Về Những mảnh đời sau song sắt của Phạm Thanh Nghiên

Về Những mảnh đời sau song sắt

Võ Thị Hảo

Những mảnh đời sau song sắt được Phạm Thanh Nghiên thể hiện dưới bút pháp hồi ký. Dù tác giả là người lần đầu cầm bút viết văn nhưng đây thực sự là một hồi ký có chất lượng, khiến người đọc tin về sự chân thành của người viết cũng như tính khả tín của những chi tiết, sự kiện mà cô đã kể lại trong cuốn sách này.

Bằng việc thuật lại quá trình trải nghiệm trong thân phận của một tù nhân chính trị Việt Nam, Phạm Thanh Nghiên đã khiến người đọc xúc động. Tác giả là một người hoàn toàn vô tội, chỉ muốn thể hiện chính kiến một cách ôn hòa nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước trước sự xâm lăng của bành trướng bá quyền Trung Quốc, nhưng cô đã bị bức hại.

Cô đã phải trải qua hơn 80 cuộc thẩm vấn nghiệt ngã và đầy thủ đoạn “gài bẫy” của công an. Cô đã  phải chịu đày ải hơn bốn năm trong tù chưa kể những năm quản chế. Cô còn bị nguy hiểm hơn nữa  khi bị nhốt chung buồng giam với những tù hình sự có án nặng như giết người, buôn bán ma túy vốn hành xử rất thô bạo, chưa kể việc người tù chính trị còn phải trải qua vô số điều kiện ăn ở và bạo lực tinh thần khắc nghiệt  trong tù.

Phạm Thanh Nghiên đã khẳng khái viết: “Tôi cũng toạ kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của Nhà Nước này trước ngoại bang phương Bắc nhưng hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của người dân Việt Nam”.

Tác phẩm Những mảnh đời sau song sắt sẽ còn tồn tại lâu dài ở Việt Nam và sẽ còn được các tổ chức nhân quyền trên thế giới quan tâm, như một bằng chứng quan trọng về sự vi phạm quyền con người, quyền tự do ngôn luận của nhà độc tài cộng sản Việt Nam.

Ngoài sự dũng cảm của tác giả khi viết lại, công bố tại Việt Nam và trên thế giới một mảng đặc thù về thực trạng mà những người bất đồng chính kiến cũng như tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị bức hại, trái với nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký, người đọc còn thấy vượt lên trên những chi tiết, sự kiện và bằng chứng là trái tim lớn của người viết. Cô viết như một sự dâng tặng nó – sự nguy hiểm này cô tự nguyện gánh chịu – cho một lý tưởng, một khát vọng để thức tỉnh lương tri cộng đồng, thúc giục mọi người cùng cố gắng để cho Việt Nam ngày một tốt đẹp hơn.

Chính vì điều này mà Những mảnh đời sau song sắt đã và sẽ thuyết phục được nhiều bạn đọc trong cũng như ngoài nước.

Dẫu cho có những điều đáng quý trên, tôi cũng vẫn sẽ không chấp nhận đề cử tác phẩm này vào giải nhất Văn – Văn Việt năm nay, nếu như tác phẩm này không có những giá trị văn chương.

Tôi đề cử nó vì trong khi tường thuật lại những chi tiết, Phạm Thanh Nghiên thực sự đã có nhiều trường đoạn khắc họa đạt đến tầm ngôn ngữ và hình tượng văn chương đặc thù.

Tác giả  biết cách chọn lọc chi tiết trần thuật câu chuyện để nó trở nên sắc nét hơn so với thực tế dông dài.

Đó là những đoạn mà tác giả đã đem đến ấn tượng ám ảnh về cai tù, về những ngư dân Thanh Hóa đã bị Trung Quốc bắt, giết và người sống sót trở về, đã bị o ép và sợ hãi thế nào trước chính quyền; cách chính quyền ăn chặn tiền cứu trợ của những người bị nạn; cách công an thẩm vấn người và quyền lực gần như vô biên của họ trong việc kết thúc sinh mạng một công dân; cách mà chính tác giả đã đối phó ra sao với thủ đoạn thẩm vấn và buộc tội…

Xúc động hơn nữa là đoạn cô viết về người bạn tù đã phải bán đứa con của mình là thằng Khoai Tây, đoạn mô tả về cái giếng tù đã chứng kiến bao nhiêu tù nhân tuyệt vọng tự tử không thành và phải tiếp tục sống kiếp đày đọa, đoạn cô mô tả chỗ nằm, ăn ở của người tù cũng như những giọt nước mắt cay đắng của cô thương xót cho chú mèo Bim Bô đã bị cai tù giết, làm món thịt mèo để lấy lòng đoàn kiểm tra…

Đó là những chi tiết đắt giá.

Xin chúc mừng Phạm Thanh Nghiên và mừng Văn Việt đã có một tác phẩm xứng đáng để trao giải, đặc biệt là một tác phẩm của một người bất đồng chính kiến có khí phách, có lý tưởng cải biến xã hội.

 

Những mảnh đời sau song sắt (trích)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

Phần BỔ SUNG

————————————

Ngoài chuyện tù

01—

Uất Ức, Biển Ta Ơi!

Khởi hành lúc 8 giờ từ Hà Nội, đúng 12 giờ trưa, hai chúng tôi mới đến Thanh Hoá. Cho đến hôm nay, tôi cũng khó lý giải tại sao một người vốn mắc bệnh “say xe” như tôi lại có thể ngồi lì trên ô-tô hơn 4 giờ đồng hồ như vậy. Phải rồi, đây không phải chuyến đi du lịch, một chuyến viếng thăm ai đó thông thường. Mà tôi đi tìm gặp người thân các nạn nhân bị sát hại trong chuyến ra khơi định mệnh ba năm trước với ước muốn được chia sẻ…

Tháng 1/2005, mười sáu người cùng đi đánh cá trên một chiếc thuyền, tám người vĩnh viễn ra đi, tám người còn lại trở về với nỗi kinh hoàng tột độ. Thủ phạm gây tội ác là bọn Tàu tặc – kẻ mà chính quyền Việt Nam luôn luôn ca ngợi là đồng chí tốt, làng giềng tốt của nhân dân Việt Nam. Một chuyến đi đặc biệt và ý nghĩa như vậy có lẽ đã nâng đỡ tôi, xua đi nỗi mệt nhọc mà tôi hay bị khi thực hiện những chuyến đi xa.

Nhưng việc tìm kiếm không dễ dàng.

Chúng tôi chỉ biết họ thuộc hai xã Hoằng Trường và Hoà Lộc. Sau khi ăn trưa tại một quán ven đường, con trai người chủ quán chở chúng tôi bằng xe tắc-xi đến xã Hoằng Trường với chặng đường ngót ba mươi cây số. Số tiền phải trả cho chuyến tắc-xi gấp gần ba số tiền đi từ Hà Nội về Thanh Hoá. Đến Hoằng Trường, hai người chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng đôi chân trên con đường đất gồ ghề gần 10 cây số, tìm tới nhà các ngư phủ bị nạn.

Càng đi sâu vào làng, cái nghèo của làng chài càng hiện rõ. Khác hẳn hình dung trước kia của tôi về phiên chợ tấp nập của miền quê biển. Ở đây, chợ chiều vắng ngắt, vài quán lá lụp xụp, hàng hoá nghèo nàn…

Khi Trung Quốc liên tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, giết hại ngư dân lương thiện đang đánh cá trong vịnh Bắc Bộ, hàng trăm thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ trí thức trong nước biểu tình chống lại tội ác của chính quyền Trung Quốc, đồng thời ở bất cứ đâu trên thế giới có người Việt Nam sinh sống đều có biểu tình phản đối Trung Quốc, thì ở Việt Nam mọi thông tin đều bị Nhà Nước giữ kín. Vì thế chúng tôi thấy cần tìm ra các điều khuất lấp để cung cấp cho độc giả những sự thực mà báo chí trong nước cố tình bưng bít, bị cho là “nhạy cảm”.

Tôi xin gủi lời tạ lỗi gia đình các nạn nhân, nếu sau khi gặp gỡ chúng tôi và kể ra sự thật mà bị chính quyền gây rắc rối. Tôi xin cảm ơn những người đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian chúng tôi tìm hiểu và muốn làm sáng tỏ sự kiện đau xót này. Thật ra, việc làm này hết sức bình thường ở những đất nước có tự do thông tin, nhưng lại là điều cấm kỵ trong một thể chế thiếu tự do, dân chủ và đang nấp trong ống tay áo hung thủ.

Đầu tiên, chúng tôi dự định tìm gặp trưởng thôn, nhờ ông đưa đến nhà các nạn nhân. Nhưng nghĩ lại, trưởng thôn cũng là “cánh tay nối dài của đảng”, ít có xác suất được giúp đỡ và biết đâu còn bị gây khó dễ!

Cuốc bộ vài cây số, chúng tôi ghé vào quán của một bà lão bán quà vặt. Quán là mấy tấm liếp dựng tạm. Bàn là một tấm gỗ kê trên mấy viên gạch, bày bán đủ thứ lặt vặt: trái cây, bánh kẹo. Bà lão chủ quán tên là Thao, có mái tóc trắng như cước. Thấy chúng tôi loay hoay tìm ghế ngồi, bà lão ân cần: “Cô cậu kê tạm mấy viên gạch, lót giấy báo này mà ngồi!” Biết chúng tôi ở xa đến, tìm gặp người nhà các nạn nhân bị tàu chiến Trung Quốc bắn chết và bị thương ba năm trước, mấy phụ nữ ngồi gần đấy xúm đến. Họ kể về nỗi khổ của các nạn nhân, họ kể khổ cho chính cả họ. Bà Thao đứng lên bước đi, lát sau bà trở lại với một thanh niên rất trẻ: “Đây là cháu anh Lê Văn Xuyên, ngư dân bị tàu Trung Quốc bắn chết. Cậu này sẽ đưa hai cháu đi.”.

Như là trách nhiệm của mình, bà còn ghi vào cuốn sổ tay của tôi “danh sách” những người bị nạn trên biển. Tự nhiên tôi ước ao, giá ở làng chài này có những cán bộ biết thương xót đồng loại như bà Thao, chắc hẳn nỗi đau của gia đình các nạn nhân vơi đi chút ít.

Chúng tôi đến nhà anh Lê Văn Xuyên gần 5 giờ chiều. Ngôi nhà tuềnh toàng như bao gia đình nông thôn Việt Nam khác. Trùm lên căn nhà là không khí lạnh lẽo. Tôi thường sờ sợ khi bước chân vào gia đình có người chết trẻ. Lần này thì khác. Tôi không thấy sợ mà thay vào đó là nỗi đau xót, như họ là người thân của mình vậy. Chị Thanh, vợ anh Xuyên đưa tôi sang nhà thân nhân Nguyễn Văn Tòng. Rồi lần lượt, các chị tiếp chân đưa chúng tôi đến từng gia đình một. Họ có chung một cảnh nghèo; một nỗi đau, và chung một nỗi uất ức.

Chuyện ba năm trước

Anh Nguyễn Văn Dũng, một trong tám người sống sót, kể lại: “Thuyền ra biển được hai ngày thì gặp tầu chiến Trung Quốc. Họ rượt đuổi chúng tôi. Chúng tôi không hiểu tại sao họ rượt đuổi. Đây là ngư trường chúng tôi vẫn hành nghề từ bao năm nay. Trước đó, họ không bắn pháo hiệu hay bất cứ tín hiệu gì cảnh cáo trước, càng không có bất cứ biểu hiện gì để chúng tôi tin là họ sẽ tấn công chúng tôi.”

Trương Đình Thái kể với tâm trạng còn kinh hãi: “Hôm đó là sáng ngày 8 tháng 1 năm 2005. Chúng bắn vào các đồng nghiệp của em, sau đó xả hơi cay vào các nạn nhân.Tám người chết, còn em và chủ tầu bị thương.

Khi tôi gặng hỏi để biết chi tiết hơn, Tháí không thể nói gì thêm: “Hồi em được chúng thả về, Thi thoảng em la hét, ai hỏi em cũng nói không biết gì. Những tràng súng bắn quá gần và xác người đổ vật xuống boong thuyền khiến em bị chết lâm sàng. Vết thương của em nặng, gia đình phải vay tiền mang em ra Hà Nội mổ lại. Bây giờ vẫn đau.”

Thật không dễ quên đi quá khứ kinh hoàng, không phải ai cũng đủ can đảm kể lại. Còn đang bối rối, Thái đột nhiên bất ngờ nói với tôi: “Chị ơi, họ làm sống em chị ạ.”  Phút chốc tôi rùng mình. Nhìn gương mặt của Thái, tôi linh cảm cụm từ “làm sống” là thế nào.

Sau khi thực hiện tội ác, chúng trói những người còn sống và cho tám xác chết vào tám túi ni-lông. Anh Dũng kể thay cho Thái: “Lúc tàu Trung Quốc đuổi, tôi cũng biết, nhưng đang ở dưới khoang thuyền. Khi tôi lên, cảnh tượng thật hãi hùng, người chết, người bị thương, người bị còng tay. Tôi là người cuối cùng bị còng.” Anh Dũng cho biết thêm có bảy tên lính hải quân Trung Quốc cao lớn lên thuyền của các anh, tên nào tay cũng lăm lăm một khẩu súng.

Buổi chiều, chúng đưa các anh về đảo Hải Nam, cho mỗi người một tô mì, sau đó nhốt riêng mỗi người một buồng. Hai người bị thương thì chúng “làm sống”, tức xử lý vết thương không dùng thuốc gây tê. Sau vài phút trấn tĩnh trở lại, Thái nói: “Chúng dùng dao khoét vào đùi em, lấy viên đạn ra.  Em bị bắn 2 phát, một phát vào đùi phải đau đớn vô cùng. Khi chúng khoét xong, cho em tô mì. Sáng hôm sau chúng lôi em đi lấy cung.”

Khoảng hai, ba hôm sau khi thuyền ngư dân Thanh Hoá bị tàu chiến Trung Quốc tấn công, người của bộ ngoại giao Việt Nam sang. Có hai người, không có nhà báo đi theo để đưa tin. Họ xin chính quyền Trung Quốc cho gặp các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ và khuyên: “Các anh cố gắng ở lại cải tạo cho tốt, đừng cãi lời người ta. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh về trước tết.” Những ngư dân này không hiểu đã phạm tội gì, tại sao lại “cố gắng cải tạo cho tốt”?

Chúng tôi hỏi phía Trung Quốc đã tra hỏi gì, các anh nói không thể nhớ hết được. Sự việc đã trôi đi ba năm, đọng lại những gì bây giờ chỉ là nỗi sợ hãi. Họ chỉ nhớ những buổi đi cung bị bức bách, căng thẳng. Vài ngày đầu chúng đưa ngư phủ ta đi cung một đến hai lần, mỗi lần chừng một giờ. Hai,ba ngày sau khi có người của bộ ngoại giao Việt Nam, chúng gọi họ đi cung nhiều hơn. Mỗi ngày, hai đến ba lần, mỗi lần hai, ba tiếng. Có người dịch sang tiếng Việt. Khi kết thúc buổi cung các ngư phủ ta đều phải ký vào biên bản chữ Tàu mà không biết nội dung là gì. Anh Dũng nói: “Chúng tôi không thể không ký vì chúng đã ép cung, tôi chậm ký bị chúng đánh liền.”

Cho đến nay không ai trong số còn sống được biết tại sao thuyền của họ bị tàu chiến Trung Quốc tấn công. “Chúng tôi đơn thuần chỉ đi đánh cá trên vùng biển quê hương mình! Từ khi đảng và nhà nước cho vay vốn để đóng thuyền lớn, khuyến khích đánh cá xa bờ, chúng tôi đã khai thác ngư trường này từ chục năm trước, bây giờ cũng vậy. Những tranh chấp vùng nào đó trên biển Đông giữa hai nhà nước chúng tôi đâu được thông báo!

Sau ba mươi mốt ngày, người còn sống được cho về Việt Nam, tám người khác trở về trong tám bình tro.

Nỗi đau của những người thân

Khi chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Hữu Biên, một thanh niên mới đi biển lần đầu đã bị tàu chiến Trung Quốc bắn chết. Đau đớn và căm phẫn vẫn hằn rõ trên gương mặt bà nội và mẹ của Biên. Bà Lê Thị Tăm đem tấm hình con trai ra cho chúng tôi xem.

Biên còn trẻ quá, mới hai mươi tuổi. Hồn oan này đang lẩn quất ở đâu và là oan hồn thứ bao nhiêu của dân tộc nối tiếp những oan hồn “lên rừng tìm ngà voi xuống biển mò ngọc trai” mà sử sách Việt Nam đã ghi từ nghìn năm trước? Bà nội của Biên đã ngoài tám mươi, run rẩy lê từng bước tiễn chúng tôi ra cửa: “Trung Quốc có bao giờ thôi nghĩ đến chuyện xâm lược nước ta đâu, có bao giờ ngừng giết người Việt Nam ta đâu.”

Một cụ già nhà quê ngoài tám mươi tuổi còn nhận biết được sự thật này, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước chẳng lẽ không biết ư? Phúc hay là họa cho dân tộc đây?

Giấy báo tử ngày 4/2/2005 báo về cho gia đình xác nhận ngày chết của các nạn nhân là 8/1/2005 tức gần một tháng sau mới cớ giấy báo tử về nhà. Giấy báo tử được ký tên và đóng dấu bởi bà lãnh sự Bùi Thị Tuyết Minh. Tuy nhiên, phần nguyên nhân chết để trống, trong khi các anh bị tàu Trung Quốc tấn công, bắn giết. Điều này đã được xác định, và chính quyền xã khi đến báo tin cho các gia đình cũng khẳng định.

Lẽ ra, vụ việc này đã phải trở thành một sự kiện nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế, cần phải làm sáng tỏ. Nhưng do chính quyền bưng bít thông tin nên đã hơn ba năm trôi qua, hầu hết người dân vẫn không hay biết.

Chúng tôi đến nhà anh Lê Xuân Trọng. Vợ anh đã qua đời trong cơn bạo bệnh khi sinh bé Lê Thị Thuỳ Trang được tám tháng. Bé Trang được mười ba tháng tuổi thì anh Trọng bị cướp mạng sống. Nghe nhắc đến bố mẹ, bé Trang oà khóc. Tôi ôm nó vào lòng, nước mắt trào theo. Có thể, ngoài cảm nhận sự côi cút vô lý này, bé không thể hiểu điều gì vượt quá tầm của đứa trẻ mới hơn bốn tuổi. Nỗi đau dồn hết vào ông bà nội.

Sau khi anh Trọng bị bắn chết, ông bà nội cháu đề nghị chính quyền cho bé Trang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bắt đầu từ năm 2006, bé được hưởng trợ cấp hai trăm ngàn đồng mỗi tháng. Năm 2005 không được gì vì còn phải làm thủ tục. Cuối năm vừa rồi, ông trưởng thôn nói với ông bà Kính rằng cần đề nghị “lên trên” để tăng trợ cấp cho bé. Chưa kịp mừng thì đã… chưng hửng, số tiền bé Trang nhận được tháng đầu tiên năm 2008 đã bị giảm xuống còn một trăm hai mươi ngàn đồng. Bà Kính than vãn: “Không hiếu sao lại thế. Đấy, chúng tôi vừa nhận một trăm hai mươi ngàn đó, cô.” Ông Kính chua chát: “Không đủ tiền ăn sáng cho cháu, cô chú ạ.”

Ông bà mời chúng tôi ở lại dùng bữa tối và nghỉ qua đêm. Chúng tôi cảm ơn và từ chối vì đã nhận lời bà Thao. Ông Kính hẹn sáng hôm sau sẽ đưa chúng tôi sang Hoà Lộc, gặp những người còn lại. Quả thật, nếu không có cháu Tùng con anh Tòng dẫn đường, chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Đồi núi, trời tối, đường vắng và thưa người qua lại. Chúng tôi lãnh nhận sự nguy hiểm đang đe doạ hai thanh niên trẻ muốn biết sự thật và mong có cơ hội nói lên sự thật ở một môi trường thông tin vì sự thật.

Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại nhà ông Kính. Ông có chuyến đi biển gấp nên không thể thực hiện lời hẹn. Từ Hoằng Trường đến Hoà Lộc không có đường bộ, phải đi bằng đò. Ông đưa chúng tôi đến bến sông. Chủ đò nấn ná, chờ thêm khách cho đủ chuyến. Ông Kính thì thầm với chủ đò, chúng tôi được sang sông. Đây là bãi sông Hoằng Trường còn có tên gọi khác là Lạch Trường.

Đến Hoà Lộc, hai chúng tôi lại cuốc bộ theo một hướng đạo già. Ông tên là Nguyễn Văn Nhiễm, ngoài sáu mươi, dáng người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn. Ông là cán bộ chi hội Nông Dân thôn Hoà Phú, cũng là một đảng viên, dám đấu tranh chống tiêu cực nên bị…ghét. Trên đường đi, ông nói: “Các cháu làm thế là rất đúng. Tặng quà, giúp đỡ cho ai thì cứ trao tận tay họ. Đừng có qua chính quyền xã hay thôn làm gì, nhiêu khê, rườm rà. Mà có khi người dân chẳng nhận được gì.”

Trong số gia đình chúng tôi gặp, hoàn cảnh gia đình tử nạn Trần Nghiệp Hùng quá éo le. Năm 2003, vợ anh chết đuối ngoài biển — phụ nữ cũng phải đi đánh cá. Năm 2005, anh Hùng bị hải quân Trung Quốc bắn chết. Một năm sau khi anh mất, hai đứa con anh là Trần Nghiệp Mạnh và Trần Thị Thúy đều phải vào trại trẻ mồ côi. Chị Quân, chị ruột nạn nhân Trần Nghiệp Hùng, buồn rầu tâm sự: “Chẳng ai muốn cháu mình phải vào trại trẻ mồ côi, nhưng khó khăn quá, ai cũng nghèo. Chồng tôi chết gần năm nay. Cô em gái tôi cũng phận goá bụa. Chú ấy cũng chết do tai nạn khi đi biển, bà cụ nhà tôi năm nay đã tám mươi hai tuổi, nay cụ ở với người con này, mai ở với người con khác. Bà cụ cũng tội, con trai, con dâu, con rể cứ bỏ cụ mà đi.”

Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin cũng phản ánh những tiêu cực trong việc cứu trợ người dân bị nạn: ăn chặn hàng cứu trợ, cứu đói bằng gạo mục… Tôi còn nhớ một bản tin thời sự tối của đài truyền hình Việt Nam có đưa một tin cười ra nước mắt: Người ta cứu đói cho dân bằng…kem đánh răng và xà phòng thay vì một thứ gì ăn được. Các đoàn thể, cá nhân có hảo tâm không còn tin vào chính quyền. Họ không muốn lòng tốt của mình trở thành miếng mồi béo bở cho các ông quan to, quan nhỏ. Vì thế, thay vì qua chính quyền, họ tự tay mang quà cho đồng bào. Nhưng vòi bạch tuộc, rất dài, rất dai và rất giỏi, cánh tay ăn chặn vẫn vươn tới được.

Câu chuyện ông Nhiễm, chị Quân kể sau đây là một bằng chứng.

Đoàn từ thiện chùa Giác Minh, Tân Vạn, Biên Hoà lặn lội ra tận Thanh Hoá cứu trợ cho người dân sau trận bão lũ năm 2006 — Tiếc rằng ông Nhiễm không nhớ pháp danh của vị thượng tọa nào.

Các nhà sư tận tay trao số tiền cho đồng bào, mỗi suất hai trăm ngàn đồng. Nhiều gia đình trong xã đã được chùa Giác Minh cứu trợ. Con dâu ông, trên đường về nhà bị người của chính quyền xã chặn lại, số tiền bị cướp trắng. Chị giải thích đây là tiền của các nhà sư cho chị, không phải tiền “chính sách” hay của chính quyền. Nói thế nào cũng không được.

Đau nhất là ông Nhiễm. Các nhà sư tin tưởng, nhờ ông chuyển giúp phần quà cho một số gia đình khác. Ngay tối hôm đó, chính quyền xã cử người đến cướp toàn bộ số tiền với lý do “gom vào một mối để phát cho dễ, cho công bằng.” Ông không thể không đưa vì họ nhân danh chính quyền. Nhiều người khác cũng bị tương tự. Không ai được trả lại xu nào, dù đó là tiền cứu trợ nhân đạo. Chưa hết, hơn hai tháng sau, ông Nhiễm nhận được một lá thư, ngoài bì thư ghi tên người gửi là Đoàn Từ Thiện Chùa Giác Minh, Tân Vạn, Biên Hoà. Trong đó có một tấm vé số trúng giải, trị giá giải thưởng là hai mươi nhăm triệu đồng — số tiền rất lớn — ghi rõ là tặng riêng cho ông. Ông Nhiễm sung sướng mang tấm vé số đi lĩnh giải. Người ta trả lời ông: “Đã quá thời hạn lĩnh giải” và còn trách ông “sao bây giờ bác mới đến lĩnh?” Ông Nhiễm khẳng định với chúng tôi:“Tôi tin ai đó đã bóc thư ra xem và cố tình giữ lại, không đưa ngay cho tôi.”

Không biết cảm giác của ông lúc trở về nhà, trên tay cầm tấm vé số trúng giải vô giá trị như thế nào? Ai hưởng toàn bộ số tiền cướp được của ông Nhiễm và những người dân khốn khổ cần phải được cứu sống? Đoàn từ thiện chùa Giác Minh có biết việc này?

Qua các nhân vật được tiếp xúc, chúng tôi biết người nung nấu đưa vụ việc ra ánh sáng công luận chính là ông Kính. Ông là người biết rõ chủ trương “hoà nhập, hoà đồng, vươn ra biển lớn” của chính phủ. Ông nói hoà nhập vào thế giới văn minh không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều vấn đề khác. Việc thuyền đánh cá của ngư dân Thanh Hoá bị tàu chiến Trung Quốc tấn công, ngư phủ Thanh Hoá bị giết hại là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông có dự định vận động các nạn nhân sống sót và thân nhân các nạn nhân đã chết làm đơn tập thể gửi đến đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu làm rõ và phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân. Ông hy vọng báo chí vào cuộc.

Ra Hà Nội, ông tìm gặp đại diện báo Tuổi Trẻ. Tiếp ông là một ký giả có cái tên rất gợi: Hoà Đồng.

Phải rồi! Đúng như ông nghĩ: Muốn giải quyết vụ việc hãy hoà đồng với nhân loại về phương diện truyền thông trước đã. Nhưng ông sững sờ khi ký giả Hoà Đồng khuyên ông dẹp bỏ vụ việc, đào sâu chôn chặt vụ việc, theo đuổi chỉ bất lợi cho cá nhân ông và không giải quyết được vấn đề gì! Thật buồn cho truyền thông Việt Nam!

Cho đến bây giờ, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Kính vẫn nung nấu dự định cũ. Khi chúng tôi đề cập đến đề tài này thì nhận thấy nét lo sợ xuất hiện trên gương mặt của thân nhân các nạn nhân. Nhưng không phải chỉ nạn nhân và thân nhân của những nạn nhân lo sợ mà những người không liên đới cũng lo sợ. Họ đang nằm trong một hàng đô-mi-nô lo sợ. Người dân sợ chính quyền cơ sở, chính quyền cơ sở sợ chính quyền trung ương, chính quyền trung ương sợ chính quyền thiên triều bởi mấy chữ vàng: “Láng giềng, hữu nghị…”

Lẽ ra, chúng tôi tiếp tục tìm gặp các nhân chứng, các gia đình nạn nhân còn lại. Nhưng chuyến đi buộc phải kết thúc. Có tin báo công an đang lùng sục chúng tôi. Trưa hôm đó, hai chúng tôi bí mật rời Thanh Hoá.

Bao nhiêu nỗi uất ức, mệt mỏi dồn nén từ hôm trước được dịp bung ra. Suốt chặng đường về, không ai nói với ai lời nào. Tôi biết người bạn đồng hành đang nghĩ về chuyến đi vừa qua như tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên 24 giờ một ngày đầu tháng 3/2008 ở đây.

Có thể nào một ngày nào đó, trên vùng biển Việt Nam sẽ vắng bóng những con thuyền đánh cá Việt Nam. Không chỉ là nỗi lo cầm chắc thua lỗ vì giá xăng dầu phi mã, mà còn là nỗi lo cho chính mạng sống của ngư phủ khi ra biển. Cùng thời gian với chúng tôi đi Thanh Hoá, báo An Ninh Thế Giới — một tờ báo chuyên xuyên tạc, bôi đen các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam — đã phải thừa nhận sự thực là Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải Việt Nam. Bài báo cũng liệt kê các vụ hải quân Trung Quốc bắt cóc đòi tiền chuộc, giết ngư phủ Việt Nam, và khẳng định các ngư phủ Việt Nam không hề xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Nhưng để biện hộ cho bản chất nhu nhược của chính quyền cộng sản Việt Nam, bài báo trích lời của một nhân viên an ninh cấp tỉnh: “Chúng tôi đã cố làm hết sức mình để bảo vệ ngư dân, nhưng vì biển cả mênh mông quá, không có cách nào can thiệp, giúp đỡ được!

Xót xa thay! Biển cả mênh mông, hay trách nhiệm đối với sinh mệnh công dân bị coi nhẹ?

Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã gây nợ xương máu với người Việt Nam!

Cùng với việc để mất Hoàng Sa, mất nhiều đảo ở Trường Sa, mất hàng vạn cây số vuông ở biên giới phía Bắc, ở vịnh Bắc bộ, mất sinh mạng của con dân trên biển, chính quyền cộng sản Việt Nam nợ nhân dân Việt Nam lòng ái quốc!

                                                     —  Tháng 3 năm 2008

02—

Tâm Thư của Phạm Thanh Nghiên

“… Tôi cũng toạ kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của nhà nước này trước ngoại bang phương Bắc nhưng lại hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của công dân Việt Nam …”

Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, hàng hàng lớp lớp các thế hệ tiền nhân cống hiến cuộc đời, mạng sống của mình cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Dải giang sơn gấm vóc mà chúng ta có được hôm nay đã nhuộm thắm mồ hôi, xương máu biết bao công dân đầy lòng ái quốc. Trong ý thức trách nhiệm một con dân Việt Nam, trong sự biết ơn và trân quý những hy sinh xương máu của tổ tiên, tôi thấy mình có bổn phận phải tiếp nối truyền thống gìn giữ đất nước. Sự gìn giữ không chỉ đơn thuần ở từng mét vuông lãnh thổ mà còn về danh dự và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Sự gìn giữ này nằm trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, đứng trên mọi bất đồng về ý thức hệ, chính kiến, tổ chức và đảng phái.

Cách đây đúng 50 năm, ngày 14 tháng 9 năm 1958, ông Phạm Văn Đồng đã đại diện đảng Cộng Sản Việt Nam ký bản công hàm tán thành Tuyên Bố của đảng Cộng Sản Trung Quốc về lãnh hải Trung Quốc bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn tự nghìn đời thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đây là hành động cúi đầu bán nước của đảng cầm quyền CSVN đối với ngoại bang, chưa kể vào thời đó, ông Phạm Văn Đồng không có thẩm quyền vì hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc quyền trách nhiệm và sở hữu của miền Nam — Việt Nam Cộng Hòa. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chấp nhận sự dâng hiến này của đảng CSVN. Hoàng Sa và Trường Sa muôn đời vẫn là lãnh thổ Việt Nam.

Năm mươi năm trôi qua, mối nhục mất đất mất biển lại nối thêm nhiều dâng hiến khác, vì quyền lợi riêng tư của thiểu số cầm quyền. Điển hình là hiệp định về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc ngày 30/12/1999 và hiệp định phân định lãnh hải Việt Nam – Trung Quốc ngày 25/12/2000. Bảy trăm tám mươi chín cây số vuông dọc biên giới Việt – Trung, trong đó có thác Bản Giốc và ải Nam Quan cùng một phần lãnh hải dân tộc lại bị dâng hiến cho ngoại bang. Một lần nữa, độc lập của Việt Nam bị xâm phạm, danh dự dân tộc Việt Nam bị chà đạp. Trong khi đó, mọi tiếng nói, hành động bày tỏ quan điểm của công dân Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa, mọi thái độ biểu hiện lòng yêu nước và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ cha ông của người dân đã bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ hoặc giam cầm. 

Năm mươi năm trôi qua, nhưng chúng ta không thể quên. Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn bị cắt đứt.

Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc bị bôi một vết nhục chưa được xóa nhòa.

Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước.

Chúng ta không thể buông xuôi. Vì buông xuôi sẽ dẫn đến hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai.

Chúng ta không những phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất mà còn phải ngăn chặn những gì sẽ mất trong tương lai. Với chỉ một người, chúng ta sẽ không thành công. Một ngày, một tháng, một năm là quá ngắn để đạt mục đích. Nhưng với nhiều công dân Việt Nam, bằng trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nước, bằng chiều dài cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp nối sự nghiệp cứu nước và giữ nước của tiền nhân.

Trong ý thức trách nhiệm của một công dân Việt Nam, trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, tôi quyết định sẽ toạ kháng ngay trước nhà tôi khởi từ ngày 14/9/2008 trở đi để phản đối hành động bán nước, dâng hiến Hoàng Sa – Trường Sa cho Trung Quốc cách đây năm mươi năm.

Lý do tôi phải chọn hình thức đấu tranh này, vì tôi từng nộp đơn xin phép nhà nước để được biểu tình, để làm theo đúng pháp luật quy định của nhà nước, hầu không bị công an vô cớ đàn áp và vu khống như các lần tham dự biểu tình trước, nhưng đơn xin phép của tôi bị bác bỏ, và bản thân tôi lại bị hành hung.

Tôi khiếu tố và đơn khiếu tố ấy cũng bị tòa từ chối không giải quyết. Tôi không còn lựa chọn nào khác trừ phương thức đấu tranh toạ kháng ngay tại nhà tôi để thể hiện quyền bày tỏ thái độ của tôi, một quyền mà chính hiến pháp trong điều khoản 69 đã ghi rõ.

Và lần này, nếu nhà nước đàn áp, sách nhiễu, xử dụng bạo lực với tôi, hay thậm chí án tù với tôi, ít ra tôi cũng đã thể hiện qua chính sự an nguy của tôi cho cả thế giới được biết sự thật của đất nước này là không hề có tự do ngôn luận, cho dù là ngay tại chính nhà mình sở hữu.

Tôi cũng toạ kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của Nhà Nước này trước ngoại bang phương Bắc nhưng hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của người dân Việt Nam.

Đây chỉ là một việc nhỏ bé mà cá nhân tôi có thể làm trong lúc này. Dù là hành động nhỏ bé, nhưng với tinh thần đất nước là của chung, tôi xin kính cẩn kêu gọi mọi tầng lớp công dân Việt Nam, quý bác, quý chú từng hy sinh cuộc đời mình cho nền  độc lập của đất nước, các

anh chị và các bạn trẻ đang mong ước đất nước Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu với cộng đồng nhân loại, hãy cùng tôi bày tỏ thái độ và lòng yêu nước của mình ngay tại chính nhà của quý vị, bất cứ ngày nào khởi từ ngày 14/9 này trở đi, nếu quý vị cũng như chúng tôi bị ngăn cấm, không thể đến được nơi biểu tình ở Hà Nội vào 14/9 trước sứ quán Trung Quốc.

Mục đích duy nhất từ hành động toạ kháng của tôi là bày tỏ lòng yêu nước và nhắc nhở cho chính tôi cùng đồng bào tôi về mối nhục mất đất, mất biển, đồng thời tôi mong mỏi được sự hỗ trợ và đồng thuận của nhiều người qua các hành động cụ thể. Nếu tôi bị bắt giam thì chắc chắn “tội” duy nhất của tôi là đã dám công khai bày tỏ lòng yêu nước.

Vì yêu nước mà bị giam cầm, tôi rất sẵn sàng và hãnh diện đón nhận bản án tù ấy bất cứ lúc nào. Và nếu tôi bị bắt giam trước khi tôi có cơ hội toạ kháng tại nhà như ước muốn, tôi sẽ toạ kháng phản đối trong nhà tù.

Đối với tôi những khó khăn này rất nhỏ bé so với hy sinh của các bậc tiền nhân, của các vị cha chú đi trước tôi đã trải qua trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Kính mong!

Ngày 13 tháng 09 năm 2008

Công dân PHẠM THANH NGHIÊN

17 Phương Lưu 2, Phường Đông Hải,

Quận Hải An, Hải Phòng

03 —

Chút Kỷ Niệm Nhân Ngày Giỗ Bố

Tôi là con út trong gia đình có tám người con. Anh trai thứ hai của tôi, Phạm Thanh Bình qua đời chỉ sau 15 ngày tuổi. Anh sinh đúng chiều 30 Tết năm 1970. Mùa đông năm ấy, miền Bắc rất lạnh. Tám lần mẹ tôi sinh con, chỉ lần sinh tôi là bố tôi ở nhà. Ông là thủy thủ, lênh đênh trên biển trước khi lấy mẹ tôi. Năm tôi 4 tuổi, ông về hưu vì mất sức. Khi mẹ tôi sinh anh Bình rồi anh qua đời, ông cũng không ở nhà. Tôi may mắn nhất so với các anh chị. Giây phút tôi chào đời được gần cả bố lẫn mẹ. Bảy lần trước, mẹ tôi một mình cắp làn quần áo đi, rồi hôm sau bế đứa con đỏ hỏn về nhà. Sinh anh Bình, mẹ tôi được bà nội, chính xác là mẹ kế của bố tôi lên tận khoa sản thăm, cho ba lạng thịt. Anh Bình là đứa cháu duy nhất bà tôi chiếu cố. Bố mẹ và các chị tôi kể lại: Từ khi chào đời tới khi mất — tức 15 ngày tuổi — anh mở mắt chỉ một lần. Anh mở mắt rồi đi. Ông bác họ đóng cho cái quan tài nhỏ, quấn mấy lần tã rồi mang anh đi chôn.

Mẹ tôi khóc ngất. Anh Sơn, chị Yến, chị Oanh, chị Phượng lít nhít từ 1 đến 8 tuổi thấy mẹ khóc đều hoảng sợ khóc theo. Mấy người cô, người chú họ mỗi người bế một đứa, dỗ dành: “Đừng khóc, em Bình đi bộ đội đánh Mỹ, đánh Mỹ xong em về.”

Các tên đẹp, đặt hết cho anh chị cả rồi. Bố mẹ tôi nghĩ mãi không ra tên cho đứa út. Tìm cái tên vừa ý, lại không “phạm húy” không phải dễ.

Nghĩ mãi, bố tôi chép miệng:

– Đặt là Kim Liên đi, để kỷ niệm Làng Sen quê Bác

Mẹ tôi quả quyết:

– Không, các anh chị nó đệm là “Thanh”, giờ nó lại “Kim.” Tôi không thích. Đặt là Phạm Thanh Liên đi.

– Ừ thì Phạm Thanh Liên cũng được.

Bố tôi miễn cưỡng đồng ý. Mẹ tôi ra phường.Một hồi trở về, chìa tấm khai sinh cho bố tôi. Ông giãy nảy:

– Này, sao bà lại đặt tên con thế?

– Tên gì? Thì ông đồng ý rồi còn gì?

– Tôi bảo bà đặt tên con là Phạm Thanh Liên, sao bà lại “tha” cái tên Nghiên về thế này?

Mẹ tôi hốt hoảng, dí sát mắt vào tờ giấy khai sinh:

– Ơ, rõ ràng tôi nói Phạm Thanh Liên mà. Sao thành ra Phạm Thanh Nghiên thế này?

Thế là tên tôi, không do bố mẹ chọn mà “chú” công an hộ tịch vô tình đặt cho. Ông ta nghe thành Nghiêm, thành Nhiên, rồi Hiên. Khi ông ta cáu kỉnh hỏi mẹ tôi “Rút cuộc chị đặt tên cháu là Phạm Thanh Nghiên phải không?” thì đến lượt mẹ tôi nghe nhầm, tưởng ông ta nói đúng ý mình là Phạm Thanh Liên, nên gật đầu cái rụp: “Vâng!” Vả lại, thấy quan… cáu, ai mà khỏi cuống.

Bố mẹ tôi vì nhát, sợ gặp “chính quyền” nên không làm lại tên khai sinh cho tôi, đành ngậm ngùi để cái tên “vừa xấu, vừa khó đọc lại chẳng giống ai.” Nhưng không bao giờ bố mẹ, gia đình hay họ hàng gọi tôi bằng cái tên ấy. Tôi vẫn tưởng tên mình là Liên. Mãi tới khi đi học, tức lên 7 tuổi tôi mới biết tên thật của mình.

Năm tôi 6 tuổi, mẹ dẫn đi xin học. Ông hiệu trưởng chê tôi bé, không nhận. Tôi tha thẩn chơi ở nhà một năm. Năm sau, bố tôi đưa con đi. Vẫn ông hiệu trưởng ấy, vẫn ban giám hiệu ấy chê tôi “còi”, không nhận. Bố tôi đưa giấy khai sinh cho xem. Ông chê tên tôi xấu và phán:

– Chắc khai man tuổi. Tôi nhìn nó bé thế này, cùng lắm là 5 tuổi, chứ 7 tuổi gì mà bé như cái kẹo mút dở.

Bị vu vạ là “khai man” tuổi cho con, bố tôi tức lắm:

– Giấy trắng mực đen có đóng dấu nhà nước đàng hoàng mà ông vẫn nói khai man.

Bố tôi ấm ức bỏ về. Hôm sau, mẹ tôi cùng mấy cô hàng xóm đem giấy khai sinh, hồ sơ xin học đến trường. Giấy trắng mực đen, dấu đỏ nhà nước họ không tin. Họ tin mấy người hàng xóm làm chứng cho sự 7 tuổi của tôi.

– Nếu thầy không nhận thì cháu nó thất học. Năm ngoái tôi đã đến xin 1 lần rồi. Cháu nó đi học năm nay là thiệt mất một năm.

Mẹ tôi nài nỉ. Tôi học đến lớp ba vẫn phải có bố hoặc chị gái đứng cửa lớp kèm. Tôi nhát, nhìn lũ bạn học cũng sợ. Không có người thân đưa đón, đứng “trông”, tôi không học được. Tôi sợ lắm. Không hiểu sao tôi sợ con người và sợ mọi thứ như thế. Có lẽ, chỉ có bố mẹ và các anh chị em ruột mới làm tôi an tâm. Còn lại, tôi sợ hết.

Nhà nghèo, mẹ tôi xoay đủ nghề kiếm tiền nuôi các con. Từ bán rau, bán bún rồi đi mót than. Hồi tôi học lớp 4, lớp 5, tức khi bớt sợ con người rồi, tôi theo mẹ đi mót than. Mẹ kéo xe cải tiến đằng trước, hai đứa con út ra sức đẩy phía sau. Bố tôi về hưu mất sức. Ông ít khi đi đâu, ít giao thiệp, ở nhà nuôi lợn. Nhưng mỗi lần bán lợn tôi gào khóc thảm thiết, thậm chí quỳ thụp xuống lạy:

– Bố ơi, mẹ ơi tha cho em lợn đi. Cứu lợn với! Có ai cứu lợn không?”

Lần sau, bố mẹ tôi phải “trốn” về quê, đẩy trách vụ bán lợn cho anh rể lớn tôi.

– Hu hu hu, cứu lợn với! Mẹ bố anh rể, mẹ bố anh rể bán lợn của tao, hu hu hu.

Tôi gào khóc inh ỏi, sấn vào ôm con lợn bị trói dưới đất đang giãy giụa. Và chửi anh rể. Tôi chưa bao giờ chửi bậy. Đó là lần đầu tiên tôi biết chửi.

Từ đó, nhà tôi thôi nuôi lợn.

Không ít lần mẹ tôi ôm tôi khóc: “Yếu đuối, bé bỏng thế này thì mai sau sống làm sao được hả con?

Bố tôi sùng bái ông Hồ Chí Minh lắm, coi ông là thánh, cho rằng không có ông Hồ thì tất cả người dân Việt Nam đều bị Mỹ, bị Pháp đô hộ cho đến chết. Bố tôi lập bàn thờ ông Hồ. Hàng năm, cứ đến ngày 2/9, dù nghèo đến mấy nhà tôi cũng có thịt ăn. Vì đó là ngày “giỗ bác.” Tôi thích lắm, thích vì được ăn ngon hơn ngày thường. Mẹ tôi không sùng bái ông Hồ, cũng không ghét ông. Tôi “yêu” ông Hồ vì bố tôi yêu ông. Những năm cuối đời, bố tôi không còn ca tụng ông Hồ nữa. Thi thoảng tôi thấy bố tôi đạp xe rong ruổi phố phường. Từ ngày về hưu, tôi mới thấy ông chịu ra ngoài, và đi gặp bạn bè. Tôi nhớ có lần, đang xem thời sự ông đã cầm chiếc điều khiển tivi lẳng một cái suýt vỡ màn hình. Rồi hét: “Lũ lừa dân, quân khốn nạn. Đ.m quân cộng sản.”

Năm 2002, hai năm truớc khi ông qua đời, gần đến ngày 2/9 tôi hỏi:

– Năm nay nhà mình có giỗ bác không, hả bố?

– Sẽ không bao giờ có cái ngày ấy nữa. Để cho ông ta chết đi.

Tôi sững sờ. Ít hôm sau, tôi đi làm về, cái ban thờ ông Hồ biến mất. Mùa đông 2004, bố tôi qua đời vì ung thư phổi. Nhưng ông sẽ không bao giờ biết, sau khi cái ban thờ và ảnh ông Hồ bị gỡ xuống, tôi đã cắt tấm hình khác của ông ta rồi kẹp trong cuốn nhật ký.

Tôi vẫn tiếp tục “yêu” ông Hồ cho dù bố tôi đã hết yêu ông. Và bố tôi càng không bao giờ có thể tưởng tượng đứa con gái út bé bỏng, yếu đuối và sùng bái Hồ Chí Minh đến thế lại có ngày đứng trước tòa án cộng sản tuyên bố:“Đúng, đảng cộng sản Việt Nam là phản động!

Hôm nay, con viết những dòng này để tưởng nhớ 10 năm bố xa lìa chúng con. Con tin rằng bố không buồn vì những gì con đã làm.

Comments are closed.