Nhà thơ Từ Quốc Hoài còn có các bút danh khác: Văn Khúc, Xương Văn, Nguyễn Từ Vũ.
Ông tên thật là Nguyễn Văn Giáo, sinh 1942 tại Bình Định; tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 1971, ông đi “B” công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V. Sau 1975, ông chuyển sang hoạt động văn học chuyên nghiệp, làm Biên tập viên, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Báo Tiền Phong. Từ năm 2000, ông nghỉ hưu, sống và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Bậc thềm mùa hè (thơ – 1988)
– Chứng chỉ thời gian (thơ – 1990)
– Điệu luân vũ (thơ – 2000)
– Mười ba ngày trong cuộc đời (bút ký – 2000)
– Sóng & khoảng lặng (thơ – 2010)
– Những chiếc lá thiêng liêng (thơ – 2013)
VÀI LỜI CỦA TÁC GIẢ:
MUỐN ĐỔI MỚI THƠ CẦN ĐỔI MỚI CẢM THỨC CỦA NHÀ THƠ
Thơ, trong bản chất là sự sáng tạo. Mỗi bài thơ là một kiến trúc ngôn ngữ hoàn hảo, lung linh vẻ đẹp của cảm xúc và trải nghiệm.
Đời sống hôm nay đang thay đổi với nhịp độ chóng mặt. Thành tựu về công nghệ trong đó có mạng internet, đã làm mới gương mặt của thế giới mỗi ngày. Nhưng các nhà thơ không thể làm mới con tim mình mỗi ngày. Một nghìn năm trước hay một nghìn năm sau các nhà thơ vẫn mang con tim với nhịp đập sinh học, nó không thể tăng tốc vô giới hạn theo tốc độ chóng mặt của thế giới hôm nay. Cảm xúc của nhà thơ là thứ duy nhất có thể mang được màu sắc tươi mới của đời sống. Nhà thơ không chỉ nhận mặt một lượng vô cùng lớn những thông điệp do thế giới mang lại, mà còn phải “ tiêu hóa” để nó thành cảm xúc, tạo ra sức nóng, vẻ đẹp của những câu thơ. Cảm xúc cùng với sự nhận thức mới mẻ sẽ quyết định sự mới mẻ của thơ dù nó được làm ra hôm nay hay từ hàng trăm năm trước.
Nhà thơ Lê Đạt từng nói: Con chữ bầu nên nhà thơ! Đó là chân lý, là một trong những phương hướng đổi mới thơ. Nhưng nó là kết quả cuối cùng, phụ thuộc bản lĩnh, tài năng của mỗi nhà thơ. Nếu hiểu câu nói trên theo hướng thơ là trò chơi chữ nghĩa thì sẽ sa vào chủ nghĩa hình thức, phản thơ. Ngôn ngữ là tài sản vô giá của mỗi dân tộc. Nó là thứ tài sản đặt biệt, không giống vàng bạc hay các thứ tài sản khác. Càng được sử dụng nó không những không cạn kiệt mà trái lại trở nên phong phú, giàu có hơn. Cùng sử dụng một thứ ngôn ngữ nhưng chỉ có một số người trở thành nhà thơ, một số rất ít người trở thành nhà thơ nổi tiếng, càng hiếm người trở thành nhà thơ lớn.
Cuộc sống, số phận Con Người, cụ thể là Con Người và đất nước Việt Nam là điểm đến, tạo ra bản sắc thơ Việt, trước khi nó vươn ra thế giới.
SỰ NHẪN NẠI
Gửi bạn
Chúng ta
bỗng trở thành loài gặm nhấm
tiêu xái… những giấc mơ
nhẫn nại gặm nhấm
cho tới khi chỉ còn lại nỗi cay đắng.
HIỂM HỌA
Chúng ta tìm cách thoát khỏi bóng đêm
bằng giấc ngủ vùi
không chừng khi tỉnh giấc
đã lạc sang
một… kiếp khác.
CUỘC THOÁI VỊ
Hoàng hôn ngún lửa
nắng thu mình cuối trời
ngày đang thu dọn
bỏ lại
tháp chuông chọc trời nơi trung tâm thành phố
bỏ lại những con phố
hàng cây…
anh gửi chiếc bóng làm cuộc tiễn biệt
ngày đã đạt tới tột đỉnh quyền lực
với 24 tiếng đồng hồ
một thế giới khổng lồ
được khai sáng
thanh thản từ bỏ ngai vàng
cùng với đàn chim di trú
ngày thoái vị.
NHỮNG NHÀ ẢO THUẬT
BỊ LỘ SÁNG
1.
Dẫu là đêm hay ngày
con người luôn tìm ra chỗ ẩn náu
đằng sau những vòm cổng có chó dữ
bên trong các tủ kín bưng những mật mã
những con chữ cũng có thể khoác lên người
trò ảo thuật…
để
con người
không sao nhận biết con người
nhưng các vụ nổ đã được châm ngòi
tất cả bị nổ tung
tất cả phơi bày
thảm hại
2.
các vị đã bị lộ sáng
quý ông A quí bà B quí ông C quí bà D
các vị đã lộ sáng
quí ông G quí bà H quí ông E…
các vị đã lộ sáng
khi cánh cửa Nhà Đỏ mở ra
lố nhố mũ cao áo dài
lập lòe toàn thân
mấy điều này nọ với mớ chữ bạc chữ vàng
màu mè bùa chú
các vị đã lộ sáng
biển Đông tàu giặc xâm lăng
sục sôi dân
bao nhiêu vị bỗng ngọng nghịu cà lăm
không nói được là thù hay bạn!
các vị đã lộ sáng
hiện nguyên hình là cái bị… tham
chứa tiền bẩn
các vị đã lộ sáng
giả danh các Nhà từ thiện hứa trao cả thiên đường
nhưng rắp tâm xây địa ngục
các vị đã lộ sáng
là hạt máu của dân
nhưng lại bán mình cho quỷ…
bây giờ không phải thời của các thầy trừ ma
nhưng xử hạng các người
chắc chắn là có cách!
Tác giả gửi Văn Việt.