Thơ Ngu Yên

Không Thể Tựa Đề Cho Bài Thơ

 

1.

Có thể trốn thoát chăng?

Không phải nhà tù.

Con Phù sùng (Phù du không cánh)

trên trái đất giấy lững lơ khinh khí cầu.

 

Có thể trốn thoát chăng?

Cây Xương trọc (Xương rồng không gai)

mọc giữa sa mạc biển.

Sự tích Xương trọc không bao giờ nở hoa.

 

Thật không?

Ai vậy?

Không tin.

 

Thật hả?

Ám chỉ?

Không tin.

 

Có thể trốn thoát chăng?

Người liệm (kẻ hoạt động vô ích)

Người lượm (kẻ làm chuyện phi lý)

Giữa một nơi không thể hiểu bằng trí khôn

không thể giải thích bằng rung động

không thể nào:

thở bình thường

nghĩ bình yên

chỉ đau

chỉ nín

chỉ giấu

chỉ phù sùng xương trọc

liệt và lượm.

 

Họ báo cáo tôi có mặt nhưng vắng mặt.

Trái đất giấy, tôi bò.

Sa mạc biển, tôi trôi.

Không sống chìm nhưng chết nổi.

 

Tôi nói cho các anh chị em nghe,

Từ lịch sử:

chúng ta, sinh vật khôn nhất hành tinh,

nhưng tiểu sử, ngu nhất.

Khi vắng mặt là hiện diện không lối ra

Khi trốn thoát là luận đề triết học

Khi năn nỉ là đáp án tôn giáo

Khi ngu ngốc là cách sống qua ngày

thì:

Trí tuệ bị hành hạ bằng tử tù chờ hành quyết

Tâm tư bị lủng, chảy, rỗng, tê điếng

Bộ hạ đầy trứng và tinh trùng

Cái miệng há, cạp, nhai, nuốt, phun, nói, hét,

như địt.

Em có thể nào thành thật nói với anh:

Thương thì có nhưng thúi như cứt.

 

2.

Tình yêu không thúi.

Cách yêu: thúi.

Sử dụng tình yêu thúi hết cả đời người.

Ngâm trong hủ mắm yêu.

Châm ngôn tương lai viết:

“Sống lâu với thúi, hết thúi.”

Thật không?

Ai thúi?

Không tin.

 

Ngôi sao lớn nhất báo cáo

Con người có mặt, có lẽ, vĩnh viễn vắng mặt

Trái đất giấy, người bò

Sa mạc biển, người trôi

chết lâu rồi vẫn nổi.

 

Những ai đang yêu nhau, biết chưa?

Người chết yêu như thế nào?

Đè nhau lạnh lẽo, hai cục nước đá cạ chảy nước

một hồi vũng nước bốc hơi

hơi thành mây

mây thành mưa

mưa thành nước đá

cạ nhau lạnh lẽo.

Ghê thật.

Nghĩ gớm.

Nói thúi.

– “Anh, hãy nói thật cảm giác khi nước đá tan?”

– “Lạnh bỏ mẹ.”

 

Cứ thở đi

Cứ nghĩ đi

Cứ đau đi

Cứ tự nhiên nín

Cứ tự động giấu

Cứ làm người riêng

Chỉ người chung mới bị quy luật.

Những đứa khốn nạn bày tiêu chuẩn điều lệ sống.

Chắc đầu óc phải thúi ghê lắm mới nghĩ ra.

Người thúi sống với luật lệ thúi không biết thúi

Con phù sùng bịt mũi bò

Cây xương trọc bịt mũi mọc rễ

Người liệt bịt mũi cử động như máy

Người lượm:

Không muốn làm phi lý, cứ bịt mũi lượm lên,

bỏ thùng rác.

 

3.

Người liệt người lượm phân thân

Sống trong đấu trường đen hơi hám

bốc lên từ tục tĩu.

Mẹ kiếp, có ai mà không tục?

Ai dám nói mình không tĩu?

Nhưng ca tụng nó sẽ trở thành thúi.

Làm đi, đừng nói nhiều.

 

Tôi:

bị bắt buộc sai lầm khi hiện sống.

Ai lầm?

Số mệnh?

Ngẫu nhiên?

Cha mẹ?

Xã hội?

Học đường?

Bạn bè?

Vợ con?

Dân tộc?

Ai sai?

Không biết nhưng rõ ràng.

Tôi hỏi các anh chị em:

Có ai bị sai lầm khi hiện diện không?

Kẻ ngu nhất sẽ trả lời có.

Đó là kẻ thành thật đáng yêu.

Tối thiểu, thúi một cách khác.

Những ai im lặng

– Xin lỗi, mẹ kiếp, em lựa lời mắng rủa giúp anh.

 

Tôi hiện diện không được quyền làm tôi.

Chọn đi, người liệt hay người lượm?

Chọn đi, phù sùng hay xương trọc?

Trái đất giấy hay sa mạc biển?

Tôi hiện diện với quyền làm người không phải tôi.

Ghê thật.

Nghĩ gớm.

Nói thúi.

 

Anh chị em có quyền làm người gì?

Hỏi thúi.

 

Một ngày nọ, nhận được lá thư

đầy lời lẽ tục tĩu của sở thuế

mạt sát nhân phẩm vì đồng tiền

bất kỳ con người tồi tệ đến đâu

không thể thua tờ giấy in con số.

Không có tờ con số

Không thể nào trả lời

im lặng là cách nhận tội trước khi bị kết tội.

Im lặng đọc nhiều lời tục tĩu tiếp tục gửi đến.

Sợ chưa?

Chỉ biết sữa lại thành lời lịch sự như thơ

Ngâm lên mỗi khi buồn.

Thiếu vài ngàn bị mạt sát.

Thiếu vài triệu được ca tụng.

Đồ điên.

 

Một đời người nhận biết bao nhiêu thư tục tĩu.

Tình nhân ơi, sao em không gửi cách đây hai chục năm?

Tục tĩu nhất, lá thư giám đốc nhà quàn:

Cảm ơn sự khôn ngoan đã lo trước nghĩa địa.

Mẹ kiếp. Ngu thì có.

Tục tĩu nhì, lá thư xin trợ cấp tiền

Cuối cùng chính tôi cũng tục tĩu viết lời lễ độ.

Không thể thoát được.

 

Chỉ một sở thuế thôi đủ để bất an, bất bình.

Còn bao nhiểu sở khác ghê sợ hơn nữa.

Ai dám tin đời sống thuộc quyền mỗi người?

Chỉ giả bộ

Chỉ man trá

 

Có thể nào trốn thoát chăng?

Trốn thoát cái gì?

Không biết.

 

Trốn thoát “cái không biết”?

“Cái không biết” là nỗi kinh khiếp tột cùng:

Kẻ ăn mày không biết đi làm sao khỏi bị chó cắn?

Người thượng lưu không biết phá sản ngày nào?

Bé gái không biết bao giờ mất trinh?

Chiến sĩ không biết bao giờ tử trận?

Mẹ bao giờ ung thư?

Cha bao giờ mất việc?

Kinh khiếp tột cùng

vì không biết còn kinh khiếp nào tiếp theo?

Không biết cái không biết sắp đến.

Trốn ở đâu?

Thoát bằng cách nào?

Định mệnh:

Là chuyện sẽ khám phá hay đang chờ gặp?

Trên con đường thời gian

định mệnh và ngẫu nhiên tranh giành với nhau?

Không biết hay không muốn biết?

 

Có thể nào trốn thoát chăng?

Không bao giờ

Đây là bản án trừng phạt tội ngu ngốc.

Thúi ghê.

Thúi gớm.

Thúi quen.

 

4.

Thúi hết sức.

Thúi hết chỗ nói.

Giờ đây tôi đã biết

Con người không bao giờ hết ngu

Từ lúc người chỉ có thân xác, một loại động vật

cho đến khi biết suy tư

một khoảng thời gian dài tối tăm ngu xuẩn

cho dù mai sau khôn ngoan

ngu đã ngấm vào di truyền.

Một nửa dưới thiên thần là thú vật.

Một nửa óc thiên tài là u mê.

Một nửa đúng là sai lầm cái đúng.

Dần dần tất cả đều rã mục

Chứa phương trình phế thải tự nhiên thúi

Thúi kinh niên

Thúi thường trực

Nhưng thúi đâu phải căn cước khởi đầu?

 

5.

Để chấm dứt một đời người cha thúi

nghĩa vụ giáo dục thúi thành thơm

Nhưng có người cha nào yêu con cái ,

có thể thúi với con?

Lời cuối cùng, tôi viết:

Các con yêu quí.

đây là lời gia phả dặn dò:

Dù tất cả mọi người, chúng ta, đều thúi

đều phải xì hơi thúi

nhưng đừng bao giờ yêu cái thúi.

Đừng bao giờ nói thúi.

Hãy bắt đầu từ: Đừng bao giờ nghĩ thúi.

N.Y

Comments are closed.