Thụy Khuê
Chương 10: Bài Introduction của Sainte-Croix
Sử gia Maybon không chỉ cho in lại bản Ký sự của Bissachère với nội dung xuyên tạc Quang Trung, Gia Long, phỉ báng dân Việt, như chúng ta đã thấy trong chương 9, ông còn đưa vào cuốn sách này hai bài “inédits” Avant-Propos (Tựa) và Introduction (Nhập đề) của Ste-Croix. Hai bài này, Ste-Croix viết để giới thiệu Ký sự Bissachère, nhưng sau ông bỏ ý định in riêng tập ký sự, cho nên chúng vẫn nằm trong Văn khố Bộ ngoại giao Pháp, và đã được một số người tham khảo và sử dụng trước Maybon, nhưng không đề xuất xứ. Đến năm 1920, khi Maybon cho xuất bản và giới thiệu như những tài liệu giá trị, chúng mới chính thức trở thành “tài liệu lịch sử” và được những người đi sau như Taboulet, khuếch trương, phổ biến thêm lên và được Tạ Trí Đại Trường tiếp nối, dùng trong cuốn Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam.
Bài Introduction chỉ ngắn có 28 trang nhưng chứa đựng những bóp méo lịch sử quan trọng và những điều dựng đứng này đã trở thành “sự thực” sau hơn một thế kỷ được truyền bá rộng rãi, nhất là ngày nay trên Internet, cả Wikipédia tiếng Việt.
*
Trong bài Avant-Propos (Tựa), Ste-Croix giải thích tại sao ông có được những tài liệu để viết bài Introduction này, sau khi Gia Long lên ngôi:
“Từ những ngày ở Manille, tôi đã muốn có những thông tin về các cuộc chinh phục mới đây của vua Nam Hà, là Bắc Hà và Cao Mên là nước mà rất ít người biết (…) Tôi chỉ nhận được những khái niệm rất thiếu sót (notions très imparfaites) từ các ông D’Ayot [hai anh em Dayot lúc đó sống ở Manille] làm quan ở Nam Hà, trong chiến tranh đã đi một phần nước Cao Mên với quân đội Nam Hà. Phải đến tháng 8/1807, ông de La Bissachère, giáo sĩ ở vùng này 18 năm, tới Macao, lúc tôi đang ở đó. Tôi yêu cầu ông viết một bài yếu lược (précis) về Bắc Hà và ông đã vui lòng viết những dòng ghi chép mà chúng ta sẽ đọc sau đây.” (Avant-propos, Ký sự Bissachère, t. 73)
Ste-Croix cho biết: Anh em Dayot chỉ cho ông những “khái niệm rất thiếu sót” và bản Ký sự là do ông yêu cầu Bissachère viết ra. Tiếp đó, Ste-Croix giải thích:
“Để độc giả hiểu rõ, khi đọc bài yếu lược của Bissachère, tôi viết bài “Introduction” này theo những gì tôi học được từ các ông Dayot, những biến cố xẩy ra ở Nam Hà từ khi vị vua trẻ bị đuổi khỏi đất nước của mình và được Đức Giám Mục Bá Đa Lộc dẫn đến triều đình Pháp xin cầu viện, cho tới bây giờ” (Avant-Propos, Ký sự Bissachère, t. 74, chúng tôi in đậm).
Như vậy: Ste-Croix đã dựa vào những “khái niệm rất thiếu sót” của anh em Dayot để viết bài Introduction này. Nhưng điều đáng chú ý hơn mà có lẽ độc giả đọc qua sẽ không nhận thấy, đó là câu mà chúng tôi đã in đậm ở trên: “vị vua trẻ bị đuổi khỏi đất nước của mình và được Đức Giám Mục Bá Đa Lộc dẫn đến triều đình Pháp xin cầu viện”.
Qua câu này, ta thấy ngay Sainte-Croix đã lầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh.
Thoạt tiên, ta tưởng chỉ là một lỗi nhỏ khi người ngoại quốc viết về lịch sử Việt Nam. Nhưng trong trường hợp này, nó trầm trọng hơn nhiều bởi vì, trong toàn bài, Ste-Croix sẽ coi vua Gia Long là học trò của Bá Đa Lộc, và sự sai lầm của y sẽ được công nhận và “chính thức hoá” thành sự thực, theo tiến trình mà chúng tôi sẽ trình bầy dần dần dưới đây.
Bài Introduction của Ste-Croix được Maybon giới thiệu bằng những lời lẽ sau: “Hai bài Avant-propos và Introduction của Renouard de Sainte-Croix đều hoàn toàn chưa in ở đâu cả, trừ vài lầm lỗi, nó chứa đựng những thông tin về lịch sử Việt Nam, lại càng thêm quý giá, vì đến từ Jean-Marie Dayot, một sĩ quan Pháp đã phục vụ đắc lực cho ông hoàng An Nam từ đầu cuộc chiến chống ngụy quân” (Maybon, Introduction, Ký sự Bissachère, t. 6-7).
Những lời trân trọng này của Maybon khiến độc giả tin tưởng. Ông có nhắc đến vài lầm lỗi (quelques erreurs), ông cũng có chú thích vài lần những lầm lỗi ấy như việc nhầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh, hay viết sai chữ Cảnh Thịnh, vv… nhưng ông bỏ qua tất cả những nhầm lẫn kếch sù là hậu quả của sự nhầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh. Không những thế, ông còn dùng kết quả của những lầm lẫn này trong bộ sử nổi tiếng Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820) của ông, cùng in năm 1920.
Một điểm đáng chú ý nữa: dù Ste-Croix nói là ông chỉ nhận được những “thông tin thiếu sót” của Dayot và phải nhờ Bissachère viết bài Ký sự, nhưng đọc xong bài Introduction này, ta có thể xác định: Ste-Croix hoàn toàn viết theo lời kể của Dayot, bởi những gì ông viết, hầu như không có trong Ký sự Bissachère.
Con số 250 người lính và việc Dayot “lái tầu theo Bá Đa Lộc” về giúp Nguyễn Ánh
Mở đầu Ste-Croix thuật chuyện “Bá Đa Lộc đem Nguyễn Ánh sang Pháp cầu viện” được Pháp hoàng chấp nhận cho 2 corvettes (tầu chiến nhỏ), trang bị 18 đại bác và 800 lính, nhưng đến Ấn Độ gặp trở ngại:
“Để thi hành lệnh của vua Pháp, Ô. de Cossigny, toàn quyền ở Ấn Độ lúc ấy cấp cho hai corvettes, không thuộc hải quân hoàng gia và chỉ chở được 250 người; một tầu ông giao cho người bà con là thanh niên d’Ayot [Dayot] điều khiển, và đã góp phần lớn vào sự thành công của ông hoàng [Nguyễn Ánh], còn tầu kia do Ô. de Marigny hay Martigny cai quản với nhiệm vụ theo lệnh của vua Nam Hà ở Pháp về với ông Bá Đa Lộc” (Ste-Croix, Introduction, Ký sự Bissachère, t. 77-78).
Đoạn này có bốn điểm sai:
1- Cossigny lúc đó đã thôi chức toàn quyền, Conway lên thay.
2- Conway không cấp gì cho Bá Đa Lộc cả vì Louis XVI đã ra lệnh bỏ hiệp ước Versailles.
3- Bá Đa Lộc về tay không, không có tầu nào đi cùng; theo 2 thư ông viết cho quản sự Létondal ở Macao, thư đầu, tháng 7/1789 có câu: “Tôi vừa về tới Nam Hà…. tôi về không có sự cứu trợ mà vua Pháp đã thuận giúp vua Nam Hà” (Launay III, t. 209). Và thư thứ nhì, viết ngày 17/8/1789, có câu: “Tôi về với độc một chiếc tầu nhỏ (une seule frégate) nó lại phải lập tức đi Manille ngay” (Launay, III, t. 210).
4- Bá Đa Lộc về với hoàng tử Cảnh chứ không phải với Nguyễn Ánh.
Bài Introduction này là văn bản đầu tiên nói đến việc “Dayot lái tầu về Việt Nam cùng với Bá Đa Lộc”, trái hẳn với những điều do Bá Đa Lộc viết ra.
Vậy ta có thể đoán rằng chính Dayot đã bịa ra điều này để “xác định” mình là người đầu tiên theo vị giám mục về giúp Nguyễn Ánh.
Con số “2 corvettes” và “250 lính” hoàn toàn vô căn cứ, có lẽ cũng do Dayot bịa ra.
Maybon sử dụng những thông tin vô căn cứ này, đặc biệt ở điểm: Dayot lái tầu về VN cùng với Bá Đa Lộc, và ông sẽ tìm cách “chứng minh” rằng chính Bá Đa Lộc đã xoay tiền mộ lính, mua tầu và vũ khí đạn được giúp Nguyễn Ánh. Con số 250 người lính, sau này sẽ được người ta sửa thành mấy trăm “do Bá Đa Lộc bỏ tiền ra mộ và mua 2 chiếc tầu về giúp Gia Long”.
Đó là sự xuyên tạc, thứ nhất, trong bài Introduction của Ste- Croix, sau này trở thành “sự thực lịch sử”.
“Nhờ Bá Đa Lộc” mà Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định
Tiếp tục câu chuyện hoang tưởng, Ste-Croix kể tiếp rằng (chúng tôi tóm tắt lời Ste-Croix): “Khi Nguyễn Ánh [vẫn nhầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh] về tới Sài Gòn với “hai tầu chiến Pháp và 250 người lính” thì quân Tây Sơn đã chiếm hết miền Nam [thực ra khi Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh về Sài Gòn tháng 7/1789, thì Nguyễn Vương đã bình định xong miền Nam], Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh phải đánh nhau với Tây Sơn để chiếm lại Gia Định, nhưng quân Tây Sơn mạnh, đuổi Nguyễn Ánh khỏi miền Nam, Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm cầu cứu. Tây Sơn đề nghị với vua Xiêm nếu bán Nguyễn Ánh cho họ, thì họ sẽ trả giá cao, tức là họ sẽ nhường cho Xiêm nhiều tỉnh miền Nam”.
Tới đây vai trò “cứu tinh” của Bá Đa Lộc hiện ra, Ste-Croix viết:
“Nhà vua trẻ nhờ do thám biết được sự phản trắc này [việc Xiêm bán ông cho Tây Sơn], nhưng không đủ kinh nghiệm và sáng suốt trong những trường hợp tế nhị, mới bí mật hỏi ý ông Bá Đa Lộc (…) Đức Giám Mục Bá Đa Lộc, trong hoàn cảnh tuyệt vọng này, có lời khuyên ngoan cường là nên tập hợp những thuyền tam bản còn lại, tấn công ngay vào Kinh đô mà Tây Sơn đóng, vì bất ngờ, họ không kịp chuẩn bị đối phó, trước một dự tính phi thường như thế.
Vua Nam Hà khôn khéo thi hành kế hoạch này, ông trốn khỏi triều đình Xiêm, lấy cớ đi duyệt những thuyền tam bản và tiểu hạm rồi bất ngờ dong thẳng buồm về chiếm được Sài Gòn là nơi các lãnh tụ Tây Sơn ngự trú, hầu như không có sự kháng cự nào; lãnh tụ ngụy không ngờ đến sự “thăm viếng” này, chỉ có mấy người gác bên mình, còn lính tráng thì đã về quê- việc này thường thấy ở Nam Hà trong thời bình.” (Ste-Croix, Introduction, t. 80-81).
Đọc đoạn trên đây, chúng ta có thể đoán rằng Ste-Croix nghe Bissachère hay Dayot kể lỗ mỗ về hai việc: Nguyễn Ánh rút quân từ Xiêm về chiếm lại Gia Định, năm 1787 (lúc ấy Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh còn ở Pháp) và trận Thị Nại, 1792 (Nguyễn Ánh chớp nhoáng tấn công Quy Nhơn) rồi thêm thắt vào, để đi đến kết luận : “chiến công đầu tiên của Nguyễn Ánh là do Bá Đa Lộc chỉ đạo: tấn công bất ngờ và chớp nhoáng vào kinh đô, chiếm được Sài Gòn mà vua Tây Sơn đang ngự trị”.
Tuyệt nhiên không thấy sử gia Maybon chú thích gì về những “sai lầm nhỏ” này.
Dù bịa đặt hoàn toàn như thế, nhưng huyền thoại “Bá Đa Lộc cầm quân chiếm lại Gia Định” của Ste-Croix đã được truyền bá rộng rãi. Đặc biệt Alexis Faure khi viết cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine, 1891, đã dựa vào điểm này để tâng Bá Đa Lộc lên hàng nguyên soái, cầm cờ lệnh đi đầu, chiếm lại Gia Định, và Faure đã thượng phong Bá Đa Lộc làm Bộ trưởng bộ chiến tranh từ năm 1780! sau trở thành Richelieu của Nguyễn Ánh (Faure, chương 18, t. 72-76, bản in điện tử). Faure dùng nhiều “thông tin” trong bài Introduction của Ste-Croix, nhưng lại chú rằng rút từ Mémoire sur la Cochinchine, par de la Bissachère, 1807, (Văn Khố Ngoại Giao). Có lẽ cái tên Bissachère “đáng tin cậy” hơn, vì là thầy tu chăng?
Đó là sự xuyên tạc thứ hai, trong bài Introduction của Ste-Croix, sẽ là đầu mối cho các lập luận: Bá Đa Lộc trực tiếp chỉ huy quân đội Nguyễn Ánh.
Nhưng đáng buồn hơn cả là sự vinh thăng Bá Đa Lộc làm chủ soái của Tạ Chí Đại Trường, ông Tạ đã viết những hàng sau đây:
– “Vào gần nửa đêm một ngày nào đó, ông [Nguyễn Ánh] đi tìm Bá Đa Lộc để hỏi ý kiến [về việc giết Đỗ Thanh Nhân]. Ông này phân vân giữa Đỗ Thanh Nhân và Nguyễn Ánh, cả hai người ông đều có ý giữ liên lạc để lợi dụng truyền đạo, nên trả lời thối thác một cách khôn ngoan, Ánh khóc về.” (LSNCVN, t.100-101). Không biết tại sao Tạ Chí Đại Trường lại biết rõ đến như vậy, nhất là câu chuyện này xẩy ra lúc “nửa đêm” và biết cả Nguyễn Ánh khóc nữa! Chưa kể sự “ngẩn ngơ” đi hỏi thầy tu về dự định giết người!
– “Chính Bá Đa Lộc “bằng cách nói chuyện chơi” cũng đã thu thập kiến thức, kỹ thuật mới vào Gia Định khi ông dạy Đỗ Thanh Nhơn lối dùng lựu đạn” (LSNCVN, t. 107). Đức Cha Bá Đa Lộc dạy ông “tướng cướp” dùng lựu đạn, thật ngược đời. Nhất là chưa có gì chứng minh giám mục Bá Đa Lộc quen Đỗ Thanh Nhơn, vị tướng hiếu sát, giết người như cỏ rác (có lẽ TCĐTT nhầm Đỗ Thanh Nhơn với Mạc Thiên Tứ là người văn học và ân nhân của Bá Đa Lộc, trong tất cả phóng đoạn này).
– “Từ đầu tháng 3/1783, Bá Đa Lộc đã phải hội bàn với Nguyễn Ánh về việc tránh Tây Sơn” (LSNCVN, t. 113). Ở đây, rõ ràng Bá Đa Lộc là chủ, gọi Nguyễn Ánh lên để “hội bàn”.
– “Việc xẩy ra ở Phú Quốc vào khoảng đầu tháng 7/1783. Nguyễn Ánh đến hỏi Bá Đa Lộc tìm cách giúp đỡ lấy lại nước” LSNCVN, t.177).
Không cần dẫn thêm, chúng ta đã thấy tinh thần Ste-Croix trải dài trong cuốn Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường, thông qua Faure, Maybon, Taboulet…
Olivier de Puymanel, “kỹ sư trưởng”
Sau khi đã vẽ chân dung Bá Đa Lộc, nhưng một vị nguyên soái, chỉ huy Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, Ste-Croix giới thiệu nhân vật quan trọng thứ nhì: Olivier de Puymanel, bằng những hàng như sau:
“…Vào khoảng thời gian này Ô. Olivier, người Pháp, về giúp, trở thành kỹ sư trưởng.
Là người trẻ tuổi có cao vọng, có kiến thức sâu rộng, là Chuẩn uý thủy quân (garde marine) trên một trong những tầu của Công ty Pháp ghé Nam Hà, trên đường đến Trung Quốc, hay tin ông vua đang đánh nhau, cần người Âu giúp, đã bỏ tầu đến giúp, được chấp nhận. Nhà vua không tiếc việc này vì, ngoài kiến thức hoàn hảo về việc xây thành trì, và thuật binh bị, Ô. Olivier còn có phẩm hạnh và tháo vát, hai đức tính chính của một vị chỉ huy quân đội.
Những chiến thắng của vua Nam Hà một phần là nhờ ông, ông đã vẽ bản đồ các thành quách, đã sáng tạo nhiều công binh xưởng.
Ông được thăng tước vị hạng nhất, là Kỹ sư chỉ huy trưởng đứng đầu các công binh xưởng và Tư lệnh một quân đoàn gồm 3000 cấm vệ của vua do ông thành lập và huấn luyện theo kiểu Tây phương. Nhưng sau ông ghê tởm công việc này vì không được hậu đãi và các đại thần xử tệ với những người Pháp giúp vua mà tôi sẽ giải thích sau.
Hoạt động của những người Pháp giúp vua Nam Hà đi đôi với những đại bác và súng ống mà nước Pháp cho họ, đã góp phần không nhỏ vào việc nhà vua dần dần làm chủ lại xứ sở trong một thời hạn khá ngắn. Ô. Olivier làm kiên cố đồn lũy bằng những chiến hào trang bị súng đại bác điều khiển theo lối Tây phương, và lối đánh nhau này rất mới lạ ở Nam Hà, làm cho quân Tây Sơn khiếp đảm thua chạy mỗi lần gặp quân nhà vua, chúng không thể chống lại hoả lực mạnh mẽ do Ô. Olivier điều khiển và chúng thường bị kéo vào những hào hố mà dân tộc này không có ý niệm gì” (Ste-Croix, Introduction, Bissachère, t. 82-83).
Đây là đoạn văn chủ chốt mà sau này các tác giả Pháp Việt đều dựa vào để vinh thăng Puymanel lên hàng đầu các ngành: Xây dựng thành đài, chiến luỹ, thành phố, đúc súng, tổ chức và huấn luyện quân đội…
Vấn đề đặt ra là: Khi mới đào ngũ, đặt chân lên đất Hà Tiên, Puymanel chỉ là binh nhì, ít học (sẽ chứng minh bằng văn bản trong phần viết về Puymanel). Vậy Puymanel học kỹ sư lúc nào? Học nghề binh ở trường sĩ quan nào? Mà vừa tới làm việc với Nguyễn Ánh đã trở thành Kỹ sư trưởng? Đứng đầu các công binh xưởng nào? Là tư lệnh quân đoàn nào? Mà có thể cùng một lúc, vừa là kỹ sư trưởng các công binh xưởng, vừa xây các đồn luỹ, vừa là Tư lệnh quân cấm vệ, vừa huấn luyện quân đội, vừa điều khiển các trận đánh…
Đó là sự xuyên tạc thứ ba, trong bài Introduction của Ste-Croix, sự xuyên tạc này sẽ được trích dẫn, thổi phồng để đưa Puymanel lên vị trí thứ nhì, sau Bá Đa Lộc.
Dayot “lãnh đạo thuỷ quân” và vẽ bản đồ bờ biển Việt Nam cho Nguyễn Ánh
Sau khi vinh thăng Puymanel là chúa tể các ngành bộ binh, Ste-Croix, (vẫn theo lời kể của Dayot), đưa Dayot lên hàng chủ soái ngành thuỷ binh. :
“Vua Nam Hà rất chú ý đến thuỷ quân, ông có mặt trong tất cả những công trình xây dựng tại các công binh xưởng do ông Olivier điều khiển cũng như ở các xưởng đóng tầu do ông Dayot điều khiển. Ông Dayot là linh hồn và lãnh đạo ngành thủy quân. Ông theo quân đi dọc bờ biển, vận tải lương thực; nếu thấy địch xuất hiện, nhờ cách điều khiển và nhờ hoả công mạnh của chiến hạm, ông khiến địch phải chạy trốn. Vua bắt các quan phải phục tùng mệnh lệnh của các vị chỉ huy Tây phương này cho nên họ bị ghen ghét.” (Bài đã dẫn, t. 83).
Đến đây, chúng ta mới hiểu tại sao có sự vinh thăng Puymanel trước đó, bởi vì nếu Dayot tự vinh thăng mình ngay, thì không tiện, nên đã thăng Puymanel trước khi tự thăng mình.
Vẫn theo Ste-Croix: sau một thời gian ở Nam Hà, Jean-Marie Dayot đã gọi em là Félix sang giúp vua: “Félix Dayot, là một thanh niên tài ba. Cả hai đã đóng nhiều chiến hạm cho nhà vua và vẽ bản đồ bờ biển VN, rất hữu dụng cho hải quân” (Bđd, t. 84).
Đó là sự xuyên tạc thứ tư trong bài Introduction của Ste-Croix. Sự xuyên tạc này sẽ được các học giả Maybon và Cadière tận dụng để ca tụng “sự nghiệp” anh em Dayot. Nhưng trong bài viết về Vannier, André Salles lại nhất quyết rằng Vannier mới là “chúa tể ngành thủy quân Việt Nam” (BAVH, 1935, II, t. 155). Hoá ra chúng ta có tới hai chúa tể ngành hải quân!
Chúng tôi sẽ trình bầy cặn kẽ những vấn đề này trong chương viết về Dayot; ở đây chỉ xin nói sơ lược: Nhiệm vụ chính của anh em Dayot là mua bán vật dụng ở nước ngoài và tiếp tế cho quân đội. Trong khi di chuyển, họ đã xin Nguyễn Vương cho thêm phương tiện để vẽ bản đồ bờ biển nước Nam. Sau này Dayot gửi toàn thể bản đồ này cho bộ Hải quân Pháp, chứ không phải cho vua Gia Long dùng. Quân đội Pháp sẽ dùng bản đồ này để đánh nước ta năm 1862. “Công trạng” này được Maybon ghi lại như sau:
“Trong những chuyến đi đi về về, dọc theo bờ biển nước Nam, không chỉ “đi theo quân” mà có khi đi tải lương nữa, anh em Dayot đã làm một công việc đáng vinh danh là vẽ thuỷ đạo đồ bờ biển và những hải cảng. Chính Renouard de Sainte-Croix đã đem về Pháp tập hồi ức và bản đồ của Dayot. Trong thư Dayot viết cho Ste-Croix từ Macao ngày 15/11/1807, có lẽ ít ngày sau khi Ste-Croix rời Macao, có những dòng hơi lạ này: “Chút tài mọn không cho phép tôi mơ ước chức hội viên thông tin của một cơ quan bác học [Viện Lưu Trữ] như thế, nhưng tôi sẽ rất mừng nếu những công trình của tôi được chấp nhận. Tôi có thể gửi tiếp những nhận xét bổ ích về cái xứ, có thể nói là vô danh này, và sẽ còn thú vị hơn nếu nó được chiếu thêm chút ánh sáng. Anh de Sainte-Croix thân, tôi tin trước những chăm sóc sốt sắng và tế nhị của anh. Tôi giao cho anh kết quả công việc sáu năm cam go của tôi, tất cả những gì anh sẽ làm, đối với tôi sẽ là tốt đẹp, và nếu có trở ngại gì với việc anh vì tình bạn giúp tôi và lòng mong muốn của tôi phục vụ tổ quốc [Pháp], thì cũng không giảm bớt được lòng biết ơn suốt đời của tôi đối với anh”. (Maybon, Introduction, Bissachère, t. 31-33).
Ý đồ của Dayot đã lộ rõ qua những dòng thư viết cho Ste-Croix được Maybon trích dẫn trên đây: y mong muốn được phục vụ tổ quốc Pháp với tập bản đồ này. Dayot là người có công với nước Pháp, nhưng đối với Việt Nam, là kẻ phản bội: lợi dụng lòng tin của vua để vẽ bản đồ nước ta dâng cho vua Pháp. Ste-Croix gửi bản đồ của Dayot về Bộ Ngoại Giao và đã được Hoàng đế [Napoléon I] xem. Maybon viết tiếp:
“Năm 1820, chính phủ quyết định dành cho Dayot một câu lạc bộ thiên văn; nhưng sự tưởng thưởng đến quá muộn, Dayot đã mất từ năm 1809. Ông cũng không nhìn thấy những bản đồ của ông được Viện lưu trữ hải quân phát hành năm 1818, và cũng không biết lời khen ngợi hết mình của Abel Rémusat: “… chúng ta biết có nhiều người nước ta đã giữ những chức vụ quan trọng trong triều nước Xiêm và nước Việt, và nhờ vào một trong những người đó, ông Dayot, nay đã qua đời, mà chúng ta có tập địa đồ (Atlas) cực kỳ quý giá về nước Nam, được vua [Louis XVIII] sai khắc năm 1818, đó là một trong những công trình bất hủ của khoa học địa lý về cái xứ rất xa Âu châu này… Từ khi các bản đồ của ông Dayot được in ra, chúng ta biết rõ bờ biển nước Nam có lẽ còn rõ hơn một số bờ biển Âu châu” (Abel Rémusat, Mélanges asiatiques, 1825, t. 74, 79).
Năm 1817, vua Louis XVIII sai Kergariou sang biển Đông, với bản đồ của Dayot. Trong thư ngày 28/3/1818 gửi bộ trưởng Hải quân, Kergariou viết: “Tôi đã đi khắp các cửa biển của nước Nam và trong hải trình chông gai này, tôi đã có dịp kiểm chứng, đảo lộn hầu như tất cả công trình của Ông Dayot. Chẳng có lời nào đủ để khâm phục sự chính xác, nhất là sự chính xác mà đất đai được chiếu lại trên các bản đồ”. (Maybon, Introduction, Bissachère, t. 33).
Tóm lại, Jean-Marie Dayot đã kể lại “công trạng” của mình cho Ste-Croix ghi lại. “Công trạng” này được các sử gia thuộc địa tung lên.
Tạ Chí Đại Trường, như thường lệ, vẫn rập theo phiá Pháp mà vinh thăng Dayot, ông viết: “Dayot là linh hồn và chủ tướng của thủy quân Nguyễn” như Giáo sĩ La Bissachère đã nói” (Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 204), thực ra là Ste-Croix viết câu này. Và ông Tạ đã dùng nhiều trang để ca ngợi “công lao” của Dayot, Puymanel và những người Pháp (LSNCVN, t. 231-237).
Jean- Marie Dayot là một người được vua tin dùng và trọng đãi, qua những chiếu dụ vua sai phái, mà chúng tôi sẽ trích dịch trong phần viết về Dayot; ở đây chỉ nói sơ lược hai vụ Dayot bị kết tội. Hai vụ này liên quan đến hai đợt lính Pháp bỏ đi năm 1792 và 1795. Trong chương 8 Hịch Quang Trung, chúng tôi đã nói khá rõ việc Bá Đa Lộc và lính Pháp bỏ đi năm 1792, khi thấy Quang Trung chuẩn bị đánh Nam Hà.
Linh mục Le Labousse, trong lá thư viết ngày 17/6/1792 gửi quản sự tu viện Letondal ở Macao, ông viết về trường hợp Dayot như sau: “Chuyến đi xui xẻo từ Macao sang Manille của Dayot và sổ sách cực kỳ thâm lạm của anh ta đã làm cho vua ghê tởm, bực quá không thèm nói gì thêm, vua sai đuổi hết không chỉ các lính thủy, mà tất cả sĩ quan, ai muốn đi thì đi, không giữ” (Launay III, t. 296). Tóm lại, trong đợt lính Pháp bỏ đi năm 1792, Dayot, vì thâm lạm sổ sách, bị quở phạt, nhưng chưa bị đuổi. Anh ta xin ở lại, chắc muốn lập công, cho nên có hai chứng cho biết Dayot dự trận Thị Nại 1792, như chúng tôi đã nói trong chương 8.
Năm 1795, lại có vụ người Pháp bỏ đi lần thứ hai, lần này trầm trọng hơn, liên quan đến hai việc quan trọng: Trần Đại Luật dâng sớ xin vua chém đầu Bá Đa Lộc và Dayot làm đắm tầu.
Trần Đại Luật dâng sớ xin vua chém đầu Bá Đa Lộc
Quan hàn lâm Trần Đại Luật là một trong những người đã theo Nguyễn Vương sang Vọng Các từ năm 1785. Khi Nguyễn Vương chiếm lại Gia Định, được bổ chức hàn lâm chế cáo. Tuy là quan văn nhưng ông vẫn dự các buổi luận bàn chiến lược với các quan võ và đã tham dự các trận đánh Diên Khánh và Quy Nhơn.
Khoảng tháng 3-4/1795, ông dâng sớ nói về cái hại của đạo giáo nói chung và của đạo Gia Tô nói riêng mà Bá Đa Lộc đã đem vào, xin vua chém đầu. Ông biết nếu vua không nghe thì có thể bị mất đầu, nên trước khi dâng sớ, đã dặn người nhà đóng áo quan đợi.
Liệt truyện viết:
“Đến khi ra coi việc quân, [Trần Đại Luật] thấy người Tây là Bá Đa Lộc kiêu ngạo, dâng một sớ nói: “Cái hại về đạo Phật Lão tệ hơn đạo Dương Mạc, mà cái hại về đạo Gia Tô lại tệ hơn đạo Phật Lão, nên trị mối dị đoan, thánh nhân răn về hại ấy, giữ về tà đạo, tiên vương [chỉ Võ Vương Nguyễn Phước Khoát] bảo tất phải giết, là rất ghét về loạn chính, dối dân để họa về sau. Nay Đa Lộc mang giáo cho Thiên Chuá để lừa dân ngu, không có tình thân cha con, nghiã lớn vua tôi, lại tự cậy là bảo hộ Đông Cung có chút công lao, sinh lòng kiêu ngạo, không sợ hãi gì, nay như thế, ngày khác lại như thế nào, kẻ ấy mà không giết, sao gọi là pháp luật được. Tôi xin được thanh gươm của vua dùng chém đầu hắn treo ở cửa chợ, để tạ cả nước mà bỏ được sự mê hoặc của mọi người”. Tờ sớ dâng vào vua rất khen, nhưng sợ bị hắn thù, bèn cạo bỏ tên họ [Trần Đại Luật] và cất vào hòm”, rồi triệu Luật bảo mật rằng: “Ngươi có lời nói thẳng, trẫm không phải là không tin, nhưng nay đánh đông dẹp tây, về việc dùng người, rất là việc cần, kẻ dối trá và ngu cũng nên dùng, không nên tỏ cho người biết là hẹp hòi, tạm hãy để đó.” (Liệt truyện, Trần Đại Luật, tập 2, t. 295-296).
Tất cả việc này chứng tỏ sự sáng suốt và tài chính trị của Gia Long.
Theo thư đề ngày 27/4/1795 của Lavoué gửi Létondal (Launay, t. 301-302), thì vụ này xẩy ra vào khoảng tháng 3-4/1795. Thực Lục, tháng 3-4/1795 (tháng 2 ÂL.), ghi rằng: “để Đông cung trấn giữ Gia Định, có Tả quân Phạm Văn Nhân, Giám thành sứ Tô Văn Đoài, Lễ bộ Nguyễn Đô, Tham mưu Nguyễn Thái Nguyên, Hộ bộ Phan Thiên Phúc, Hình bộ Nguyễn Văn Nghị, trợ giúp”. (TL, I, t. 318). Điều này chứng tỏ: Bá Đa Lộc không còn là một trong những người thầy của đông cung, có lẽ ông đã mất chức phụ đạo từ lúc này, và đến tháng 11-12/1795 (tháng 10 ÂL.), Thực Lục cho biết: vua sai phó tướng tả quân Phạm Văn Nhân làm phụ đạo Đông Cung với lời dụ: “…hết thảy mọi việc đều uỷ cho khanh. Cốt sao giúp đỡ thái tử, hun đúc đức tốt” (TL, I, t. 327-328). Như vậy, vua đã nghe lời khuyên của Trần Đại Luật, không để thái tử gần Bá Đa Lộc như trước nữa.
Ngoài ra, giáo sĩ Lavoué, vẫn trong lá thư ngày 27/4/1795 này, đã kể lại sự việc gần giống như Liệt truyện:
“Trong đúng lúc này [lúc xẩy ra vụ Dayot làm đắm tầu] thì các quan dâng vua lá sớ chống Đức Cha; vua đọc và im lặng. Đức Cha được báo tin ngay, nhưng giả vờ [không biết] trong vài ngày; sau thấy vua không đả động gì đến vụ này và còn tỏ ra đồng ý với các quan; Đức Cha mới cay đắng than thở, vua nghe mách lại, lúc đó mới gửi cho Đức Cha lá sớ” (Launay, t. 302).
Ở cuối thư, Lavoué, vì không biết tác giả viết sớ là ai, cho nên ông đoán mò:
“Trong số những người buộc tội có hai đại thần, hiện đang ở tù vì tội đã hèn nhát bỏ rơi hai quan khác đang bị ngụy quân vây nguy khốn. Họ xin Đức Cha che chở và nói rằng số phận họ ở trong tay cha. Số phận họ sẽ ra sao? Chưa biết thế nào, nhà vua đã đi đánh trận rồi” (Launay, t.302-303).
Nhưng Giám mục Bá Đa Lộc lại trình bầy việc này một cách khác hẳn. Trong hai bức thư dài gửi quản thủ Létondal (Launay, t. 303-306) ông phân trần về vụ này, thư đầu viết ngày 18/5/1795, ông chỉ nói đến việc các quan viết sớ xin vua cho hoàng tử ít gần ông hơn, vì sợ chịu ảnh hưởng của ông, vì vậy ông lợi dụng cơ hội này để xin đi Macao, và theo ông “nhà vua đã khóc xin ông đừng bỏ ông ta”, rồi vua “bắt hai vị đại thần đầu triều chủ trương việc này đem chém đầu, nhưng họ được ông xin ân xá” (Thư Bá Đa Lộc gửi Letondal ngày 18/5/1795, Launay, III, t. 303).
Lá thư thứ nhì viết ngày 30/5/1795, Bá Đa Lộc lại nói khác hẳn: ông kể chuyện 19 vị đại thần, vì ghét đạo, đã viết lá sớ tâu vua, vua đọc xong “nổi giận, ném lá sớ xuống đất” và dọa sẽ trừng trị nặng nề những kẻ viết. Sau đó, 2 đại tướng trong số 19 người này bị xử tử, và chính Đức Giám Mục phải can thiệp, họ mới khỏi bị chém đầu!
Như vậy đủ biết, ngay cả Đức Giám Mục, khi cần, cũng có thể bóp méo sự thực.
Nhưng đến khi Tạ Chí Đại Trường thuật lại chuyện này, ông còn gia tăng mức độ tưởng tượng lên một bậc nữa:
“Sửa soạn đi cứu Diên Khánh bị vây lần thứ hai, Nguyễn Ánh đã tống giam Dayot và một tùy tướng vì tội làm chìm chiếc tầu được giao trông coi, hư hại đến nỗi không thể sửa chữa để dùng được gì cả. Nguyễn Ánh tức giận chửi lung tung. Đúng dịp ấy, 19 người đại thần trong số đó có người chú vua (Tôn Thất Thăng?) và một người hoàng phái, dâng sớ bầy tỏ mối nguy hại nếu cứ để hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc dạy dỗ theo một tin tưởng khác hẳn mối tin tưởng cổ truyền. Họ cầu xin Nguyễn Ánh cắt đứt mối liên lạc ấy và để Cảnh cho các quan triều dạy. Nghe chuyện, Bá Đa Lộc khôn ngoan ẩn tránh vài ngày. Thấy Nguyễn Ánh có vẻ nghe theo lời sớ, ông lên tiếng phàn nàn thì Ánh đến tận nhà đưa tờ biểu cho ông coi.”
Sau khi kể chuyện Bá Đa Lộc nhắc lại công lao ông giúp Nguyễn Ánh và đòi về, ông Tạ viết tiếp: “… nên nghe Bá Đa Lộc đòi về, nhân dịp hai người có tên trong sớ là Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành không đi cứu Phố Hài, ông kêu về tống giam, vừa để trị tội, vừa để làm vừa lòng Giám Mục”. (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 298-299).
Thực kinh hoàng, khi thấy một người viết sử Việt Nam, không những đã phụ hoạ sự sai lầm của Lavoué, sự nói dối của Bá Đa Lộc mà còn thêm thắt vào để xuyên tạc lịch sử đến như vậy.
Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức bị phạt vì tội rút quân, không dám đương đầu với Lê Trung chứ không phải vì bỏ rơi ai hết, xẩy ra vào tháng giêng năm Ất Mão (tháng 2/1975), được cả Thực Lục (Tập I, t. 317) lẫn Liệt Truyện viết rõ, tóm tắt như sau: Mùa đông Giáp Dần (1794) Trần Quang Diệu lại vây thành Diên Khánh; vua phát cho Nguyễn Văn Thành 3000 quân, sai đi giữ Bình Thuận, “Thành nói:”Quân giặc nhiều, Bình Thuận lại là nơi tứ chiến không cho tôi 5000 quân không giữ được. Nguyễn Huỳnh Đức xin đi, vua bèn sai Nguyễn Huỳnh Đức điều bát, Thành làm phó. Quân đến Phan Rý, Tư lệ giặc là Lê Trung chọn chỗ hiểm để chống Đức, vì lương quân không đủ ăn, trước dẫn quân đi, Thành cùng lui quân về Na Ly cùng họp với quân Đức, bèn lui giữ Bà Rịa. Vua giận là hèn nhát bắt Thành cùng Đức về cho đình thần xét. Thành dẫn biện việc lui quân có sự trạng, vua chiếu tha không hỏi tội nữa” (Liệt truyện, I I, Nguyễn Văn Thành, t. 374).
Không có chuyện Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức và 19 đại thần ký sớ gì cả. Bởi vì, nếu có, thì tại sao các sử gia triều Nguyễn lại không ghi lại?
Dayot làm đắm tầu
Việc Dayot làm đắm tầu được phản ảnh trong thư của hai giáo sĩ Lavoué và Le Labousse.
1- Giáo sĩ Lavoué, trong một thư dài viết ngày 27/4/1795, gửi M. Létondal, có đoạn liên quan đến Dayot làm đắm tầu, như sau:
“Nhà vua vừa nổi cơn thịnh nộ với những người Âu giúp vua, và vừa tống giam 2 người trong bọn họ: ông Dayot và viên thượng sĩ hải quân của ông ta [son premier maître, có lẽ là phó đội trong tiếng Việt, vì Dayot là cai đội], đã để tầu bị đắm và bị hư hại nặng; người ta đã tâu vua là không thể dùng được nữa, việc này khiến vua nổi trận lôi đình, và thoạt đầu nóng giận, đã chửi rủa thậm tệ bọn người Âu đến giúp; sau đó ông nghĩ lại, và có lẽ ông còn đương nghĩ lại, bởi vì công việc của ông ngày càng xấu đi. [Ý nói việc Trần Quang Diệu đang ráo riết bao vây Diên Khánh lần thứ nhì, vương chuẩn bị hành quân giải vây Diên Khánh] (Launay, III, t. 302).
2- Thư Le Labousse viết, Sài Gòn ngày 22/6/1795 gửi Létondal, cho biết một số chi tiết khác:
“… Vương đang ở trong thế kẹt… Tất cả người Âu bỏ đi. Tôi sợ rằng đó là tiên khởi của chúng ta…. Đức Ông [Bá Đa Lộc] đã sửa soạn một chiếc tầu tốt rồi…
Ông sẽ thấy các ông Olivier và Dayot tới Macao. Dayot phải trốn khỏi chiến hạm của mình khi ra hàng ở cảng Saint Jacques. Sự tẩu thoát này sẽ là tổn thất nặng nề cho nhà vua.”
(Documents relatifs à l’époque de Gia Long, Cadière, BEFEO, số 12, 1912, t. 35).
Trong lúc Nguyễn Vương phải trực diện với Trần Quang Diệu, Diên Khánh ở trong vị thế cực kỳ nguy hiểm, Vương chuẩn bị xuất quân cứu Diên Khánh, thì Dayot làm đắm tầu. Tất nhiên y bị bắt, và đã trốn ra Vũng Tầu, bị truy nã, y ra hàng, sau y lại trốn được đi Macao.
Tóm lại: vụ Bá Đa Lộc và những người Pháp bỏ đi năm 1795, do hai lý do chính:
– Trần Đại Luật dâng sớ xin vua chém đầu Bá Đa Lộc.
– Dayot làm đắm tầu, bị tội, hai anh em tìm cách tẩu thoát.
Puymanel định bỏ đi theo, hoặc đã bỏ đi, nhưng rồi quay trở lại, tiếp tục giúp vua một số việc có ghi trong Đại Nam Thực Lục và Liệt truyện cho đến khi mất ở Malacca ngày 22/3/1799.
Việc đắm tầu và bỏ đi, theo Ste-Croix viết lại
Khi Dayot kể cho Ste-Croix về việc đắm tầu này, thì khác hẳn, Ste-Croix viết:
“Các ông Dayot và Olivier bỏ đi sau 8 năm phục vụ mà không được của cải gì, mặc dù việc [trả ơn] ấy không khó. Những khó chịu mà vua và các quan gây cho ông Dayot đã khiến ông bỏ đi. Hiện nay chỉ còn 3, 4 người Pháp dưới quyền ở lại, đó là những ông Vannier,… không có của, chỉ có chức quan và như những người Âu khác không ngừng bị bọn quan lại ganh tị tài năng, vua nghe lời họ.” (Ste-Croix, bđd, t. 85).
Câu này đã phản ảnh một sự thật: Sau năm 1795, chỉ còn 3, 4 người Pháp ở lại. Những người lính Pháp đến đây tìm của, nhưng không đạt được sự mong muốn, thất vọng, họ bỏ đi. Việc đổ lỗi cho các quan, sẽ chỉ là một cách chạy tội. Ste-Croix viết tiếp câu chuyện Dayot kể:
“Và đây là những gì đã khiến cho người Pháp mếch lòng:
Ông Dayot như tôi đã cho biết, đã làm cho vua những dịch vụ quan trọng, vì hết lòng với vua và được vua tin cậy, nên bị các quan ghen tỵ. Ông chống không cho họ ăn hối lộ những người đem gỗ đến [bán] để đóng tầu. Dayot mách vua, họ mất mối bở nên tìm đủ mọi cách để hạ Dayot. Họ đã ra tay nhiều lần nhưng không thành. Một hôm, Dayot không có mặt trên tàu của mình, trời bão, tầu bị gió thổi xuống nước, lật. Vua đang sửa soạn hành quân, rất bực mình vì sự mất tầu này, các quan bèn lợi dụng, tâu vua là tầu chìm do Dayot bất cẩn muốn làm chậm trễ việc hành quân, Dayot bị đóng gông, đáng lý bị xử tử ngay, nếu các bạn ông không tìm cách chận lại. Không may là GM Bá Đa Lộc đi vắng. Dayot bị đóng gông 4 ngày, vua không chịu nghe lời xin khoan hồng. Sau cùng, giám mục về quở trách vua, bảo cách hành xử này sẽ làm cho người Pháp ghê tởm mãi mãi và điều đó có thể làm tổn hại rất nhiều cho nhà vua. Vua vẫn tôn kính đức giám mục nên nghe lời và thả ngay Dayot.
Nhà vua gọi Dayot đến để giải thích mình đã lầm, và sẽ sửa lại lỗi nhưng đã quá muộn. Dayot không thể bỏ qua, vả lại những điều gièm pha này sẽ còn xẩy ra, sẽ còn lập lại; Dayot ở thêm vài tháng rồi cả hai anh em xin từ chức để vua không từ chối được. Một thời gian sau vua biết tội của bọn quan lại, đem xử tử hết.
Tất cả người Pháp đều thấm thía hình phạt vô lý cho vị chỉ huy và đồng bào của họ; Ông Olivier càng nghĩ một ngày nào đó chuyện này cũng có thể xẩy ra cho mình mặc dù ông được ưu đãi, cũng xin từ chức. Dù ông làm việc hết lòng, qua nhiều chiến dịch thắng trận, mà vua không ban cho của cải gì cả.
Khi [Olivier] đã nói rõ dự định với vua, vua thấy sự mất mát này, ông bảo anh rằng: cho đến nay, có một số trở ngại khiến ông chưa thể tặng cho anh một phần của cải, nhưng ông sẽ lo việc này, Olivier cố nài nỉ, vì anh biết tính cực kỳ hà tiện của ông, cho rằng vua chỉ giả vờ để giữ anh lại. Nhà vua bèn nói: “Nếu ta là vua của nhà ngươi, ta có thể bắt buộc nhà ngươi, như một thần dân, ở lại, không cho đi, nhưng ngươi không phải thế và ta cũng không thể chống lại kế hoạch của ngươi, cũng như ta không thể vô ơn, quên những gì nhà ngươi đã làm cho ta, vậy ta cho ngươi một chiếc tầu nhỏ để ngươi có thể chở cau mua ở các cửa hàng. Ta cũng cho ngươi quyền ra vào tất cả các hải cảng của ta để buôn bán mà không phải trả bất cứ thuế gì”. (Chú thích của Ste-Croix: thuế nhập khẩu vào nước Nam là 3.000 đồng cho tất cả các thứ thuyền tầu lớn nhỏ). Ô. Olivier đem tầu này chở cau tới Macao, bán được cả thảy 3.000 quan tiền. Ông trở lại Cao Mên với tầu này, mang những thứ hàng hoá dùng riêng cho xứ này, rồi bị bệnh kiết lỵ khi vào cảng, và chết ít lâu sau” (Bđd, t. 85-89).
Những dòng trên đây của Ste-Croix (viết lại lời Dayot), cho biết một số thông tin:
– Dayot suýt bị chém vì tội làm đắm tầu.
– Theo lời y, thì nhờ Bá Đa Lộc xin, mà y được tha.
– Nhưng theo những điều đã trình bầy ở trên, thì lúc đó Bá Đa Lộc cũng còn đang lo cho số phận của mình, vì lá sớ của Trần Đại Luật.
– Theo thư của Le Labousse, Dayot trốn đến Vũng Tầu, rồi bị bắt lại, y trốn thêm lần nữa, mới thoát sang Macao.
– Vẫn theo thư của Le Labousse, thì Olivier de Puymanel cùng đi Macao với anh em Dayot. Nhưng sau y lại quay về, cho nên mới có đoạn Olivier đối thoại với vua, như Ste-Croix viết ở trên.
Bá Đa Lộc là “thày dạy” Nguyễn Ánh, theo Ste- Croix
Từ đầu đến cuối bài Introduction, Ste-Croix đều nhầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh, cho nên y viết những câu: “Vị vua trẻ Nam Hà, được vua cha giao phó cho vị giám mục, trước khi chết, và căn dặn ông làm thầy chỉ đạo cho” (Bđd, t. 76); hoặc: “Những người Pháp mà ông hoàng này đã mang ơn nặng, nhưng công lao của họ không được đền bù xứng đáng, nhất là sau cái chết của Giám Mục Bá Đa Lộc, người thầy đầy quyền uy đối với đứa con đỡ đầu” (Bđd, t. 85). Và Ste-Croix đã kể những câu chuyện hoang tưởng về vai trò của Bá Đa Lộc bên cạnh Nguyễn Ánh:
“… đã đỡ đầu, che chở và đưa ông hoàng trẻ sang Pháp để xin cầu viện, Đức Giám Mục tự hạn chế mình trong địa vị một người có tuổi, dạy cho ông vua học trò những nguyên tắc đại cương của đạo đức (…) ông dịch cho học trò nhiều sách tiếng Pháp sang chữ Nôm [Cochinchinois] chủ yếu là những sách chiến lược và xây dựng thành quách (…) ông hoàng này có kiến thức đại cương về khoa học và luôn luôn đọc những sách mà giám mục dịch ra, ông muốn học hỏi cho bằng người Âu.
Đối với vị giám mục đã dạy dỗ nhà vua (…) vua coi ông như người cha thứ nhì và gọi ông là Thượng Sư [Grande Maîre]. Ta có thể tin rằng nếu Người [giám mục] còn sống, thì sẽ chẳng để cho nhà vua tàn sát dã man những thủ lãnh Tây Sơn khi lên làm vua. Người sống ở trong triều của học trò, được hưởng những ưu thế như vua, ngồi ngang hàng với vua, và nếu người không vào triều thì vay đến thăm người tại nhà, nhất là thời gian cuối khi người bị bệnh” (Bđd, t. 91-92).
Sự lầm lộn của Ste-Croix, lúc đầu, tưởng là vô can, nhưng dần dần dẫn đến những hậu quả tai hại như đoạn văn vừa dẫn ở trên: Y hoàn toàn coi vua Gia Long là học trò của Bá Đa Lộc!
Trước hết, phải nói rõ lại: Bá Đa Lộc đã tháp tùng, trông nom và dậy dỗ Hoàng tử Cảnh trong 4 năm đi Pháp, từ 1785 đến 1789, (5 đến 9 tuổi). Gia Long không quên cái ơn này, nên ông đã luôn luôn đối xử tử tế với vị giám mục, cho con gọi Bá Đa Lộc một cách tôn kính bằng Thượng Sư. Khi đem hoàng tử về lại Sài Gòn, Bá Đa Lộc giữ chức phụ đạo, nhưng bên cạnh còn có những thầy khác như Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu… đều là những học giả thời bấy giờ. Tuy nhiên, người Pháp khi viết về việc này, họ không biết hoặc họ cố ý, chỉ coi như có một mình Bá Đa Lộc là thầy của hoàng tử.
Năm 1794, khi Nguyễn Vương sai hoàng tử Cảnh, mới 13 tuổi, đi trấn thủ Diên Khánh để học nghề binh và nghề cai trị, các thày dạy cũng phải đi theo, cùng với các đại tướng Phạm Văn Nhân, Tống Phước Đạm, Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Huỳnh Đức, hộ tống để giữ thành. Nhưng đối với người Pháp cũng vẫn chỉ “một mình” Bá Đa Lộc “giữ thành”, “chỉ huy việc bắn đại bác, vv…. và Tạ Chí Đại Trường cũng cứ thế chép lại.
Sự lầm lộn, cho Bá Đa Lộc là thầy của Gia Long, sẽ là sự xuyên tạc thứ năm của Ste-Croix, được nhiều người thổi phồng, phổ biến và trở thành “sự thực lịch sử”.
“Chân dung” Gia Long, theo Ste-Croix
Từ ảnh hưởng Bissachère và Dayot, Ste-Croix không thể cưỡng lại sự bôi nhọ Gia Long:
” Tính tình vua nước Nam có tốt lẫn xấu, có sự nhậy cảm lẫn sự hung ác, ông ta có kiến thức hơn bất cứ quần thần nào, nhưng giống như tất cả những người Á Châu khác, ông tưởng mình biết nhiều thực ra ông chẳng biết bao nhiêu. Ông phô trương lòng can đảm và sự điềm tĩnh, theo lời khuyên của ông Olivier. Những thắng lợi mà ông đạt được trên kẻ thù, thực ra chỉ là những sự tàn bạo giết quân Tây Sơn một cách chớp nhoáng, mà ít tốn máu quân của ông, nhờ đại bác do người Pháp điều khiển. Tôi nghe những người thấy tận mắt đồn rằng trận lớn nhất không mất quá 5 phút đánh nhau, bởi khi quân địch bắt đầu tan rã thì sự tàn sát trở thành khủng khiếp, không ai ngăn cản nổi; theo truyền thống Á đông, người thua để cho người thắng chém giết tha hồ mà không chống lại, phần đông vứt khí giới chạy cho nhanh, họ không biết thuật rút quân, khiến cho trận địa ở nước này trở thành nguy hiểm và đẫm máu, sau khi lâm trận hơn là lúc vào trận” (bđd, t. 93- 94).
Những điều hoang tưởng trên đây, chứng tỏ sĩ quan kỵ binh Ste-Croix khinh miệt và căm thù người Á Châu. Tiếc rằng sử gia Maybon không có một lời chú thích nào về những sự loạn ngôn này. Ste- Croix viết tiếp:
“Ta có thể nói rằng: trong nước này chỉ mình ông [Gia Long] là giầu, trong khi tất cả các dân tộc dưới sự cai trị của ông đều cực kỳ đói khổ, vì bị các quan nhỏ sách nhiễu chưa từng thấy, rồi quan nhỏ lại bị quan lớn cướp bóc sách nhiễu, và sau cùng nhà vua chém đầu bọn quan lớn để chiếm hữu tiền bạc của cải mà họ đã kiếm chác bất hợp pháp. Những cuộc hành hình xẩy ra luôn luôn, và người ta vẫn làm. Hình như ăn cắp là tính thiên bẩm của tất cả các dân tộc Á Châu, đặc biệt người Tầu và người Việt “(bđd, t. 94).
“Người ta quả quyết rằng nhà vua có nhiều kho tàng lớn lao, chôn giấu nhiều vàng thoi. Ông thích dùng tiền mặt, trả lương các quan bằng tiền đồng kẽm, lấy ở kho tàng, mà không bao giờ trả bằng bạc. Những quan người Âu được trả 150 quan một tháng để chi tiêu trong nhà, cho vợ hay người hầu, hay lính hầu rất đông ở các nhà quan” (bđd, t. 94-95).
“Để biết rõ hơn sự hà tiện của vua nước Nam, tôi [Ste-Croix] phải kể ra đây hai chuyện mà ai cũng biết:
Ông hoàng theo lối Tầu này có tiền đồng, đúc bằng đồng ròng, để mua đồ và trả lương lính, nhưng ông bỏ casin [không rõ là chất gì] vào, làm cho nó dễ vỡ như thủy tinh, với cách làm gian lận này ông kiếm chác vô kể [Có lẽ Ste-Croix nhầm tiền đồng với tiền kẽm].
Ông hoàng đầy quyền lực và giầu có này cho người đầu bếp một nửa đồng tiền mỗi ngày để đi chợ. Gã đầu bếp đi chợ với lính, vơ tất cả những thứ mà hắn muốn, không trả tiền, bọn lính cũng làm y như vậy, những người bán hàng không dám than phiền gì cả. Tóm lại, bàn ăn của nhà vua đầy các thứ cao lương mỹ vị mà toàn đồ ăn cướp của dân” (bđd, t. 95-96).
Miễn phê bình. Những “thông tin”: vua trả lương người Âu bằng tiền kẽm và trả một cách “bóc lột” sẽ được Taboulet chép lại. Còn chuyện vua Gia Long sai đầu bếp đi ăn cắp ở chợ, thì có lẽ các sử gia Pháp hơi ngượng nên không thấy họ phổ biến.
Đến đây chúng ta có thể hiểu tại sao sử gia Maybon cho in bài Introduction của Ste-Croix. Bởi ông cần dựa vào những thông tin thất thiệt này để xác định “công trạng” của Bá Đa Lộc và những người Pháp giúp Gia Long.
Bài Introduction của Ste-Croix, khi còn ở trong kho lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp cùng với Ký sự Bissachère, đã được những người như Trương Vĩnh Ký sử dụng trong Cours d’histoire annamite (Giáo trình lịch sử An Nam), 1875, Alexis Faure trong cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine évêque d’Adran (Đức Giám Mục Bá Đa Lộc), 1891, Louis Eugène Louvet trong cuốn La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở Nam Kỳ), 1885, Silvestre, trong Politique Française dans L’Indochine (Chính trị Pháp tại Đông Dương), Annales de l’Ecole des Sciences Politiques, 1896, Charles Gosselin trong cuốn L’Empire d’Annam (Đế Quốc An Nam), 1904… Nó là nguồn gốc hai huyền thoại: Bá Đa Lộc là đệ nhất công thần và Puymanel, Dayot là thủy tổ nền binh bị và xây dựng thành quách tại Việt Nam.
Khi Maybon viết cuốn Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)), ông đã khảo sát nhiều tài liệu Âu-Việt (Barrow, Montyon, Thực Lục, Liệt Truyện…) đều không thấy ai nói đến những “công trạng” này, nên ông phải cho in Ste-Croix và Bissachère, để chứng minh những điều ông đưa ra, đã được những người đi trước viết cách đấy hơn một thế kỷ.
Để kết luận, xin tóm tắt hai điều về Ste-Croix:
– Ste-Croix, vì lầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh cho nên đã cho Bá Đa Lộc là thầy dạy vua Gia Long, là người “cầm đầu” trong triều, được ngồi ngang hàng với vua, được vua nể sợ, bảo sao vua nghe vậy. Faure sẽ dựa vào “chân dung” này để mô tả Bá Đa Lộc như một Richelieu đầy quyền năng bên cạnh Gia Long.
– Ste-Croix – dựa vào lời kể của Dayot, một kẻ bị Gia Long kết tội phải chạy trốn, để bôi nhọ Gia Long và đưa ra những thông tin tự đề cao, biến Dayot thành nhà lãnh đạo thủy quân, cùng với Puymanel, trở thành những nhà sáng lập các ngành đúc súng, đóng tầu, xây dựng tất cả thành đài Vauban ở Việt Nam.
T.K.
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Alexis Faure và Aubaret
Xem các kỳ trước:
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-2/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html