Về truyện ngắn Trương Quang
Phạm Xuân Nguyên
Truyện của Trương Quang nói về những phận người nhỏ bé, lặng lẽ, khuất lấp trong những biến động xã hội dữ dội và trong dòng chảy cuộc đời náo nhiệt. Họ, những con người nhỏ bé ấy, như ở bên lề đời, bên dòng lịch sử. Người viết đã tìm đến họ để cảm thông chia sẻ và cũng để thấy mình là họ.
Ở truyện Người đàn bà cô đơn và con chó hoang, một truyện ít nhiều có tính tự truyện về dòng họ gia đình, Trương Quang nối lại mạch quá khứ cả một dân tộc qua thân phận một người đàn bà bị bỏ rơi, quên lãng ở một nơi chốn ngoài đất nước quê hương mình dòng tộc mình. Những đồ vật ít ỏi mang hơi hướng quê nhà và con chó già chung thủy, đó là tài sản của một con người, của cả một đời người. Truyện đọc ngậm ngùi, xót thương.
Những con người nhỏ bé, khuất lấp ấy, như Tâm trong Vỉa hè và dòng sông, như người phụ nữ trong Hai con đường, họ chỉ muốn được sống cuộc sống của mình trong thanh thản và bình an, có tình yêu thương con người với nhau.
Giọng văn của Trương Quang nhẹ nhàng, sâu lắng, phù hợp với câu truyện anh viết. Đọc truyện nhờ đó thấy nhẹ nhàng mà day dứt, thấy xót xa mà trong sáng. Ở truyện Thay máu viết tưởng như nhẹ bẫng mà nặng trĩu tâm trạng sống đời người.
Chọn được câu truyện kể, nhân vật kể, và chọn được giọng điệu kể lặng lẽ và xoáy sâu, đó là thành công của Trương Quang.
Vì thế tôi bỏ phiếu cho chùm truyện ngắn của Trương Quang được Văn Việt hạng mục văn xuôi năm 2020.
Hà Nội, 22.2.2021
Trương Quang – Trò chuyện ngắn
Ngô Thị Kim Cúc thực hiện
*Là một người đã sống ở nước ngoài thời gian dài, anh có xem việc viết văn bằng tiếng Việt là một cách thức giúp mình đỡ nhớ quê hương?
– Có người cho là tôi nói và viết một thứ tiếng Việt cổ. Tôi lại còn nói giọng Huế nặng hơn cả các mệ. Nhưng tôi không viết để duy trì hay giảm đi cái gì cả. Viết chỉ cho vui thôi, không kỳ vọng bất cứ điều gì.
*Từ ngày đầu cầm bút, công việc này đã “cứu chuộc” anh thế nào?
– Tôi không phải là một văn sĩ và có lẽ sẽ không bao giờ trở thành văn sĩ. Chỉ viết cho vui chính mình. Thường là trong những cuộc đi dạo hằng ngày hay trên những chuyến xe lửa dài từ nhà đến trường. Tôi viết, nhưng không mong sẽ có ai chia sẻ cùng mình. Tôi chỉ viết cho tôi, dù tự thấy mình thật ích kỷ.
*Anh đã đọc và quan tâm tới nhà văn, tác phẩm văn chương nào, kể cả trong/ngoài nước?
– Cũng như tất cả mọi người, tôi đã đọc khá nhiều văn chương đủ loại trong đời. Nhưng chỉ có hai cuốn thực sự để lại ấn tượng sâu đậm với tôi: đó là cuốn A Farewell to Arms của Ernest Hemingway (mưa lê thê từ đầu truyện tới cuối truyện) và Doctor Zhivago của Boris Pasternak (tuyết trắng xóa phủ suốt cuốn truyện). Từ năm mười bảy tuổi, khi đọc xong hai cuốn truyện đó, tôi tự hỏi đời người (hay chính đời mình) sẽ có như vậy không; đến nay đã ở tuổi bảy lăm, đọc lại hai cuốn đó, gấp sách lại, tôi vẫn tiếp tục băn khoăn với hai câu hỏi này.
Có lúc tôi đã tin là cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng tạo ấn tượng đặc biệt đối với mình, nhưng tôi thấy đã lầm sau khi đọc lại vài lần. Truyện không lột được cái chất thật mà nhiều người đã trải qua trong chiến tranh như trường hợp của Hemingway hay Pasternak. Có lẽ do tôi không uống rượu hay hút thuốc nên không cảm nhận được hết sự tinh tế như với nhiều người.
*Truyện ngắn của anh tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng dường như lại ẩn chứa một ý tưởng khá dằn xé bên dưới, phải chăng?
– Nhà văn Mai Sơn, người bạn văn có lẽ rất hiếm hoi tôi biết ở Việt Nam đã gán cho tôi cái nhãn hiệu “misfit” (trật khớp) với cuộc đời. Ông ấy luôn luôn cho tôi cái cảm giác là tôi có cảm quan sâu sắc. Thật ra, tôi không phức tạp như thế. Tôi lại đang mon men chốn cửa Phật, nên chỉ mong nhìn thấy khuôn mặt mình thật bình thường, giản dị trong gương soi mỗi sáng thức dậy. Cho nhẹ người và nhẹ cái đầu.
*Anh có đang thai nghén tác phẩm nào?
– Tôi không có dự tính gì. Cái gì đến, sẽ đến.
Hạt bụi
Truyện Trương Quang
Car tu es poussière et tu retourneras en poussière.
(Genèse 3: 19)
Ngươi từ cát bụi mà ra thì sẽ trở về với cát bụi.
Mới hai giờ sáng ông đã tỉnh giấc. Trạng thái lơ lửng giữa trời của cơn-jetlag-năm-múi-giờ khiến ông ngơ ngác một lúc, không xác định được mình hiện đang ở đâu. Ông vừa trở về từ một nơi gọi là “quê hương bản quán”, nơi ông vẫn thỉnh thoảng về thăm các em, nhưng thường không ở lại hơn một vài tuần. Một chuyến đi của một người khuyết tật mong muốn phục hồi những cảm năng thông thường đã bị thui chột hoặc đã mất hẳn, nhưng rồi phải ra đi với tâm trạng chơi vơi như khi đến. Một người khuyết tật vì tuổi tác, vì chán ngán, không còn một chỗ nào trống trên cơ thể và đầu óc để có thể thâu nạp gì thêm được nữa.
Từ ngày về hưu, có nhiều thì giờ để suy nghiệm, ông thấy cuộc đời mình có vẻ như đã tuần hoàn theo một chu kỳ bất biến: hố thẳm-mê cung-hố thẳm (abyss-labyrinth-abyss). Nhưng chính sự biến động không ngừng của cuộc sống từ vòng mê cung (labyrinth) ngang dọc rối rắm, cho đến lúc gần từ giã cõi trần để hòa thân vào hố thẳm kỳ bí miên viễn (abyss), ông vẫn chưa thể hiểu một cách thấu đáo cuộc đời của chính mình.
Ông chua xót nhận ra mình không còn những cơn lửa háo hức, sẵn sàng đốt cháy tất cả trong tuổi thanh xuân; cũng không còn những tham vọng, ham muốn tiềm ẩn về một điều gì nữa. Ông sống bình thản như một người biết/thấy cái gì đang chờ mình ở phía trước, với những bước chân chậm rãi, chừng mực và thỉnh thoảng dừng lại bên những sự vật/sự kiện, chấp nhận chúng như những điều đương nhiên phải xảy ra, mà không hiếu kỳ hay truy cứu tìm hiểu thêm.
Ông đã tự rút mình ra khỏi cuộc sống thường ngày, tự im lặng, tránh tranh luận hay tranh cãi với bất cứ ai. Trong kiểu “xuất thế” cách riêng của mình, ông không cần phải tu tập, tịnh khẩu để nhìn vào bên trong, tìm hiểu sâu xa hơn về “cái tôi” của mình (những câu tự vấn, đại loại như: “Tôi là ai? Tại sao tôi sống? Vị trí của tôi trong thế giới này là gì?”). Ông sợ phải dùng lương tâm chân thật, soi chiếu từng ngóc ngách thâm u, xé toang cái vỏ bọc dối trá, giả đạo đức đã giúp ông giấu mình suốt cuộc đời để có thể tồn tại. Ông thật sự không cần “ngộ”, một trạng thái nhận thức viển vông, thời thượng và thậm vô nghĩa, nhưng ông không biết làm gì khác hơn. Có điều, ông biết là không thể tự giết mình bằng cách giấu mình sau sự việc, mà phải trực diện đương đầu vói số phận, tạo ra một cú va chạm đổ vỡ cần thíết, dù có thể chết tức khắc, hay hấp hối mòn mỏi. Ông đã bị tước đoạt 28 năm thanh xuân nhất của một đời người, như một tấm màng trinh tiết rách toang, không thể hồi phục và thương tiếc. Tất cả đã thực sự quá trễ tràng đối với ông. Ông như một thân cây khô cành lá, rục muỗng từ bên trong.
Nếu cuộc đời cũng giống như một khế ưóc việc làm, thì ông sẽ không xin gia hạn thêm một ngày nào nữa, nếu đuợc hỏi. Ông đã thực sự về hưu, đã trải nghiệm vô số những điều có thể cân, đếm, để xét định tốt hay xấu. Những chuyện thành công, thành đạt hay thành nhân không còn ý nghĩa gì nữa, và ông cũng chẳng có một ước nguyện cá nhân bình thường nào thêm.
Lần cuối ông trở về lạy trước bàn thờ gia tiên, ông không đứng yên lặng chờ cho hết tuần nhang, rồi nói vài ba câu đãi bôi qua chén trà ướp bông sói với người trưởng tộc. Khi bước qua khung cửa ra sân trước, ông có cảm giác như mình đã trở thành một người lạ, không còn chút gắn bó nào với mảnh đất ông đã được sinh ra. Giây phút ông chào đời có thể là điểm khởi đầu, mở ra số phận bản lề cho ông và nhiều đồng hương khác: phía trước thì hỗn mang tao loạn; phía sau thì hoang tàn đổ nát; không còn nơi chốn nào lành lặn và bình yên để trở về. Nhiều bạn bè đương thời với ông thường cảm thán “sống cũng như đã chết rồi” (sic), khiến ông đôi khi cũng tự hỏi: mình đã “mất” quê hương chưa?
Không. Dĩ nhiên là ông chưa bao giờ “mất” Quê Hương. Dải đất èo uột, nơi ông sinh ra, nối hai đầu của một Đất Nước, đầy ắp chuyện thần tiên thi vị và truyền thuyết lãng mạn, nhưng đã phải hứng chịu quá nhiều tai ương sau những bước chân tàn bạo của những đợt Nam tiến (nới rộng “không gian sinh tồn”) và những cuộc tàn diệt không thương tiếc của chính đồng hương và đồng bào của ông.
Trong những ngày trở về đó, ông chưa bao giờ có cảm giác mình thực sự đặt chân xuống đất, để một phần của bàn chân lún trong đất sét nhão ở mảnh sân luôn ướt át phía sau căn nhà gỗ đơn sơ, là nơi thờ tự của dòng họ ông ở Huế. Đấy cũng là nơi mẹ ông đã dùng tay cào/đào một cái hố nhỏ để chôn cái cuống rốn đầu đời của ông, rồi vội vã thuê người gánh đứa con vừa sinh ở một đầu thúng và một ít đồ đạc lỉnh kỉnh ở một đầu khác của chiếc đòn gánh, tay dắt díu hai con gái kịp theo dòng người tản cư “lên núi”, đáp lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến đầu năm 1946.
Bây giờ từ trên không nhìn xuống trên chuyến bay “trở về nhà”, dải đất nơi ông sinh trưởng teo tóp lại như tấm lưng còng còm cõi của một người đàn bà già nua, đang biến dạng, nham nhở, trần trụi, xanh xao, như thiếu dưỡng khí để thở và tồn tại. Quê hương ông không chối từ ông, nhưng đon giản là không còn chỗ nào cho ông giữa đám đông chen chúc, hiếu động, luôn tìm chiến thắng, tự mãn về chiến thắng và sống vì chiến thắng, Cái đám đông như đụn đất mối đùn lên đó đã trở thành những kẻ lạ lẫm, với những cái nhìn và cư xử đối với tha nhân rất khác biệt với ông: đậm tính vị kỷ, giảo hoạt, gian manh, vô cảm, hãnh tiến và bạo liệt với thiên nhiên (rừng núi, sông biển, muôn thú, đất đai, cây cỏ) và con người (đồng loại, đồng bào, đồng hương, đồng cảnh). Ông có thể đã từng chia sẻ một số phận chung, nhưng không thể đồng cảm với họ, vì từ lâu ông không còn hít thở chung một bầu không khí, uống cùng một nguồn nước và từng chia một ưóc mơ tuổi thơ dưới một bầu trời đêm bao la lấp lánh sao sa trên đỉnh đèo Hải Vân, ở lằn ranh giữa nơi ông sinh ra và nơi ông lớn lên.
Ông tự thấy mình đã không công bằng và thật sự vô ơn với đất nước và cộng đồng đã cưu mang ông và gia đình trong suốt gần năm mươi năm thanh bình và chan hòa nhân ái. Ông xấu hổ chưa một lần có đủ tự tin để treo lá cờ của xứ sở khoan dung đó trước cửa nhà, vào những dịp lễ lạc, như láng giềng trong xóm. Nửa thế kỷ không phải là một khoảng thời gian ngắn để có thể lưu giữ toàn bộ hoài niệm (như những trang giấy đã được nén chặt, đóng gói vả đông đá) hay duy trì chiếc áo-dài-khăn-đóng, bữa cơm-ba-món với chén nước-mắm-pha-tỏi-ớt và thói gia-trưởng-Khổng-giáo-thấm-đẫm-trong-máu của ngưòi Việt, trong nhiều ngàn năm bị che khuất ánh mặt trời. Thật ra, ông chỉ song hành, mà không đồng hành với quê hương của chính mình.
Chính sự nhận thức (hay cảm giác) đã “tự đánh mất mình” khiến ông tê tái, đau xót. Ông không muốn tham dự một đám tang nào, vì nếu có mặt ông thường tự đặt mình vào vị trí của người nằm trong quan tài. Chính sự so sánh này cuối cùng cũng trở nên vô ích, vì tất cả rồi cũng sẽ tiêu tán trong lòng đất, trong lò thiêu nóng hay trong dung dịch hóa học. Mọi sự rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, như một qui luật tự nhiên hay một khẳng định tôn giáo.
Trong tình trạng tinh thần bất an dai dẳng, cuộc từ biệt sáng nay của một người bạn của vợ mà ông không quen biết và những gì xảy ra trong cái đám tang lạ lùng ấy, khiến ông càng thêm bối rối và nghi ngờ về khả năng suy luận của bản thân để có thể lý giải cuộc đời ông đã sống qua hay đã tình cờ chia sẻ. Như một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, ông đã lắng nghe, thu tập tin tức, xếp loại thành nhóm, gắn kết lại với nhau để hiểu chuyện thêm, nhưng ông dừng lại ở mức đó, không phân tích, phê phán, luận tội như một dự thẩm hay quan tòa. Một số người dự buổi đám tang hôm nay hiểu rõ ngọn ngành, nguyên nhân và hậu quả thê thảm xuyên suốt cuộc-đời-hơn-nửa-thế-kỷ của xác chết đang nằm im lìm trong cái quan tài kia. Cô gái/người đàn bà bạc mệnh đó đã bất ngờ hứng một mũi dao đâm xuyên suốt qua nơi đáng được che giấu, bảo trọng, khiến cô tê liệt từ đỉnh đầu đến gót chân, vào tuổi còn trẻ, rất trẻ của mình.
Đã một đôi lần người con gái/đàn bà đó đã thử chấm dứt cuộc đời lê thê phải gánh cái vết thương xé-thịt-da đó, nhưng khung cửa hẹp dẫn đến thiên đàng/địa ngục đã từ chối không tiếp nhận chị. Đất nước của chị dù không chịu thêm một bất cứ một cuộc nội chiến hay bất cứ một cuộc diệt chủng nào kể từ sau thế chiến thứ hai chấm dứt, luôn đem tấm lòng và của cải chia sẻ với cả thế giới nghèo đói và đủ loại tai ương khác, nhưng đã để sót một công dân như chị. Trong hơn năm mươi năm hiện hữu, chị đã phải tự kham nỗi oan khiên bám sát ngày tháng, như những vạch máu tươi rơi rớt trên mỗi bước chân của mình.
Chị cũng đã có lần thành hôn, nhưng cố gắng sống một cuộc đời bình thường không kéo dài được lâu, vì chỉ có chị, là nạn nhân của nỗi oan khiên đó, mới có thể nuốt được những bất hạnh, uẩn khúc của số phận dành riêng cá nhân chị. Người đàn ông thì không, mặc dù đã để lại cho chị ba người con gái.
Cuộc thử nghiệm thứ hai với một người nghiện rượu, chị đã tình cờ gặp ở quán rượu trong một đêm lang thang cuối năm, đã nâng liều thuốc trị-liệu-quên-lãng lên một chai Vodka và vài gam cocaine mỗi ngày. Căn nhà họ ở luôn luôn đóng kín màn, rất nhiều ngày láng giềng không thấy động tĩnh, khi hai vợ chồng “no say” tổng hợp rượu/ma tuý. Đấy cũng là lúc nhan sắc của chị không còn đủ hấp dẫn người khác nữa. Mái tóc vàng mượt mà đã trở nên khô khốc, rời rạc như râu bắp trong nắng hanh và đôi mắt xanh trong như mắt mèo thời con gái đã trở thành trắng dã như mắt cá chết. Người chồng đầy bệnh tật và nghiện ngập đã rời bỏ chị, đi tìm một nguồn phủ lấp khác và đã tự nguyện rời bỏ cuộc đời không lâu sau đó. Chị cũng cần được phủ lấp vì ngày tháng quá lê thê và đầy những hố sâu thăm thẳm giăng chờ trước mặt, nhưng chị không còn sức để theo chuyến xe buýt lên thành phố bên cạnh tìm mua những tép cocaine nhỏ bé để dứt cơn và cũng không còn tiền để mua những chai rượu mạnh giúp chị đạt ảo giác tột đỉnh hưng phấn. Cuối cùng chỉ đã mon men tìm về nơi chị đã đau đớn trốn đi.
Trong cuộc hành trình đạp lên chính những giọt máu thanh xuân của mình để tiến về phía trước, chị đã thử đủ thứ giải pháp trên đời (những cuộc chạy điện, phân tích tâm lý, quan sát cách ly và những liều lượng thuốc ngủ mạnh và thường xuyên), để có thể trục cái khoảnh khắc đau đớn, chua xót cùng cực đó ra khỏi tâm trí trong một phút chốc, một giờ, một ngày, nhưng suốt cuộc đời thì không thể.
Lần cuối cùng gặp chị khi vợ chồng ông đang ngồi chờ ở trạm xe buýt ở đầu làng. Chị xuất hiện phía bên kia đường, như một vật thể lạ bước ra từ một nền đen mơ hồ bao phủ sau lưng. Người đàn bà chậm rãi di chuyển qua một quãng không gian ngắn, nặng nề như những bước chân của phi hành gia thám hiểm mặt trăng. Nỗi oan khiên không gia giảm như những tảng đá ngàn cân luôn giữ chân chị nhích về phía trước, kể từ cái ngày tiền định đó. Sự trong trắng của đời con gái, tràn đầy mơ ước, lòng hiếu kỳ và khao khát sống đã bị chiếm đoạt bởi chính người cha ruột, đã vinh viễn khắc cốt một số phận khốn cùng lên cuộc đời người con gái duy nhất của chính mình. Một cuộc đời khốn nạn, chết tiệt.
Damn life.
Now I’m reliving my whole damn life
And it’s a shame that I can’t remember
And now I’m living the same damn lie
It’s a shame, but nothing’s forever
(Seether, Same Damn Life)
Vào đầu năm nay, như có ai mang chị đến trình thượng đế về một trường hợp đã bị bỏ quên, cánh cửa hẹp đã mở ra đón chị. Trong một buổi chiều ghé thăm cô con gái đầu lòng, chị đã ngã xuống khi vừa bước qua cửa. Có thể chị rời cõi đời vì thiếu rượu và ma túy đã giúp chị tạm thời quên nỗi oan-khiên-50-năm, nhưng đơn giản là trái tim khô héo, mệt mỏi của chị, cuối cùng đã nói không, từ chối tiếp tục nhiệm vụ bơm máu và ngừng đập. Một cuộc trở về tự nhiên và tự nguyện toàn hảo, tuy có hơi muộn màng.
Bây giờ nạn nhân của cuộc cưỡng đoạt trinh tiết đang nằm xuôi tay, rũ bỏ vĩnh viễn tất cả những đau đớn và phiền muộn như một thứ rác rưởi hôi hám đã đeo bám thân xác và tâm thần của cô trong suốt nửa thế kỷ, chấm dứt một số phận oan khiên trong một chiếc quan tài gỗ tạp sơn trắng, phủ những đóa hoa tươi trắng muốt, biểu tưọng của thiên thần vô tư trong sáng. Và con người đã đang tâm tước đoạt cái quý giá nhất của chính con gái mình thì vẫn sống an lành và đang tỉ tê thảm thiết với hai mắt ráo hoảnh, kệch cỡm, bên cạnh thi thể của nạn nhân. Một thứ bi kịch toàn hảo. Một “cold case” được chôn vùi trong hơn 50 năm; gần bằng cuộc sống của ông ở xứ sở này.
Nguời con gái/đàn bà nạn nhân chỉ tồn tại một cách vô thức, nhưng chưa bao giờ thực sự hiện hữu trong cuộc-đời-hơn-50-năm của mình. Ông muốn nổi điên về ý nghĩ đó.
Một chiếc bàn tròn rộng khoảng một thước, có chân cao tới tận ngực của một người trung bình, đặt ở phía tay phải của chiếc quan tài, được dành riêng cho bạn bè của người chết. Nhiều người đàn bà cùng tuổi trên 60 tập hợp ở đó, tay tì lên mặt bàn, bên cạnh những tách cà-phê còn bốc khói và những chiếc bánh qui giòn. Họ yên lặng nhìn sang phía bên kia của chiếc quan tài, nơi các con, rể và cháu của người chết đang ngồi. Thỉnh thoảng có người nhìn nhanh sang phía đối diện của quan tài, nơi có hàng ghế dành cho cha mẹ người chết, với ánh mắt sắc biểu lộ thù ghét, ghê tởm không che giấu. Người cha tuổi đã ngoài 80, ngồi cạnh một người cùng tuổi, đầu hơi cúi xuống tựa trên cây nạng trợ thân. Bên cạnh ông là một người đàn bà tóc trắng bạc khô, rời rạc, ngồi trên một chiếc xe lăn, mặt luôn ngẩng lên phía trần nhà, miệng thỉnh thoảng nhóp nhép như miệng cá trồi lên mặt nước đớp không khí.
Chiếc quan tài bằng gỗ sơn trắng giản dị đặt giữa phòng, trên nắp có vài bó hoa trắng vốn được người chết ưa thích lúc sinh thời. Tấm ảnh bài vị trước quan tài cho thấy một khuôn mặt của một người đàn bà trẻ, giữa tuổi thanh xuân, mắt xanh trong, tóc vàng xõa ngang vai, khá xinh.
Phòng tang lễ chỉ rộng hơn sáu thước vuông, bức bối vì hơi nóng thổi từ lò sưởi và sự yên lặng, như một khối không khí bị nén lại, đặc quánh, nặng hương thơm dày đặc của những bó hoa phúng điếu đặt quanh quan tài, khiến những người bị dị ứng như ông có thể ngộp thở, trong những cái nhìn đan chéo nhau và sốt ruột vì chờ đợi. Con cháu người chết thì nhìn về quan tài, bạn bè thì hướng về người dẫn lễ và cha mẹ thì hai mắt vẫn ở một điểm mơ hồ trên trần nhà xám.
Người đàn ông già rống lên thê thảm như cái cái chết của người nằm trong quan tài vượt quá sức chịu đựng và tuổi già của mình.
“Con gái ơi, con là đứa con tuyệt nhất trên đời…”.
Ông cố tựa đầu trên nắp áo quan, nhưng quan tài được kê cao quá nửa thân người, ông phải gập người tựa lên cây gậy, một bàn tay dựa lên thành của quan tài. Giọng ông biểu lộ một sự đau đớn tột cùng, nhưng mắt ông thì ráo hoảnh.
Cố gắng tạo cảnh kịch tính nửa vời khiến nhiều người quanh chiếc bàn tròn tức giận. Một người đàn bà cố ghìm sự chua chát, miệt thị giữa hai kẽ răng:
“Xem kìa, lão già còn giả nhân giả nghĩa. Con dê già đang bày trò sám hối!”.
Bà mẹ trước sau vẫn ngồi im lìm, như không thấy, không nghe gì. Đôi mắt của bà trước sau vẫn như ở đâu đó trên trần nhà. Một người khác hỏi nhỏ:
“Bà mẹ có biết không?”
“Dĩ nhiên. Chính vì thế mà bà mất trí nhớ rất sớm”.
Có lẽ người mẹ đã thực sự mất trí hoàn toàn, vì suốt buổi đám tang bà không trao đổi một lần nào với ai, kể cả với người chồng ngồi sát bên cạnh. Bà ngồi trầm ngâm, mặt ngẩng lên trần nhà màu xám rỗng không, thỉnh thoảng nhép hai môi, như một người bệnh Alzheimer thông thường.
Cuối cùng, người đàn bà dẫn lễ bắt đầu đúng giờ như đã thông báo trên thiệp báo tang. Không có lễ nghi tôn giáo, không cầu nguyện, cũng không ôn lại tiểu sử cuộc đời của người chết. Một cuộc đời nhiều đường ngang, rẽ dọc, đầy ắp đau thuơng nhưng chỉ để quên, không phải để nhớ và thương tiếc. Như một sự giải phóng đúng lúc.
Giọng người đàn bà dẫn lễ chuyên nghiệp, ngắn gọn, rành rọt từng chữ. “Hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây, quanh chiếc quan tài này, để tưởng niệm và từ biệt một người chúng ta yêu quý thuở sinh thời. Đây là dịp để mỗi người chúng ta biểu lộ tình yêu mến với người vừa mất. Xin mời gia đình…”.
Hai người con gái đến hôn lên hình mẹ và nói những lời từ biệt ngắn, cảm động, bên quan tài. Họ dừng lại khóc nhiều lần. Một cười con rể hát một bài nhạc trầm buồn, chân tình do anh sáng tác ngày hôm trước.
Như có sự dàn xếp, người cha không được mời từ biệt con và bà mẹ thì không cần thiết. Bà có thể thông đạt với con gái với hai mắt rỗng không trên trần nhà.
Khi nhóm bạn bè nối tay nhau lập một vòng tròn quanh quan tài, từ chiếc loa tỏa ra một bản nhạc mà người chết và bạn bè cùng lứa rất ưa thích khi họ còn trẻ trong những năm 70.
Do you know where you’re going to?
Do you like the things that life is showing you?
Where are you going to?
Do you know?
Do you get what you’re hoping for?
When you look behind you
There are no open doors
What are you hoping for?
Do you know?…
Giọng ca của Diana Ross da diết, mưọt mà, sâu lắng như những lời tra vấn, thở than trong từng nốt nhạc, lan tỏa như một làn hương trầm mơ hồ, kéo những cánh tay-nối-cánh tay của những người bạn đi viếng gần lại với nhau, rồi trở về ôm ấp chiếc quan tài gỗ trắng, dùng dằng như không muốn tiễn biệt người chết.
Ông không chứng kiến cảnh hạ huyệt vì tự thấy mình không đủ quen thân, để thả xuống nắp áo quan một nhánh hoa hay một nắm đất từ biệt người vừa mất. Ông đi ngược trở lại đường ra nghĩa địa, rồi ngồi xuống một chiếc ghế gỗ nằm dọc con đường trải sỏi nhỏ. Phía trước ông là một cái cây cổ thụ rất lạ, cành trần trụi, đen đủi, gầy còm và gân guốc như những ngón tay buồn nản thòng xuống gần chạm mặt đất. Phía sau lưng cái cây là một cung nhà vòng tròn, như một colosseum thời La Mã. Nhiều khung cửa lớn mở ra nhiều phía, như những chọn lựa cuối cùng cho một đời người.
Thông điệp buổi sáng nay thật quá rõ ràng, như dành riêng cho cá nhân ông.
Ông yên tâm khép hai mắt, hít một hơi thật sâu khí trời thấm đẫm sương mai đầu Xuân và mùi hương cây thoang thoảng từ khu rừng thông bao quanh, tự dọn mình cho chuyến đi xa, rất xa vào miền miên viễn.
Trong trạng thái hỗn mang giữa trần thế/thiên đàng/địa ngục và ảo giác lênh đênh của cơn-jetlag-năm-múi-giờ, ông mường tượng thấy mình hoá thân thành một chiếc lá khô, bay xuyên qua một khung cửa của ngôi nhà vòng cung, rồi thả mình trượt theo một cành cây trụi lá như một ngón tay chỉ xuống bãi cỏ xanh. Trong thoáng chốc, chiếc lá khô trở mình biến thành một hạt bụi, len qua mặt cỏ êm, hòa mình vào lớp đất bên dưới, như vùng ngực mềm và ấm áp của mẹ thời ấu thơ.
Cuối cùng ông đã trở về.
Ngươi từ cát bụi mà ra thì sẽ trở về với cát bụi.
2018