Về Tản mạn văn hóa, văn nghệ và… văn gừng của Nguyễn Thanh Văn

Hoàng Hưng

Trong 23 bài “tản mạn” của Nguyễn Thanh Văn đăng trên Văn Việt trong hai năm 2019, 2020, Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê bình tập trung vào loạt 14 bài viết về Thiền – Thiền tông – Thiền học và Phật pháp – Phật giáo.

Trong loạt bài này, với lối viết “tản mạn” mang tính “hí luận”, tác giả đã tóm lược khá toàn diện những đặc điểm của Phật giáo, Phật pháp Trung Hoa và Nhật Bản – hai nguồn ảnh hưởng lớn nhất của Phật giáo, Phật pháp Việt Nam suốt ngàn năm (ảnh hưởng Trung Hoa) và sau 1954 (ảnh hưởng Nhật Bản).

Tác giả đi khá sâu vào hai đề tài: Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, Thiền – Thiền tông – Thiền học.

Nổi bật trong đó là tinh thần “giải hoặc” một số định kiến lâu nay mà ông cho là sai lầm trong sự hiểu Phật pháp, không những của người ngoại đạo mà cả của giới Phật tử do chủ trương của những nhà hoằng pháp trong lịch sử, đặc biệt là Trung Hoa, thông qua kinh sách được soạn ra vài trăm năm sau khi Giáo chủ Thích Ca tạ thế, mà ông gọi là “vết trượt” đáng cảnh báo.

Lời kêu gọi tha thiết của tác giả nhất quán trong tất cả các bài viết: hãy trở về nguồn cội là những lời dạy giản dị mà thâm sâu của Đức Giáo chủ, Ông Thầy, Nhà Sư phạm Thích Ca Mâu Ni đã được ghi lại trong mấy bộ kinh nguyên thuỷ (Kinh Bộ/Nikāya và Kinh A Hàm/Agāma), đã bị bỏ qua hoặc làm lơ trong hầu hết kinh sách “Đại thừa” vì mục tiêu thực dụng là chinh phục đông đảo chúng sinh.

Với bạn đọc người Việt có quan tâm về văn hoá Phật giáo và văn hoá phương Đông ở mức tổng quát, nếu những bài phản biện về kinh sách nói trên không dễ nắm bắt và định giá, thì những bài viết về Thiền, Thiền tông, Thiền học của tác giả có giá trị “giải hoặc” rõ rệt. Hầu như người đọc Việt Nam đã bị định hướng kiến thức về Thiền từ bộ Thiền Luận của tác giả Nhật Bản Suzuki, thậm chí có thể nói đó cũng là bộ sách “khai tâm” về tư tưởng, triết lý Phật pháp của phần lớn người có học trong những năm 1970. Loạt bài về Thiền của Nguyễn Thanh Văn đã cho ta cái nhìn tương đối tổng quát về lịch sử, nội hàm của khái niệm và chỉnh lại những nhận thức sai lầm phổ biến lâu nay, như đồng nhất “Thiền” với Phật pháp, Thiền tông với Phật giáo. Liên quan đến văn học, tác giả đã có bình điểm thú vị về “Thơ Thiền” Nhật Bản và Việt Nam và yếu tố đặc dị của “thơ Thiền” Việt Nam: yếu tố sex!

Ban Xét Giải Văn Việt lần thứ Sáu về Nghiên cứu Phê bình không dám quyết đoán về sự đúng/sai của những ý kiến mang tính chuyên sâu về Phật học của tác giả Nguyễn Thanh Văn trong loạt bài đã đăng trên Văn Việt, nhưng ghi nhận công phu tham khảo tư liệu, lập luận sắc sảo, tư duy độc lập và tinh thần phản biện, cũng như văn phong tuy có sự dàn trải, thiếu sự diễn giải lớp lang, dẫn đến có phần khó nắm bắt, nhưng rất lý thú vì tính tranh biện mở như một màn “đấu vật trí tuệ”, và tính giễu nhại khi thường xuyên tham chiếu thực tiễn cười ra nước mắt của Phật giáo Việt Nam và thế giới khi “tôn giáo” nhiều khi chỉ còn là “tín ngưỡng” sa đoạ thành “mê tín”.

Đây là một đoạn thể hiện văn phong “hí luận” cũng như tinh thần “về nguồn” của Nguyễn Thanh Văn:

“Muốn nói Thiền trong quan hệ với Phật pháp – và Phật giáo – tất nhiên trước hết không thể không tự hỏi Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo dạy gì về Thiền, đặt Thiền ở vị trí nào trong việc tu học để Giải Thoát. Không có ý thức về chỗ tối hệ trọng này thì hỏi có Phật, có “Phật” Đạo mô nữa mà bàn Thiền nhà Phật! Nói khác đi bàn Thiền cứ bàn, rằng Thiền nhà ta chấp cả vạn Thiền thiên hạ cứ nói, nhưng không nên thiếu minh bạch khi không rõ Thiền Đấng Giác Ngộ trực tiếp giảng dạy thế nào, quy vào để làm nguyên tắc – tiêu chí sinh tử! – đã vội Thiền ta mới đúng bản ý Phật, Thiền ta mới là Phật giáo, mới là “đạo dòng” và “chân truyền”. Để thêm ấn tượng cho dạng tín đồ thắp nén hương, cúng được nải chuối đã nằn nỉ Phật Tổ hứa cho trúng số quốc tế (!) và thăng tiến – không kết quả nhãn tiền ắt chuyển qua Phật khác (có cả vạn Phật kia mà!) – và sính một thứ tâm linh càng lù mù càng hứng khởi, càng hâm mộ, không thiếu đạo sư, tác giả trong và ngoài nước – ngoài nước là chủ yếu – ngoài chuyện tung tin mới đào được kinh Phật đâu đó mà tôi lưu ý ở trên, là cách giải thích ai đó mới nhập vào Cung Trời Đâu Suất đem bí kíp Thiền về. Có nguồn nói rõ do Đức Văn Thù Sư Lợi hay Đức Thiện Tài Đồng Tử hay Bồ Tát Quan Âm trực tiếp truyền dạy cho mà không rõ ba vị là những nhân vật hư cấu do Kinh Kệ Đại Thừa đẻ ra, có tính biểu tượng, ví dụ cho Tuệ Trí, cho đức Từ Bi hay Biện Tài với mục đích giáo huấn. Nghe nội dung để hiểu Thông Điệp Tôn Giáo, chiêm nghiệm Lẽ Đạo thì còn đúng ý người chế kinh, còn bảo vụ ra mắt, trực tiếp nhận bí kíp thì hoang đường chẳng khác chi chuyện gặp gỡ Tôn Ngộ Không hay Ngưu Ma Vương học võ nghệ!”

Tuy không nhận được đủ phiếu bầu chọn cho Giải Chính thức về Nghiên cứu Phê bình, loạt bài của Nguyễn Thanh Văn đã được Chủ tịch Hội đồng Giám khảo tặng Giải của Chủ tịch.

Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Thanh Văn.

Comments are closed.