Quỳnh Hương
Đoàn người tuần hành giơ cao biểu ngữ phản đối việc chặt hạ cây xanh.
(VNTB) – Xóa bỏ Điều 1 và gỡ bỏ nội dung trong Khoản 1 – Điều 7 là điều cần phải làm, trước khi các cơ quan truyền thông thuộc nhà nước nhấn mạnh đến ý chí, nguyện vọng, quyền hiến định của người dân qua Luật lập hội này.
Dự thảo Luật Lập Hội vẫn tìm cách độc tôn các tổ chức chính trị – nghề nghiệp xã hội như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… với Điều 1, trong đó quy định, Luật lập Hội sẽ không áp dụng cho các đối tượng này. Và Điều 7 dự luật cho biết, “tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; không trùng lắp, gây nhầm lẫn với tên của hội khác đã được thành lập hợp pháp trong cùng phạm vi hoạt động.”
Nếu căn cứ vào 2 qui đặt như trên, thì Hội nhà báo Độc lập Việt Nam sẽ bị loại bỏ, vì nó sẽ trùng lắp với mục đích, phạm vi, lãnh vực hoạt động chính với Hội nhà báo Việt Nam.
Vẫn phủ nhận Xã hội dân sự
Điều này nói thẳng ra là vẫn tìm cách tạo sân chơi bất bình đẳng và có thái độ phân biệt giữa Hội trong và ngoài nhà nước. Và hiểu nôm na, đây là sân chơi của các tổ chức phải chịu sự kiểm soát từ phía nhà nước về mọi mặt, trái ngược với tinh thần tự quản, tự nguyện trong hội.
Điều này cũng cho thấy rằng, các tác giả soạn thảo dự luật vẫn chưa nhìn ra hoặc cố tình tìm cách phủ nhận vai trò của các tổ chức hội trong việc hình thành một xã hội dân sự bền vững, phá bỏ sự thao túng trong chính sách và việc độc quyền chân lý trong đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có các tổ chức dân sự độc lập như Hội nhà báo Độc lập Việt Nam. Và trong năm 2014 và nửa đầu 2015 cho thấy, Điều 60 Bảo hiểm xã hội, phong trào bảo vệ cây xanh đi từ chính tiếng nói của các cá nhân, tổ chức thuộc phong trào xã hội dân sự Việt Nam, gián tiếp tác động, cổ vũ tiếng nói truyền thông nhà nước, dẫn đến việc tạm dừng hoặc dừng hẳn các chính sách phi minh bạch hay gây bất lợi cho người lao động.
Với tư cách là một “đối tác” của nhà nước, sự dân chủ hóa trong xã hội buộc phải có nhiều sự tham gia của các đối tác này, nó đảm bảo thể hiện vai trò, trách nhiệm trong xây dựng xã hội của mỗi một công dân, và sự độc lập – tức không bị chi phối bởi nhà nước là yếu tố tiên quyết trong một thể trạng hội được khỏe mạnh. Nó trái ngược với sự tự hào truyền thống về những tổ chức hội đoàn được xem là cánh tay phải của Đảng, cánh tay trái của nhà nước – những tổ chức công cụ dùng để kiếm soát xã hội là chính.
Sự ra đời của các tổ chức Hội, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự độc lập đã và đang góp phần chống “lợi ích nhóm” theo như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”. Và xa hơn nữa, là “nhóm lợi ích” đảm bảo góp phần trong phạm vi hoạt động, tiêu chí hoạt động không để đất nước chuyển sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, một con đường mà TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá là “con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu.” Bởi ở đó, lợi ích nhóm, bè phái, thân hữu về lợi ích sẽ chi phối, trong khi “đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh đạo bị suy thoái về đạo đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không được tuân thủ trong sự quản lý đất nước, quản lý xã hội (tức là trình độ quản trị quốc gia yếu kém).”
Và thực tế cho thấy, Việt Nam đang đi vào con đường như vậy! Một con đường được góp phần không nhỏ bởi chính các tổ chức Đoàn Hội “làm cảnh” – hoạt động theo sự chỉ đạo và sự kiểm soát gắt gao của nhà nước như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn nhà nước, Hội Phụ nữ…
Xóa bỏ Điều 1 và gỡ bỏ nội dung trong Khoản 1 – Điều 7
Dự thảo Luật về Hội nếu đã nhận thức nó ra đời từ trong việc hiện thực hóa quyền hiến định của người dân thì phải tôn trọng và công nhận sự độc lập (tài chính và hoạt động), đề cao tính trách nhiệm và năng lực hoạt động của các tổ chức thông qua xây dựng một cơ chế – chính sách để cho phép các tổ chức Hội hiện tại và trong tương lai trở thành một đối tác có trách nhiệm và hiệu quả trong quá trình phát triển xã hội. Bởi nếu đi ngược lại, và thực hiện các quy định như dự thảo Luật lập Hội thì nó sẽ khiến cho xã hội dân sự tại Việt Nam trở nên què quặt, sự tham gia ngăn cản các chính sách sai trái từ chính phủ sẽ không thể thực hiện được, nói chính xác, Việt Nam sẽ vẫn thực hiện quyền lực áp đặt một chiều nhà nước như cách thức Liên bang Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang thực hiện, khiến nền kinh tế và xã hội Nga hiện nay bị sai lệch một cách nghiêm trọng, một chế độ đa nguyên một chiều, một nền dân chủ được điều khiển và thao túng bởi nhà nước.
Với Điều 1, Điều 7 và những điều khoản khác trong dự thảo luật, nếu không được hiệu chỉnh, thì nó sẽ là một luật lập ra để bảo vệ Hội thuộc nhà nước không hơn, không kém, cái cánh cửa mở ra cho xã hội dân sự tại Việt Nam thực ra là một chu trình kiểm soát có trật tự từ nhà nước. Và điều này, hoàn toàn không có lợi cho một nhà nước minh bạch, bền vững trong tương lai.
Do đó, xóa bỏ Điều 1 và gỡ bỏ nội dung trong Khoản 1 – Điều 7 là điều cần phải làm, trước khi các cơ quan truyền thông thuộc nhà nước nhấn mạnh đến ý chí, nguyện vọng, quyền hiến định của người dân qua Luật lập hội này.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/08/vntb-theo-du-luat-lap-hoi-hoi-nha-bao.html
(Tựa đề của Văn Việt)