Điều răn thứ mười một

Milan Kundera

Ngân Xuyên (Phạm Xuân Nguyên) dịch

Phạm Xuân Nguyên: Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) tôi xin gửi lời chúc mừng đến các nhà báo, người viết báo, người làm báo và người đọc báo. Chúc cho báo chí cách mạng của ta ngày càng đúng bản chất và tính chất của báo chí hơn.

Mời mọi người đọc đoạn văn viết về nhà báo và nghề báo của nhà văn Milan Kundera (sinh 1929, gốc Czech, định cư tại Pháp) trong tiểu thuyết “Sự bất tử”. Tiểu thuyết này ông xuất bản năm 1990, tôi dịch ra tiếng Việt (bút danh Ngân Xuyên) năm 1996 đăng tạp chí, năm 1999 in thành sách, năm 2019 sách tái bản.

***

Có một thời, tên tuổi vĩ đại của Ernest Hemingway có thể tượng trưng cho vinh quang nhà báo. Toàn bộ các tác phẩm của ông, phong cách viết ngắn gọn, thiết thực của ông, là bắt nguồn từ những thiên phóng sự mà hồi trẻ ông đã gửi về cho tờ báo ở Kansas City. Làm nhà báo hồi đó nghĩa là ở sát gần với hiện thực hơn những người khác, là sục vào mọi ngóc ngách khuất nẻo của nó, là chịu bẩn tay vì nó. Hemingway tự hào rằng những cuốn sách của ông vừa cúi xuống tận mặt đất vừa bay lên đến vòm trời nghệ thuật.

Nhưng khi Bernard thầm nhắc trong đầu từ “nhà báo” (từ này ở Pháp hiện nay dùng để chỉ cả những người biên tập phát thanh và truyền hình, thậm chí cả phóng viên nhiếp ảnh), anh không nghĩ đến Hemingway, và hình thức văn học anh muốn thể hiện mình hoàn toàn không phải là phóng sự. Anh mơ tưởng trên hết là được đăng trên một tờ tuần báo uy tín những bài xã luận khiến các đồng nghiệp của ông bố phải xôn xao, lo lắng. Hoặc là những bài phỏng vấn. Vả chăng, ai là người sáng lập báo chí hiện đại? Hoàn toàn không phải là Hemingway, người ghi lại những ấn tượng của mình trong các chiến hào mặt trận, hoàn toàn không phải là Orwell, người đã bỏ một năm lăn lộn giữa đám dân nghèo Paris, cũng không phải là Egon Erwin Kisch, người am hiểu giới đĩ điếm Praha, mà là Oriana Fallaci, người vào khoảng những năm 1969 tới 1972 đã cho đăng trên tờ tuần báo “Châu Âu” của Italia một loạt bài trò chuyện với các nhà chính trị nổi tiếng nhất thời ấy. Những cuộc trò chuyện này còn hơn cả những cuộc trò chuyện, đó là những cuộc quyết đấu tay đôi. Các nhà chính trị hùng mạnh chưa kịp hiểu ra là bị lâm vào thế bất lợi – bởi vì chỉ có phóng viên được quyền đặt câu hỏi, chứ không phải họ – thì đã bị hạ đo ván trên sàn đấu.

 

355139780_6495835317139815_6296013122345051143_n

Nhà báo Oriana Fallaci thời tác nghiệp

Những cuộc quyết đấu này là dấu hiệu của thời đại: hoàn cảnh đã thay đổi. Nhà báo đã hiểu ra rằng đặt câu hỏi, đó không đơn giản là cách thức làm việc của người phóng viên khiêm tốn đi tìm kiếm tin tức với quyển sổ và cây bút trong tay, mà là cách thức bộc lộ quyền lực. Nhà báo không chỉ là người đặt câu hỏi, mà là người được phú cho cái quyền thiêng liêng là hỏi bất kỳ ai và bất kỳ điều gì. Nhưng chẳng phải tất cả chúng ta đều có cái quyền đó? Chẳng phải mỗi câu hỏi không phải là một nhịp cầu hiểu biết bắc từ con người sang con người sao? Có thể lắm chứ. Vì vậy tôi xin nói rõ hơn nhận định của mình: quyền lực của nhà báo không phải dựa trên quyền được hỏi, mà dựa trên quyền “đòi hỏi phải trả lời”.

Xin các bạn đọc hãy đặc biệt chú ý rằng Moise không đưa vào mười điều răn của Chúa điều “Không được nói dối”. Việc này hẳn không phải ngẫu nhiên! Bởi vì người nói “Không được nói dối!” trước hết phải nói rằng “Phải trả lời!”, mà Chúa không cho ai quyền được đòi hỏi người khác trả lời. “Không được nói dối! Phải nói sự thật!” – đó là những lời mà con người không nên nói với một người khác nếu còn coi người đó bằng vai phải lứa với mình. Có lẽ chỉ có Chúa là có quyền nói ra những lời này, nhưng Chúa chẳng cần gì phải nói ra, nếu như Người đã biết hết tất cả và không cần đến câu trả lời của chúng ta.

Giữa người ra lệnh và người phải nghe lệnh cũng không có sự bất bình đẳng đến như giữa người có quyền đòi hỏi trả lời và người có bổn phận phải trả lời. Vì thế quyền đòi hỏi trả lời từ lâu chỉ được đưa ra trong những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn quan toà đang điều tra tội phạm là được quyền đó. Trong thế kỷ chúng ta, các nhà nước cộng sản và phát xít đã tự ban cho mình cái quyền đó, đồng thời không phải trong những hoàn cảnh ngoại lệ, mà là ở mọi lúc mọi nơi. Công dân của các nước này biết rằng bất kỳ lúc nào người ta cũng có thể gọi họ lên và hỏi hôm qua họ làm gì; trong thâm tâm họ nghĩ gì, họ đã nói gì khi gặp A và họ có quan hệ thân mật với B không? Chính cái mệnh lệnh “Không được nói dối! Phải trả lời sự thật!” đã được thiêng liêng hoá đó, cái điều răn thứ mười một đó, mà họ không thể nào chống đỡ nổi sức mạnh của nó, đã biến họ thành một đám đông những người khốn khổ bị đối xử như trẻ con. Tất nhiên đôi khi cũng có một anh C nào đó không muốn tiết lộ chút gì những điều anh ta đã nói với A, và để phản kháng lại (thường thì đây là hình thức phản kháng duy nhất) thay vì nói thật anh ta lại nói dối. Nhưng cảnh sát biết được điều đó đã bí mật lắp vào phòng ở anh ta các máy nghe trộm. Và người ta làm việc này không phải do những nguyên nhân đáng lên án nào cả, mà chỉ đơn giản là để biết sự thật mà anh C dối trá đã giấu đi. Họ làm như thế chỉ để bảo vệ cái quyền thiêng liêng của mình là đòi hỏi phải trả lời.

Ở các nước dân chủ, mỗi người đều có thể lè lưỡi với viên cảnh sát dám hỏi anh ta đã nói gì với A và anh ta có quan hệ thân mật với B không. Tuy nhiên cả ở đây cũng bộc lộ quyền lực mạnh mẽ của điều răn thứ mười một. Dù sao thì trong thế kỷ này, khi mà mười điều răn của Chúa hầu như đã bị quên lãng, cũng phải có một điều răn có quyền lực với mọi người chứ! Toàn bộ kiến trúc đạo đức của thời đại chúng ta được đặt trên điều răn thứ mười một, và nhà báo hiểu rằng nhờ sự sắp xếp bí ẩn của lịch sử, anh ta trở thành người trông coi nó, nhờ đó anh ta có được quyền lực mà cả Hemingway hay Orwell cũng không mơ thấy được.

Lần đầu tiên điều này hiện ra rõ như ban ngày là khi hai nhà báo Mỹ Carl Bernstein và Bob Woodward bằng những câu hỏi của mình đã phát hiện ra những hành động nhục nhã của tổng thống Nixon trong chiến dịch vận động tranh cử, và như vậy họ đã buộc người đàn ông hùng mạnh nhất hành tinh lúc đầu thì công khai nói dối, sau đó thì công khai thừa nhận mình nói dối, và cuối cùng phải cúi đầu bước ra khỏi Nhà Trắng. Tất cả chúng ta khi đó đã vỗ tay hoan hô, bởi vì chúng ta được thoả mãn yêu cầu công bằng. Paul còn vỗ tay to hơn vì qua vụ việc này anh thấy trước một sự chuyển giao lịch sử lớn lao, một cái mốc, một giây phút không thể nào quên của phiên đổi gác: một quyền lực mới xuất hiện, thứ quyền lực duy nhất có khả năng truất ngôi kẻ nắm quyền lực từ trước đến nay là nhà chính trị. Và sự lật đổ này không hề dùng đến vũ khí hay âm mưu, mà chỉ duy nhất nhờ vào sức mạnh của câu hỏi.

355293721_6495835640473116_57574889792271216_n

Hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein thời tác nghiệp

“Phải nói sự thật!” nhà báo nói, và lẽ tự nhiên chúng ta có thể hỏi nội dung của từ “sự thật” là gì đối với những người điều hành điều răn thứ Mười Một. Để tránh nhầm lẫn, chúng ta phải nhận thấy rằng đây không phải nói về sự thật của Chúa mà vì đó Jan Hus đã chết trên giàn lửa, cũng không phải nói về sự thật của khoa học và tự do tư tưởng mà vì nó Giordano Bruno đã bị thiêu sống. Sự thật mà điều răn thứ Mười Một đòi hỏi không liên quan gì đến đức tin, đến tư tưởng, đó là sự thật ở cấp độ nhận thức luận thấp nhất, sự thật mang tính chất thực chứng thuần tuý của các sự kiện thực tế: C hôm qua làm gì: thâm tâm anh ta nghĩ gì; anh ta nói gì khi gặp A và anh ta có quan hệ thân mật với B không. Tuy nhiên, dù nó ở cấp độ thấp nhất của nhận thức luận, nhưng đó là sự thật của thời đại chúng ta và nó mang trong mình sức công phá mạnh mẽ như sự thật của Hus hay Giordano Bruno trước đây. “Anh có quan hệ thân mật với B không?” nhà báo hỏi. C nói dối và quả quyết anh ta không biết B. Nhưng nhà báo chỉ cười thầm, bởi vì người thợ ảnh ở báo từ lâu đã chụp được hình B khoả thân trong tay C; bây giờ mọi việc chỉ còn phụ thuộc vào nhà báo định khi nào sẽ phơi ra công chúng vụ scandal này cùng với những lời dối trá của C đã hèn nhát và trâng tráo nói rằng không quen biết gì B.

Chiến dịch vận động tranh cử đang diễn ra, nhà chính trị nhảy từ chuyên cơ sang trực thăng, từ trực thăng sang ô tô, cố gắng hết sức, đầm đìa mồ hôi, nuốt vội bữa ăn trên đường đi, hét vào máy phóng thanh, đọc bài diễn văn dài hai tiếng đồng hồ, nhưng rốt cuộc lại phải phụ thuộc vào Bernstein hay Woodward sẽ đăng tải trên báo hay phát đi trên đài đoạn nào trong bài diễn văn dài năm mươi nghìn câu của ông ta. Vì đó mà nhà chính trị muốn phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh hay truyền hình, nhưng ông ta chỉ có thể làm được việc này thông qua Oriana Fallaci, người nắm cương chương trình và đặt câu hỏi cho ông ta. Nhà chính trị mong mỏi tranh thủ giây phút toàn dân đều thấy mặt ông ta để trình bày một mạch những điều ông ta đang quan tâm, nhưng Woodward lại chỉ hỏi những điều mà nhà chính trị hoàn toàn không nghĩ đến và không muốn nói đến. Lúc đó ông ta lâm vào hoàn cảnh muôn thuở của cậu học trò bị thầy gọi lên bảng, đành tìm cách giở mưu mẹo cũ: ông ta làm ra vẻ đang trả lời câu hỏi, nhưng thực ra lại nói theo bài đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Chỉ có điều là nếu mưu mẹo đó đánh lừa được ông thầy, thì với Bernstein lại không đạt. Nhà báo này thẳng thừng nhắc cho nhà chính trị biết: “Ngài không trả lời vào câu hỏi của tôi!”

Ngày nay ai mà muốn làm nhà chính trị chứ? Ai muốn để suốt đời bị gọi lên bảng chứ. Chắc chắn không phải là người con trai của nghị sĩ Bertrand Bertrand.

Milan Kundera, Sự bất tử, 2019, tr. 155-160

Nguồn: FB Phạm Xuân Nguyên

Comments are closed.