Mẹ tôi, thơ Pháp Hoan, ám ảnh, và Hauntology

Đoàn Công Lê Huy

 

Đêm qua mạ nằm chộ, thấy con chặt cả bội mía đi chợ. Mà trời cứ mưa hoài mưa huỷ bán không ai mua hết. Mạ khóc, tỉnh dậy nước mắt vẫn còn ướt đây nì.

Mẹ tôi 95 tuổi. Mẹ nằm nghỉ ngơi đã mấy năm nay. Nhờ trời và nương vào chăm sóc đặc biệt của chị em tôi, mẹ tôi vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn.

Thật ra, nghèo đói không phải là ám ảnh lớn nhất của mẹ tôi. Cha tôi mới là lớn nhất, dai dẳng nhất. Sáng nay mẹ tôi kể với chị thứ hai của tôi câu chuyện bán mía đó. Nhưng thường thì mẹ tôi thở than về cha tôi. Nhiều khi thở than thành tiếng, rên lên thành lời: Mạ nhớ ba con quá, trời ơi! Hoặc: Ăn chi cũng không quên. Đã 56 năm rồi mà răng ăn chi cũng không quên cả là răng? Rồi mẹ vừa khẳng định vừa dạy chúng tôi: Ăn cả lu muối mè cũng không thể tìm ra được một người như ba con mô! Thường thì mẹ tôi thận trọng. Có lúc không chịu được, đã nói riêng với thằng rể út của mẹ tôi là một bác sĩ: Con có cái viên thuốc chi cho mạ uống để mạ đỡ nhớ ba con không?

Cha tôi là công nhân hoả xa, nghề chính là sửa chữa cầu đường sắt, đơn vị công tác là Hạt Thiết kiều Đà Nẵng. Cha tôi cao lớn, khoẻ mạnh, khéo tay và hào hiệp. Ngoài nghề chính, ông còn tự chế tạo, sản xuất thủ công bếp dầu, hồi đó gọi là rề-sô (réchaud). Nuôi đủ cả nhà và giúp đỡ bà con, họ mạc, lối xóm.

Thế rồi, đột nhiên, ba tôi chết. Chết thật dễ dàng, chết thật tình cờ. Chết ngay lập tức. Vì tai nạn chiến tranh. Một quả đạn, một quả bom, hoặc một quả mìn gì đó đã giết chết ngay lập tức hai người công nhân, trong đó có cha tôi. Ngay cạnh cầu Truồi. Vào ngày 18 tháng 11 năm 1968, tức ngày 28 tháng 9 năm Mậu Thân.

Trước ngày cha tôi mất, nghề nghiệp của mẹ tôi là nội trợ. Sau ngày cha tôi mất, mẹ tôi làm đủ thứ để nuôi con. Thời hậu chiến là khó khăn nhất, để lại ám ảnh lâu dài như câu chuyện giấc mơ bán mía mẹ tôi đã kể sáng nay.

Nhân chuyện ám ảnh, tôi xin kể sang chuyện khác. Gần đây tôi mới biết đến tài khoản của thầy Pháp Hoan trên Facebook. Thầy là nhà thơ, thầy còn dịch thơ thiền, thơ cổ điển, thơ haiku đọc rất rung cảm. Thầy Pháp Hoan còn rất trẻ, độ tuổi 30. Không biết thầy xuất gia theo hệ phái nào. Có người gọi là sư. Còn tôi, suy đoán thầy theo Bắc tông, nên tôi gọi là thầy.

Một hôm, rất hiếm hoi, thầy bộc bạch: Anh H. quê ở Huế hay Hà Nội? Pháp Hoan quê ở Gio Linh.

Tôi trả lời: Tôi quê ở Huế. Có gì chung giữa một tâm hồn nhạy cảm và ngôn ngữ thơ cao khiết như tuyết trên núi cao với một địa danh tàn huỷ đạn bom của thế kỉ 20 đó không, thưa thầy?

Tôi nghĩ bụng, chắc là xa xôi lắm. Nhiều khi chỉ là một địa danh mơ hồ mà người trẻ như thầy chỉ đôi lần thấy qua trong gia phả huyết thống của gia đình mà thôi.

Rồi một ngày, tôi đọc câu thơ của thầy, "những người lính nằm chết trên cánh đồng mạ non mọc ra từ cổ họng", tôi giật mình: Gio Linh!

Dưới đây là bài thơ của thầy Pháp Hoan:

 

Mẹ tôi kể

Mẹ kể trong vườn nhà tôi có một trái bom chưa nổ, vùi sâu dưới lớp đất đá đã mấy chục năm qua, không ai biết vị trí chính xác của nó. Với mẹ, trái bom theo thời gian đã trở thành một phần của khu vườn, một phần ký ức của mẹ.”

 

Mẹ tôi kể

khi cỏ cây thôi xao động trong vườn

khi con chim ngủ yên trong tổ ấm.

Mẹ kể về những trái bom

dội lên những mái nhà

như táo mùa thu chín rụng.

Mẹ kể về những người lính

nằm chết trên cánh đồng

mạ non mọc ra từ cổ họng.

Mẹ kể về những dòng sông

về đất nước thời tuổi thơ của mẹ

nơi những ký ức vẫn âm thầm ngủ

như trái bom ngủ quên trong vườn

mỗi đêm nằm trên giường

tôi luôn nghe thấy tiếng đập của nó

sâu trong lòng đất đá

bốn mươi bảy năm qua

trong khu vườn những giấc mơ của mẹ.

 

Vậy là, thầy là Gio Linh. Gio Linh không hề rời thầy. Dù thầy là thế hệ thứ hai rời xa quê hương. Ám ảnh truyền lại qua kí ức của mẹ thầy. Ám ảnh truyền lại từ tàng thức của mẹ. Ám ảnh truyền lại từ vô thức của cộng đồng. Ám ảnh truyền lại qua gien văn hoá của con người và cộng đồng. Để rồi từ đó, âm thanh của chiến tranh cứ náo loạn mãi trong lòng thầy, vượt lên định lực của một nhà tu hành vô cầu vô uý.

Trong một chùm 41 bài thơ haiku khác, thanh thoát và dịu hiền, tĩnh tại, thầy viết:

 

Phật trong thơ Haiku

Tác giả: Pháp Hoan (法歡)

—————–

1

Tượng Phật trên đồng

theo thời gian khoác

áo màu rêu phong.

2

Gió thu miệt mài

đưa dòng nước thắm

đến chân Phật đài.

3

Tượng Phật niết bàn

sáng hôm nay khoác

áo màu triêu nhan.

4

Cởi áo cà sa

sáng nay tôi đặt

dưới chân Phật đà.

5

Sỏi đá lô nhô

đầu Phật hiển lộ

trong lòng suối khô.

6

Tiếng dế vang ca

bên trong lỗ đạn

trên thân Phật đà.

7

Trong ngôi chùa hoang

nở trên tay Phật

một nhành triêu nhan.

8

Kìa cánh bướm già

đậu trên chóp mũi

Phật A Di Đà.

9

Tượng Phật bỏ hoang

bên trong tay áo

cáo chồn kêu vang.

10

Đầu Phật Di Đà

nằm lăn lóc giữa

muôn nghìn bông hoa.

11

Ở giữa cánh đồng

trên đầu tượng Phật

quạ đen bay vòng.

12

Mưa đá đi qua

muôn hạt nhảy múa

trên thân Phật đà.

13

Tượng Phật không đầu

trăng thu tìm thấy

trong lòng suối sâu.

14

Rêu cỏ đơm hoa

lấp đầy lỗ đạn

trên thân Phật đà.

15

Bóng tối nhẹ lan

sách và tượng Phật

nằm im trên bàn.

16

Tượng Phật mỉm cười

nhìn cây mận trắng

nở trên ngọn đồi.

17

Nghe tiếng thông reo

chư Phật ba cõi

cũng đồng tụng theo.

18

Bỉ ngạn đơm hoa

từ ngôi mộ cổ

đến chân Phật đà.

19

Hoả châu rạng ngời

tượng Phật trên điện

giữ nguyên nụ cười.

20

Mưa mùa xuân bay

người thương binh ngắm

tượng Phật gãy tay.

21

Ánh chớp chói loà

mặt cáo lấp ló

sau lưng Phật đà.

22

Chùa đã sập rồi

giữa đống đổ nát

tượng ông Phật ngồi.

23

Tuyết đã xuống rồi

mau mang tượng Phật

chẻ làm củi thôi!

24

Côn trùng kêu vang

bên trong tượng Phật

ngôi chùa bỏ hoang.

25

Chùa núi sáng nay

trên đầu tượng Phật

phân chim phủ đầy.

26

Hoạ mi hát ca

khi vừa đậu xuống

bờ vai Phật đà.

27

Chinh chiến điêu tàn

tượng Phật nằm sấp

trên đồng cỏ hoang.

28

Chùa trong miền núi sâu

tượng Phật đội vương miện

bằng triêu nhan trên đầu.

29

Cơn mưa rào đi qua

rửa đi làn bụi mỏng

ở trên thân Phật đà.

30

Quả anh đào đỏ tươi

đứa trẻ tinh nghịch đặt

vào miệng ông Phật cười.

31

Những ngọn đồi đơm hoa

có phải tôi đang ở

trong giấc mơ Phật đà?

32

Trong màn tuyết trắng tinh

ở dưới chân tượng Phật

uất kim hương cúi mình.

33

Qua đêm này nữa thôi

quả mướp kia sẽ chạm

lên đầu ông Phật ngồi.

34

Nếu muốn gặp Phật Đà

hãy lắng nghe tiếng gió

trên tán cây tùng già!

35

Chiều mùa xuân tới rồi

đổ lên trên tấm chiếu

bóng một ông Phật ngồi.

36

Lồng đèn treo trước sân

soi khuôn mặt đức Phật

và hoa mơ trắng ngần.

37

Dưới ánh trăng dịu hiền

thứ tôi thấy đầu tiên

là nụ cười Đức Phật.

38

Kiến cánh bay đầy trời

chú tiểu vội thổi tắt

nến dưới chân Phật đài.

39

Vầng trăng sáng giữa trời

bóng một con quạ đậu

trên đầu ông Phật ngồi.

40

Trong ngôi chùa bỏ hoang

ở dưới chân tượng Phật

bồ công anh nở vàng.

41

Ba vạn sáu ngàn ngày

tàn dần như xác nến

ở dưới chân Phật đài.

Trong 41 bài haiku viết, xin nhắc lại, trong định lực của chánh niệm và sự an tĩnh của trí tuệ của một nhà thơ xuất gia, chúng ta thấy có 5 bài trực tiếp nói lên rằng, thi ảnh và thi tứ của thầy chưa hề ra khỏi bối cảnh chiến tranh, dù nó đã lùi rất xa cả không gian và thời gian so với thế hệ của thầy. Đó là các bài số 6; 14; 19; 20; 27.

Vậy ra, hẳn nhiên, nơi chiến tranh đi qua, thì, ám ảnh chiến tranh còn lại mãi. Như Lão Tử nói, nơi binh đoàn đóng quân 50 năm sau cỏ không mọc nổi. Hay như Platon nói, quyết liệt hơn: Chỉ người chết mới thấy được ngày tàn của chiến tranh.

 

MỘT ĐẤT NƯỚC CHIẾN TRANH

Xem xét tư liệu lịch sử, thấy ghi rằng: Tính ra, nhân dân Việt Nam đã tiến hành hơn 210 cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm lên đến 12 thế kỷ, chiếm hơn một nửa thời gian lịch sử. Hầu như không có thế kỷ nào Việt Nam không phải kháng chiến chống xâm lược.

Ngoài những cuộc kháng chiến chống xâm lược và chủ động tấn công giặc ngoài, còn có những cuộc tranh quyền đoạt vị trong nội bộ cung đình, những cuộc nội loạn, khởi nghĩa nông dân, những cuộc hỗn chiến giữa các phe phái tướng lĩnh, giữa miền xuôi với miền ngược, giữa những tập đoàn quân phiệt cát cứ và các lãnh chúa địa phương, các cuộc nội chiến, phân tranh kéo dài hàng thế kỉ.

Hơn 210 cuộc chiến tranh chia cho 4 nghìn năm thì trung bình 19 năm 1 cuộc. Nói như Lão Tử và Platon đã dẫn ở trên thì có lẽ, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không lúc nào có tình trạng hoà bình trong lòng mình.

Chiến tranh chống ngoại xâm thường là nhanh. Lâu như kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi – Nguyễn Trãi cũng chỉ 10 năm. Những cuộc nội loạn và nội chiến mới thực sự là dài, chiến tranh Lê – Mạc lần thứ nhất kéo dài 59 năm. Lần thứ hai 85 năm. Giết chết 3 triệu người dân và binh lính.

Khởi nghĩa Hoàng Công Chất 30 năm. Khởi nghĩa Lê Duy Mật 30 năm. Nổi dậy Đá Vách thời Nguyễn 94 năm. Kéo từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát qua các triều chúa Nguyễn Phúc Thuần, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Tôi là người nông nổi và thiển học. Tôi không biết có một dân tộc nào, một sắc dân nào khác trên thế giới có hoàn cảnh chiến tranh đặc biệt như dân tộc Việt Nam, như con người Việt Nam ta không?

Có lẽ dai dẳng và sống mái như vậy nên dân tộc Việt Nam ta bị chảy máu kéo dài, người Việt Nam ta bị nội thương nghiêm trọng. Với người ngoài sau chiến tranh mà dễ hoà giải, anh em đồng bào với nhau thì thù hận ngút trời, thề không đội trời chung mãi mãi.

Con người vốn bất toàn. Nhưng chiến tranh còn khiến cho ta không còn là con người, với nhân tính của mình. Hệ luỵ nghiêm trọng nhất chính là di chứng bạo lực. Nếu có hơn một lựa chọn thì dân ta chọn ngay bạo lực. Nếu có hai ông Phan thì ông Phan bạo lực sẽ được đa số ủng hộ. Nếu có hơn hai giải pháp thì dân ta sẽ chọn ngay giải pháp bạo lực. Nếu có hơn một con đường thay đổi thì người dân ta chọn ngay con đường bạo lực. Dứt khoát vậy, trước sự bất lực của bao bậc thức giả, thông tuệ , có tầm nhìn viễn kiến và trách nhiệm trong lịch sử, ít ra là từ đầu thế kỉ tới nay.

Và ngày hôm nay, trong mọi cuộc thảo luận chúng ta khó có ôn hoà. Phân cực và chia rẽ ngay lập tức, cũng trong bạo lực-bạo lực ngôn từ. Những người nhạy cảm thường tổn thương, tuyệt vọng, và cả lo lắng nữa, về điều này, không phải với quá khứ đã qua, mà cho tương lai chung. Chúng ta phải tìm lại con người, để cùng đi bộ trên đường làng, để dịu dàng trò chuyện về quê hương thanh bình.

 

HAUNTOLOGY

Ngày nay, có một ngành học có vẻ còn khá mới mẻ ở ta. Đó là hauntology. Đọc là on-to-lo-gi. Tiếng Việt có thể tạm gọi là ám ảnh học, hôn ám học, ma ám học. On-to-lo-gi theo tôi hiểu, là ngành học/nghiên cứu về sự trở lại và bám víu không ngơi nghỉ của những hình ảnh, trải nghiệm đã nhập vào vô thức, tàng thức, ý thức của mỗi cá thể con người, cộng đồng.

Nhóm triết học đại chúng trẻ tuổi Hội Đồng Cừu định nghĩa: Hauntology gồm hai thành tố hợp lại, HAUNT là ám ảnh, và ONTOLOGY là có tính bản thể. Hauntology là một nhóm những ý tưởng triết học về việc các sản phẩm văn hoá, chính trị, xã hội, căn tính đương đại… tiếp tục bị ám ảnh và bị chi phối về mặt cấu trúc, diễn ngôn bởi các hiện tượng tưởng chừng đã CHẾT hoàn toàn trong quá khứ.

Một nhóm truyền thông xã hội trẻ khác, Spiderum, định nghĩa: HAUNTOLOGY là BÓNG MA TỪ QUÁ KHỨ. Khi nghe một bản nhạc, vào mỗi một khoảnh khắc duy nhất thì chúng ta chỉ có thể nghe thấy được một nốt nhạc vang lên. Nhưng những nốt nhạc đã được nghe phía trước đó (dù âm vang của nó không còn nghe thấy nữa) vẫn "ám" vào cái trải nghiệm nghe nốt nhạc hiện tại của chúng ta. Đó chính là sự pha trộn giữa quá khứ vào hiện tại để tạo nên một giai điệu.

Hauntology cũng là Ám ảnh bản thể. Ám ảnh bản thể là một khái niệm về một cái bóng mờ từ quá khứ ám vào hiện tại, và cái thứ nằm trong tiềm thức của con người này sẽ tác động lên các hoạt động trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Đôi khi dễ nhận ra, nhưng đôi khi lại không thể thấy được. Nó vừa là một món quà, vừa là một thứ khó chịu, và chúng ta không thể chạy thoát khỏi nó.

 

TRỊ LIỆU, HỒI SINH VÀ ĐI TỚI

Bất luận định nghĩa là gì, tôi ước mong sao mục đích nghiên cứu của các bạn trẻ phải là vấn đề trị liệu. Trị liệu một di chứng bệnh lí về tâm thức.

Nếu không trị liệu thì cứ để giống như mẹ tôi, chờ cho đến lúc người sức tàn lực kiệt và ám ảnh chấm dứt vào ngày người rời đi khỏi cuộc sống này. Nhưng, ám ảnh liệu có vĩnh viễn đi theo người hay chúng nằm lại với chúng ta như một câu chuyện còn dang dở?

Nếu chúng ta không hoá giải ám ảnh thì rất nhiều người cứ mãi là "những người phụ nữ cô độc/vật vã bên những mộ bia…"?

Nếu chúng ta không hoà giải quá khứ thì thần hồn nát thần tính, là tiếp diễn "điên loạn vào trang kinh buồn của dân tộc", "dẫn dắt oán thù vào sâu trong mê cung của dối lừa"?

Nếu chúng ta không trị liệu thì mãi "nụ cười còn mang sắc thái thù hận giống nòi"?

Nếu không trị liệu tâm lí, chúng ta có thực sự khoẻ mạnh về thân và tâm? Hay "đất nước chúng ta yếu đuối đất nước bệnh"? "Đất nước chúng ta mệt mỏi đất nước chúng ta không ra hoa"? "Chúng ta không nhớ chúng ta không quên, làm thế nào chúng ta đi lên phía trước"?

Thì khi nào chúng ta mới "nâng lên cao mặt trời của lý trí/soi qua những vùng đất điêu linh", dịu lại những vùng đất Gio Linh?

Khi nào chúng ta thôi “co mình chịu đựng từ những ký ức đớn đau”?

Khi nào chúng ta “dựng lại những quán trọ đổ nát thiếu vắng tình yêu”?

Để ta "trở lại sự lãng mạn ban đầu"?

Chính lúc ấy, là lúc đã “nở ra bông sen trên bàn tay đối đáp". Chúng ta biết nói chuyện cùng nhau.

Để đâu đó "trên bản đồ của lương tâm. Một vùng đất từng là chốn nương thân. Một vùng đất từng làm ta khổ đau cùng tận. Sẽ trở lại là một vùng đất bé nhỏ xanh tươi uốn lượn".

Là lúc, ta "sẽ ra đồng và gieo những bài ca".

Là lúc ta nhận ra "đá không là vàng, củi không là thóc/và lửa đạn không mang lại vinh quang". (*)

Những ngày cuối tháng Tư này Huế nóng 40 độ bách phân. Tôi chạy bộ trên đồng lúa, chạy qua Rào-Lợi Nông, chạy trên đường chiến lược ngày nào nay là đường Dạ Lê, chạy vào ngôi trường tiểu học Dạ Lê Thượng có tuổi đời gần một thế kỉ, nơi có chú bé lớp ba B ngồi trong lớp nhìn ra hành lang lớp học và thương xót người mẹ dừng chân chạy loạn qua đây, bắc gạch nấu bữa cơm chiều và cho con bú. Đứa bé bú mẹ đó nay đã thành bà nội bà ngoại, giờ họ ra sao rồi kể từ mùa hạ năm ấy? Tôi nhìn thấy những bóng hình kỉ niệm, những ám ảnh đã xa. Tôi lại suy tư về hauntology. Nghĩ về những bóng ma không bao giờ chết. Nó vẫn còn đó và luôn trở lại. Hiện tại đang mang thai tương lai. Lần sinh nở luôn có khán giả là những bóng ma của quá khứ. Có những sự sẩy thai mà như là phá thai nếu chúng ta không biết thật tâm chăm sóc y tế về tâm lí và trị liệu./.

Huế, 22.4.2024

———

(*) Những chữ trong ngoặc kép là trích dẫn ngôn ngữ thơ của thầy Pháp Hoan.

Thơ Langston Hughes

Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Anh

344364041_991661355348688_8551478529297843228_n

 

ANH CHÀNG DA ĐEN NÓI VỀ NHỮNG DÒNG SÔNG

 

Tôi biết những dòng sông:

Những dòng sông cổ xưa như thế giới

và lâu đời hơn những gì đang chảy

trong mạch máu con người.

Như những dòng sông của cuộc đời

linh hồn tôi đã trở nên diệu vợi.

Continue reading “Thơ Langston Hughes”

17 bài thơ của Ingeborg Bachmann

 

Pháp Hoan chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Đức.

 

 

Ingeborg Bachmann (1926-1973) là nhà thơ, nhà văn người Áo, một trong những nhà thơ quan trọng nhất trong văn chương hậu chiến Đức thế kỷ 20, nổi tiếng với hai tập thơ Thời gian kéo dài (Die gestundete Zeit) và Tiếng gọi từ chòm sao Đại Hùng (Anrufung des Grossen Bäre). Bachmann được biết đến trên văn đàn Áo khi tham gia vào nhóm văn học huyền thoại Nhóm 47 (Gruppe 47), gồm nhiều tên tuổi lớn trong văn học Đức – Áo thời đó như Ilse Aichinger, Günter Grass, Heinrich Böll, Marcel Reich-Ranicki và Paul Celan (tình nhân của bà). Thơ của Ingeborg Bachmann tập trung khai thác những khía cạnh triết học trong ngôn ngữ (chính bản thân bà cũng từng theo học triết học và bảo vệ luận văn tiến sĩ về Heidegger). Những tác phẩm sau này của bà chịu ảnh hưởng bởi triết gia đồng hương Ludwig Wittgenstein. Nhiều tác phẩm văn xuôi của bà chỉ ra những khó khăn của phụ nữ trong xã hội Áo thời Hậu chiến với mong muốn tìm thấy tiếng nói của chính mình. Bà được đọc rộng rãi trong giới độc giả nữ quyền sau khi qua đời.

Continue reading “17 bài thơ của Ingeborg Bachmann”

Thơ Pháp Hoan

12 bài thơ về chiến tranh, ký ức và tình yêu

 

Quê tôi ở Gio Linh, Quảng Trị, ngay vĩ tuyến 17. Bố mẹ tôi chạy vào Nam năm 1972, giẫm lên xác người mà chạy; chạy cho tự do và an toàn của gia đình. Tôi rời gia đình năm 14 tuổi, cũng phải chạy cho tự do và an ninh của bản thân; chạy từ Việt Nam qua Thái Lan, sau đó sang Đức, cuối cùng dừng chân tại chốn này (Canada). Đây là những bài thơ tôi viết trong thời gian đó, thời gian của bao mối âu lo và bất ổn.

 

Rồi sẽ đến một ngày

Người vợ quên đi người chồng đã mất, bà chỉ còn nước mắt

kẻ cắp quên đi nỗi nhục, hắn chỉ còn cơn giận sôi sục

người già quên đi chiến tranh, họ chỉ còn nghèo đói

đàn bà quên đi thời thanh xuân, họ chỉ còn cái bóng quạnh hiu

Continue reading “Thơ Pháp Hoan”

24 bài thơ của nữ nhà thơ người Mỹ Sara Teasdale

 Pháp Hoan chuyển ngữ

 

Sara Teasdale - Sara Teasdale Poems | Best Poems

Em Cũng Chẳng Quan Tâm

 

Khi em qua đời và trên cao là tháng Tư rực rỡ

Đang giũ đi mái tóc còn ướt đẫm mưa xuân,

Dẫu anh có cúi xuống cùng trái tim tan vỡ,

Em cũng chẳng quan tâm.

 

Em sẽ ngủ yên như muôn vàn chiếc lá

Khi cơn mưa đè nặng những nhành cây,

Và em sẽ câm nín cùng trái tim sắt đá

Hơn cả anh lúc này.

Continue reading “24 bài thơ của nữ nhà thơ người Mỹ Sara Teasdale”

Thơ Paul Celan

Pháp Hoan dịch

PAUL CELAN (1920-1970) là nhà thơ, dịch giả người Ru-ma-ni, một trong những gương mặt thơ ca quan trọng nhất của văn học Đức nửa sau thế kỷ XX. Sinh ra trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức tại Czernowitz, Bucovina, trước đó là một tỉnh lỵ thuộc đế quốc Áo-Hung. Ông từng theo học y khoa tại Tours, rồi trở lại Czernowitz để học văn học và ngôn ngữ. Khi Ru-ma-ni bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, ông cố gắng thuyết phục bố mẹ ông cùng ẩn nấp nhưng không thành (điều luôn làm ông ân hận mãi sau này). Bố mẹ ông sau đó bị bắt nhốt vào trại tập trung ở Transnistria Governorate trong khi ông vắng nhà (bố ông qua đời vì sốt phát ban còn mẹ ông bị bắn chết sau khi lao động kiệt sức). Cũng trong năm đó, Celan bị bắt làm tù nhân trong trại lao động cho đến năm 1944. Sau chiến tranh, ông làm việc như một dịch giả tại Bucarest trong hai năm. Năm 1947, Celan rời Ru-ma-ni đến Wien (Áo), tại đây ông làm quen và trở thành bạn với nữ thi sĩ Áo Ingeborg Bachmann. Cùng năm đó, ông rời Áo đến Paris và xuất bản tập thơ đầu tay Der Sand aus den Urnen. Năm 1952, Celan bắt đầu gây được tiếng vang trong chuyến lưu diễn thơ tại Đức, ông được mời đọc thơ trong những buổi họp mặt mỗi nửa năm của nhóm văn học huyền thoại, Nhóm 47 (Groupe 47). Tại Paris, Celan sống bằng công việc dịch thuật và dạy tiếng Đức tại École Normale Supérieure. Ông là bạn thân của nữ nhà thơ Đức gốc Do Thái Nelly Sachs (Nobel Văn chương, 1966). Ngày 20 tháng 4 năm 1970, ông nhảy xuống sông Seine tự vẫn. Cái chết của bố mẹ ông và những trải nghiệm trong trại tập trung là những chủ đề xuyên suốt trong thơ của Celan. Ông từng nói ‘’Không có thứ gì trên thế giới có thể làm cho một nhà thơ ngừng viết, cho dù y là một người Do Thái và ngôn ngữ trong thơ y là tiếng Đức’’. Ngoài sáng tác thơ, Celan còn là một dịch giả tài năng với nhiều tác phẩm được ông dịch từ tiếng Ru-ma-ni, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Nga, Anh và Hebrew ra tiếng Đức.

 

 

TẨU KHÚC CỦA TỬ THẦN

 

Sữa đen của rạng đông chúng ta uống vào buổi tối

chúng ta uống buổi trưa và buổi sáng chúng ta uống ban đêm

chúng ta uống và uống

chúng ta đào một cái mồ trong không để nằm không chật chỗ

Một người đàn ông sống trong nhà hắn chơi với lũ rắn hắn viết

hắn viết khi trời tối đến nước Đức tóc em vàng ánh Margerete

hắn viết và bước ra trước nhà và những vì sao lóe sáng hắn huýt lũ chó săn đến gần

hắn huýt đám người Do Thái của hắn ra bắt đào một cái mồ trong đất

hắn ra lệnh cho chúng ta bây giờ chơi đàn để nhảy múa

 

Sữa đen của rạng đông chúng ta uống mi ban đêm

chúng ta uống mi buổi sáng và buổi trưa chúng ta uống mi buổi tối

chúng ta uống và uống

một người đàn ông sống trong nhà hắn chơi với lũ rắn hắn viết

hắn viết khi trời tối đến nước Đức tóc em vàng ánh Margerete

Tóc em tàn tro Sulamith chúng ta đào một cái mồ trong không để nằm không chật chỗ

 

Hắn quát đào sâu thêm chúng bay ê kìa chúng bay đám còn lại hãy chơi và hãy hát

hắn rút thanh sắt từ thắt lưng hắn vung lên hai mắt hắn xanh

hãy cuốc sâu thêm những cán mai chúng bay ê kìa chúng bay đám còn lại hãy chơi và hãy nhảy

 

Sữa đen của rạng đông chúng ta uống mi ban đêm

chúng ta uống mi buổi trưa và buổi sáng chúng ta uống mi buổi tối

chúng ta uống và uống

một người đàn ông sống trong nhà tóc em vàng ánh Margarete

tóc em tàn tro Sulamith hắn chơi với lũ rắn

 

Hắn quát hãy chơi cái chết ngọt ngào thêm Thần chết là một chủ nhân từ nước Đức

hắn quát hãy siết những dây đàn đen tối hơn rồi chúng bay sẽ được lên không như khói

rồi chúng bay sẽ có một cái mồ trong mây để nằm không chật chỗ

 

Sữa đen của rạng đông chúng ta uống mi ban đêm

chúng ta uống mi buổi trưa Thần chết là một chủ nhân từ nước Đức

chúng ta uống mi buổi tối và buổi sáng chúng ta uống và uống

thần chết là một chủ nhân từ nước Đức con mắt hắn màu xanh

hắn bắn mi với viên đạn chì hắn bắn mi thật chính xác

một người đàn ông sống trong nhà tóc em vàng ánh Margarete

hắn thả lũ chó săn rượt chúng ta hắn tặng chúng ta một cái mồ trên không

hắn chơi với lũ rắn và mơ tưởng Thần chết là một chủ nhân từ nước Đức

 

tóc em vàng ánh Margarete

tóc em tàn tro Sulamith

 

Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Đức (Todesfuge) của Paul Celan. Có tham khảo bản dịch Anh ngữ (Deathfugue) của John Felstiner trong Paul Celan – Thi sĩ, Kẻ sống sót, Do Thái, New Heaven 1995.

Todesfuge có lẽ là bài thơ được biết đến nhiều nhất của Celan, được ông sáng tác trong khoảng năm 1945 và xuất bản vào năm 1948. Bài thơ mô tả một cách tài tình về nỗi kinh hoàng và cái chết trong Holocaust. Bonnie Roos cho rằng: ‘’Bài thơ (Todesfuge) đã trở thành một biểu tượng quốc gia ở Đức thời hậu chiến’’. Năm 1988, để kỷ niệm 50 năm Đêm kính vỡ (Kristallnacht), Todesfuge đã được đọc to trong tòa nhà Quốc hội Đức.

 

*

TODESFUGE

Schwarze Milch der Frühe wir trinken sie abends
wir trinken sie mittags und morgens wir trinken sie nachts
wir trinken und trinken
wir schaufeln ein Grab in den Lüften da liegt man nicht eng
Ein Mann wohnt im Haus der spielt mit den Schlangen der schreibt
der schreibt wenn es dunkelt nach Deutschland
dein goldenes Haar Margarete

er schreibt es und tritt vor das Haus und es blitzen die Sterne
er pfeift seine Rüden herbei
er pfeift seine Juden hervor läßt schaufeln ein Grab in der Erde
er befiehlt uns spielt auf nun zum Tanz

Schwarze Milch der Frühe wir trinken dich nachts
wir trinken dich morgens und mittags wir trinken dich abends
wir trinken und trinken
Ein Mann wohnt im Haus der spielt mit den Schlangen der schreibt
der schreibt wenn es dunkelt nach Deutschland
dein goldenes Haar Margarete
Dein aschenes Haar Sulamith

wir schaufeln ein Grab in den Lüften da liegt man nicht eng

Er ruft stecht tiefer ins Erdreich ihr einen ihr andern singet und spielt
er greift nach dem Eisen im Gurt er schwingts seine Augen sind blau
stecht tiefer die Spaten ihr einen ihr anderen spielt weiter zum Tanz auf

Schwarze Milch der Frühe wir trinken dich nachts
wir trinken dich mittags und morgens wir trinken dich abends
wir trinken und trinken
ein Mann wohnt im Haus dein goldenes Haar Margarete
dein aschenes Haar Sulamith er spielt mit den Schlangen

Er ruft spielt süßer den Tod der Tod ist ein Meister aus  Deutschland
er ruft streicht dunkler die Geigen dann steigt ihr als Rauch in die Luft
dann habt ihr ein Grab in den Wolken da liegt man nicht eng

Schwarze Milch der Frühe wir trinken dich nachts
wir trinken dich mittags der Tod ist ein Meister aus Deutschland
wir trinken dich abends und morgens wir trinken und trinken
der Tod ist ein Meister aus Deutschland sein Auge ist blau
er trifft dich mit bleierner Kugel er trifft dich genau
ein Mann wohnt im Haus dein goldenes Haar Margarete
er hetzt seine Rüden auf uns er schenkt uns ein Grab in der Luft
er spielt mit den Schlangen und träumet der Tod ist ein Meister aus
Deutschland  
dein goldenes Haar Margarete
dein aschenes Haar Sulamith

*

 

CORONA

 

Mùa thu gặm chiếc lá của nó từ tay tôi: chúng ta là bạn.

Ta bóc vỏ thời gian từ những quả hạch và dạy nó bước đi:

thời gian trở về trong chiếc vỏ.

 

Trong gương là Chủ nhật,

trong mơ ta sẽ ngủ,

miệng nói ra sự thật.

 

Mắt tôi hướng xuống vùng kín của người tôi yêu:

chúng ta nhìn nhau,

ta thầm thì những lời bóng tối,

ta yêu nhau như phù dung và ký ức,

ta ngủ say như rượu vang trong những vỏ sò,

như biển cả trong tia máu mặt trăng.

 

Ta đứng ôm nhau bên của sổ, từ dưới đường họ ngước nhìn ta:

đến lúc rồi họ biết!

Đến lúc viên đá trở mình đơm hoa,

nỗi bồn chồn trong từng nhịp tim đập.

Đến lúc rồi đã đến lúc.

 

Đến lúc.

 

 

____

 

 Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Đức Corona từ tập thơ Mohn und Gedächtnis (Phù Dung và Ký Ức) của Paul Celan.

____

 

 

CORONA

 

Aus der Hand frißt der Herbst mir sein Blatt: wir sind Freunde.

Wir schälen die Zeit aus den Nüssen und lehren sie gehn:

die Zeit kehrt zurück in die Schale.

 

Im Spiegel ist Sonntag,

im Traum wird geschlafen,

der Mund redet wahr.

 

Mein Aug steigt hinab zum Geschlecht der Geliebten:

wir sehen uns an,

wir sagen uns Dunkles,

wir lieben einander wie Mohn und Gedächtnis,

wir schlafen wie Wein in den Muscheln,

wie das Meer im Blutstrahl des Mondes.

 

Wir stehen umschlungen im Fenster, sie sehen uns zu von der Straße:

es ist Zeit, daß man weiß!

Es ist Zeit, daß der Stein sich zu blühen bequemt,

daß der Unrast ein Herz schlägt.

Es ist Zeit, daß es Zeit wird.

 

Es ist Zeit.

 

 

*

 

ĐẾM QUẢ HẠNH ĐÀO

 

Đếm quả hạnh đào,

đếm những gì từng mang vị đắng và khiến em thao thức

đếm anh cùng:

 

Anh kiếm tìm mắt em, khi con mắt mở ra và không kẻ nào nhìn thấy,

anh se sợi bí nhiệm đó

bên dưới giọt sương mà em mơ tưởng

trườn xuống những chiếc bình

được canh giữ bằng những chữ đã tìm thấy lối đi vào tim không một người nào cả.

 

Chỉ nơi đó em mới hoàn toàn bước vào danh tính của em,

bước vào chính em bằng những bước chân vững chãi,

những cây búa vung lên điên loạn trong tháp chuông thinh lặng của em,

những gì được nghe thấy chạm vào em,

những gì đã chết cũng đặt vòng tay quanh em

và cả ba đi xuyên qua buổi tối.

 

Gây cho anh vị đắng.

Đếm anh cùng những quả hạnh đào.

 

 

 

Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Đức Zähle die Mandeln, có tham khảo bản dịch Anh ngữ của Michael Hamburger.

 

 

 

Zähle die Mandeln

 

Zähle die Mandeln,

zähle, was bitter war und dich wachhielt,

zähl mich dazu:

 

Ich suchte dein Aug, als du’s aufschlugst und niemand dich ansah,

ich spann jenen heimlichen Faden,

an dem der Tau, den du dachtest,

hinunterglitt zu den Krügen,

die ein Spruch, der zu niemandes Herz fand, behütet.

 

Dort erst tratest du ganz in den Namen, der dein ist,

schrittest du sicheren Fußes zu dir,

schwangen die Hämmer frei im Glockenstuhl deines Schweigens,

stieß das Erlauschte zu dir,

legte das Tote den Arm auch um dich,

und ihr ginget selbdritt durch den Abend.

 

Mache mich bitter.

Zähle mich zu den Mandeln.

 

*

 

Mandorla

 

Trong quả hạnh đào — cái gì trú ngụ trong quả hạnh đào?

Hư vô.

Hư vô trú ngụ trong quả hạnh đào.

Nó trú ngụ và trú ngụ ở đó.

 

Trong Hư vô — ai trú ngụ ở đó? Nhà Vua

Nhà Vua trú ngụ ở đó, nhà Vua.

Ông trú ngụ và trú ngụ ở đó.

 

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ Tóc Do-thái, sẽ không hóa màu tro.

 

Và mắt mi — mắt mi trú ngụ chỗ nào?

Mắt mi trú ngụ trên quả hạnh đào.

Mắt mi, trên Hư vô trú ngụ.

Nó trú ngụ ở trên nhà Vua.

Nó trú ngụ và trú ngụ như thế.

 

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ Tóc con người, sẽ không hóa màu tro.

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ Hạnh đào rỗng, xanh sắc màu vương giả.

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍

(*) Mandorla, là vầng hào quang có hình quả hạnh, được vẽ quanh cơ thể đức Chúa trời trong nghệ thuật tạo hình Thiên chúa giáo. 

 

 ______

 

Mandorla

 

In der Mandel – was steht in der Mandel?

Das Nichts.

Es steht das Nichts in der Mandel.

Da steht es und steht.

 

Im Nichts – wer steht da? Der König.

Da steht der König, der König.

Da steht er und steht.

 

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ Judenlocke, wirst nicht grau.

 

Und dein Aug – wohin steht dein Auge?

Dein Aug steht der Mandel entgegen.

Dein Aug, dem Nichts stehts entgegen.

Es steht zum König.

So steht es und steht.

 

           Menschenlocke, wirst nicht grau.

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ Leere Mandel, königsblau.

 

*

 

Hồi ức nước Pháp

 

Anh cùng em hồi tưởng: Bầu trời Paris, bông nghệ tây mùa thu khổng lồ. . .

Ta mua tim từ gian hàng những cô gái bán hoa:

chúng có màu xanh dương và nở ra trong nước.

Mưa bắt đầu rơi trong phòng của chúng ta,

và hàng xóm của ta đến, Monsieur Le Songe*, một gã đàn ông nhỏ thó.

Ta cùng nhau chơi bài, anh để thua tròng mắt;

em cho anh mượn tóc, anh lại thua, hắn đánh gục hai ta.

Hắn bước ra đến cửa, cơn mưa theo hắn ra ngoài.

Ta đã chết và có thể hít thở.

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍

‍‍ ‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍

* Quý ông mộng mị

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍

‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍‍‍

___________

 

Erinnerung an Frankreich

 

Du denkst mit mir: der Himmel von Paris, die grosse Herbstzeitlose . . .

Wir kauften Herzen bei den blumenmaedchen:

sie waren blau und bluuhten auf im Wasse.

Es fing zu regnen an in unsere Stube,

und unser Nachbar kam, Monsieur Le Songe, ein hager Maenlein.

Wir spielten Karten, ich verlor sie Augensterne;

du liehst dein Haar mir, ich verlors, er schlug us nieder.

Er trat zur Tuur hinaus, der Regen folgt’ ihm.

Wir waren tot und koonten atmen.

 

*

 

Tôi nghe, cây rìu đã ra hoa,

 

tôi nghe, nơi chốn không thể gọi tên,

tôi nghe, bánh mì ngước mắt nhìn,

chữa lành người treo cổ,

bánh mì vợ đã nướng cho hắn,

tôi nghe, họ gọi cuộc đời

là nơi trú ẩn duy nhất

 

Ich höre, die Axt hat geblüht,
ich höre, der Ort ist nicht nennbar,

ich höre, das Brot, das ihn ansieht,
heilt den Erhängten,
das Brot, das ihm die Frau buk,

ich höre, sie nennen das Leben
die einzige Zuflucht.

 

*

Hoa

 

Viên đá.

Viên đá trong không trung, tôi đi theo.

Con mắt em, mù lòa như viên đá.

 

Chúng ta từng là

đôi tay,

Ta múc cạn bóng đêm, ta tìm thấy

một từ, đi lên cùng mùa hè:

Hoa.

 

Hoa – từ của người mù.

Mắt em và mắt anh:

chúng cấp

nước

 

Sinh trưởng

vách tim đến vách tim

tiếp thêm cành lá

 

Thêm một từ, như từ này, và những cây búa

sẽ vung lên giữa không gian

 

Blume
Der Stein.
Der Stein in der Luft, dem ich folgte.
Dein Aug, so blind wie der Stein.

Wir waren
Hände,
wir schöpften die Finsternis leer, wir fanden
das Wort, das den Sommer heraufkam:
Blume.

Blume – ein Blindenwort.
Dein Aug und mein Aug:
sie sorgen für Wasser.

Wachstum.
Herzwand um Herzwand
blättert hinzu.

Ein Wort noch, wie dies, und die Hämmer
schwingen im Freien.

 

*

 

 THEO CẶP

Bơi theo cặp cái chết đang bơi,

bơi theo cặp, chúng trôi trong rượu.

Và từ rượu, chúng đổ lên ngươi,

và cái chết đang bơi theo cặp.

 

Trong khi đan tóc chúng tết chặt,

và bây giờ chúng sống bên nhau.

Gieo đi nào, lần nữa xúc xắc

và trong mắt của chúng chìm vào.

 

*

 

ZU ZWEIEN

 

Zu zweien schwimmen die Toten,

zu zweien, umflossen von Wein.

Im Wein, den sie über sich gossen,

schwimmen die Toten zu zwein.

 

Sie flochten ihr Haar sich zu Matten,

sie wohnen einander bei.

Du wirf deine Würfel noch einmal

und tauch in ein Auge der Zwei.

 

_____

 

Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Đức Zu Zweien của Paul Celan từ tập thơ Von Schwelle zu Schwelle (Từ Ngưỡng Cửa đến Ngưỡng Cửa).

Thơ Bertolt Brecht

Pháp Hoan dịch

từ nguyên tác tiếng Đức của nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht.

THỜI TỒI TỆ CHO THƠ TRỮ TÌNH

Dẫu biết rằng: chỉ những ai hạnh phúc

Mới được yêu được quý. Giọng của anh

Thiên hạ ưa nghe. Mặt của anh

Thiện hạ lại ưa nhìn.

Cái cây què quặt ở trong sân

Chứng tỏ nền đất cằn cỗi, thế nhưng

Người qua đường lại chửi cái cây què

Mà chửi cũng phải thôi.

Những chiếc thuyền xanh và những cánh buồm vui

Trên eo biển tôi không nhìn thấy chúng. Tôi chỉ thấy

Cái lưới thủng của ngư dân.

Tại sao tôi chỉ nói

Về người đàn bà bốn mươi tuổi lụ khụ bước đi?

Về những bộ ngực của thiếu nữ xuân thì

Vẫn như xưa, ấm áp.

Gieo một vần vào bài hát

Gần như là một điều ngạo mạn.

Bên trong tôi chứa đựng

Sự hào hứng khi cây táo dại đơm hoa

Và sự hãi hùng trước những lời nói ra

Trong bài phát biểu của ”tay hoạ sĩ”.

Nhưng chỉ điều thứ hai

Mới khiến tôi cầm bút.

Continue reading “Thơ Bertolt Brecht”

11 bài thơ của nhà thơ Mỹ gốc Việt Ocean Vương

Hôn Kiểu Việt Nam

‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍

Bà tôi hôn

như thể những trái bom nổ ở sân sau,

chỗ bạc hà và hoa nhài sực hương

len qua cửa sổ nhà bếp,

như thể đâu đó, những phần thân thể rơi vãi

và những ngọn lửa tìm đường quay trở lại

qua mạch máu trên đùi đứa cháu trai,

như thể bước ra khỏi cửa, thân hình mi

sẽ nhảy múa cùng những vết thương xuyên.

Khi bà hôn, sẽ không có

kiểu âu yếm hào nhoáng, không nhạc ngoại

môi mím chặt, bà hôn như hít lấy

mi vào bên trong, mũi ép vào má

để mùi hương được hồi tưởng trong ký ức

và mồ hôi mi đọng lại thành những giọt vàng

trong hai lá phổi bà, như thể trong khi bà ôm

thần chết cũng đang nắm chặt cổ tay mi.

Bà hôn như thể lịch sử

không bao giờ kết thúc, như thể đâu đó

những phần thân thể

vẫn đang rơi.

Continue reading “11 bài thơ của nhà thơ Mỹ gốc Việt Ocean Vương”

10 Công án

Pháp Hoan

Công án 1 –

Bản Lai Diện Mục

 

Mặt mũi tôi đã như thế nào

trước khi được sinh ra?

Nó có đẹp như một bông hoa

đẫm trong màn sương buổi sớm?

Nó có nhạt nhoà như cánh bướm

dập dìu giấc mộng Trang Chu?

Nó có lấp lánh như sương cữ cuối thu

vương trên vườn hồng vườn táo?

Nó có mang chiếc mũi của loài cáo 

len lõi giữa đám đinh hương?

Nó có đôi mắt của loài chồn   

sáng lên dưới vầng trăng tỏ?

Hay nó mang đôi tai của loài thỏ 

nghe ngóng núi đồi đêm xuân?

Nó có vẻ mặt trầm ngâm

của chú ếch xanh trong ao mùa hạ?

Hay nó mang nét mặt buồn bã

của con cú già trên cành cây cao…?

Ôi, hãy nói cho tôi hay

mặt mũi của tôi đã như thế nào

trước khi được sinh ra?

Continue reading “10 Công án”

10 bài thơ của nhà thơ, nhà hoạt động xã hội người Mỹ gốc Phi Langston Hughes

ANH CHÀNG DA ĐEN

‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍

Tôi là Anh Chàng Da Đen:

‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍Tôi đen như đêm tối

‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍Đen như châu Phi sâu thẳm của tôi.

Continue reading “10 bài thơ của nhà thơ, nhà hoạt động xã hội người Mỹ gốc Phi Langston Hughes”

Pháp Hoan: Chùm thơ về ký ức và tình yêu

Cây thời gian

Một cái cây mọc lên
quả là những chiếc đồng hồ
khi gió ngừng thổi, lá ngừng lay
và trái thời gian
rụng xuống
lẫn vào sương mù trên mặt đất.

Những triết gia cúi mình
lặng im tìm kiếm.
Họ nghe ra hơi thở
của một con hươu
giấu mình trong sương sớm
và tiếng đàn chó săn
vọng về từ bên kia biên giới.

Trên ngọn đồi
nơi cây sồi đứng hát
thời gian lại bắt đầu
không phải bằng tiếng kim đồng hồ
mà bằng tiếng súng nổ.

Continue reading “Pháp Hoan: Chùm thơ về ký ức và tình yêu”

Thơ Pháp Hoan: Chùm thơ về Thơ Ca

Giếng nước trong rừng
(cho Seamus Heaney)

Những ngày còn thơ, tôi hay chơi một mình
bên giếng nước trong rừng.
Đôi khi tôi trộm nhìn, bên dưới bơi lội
những nàng tiên cá, những lâu đài san hô
những dãy đá ngầm, những con thuyền đắm
và xác những thuỷ thủ trẻ đẹp.

Và một đêm tối trời, dại khờ tôi đã uống
giếng nước trong rừng.
Và giờ đây tôi phải trả giá
khi hằng đêm, bên trang giấy trắng
tôi luôn nghe thấy những tiếng thét la
vọng về từ cuồng phong bão tố.

Continue reading “Thơ Pháp Hoan: Chùm thơ về Thơ Ca”

Chùm thơ cho Tự Do

Pháp Hoan

‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍

‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍

Rồi sẽ đến một ngày

‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍ ‍‍‍‍‍‍ ‍‍ ‍‍

Người vợ quên đi người chồng đã mất, bà chỉ còn nước mắt

kẻ cắp quên đi nỗi nhục, hắn chỉ còn cơn giận sôi sục

người già quên đi chiến tranh, họ chỉ còn nghèo đói

đàn bà quên đi thời thanh xuân, họ chỉ còn cái bóng quạnh hiu Continue reading “Chùm thơ cho Tự Do”

Thơ Maya Angelou

Pháp Hoan dịch

Angelou reciting her poem "On the Pulse of Morning" at US President Bill Clinton's inauguration, January 20, 1993Maya Angelou (4/4/1928-28/5/2014) là nhà thơ, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ, tác giả của 7 cuốn hồi ký, 3 cuốn tiểu luận, nhiều tập thơ có giá trị cùng một danh sách các vở kịch, phim ảnh, chương trình truyền hình kéo dài hơn 50 năm. Bà nhận được nhiều giải thưởng và hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự. Angelou được biết đến nhiều nhất với loạt 7 cuốn hồi ký, tập trung khai thác những kinh nghiệm thời thơ ấu và giai đoạn đầu trưởng thành. Tác phẩm I Know Why the Caged Bird Sing (1969), kể về cuộc đời của bà ở tuổi 17, mang lại cho bà danh tiếng và sự công nhận quốc tế.

Continue reading “Thơ Maya Angelou”

Chùm thơ W. H. Auden

W. H. Auden (Wystan Hugh Auden) là một trong những gương mặt thơ ca Mỹ lớn nhất thế kỷ 20. Tác giả của hơn 400 bài thơ, 7 trường ca, 5 vở Opera, cùng hơn 400 tiểu luận và phê bình có giá trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông nhận giải Pulitzer năm 1948 cho tập trường ca The Age of Anxiety, giải National Book Award năm 1955 cho tập thơ The Shield of Achilles. As I Walked Out One Evening là một trong những bài thơ được biết đến nhiều nhất của ông.

Continue reading “Chùm thơ W. H. Auden”

Thơ Gottfried Benn

Được xem là nhà thơ thân Đức quốc xã với những tác phẩm từng bị cấm bởi phe Đồng Minh, từng được đề cử giải Nobel văn học đến năm lần, Gottfried Benn (1886-1956) có lẽ là một trong những tên tuổi gây nhiều tranh cãi nhất trong văn học Đức. Bắt đầu sự nghiệp văn học với tập thơ Aus Morgue und andere Gedichte (Từ nhà xác và những bài thơ khác), lấy cảm hứng trong những năm làm bác sĩ giải phẫu tại Berlin. Tập thơ chứa nhiều bài thơ viết theo lối biểu hiện xoay quanh những chủ đề về máu thịt, ung thư, sự mục rữa và cái chết… ngay lập tức gây sốc cho độc giả và những nhà phê bình thời đó. Gottfried Benn là một trong ít những nhà thơ có tác phẩm gây ảnh hưởng ngay lập tức lên văn học Đức trước Thế chiến thứ nhất (với tư cách một nhà thơ biểu hiện) cũng như kéo dài đến hết sau Thế chiến thứ hai. Continue reading “Thơ Gottfried Benn”