“Là do nước, phải không? Là do nước. Nước nặng lắm”

Nguyễn Hồng Anh

(Về tiểu thuyết “Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm” của lê thi diem thúy)

clip_image002_thumb[5] clip_image002[5]_thumb[1]

lê thi diem thúy (*) là một nghệ sĩ trình diễn kiêm nhà văn. Cô gia nhập vào cộng đồng nhà văn di dân từ cuốn truyện đầu tay mang tính chất tiểu thuyết tự truyện “The Gangster We are All Looking For” (tựa tiếng Việt: Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm). Có tính tự truyện vì cốt truyện dựa trên chính những trải nghiệm của cô bé “thuyền nhân” 6 tuổi rời Việt Nam cùng cha mình, kể lại những ngày đầu đến Mỹ ăn nhờ ở đậu, chuyển nhà liên tục, xung đột trong gia đình, và những hồi ức về Việt Nam.

Đây là một tác phẩm điển hình của văn học di dân Việt Nam tại Mỹ, với những nội dung trên. Nhưng điều đặc biệt của tác phẩm này, theo tôi, là góc nhìn tự sự của nhân vật. Vì là thế hệ di dân 1.5 (sinh ra và trải qua một phần tuổi thơ ở Việt Nam trước khi đến Mỹ), vẫn còn là một cô bé nhỏ xíu nhưng đủ nhận thức để quan sát thế giới bằng cặp mắt trẻ thơ, chiến tranh và cuộc đời phản chiếu qua góc nhìn của cô bé rất khác lạ: đủ đau đớn nhưng cũng đủ đẹp đẽ, tối tăm nhưng cũng lấp lánh, như đêm đen có những vì sao khi cô bé ngả lưng xuống con thuyền vượt biên để quan sát bầu trời.

Và vì không chỉ là truyện di dân, mà còn là câu chuyện tị nạn, nên sẽ luôn có người chết. Cái chết của người anh vì đuối nước giải thích vì sao hình ảnh “nước” luôn xuất hiện trong nhiều liên tưởng của cô bé: Từ cảnh ba má làm tình “bên cạnh tôi, ba má trở thành những thân hình tối đen, đang nhô lên hạ xuống như những con sóng” (tr.68), đến cảnh ba má cãi nhau: “tôi nhốt mình vào trong phòng tắm, đổ nước đầy bồn, cởi đồ lót và trèo vào trong, giả vờ như mình đang ở trên biển […] với cơ thể được nước mặn bao phủ hoàn toàn, tôi có thể lắng nghe hoặc không lắng nghe chuyện của ba má” (tr.74).

“Là do nước, phải không? Là do nước. Nước nặng lắm” (tr.150). “Nước nặng” không chỉ vì cái chết của người anh, mà còn vì “nước” là “quê hương” – một quê hương bị bỏ lại. Sau trang đề từ tác giả dành tặng người thân, trang trống tiếp theo dành để giải thích “nước” là gì:

“Trong tiếng Việt, từ “water” và từ “a nation”, “a country” và “a homeland” đều là một và như nhau: ‘nước’”.

Đó cũng là tên của phần cuối của tiểu thuyết 5 phần, và gắn với hình ảnh cuối khi gia đình ba người đi ra bãi biển, nhìn thấy trong biển cả đêm thăm thẳm lẫn những sinh vật phát sáng trong đêm.

Rất tiếc cho bản dịch tiếng Việt khi đã bỏ đi trang đề tặng lẫn trang giải thích về “nước” của nhà văn. Người dịch cũng không ghi chú cho biết chính nhà văn đã viết một số từ trong nguyên tác bằng tiếng Việt, như “Nước”, “Ba”, “Má”… Thiếu sót này khá nghiêm trọng, vì tiếng Việt đối với nhà văn di dân viết bằng tiếng Anh là một ý thức căn tính rõ rệt, được cố tình đưa vào tác phẩm, với ý nghĩa: chúng tôi không viết để chiều theo người Mỹ (hay văn hoá đa số), nếu người Mỹ muốn hiểu những từ ngữ này, làm ơn tìm hiểu văn hoá chúng tôi. Ý thức này vẫn đang được những Ocean Vuong, Viet Thanh Nguyen và thế hệ các nhà văn di dân khai triển mạnh mẽ trong sáng tác của mình.

Trừ chuyện không thích lắm bản dịch, với tôi, đây là một tác phẩm đẹp một cách nghiệt ngã. Quá đẹp và quá nghiệt ngã, một phần còn vì đứa trẻ thơ ấy đã phải sớm rời bỏ thế giới trẻ thơ của mình ngay cái giờ phút buộc phải bước lên con thuyền rời khỏi quê hương.

28/9/2023

P.S. Theo ý kiến của một độc giả:

“Bìa bản tiếng Anh chủ đạo là ảnh một cô bé, đôi mắt thăm thẳm, nhưng vẫn điểm xuyết bướm và hoa. Còn bìa bản tiếng Việt thì hình một chiếc thuyền mỏng mảnh trước biển khơi mênh mông và sóng dữ!

Bản tiếng Anh nhấn vào con người trong nghịch cảnh. Bản tiếng Việt thì nhấn vào nghịch cảnh đối với con người.”

(*) Tên tác giả viết theo đúng tên in trên bìa tác phẩm gốc bằng tiếng Anh.

 

clip_image001[4]

Hai trang đề từ có giải thích từ "nước", từ bản ebook tác phẩm tiếng Anh

Nguồn: FB Nguyễn Hồng Anh

Comments are closed.