua sai Tôn Thất Huy, Võ Tánh, Tống Phước Đạm giữ kinh thành Gia Định. Tôn Thất Hội giữ Vĩnh Trấn [Vĩnh Long] và Trấn Định [Định Tường], Nguyễn Huỳnh Đức giữ Bà Rịa.
Nguyễn Vương xuất quân qua của Cần Giờ, thuận gió đi thẳng tới Diên Áo (Vũng Diên), Nguyễn Văn Thành tiên phong, Phạm Văn Nhân, thứ nhì. Nguyễn Văn Trương hộ giá, Nguyễn Văn Nhuận tiếp sau. “Khi quân đến ngoài cửa biển Thị Nại, thì trước hết sai quân tinh nhuệ đổ bộ phóng lửa đốt thuỷ trại giặc. Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành dùng thuyền Long và thuyền Phụng [đánh] thẳng vào, các quân tiến theo. Đô đốc giặc là Thành (không rõ họ) thấy đại quân chợt đến, bỏ chạy, thuyền ghe và khí giới bị quân ta bắt được hết (thuyền lớn 5 chiếc, thuyền đi biển 30 chiếc, thuyền sai 40 chiếc). Lại sai tìm bắt bọn giặc biển Tề Ngôi, bắt được ba chiếc thuyền. Vua đóng ở chợ Thị Nai, dựng cờ chiêu an phủ dụ dân chúng, cấm quân sĩ không được cướp bóc. Rồi ra lệnh rút quân về. Chiến dịch này, từ lúc xuất quân đến lúc khải hoàn chỉ hơn 10 ngày. Người ta cho là thần binh“. (TL, I, t.286-287)
Thực Lục không nói có người Pháp tham dự trận này; chỉ ghi việc, Olivier de Puymanel, tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL), được thăng từ Cai đội lên Vệ Uý ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách. Như vậy, Puymanel ở trong đội công binh và pháo binh, thuộc bộ binh, mà trận này, Nguyễn Ánh không dùng đến bộ binh, vậy ta có thể hiểu là Puymanel không dự trận này.
Xác định ngày tháng trận Thị Nại, 1792
Thực lục ghi việc hàng tháng, trừ chuyện quan trọng lắm mới ghi rõ ngày. Nhưng có một lá thư của Bá Đa Lộc, có thể giúp ta xác định được ngày của Trận Thị Nại 1792. Lá thư này được in lại ở hai nơi: Trong cuốn Montyon II, t.143, có đầy đủ đoạn đầu, nhưng không đề ngày. Trong cuốn Launay III, t. 284, có đề ngày 18/7/1792, và cho biết thư của Mgr Pigneaux gửi cho M. Boiret; nhưng lại bỏ đoạn đầu, nói về chiến tranh, và đoạn cuối có thêm vài câu không quang trọng. Chúng tôi trích dịch đoạn in ở Montyon II có liên quan đến trận Thị Nại:
“…Trong tám ngày nữa, vua sẽ đi đánh Quy Nhơn, nhà vua không có ý định lấy thành này, mà muốn để cho Nhạc giữ như một thành luỹ ngăn cản quân Bắc Hà [Nguyễn Huệ]. Thành trì sẽ giữ lại, còn vua muốn tiêu hủy tất cả, để cho Nhạc không còn phương tiện hại ông; và như vậy, ông có thể ra đánh Bắc Hà mà không sợ Nhạc, ông chỉ mang theo một nửa quân đội. Bộ binh của ông có 40 người Âu, trong đó có một người được lãnh trọng trách cai quản 600 binh; còn thuỷ binh, có hai chiến thuyền Tây phương trang bị đầy đủ vũ khí. Tôi tin rằng, nếu chiến dịch này thành công, ta sẽ có cơ gửi những giáo sĩ ra Phú Yên, Nha Trang Bình Khang, và Bình Thuận…” (Montyon, II, t.143).
Trong thư này, Bá Đa Lộc nói về việc Nguyễn Vương sửa soạn đi đánh Quy Nhơn, và qua những yếu tố trong thư, ta có thể biết đó là trận Thị Nại 1792. “Người cai quản 600 binh” là Puymanel, vì anh ta mới được lên chức Vệ Uý.
Nhờ ngày tháng ghi trong lá thư mà ta biết đúng ngày Nguyễn Vương khởi hành đi đánh Quy Nhơn, vì thư viết ngày 18/7/1792, và nói tám ngày nữa vua khởi hành; vậy Nguyễn Ánh xuất phát ngày 26/7/1792, và theo Thục Lục, chiến dịch kéo dài 10 ngày, do đó ta có thể xác định, chiến dịch đánh Thị Nại bắt đầu từ ngày 26/7/1792 và chấm dứt ngày 5/8/1792.
Tác giả Sử ký Đại Nam Việt cho chúng ta một số thông tin khác về trận Thị Nại, đáng chú ý:
“Năm 1791 [thực ra là 1792] (…) khi vua dọn được nhiều tầu chiến, nhiều khí giái [giới], và tu bổ thành Sài Gòn cho vững thế đoạn, thì dốc lòng đi tìm quân giặc cùng đem quan quân ra khỏi cửa Lấp, là cửa Sài Gòn, mà kéo ra Qui Nhơn. Khi ấy ông Thái Đức chẳng hồ nghi đều gì, những ngỡ mình đặng bằng yên vô sự; lại đi săn xa lắm, bao nhiêu tầu ông ấy thì đã họp trong cửa Chợ Giã gần Quy Nhơn hết thẩy.
Vậy tầu ông Dade cai thì đi trước, mà Nguyễn Ánh cùng các tầu thì đi sau, cách xa một trống canh đàng. Ông Dade vào một mình mà bắn súng đánh các tầu quân giặc. Quân giặc thấy tầu Tây thì sợ hãi lắm; song cũng ra sức bắn trả, mà không mũi nào nhằm sốt. Ông Dade vào cửa nhằm khi nước ròng, nên tầu ông ấy phải mắc cạn chẳng đi được nữa (…)
Qua một ít lâu, thì vua cùng các tầu khác mới vào cửa mà đánh: quân giặc phải thua trận cả thể (…) Khi đầu vua thấy mình được trận làm vậy thì mừng quá, mà truyền đốt các tầu quân giặc. Bấy giờ có một tầu lớn và một kho đầy tiền, còn hai kho khác đầy đồ đạc, quần áo, thì vua truyền đốt ba kho ấy đi, cho quân giặc chẳng dùng đặng nữa. Nhưng khi vua thấy lửa phát lên cháy bấy nhiêu tầu thì lấy làm tiếc lắm, lại truyền ra sức chữa lửa đi; nên còn giữ lấy năm chiếc tầu trận lớn, hai mươi chiếc nhỏ, và bốn mươi thuyền nhỏ. Vua cũng lầm một điều nữa, là khi ông Thái Đức đi khỏi như đã nói trước, mà quan quân kinh khiếp, vì đã thua, thì vua phải thừa dịp mà vây thành Quy Nhơn và bắt các xứ xung quanh nữa. Nhưng mà vua ngại, vì ít quân chẳng dám lên vây Qui Nhơn, môt đem binh khởi [khải] hoàn mà thôi.” SKĐNV, t.58-59).
Sử Ký Đại Nam Việt cho ta biết một chi tiết quan trọng: Thái Đức đi săn xa, vắng. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến Nguyễn Ánh thành công dễ dàng.
Một điểm nữa, tác giả nói đến ông Dade, và ở một đoạn trước cho biết Dade là Puymanel. Có lẽ tác giả nhầm, như trên đã nói Puymanel ở trong bộ binh. Dade ở đây chỉ có thể là Dayot, vì tên Dayot cũng được Barrow nhắc tới: nghe nói Dayot vì xông xáo quá mà tầu bị mắc cạn. Nếu đúng Dayot, thì ta có thể hiểu: sau vụ thâm lạm bị Nguyễn Ánh đuổi đi, nhưng anh ta xin ở lại và muốn lập công để chuộc tội. Đến tháng 4/1795, Dayot bê tha, làm đắm tầu, trước khi Nguyễn Ánh hành quân, mới bị kết án tử hình và trốn đi luôn.
SKĐNV cũng nhắc đến vụ Nguyễn Ánh đốt tầu Tây Sơn rồi nghĩ lại, cho chữa lửa, không ghi trong chính sử. Nhất là tác giả nói đến bản Hịch Quang Trung, hoàn toàn không có dấu vết trong chính sử:
“Ông Quang Trung khi nghe anh mình đã phải thua làm vậy, thì giận bẩy gan; lại sợ e ông Nguyễn Ánh lại ra đánh mình, nên họp binh sĩ lại và sắm sửa các tầu các ghe cho đặng cứu giúp anh. Lại muốn giục lòng binh sĩ, thì đã thương dụ nhắc lại các việc cá thể mình làm, và những trận đã được xưa nay; lại thêm những lời khinh dễ ông Nguyễn Ánh rằng: “Danh Chủng (tên Nguyễn Ánh khi còn nhỏ) trốn ẩn mình nơi nọ nơi kia, và cầu những Tây dương nhơn đến cứu giúp. Dầu danh Chủng, dầu các Tây Dương nhơn thì cũng chẳng làm chi được, vì chẳng có gan [can] đảm cùng chẳng hay nghề võ; chớ khá đem lòng sợ làm chi”.
Người nói nhiều điều khác kiêu căng lắm vậy, song chẳng kịp lo liệu việc gì; vì Quang Trung mê tửu sắc lắm, chóng ra hư thân, những buồn bã quá lẽ, hay là hoảng hốt cuồng tâm mà chết, khi mới bốn mươi lăm tuổi.” (SKĐNV, t.59-60). Theo Liệt truyện, Quang Trung mất năm 40 tuổi.
Chứng này cho thấy tác giả Sử Ký Đại Nam Việt biết rõ nhiều chuyện, đã đọc bản Hịch của Quang Trung, mà Hịch này có lẽ đã hoàn toàn bị thủ tiêu.
Hịch Quang Trung
Hịch Quang Trung được in trong Ký sự Bissachère (t.173-176) do Maybon biên soạn, Paris, 1920 và in trong phần Phụ lục tác phẩm của Montyon (Montyon II, t.138-140), London, 1811. Bản Bissachère ghi tên hịch này như sau:
Manifeste de Quang Trung, Roy de la Haute-Cochinchine et du Tonquin à tous les Mandarins, Soldats et Peuple des provinces de Quang-Gai et de Quin-Hone
(Tiré des Nouvelles des Missions Etrangères de 1802, traduction faite par M. de La Bissachère)
“Hịch của Quang Trung, vua miền Bắc Nam Hà và Bắc Hà gửi toàn thể Quan, Quân, Dân vùng Quảng Ngãi và Quy Nhơn
(Rút ra từ Thông Tin của Hội thừa sai Ngoại quốc, 1802, do Ô. de La Bissachère dịch)”
Maybon chú thích: “Bản hịch này chúng tôi cho rằng đã in lần đầu trong Les Nouvelles des Missions Orientales (Thông tin của hội Thừa sai Đông phương) do những giám đốc Hội thừa sai Ngoại quốc nhận được ở Luân Đôn những năm 1793, 1794, 1795, 1796, t. 142; không đề tên người dịch. Montyon in lại, II, trang 306 [Maybon dùng sách Montyon, bản Paris, nên không cùng số trang với bản in Luân Đôn mà chúng tôi dùng], những lỗi chính tả và dấu sai trong bản La Bissachère được sửa lại” (Maybon, Relation de La Bissachère, t.174).
Bản Montyon có tên như sau:
Manifeste
De Quang Trung, Roi de la Cour de Cochinchine et du Tonkin
A Tous les Mandarins, Soldats et Peuples des Provinces de Quang-Ngai, et de Qui-Nhon
So sánh hai văn bản, chúng tôi thấy Montyon không chỉ sửa lỗi chính tả và dấu, mà còn viết lại những câu vụng; có câu không thấy trong bản Bissachère. Như vậy, có bốn giả thuyết:
– Bản Bissachère, không phải do chính Bissachère dịch, vì ông kém tiếng Pháp, mà ông chỉ chép lại một bản người khác dịch hoặc dịch chung với người khác.
– Montyon dùng bản Bissachère nhưng sửa câu, sửa lỗi.
– Montyon có một bản khác, dịch đúng hơn, không đề tên người dịch.
– Montyon dịch thẳng từ bản chữ Hán của Quang Trung.
Chúng tôi dùng bản Montyon, vì ít lỗi hơn. Đây chỉ là sự dịch lại một bản dịch, nhưng không thể làm khác, bởi nguyên bản của vua Quang Trung chắc không còn nữa.
Hịch
của Quang Trung, Vua Nam Hà và Bắc Hà
gửi toàn thể Quan, Quân, Dân hai xứ Quảng Ngãi và Qui Nhơn
“Các ngươi, lớn, nhỏ, từ hơn hai mươi năm nay không ngừng sống nhờ ân huệ của anh em ta. Đành rằng nếu chúng ta đã gặt hái được những chiến thắng trong Nam ngoài Bắc trong thời kỳ này, quả đúng cũng nhờ vào sự gắn bó của nhân dân hai xứ; ở đó, ta đã tìm được những người can đảm, những quan lại có khả năng xây dựng triều đình.
Quân ta tiến đến đâu, giặc tơi bời, tan tác. Quân ta chinh phạt đến đâu, giặc Xiêm, giặc Tầu tàn ác buộc phải chịu ách cúi đầu…
Còn lũ nhơ bẩn của triều đình cũ, từ hơn ba mươi năm nay, ta chưa thấy chúng làm được việc gì ra hồn!… Trăm trận ta đánh với chúng, quân chúng tan rã, tướng chúng bị tiêu diệt; vùng Gia Định tràn đầy xương cốt chúng. Những điều ta nói đây các ngươi đã từng chứng kiến; nếu các ngươi không thấy tận mắt thì cũng đã nghe kể lại.
Xá gì tên Chủng khốn nạn đi chui luồn những triều đình Âu Châu tồi bại? Còn đám quần chúng khiếp nhược ở Gia Định bây giờ dám đứng lên đầu quân, các ngươi há gì mà sợ chúng thế? Sao các ngươi lại bị khủng hoảng tinh thần đến vậy? Nếu bộ binh và thủy binh của chúng bất ngờ xâm phạm những cửa biển của các ngươi; thì cứ theo những chỉ dụ của Hoàng Đế [Thái Đức] đã viết sẵn mà làm. Ta thấy các ngươi, quan cũng như quân, cả hai xứ, đều không có can đảm chiến đấu. Thực chỉ vì lẽ đó chứ không phải vì quân giặc có tài cán gì mà chúng làm chủ được hết các vùng chúng xâm lược. Bộ binh của các ngươi hèn nhát trốn chạy.
Nay, chấp lệnh của Hoàng đế, anh ta, ta chuẩn bị một binh đội thuỷ, bộ kinh hồn, nhân danh ta, nghiền nát chúng dễ như “bóp tan mảnh gỗ mục”.
Còn các ngươi, các ngươi không cần đếm xỉa đến kẻ thù, cũng đừng sợ chúng, chỉ cần mở mắt, dóng tai, mà nhìn, mà nghe, những gì ta sẽ làm. Các ngươi sẽ thấy các xứ Bình Khang, Nha Trang đầy mảnh vụn xác người Gia Định, sẽ thấy Phú Yên, luôn luôn là trung tâm của chiến tranh và từ Bình Thuận đến biên giới Cao Mên, tất cả, chớp nhoáng, sẽ trở về tay ta, để mọi người biết rằng chúng ta đích thực là anh em, không bao giờ ta quên tình máu mủ.
Ta khuyên các ngươi, lớn nhỏ, hãy phò trợ Hoàng gia, trung thành với Hoàng đế, trong khi chờ đợi ta quét sạch Gia Định, thiết lập lại chính quyền, thì tên tuổi của hai xứ sẽ trở thành bất tử trong sử sách.
Đừng cả tin những gì lũ người Âu nói. Khéo léo tinh xảo gì chúng nó? Tất cả đều một bọn mắt rắn xanh. Các ngươi chỉ nên nhìn chúng như những xác chết trôi được vất xuống từ biển Bắc. Có gì ghê gớm đâu mà ba hoa chiến hạm bọc đồng, đạn đồng.
Tất cả làng mạc trên đường hành quân trong hai xứ phải góp sức làm cầu cho quân đi qua. Nhận được lệnh này, phải triệt để thi hành ngay.
Khâm tai! Đặc chiếu.
Quang Trung năm thứ 5, ngày thứ 10, tuần trăng thứ bẩy”.
Tức ngày 27/8/1792.
Montyon II, (t.138-140). Thụy Khuê dịch.
Ngày 27/8/1792 Quang Trung truyền hịch san bằng Gia Định. Ngày 16/9/1792, Quang Trung mất. Bài hịch cho thấy ba điểm: ý chí quyết liệt chiếm lại miền Nam; sự khôn khéo của Quang Trung và tình hình chính trị lúc bấy giờ. Anh em Tây Sơn chưa thoát khỏi nghịch cảnh bất hoà. Việc hành quân đánh Nguyễn Ánh qua hai vùng Quảng Ngãi và Quy Nhơn, là đất của Nguyễn Nhạc, không dễ, nên Nguyễn Huệ phải có hịch truyền đi trước, để:
1- Chứng tỏ mình theo lệnh anh mà đánh. Tôn anh làm Hoàng đế. Mình chỉ là vua, nhưng vua trị vì cả Nam Hà lẫn Bắc Hà.
2- Đánh giặc cho anh. Nhưng nhân danh mình và quân đội của mình.
3- Mắng quan, quân, dân hai miền Quảng Ngãi và Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc là hèn nhát để mất đất về tay Nguyễn Ánh.
4- Không khiến dân quân hai miền này góp phần vào chiến trận, ngoài việc làm cầu đường.
5- Gọi Nguyễn Ánh bằng Chủng, tên tục hồi bé, là một xỉ nhục.
6- Khinh bỉ người Âu, cho sự cầu cạnh người Âu là đê tiện.
Bài hịch vừa dằn mặt vừa khích lệ dân chúng của Nguyễn Nhạc; mắng nhiếc Nguyễn Ánh về việc nhờ người Âu, đồng thời cũng cho thấy hiệu quả chính sách tuyên truyền của Nguyễn Ánh: việc người Âu đến giúp chỉ là huyền thoại, Bá Đa Lộc từ Pháp về tay không, Louis XVI từ chối không giúp; người ta đồn lên là Bá Đa Lộc tự tìm lấy nguồn tài trợ, nhưng chính Bá Đa Lộc cũng cho biết việc “giúp” là “chimère” tức là “ảo tưởng”, như ta đã thấy trong bức thư ông viết ngày 14/9/1791, mà chúng tôi trích dẫn ở trên.
Theo Trịnh Hoài Đức ngay từ năm 1778, Nguyễn Ánh đã đóng những tầu đầu bọc nhọn, giả làm tầu Tây phương: “… phàm tại các cửa sông đều đóng cọc cây ngăn cản tầu để chống giữ và bí mật đóng hơn 50 chiếc chiến hạm tại sông nhỏ Thị Tĩnh thuộc sông An Thông. Mấy chiến hạm này đầu bọc nhọn, đầu và thân đều gắn ba tấm ván có vẽ hình như hạm của Tây dương, lại giăng lưới gọi là Long Lân thuyền, lại chỉnh bị bè cho hoả công”. (Gia Định Thành thông chí, Vật sản chí).
Như vậy, loại thuyền Long Lân, ghi trong Thực Lục (I, t. 206), đóng năm tháng 4/1778 [tháng 3ÂL], chính là thuyền Tây dương “giả”.
Nguyễn Ánh làm thuyền Tây dương giả, rồi đồn ầm lên là có quân Pháp giúp, để gây áp lực cho địch, khiến Quang Trung cũng tin là có thật.
Việc dùng ba người Pháp Chaigneau, Vannier và Forcant chỉ huy ba thuyền đồng Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi hộ tống vua trong chiến dịch 1801-1802, cũng nằm trong chính sách tuyên truyền ấy.
Việc Bá Đa Lộc tìm mọi cách để bỏ đi trước khi Quang Trung đánh, và những “sĩ quan” Pháp bỏ đi theo, đã tỏ rõ “công lao” của những người Pháp này như thế nào trong việc giúp Nguyễn Ánh trở lại ngai vàng.
Sự thành công của Gia Long, phần lớn phụ thuộc vào cái chết của Quang Trung. Nếu Quang Trung không chết, cục diện chiến tranh chưa biết sẽ thế nào. Ngay cả sau khi Quang Trung chết, với sự non yếu và sự giết hại công thần của Quang Toản, Trần Quang Diệu vẫn còn cầm cự thêm được 10 năm nữa. Như vậy đủ biết, chiến thắng Tây Sơn không phải dễ dàng, những người như Bá Đa Lộc, hay các giáo sĩ và các “sĩ quan” Pháp thường trách Nguyễn Ánh không đánh mạnh, đánh ngay, bởi họ không hiểu gì về sức mạnh quân sự của Tây Sơn.
Phụ lục, bản tiếng Pháp
MANIFESTE
De Quang Trung, Roi de la Cour de Cochinchine et du Tunkin,
A Tous Les Mandarins, Soldats, et peuples des Provinces de Quang-Ngai et de Qui-Nhon
Vous tous grands et petits, depuis plus de 20 ans ne cessez de subsister par nos bienfaits, nous frères (Tay-son), il est vrai que pendant tout ce temps, si nous avons remporté des victoires dans le nord et dans le sud, nous reconnaissons que nous les devons à l’attachement des peuples de ces deux provinces. C’est là où nos avons trouvé des hommes courageux et des mandarins capables pour former notre cour. Partout où nous avons porté nos armes, nos ennemis ont été défaits ou dispersés; partout où nous avons porté nos conquêtes, les Siamois et les cruels Chinois ont été obligés de subir le joug… Quant aux restes impurs de l’ancienne cour, depuis plus de 30 ans avons-nous jamais vu qu’ils eussent rien fait de bien!… Dans cent combats que nous leur avons livrés, leurs soldats ont été dispersés, leurs généraux mis à mort, la province de Gia-Dinh a été remplie de leurs ossemens. Ce que nous disons ici, vous en avez été les témoins, et si vous ne l’avez vu de vos propres yeux, au moins l’avez-vous entendu de vos oreilles, quel cas faire de ce misérable Chung (Roi actuel régnant) qui s’est enfoui dans les malheureux royaumes d’Europe? Quant au peuple timide de Gia-Dinh, qui ose aujourd’hui de mettre en mouvement, et lever une armée, pourquoi les craignez-vous tant? Pourquoi votre coeur est-il saisi d’effroi? Si leur armée de terre et de mer s’est présentée dans tous vos ports, et s’en est emparée dans un temps où vous ne vous y attendiez pas, le grand empereur nous en a déjà fait connaître les raisons par lettres; et nous avons vu que les mandarins, les soldats et vous tous dans ces deux provinces, n’aviez pas eu le courage de combattre, et que c’est par cette raison plutôt que par leurs talens qu’ils s’étaient emparés de tous les endroits qui sont aujourd’hui en leur possession. Votre armée de terre, s’est enfuie lâchement. Maintenant, par l’ordre de notre frère empereur, nous préparons nous-mêmes une armée formidable par terre et par mer, et nous allons réduire les ennemis de notre nom avec la même facilité que nous froisserions un morceau de bois pourri ou du bois sec. Quant à vous tous, ne faites en aucun cas de ces ennemis; ne les craignez point; mais seulement ouvrez les yeux et les oreilles pour voir et entendre ce que nous allons faire. Vous verrez que les province de Binh Khang et de Nha Trang qui ne sont que des débris de Gia-Dinh, que la province de Phu-Yen qui a toujours été le centre de la guerre, et qu’enfin depuis la province de Binh-Thuan, jusqu’au Cambodge, toutes d’un seul coup vont rentrer sous notre puissance; afin que tout le monde sache que nous sommes véritablement frères, et que nous n’avons jamais pu oublier que nous étions du même sang. Nous vous exhortons tous, grands et petits, de soutenir la famille de l’empereur et de lui rester fidèlement attachés, en attendant que notre armée purifie la province de Gia-Dinh et d’y établisse notre autorité, et les noms de vos deux provinces seront immortels dans nos annales. Ne soyez pas assez crédules pour ajouter foi à ce qu’ont dit des Européens. Quelle habileté peut avoir cette espèce d’hommes? Ils ont tous des yeux de serpens verds, et vous ne devez les regarder que comme des cadaves flottans qui nous sont jettés ici par les mers du nord. Qu’y a-t-il là d’extraordinaire pour venir nous parler de vaisseaux de cuivre, et de ballons? Tous les villages qui se trouvent sur les chemins dans vos deux provinces auront soin de faire partout des ponts, afin de faciliter la passges de nos troupes. Aussiôt que cet ordre vous parviendral, vous aurez soin de vous y conformer. Recevez avec respect ce manifeste; car tel est notre bon plaisir.
Le 10ème jour de la 7ème lune, de la 5ème année de Quang Trung.
T. K.
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Ký sự Bissachère
Xem các kỳ trước :
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-2/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html