Bàn tí về việc bỏ cho điểm ở tiểu học

(Rút từ facebook của Đào Tiến Thi)

 

Một lần về quê, ông bạn đồng nghiệp vong niên (đã về hưu, dạy giỏi nổi tiếng một thời) sừng sộ với mình:
– Này, ông làm ở Bộ Giáo dục, ông trả lời cho tôi: Tại sao lại bỏ cho điểm với HS tiểu học?
– Dạ, em chưa có điều kiện tìm hiểu kĩ chuyện này. Nhưng em nghĩ chắc là họ không tự nghĩ ra mà học theo giáo dục của một nước nào đó. Ở những nước tiên tiến, nhìn chung họ cố gắng không gây áp lực cho HS. Cho nên không cho điểm có lý do của nó…
Ông bạn cắt ngang:
– Tao đ… thấy hợp lý ở chỗ nào. Chỉ thấy từ ngày bỏ chấm điểm, tao không dạy được cháu tao nữa. Học là phải có áp lực nếu không chả đứa nào học. Hồi tao đi học cũng thế thôi.
– Vâng. Ấy là nền giáo dục cổ truyền thì phải thế. Nhưng ngày nay thế giới tìm mọi cách giải phóng năng lực của con người. Muốn thế con người phải được tự do. Đúng là phải có áp lực thì người đi học mới chịu học. Vấn đề là áp lực nào. Tham gia một trò chơi chẳng hạn, bác có thấy có áp lực không, có tốn sức không? Áp lực lắm, tốn sức lắm chứ, nhưng thích, phải không? Đấy, Tây họ biến áp lực bên ngoài thành áp lực kiểu tự thân như thế. Nhưng muốn thế thì chương trình, sách giáo khoa phải hấp dẫn, thi cử phải hợp lý, không thi thuộc lòng… Và đặc biệt, theo em, quyết định tất cả là cách tuyển dụng con người. Việc “tuyển” và “dụng” sẽ chỉ đạo người học chọn cách học thật hay học giả, tự nguyện hay ép buộc… Tóm lại là thay thì phải thay cả hệ thống, nhưng cái đó thì ngoài tầm của ngành giáo dục rồi.
Ông bạn có vẻ vẫn chưa hài lòng. Đành chịu.

Lời bàn: Chả cứ việc bỏ cho điểm nói trên mà rất nhiều cái hay của Tây, Nhật, Hàn,… ở nhiều lĩnh vực khác, đem áp dụng vào Việt Nam đều hỏng. Có lẽ nó giống như cài một phần mềm tối tân vào một cái máy tính cũ kĩ, với hệ điều hành cũ kĩ. Nó không tương thích nên chẳng những không dùng được mà còn sinh đủ thứ rắc rối. Chưa kể, cũng có khi người ta còn đang thử nghiệm, mò mẫm trong phạm vi nào đó mà mình đã coi là hiện đại, tuyệt hảo, vội bê về, áp dụng cho tất cả.
Mà lạ quá, cái hay nhất của Tây, Nhật, Hàn,… là chế độ dân chủ – cái giá trị gốc, cái “đại hệ thống”, bao trùm lên toàn xã hội và đã được “thử nghiệm” trên hầu hết các quốc gia, đã chứng minh rõ ràng tính ưu việt của nó – thì “người mình” lại chê, lại tìm mọi cách không cho nó ảnh hưởng vào Việt Nam. Trong khi đó lại vồ vập những cái thuộc về “tiểu hệ thống”, thậm chí chi tiết, tiểu xảo, thì làm sao mà không dẫn đến tình trạng đầu Ngô mình Sở?

Comments are closed.