Về những yếu tố tiểu thuyết trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu

Phạm Vĩnh Cư

Ai theo dõi hai thập kỷ sáng tác của Nguyễn Minh Châu đều không thể không thừa nhận một sự thật khá nghịch lý: Nguyễn Minh Châu viết nhiều tiểu thuyết, từ Cửa sông đến Mảnh đất tình yêu, tất cả 8 cuốn, trong đó đôi ba cuốn được tái bản nhiều lần, được công luận nhiệt liệt hưởng ứng, ngợi khen: nhưng cái mà nhà văn để lại cho đời lại không phải là những tác phẩm dài hơi ấy, mà là dăm ba truyện ngắn in rải rác trên báo chí, trong các tập truyện cuối đời của anh. Dù những trang viết ấy xuất hiện tự bao giờ, bảy tám năm về trước hay cách đây vài ba tháng, chúng dường như được viết cho con người ngày hôm nay, chúng can dự vào những vấn đề vừa nóng bỏng, vừa trường cửu của cuộc sống, xúc tác trực tiếp từ dưới dòng chảy sâu kín cho tiến trình vận động hôm nay của văn học nước nhà, trong khi ấy thì lọc lại những trang tiểu thuyết đã từng làm náo động dư luận – Cửa sông, Dấu chân người lính, Miền cháy… ta không khỏi có cảm giác trở về với ngày hôm qua của văn học, mặc dù từ những trang viết ấy vẫn toát lên cái tài năng không thể nghi ngờ ở tác giả. Vì sao lại như vậy – Nguyễn Minh Châu đã cố gắng tự trả lời trong bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa mà tất cả chúng ta đều còn nhớ. Cảm phục bầu tâm huyết đối với sự nghiệp đổi mới, tán đồng thái độ phê phán và tự phê rất thành khẩn ở nhà văn đã quá cố, tôi vẫn muốn được tranh luận thêm với anh về một vài điểm cứ cho là nhỏ nhặt. Có phải nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động minh họa cho đường lối chính trị là đối nghịch với bản chất văn nghệ hay không? Trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt như hai cuộc kháng chiến của chúng ta vừa qua, một nền văn nghệ gắn bó với vận mệnh của dân tộc làm sao có thể không tuyên truyền, không cổ động, không minh họa? Vấn đề ở chỗ nó huy động những lực lượng, những phương tiện gì, ưu tiên sử dụng những loại hình nghệ thuật nào? Những bài hát kháng chiến của chúng ta cho đến nay vẫn không cũ đi tí nào, không mất đi một tí nào sức truyền cảm, giá trị thẩm mỹ của chúng, mà đó chính lại là những bài hát cổ động. Với thơ trữ tình, các thể văn ký – chính luận, tình huống cũng gần gần như thế. Nhưng bạn thử đọc lại những tiểu thuyết kháng chiến… Ở đây thì lại khác hẳn. Ở đây mục tiêu cổ động minh họa được đặt lên hàng đầu làm lấn át các mục tiêu khác mà hệ trọng hơn cả là mục tiêu nhận thức khám phá hiện thực đã phương hại không gì cứu chữa nổi đến sức sống, đến giá trị nghệ thuật khách quan của những sáng tác ấy.

Continue reading “Về những yếu tố tiểu thuyết trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu”