Hai chữ “Ngữ-Văn”: Xin gửi một ý hiểu nhỏ

Đinh Văn Đức

Tôi xin bắt đầu bằng mẩu chuyện sau đây:

Năm 2000 thầy Nguyễn Tài Cẩn được Nhà nước trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ” vì Ngôn ngữ học thuộc về khối này. Thầy kể: “Số tôi vất vả. Mang cái bằng về nhà mở ra coi thì lại thấy ghi tặng cho tôi là tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật”. Tôi thấy hoảng vì có thể anh em bên Văn Nghệ lại nghĩ mình ăn gian. Tôi xưa nay làm Ngôn ngữ học chứ có làm gì cho Văn Nghệ đâu”! Hồi đó, chúng tôi nói thầy nên báo cáo cấp trên để xin đổi lại cái bằng. Thầy ngần ngừ rồi bảo: “Theo tôi là không nên. Chuyện này nhỏ lắm, trên ấy người ta bận trăm công việc cho quốc kế dân sinh, không nên phiền”. Một trò cũ Hán Nôm có quen bên Thi đua TW, trọng thầy nên có hỏi. Một ông cốp bên Bộ Nội Vụ bảo: “Ghi như thế là đúng rồi. Có gì mà sai. Ngữ cũng là Văn. Vẫn nói Ngữ Văn mà. Tiền thưởng hai bên như nhau đấy thôi (!)”. Tường lại thầy, thầy bảo: “Trên không nghi, dưới không ngờ, cũng không ngại. Có điều, nếu có ai hỏi han chi thì nhờ các ông nói hộ: “Bộ Nội Vụ bảo Ngữ cũng là Văn, không ăn gian đâu (!)”.

Chúng tôi bấm bụng vì cái thâm thúy của vị thầy Đồ xứ Nghệ!

*

* *

Hai chữ “Ngữ Văn” cần được minh định.

Thuật ngữ tiếng Tây “Philology/Philologie” có từ lâu, dịch sang tiếng ta “Ngữ văn” (chữ “văn” không viết hoa) có độ vênh, có chỗ hiểu khác nhau. Các bậc cao niên rành tiếng Tây biết rõ về nội dung điều này. Châu Âu chắc chắn không phải là “Ngôn ngữ + Văn chương”. Hai chữ Hán trong từ ghép “ Ngữ Văn” cũng có nội dung riêng. Ở Trung Quốc, nội dung Ngữ Văn cũng có khác. Vậy tiếng ta thì sao?

Hai chữ “Ngữ Văn” xuất hiện ở hai bậc giáo dục: Phổ thông và Đại học có lai lịch khác nhau. Tôi thì chỉ hiểu hơn về từ Ngữ Văn ở bậc Đại học.

Từ Ngữ Văn có ở bậc đại học ta khá muộn. Các trường đại học Tổng Hợp và Sư Phạm ở miền Bắc lúc đầu (từ 1956) chỉ có khoa khoa Văn-Sử (Sau gọi là khoa Xã Hội). Từ năm 1960, một vài thầy đỗ PTS ở Liên Xô cả Văn và Ngữ về, Bộ Giáo dục đều dịch chung là PTS Ngữ Văn (Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Đức Nam, Tôn Gia Ngân, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Hàm Dương,…). Sau đó, ở trường đại học Tổng Hợp Hà Nội, vào năm 1966, GS Hiệu trưởng Ngụy Như Kon-tum về kiểm tra chương trình các ngành học của khoa Văn thì mới phát hiện ra số giờ các môn Ngôn ngữ (Dẫn luận ngôn ngữ + Lý luận ngôn ngữ + Việt ngữ + chuyên đề) gần bằng với số giờ các môn bên Văn, ông bèn quyết định mở ngành Ngôn Ngữ và gọi khoa Văn thành khoa Ngữ-Văn (nghĩa nôm na là Ngôn ngữ + Văn học). Chuyện này đã có gây phản ứng bất thuận trong khoa Văn và cả trong Đảng Ủy trường. Nhưng rồi trường thỉnh báo cáo lên Bộ Đại Học, GS Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã ủng hộ dùng “Ngữ Văn” với lí do Quốc tế là hai chuyên môn phân biệt (đến năm 1968 Bộ còn cho thành lập Khoa Tiếng Việt, rồi năm 1972 cho mở ngành Hán Nôm ờ khoa Ngữ Văn). Hai chữ “Ngữ Văn” được minh định ở cấp trường từ đó. (GS Đoàn Thiện Thuật còn nhớ rõ chuyện này hơn tôi vì thầy có tham gia vào việc báo cáo thẩm định chương trình). Trường ĐHSP Hà Nội đoạn sau cũng gọi khoa Văn là khoa Ngữ Văn nhưng không rõ từ năm nào. Về sau, từ này cứ thế lan ra các nơi (nói theo thuật ngữ của bên Công An là các địa bàn).

Riêng hai chữ “Ngữ Văn” đặt vào chương trình Phổ thông thì tôi không rành, không rõ có từ khi nào. Khi tôi vào Đại học (1961) thì lúc đó vẫn chỉ có Văn và Tập làm Văn thôi. Điểm chung là điểm Văn. Tôi thi đại học là thi vào Tổng hợp Văn. Làm bài môn Văn.

Đầu năm 1968, Chính phủ, theo đề nghị của GS Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm UBKHXH Việt Nam, đồng ý cho tách Tổ Ngôn ngữ học ra khỏi Viện Văn Học để lập Viện Ngôn Ngữ Học. Đó là bước đầu Ngữ học tách ra khỏi Văn học. Các đại học thì vẫn tiếp là khoa Ngữ Văn. Học hàm học vị của ta thì vẫn là Ngữ Văn cho đến đầu thập niên chín mươi. Sau đó, đào tạo Phó tiến sĩ và Thạc sĩ, rồi phong GS, PGS mới tách dần ra Ngôn ngữ học và Văn học. Có Hội đồng học thuật riêng cho hai ngành. Việc tách hẳn đào tạo Ngữ học ra khỏi Văn học ở cả ba bậc học chỉ bắt đầu từ khi Đại học Quốc Gia Hà Nội quyết định (1996) cho lập các khoa đơn ngành trong đó có khoa Ngôn ngữ học. Nay thì ta đã có ba khoa Ngôn ngữ học ở ba nơi (Hà Nội và TP HCM). Thuật ngữ “Khoa Ngữ Văn” vẫn hiện hữu ở nhiều trường đại học Sư phạm và các trường Cao đẳng. Hoàn toàn vẫn có ích và không có tranh luận gì.

Tuy nhiên, việc dạy môn “Ngữ Văn “ ở trường Phổ thông thì đã nhiều năm đã gây ra bàn cãi bất phân về nội dung chương trình và sách giáo khoa mỗi bận thay đổi. Gần đây trên các mạng xã hội lại tiếp tục cuộc trao đổi về Ngữ Văn và thực tế vẫn chưa tạo được sự đồng thuận. Nhất là từ khi có thêm tên và nội dung hai mảng: Văn và Tiếng Việt.

Tôi cả đời gắn bó với đại học nên với việc dạy học Phổ thông là chuyện “Kính nhi viễn chi”, không dám lạm bàn. Tuy nhiên, là người làm Ngôn ngữ học thì tôi có ý thức phân biệt rạch ròi: Ngôn ngữ và Văn chương. Tiếng Việt và Văn Việt trong đào tạo, trước hêt là ở bậc đại học và sau đại học.

Ngôn ngữ có hai chức năng cơ bản a) giúp người ta suy nghĩ (diễn đạt tư duy), b) Làm công cụ giao tiếp quan trọng nhất của người ta. Kế theo đó, ngôn ngữ có một chức năng hệ quả từ hai chức năng cơ bản nói trên: Chức năng Nghệ thuật, trong đó dùng ngôn từ làm phương tiện nghệ thuật dùng để sáng tác văn chương (tạo hình). Dạy ngôn ngữ là dạy người ta học cách dùng (dụng ngôn) để nói và viết sao cho đúng, cho chuẩn. Dạy Văn chương là dạy tiếp cận và thẩm định sản phẩm nghệ thuật Văn làm ra bằng ngôn từ. Theo đó, ngôn ngữ văn chương (ngôn ngữ nghệ thuật) và ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc có một quan hệ rất đặc biệt: Thoát thai từ ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ văn chương làm cho ngôn ngữ dân tộc phong phú hơn, đa dạng hơn, đẹp hơn.

Từ nguyên lí đó, việc dạy tiếng và dạy văn có nội hàm khác nhau và chức năng và phương pháp khác nhau, cách thức khai thác khác nhau. Cái khó nhất của thầy/cô dạy văn là vừa khai thác nội dung tác phẩm vừa biết cách phân tích được nghệ thuật tạo hình bằng ngôn từ trong tác phẩm và…không phải ai cũng thành công trong dạy Văn cho dù đã được đào tạo qua môi trường Sư phạm. Về phía người học cũng vậy. Văn là nghệ thuật nên rất cần Văn lực. Văn lực gắn với năng khiếu . Không phải ai cũng thích học Văn. Nhiều khi trò học Văn trong sự gò bó, thậm chí coi là khổ ải. Nhưng học ngữ thì khác. Đây là những quy phạm về nói và viết, những nghi thức giao tiếp của bản ngữ (tiếng mẹ đẻ) nên phải được tuân thủ như một phép, những quy tắc cần rèn luyện và ghi nhớ. Dạy bản ngữ không cần dạy nhiều về ngữ pháp vì người ta đã sở hữu nó, ít khi nói sai lắm. Nhưng cần giảng giải và dạy kỹ về ngữ nghĩa và ngữ dụng (cách dùng) trong những bối cảnh, những tình huống giao tiếp khác nhau. Nói cho nên lời, Viết cho đúng chính tả và các dấu câu, rồi chuẩn chỉ các văn bản giao dịch. Thực tế, cho đến nay, việc dạy tiếng Việt ở trường phổ thông chưa thành công vì thầy cô dạy bản ngữ mà lại giống như dạy ngoại ngữ, thiên về mô tả, phân tích tiếng Việt chứ không tập trung cho cách dùng tiếng tốt. Ngữ và văn là hai môn học bổ trợ cho nhau, vấn đề là làm thế nào thầy dạy tốt và học trò hào hứng học.

Theo đó, thay vì lối cũ, môn tiếng Việt cần là môn học dạy rất thực hành từ tiểu học, trung học và đại học (đại học nên ưu tiên cho môn viết). Môn Văn thì bên cạnh việc phân tích nội dung các văn bản thơ văn cần phân tích các đặc trưng về tổ chức ngôn từ và các lối sử dụng ngôn từ, phong cách và sáng tạo của các tác giả, những giá trị về cái hay và cái đẹp (nghệ thuật). Có thể có một chút hướng dẫn về sáng tác (ở các lớp trên), ví như làm thơ lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ.

Nói tóm lại là phải dụng công cho cả hai môn học Ngữ và Văn. Chừng nào còn chưa định phận được chức năng và công việc của mỗi địa hạt thì e rằng sẽ vẫn còn lấn cấn trong hành động (lập chương trình môn học, viết sách giáo khoa và hướng dẫn dạy học).

Trên FB, tôi xin chỉ đưa một ý kiến nhỏ nhoi, có thể còn có những khác biệt hoặc hồ nghi, nhưng vì nhiệt tâm mong được chia sẻ vì lợi ích chung!

Dịp Khai giảng năm học 2023-2024

Nguồn: FB Đinh Văn Đức

Comments are closed.