“Một nhà văn chân chính không thể tự đặt mình dưới bất kỳ sự lãnh đạo của ai”, nhà văn Nguyễn Viện đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện tháng 5, về sự kiện nhiều nhà văn tuyên bố ly khai với Hội nhà văn VN. Cuộc nói chuyện vừa khái quát hiện trạng của giới trí thức trong xã hội Việt Nam, cũng như đời sống văn chương của trong nước sau 40 năm dưới sự kiểm soát của “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”.
1. Gần đây, sự kiện các nhà văn rời bỏ Hội Nhà văn của nhà nước đang tạo nhiều dư luận. Theo anh đây là sự bùng phát về ý thức và rời bỏ, hay là cách phản ứng của một số người do bị chính Hội nhà văn “bỏ rơi”?
Theo chỗ tôi biết, trước đây cũng đã có những trường hợp riêng lẻ từ bỏ Hội Nhà văn VN. Nhưng đây là lần đầu tiên có việc từ bỏ tập thể hoặc cùng lúc của 20 nhà văn/nhà thơ…mà hầu như tất cả đều là thành viên của Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập (VĐĐL)… Rõ ràng đây là một phản ứng tình huống, mà bối cảnh xã hội hiện tại cho phép người ta cũng có thể hiểu đây cũng là một thái độ chính trị. Giới văn nghệ sĩ cũng bàn tán với nhau rằng có nguồn tin về chỉ thị của cơ quan an ninh gửi đến Hội Nhà văn VN, không chấp nhận cho những nhà văn có tên trong VĐĐL được tham gia Đại hội Nhà văn VN sắp tới tại Hà Nội.
2. Bản thân anh là một nhà văn, anh thử lý giải vì sao qua nhiều thời kỳ, có không ít người háo hức mong được có tên trong Hội nhà văn, thậm chí lúc này cũng vậy?
Có thể nói trong tất cả các chế độ Cộng sản… việc một nhà văn được tham gia vào Hội Nhà văn nhà nước là điều hết sức quan trọng. Cũng giống như trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, nó cho nhà văn tính pháp nhân trong hoạt động của mình và những đặc quyền khác. Vì thế, chính tôi khi còn làm báo Thanh Niên, tôi cũng đã vào Hội Nhà văn Tp.HCM. Và khi tôi biết, Hội Nhà văn không chỉ là một hội nghề nghiệp… mà chính thức là một tổ chức chính trị (cũng như mọi hội đoàn khác) được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi biết mình sai lầm. Một nhà văn chân chính không thể tự đặt mình dưới bất kỳ sự lãnh đạo của ai, ngoài chính lương tâm và tài năng của mình.
3. Nói như anh, thì ý thức của người tham gia hội hè ở Việt Nam không mang tính nghề nghiệp, mà chỉ là quyền lợi chính trị và địa vị ảo giác. Vậy thì các Hội nghề nghiệp như âm nhạc, văn chương, mỹ thuật… trong xã hội cộng sản được dựng nên chỉ để tạo các trang trại phụng sự tuyên truyền chính trị, và trở nên vô giá trị với thế giới trí thức bên ngoài – một thứ chuồng trại tự nguyện báng bổ tự do?
Trong chế độ Cộng sản không có bất cứ hội nghề nghiệp hay hội vui chơi nào được phép thành lập ngoài các tổ chức do Đảng thành lập và lãnh đạo… kể cả các hội rất vô tội vạ như Hội Nông dân chẳng hạn…Vì thế, khi một cá nhân nào đó tham gia một hội nghề nghiệp thì cái ý thức tìm một chỗ đứng trong chế độ, cũng không khác một nhà văn hay một nghệ sĩ tham gia Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật… Và tất nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng thì nhiệm vụ chính trị của nghệ sĩ buộc phải vượt trên tất cả các nhiệm vụ khác. Vì thế, không thiếu các cuộc vận động sáng tác theo phong trào…hay các định hướng sáng tạo nghệ thuật theo chỉ thị.
4. Hãy nói về các tác phẩm của anh, hầu hết đều in ở nước ngoài hoặc tự in, gần đây là tiểu thuyết “Đĩ Thúi & Phần Còn Lại Ở Cõi Chết” và “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh” vừa được in ở Mỹ và phát hành trên hệ thống Amazon. Nói một cách nào đó, anh là người độc lập và tự do sáng tạo. Nhiều năm nay làm điều đó đó đem lại được lợi ích gì trong đời anh? Nhiều người sáng tác tự do trong nước Việt Nam nói rằng họ đều phải chấp nhận sự nghèo khó, sợ hãi và bị cô lập với công chúng, anh có là một ngoại lệ?
Không có một ngoại lệ nào cho một người viết tự do. Bản thân tôi vẫn đang phải đối diện với nhiều nguy hiểm…và sự im lặng giả mù giả điếc của các nhà phê bình cũng như các phương tiện thông tin chính thống. Nhưng bù lại, tôi đã nhận được tất cả danh dự cũng như kết quả của sự tự do sáng tác mang lại. Đó là tôi đã được viết như mình muốn mà không phải chịu bất cứ một sự kiểm duyệt hay chi phối nào. Quả thật, nếu tôi không viết như một người tự do…thì ngay cả cuộc phỏng vấn này cũng sẽ không có, tôi sẽ không là gì, không có gì… ngoài nỗi ô nhục.
5. Internet. mạng xã hội, thông tin của thời đại mới ý thức về độc tài, dân chủ… có đem lại cho anh một cảm giác hưng phấn trong việc sáng tạo tự do, ít nhất trong 5 năm nay không?
Có thể nói sự xuật hiện của Internet là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử loài người… nó xóa nhòa mọi biên giới và là cơ hội cho tất cả mọi người trên mặt đất. Nhờ có internet mà văn chương tôi vượt qua được bức màn sắt của chế độ. Sự cộng hưởng của ý thức về độc tài/dân chủ…trong một bối cảnh xã hội nghịch thường, biến chất và sự phong phú của nó về chất liệu… đã ngẫu nhiên là vàng ròng cho tất cả những ai biết khai thác sử dụng. Tôi nghĩ là tôi cũng đã phần nào tận dụng được cái vốn sống quí báu ấy cho những tác phẩm của mình (mà tôi tin rằng, sự thật còn khủng khiếp hơn nhiều lần cái đã được viết ra).
6. Gần đây cũng có một Hội Nhà văn mới ra đời, Văn Đoàn Độc Lập với tuyên bố tự do trong tư duy sáng tác và tự do không chịu kiểm duyệt, anh có nghĩ mình bớt cô đơn hơn, nếu tham gia Văn Đoàn Độc Lập?
Thú thật, trước khi Ban Vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập ra mắt, tôi cũng được mời tham gia. Nhưng tôi từ chối. Lý do, tôi vốn đã là người tự do, viết tự do…bản thân tôi cũng không thích hội hè, đoàn thể… Tôi tôn trọng mọi chọn lựa và quyết định của người khác, nhưng tôi cũng không thể không thấy khôi hài khi đa phần các thành viên trong Ban vận động VĐĐL đều là hội viên Hội Nhà văn VN cho tới thời điểm đó. Tôi ví dụ chức danh của một quí ông (xin lỗi trước vì tôi không có ý định bôi bác cá nhân): ”XXX – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội kiêm thành viên Văn Đoàn Độc Lập”… các bạn thấy thế nào? Tôi không hiểu được làm thế nào một người vừa là đảng viên Đảng Cộng sản lại vừa có thể là đảng viên Đảng Tự do Dân chủ (cũng ví dụ thế).
Tôi biết các thành viên của Ban vận động VĐĐL đã phải chịu rất nhiều áp lực từ phía an ninh cũng như nhiều mất mát khác (chẳng hạn bị cấm phổ biến tác phẩm trên các diễn đàn thông tin nhà nước). Tôi nhìn nhận sự có mặt của VĐĐL cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác là một thách thức với trật tự của chế độ. Họ rất dũng cảm.
7. 40 năm dưới chế độ CS, văn chương và con người văn chương miền Nam vốn có truyền thống tự do, được và mất những gì, theo anh?
Anh muốn nói văn chương miền Nam trước 1975? Về mặt chính thống, văn chương miền Nam đã được chế độ xác định là “phản động, đồi trụy”. Vì thế, nó chính thức bị xóa sổ. Nhưng trong thực tế, văn chương miền Nam đã để lại dấu ấn không thể phủ nhận trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung, người miền Nam nói riêng. Thậm chí, nó còn là ngọn lửa khai sáng và nguồn cảm hứng cho không ít nhà văn phía Bắc.
8. Nếu nói như anh, thì hiện đã có nhiều lớp văn nghệ mới đã hìnn thành, ở cả miền Nam và miền Bắc sau 1975. Theo anh thì văn nghệ miền Bắc có gì mới? Có thoát được sự ám ảnh của dòng văn chương sính chữ nghĩa và tuyên truyền chính trị trước đó? Còn ở văn nghệ trẻ miền Nam thì ra sao, có thừa hưởng được những gì từ đời sống tự do trước năm 1975, hay cùn mòn?
Bước qua thế kỷ 21 và với khả năng tiếp cận thông tin và phổ biến thông tin không giới hạn của mọi cá nhân trên mạng lưới toàn cầu, quả nhiên một lớp văn nghệ mới đã thành hình như anh nói. Theo tôi, cũng có sự khác biệt không nhỏ giữa hai giới sáng tác ở hai miền Bắc-Nam. Cái chung là họ có ý thức làm mới, thoát khỏi sự giả dối, rập khuôn và tuyên truyền. Nhưng cảm nhận của tôi là văn chương miền Nam có ý thức chính trị về tự do, dân chủ hơn. Văn nghệ trẻ miền Nam dẫu sao cũng đã thừa hưởng được tinh thần tự do từ những người đi trước. Hơn một tín hiệu, văn chương trẻ và ý thức tự do đang làm thay đổi bộ dạng văn học Việt Nam một cách triệt để và toàn diện, đặc biệt với văn chương phản kháng.
9. Trở lại câu chuyện thời sự về phong trào say goodbye với Hội đoàn, phải chăng thời đại núp bóng các hội hè nhà nước để cầu an đã đến lúc lụi tàn? Chính các cây bút của chế độ như Nguyễn Khải, Tô Hoài… cho đến gần đây là tướng văn nghệ Hữu Ước, cũng đều có những tác phẩm “cuối đời” nói xa gần về “sự thật” nhằm giới thiệu chút khác biệt của mình ở đời sống văn nghệ, trong sự cai trị của Cộng sản?
Vâng, tôi đồng ý với anh, thời đại núp bóng các hội hè nhà nước đã đến lúc lụi tàn…Văn chương đích thực không phải là cái để ăn theo. Và các công đoàn độc lập hay các hội nghề nghiệp độc lập cũng đến lúc cần phải xuất hiện, đó là đòi hỏi của thời thế của lịch sử. Vì nó là điều bình thường của một xã hội tự do, dân chủ.
10. Vẫn có một lớp nhà văn tự do (phần lớn là phía Nam, dưới vĩ tuyến 17) tồn tại một cách nhẫn nại và im lặng, vì sao? Họ khác biệt như thế nào với lớp nhà văn thoả hiệp và thuần phục chế độ kiểm duyệt? Liệu có thể gọi lớp nhà văn miền Nam nhẫn nại và im lặng đó là những người quá cố chấp rồi chỉ để lụi tàn không?
Tôi cũng tin như anh vẫn có một lớp văn chương tự do từ trước 1975 tồn tại đến nay. Họ nhẫn nại và im lặng chờ đợi. Họ không thoát khỏi nỗi sợ hãi. Nhưng họ không thỏa hiệp và thuần phục chế độ kiểm duyệt. Và vì thế, phần nhiều họ bẻ bút, một số ít hơn có thể vẫn sáng tác trong im lặng… và ít hơn nữa công khai phổ biến tác phẩm ở hải ngoại hoặc trên các tạp chí mạng như tienve.org, damau.org….
Tôi không nghĩ sự im lặng hay từ chối chế độ kiểm duyệt là sự cố chấp để lụi tàn, đơn giản vì một tác phẩm thiếu tự do, tự nó đã là một tác phẩm khuyết tật.
Tuấn Khanh (ghi)