Inrasara
NGUYỄN TÔN HIỆT
Làm thơ (và chủ trương “THƠ THỰC HIỆN”) và viết văn (tuỳ bút, nhận định, luận chiến…). Có nhiều bài đăng trên Tiền Vệ và Talawas
Đã xuất bản:
[cùng 22 tác giả khác] trong Khoan cắt bê tông, NXB Giấy Vụn, Sài Gòn, 2005
[cùng 46 tác giả khác] trong Có jì dùng jì – có nấy dùng nấy, NXB Giấy Vụn, Sài Gòn, 2007
[cùng 68 tác giả khác] trong Tuyển Tập Tiền Vệ I, NXB Tiền Vệ, Sydney, 2007
[tập thơ] Thơ Thực Hiện & những bài thơ khác, NXB Giấy Vụn, Sài Gòn, 2009.
Thơ tuyển
Giải hoặc
Thơ: cái gì lơ lửng
Diễn văn của nhà thơ
Quán tính
Trăm năm trong cõi | Người ta
Chỗ nào khô thì ngủ qua đêm
THỰC HIỆN THƠ VỚI NGUYỄN TÔN HIỆT
Anh đã thử bao nhiêu loại thơ. Từ thơ “diễn văn” đầy đủ kính thưa với trân trọng cám ơn đến thơ “từ điển” cập nhật các mục từ mới với lối định nghĩa chói tai, lạ lẫm; thơ khai lí lịch không giống ai đến thơ động tác. Để diễn tả nỗi tạp nham, hỗn độn của thế giới. Của cõi người ta. Của lúc nhúc sinh phận trăm năm xẹt qua khoảng bao la vũ trụ.
Trăm năm trong cõi
Ải. Ấp. Bãi biển. Bãi tha ma. Bè. Bến. Bến đò. Bến phà. Bến tàu. Bến xe. Bệnh viện. Biệt phòng. Biệt phủ. Biệt thự. Bờ. Bờ biển. Bờ sông. Buồng. Buồng giam. Buồng giam chung. Buồng hợp cẩn. Buồng tra tấn. Cầu tiêu. Chánh điện. Chợ. Chợ chồm hổm. Chợ phiên. Chốn. Chõng. Chùa. Chuồng cọp. Công viên. Cống. Dinh thự. Doanh trại. Đất nước. Địa chỉ. Địa điểm. Địa phương. Đình. Đô thị. Đồi. Đồn. Đường. Ga. Gác xép…
Người ta
Á hậu. Bí thư. Bí thư chi bộ. Bí thư chi uỷ. Bí thư đảng bộ. Bí thư đảng uỷ. Bí thư huyện uỷ. Bí thư thành uỷ. Bí thư tỉnh bộ. Bí thư tỉnh uỷ. Bí thư trung ương đảng. Bí thư xã uỷ. Bộ trưởng. Binh nhì. Ca sĩ. Cảnh sát. Chị gánh nước. Chủ tịch. Chủ tịch nhà nước. Chủ tịch quốc hội… Dân biểu. Dân đen. Đại biểu quốc hội. Đại tá. Đại tướng. Đại uý. Đầy tớ. Điêu khắc gia. Đội hành quyết. Đội tra tấn. Em bé. Gác dan. Gái bán trinh. Gái điếm. Gái nhảy. Giám đốc. Giám mục. Gián điệp. Giáo sư. Hạ sĩ. Hành khất…
Thế giới hỗn mang, cả thơ nữa, cũng là một thực thể hỗn độn trong nỗi hỗn đôn của cõi người. Vậy, thơ là gì? Đâu là thơ ca như là thơ ca? Thơ hình thành từ thuở có con người, và chắc chắn nó chỉ bị triệt tiêu đồng lúc với sự biến mất của loài người. Từ xa xưa lắm, Đông sang Tây, Âu hay Á, bao nhiêu tư tưởng gia cùng các nhà đủ loại nhà thử tìm cách định nghĩa thơ nhưng, bao giờ cũng bất lực và dừng lại trước bí ẩn của thơ. Thế hệ đi tới tiếp tục thử sức nữa. Voltaire: Thơ là hùng biện du dương, qua Musset: Thơ là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình, đến Mallarmé: Thơ là sự biểu lộ ý nghĩa bí huyền của cuộc sống,… hay mới đây tại Việt Nam: Thơ là rác thải của con người. Khi người ta tưởng mình sắp chộp được ý nghĩa của thơ, thơ vuột khỏi tay lúc nào không biết. Chế Lan Viên: Thơ là gì? Thơ là thơ lơ mơ…
Nguyễn Tôn Hiệt cũng đã thử sức, kiểu mình. Tại sao không?
Có cái gì lơ lửng giữa tôi và trang giấy
Tôi cố gắng chép nó xuống.
Giữa tôi
và trang giấy
có cái gì lơ lửng.
Tôi cố gắng chép nó xuống.
Tôi cái gì lơ lửng trang giấy
(cố gắng chép) (xuống)
Tại sao tôi phải làm thế?
Tại sao tôi phải cố gắng chép xuống cái gì lơ lửng giữa tôi và trang giấy?
Tại sao tôi không viết tôi thẳng xuống trang giấy?
(như phun một bãi nước miếng từ miệng tôi thẳng xuống trang giấy)
Tôi phun mạnh một bãi nước miếng xuống trang giấy.
Bãi nước miếng bay ra khỏi miệng tôi và rơi xuống trang giấy.
Bãi nước miếng bay ra khỏi miệng tôi
lơ lửng giữa tôi và trang giấy nhanh hơn một chớp mắt
rồi rơi xuống trang giấy.
Miệng tôi —————-> bãi nước miếng —————-> trang giấy
Nhưng vô ích – mọi định nghĩa, thơ và cách làm thơ! “Ý nghĩa của việc LÀM THƠ đã bị ngộ nhận trầm trọng suốt bao nhiêu thế kỷ. Chữ LÀM bị ngộ nhận trầm trọng. Chữ THƠ bị ngộ nhận trầm trọng”. Vậy, phải làm sao?
Thuyết thì đã có thầy thuyết, luận đã có thầy luận, luật đã có thầy luật – như thiền sư ngộ đạo -, anh quyết hành động, thực hiện thơ.
Làm mới, cách tân thơ luôn là ám ảnh của người làm thơ Việt, ít ra là từ sau Thơ Mới. Nhân văn – Giai phẩm và nhóm Sáng Tạo từng đòi chôn Thơ Mới. Chôn để làm thơ kiểu khác – mới hơn và khác đi. Còn mới như thế nào, ngay cả họ cũng không biết được. Mở cửa, nhà thơ Hoàng Hưng cũng đã nói đến “đổi gác” thơ Việt. Đổi gác này nhấn vào thay phiên thế hệ; với hi vọng thế hệ khác sẽ bật ra giọng thơ khác. Những năm cuối thế kỉ trước, ở hải ngoại, tạp chí Thơ, qua châm ngôn “Thà làm thơ mới dở hơn là làm thơ cũ hay”, đã lôi kéo mấy chục nhà thơ vào cuộc. Đổi mới, làm mới, cách tân cùng các hạn từ tương cận xuất hiện, ngày càng dày đặc hơn, cấp tập hơn, từ đầu thiên niên kỉ mới. Nhóm Ngựa Trời và các nhà thơ đơn lẻ nhất là cánh trẻ tự tin tuyên bố [có khi khá sốc], trong cuộc trả lời phỏng vấn hay trực tiếp qua sáng tác phẩm. Nhóm Mở Miệng xuất hiện có quan điểm khác nữa: “Chúng tôi không làm thơ”. Ở đây, không dừng lại ở làm khác mang tính thủ pháp, làm mới một/ một vài thành tố của bài thơ để mở rộng biên độ thơ như nó từng có mà, bật lên sự nhấn ở ý hướng thay đổi thơ mang tính mĩ học. Họ ý đồ định nghĩa lại thơ, cách làm thơ và cả cách đọc thơ. Đó là thứ nghệ thuật “gắn liền với các ý niệm & hành vi”.
Tuyên bố, và họ theo đuổi tinh thần tuyên bố đó. Còn họ làm hay hay dở, để lại dấu ấn gì trong tiến trình thơ ca không, là chuyện khác. Bởi, có quan điểm không chịu đặt trên nền tảng lí tính nào cả mà chỉ là vài tùy hứng phát ngôn. Có tuyên bố được tuyên xong rồi bỏ đó, rồi thôi, rồi nghỉ. Có tuyên ngôn nhờ miệng [hay tay] người khác tuyên. Tuyên ngôn tuyên một đằng làm một nẻo. Mọi mọi tuyên bố trong khí quyển văn chương Việt Nam đầy nhốn nháo đã khiến người đọc ngán ngẫm. Và hết tin tưởng thơ và người làm thơ.
Tuyên ngôn về THƠ THỰC HIỆN của Nguyễn Tôn Hiệt mở mắt chào đời tháng 5-2005, rơi tõm vào vòng xoáy cạnh tranh của tuyên ngôn các loại. Nó không gây rềnh rang, ồn ào như bao tuyên ngôn trước đó, nhưng với tôi, nó rất lạ!
LÀM THƠ là thực hiện thơ, là hành động thơ (hành thi)
Thơ là hành động, người thiên hạ đã từng nói rồi. Từ vụ thơ ru em đến thơ triết lí, thơ khiến cô tiểu thư rơi nước mắt đến thơ “làm đòn xoay chế độ” hay thơ khả năng đẩy “2000 người xuống đồng bằng/ Chỉ một đêm còn sống sót có 30” (Chế Lan Viên), tất cả chúng đều hành động, theo nghĩa rộng nhất của từ. Mới ở đây là cách anh tuyên ngôn. Đang nghiêm trọng to tát “hành đạo”, “hành thi”, “tác thi bản”, “Huệ Khả”, “Đạt Ma”,… anh chen ngang hoặc lèn độn vào các câu phụ chú quá ư tếu táo và nhếch nhác:
[Có lần, bạn tôi nói: “Bánh tráng, bánh bèo thì ăn no được,
chứ một mớ chữ trên giấy thì làm cái chó gì!”]
[Bài thơ nằm trên mặt giấy như một con mèo no bụng đang say ngủ;
ngoài kia, bầy trẻ con đang bới rác để kiếm miếng ăn.]
Nhếch nhác và lếu láo đến buồn cười. Đến không ra thể thống một tuyên ngôn, như ta thường hình dung về nó: hùng hồn và long trọng. Nhưng nó vẫn cứ là tuyên ngôn, một thứ tuyên ngôn phản tuyên ngôn anti-manifesto. Đây là một thủ pháp hậu hiện đại, bỡn cợt, châm chọc với chính sự hùng hồn, trịnh trọng của mình. Tuyên ngôn đồng lúc phá hủy chính tinh thần của tuyên ngôn. Tuyên ngôn như thế, trên thế giới, là vụ đầu tiên.
Thế nào đi nữa, Nguyễn Tôn Hiệt vẫn cứ “thực hiện” tuyên ngôn đó:
[LÀM đi! LÀM ngay đi!
Viết mãi, đọc mãi những mớ chữ ấy thì sẽ ra cái chó gì!]
Thi sĩ làm đã đành, anh còn thúc người xung quanh làm. Và sự làm ở đây là rất cụ thể và đầy chất kĩ thuật. Kĩ thuật thực hiện thơ như thế, ở Việt Nam, là ca đầu tiên. Như thể thôi còn thơ hô hào thiên hạ biểu tình mà, nhấn vào phương thức tổ chức biểu tình sao cho hiệu quả. Và hứa hẹn hiệu quả ngay tức thì. Ghê quá đi mất!
Bài “Giải hoặc” chẳng hạn. Từ “Chuẩn bị đầy đủ các vật liệu: một mặt phẳng trắng (bức tường trắng, khung vải trắng…), ba lon sơn (đỏ, vàng, trắng), và ba chiếc cọ vẽ” cho đến dọn tư thế và tâm thế (tránh tạp cảm, tạp niệm) lẫn cách thức làm. Tuần tự nhi tiến, để sẵn sàng hoát ngộ ở công đoạn cuối cùng:
Sau khi màu trắng hoàn toàn phủ lên màu vàng, bạn lau nước mắt và mỉm cười
hoặc cười lớn tiếng (tuỳ tính khí).
Tất nhiên bạn vẫn còn tổ quốc, nhưng bạn không còn biểu tượng nào để rơi nước mắt, cho đến khi có một là cờ khác…
Chừng đó thôi chưa đủ, Nguyễn Tôn Hiệt còn dụ mọi người bằng chú thích rất khuyến mãi bột ngọt Vedan nữa:
Sau khi đọc xong, độc giả có thể THỰC HIỆN THƠ một mình nhưng tốt nhất nên rủ láng giềng cùng THỰC HIỆN.
Nếu tất cả người Việt Nam ở quốc nội và trên toàn thế giới cùng THỰC HIỆN “Giải hoặc”, thì THƠ sẽ tràn dâng khắp nơi, và nước Việt Nam sẽ xứng đáng được gọi là Nước Thơ, không còn điều gì đáng nghi hoặc.
Chẳng kém cạnh:
Với Tide giặt trắng tuyệt vời
Áo quần nhơ bẩn tức thời sạch ngay
Thế nhưng, chớ mắc lỡm mấy hứa hẹn ngon ăn này. Mọi bài thơ của Nguyễn Tôn Hiệt là thơ thực hiện. Từ “Thơ thực hiện phương trình”, “Phương pháp đón năm mới” đầy dáng dấp kĩ thuật đến bài thơ có vẻ thơ nhất: “Đứa con của cơn hảo mộng”, chúng vẫn là thực hiện thơ. Chớ có tin vào nỗi “thực hiện” này, bởi cái chất châm biếm, mỉa mai có mặt xuyên suốt thơ thực hiện của Nguyễn Tôn Hiệt. Vừa bàng bạc vừa lồ lộ. Nó đề nghị, nó kêu gọi, hô hào thực hiện mà nó chẳng lấy chút xíu nào tin tưởng vào đề nghị, kêu gọi, hô hào đó. Nó còn cười vào mũi chúng nữa. Bởi nó biết chắc sẽ không có ma nào xuống đường biểu tình hay cởi truồng lăn tròn lên tấm vải trắng kia. Ngay tác giả đẻ ra nó cũng chẳng buồn thực hiện nữa là. Thơ thực hiện lại chính là bài thơ phản-thực hiện. Phản-thực hiện, bài thơ bị ném trả lại trang giấy đầy mỉa mai, chua chát – ironic. Để rốt cùng nó trở lại là một văn bản thuần túy, như nó vốn là.
Và mời gọi mọi diễn ngôn khả thể.
Sài Gòn, 12-1-2009