40 NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI (6) TRANGĐÀI GLASSEY – TRẦNGUYỄN

 

1·        Tiểu sử

Sinh tại Việt Nam năm 1975 và định cư tại Hoa Kỳ năm 1994. Tại CSU Fullerton, cô tốt nghiệp bốn Cử nhân một lúc trong ngành Tâm lý Thanh thiếu niên, Văn chương, Sắc tộc học Á Mỹ, và Nhân văn đa khoa, và được chọn là Thủ khoa trong cả hai ngành học sau, năm 2001. Cô đã hoàn tất cao học ngành Lịch sử Truyền khẩu và Cộng đồng, cũng tại CSUF.

Tác phẩm đã in: Tuyển tập thơ: nếu Mẹ thích – if you like, Mom 2001 (thơ song ngữ Anh Việt, với bản dịch 13 thứ tiếng khác), cút bắt 2002 (thơ cảm nghiệm), of things i’ve seen – những điều trông thấy 2004 (thơ song ngữ Anh Việt), X-X1: songs for a boat father – thuyền nhân khúc cho Ba 2004 (thơ song ngữ Anh Việt), MÙA YÊU CON Thứ Nhất (tuyển tập thơ), Thơ Bốn Mươi (tuyển tập thơ).

Nhà thơ Lê Thị Huệ nhận định: “Chữ nghĩa cẩn trọng chọn lọc và các trục ý thức như là một trí tuệ phiêu lưu, Trangđài Glassey-Trầnguyễn là một phiêu lưu sáng tạo với văn chương Việt đầy hứa hẹn vì tính chất độc lập và bản lĩnh chọn lựa của cô.”

Tiến sĩ Grace Hartman Sawicki: “Với sự đa dạng của nó, giọng thơ của cô khi trầm khi bổng, chúc tụng lòng can đảm mà cô trân quý trong quan hệ mẫu tử.”

Trangđài Glassey Trầnguyễn thuộc thế hệ những người viết mới và trẻ ở hải ngoại, làm chủ được tiếng Việt và tiếng Anh trong sáng tác, như vậy là một nhà thơ của hai ngôn ngữ. Khởi đầu với những bài thơ tương đối cổ điển, tương ứng với đề tài như tình mẫu tử, tình yêu, ngày càng mở rộng sự quan tâm sang các lãnh vực khác, quê hương, xã hội, những vấn đề của lương tâm. Gây ấn tượng mạnh trong thơ của cô là phong cách sử dụng ngôn ngữ và sự thăng bằng đi giữa các xung đột lịch sử. Có một sự nồng nhiệt không những trong thơ trữ tình mà cả trong các bài thơ tự sự và hiện thực. Đằng sau bài thơ có cái bóng của những thao thức của nhiều thế hệ người Việt mất quê hương. Thơ viết về nhiều đề tài, dễ hiểu, nhưng không thuần túy là một loại thơ để chuyển tải các ý tưởng, và trong vài trường hợp đậm đặc, đã thấy ánh lên sự tài hoa ngôn ngữ. Ở giữa những quan tâm thời thế, những câu thơ mới nhất của cô chứa đựng những cố gắng thể nghiệm nghệ thuật đáng quý.

Văn Việt trân trọng giới thiệu:

·        Tác phẩm

1.     nếu Mẹ thích…

2.     cút bắt

3.     nhỏ

4.     Ba chẳng bao giờ muốn kể với con

5.     Con là quê hương của mẹ

6.     Iệt Nam

7.     tiềm thức ngược

8.     xổ số

9.     đô hộ âm đạo

10.                        áo dài Hoa Xuyên Tuyết

 

NẾU MẸ THÍCH …

(Trích từ tuyển tập thơ đa ngữ “nếu Mẹ thích…” 2002)

 

nếu Mẹ thích, con sẽ là chim sẻ

hát Mẹ nghe mỗi buổi gió xuân về

và cất cánh bay vào trời lộng gió

hái một cành mây trắng cho Mẹ, nghe!

 

nếu Mẹ thích, con sẽ là hoa nhỏ

mọc vô tư bên lối bước của Người

nâng bước Người những lúc chân âu lo

và âu yếm mỗi khi chân buồn tủi

 

nếu Mẹ thích, con sẽ là con suối

róc rách hoài cho Mẹ được vui tai

suối sẽ giữ cho mùa hè mát mẻ

tròn mùa thu đón lá thắm nhẹ bay

 

nếu Mẹ thích, con sẽ là tất cả

biển rạt rào, trời tinh tú long lanh

để bất cứ lúc nào Mẹ quỵ ngã

con sẽ là vũ trụ ấm bao quanh

 

CÚT BẮT

(Trích từ tuyển tập thơ cảm nghiệm “cút bắt…” 2002)

 

Chúa bao lần khổ vì con

cứ chơi cút bắt, kiếm mòn cả hơi

khi thì bay tuốt lên trời

nấp trong áo Chúa, nghỉ ngơi an lòng

khi thì ra tận bờ đông

dõi theo Ngài, vết chân không miệt mài

khi thì làm ánh nắng mai

gọi bình minh tới cho ngày đẹp tươi

khi thì lẩn giữa hoa cười

điểm tô nhà Chúa, hương ngời Thánh nhan

khi thì làm con dã tràng

ngày ngày xe cát, âm vang lời cầu

khi thì con mến lá dâu

nằm trong kén mỏng, chờ sâu hóa tằm

có khi con hóa hương trầm

bay lên tới Chúa, âm thầm tạ ơn

lắm khi là gió rập rờn

đùa ngàn cỏ nội, hoa mơn nhu mì

có lần con phải đi thi

làm cô trò nhỏ kiên trì Chúa ơi

rồi thì con hóa mây trời

trôi trong tay Chúa, mưa rơi chan hòa

khi con là một bài ca

vui lòng kẻ khó, giải hòa bất an

cho con, lạy Chúa, là than

sưởi người lữ thứ dặm ngàn còn xa

cho con là một mái nhà

làm nơi riêng dấu ái Cha trọn đời

con nay thuyền nhỏ giữa khơi

bập bềnh trên sóng, vang lời cậy trông

cho con làm một đóa hồng

ngàn đời nhân thế theo lòng mến yêu

cho con làm một cánh diều

bay cao gieo rắc thật nhiều yêu thương

cho con làm một con đường

lối mòn hoa cỏ đẫm sương thanh bình

cho con yêu Chúa chí tình

để trong mắt Chúa có hình bóng con

 

NHỎ

                             Tặng cô bé bán vé số ở quán chè Gò Công

 

(Trích từ tập thơ song ngữ “những điều trông thấy – of things i’ve seen,” 2004)

 

thật nhỏ

một bàn tay

xòe ra tờ vé số

không lời mời rao, em giương đôi mắt

đợi chờ gì, vận rủi hay cơ may?

 

tôi ngắm bàn tay em

lại ngắm mắt em

sao nhỏ quá!

bàn tay em thật nhỏ

chưa bằng phân nửa bàn tay tôi

ngây thơ sinh đôi

trong đôi mắt em trong một dòng sông phẳng lặng

không ưu buồn của cuộc đời hay phiền não của thời gian

nhưng

cuộc đời em là khốn khổ gian nan

quét tuổi thơ trên vệ đường xó chợ

em đã vô tư cho cuộc đời vay nợ

trong tuổi ban mai khi nắng chửa ửng vàng

con người dối gian

vay tuổi thơ của em nhưng không trả lời trả vốn

họ chạy trốn

với đói nghèo

khắc nghiệt

vô vọng

gian ngoa

họ cướp trên tay em tuổi trong trắng ngọc ngà

và trả lại em đám bụi mờ vô thức

hỡi em, nạn nhân của cùng cực

đừng để tôi nhỏ lệ khóc vì em

hãy nói với tôi rằng em vẫn biết thèm

nụ cười

tiếng hát

tình thương

sự âu yếm

nói với tôi rằng em vẫn là em

là trẻ thơ, biết khóc, biết vui buồn

để giọt nước mắt trong cổ tim tôi không mắc nghẹn

 

BA CHẲNG BAO GIỜ MUỐN KỂ VỚI CON

(Trích từ tuyển tập song ngữ ““thuyền nhân khúc cho Ba – songs for a Boat Father,” 2004)

 

khi gia đình mình đoàn tụ trên xứ sở tự do

mười lăm năm cách biệt

Ba muốn chúng con hạnh phúc và có một tương lai, nên…

Ba chẳng bao giờ muốn kể với con

những ngày lênh đênh trên biển đen vô định

sóng cứ gầm

đêm u mãi, và đen

 

Ba chẳng bao giờ muốn kể với con

cái nhục nhằn, đứt khúc của trại tị nạn

khi tàu cập bến

người ta nhìn mình ghẻ lạnh, rẻ khinh chê

 

Ba chẳng bao giờ muốn kể với con

cái xót xa phải bỏ nhà bỏ nước

bỏ vợ bỏ con

bỏ làng quê, mồ cha mả tổ

nghe tiếng trẻ cười, lòng đứt đoạn nhớ con thơ

 

Ba chẳng bao giờ muốn kể với con

cái rợn rùng của lần suýt đắm tàu, hải tặc Thái Lan cướp, giết

sợi dây thừng to bằng một ôm tay bỗng nhiên đứt

nên tàu cướp biển đi rồi, thuyền nhỏ lại được lênh đênh

 

Ba chẳng bao giờ muốn kể với con

mùa đông đầu tiên ở Chicago đã lạnh đến thế nào

nên Ba phải dọn về Cali tìm hương nắng ấm

làm ba việc một ngày để bảo lãnh Mẹ, tụi con

 

Ba chẳng bao giờ muốn kể với con

cái đốn mạt của trại cải tạo

cái nghiệt ngã của những bài giảng rỗng, điên

cái đói đến tê thần kinh, cái lao lực nát phổi

cái bất công mà Ba không bao giờ hiểu nổi

những tháng năm Ba bị giết nửa cuộc đời

 

nhưng Ba ơi, con cần Ba kể với con

những đau, ngọt, bùi, xót, đắng, mong, hụt hẫng

những gai chông của một đời sôi bỏng

quần quật vì mạng sống, túng quẫn tự do

kể cho con đi, để con được biết, hiểu Ba hơn,

để phần tuổi thơ mà đời con không có Ba được nhận diện

để con thấy vận mình trong vận nước

để con vẫn chủ hòa, nhưng quyết liệt hơn cho quyền sống của nhân sinh

kể cho con, để con lớn thành người

tự hào có Ba, ngẩng đầu cao, góp đời cùng thế giới

 

CON LÀ QUÊ HƯƠNG CỦA MẸ

(Trích từ tuyển tập thơ “MÙA YÊU CON Thứ nhất,” 2012)

 

Dấu Yêu ơi,

Con yêu dấu yêu ơi!

 

mỗi bập bẹ

khuyến thiện vách tường

mân mê ngày tháng cũ

con ô a

đàn trẻ lớp vỡ lòng

lay trường làng thức dậy trước hừng đông

 

mắt nheo nheo, nháy nháy, gieo tình

thắt thỏm sông rạch

xao xuyến gió hè

ruộng xa

 

bàn tay mềm như gió trời mới nở

xoa vào nghìn giấc ngủ của hôm qua

bùn non

mẫn mịn

tan giòn

 

tiếng cười thấm vào không gian

xe chỉ vấn vương

luồn tơ lưu luyến

mẹ nhớ mình cười vài thập niên trước

và một quê hương lẽo đẽo đi cày [i]

 

ôi, Dấu Yêu, con hít vào khoảng trống [ii]

xả hồng trần, muôn lượng kiếp trước, sau

trống như nắng, như đêm chưa kịp ngủ

rỗng như trời, như ống trúc, mo cau

 

ôi, Yêu Dấu, con thở ra trăm cõi

xõa quê hương trên vũng nhớ đơn côi

mùi mía thơm trong nắng Tết trắng vôi [iii]

mùa tảo mộ nửa con trăng Nguyên Đán

 

con đã đến, quê hương thôi lẻ bóng

quê-hương-con [iv] bòng bọng nước tao phùng

 

 

[i] Tôi sinh sau cuộc chiến Việt Nam. Khi tôi còn ấu thơ, thì tiếng cười vô tư của tôi quấn quýt bên những chiếc cày gỗ do trâu kéo trên những thửa ruộng loáng phèn. Cả quê hương tôi lẽo đẽo đi cày trong giai đoạn đó và về sau.

 

[ii] Triết gia Kim Định cho rằng cái khoảng trống trong trống đồng chính là cốt lõi của triết Việt: “…triết lý tâm linh lấy việc xả làm bước nhập môn… Riêng Việt thì xây trên chữ Trống… nhấn mạnh đến sự trống rỗng của tâm hồn làm nền móng” (tr. 42, Phong Thái An Vi, tác giả Kim Định, An Việt Houston xuất bản). Con hít vào khoảng trống, là hít vào cái tinh hoa cốt lõi của an vi.

 

[iii] Ở miền quê Tây Nam Bộ vào các thập niên sau 1975, người dân làng nghèo, chỉ dùng vôi trắng để sơn phết lại mộ bia, đa số là mộ đất, hay nhà cửa, trong dịp cuối năm, vừa tảo mộ, vừa chuẩn bị đón Tết. Có lẽ gần bốn thập niên sau, vẫn còn người chỉ có đủ tiền để mua vôi phết trên những nấm mộ nghèo mỗi lần đón Tết.

 

[iv] Con và quê hương, đối với một người mẹ Việt Nam xa quê, đã nên một. Con là tất cả những hy vọng và tình thương mà mẹ muốn trao cho quê hương, và chính quê hương lại là di sản thiêng liêng nhất mẹ muốn trao cho con. Chính trong con, mẹ đã tìm lại quê hương khi mẹ trao quê hương cho con mỗi ngày trong cúc cục cù lao. Con, quê hương, và mẹ cùng lớn lên trong một sự sống mới, gặp nhau trên một sinh lộ mới. Tôi dùng chữ “nước” ở đây với nhiều ngụ ý. Nước, cũng chính là quê hương. Nhưng nước cũng hàm ý nước ối, mạch nước nuôi dưỡng thai nhi trong thời gian chín tháng mười ngày. Bòng bọng nước chỉ một sự hướng tới, một sự háo hức mong đợi nguồn sống mới trong một con người, hay trên một quê hương.

 

IỆT NAM

(Trích từ tuyển tập “Thơ Bốn Mươi,” 2014)

 

tám cái quặng dầu

ông A đổi lấy ba tỉ bạc

chỉ cần vẽ một con giun

thành tích cách mạng là then chốt

 

bốn bãi biển đẹp

ông B nhập ngoại tệ phòng thân

tem hem tình đồng chí

hú hí với đào tơ

 

chín mạch thủy long

bà C ký hợp đồng thương mại

chận đứng mạch sống mấy triệu người

con bà mua đứt mấy biệt thự ở hải ngoại

an tâm!

 

hải đảo ngoài khơi

tập đoàn D đem biếu đàn anh liềm-búa

dân biểu tình, đòi toàn vẹn lãnh thổ

búa và liềm báng bổ đầu dân

 

đất của dân

hợp tác xã E canh tác

ba mùa công[i], bốn mùa đói

thóc gạo có chân, chạy hết đi xuất khẩu

hoan hô!

 

người ta bày cuộc chơi

mọi lúc

mọi nơi

dọc dài đất nước

những cuộc chơi

của kẻ mất trí

lao vào vạt vô tâm

bừng bừng cháy

 

thiên kỷ mới

trẻ con học quốc ngữ

ầm ĩ những cuộc chơi:

A ẵm trọn

B bán nước

C cướp của

D dân oan

E eo xèo ruộng đất

tới S, hình cong Tổ quốc

thì mọi thứ đã Super Sụp

 

nên trẻ con Việt Nam

mù chữ

vì đã mất tổ quốc

mất luôn sáu chữ cái

xếp mãi không đủ vần

hai chữ:

suy tư

đã bị gạch chéo x [ii]

 

ôi, đau đớn, Iệt Nam!

 

 

 

[i] Ở Việt Nam đã có nhiều nơi, nông dân làm đến ba vụ lúa mỗi năm từ nhiều năm qua. Nhưng dù họ có tăng thêm một mùa canh tác, thì họ vẫn đói ròng quanh năm.

[ii] Sau chữ S trong bảng chữ cái tiếng Việt, là t, u, ư, v, x, y. Khi chữ S sụp (vì đất nước bị chia năm xẻ bảy, chỗ bán cho ngoại quốc, chỗ cho thuê dài hạn, chỗ dâng cho ngoại bang), thì mất nước (chữ V, Việt Nam) và mất khả năng suy tư (do các chữ còn lại ghép thành). Việt Nam và khả năng suy tư của cả một đất nước đã bị gạch chéo, loại bỏ, bởi những hành động vô trách nhiệm của chính quyền.

 

TIỀM THỨC NGƯỢC

(Trích từ tuyển tập “Thơ Bốn Mươi,” 2014)

 

mẹ đạp xe đòn gánh

của ông Cố

chở hai con trên đường lầy lụa tiềm thức

khúc khích ổ gà

gió ngược

bốn bàn tay mềm ôm lấy eo mẹ

bốn bàn tay còn thơm sữa mẹ

hai anh em dính sát vào nhau

úp mặt vào lưng mẹ

mẹ nhổm người lên lấy sức mà đạp

xe cứ tròng trành một chỗ không đi

hai bánh xe trợn mắt nhìn nhau

như hồi nhỏ

mẹ đạp chiếc xe này

mong đi cho mau tới nhà

con gái mà đi xe đòn gánh

thiếu nữ tính

thừa hụt chân

cái xe đòn gánh

Ông Cố vẫn đạp

tháng mấy lần

xuống thăm Bà Ngoại và năm chị em của mẹ

đem theo cá tươi, rau vườn, gạo mới

lúc Ông Ngoại đi cải tạo

đi vượt biên

hao hút ngọn đèn dầu

leo lét phòng đơn

gió chướng bạt qua đầu

rít lên từng cơn

những cánh đồng hoa vạn thọ chập chờn bung nở, tung hương

Tết!

 

gió khô khét

đêm hổn hển

ba mẹ con trẹo mình lướt tới

mẹ thiếu ngủ, thừa cân

mất sức

tiếng con khóc

như đoá loa kèn

trắng mở muốt dài

bắn ra trong gió

gió dịu đi

mẹ tỉnh giấc

đêm thu

rớt những giọt trời

trong vắt như trăng

 

mẹ múc từng muỗng thời gian

mớm cho tiềm thức sơ sinh

mãi bú mớm

những đớn đau đứt đoạn

đã qua và đang tới

oe oe bức tường rêu mịn

còn long lanh ướt trận mưa hè hoa niên

mẹ thấy bóng các con thấp thoáng trong những giọt nước

đọng lại trên mái tóc trẻ thơ

đang súng sính cầu vồng nhiệt đới

 

bốn bàn tay khẽ khàng nhún nhảy

gọi chiền chiện về lúng liếng ngọn tre

cái võng xanh ngút ngàn tầm mắt

cánh đồng chiều

u ưở nằm nghe

 

XỔ SỐ

(Trích từ tuyển tập “Thơ Bốn Mươi,” 2014)

 

a, b, c, d, e, f, g, h, vài là người cùng quê

họ giống nhau ở mọi điểm (hầu như vậy)

ngoại trừ cái vé trong đợt xổ số

để đổi lòng trung thành đối với một quốc gia

        Xin vui lòng giữ chặt vé số của quý vị!

 

a được ‘an-nhiên-nhập’

nhờ quan hệ

đã từng làm việc cho đồng minh

định cư với công ích xã hội

không một câu tra hỏi

 

b được ‘bà con thân thích’

nhờ gia đình đoàn tụ

ưu tiên gia đình hai thế hệ

định cư với quan hệ gia đình thắt chặt, hay giả mặt

 

c được ‘cộng tác’

nhờ xuất khẩu lao động

nhân công khỏe và rẻ

18 đến 35 tuổi, không gia đình, cấm thai nghén, không sống, không quyền, không nghỉ

tất cả nhân danh tình hữu nghị chủ nghĩa xã hội

 

d được ‘diện đặc biệt’

nhờ tỵ nạn chính trị

những nhân vật bất đồng chính kiến, những nhân tuyển thích hợp

cho một nền dân chủ, tự do, hay liên hiệp

tại sao lại chỉ chú trọng đến tỵ nạn chính trị?

như thể người ta không chế vì bất đồng trong những lãnh vực khác

như kinh tế, nghệ thuật, giới tính, tư duy, và văn hóa

bị đàn áp là bị đàn áp, tại sao chỉ một nhóm được đãi ngộ?

 

f được ‘phong vợ ngoại’

nhờ thị trường buôn bán cô dâu

xếp hàng, lựa chọn, đổi chác, như con vật

một cô dâu đã mua là một cô dâu thuộc chủ quyền để nhảy đực

và một cô vợ ngoại thì không quyền, không tiếng nói, không nhân phẩm, không may mắn

cô sẽ mang cái kiếp này cho đến khi bị xô đi tự tử

 

g được ‘gái gọi’

nhờ đường dây buôn dâm, khu nhà chứa

“những đứa con gái đẹp trong xã đã xuất ngoại”

để lại bạn trai, chồng, cha mẹ, tình nhân

trong đêm đen

khi họ phải giao cấu với đêm đen mới mà họ vừa kẹt vào

đang ở xa nhà

 

h được ‘hy vọng tại chỗ’

nhờ chờ đợi, mong mỏi, hối lộ, tiếp tục kẹt

tìm một lối ra, lọt trong vô vọng

người ở nhà, hồn nơi khác,

họ lễnh khễnh như những cái chai rỗng phất phơ trong bão cát

 

i được ‘im và chết’

nhờ an ninh quốc gia, bảo vệ biên giới, tinh khiết sắc tộc, ổn định kinh tế

và hàng chục vạn những lý do khác

họ vượt sa mạc, họ nhét vào cốp xe, họ lê lết qua rừng rậm

họ đi khi sống, về đã chết

hay vĩnh viễn mất tích dọc đường

bị hãm hiếp, bị cướp bóc, bị nguy kịch

trong tay của giới xây dựng quốc gia, trong tròng của bọn buôn người đầu rắn

 

vận may của cuộc xổ số, không có lý luận,

hãy tìm chỗ tốt cho mình trước khi việc giao chuyển bị dừng,

hỡi những con dân của Thế Giới Thứ Ba đang xô nhau để xuất ngoại,

đối với những người còn lại, cơ hội đã không còn

hết xổ số

cho tới khi quý vị đầu thai

[hay có thể sau đó]

 

ĐÔ-HỘ-ÂM-ĐẠO

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

(Trích từ Tuyển tập “Thơ Bốn Mươi,” 2014)

 

chém cha cái kiếp dâm nô

đã đau đô hộ, xuống mồ càng đau

 

ai bảo chế độ thực dân chấm dứt

khi Pháp rút khỏi Việt Nam 1954?

nếu bạn Google Search, hôm nay, 2013

tìm “lịch sử nhân linh Việt”

bạn sẽ thấy

đường Trường Sơn

là ngõ tắt gần nhất

tới đường âm-đạo-bị-đô-hộ

thuộc địa của chế độ “đô hộ trắng”

tên gọi hết sức nhẹ nhàng: “white slavery”

 

trắng nỗi gì?

nó đen đặc!

khi những con cặc của bọn mua dâm toàn cầu

chen nhau lao vào

xé rách âm hộ

hùn hục

cày xới

giày xéo

giẫm nát

âm đạo nôn thốc tháo

âm đạo chết ngất

âm đạo túa máu

âm đạo ung thư

âm đạo đau lòng

 

công nghệ mua dâm

đã vạc hết nạc ở Đông Âu, ở Thái, ở Phi,

và ở tất tần tật những “đệ tam quốc gia”

và đây, Việt Nam, miền đất mới

độc lập, tự do, hạnh phúc!

tự do khủng,

rất hoàn cảnh,

nên bạn có thể vô tư lấy trinh của một đứa bé lên ba

(để mua vui, hay xã xui như vị Đảng viên cấp cao kia)

có thể cưới bốn (hoặc nhiều hơn) cô vợ còn trinh ở tuổi vị thành niên cùng một lúc

và có thể thản nhiên hiếp dâm hàng loạt nữ sinh trung học

mà vẫn nghênh nghênh giữ chức Hiệu Trưởng

đô hộ từ ngoài

đô hộ từ trong

cái âm đạo của phụ nữ Việt

trong thiên niên kỷ thứ ba

là nơi gánh chịu nhiều oan khiên đàn áp khổ nhục nhất

trong cả lịch sử cộng lại

 

cái nắng thực dân đổ dài trên âm đạo

thấm vào từng thớ thịt

đốt rụi đường về

 

Thúy Kiều của Nguyễn Du được hóa kiếp

nhưng Thúy Kiều ở ngoài đời thì vẫn còn lênh đênh

truyền kiếp lầu xanh

 

Ngô Tất Tố đưa Chị Dậu

trốn chạy con quỷ râu xanh

chống cự cái tham dâm của quan anh, quan cụ

mà cả một thế kỷ sau

Chị Dậu vẫn còn chạy

chạy đi khắp thế giới

tiền đồ vẫn tối đen

 

không phải mãi đến thế kỷ 21

mới có gái quê ra tỉnh đi làm nuôi gia đình

người ta gọi “đô thị hóa” nông thôn

Chị Dậu (và có lẽ nhiều cô gái quê trước cả Chị nữa)

đã đứt ruột bỏ quê, bỏ con, bỏ chồng, bỏ nhà lên tỉnh

đi ở, làm vú sữa cho quan cụ 80 thừa tiền, chuộng uống sữa người,

ngại uống sữa bò, sợ nóng

cụ chuộng luôn đôi ngực đang đau nhói của người đàn bà con mọn

xót con thơ

cái tiền đồ tối đen như mực của Chị Dậu

truyền đời

truyền kiếp

truyền lại đến hôm nay

mà vẫn tối đen như mực!

 

lính Mỹ đổ bộ lên âm đạo

lập những quán trắng da

phát triển ‘nền kinh tế về đêm’

âm đạo chèn giữa súng và đạn

 

từ trên đe dưới búa của phong kiến và đô hộ

đến dưới búa trên đe của Đảng và áp lực hiện đại hóa

đô hộ âm đạo

đó là cách giết chết một dân tộc nhanh nhất

một cách bỉ nhục nhất

một cách rốt ráo nhất

 

trên đe

dưới búa

âm đạo Việt Nam 2013

nát như tương

lưu lạc tứ phương

lầu xanh khắp cõi

ngay cả ở những quốc gia nghèo nhất thế giới

cũng có âm đạo Việt Nam bị đưa đến

và bị đô hộ

 

những đứa bé gái lên năm, lên bảy

khi được cứu ra khỏi nhà chứa

đã dùng gòn và thuốc đỏ chà nát cơ thể mình

hết ngày này sang ngày khác

để tẩy uế

thuốc đỏ cùng màu với máu

chỗ nào là máu đổ, chỗ nào không?

 

những đứa bé chưa kịp tuổi đến trường

bị công an Cambốt bắt giam khi soát nhà chứa

và bị tòa án Cambốt kết án là nhập cư trái phép

ôi, mỉa mai!

chẳng lẽ những đứa trẻ này tự dắt mình

từ một miền quê hẻo lánh nào đó ở Việt Nam

để vượt biên giới sang nhà chứa ở Cambốt hay sao?

hay tại ông quan tòa mù mắt và mù lương tâm?

 

Việt Nam đã từng bị đô hộ

bởi láng giềng phương Bắc

bởi mẫu quốc Phú Lãng Sa

nhưng mỗi lần là một quốc gia

bây giờ

Việt Nam bị đô hộ

bởi cả thế giới

và tự đô hộ mình

đô hộ ở ngay cái nơi tế nhị nhất,

riêng tư nhất,

cái nơi thiêng liêng nhất

để đón nhận yêu thương

để hòa hợp âm dương

để đưa con vào đời

để duy trì sự sống

nơi ấy bây giờ

đã thành cánh đồng chết

đã thành cửa tử

đã thành bãi tha ma

đã bị đô hộ bởi những hạng người tồi tệ nhất

từ khắp nơi đổ về

và ở khắp nơi mà người phụ nữ Việt bị đưa đến

bị bán

bị nô lệ hóa

bị chôn sống từng ngày mấy chục lượt

bị biến mất mà không có ai đi tìm

 

ai có thể đếm được

bao nhiêu triệu cái màng trinh

đã bị chọc thủng trong tức tưởi

        với một cái giá rẻ mạt

để trả tiền thuốc cho mẹ, tiền cơm cho cha, tiền học cho em?

mà cuối cùng vẫn không thoát ra được cái ngõ cụt mang tên “bần cùng”

        hay không cả một xu

khi kẻ cưỡng trinh có búa liềm và cờ đỏ?

và những hứa hẹn không cần thực hiện…

trong những cái phòng lạnh bị cấm khẩu…

vì cái mạng nhện dày kệch

          đói nghèo, tiền kiếp đô hộ, hiện kiếp dâm nô

          tham nhũng, bóc lột, những chính sách ngu dốt sai lệch

          cái cán cân lệch giữa nước đang (chưa) phát triển và những nước công nghiệp

          sự bần cùng hóa nữ giới trên toàn cầu từ thời con người săn bắn và thu nhặt

          vân vân và vân vân

 

cố đấm ăn xôi

xôi bị cúp

cầm bằng làm điếm

điếm không lương

quê-hương-âm-đạo

tràn đô hộ

biết đến bao giờ

tỏa được cương?

 

kẻ đô hộ chỉ có thể đô hộ

khi kẻ bị đô hộ chịu để bị đô hộ

 

hãy xoá sổ đô hộ

chặt đứt lối mòn của suy nghĩ nhược tiểu

dẹp những kềm hãm của nhịn chịu bất công

đứng lên phá đổ thành trì đô hộ

đưa ù lì trì trệ vào gông

 

đã đến lúc những âm đạo vùng lên!

 

ÁO DÀI HOA XUYÊN TUYẾT

(Trích từ Tuyển tập “Thơ Bốn Mươi,” 2014)

 

kết duyên hai nền văn hóa quê em và quê anh

em tung hoa tuyết lên bầu trời

của chiếc áo dài Việt Nam

đan đỉnh núi Apls vời vợi

với thềm đồng bằng Cửu Long trũng phù sa

trồng tre xanh

trên đỉnh núi non trùm tuyết

 

bò núi Valais và trâu nước Gò Công

trỗi dậy từ lòng đất,

cheese chuối vườn

đã thẩm thấu mùi hương của đồng lúa mênh mông,

không gian giòn trong của ngọn Matterhorn quyện hòa vào những sợi nắng ấm

của miền quê Việt Nam –

hai thế giới giao hợp, keo sơn máu thịt

 

hãy cho em bước đi giữa thực tế song hành

với một thực thể chạm vào một đặc tính ý vị khác

biết tinh tường vị nước mắm thơm lựng

tập tành yêu món cheese nấu fondue

 

nhưng trên tất cả, hãy cho em tung tăng

giữa hàng rào của một vườn nho

và con kênh của một dòng sông nước mặn

để cho em hít thở

cái vô cùng của đồng bằng bát ngát

giữa vách núi bao bọc thẳng đứng

hãy để cho em

vẫy vùng trong sóng nước

nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương

để cho em nếm triền đất

duỗi ra từ cõi Đông ôm vòng quanh thế giới

cho em được nghe lần nữa

âm điệu tuổi thơ

nấp trong những mảnh ngói đá

trên những nóc nhà Valais

để cho em rộn ràng

với câu chuyện của hàng vạn mục đồng

đang trông cừu trên những ngọn đồi Thụy Sĩ râm mát

chợt nghe âm ba của dòng suối Việt từ xa

và hãy để cho chiếc áo dài Hoa Xuyên Tuyết của em

trãi ra trên những thành phố của ước mơ

đong đưa trên triền sóng hy vọng

lướt trên cánh vai an vi

và sống trong trái tim của thanh xuân hàng thế kỷ.

 

 

 

 

 

Comments are closed.