Nguyễn Đức Tùng
28. Nếu không có cái chết, mọi tình yêu đều vô nghĩa.
29. Người làm vườn là người trẻ mãi.
30. Tôi
Tôi là mặt đất để trăng chiếu sáng
Tôi là hàng rào để hươu nhảy qua
Tôi là tiếng ồn mời im lặng
Tôi là nụ hôn để một người ngước lên
Tôi là bóng đêm buổi sáng trở lại
Tôi là chờ đợi. Sự chờ đợi làm nên con đường
Tôi là bức tường. Mời sự phá vỡ
31. Nhà văn gánh chịu sự đau khổ cho cả những người không hề biết mình đau khổ. Một việc khá tào lao. Nhưng không thể không làm.
32. Đọc bất cứ cái gì bạn thích. Khó hơn: đọc bất cứ cái gì cần thiết mà bạn không thích. Đọc dưới áp lực.
Một lần phải bay mười mấy tiếng đồng hồ, lên phi cơ tôi mới nhận ra mình quên mang theo cái gì để đọc. Lục trong va li tìm thấy cuốn sách mua đã lâu nhưng ngán ngẩm không đụng tới. Tôi đọc một mạch: đó là một trong vài cuốn sách quan trọng nhất đời mình. Đi làm về nhà, tình cờ gặp một truyện ngắn hay, một câu thơ vang dội, lợi dụng lúc vợ con đi chơi đâu cả, tôi để nguyên áo quần, cà vạt, đôi khi cả giày, đứng thế mà đọc. Và đọc đứng cho đến khi xong. Vì nếu bạn buông xuống, bạn sẽ không quay lại nữa. Cũng như trong tình yêu.
Bạn thích điều gì ở đó?
Lời đối thoại thông minh.
Sự va chạm nảy lửa của hai tính cách.
Lối hành văn trúc trắc mà quyến rũ.
Câu văn dài lòng thòng mà sáng sủa.
Câu văn ngắn, dữ dội, thờ ơ. Vì thờ ơ nên dữ dội.
Một câu thơ đặt dấu phẩy trúng đích. Cái xuống dòng khắc nghiệt.
Bài học.
33. Chúng ta đọc và viết tiểu thuyết, thơ, bút ký, vì chúng làm cho ta thích thú. Cũng như nghe một bản nhạc. Sự thích thú có hai loại. Một loại ngay lập tức, ví dụ lối hành văn, sự mở đầu với một pha hấp dẫn, sự kết thúc có hậu hay vô hậu.
Hầu hết độc giả bình dân ưa chuộng nó: bạn cứ xem các vở tuồng cải lương hiện nay, các vở hề trên sân khấu, các bản nhạc mà các bạn trẻ ưa thích, phim ảnh hiện nay, các khẩu hiệu trên đường phố, lối trò chuyện rập khuôn của các sao chân dài. Bọn chân dài thường ngu, nhưng đẹp. Cũng thuộc loại vui thú này nhưng khó nhận ra hơn là các tác phẩm văn học tương đối có giá trị, mặc dù giá trị của nó sẽ được nâng lên nhiều nếu không dựa hẳn vào sự vui thú mà tôi vừa nhắc tới. Pha mở đầu của truyện ngắn nổi tiếng Cánh đồng bất tận, được nhiều nhà này nhà nọ khen nức nở khi mới xuất hiện, là đặc trưng cho loại vui thú thứ nhứt này.
Nhưng có một loại vui thú khác sâu xa hơn, im lặng hơn, rùng rợn hơn, nằm chờ bạn bên dưới các trang giấy.
Miễn là các trang giấy ấy phải sang trọng.
Bạn biết là tôi không nói về chất lượng của giấy, Cogito hay Hồng hà.
Tôi nói về hạ văn bản (subtext).
34. Câu chuyện của một truyện ngắn hay tiểu thuyết thoạt nhìn có vẻ như dựa vào niềm ao ước nóng bỏng của các nhân vật: ao ước được làm cách mạng cứu vớt, ao ước được phanh thây uống máu quân thù, ao ước được lấy làm vợ một cô hàng xóm nhỏ vị thành niên, ao ước được lấy đại gia. Văn bản chỉ ra cho chúng ta như vậy. Tuy nhiên khi bạn suy nghĩ lại, cái ám ảnh lớn nhất của một tiểu thuyết, bao gồm truyện ngắn vì truyện ngắn ngày xưa được gọi là đoản thiên tiểu thuyết, là sự thất bại của các niềm ao ước ấy.
Sự thất bại của niềm ao ước ấy làm nên cái mà các nhà phê bình gọi là cái dưới văn bản, hay tôi nghĩ nên gọi là hạ văn bản (subtext).
Đọc các nhà văn hiện nay tôi ngạc nhiên thấy sự hiểu biết rất lớn về nhiều mặt và ngạc nhiên hơn, sự hiểu biết ấy không đem lại cho họ bất cứ cái nhìn sâu xa nào.
Ai cũng biết rằng hiện nay đã qua rồi thời kỳ văn chương chỉ biết ta tốt, địch xấu, đã qua rồi thời kỳ các nhân vật chính là anh hùng. Người ta bắt đầu nói về khuôn mặt người trong các nhân vật, với tất cả các ưu điểm và khuyết điểm của họ. Các nhà văn tưởng thế là tự do. Những nhận thức như vậy có thể vừa đủ cho một công dân trung bình, hoàn toàn không đủ cho một nhà văn, thậm chí một độc giả văn học. Độc giả văn học khác với độc giả.
Văn bản mang nhiều ý nghĩa, có những ý nghĩa hiển nhiên và những ý nghĩa nằm bên dưới hay còn gọi là giữa các dòng chữ. Hạ văn bản là việc đọc các nghĩa bên ngoài các mặt chữ. Nó hoàn toàn khác dưới cốt truyện (subplot). Dưới cốt truyện là nói về một cốt truyện khác, phụ, đi cùng với cốt truyện chính.
35. Ngày càng nhiều tiện nghi, con người càng bấn loạn trước các thông tin gây nhiễu. Để sống lành mạnh, người ta không thể vào rừng ở ẩn mà phải biết cách lọc tiếng ồn. Tiếng ồn là các thông tin không cần thiết cho mình, mặc dù có thể cần thiết cho người khác. Các nhà văn phải lọc tiếng ồn. Không phải là từ chối nhận thông tin, không phải là quay lưng với sự thật, không phải là phủ nhận sự có mặt của người khác. Trái lại, để có thể phản ứng ngay lập tức trước nhu cầu của người khác và có thể đọc hay viết, đầy sức mạnh.
– Mẹ, mẹ có yêu con không?
Lạy Chúa, các nhà văn của chúng ta đừng viết thế nữa.
– Cô ta có một mái tóc quan trọng. She has important hair.
– Tôi nghĩ là tôi biết bạn muốn nói gì. I think I know what you mean.
– Tôi hi vọng là bạn cảm kích trước người đàn bà ấy. I hope you appreciate that woman.
– Tất nhiên rồi. Absolutely.
– Bởi vì một người đàn bà như thế không phải tự nhiên mà có đâu. Because a woman like that doesn’t just happen.
Tôi đọc nhiều lần đoạn đối thoại này, của Don DeLillo, theo tôi là nhà văn bậc nhất hiện nay. Những chữ như important hair, just happen, không tự nhiên mà viết được. Chúng không phải tiếng Anh. Chúng thơ mộng.
Cũng như truyện Kiều.
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Có ai nói thế đâu.
36. Văn học có biết nói dối không?
Hoàn toàn có thể.
Có hai loại nói dối: vô tình và cố ý. Có loại thứ ba mà các nhà phân tâm học gọi là vô thức lừa gạt mà tôi sẽ nói sau.
Vì sự nói dối ấy mà văn học đôi khi chỉ là rác rưởi.
Chống lại sự lừa dối của văn học là nhiệm vụ của phê bình. Chưa bao giờ các nhà phê bình làm được điều đó cả.
37. Simone de Beauvoir và Jean Paul Sartre được Fidel Castro mời đến chơi Cuba năm 1960 nhân lễ hội Carnaval. Sartre hết lời ca ngợi Fidel và cách mạng Cuba, tất nhiên.
Giữa những lời ca ngợi tuyệt mỹ ấy, có một đoạn ngắn, tả cảnh này. Họ viếng một bãi biển xinh đẹp dành cho công chúng. Fidel và khách được mời một thứ nước giải khát nóng như lửa. Fidel hỏi sao không có nước đá, công nhân trả lời máy lạnh bị hỏng. Sao không sửa? Không thể sửa được. Thông thường Fidel đổ lỗi cho hệ thống chính quyền thời trước bại hoại, nhưng trong trường hợp này thì không thể được. Ông ta tức giận đạp văng cái tủ lạnh và đưa nắm đấm đe dọa các công nhân.
Tất cả sự lừa dối của Sartre và de Beauvoir đối với người đọc đều có thể được tha thứ bởi đoạn văn này.
38. Truyện tình và thơ tình là hai thứ khác nhau.
N.Đ.T
(Còn tiếp)