THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (26) (tham khảo): China: Những giá trị mới trong một xã hội đang thay đổi

china society

Guy Olivier Faure (Trường Thương mại Quốc tế China-Âu/ China Europe International Business School (CEIBS); Viện Hàn lâm Sinica Europæa, Shanghai, Sorbonne, Paris V)

Hoàng Hưng lược dịch theo: http://www.ceibs.edu/ase/Documents/EuroChinaForum/faure.htm

(tiếp theo)

Những thay đổi trong xã hội China hiện nay

Hai thế kỷ trước, Hegel đã bình luận như sau về “tính bất động” của Trung Quốc: “Lịch sử China về cốt tủy vẫn là không có lịch sử; nó chỉ là sự lặp lại cùng một phế tích tráng lệ”. Gần với thời nay hơn, Teilhard de Chardin nói về China như một “khối dễ uốn nắn và ngoan cường” (1936). Mệnh đề kép này có thể hiểu theo phối cảnh hôm nay: China mềm dẻo về mặt đồng hoá, thích nghi, và học tập các năng lực tiếp nhận những cái ngoại nhập. Đồng thời, nước này không bỏ bất cứ gì trong nền tảng của cái lập nên mình.

China thường hiện lên ở phương Tây như một màn hình lớn trên đó người ta chiếu lên những phóng tưởng của chính họ. Văn học phương Tây hiện thời viết về China hoặc là đầy những câu chuyện ly kỳ (những thành tựu đầy ấn tượng) hay những câu chuyện hãi hùng (những thảm kịch và thảm hoạ). Trong mọi trường hợp, người phương Tây có khuynh hướng đánh giá các thay đổi của China bằng chính tiêu chí của mình, đó là điểm yếu khi muốn soi sáng điều gì đang diễn ra thực sự ở Trung Quốc.

Đầu tiên, theo con mắt người China, chính sách mở cửa (được quyết định vào năm 1978) đã thành công vượt ngoài mong đợi. Điều này không chỉ đúng về kinh tế và kỹ thuật. Các thay đổi cũng đạt tới những tầm mức khác của xã hội. Một trong các hậu quả trực tiếp của mở cửa là ngày càng nhiều người China tiếp xúc được với số người phương Tây ngày càng tăng thông qua các công ty liên doanh hay doanh nghiệp hoàn toàn sở hữu ngoại quốc. Trên 400.000 dự án của doanh nghiệp nước ngoài đã được nhà cầm quyền China chấp thuận. Từ đó, ngày càng nhiều sự tương tác phát triển giữa mọi người. Một quá trình học tập diễn ra, khởi lên những thay đổi đáng kể trong xã hội ở tình huống kinh tế, và cũng trong phần sâu xa của nhân cách China, là các giá trị. Trong những thay đổi ấy, có thể nhận diện quá trình “cá nhân hoá”; một khuynh hướng “thế tục hoá”; một định hướng duy vật chất; một sự trở về những tín điều cổ xưa; và cuối cùng là một thay đổi trong chính khái niệm thời gian.

Quá trình “cá nhân hoá”

Chủ nghĩa cá nhân, theo cách hiểu ở phương Tây (hãy nhớ lại rằng, bị liên kết với tính vị kỷ, nó là sự phỉ bang trong từ vựng của cộng sản trước đây!), không phải là một giá trị cốt yếu mới được thiết lập mà có một khuynh hướng rõ rệt hướng tới trách nhiệm cá nhân. Tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước, phát triển các liên doanh và doanh nghiệp hoàn toàn sở hữu nước ngoài dẫn đến nhưng phương pháp mới về quản lý dựa trên thành quả cá nhân. Việc nhân gấp bội doanh nghiệp nhỏ dựa trên nhân số rất nhỏ đưa trách nhiệm cá nhân lên hàng đầu. Khuynh hứớng hiện nay là tăng thêm tính giải trình với tư cách cá nhân hơn là một nhóm mang trách nhiệm tập thể.

Một nhà phân tích sắc sảo về xã hội China như Lin (1977) cũng đánh giá người China là một dân tộc có trình độ thấp về việc ý thức một xã hội là gì. Gia đình China được hiểu là một nhóm quan hệ mật thiết, một “thành trì” mà mức tốt nhất là “lãnh đạm thờ ơ” với thế giới và tệ nhất là “gia cố để chống lại” thế giới. Xã hội là một “cái mâm toàn cát rời không dính kết”. Phúng dụ ấy cho ta sự tương phản với ý tưởng về khối bê tông có thể dùng để miêu tả xã hội Nhật Bản. Mỗi hạt cát là một gia đình và những hạt cát khác được nhìn như kẻ xa lạ, kẻ ngoại lai, không được tính trong Ngũ Thường là nền tảng của minh triết Khổng giáo.

Giờ đây các giá trị gia đình cũng bị thách thức về nhiều mặt. Ở những nơi như Thượng Hải hay Bắc Kinh, chuyện con cái học ở nước ngoài, lĩnh lương cao gấp 20 lần ông bố không phải là khác thường, việc ấy chất vấn cái tôn ti trật tự gia đình. Một chỉ báo có ý nghĩa khác cho hiện tượng này là sự gia tăng con số vụ ly hôn. Những khuynh hướng mới này chỉ ra rằng người ta ngày càng lo cho lợi ích cá nhân và nhu cầu cá nhân và coi đó là ưu tiên. Nó cũng cho thấy rằng những nhóm quan hệ mật thiết như gia đình hay “đơn vị” không còn đóng một vai trò then chốt trong việc quyết định của cá nhân hay trong luật lệ xã hội.

Quá trình “thế tục hoá”

Nguyên thủy China là một xã hội trong đó nghi thức có vai trò quan trọng. Nắm vững nghi thức là dấu hiệu của văn minh. Một xã hội trật tự trong truyền thống Khổng giáo (Lễ) là một xã hội mà mọi người hành động theo những lề thói được quy định rõ ràng, tuân theo một phép xã giao nghiêm ngặt, trung thành với các nghi lễ và luật tắc hành xử, thực hiện các lễ lạt đúng đắn…

Giờ đây, đặc biệt trong các thành phố đi đầu hiện đại hoá, người ta có khuynh hướng đặt thực chất lên trước hình thức và có phần bỏ qua cái thường được gọi là ứng xử “khách khí”. Từ đó, những khía cạnh ứng xử theo nghi thức bớt tầm quan trọng so với quá khứ…

Ứng xử hướng về đồng tiền

Được các nhà nghiên cứu gắn nhãn “sự nhấn mạnh các giá trị vật chất” hay “chủ nghĩa duy vật kích kỷ”, việc làm tiền đã trở nên mối quan tâm lớn đối với phần lớn người China… Sự khác biệt lớn về kinh tế-xã hội giữa người với người, giữa thành thị và nông thôn, giữa các tỉnh… nuôi dưỡng ác cảm, sự phạm pháp và đặt ra những vấn đề nghiêm trọng. Sự hấp dẫn của các thành phố ven biển được nhìn như một Eldorado (Đất Vàng) mới đã đưa từ 100 đến 200 triệu người lên đường như những di dân bất hợp pháp…

Nhu cầu kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng dẫn tới tham nhũng tràn lan… Nó cũng dẫn đến nạn cờ bạc, lừa đảo, làm hàng giả…

Trở lại những tín điều cổ xưa

Người China được coi là có đặc tính “không tín ngưỡng” nhưng “cực kỳ mê tín” (Fang, 1999: 124). Họ có khuynh hướng tin ở mọi lực lượng siêu nhiên, những lực luợng có thể can thiệp vào đời sống hàng ngày của họ. Vấn đề chính là thu được thiện chí của chư vị thần thánh. Do đó, có sự sống lại thực sự của Phật giáo và Đạo giáo trong niềm hy vọng của mỗi tín đồ là sự thờ cúng sẽ đem lại sức khoẻ, may mắn và giàu có. Những yêu cầu ấy lại góp phần nuôi dưỡng khuynh hướng duy vật chất… [tác giả có đoạn nói về sự mê tín các con số: số 8 là đem lại giàu có, số 4 là xui vì phát âm là tứ nghe như từ tử “chết”, tránh những món quà như đồng hồ, giày hay quả lê vì phát âm giống các từ chết, ma quỷ, chia ly].

Khái niệm thời gian

Theo truyền thống, thời gian được hiểu là tài nguyên vô hạn tha hồ có được giống như không khí để thở hay nước sông Dương Tử. Giờ đây, thời gian trở thành tiền bạc và trong các giao dịch phải được tính vào chi phí… Giờ đây, các nhà thương thảo phương Tây ngày càng bớt phải nhận những kiểu trả lời trước yêu cầu thoả thuận gấp về việc cung cấp công nghệ: “Công nghệ của quí vị, China đã có thể không cần trong 5000 năm. Chúng tôi có thể chờ thêm vài năm nữa cũng được mà” (Faure, 1999: 204).

Các công ty và người China truyền thống được định hướng theo lâu dài. Trong gia đình, người ta tri nhận bản thân như một mắt trong chuỗi các thế hệ và mối liên lạc có ý nghĩa là lịch sử gia tộc. Thời gian không được hiểu như một số lượng giờ phút giây mà như dòng chảy nhìn chung của các sự biến, mùa, và lễ nghi. Một sự chuyển đổi căn bản về tầm nhìn đang xảy ra và những cái nhìn ngắn hạn giờ đây có xu hướng thắng thế. Kế hoạch hoá là một phương pháp có phần xa lạ với các cá nhân người China vốn thích dựa trên trực giác tức thời, trên ấn tượng bao quát. Như với các công ty China, một trong những vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư gặp phải khi hoạt động ở China là “thiếu hế hoạch kinh doanh mang tính chiến lược”

(Lang, 1998: 144). Định hướng ngắn hạn của người China trong kinh doanh, việc “thiếu hiểu biết về xây dựng kế hoạch” (sđd), sự thiếu khả năng dự báo khiến cho các nhà quản lý không thể nghĩ về tương lai dài hạn của công ty mình.

Văn hoá China đối chọi văn hoá phương Tây: những cây cầu

… Một loạt ấn bản của Viện nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải coi 5 đặc tính cơ bản sau là “các giá trị cốt lõi của Văn minh phương Tây” (Zhu Enlai, 2002):

1. Cứu giúp (Salvation): đây là di sản Kitô giáo, ý thức về “sứ mệnh” phải hoàn thành (các cuộc Thánh chiến, việc thực dân hoá trong lịch sử ngày nay được tiếp nối bằng “ngoại giao nhân quyền”, vv…)

2. Chủ nghĩa bành trướng đi cùng với công nghiệp hoá hiện đại. Nền “văn minh xanh lam” liên quan đến đại dương, chinh phục và đô hộ. Mục đích là áp đặt lối sống phương Tây, ý tưởng phương Tây.

3. Chủ nghĩa cá nhân dấu xác nhận của văn minh phương Tây. Trước đây nó là “vũ khí của giai cấp tư sản” để chống lại nền quân chủ chuyên chế. Giờ đây nó trở thành quy chuẩn đạo đức: giải phóng cá tính, quyền tự do cá nhân.

4. Chủ nghĩa tự do là giá trị mang nghĩa tự do niềm tin, ngôn luận, hành động và cũng bao hàm tự do cạnh tranh, buôn bán.

5. Chủ nghĩa vị lợi. Đạt đến giá trị ấy nghĩa là đi tìm sự hữu hiệu, và tư lợi. Tối đa hoá lợi nhuận là một phần của nó.

Giờ đây, nếu nhìn vào tình thế của China xét ở các giá trị được cổ động, các xu hướng hiện thời, ta thấy 4 trong 5 giá trị kể trên đang khuyếch trương. Chỉ có “cứu giúp” thì không ở trên bàn nghị sự, vì China đã từ bỏ việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin.

1. Chủ nghĩa bành trướng đi với sự phát triển của kinh tế China, với sức nặng tưong đối của nó trên nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng gia tăng của nó đối với các nền kinh tế lân cận. Hàng hoá China có thể tìm thấy ở những nơi hẻo lánh nhất của thế giới.

2. Chủ nghĩa cá nhân. 25 năm trước các chiến dịch chống bình quân đã được tung ra. Với việ đưa vào các phương pháp quản lý hiện đại, trách nhiệm cá nhân đã được tăng lên, được tưởng thưởng. Thành tích tập thể ngày càng dựa trên sự xuất sắc của cá nhân. Ngay cả nếu gia đình vẫn là điểm tham chiếu cốt yếu, thì việc cá nhân hoá cũng đang trên đường phát triển.

3. Chủ nghĩa tự do: tự do cạnh tranh và mậu dịch đi với kinh tế thị trường và giờ đây được cổ động nhiệt liệt. Các doanh nghiệp tư nhân cũng được khuyến khích thông qua các chính sách đặc thù, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ truyền thông.

4. Chủ nghĩa vị lợi. Tính hiệu quả trong việc thoả mãn các nhu cầu của xu hướng thị trường giờ đây là luật lệ. Tính hiệu quả không chỉ được khuyến khích mà sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước cũng bị cấm. Các nhà tư bản mới được trông đợi gia nhập và đóng một vai trò trong hệ thống quyết định của Đảng, điều này được diễn đạt trong thuyết Ba đại diện.

Liệu những điều trên có nghĩa là China được Tây phương hoá và một ngày nào đó cái còn lại như China đích thực chỉ còn là thực phẩm và ngôn ngữ? Câu trả lời có thể tìm thấy trong những xu hướng hiện thời: những sự đồng quy chiến lược đang gia tăng giữa China và các nước phương Tây nhưng những khác biệt về nhận thức vẫn sẽ có nhiều. Phần lớn nhu cầu của con người có thể coi là phổ quát. Rõ ràng là có một chân trời chung nhưng cách nghĩ, cách điều chỉnh các vấn đề, vẫn khác nhau. Cũng như cách nhìn của Bắc Mỹ và châu Âu không trùng hợp nghiêm ngặt. Cũng tương tự, cách nhìn China và phương Tây không hoàn toàn khớp vì những khác biệt văn hoá, khác biệt về tình thế địa-chính trị.

Màu sắc của con bọ cánh cứng là một phúng dụ có ích để minh hoạ vấn đề. Theo góc nhìn mà ta quan sát con côn trùng, ta nhìn thấy các màu sắc khác nhau. Từ đó, góc nhận thức khi tiếp cận cho thấy những hình ảnh khác nhau của cùng một sự vật, vấn đề và tình huống. Những khác biệt không nên được nhìn như trở ngại, như tảng đá cản đường mà có thể là tích cực, vì chúng gợi ra sự hiệp lực. Đó là trường hợp văn hoá Hy Lạp gặp gỡ Phật giáo. Thời đó, Phật giáo là ở Ấn Độ nhưng Đức Phật không được biểu trưng đúng như Người. Chỉ có các biểu tượng của tôn giáo là được thể hiện trên đá: các stupa (bảo tháp), lá sen, bánh xe, dấu chân. Các nhà điêu khắc Hy Lạp đã cho Phật một bộ mặt người. Cũng trong sự thức tỉnh ấy, văn hoá Phật giáo được đưa vào Hy Lạp, ảnh hưởng đến triết học và tư duy. Từ đó, giữa China và phương Tây, tất cả vấn đề sẽ là biến các khác biệt thành sự hiệp lực: một nhiệm vụ thật kích thích cho tương lai. Đó chính xác là mục đích của Viện Hàn lâm Sinica Europæa, một thiết chế mới tập họp những người châu Âu và người China thuộc mọi lĩnh vực.

Tôi muốn kết luận bài này với loài côn trùng nhỏ, con bọ cánh cứng, vừa thật phổ quát vừa thật khác biệt trong các nền văn hoá. Có ở khắp mọi nơi trên thế giới, rất chung, nhưng được nhìn nhận thật khác nhau từ góc văn hoá: ở một số xã hội nó chẳng có chút giá trị hay công dụng gì, nhưng lại là món ăn thơm ngon ở Thái Lan; ở những nơi khác, nó là thiêng liêng, là khởi đầu của mọi sự sống như cổ Ai Cập.

Ta hãy đừng giảm thiểu sự đa dạng trong cách sử dụng hay màu sắc của nó. Đồng thời, nó biểu trưng cho sự đồng quy và khác biệt, hai đòi hỏi cốt tuỷ chừng nào còn có các giá trị và các dân tộc hiện thân những giá trị ấy.

THAM KHẢO

-Bible. Ecclesiastes, 1, 9.

-Bond M.H. & Hwang K. K.,1995. The social psychology of Chinese people, in Bond M.H. (ed.) The psychology of the Chinese people. Hong Kong, Oxford University Press.

-Chen D. (1999). Three-dimensional Chinese rationales in negotiation, in Kolb D. M., Negotiation eclectics. Cambridge, Mass., PON Books.

-Fang T. (1999: 26). Chinese business negotiating style. Thousand Oaks, Sage publications.

-Faure G. O. Negotiation: The Chinese Concept. Negotiation Journal, vo1.14, n°2,1998, 137-148.

-Faure G. O. Traditional Conflict Management in Africa and China, in Zartman I.W., Traditional Cures for Modern Conflicts: African Conflict Medicine, Boulder (Colorado), Lynne Rienner Publishers, 2000.

-Faure G. O. The Cultural Dimension of Negotiation: The Chinese Case. Group Decision and Negotiation, Kluwer Academic Publishers, vol. 9, nº 3,1999: 202.

-Faure G. O. Nonverbal Negotiation in China. Negotiation Journal. Vol. 11, n°1, 1995, 11-18.

-Granet M., 1950. La pensée chinoise. Paris, Albin Michel.

-Hegel G. W. F., 1956. Philosophy of history. NewYork, Dover Publications.

-Hofstede G. & Bond M. H., 1988: 8. The Confucius connection: from cultural roots to economic growth.

Organizational Dynamics, 16, 4, 5-21.

-Hsu F. L. K., 1963. Clan, caste, and club. Princeton, N. J., Van Nostrand.

-Kaplan R. B. (1966). Cultural thought and patterns in intercultural education. Language Learning, 16, 1- 20.

-Lang N. S., 1988. Intercultural management in China. Wiesbaden, DUV.

-Lieberthal K. & Oksenberg M.,1986. Understanding China’s bureaucracy. China Business Review, l3, 6, 24- 31.

-LinYutan (1977). My country and my people. Hong Kong, Heinemann.

-Mao Zedong , 1965. Selected works. Beijing, Foreign Languages Press.

-Nakamura H. (1964). Ways of thinking of Eastern people. Honolulu, East- West Center Press.

-Redding S. G. & Wong G. Y. Y., 1995: 286. The psychology of Chinese organizational behavior, in Bond M. H. (ed.)

The psychology of the Chinese people. Hong Kong, Oxford University Press.

-Teilhard de Chardin, P., 1956: 241. Lettres de voyage et nouvelles lettres de voyage. Paris, Grasset.

-Weber, 1964. The theory of social and economic organization. NewYork, Free Press.

-Wong, G. H. C. 1963. China’s opposition to Western science during late Ming and early Qing, Isis, 54, 42-43.

-Zhu M. 2002. Contemporary culture and international relations, in Contemporary World configuration. Shanghai, Shanghai Institute for International Studies.

Comments are closed.