Nguyễn Đức Tùng
Niềm vui thú, tính chính xác, khả năng phản ảnh, và năng lực tưởng tượng, những phẩm chất quan trọng của thơ ca, bắt đầu tìm thấy đại diện của mình trong những bài thơ của nhiều tác giả được công bố trên Văn Việt, đều đặn, hai năm qua.
Chúng ta nói bắt đầu, không chỉ vì khiêm tốn, mà vì quả thật tất cả mới là bắt đầu. Chính vì thế, đường còn dài. Thách thức và sự hấp dẫn, cùng lúc, chờ đợi các nhà thơ và người đọc trong tương lai. Các giọng điệu khác nhau tạo nên sân khấu đa nguyên chỉ có lợi cho người đọc và cho sự phát triển của thơ ca. Những thế hệ khác nhau, xuất xứ khác nhau, quan điểm chính trị có thể khác nhau, và tất nhiên bút pháp khác nhau. Chúng ta vui mừng thấy sự tham dự đến từ nhiều vùng địa lý và lịch sử, Nam và Bắc, trong nước và ngoài nước, sự tham dự ngày càng đông đảo của những người viết đã lâu và những người mới viết, từ Trần Mộng Tú, Hoàng Vũ Thuật, Lê Thị Huệ, Thế Dũng đến Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lưu Mê Lan, Trang Thanh, Lưu Diệu Vân, từ Luân Hoán, Nhật Chiêu, Inrasara, Vương Ngọc Minh đến Trần Tuấn, Lê Đình Nhất Lang, Ngô Liêm Khoan, Hà Duy Phương, từ Nguyễn Duy, Đỗ Quyên, Hoàng Xuân Sơn, Lê Hoài Nguyên đến Hường Thanh, Mai Quỳnh Nam, Hồ Minh Tâm, Như Quỳnh De Prelle, hãy tạm kể vài người, vì không thể nào kể hết. Chúng ta chào mừng một danh sách đề cử dài cho Giải thưởng 2016, từ đó những nhà thơ sau đây đã vào chung kết: Ngu Yên, Từ Quốc Hoài, Nguyễn Hoàng Anh Thư.
Chúng ta có thể tìm thấy trong tiếng nói riêng của ba nhà thơ này, đối thoại giữa nhà thơ và người đọc, giữa các nhà thơ, những người mang đến cho người đọc và các nhà phê bình không chỉ ảnh chiếu của hiện thực mà còn những khía cạnh của tâm hồn họ. Các nhà thơ chỉ có thể sở hữu hiện thực trong chính sự vận động của nó. Không một người nào nắm giữ mọi sự thật, không một người nào có thể biết chân lý cuối cùng, đó là thông điệp của thơ ca, nếu thơ có thông điệp. Vì để nhìn thế giới ngày càng đầy đủ hơn, con người chỉ có thể nhìn nó từ nhiều phía khác nhau. Sự đối thoại và khả năng liên kết là cách duy nhất để chống lại các định kiến chia rẽ từ phía này và hoài nghi từ phía khác gây ra, chống lại tính cách chống dân tộc của các định kiến ấy.
Tính trong sáng và sự quan tâm xã hội là những đặc điểm dễ nhận thấy. Những cảm xúc cá nhân, sự thất vọng, sự phẫn nộ, niềm hy vọng, phân vân và tranh cãi, có lẽ tìm được tiếng nói trong thơ ngày nay, ít nhất ở vài tác giả. Mặc dù thơ chưa bao giờ được mùa ở đất nước ta trong bốn mươi năm qua, thậm chí có người nghĩ là nó đang lụi tàn, những người làm thơ vẫn miệt mài sáng tạo, và việc đọc thơ, phê bình, tuy khó có thể cho là đang sôi động, vẫn không hoàn toàn biến mất. Tính liên tục từ độ tuổi này sang độ tuổi khác, từ quan điểm này sang quan điểm khác, cho thấy tính kế tục của dòng chảy ngôn ngữ Việt. Đọc thơ và làm thơ chưa bao giờ là việc dễ dàng, hôm nay càng không dễ dàng. Chọn những chủ đề xứng đáng với tài năng, khuynh hướng, sở trường, là việc khó khăn nhưng thú vị đối với các nhà thơ. Các tuyển tập thơ không bao giờ có thể xem là đầy đủ và mang tính đại diện tuyệt đối. Cũng vậy, các giải thưởng.
Những người viết mới và những người viết trẻ hôm nay dần dần tìm thấy vị trí của mình, ở sau và ở trước, những thế hệ đi trước. Những bài thơ được sáng tác gần đây nhất của những nhà thơ cách tân là nhằm bảo vệ các giá trị lâu dài và phổ biến, và chống lại thói nô lệ hóa con người. Hơn lúc nào hết, câu hỏi thơ có thể làm được gì tiếp tục vang lên, trong tình cảnh của thơ ca Việt Nam bốn mươi năm qua, kỳ lạ, phân ly và hỗn tạp. Những kiến thức về lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội, lòng quan tâm đến các vấn nạn đương thời, những bi kịch cá nhân, môi trường thiên nhiên, các niềm tin tôn giáo, gia tài nhàu nát của các hệ tư tưởng lỗi thời, là chất liệu căn bản của một nhà thơ hôm nay.
Đổi mới ngôn ngữ, các cuộc nổi loạn về nghệ thuật: bất chấp sự quan trọng của những điều ấy, trong thơ vẫn dấy lên tiếng nói của lòng yêu nước, lòng yêu quê hương. Việc chọn lựa giữa một bên là khuynh hướng thuần túy nghệ thuật và một bên là khuynh hướng phục vụ con người chỉ có thể làm tăng lên chứ không làm giảm đi các giá trị nghệ thuật. Trong một loại thơ mới, và trong trường hợp thành công, người đọc có thể nghe được tiếng thì thầm của tâm hồn và tiếng động của thời đại. Sự khám phá một cái tôi mới mẻ, tiếng nói riêng, làm cho người ta phấn khích như khi nhận ra họ có thể đặt chân lên con đường mới. Đó là tinh thần chủ đạo của thơ đương thời trước những vấn nạn: khát vọng tự do, lòng can đảm, sự đàn áp và sợ hãi, hiện tượng băng hoại tâm hồn, nạn mê tín.
Cần nhận xét rằng mặc dù không hề có một gợi ý hay ràng buộc nào, các nhà thơ tự do để bày tỏ, thơ trên Văn Việt trong hai năm qua vẫn hội tụ về một mặt phẳng của ý thức làm mới nghệ thuật, ý thức tự do và ý thức công dân. Mặt phẳng hội tụ ấy đang ngày càng có khả năng dung chứa những giọng nói khác biệt, dù đó là giọng buồn hay bi kịch, giọng hài hước hay hoan ca, và những tư duy thi pháp khác biệt, lãng mạn hay hiện thực, cổ điển hay hậu hiện đại; vì vậy, nó sẽ còn sức hấp dẫn và, có thể nói, sức nuôi dưỡng lớn, đối với cái mới trong những ngày sắp tới đây.