Phạm Thanh Nghiên
Kính gửi Ban Vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập!
Kính gửi Hội đồng Giải Văn Việt!
Không khỏi bất ngờ khi nhận được e-mail từ nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, thông báo việc tôi nhận được một giải thưởng của Văn Việt cho bút ký Những mảnh đời sau song sắt. Tôi thật sự lấy làm vinh dự cho việc chọn lựa này, vì quả thực, tôi chưa bao giờ nghĩ một kẻ “tay ngang” về viết lách như mình lại có thể nhận được sự chú ý từ những nhà văn chuyên nghiệp và có tên tuổi từ Văn đoàn Độc lập, một trong những nhóm hoạt động dân sự tự do ít ỏi còn giữ được hoạt động ở Việt Nam, sau 2020 đến nay. Tôi hãnh diện được gọi tên, vì Văn đoàn Độc lập là nơi quy tụ nhiều cây bút tự do đang hiện diện ngay trong lòng chế độ, nơi mà mọi thứ đều bị kiểm duyệt hoặc cấm đoán.
Tôi tin mình không phải một nhà văn và có lẽ mãi mãi sẽ không trở thành một nhà văn. Trong suy nghĩ đơn giản của tôi, Nhà Văn là một điều gì đó thật đặc biệt, đẹp đẽ và cao quý. Tôi chỉ là một người cầm bút “bất đắc dĩ”, ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy từ chính cuộc đời mình.
Không chỉ là từ nhà tù. Tôi đã ghi lại mọi điều mình thấy, từ những con người trong xã hội này.
Đó là bao người cha, người mẹ đi làm mỗi ngày từ 10 đến 12 tiếng vẫn không đủ tiền nuôi con ăn học.
Đó là những bà mẹ được gọi tên là “mẹ Việt Nam anh hùng”, mang di ảnh con mình đến các trụ sở tiếp dân để đòi đất đai, nhà cửa bị chiếm đoạt trong vô vọng.
Đó cũng là những chàng trai, cô gái mang danh công dân Việt Nam phải sang xứ người bán thân, bán sức lao động với hy vọng đổi đời.
Là người đồng bào ruột thịt của mình chết ở bệnh viện được người thân bó chiếu chở trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ về nhà vì không đủ tiền chữa bệnh, không đủ tiền thuê nổi một chuyến ô tô.
Và trong đó có cả những kẻ đầy chức quyền sống phè phỡn, trong khi bao nhiêu đứa trẻ không được đến trường, không đủ cơm ăn và áo mặc.
Là những ngư dân khốn khổ bị bắt, bị giết trên biển bởi những “kẻ lạ” mà không lạ.
Là bạn bè tôi bị bắt hôm qua, hôm nay chỉ vì xuống đường biểu tình ôn hoà đấu tranh cho toàn vẹn lãnh thổ, hay dám bày tỏ quyền tự do ngôn luận.
Là thằng Khoai Tây, thằng Quốc Khánh, thằng Phê, con Súp Lơ… mãi mãi vô danh trên thế giới này, như bao nhiêu đứa trẻ khác theo mẹ đi tù.
Là chị Cúc, chị Lan, chị Bạo, chị Thìn, là bao thân phận tù nhân khốn khổ phải vùi xác trên Núi Mành trong lặng câm, hờn tủi.
Tôi để lại trong quyển sách đó đời tôi, và một chặng đường của người Việt nói chung đã đi qua và nhìn thấy, có uất nghẹn hay hờn căm. Khi cuốn sách được in ra, nó đã là danh thiếp chung của những người Việt chúng ta qua một giai đoạn cam go, và rồi chắc sẽ còn cam go nữa. Sách và giải thưởng hôm nay, với tôi, là niềm vui nhưng đó cũng là lời mời gọi những nhà văn, những cây bút chuyên nghiệp hãy đặt xuống sức mạnh quan sát và niềm hy vọng tự do của mình để người Việt còn một cơ may nhìn lại, đọc lại, nghe lại sự thật trên đất nước mình.
Tôi xin đặt ở đây sự biết ơn và lòng kính trọng.