Nguyễn Thanh Văn: Phát biểu nhận Giải Nghiên cứu Phê bình Văn Việt lần thứ Sáu

Nguyễn Thanh Văn

Ai đó có nói những người cầm bút đều mong được công nhận. Lời nói này đáng tin hơn các phát biểu cho rằng nhà văn chỉ viết cho chính mình và không cần ai hiểu, không chờ đợi sự phản hồi của ai cả. Tất nhiên sự công nhận không chỉ có nghĩa phải dưới hình thức giải thưởng.

Vậy cho tôi gửi lời cảm ơn tới bạn đọc theo dõi và chia sẻ loạt 23 kỳ bài viết (đăng trong hai năm 2019-2020, từ kỳ 16 trở đi là đăng trong năm 2020) mang tên Tản mạn văn hoá văn nghệ và… văn gừng, những người mà trong đoạn cuối cùng, tôi hạnh phúc gọi là bạn đọc yêu quý của tôi, khi cùng một lứa bên trời lận đận, phải sống, phải đọc và viết trong cơn bão đáng sợ của một cô nàng có thể có tí nhan sắc chăng, nhưng rất đáng ghét mang tên Covina.

Giải thưởng tôi được nhận là do quyết định của Chủ tịch Hội đồng Nguyên Ngọc, qua đề nghị của Thường trực Hội đồng, nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nên các bạn hiểu lý do vì sao người nhận giải – theo cách riêng của mình – thấy thêm vinh hạnh và tôi muốn hướng về nhị vị để nói một lời: I love you, both of you! Tôi tin tưởng những người quảng đại và tính hài hước chưa bị cái nghề chữ nghĩa quá trịnh trọng làm thui chột trong số các bạn, chia sẻ “lời tỏ tình” có phần bất ngờ mà tôi học lỏm được từ chương trình truyền hình The American Voice.

Tôi mạn phép xin thêm ít phút để có mấy lời liên quan đến loạt bài viết của tôi. Trong phần Văn hoá Nhật Bản, tôi đánh giá cách gọi và cách hiểu khái niệm ZEN đã đi quá xa, gây nhiễu cho người nghe, và ngờ cách giải thích về ảnh hưởng của ZEN, đặc biệt của giới thiền sư, đối với lịch sử và xã hội, nói riêng đối với văn hoá Nhật Bản – điều chắc chắn có thực – đã bị người Nhật thổi phồng và thế giới gần như nhất loạt phụ hoạ. Vâng, dù vậy, trong số bằng hữu có trao đổi trực tiếp với tác giả, lại không ai có phản ứng bất đồng hay bất bằng gì đặc biệt về nhận xét trên.

Tuy thế, các nhận định cá nhân của tôi về Phật Pháp và lịch sử Phật Giáo không phải không gây sốc với với một số người. Thực tế thì ý chính của đa số anh chị em không hẳn là phản biện, mà một lời dè dặt “Không nghĩ Phật Pháp, Phật Giáo lại phức tạp và nhiêu khê đến thế!” – một ý kiến thực khó lòng phản đối. Người viết không có ý chủ quan, táo tợn xem chủ đề tôn giáo và giáo lý là thứ trao đổi tài tử, nhằm mua vui, hay để có dịp tung hê lố thuật ngữ chưa tiêu hoá được hoặc tệ hại hơn là để gây chú ý. Nói ý này cũng để thấy câu chuyện tôi khơi ra là một câu chuyện dài, không giải quyết được trong loạt bài chừng hơn 400 trang in, tất nhiên không thể phân trần trong một phát biểu ngắn. Và tôi vẫn xem sự ngần ngại hay cả hoài nghi trước khi xác định hay phủ định một nhận định lạ hay mới liên quan những vấn đề nghiêm túc, có khía cạnh lành mạnh, rất bình thường của nó. Mà thử hỏi các bạn còn có vấn đề nào nghiêm túc hơn, khó khăn hơn, thách đố hơn và hứa hẹn “từ chết tới trọng thương” bằng lĩnh vực và các chủ đề tôn giáo!

Có liên hệ chuyện trong nhà để minh hoạ, nhưng tôi không xem Phật Giáo nhà là chủ đề chính, dù tôi đã phát biểu: với tôi, Phật Giáo Việt Nam vẫn thân thiết nhất. Cảm tình tôi dành cho Phật Giáo và Phật Pháp được ươm từ một mái chùa làng đơn sơ, dung dị của mảnh đất mang tên Việt Nam. Dù vậy, cũng không có chi mâu thuẫn khi tôi từng cẩn trọng thưa trước chỗ quan tâm của người viết là lĩnh vực Phật Pháp, không phải Phật Giáo. Có Phật Giáo Việt Nam, nhưng không có khái niệm Phật Pháp Việt Nam. Có Phật Giáo Thái Lan, nhưng không có chuyện Phật Giáo Thái Lan có riêng một nền Phật Pháp. Nên quên khái niệm “Phật Pháp xứ mềnh” và lối nói “Phật mềnh”. (Lưu ý tôi không phản đối cách nói bình thường như “chùa mình”, “thầy mình”…). Chỉ có một Đức Phật Lịch Sử mang tên Thích Ca Mâu Ni và hễ đề cập Kinh Kệ, Giáo Pháp xin tiên quyết, bắt đầu bằng “Kinh Lịch Sử” hay “Thánh Điển Lịch Sử” mang tên Nikāya (Kinh Bộ) – Agāma (A Hàm) rồi bàn tiếp! Nói thẳng thắn, không được bài bác một cách vô nguyên tắc các Kinh ngoài Kinh Bộ và A Hàm mà kinh động chư Tăng Ni và tín đồ – đấy không hề là bản ý người viết và xác định minh bạch điều tôi thực sự muốn nói: tất cả Kinh Luận lẫn các nội dung hoằng pháp của bất cứ ai, dù có tiếng là pháp chủ hay cao tăng hay thậm chí là Phật sống, đều quyết nên và phải qua bước quán chiếu, đối chiếu nội dung và tinh thần A Hàm và Kinh Bộ. Đấy là bước quyết định sự tồn tại tương thích với Chánh Pháp hay phi Phật Pháp của các trước tác sau Đức Phật mà ta quen gọi là Chư Kinh. Tôi đứng về quan điểm rằng cuộc quán chiếu tối cần thiết này sẽ đem lại chỗ đứng xứng đáng và chứng minh phần giá trị nào của Kinh Luận đời sau giữ đúng nội dung và tinh thần, bản ý của Đức Thích Ca. Mặt khác và quan trọng bằng hoặc hơn là cần trung thực, thành tâm, thành khẩn, đúng khoa học, đủ bằng chứng và logic chỉ ra chỗ sai lệch, phi chuẩn và tuỳ tiện trong trước tác và hoằng pháp đông tây kim cổ. Và dù tác giả có uy danh, uy tín thế nào và đến đâu, không nói tới gốc gác mà bàn ngang theo thứ giáo lý “lấy ngọn làm gốc”, lấy Thầy làm Phật, bàn chuyện Chấn hưng Phật Giáo mà không bàn đại sự Phục hưng Phật Pháp thì đấy là một việc vô nghĩa lý và không bao giờ có thành quả vững chắc, rốt ráo chi được!

Tôi đã lạm dụng sự kiên nhẫn của chư vị.

Trân trọng cảm ơn tất cả!

Comments are closed.