FB Ngô Minh Khôi
TẠO ĐI, TẠO HÁT, TẠO THƠ, TẠO EM, TẠO UỐNG TẠO SAY VÀ NAY… TẠO NẰM!
Đã qua 2 đêm một ngày nhà thơ- nhạc sĩ- họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo, bạn thân của NM bị tai biến ở Diễn Hoa, cấp cứu ở BV Đa Khoa Nghệ An ( gọi là BV Ba Lan, Vinh). Tình hình đã bớt hiểm nguy, nhưng theo nhà thơ Tùng Bách thì Tạo lúc mê lúc tỉnh, miệng nói mà không nghe được gì, lúc tỉnh thì nhận ta bạn bè đến thăm… Thấy Tạo nằm mà thương quá! Con người ta sao mong manh vậy!? Cầu mong Tạo phục hồi nhanh để lại đi, lại uống, lại hát, lại em…
Sau đây mời bạn đọc FB đọc bài viết của NM về Nguyễn Trong Tạo in trong tuyển NGÔ MINH TÁC PHẨM ( tập 2) để hiểu thêm về Nguyễn Trọng Tạo. Bài dài, nhưng hay, bạn FB chịu khó đọc nhé :
LAN MAN NGUYỄN TRỌNG TẠO
Ngô Minh
Nguyễn Trọng Tạo là một thương hiệu hấp dẫn suốt mấy chục năm nay. Thương hiệu thơ với hàng chục bài thơ, câu thơ tài hoa ai cũng nhớ : Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi…Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió…… Sông Hương hoá rượu ta đến uống / Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say…Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chụ đứa kinh…Tin thì tin không tin thì thôi…Thương hiệu nhạc với những bài hát nổi tiếng cả nước hát : Làng quan họ quê tôi. Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang. Thương hiệu hoạ với hàng trăm cái bìa sách lạ lùng, ấn tượng. Thương hiệu “tửu” với những cuộc uống thâm đêm thâm ngày. Nhà thơ Lê Huy Mậu từng chứng kiến Tạo uống có cuộc 25 tiếng đồng hồ. Uống đến mức Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu/ Mưa nắng sá gì dốc Phú Cam…Đã có nhiều học giả , nhà văn nổi tiếng viết về Nguyễn Trọng Tạo như Hoàng Cầm, Vũ Cao, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường…Tôi thấy mình viết không thể qua được những bài viết sâu sắc về văn chương như thế, nên xin lan man đôi chuyện đời thường đằng sau cái thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo ấy để bạn đọc hiểu thêm về con người tài hoa mà gần gũi ấy.
Năm 1978, báo Nhân Dân tổ chức chọn thơ hay viết sau ngày giải phóng miền Nam. Kết quả có 16 bài thơ của 16 tác giả được tặng thưởng trong đó có bài thơ “ Làng có một ngày như thế” của Nguyễn Trọng Tạo và bài “ Nón bài thơ và hương đất cao nguyên” của tôi. Tôi quen biết Nguyễn Trọng tạo từ đó. Mùa đông năm 1985, Nguyễn Trọng Tạo vô Huế chơi. Anh ở trọ tại nhà tôi ở lưng chừng dốc Bến Ngự. Vợ tôi phát hiện ra cái áo ra-két anh mặc quá bẩn, cứ bốc mùi “thơm” khắp nhà. Hình như mấy năm chưa được giặt thì phải. Thế là nàng bắt Tạo thay quần áo để ngâm giặt. Một bộ quần áo mà Nguyễn Minh Tâm giặt hết cả một bánh xà phòng loại 72% của Liên Xô rất cứng thuở đó, mà vắt vẫn ra nước đục. Những ngày đó tôi và Tạo đạp xe đi uống rượu suốt ngày với bạn bè. Trong một cuộc rượu tại nhà Mai Văn Hoan, mừng sinh nhật nhà thơ Hải Kỳ không có Hải kỳ, Nguyễn Trọng Tạo đã dính “tiếng sét ái tình” với Võ Thị Kim Thanh, một cô giáo của Trường Đại học Nông lâm Huế. Thấy anh chị đã dan díu, tôi bảo Tạo :” Yêu chơi hay yêu thiệt đấy ? Coi chừng làm khổ người ta”. Tạo ngẩng mặt, nốc cạn chén rượu tuyên bố xanh rờn :” Tính mình đã yêu là yêu đến cùng”. ( Sau này tôi nghiêm ra cái sự “Yêu ai là yêu đến cùng” là đặc tính của Nguyễn Trọng Tạo. Từ cuối năm 2007 đến nay, Tạo cũng dính vào một mối tình mới và cũng tuyên bố: “Yêu đến cùng” như thế. Tôi và Lê Huy Mậu không đồng tình nhưng không sao can ngăn được cái nết “yêu đến cùng” của Tạo, đành chịu thua ). Sau đó Tạo- Thanh tổ chức đám cưới. Nhờ mối tình ấy Tạo đã sống ở Huế hơn 10 năm, sinh được hai đứa con thông minh, kháu khỉnh và viết được rất nhiều bài thơ , bản nhạc hay. Ông Vũ Soạn, bố vợ của Tạo coi Ngô Minh như là người “ông mối ” để hai con mình đến với nhau, nên có việc gì xích mích vợ chồng , ông đều điện gọi tôi để giảng hoà. Thanh và Tạo hình như khắc tính thì phải. Cứ năm bảy ngày lại có cuộc va chạm . Hôm sau hoà thuận lại chở nhau đi thăm bạn bè, quay phim chụp ảnh rất vui vẻ. Có lần ông Vũ Soạn gọi tôi :” Anh Ngô Minh đến gấp, chúng nó lại xích mích to rồi”. Tôi phóng xe đến, thấy cái phích nước vỡ tan tành. Tôi biết là Tạo giận nên ném phích vào tường. Nguyễn Trọng Tạo khi say có tật là hay mắng vỗ mặt bạn bè nếu nói câu gì đó không vừa lòng. Có khi còn ném cả ly bia ly rượu vào tường rồi bỏ về. Cái tính ấy là tính khùng của người thật bụng, không chịu được cái giả, cái nguỵ . Tôi cười bảo Kim Thanh :”Ngày mai em xuống chợ Đông Ba mua năm bảy chiếc phích hỏng về để khắp nhà, để Tạo giận có cái mà ném cho đã, chứ ném phích mới thì xót tiền lắm”. Thế là cả hai cùng cười. Tìm hiểu tôi mới hay, đêm khuy đi uống về Tạo thức viết bài thơ tình sau chuyến đi Tây Nguyên. Bài thơ đề tặng tên người đẹp hẳn hoi, rồi còn ghi dưới bài ghi ”Vườn… 2 giờ sáng” để kỷ niệm. Sáng sớm cô Thanh dậy để chuẩn bị sách vở đi dạy học, thấy bài thơ để ngay ngắn trên bàn. Đọc thơ, máu ghen đàn bà nổi lên, liền xé vụn bài thơ ném vào sọt rác. Thế là sinh chuyện.
Những năm Tạo ở Huế, buổi sáng bao giờ lão cũng chén một tô cơm nguội rang đầy ụ có con cá nục kho gác ngang . Trông như nông dân ăn để đi cày. Tôi hỏi sao không ăn phở, cháo, nghĩa là những thứ “nóng nóng nước nước” theo cách gọi của Phùng Quán. Tạo bảo ăn cơm cho chắc bụng để đi uống cả ngày, đề phòng say. Tôi ngồi viết ở nhà, khoảng mười giờ sáng nghe tiếng xe máy Simsơn nữ vè vè lên dốc là tôi biết ngay Tạo chưa uống ở đâu. Thế là lục tủ lấy chai quốc lủi, rồi điện gọi Hoàng Phủ hay Mai Văn Hoan…Thế là cuộc nhậu kéo đến chiều, vợ tôi lại phải mua thêm rượu, tiếp thêm đồ mồi. Uống với Tạo tốn thời gian lắm. Tôi thường tìm cách chuồn trước, vì làm báo không ngồi lâu được. Nhưng Tạo ra Hà Nội rồi thì lại nhớ, lại thèm những cuộc say sang mùa…
Uống rượu thơ phú cả ngày, nhưng Tạo là người thương vợ thương con lắm. Hồi đi Đại hội Hội Nhà văn lần V , khi Đại hội xong , Tạo ở lại Hà Nội chơi, gửi tôi mang về cho vợ một thùng to nặng. Tôi ì ạch khuân lên xe, khuân xuống xe mà không biết thứ gì trong ấy. Khi cô Thanh mở ra mới hay một thùng đầy bát , đĩa, tô sứ Trung Quốc và quần áo đủ kiểu. Đó là món hàng rất mốt thời ấy. Trời đất ơi, cái lão này tưởng lơ ngơ hoá ra lo lắng chuyện gia đình giỏi thiệt. “Lão” làm được cái việc mà vợ tôi nhắc mấy lần nhưng chuyến đi Đại hôi nào tôi cũng quên. Là người lính nên Nguyễn Trọng Tạo đi chợ, nấu ăn thay vợ rất sành điệu (Chỉ có pha tiết canh lợn là phải điện thoại nhờ Ngô Minh) . Tạo băm chặt, xào nấu, pha nước chấm, dọn mâm… như một người nội trợ thực thụ. Loáng một cái đã có mâm đồ mồi thịnh soạn bưng lên cho bạn bè nhậu. Ở một mình trên tầng 6 khu chung cư ở Hà Nôi, có khách bạn, Tạo cũng tự đi chợ về nấu nướng, không bao giờ đãi khách ở quán cơm ngoài phố vì như thế không thân tình. Vì hay đi chợ nên các bà bán thực phẩm dưới phố ai cũng quen biết Tạo. Tôi ra Hà Nội, đến khu chung cư hỏi thăm, mọi người chỉ dẫn lối lên nhà Nguyễn Trọng Tạo rất tận tình. Hồi ở Huế có phong trào nuôi cá trê phi, Tạo xây một cái bể lớn, thả ngàn con cá để làm “kinh tế gia đình” . Hai vợ chồng phấn chấn lắm. Nhưng hai tháng cá chưa kịp lớn Tạo đã câu để làm mồi nhậu. Cũng đỡ tiền mua đồ mồi chứ sao. Câu nhiều quá, cá nó sợ không dám lớn , không dám cắn câu nữa. Bạn nhậu đã đến mà cá chưa câu được con nào. Lão tức khí trổ lù cho nước thoát để bắt cá. Thế là hết sạch bể trê phi “ kinh tế gia đình”!
Tạo nuôi con gái lớn học đại học ở Hà Nội. Con học xong lo xin việc làm ở Hà Nội, rồi lo cưới chồng cho nó, đầu tư tiền cho vợ chồng con mua nhà chung cư. Hai đứa nhỏ ở Huế đứa nào cũng có laptop, vi tính từ bé. Lo cho con như Tạo không phải ông bố nào cũng làm được. Đối với bạn bè, Tạo cũng chí tình lắm. Ai nhờ vẽ bìa sách, đọc bản thảo, hay viết lời tựa cho các tập thơ , Tạo cũng giúp rất chu đáo. Thức cả đêm để viết lời tựa cho người này người khác. Riêng tôi, trong số 18 đầu sách đã xuất bản thì Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa, viết lời bạt hết 6 cuốn. Có mấy cuốn thơ, tiểu luận, tôi từ Huế mail bản thảo ra nhờ giúp, thế là Nguyễn Trọng Tạo lui cui đi xin giấy phép, vẽ bìa, đưa đến nhà in, chấm mo-rát, rồi lại lo gửi sách vô Huế cho bạn. Có khi phải thêm tiền vào cho đủ để lấy sách ra. Không chỉ riêng tôi, mà Tạo giúp rất nhiều người như vậy. Hồi ở Huế, Nguyễn Trọng Tạo tuyển “ Hai thập kỷ thơ Huế”, tôi còn nhớ một hình ảnh rất cảm động. Vì tập tuyển có in ảnh từng tác giả, mà nhà thơ Thanh Hải đã quá cổ không có ảnh lưu ở Hội, Nguyễn Trọng Tạo phải tìm đến nhà chị Thanh Tâm đơm hoa quả, thắp nhang vái anh Thanh Hải mới đưa được cái ảnh thờ xuống để chụp lại. Đó là nét văn hoá tâm linh rất chỉnh chu.
Nguyễn Trọng Tạo là người quảng giao. Anh Bạn bè anh từ trong nước đến nước ngoài. Nhờ bạn nhiều anh đã được bao đi ngao du nhiều chuyến ở Ba Lan, Châu Âu, Trung Quốc, Canada…để bàn luận, trao đổi văn chương, học thuật. Trong một chuyến thăm Italia, Nguyễn Trọng Tạo có bài thơ Cu đái khẩu khí, rất đời : nó đứng trên cao cười tít / đái qua đầu bạn đầu tôi / hoa hậu ngước nhìn vẫy vẫy…/ vòi nước cứ tuôn không ngừng / những bàn tay tranh nhau hứng / nước trời nước thánh rưng rưng” . Bảng danh sách điện thoại của anh có cả ngàn tên người . Người mến mộ anh khắp cả nước không đếm xuể. Một đêm, đi ngang Tam Điệp, anh ghé vào nhà khách huyện. ông chủ tịch đi vắng. Nghe cán bộ nhà khách điện báo tin có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ghé thăm, ông chủ tịch huyện đang ở cách xa 30 cây số cũng phóng xe về chỉ để ôm hôn anh Tạo và xin được bài hát “Khúc hát sông quê” trước mặt tác giả. Tạo chơi thân từ ông Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, huyện cho đến chủ một cây xăng, một người đạp xích lô . Tạo không câu nệ ông này sang , ông này không sang. Cứ voà cuộc là gõ đũa hát Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê. Mỗi lần anh về nhà ở Huế là một ngày hai ba cuộc nhậu . Những cuộc “nhậu mặt trận” được tổ chức tại nhà, Nguyễn Trọng Tạo như là người thủ lĩnh, cầm chịch cuộc tiệc, lại là người trực tiếp đứng bếp. Gọi là “nhậu mặt trận” là vì đủ thành phần tham dự : ông lãnh đạo tỉnh, ông giám đốc công an Huế, bạn bè nhà thơ, nhà báo lại có cả ông chủ một doanh nghiệp nhỏ…Đám văn chương Huế quen thân với Nguyễn Trọng Tạo có tôi, Nguyễn Khắc Thạch, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Văn Dũng ( Dũng karate ), Hồ Thế Hà, Mai văn Hoan, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thanh Tú, nậu sách Trương Đức Thành…Đó là những người gọi là “cấp tiến”, hợp với Tạo. Khi say lên, Tạo mắng mỏ không nể ai. Ném vỡ tan cả con “dế” xịn của ông chủ tịch tỉnh vừa mới nhậm chức…Mỗi lần như thế tôi bao giờ cũng say nằm đến hôm sau chưa tỉnh. Thế mà Tạo lại đi nhậu tiếp, rồi về nhà ngồi làm thơ, post bài lên blog tới khuya lơ mới ngủ. Có lần 2 giờ sáng, Tạo điện cho tôi thức dậy để nghe bài thơ mới. Hồi đó tôi chứa có di dộng nên phải ra bàn cầm máy nghe Tạo đọc hai bài thơ mới viết xong . Tôi đứng trong đêm tối nghe thơ và chịu trận muỗi đốt tơi bời. .
Có lần Nguyễn Trọng Tạo về quê, trở lại Huế kể với tôi :” Mình họ Ngô ông ạ. Cố mình tên là Ngô Trọng Du, nghèo, đi ở với nhà họ Nguyễn ở Diễn Châu. Họ quý nên cho đổi thành họ Nguyễn”. Tôi thích quá liền đùa một câu mà mà Tạo cứ nhắc hoài :” Họ Ngô mới có người tài giỏi thế chứ !”. Tạo bỗng ngớ ra. Nguyễn Trọng Tạo kể với tôi nhiều chuyện oái oăm của cuộc đời anh. Tạo đa tài giỏi giang nhiều lĩnh vực thế, nhưng lại không có bất cứ một tấm bằng cấp nào trong chuyện học hành. Học cấp 3 Tạo là học sinh xuất sắc, giỏi cả văn cả toán, lại biết hát, nhưng khi đi thi tốt nghiệp bị giám thị bắt được đưa bản nháp cho cô bạn cùng phòng. Thế là bị đình chỉ thi. Sau đó thì đi bộ đội dài dài. Nguyễn Trọng Tạo được quân đội cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I, học đến năm cuối thì do “trục trặc’ gì đó anh lại không thi tốt nghiệp, trở về lại Nhà văn hoá Quân khu Bốn. Hồi đó Tạo có bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” tạo nên dư luận khen chê sôi nổi . Có thể vì bài thơ đó mà Tạo phải rời khỏi Văn nghệ Quân đội về lại Quan Khu bốn chăng ? . Điều kỳ lạ là con người đa tài làm ra rất nhiều bài hát hay ấy lại không qua một trường lớp sáng tác âm nhạc nào. Chỉ học nhạc lý với nhạc sĩ Ánh Dương ở đoàn ca múa Quân Khu Bốn ( người có bài hát Chào em cô gái Lam hồng ). Có người bảo Nguyễn Trọng Tạo là nhạc sĩ duy nhất ở nước ta không biết chơi đàn ( trừ đàn bà). Sống với Tạo mười năm ở Huế, tôi chỉ thấy anh mỗi khi sáng tác thì cầm ghi-ta để bấm “gam” lấy nhịp để viết bài hát, chứ chưa bao giờ thấy anh ôm đàn vừa hát vừa đệm như những tay sành điệu khác. Hẳn nhiên là biết chơi đàn và biết nhạc lý để sáng tác ca khúc là điều hoàn toàn khác nhau, nhưng phải nhận rằng nhạc sĩ mà không thèm chơi đàn cũng là chuyện lạ lùng “xưa nay hiếm”.
Nguyễn Trọng Tạo sống với vợ con ở Huế 10 năm. Anh cứ ước ao có một căn hộ ( căn hộ chung cư cũng được) để gọi là “nhà mình”. Anh làm đơn xin. Nhà thơ Nguyễn Khoa điềm lúc đó là Phó Bí thư tỉnh uỷ trực đã phê “đề nghị giải quyết” rồi, nhưng cơ quan này đổ cho cơ quan khác, chạy năm lần bảy lượt không được, đành phải ra “nương thân”ở Hà Nội. Nhờ bạn bè mỗi người một tay vun vào, Tạo mua được căn hộ 62 mét vuông ở tầng 6. Ở trên cao ấy, lại không có cầu thang máy, mỗi lần say rượu lên xuống như đi trong mây. Tạo ra Hà Nội, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến nằm một chỗ, thế là cái “Chi hội nhà văn Bến Ngự” của chúng tôi tan rã. Ngày Tạo còn ở Huế, ông Tường còn lành, chiều nào ba chúng tôi cùng ngồi với nhau ở một quán cóc nào đấy để nghe “Tường nói”. Có lần ngồi ở một quán mậu dịch có người đẹp, Tạo “chê” thơ Tường có nhiều chữ cũ. Tường không nói gì, nhưng đến khi người đẹp đề nghị “Anh Tường đọc thơ”, thì Tường cười:” Thơ mình dở lắm, đọc xấu hổ lắm”. Mà Tạo chê là đúng. Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường ý rất hay, nghe như hồn Huế đồng vọng, nhưng anh lại dung nhiêù nhữ cũ như sầu muộn , nét ngài…Sau mỗi lần như thế tôi hiểu thêm tính cách của Tạo thẳng và trực.
Nhắc đến Tường lại nhớ chuyện Tạo làm báo. Tạo là người có chính kiến mạnh, có tài phát hiện và rút tỉa vấn đề đưa lên báo những điều bạn đọc rất quan tâm. Đến nay Tạo đã trực tiếp làm hai tờ báo là báo Thơ ( chuyên san của báo văn nghệ), tạp chí Sao Việt và cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập làm tờ tạp chí Cửa Việt. Tạo một mình làm báo thơ từ A đến Z như tổ chức bản bài vở, lên trang, làm mi báo, rồi trình Tổng biên Tập báo văn nghệ lúc ấy là nhà thơ Hữu Thỉnh ký duyệt bài, rồi đi nhà in… Thế mà mỗi tháng chỉ được trả 1,5 triệu đồng. Nhưng tờ nào cũng không thọ . Không thọ vì báo “nóng” quá, không vừa lòng nhà quản lý. Báo thơ ra được 18 số, Sao Việt ra được 4 số, Cửa Việt được 17 số. Nhưng phải nói thật tình rằng đó là những tờ báo hay, gợi lên được nhiều vấn đề về học thuật và dân chủ , được độc giả trí thức và bạn đọc cả nước tìm đọc, vì số nào cũng có những vấn đề nóng bỏng. Ví dụ trên báo thơ có bài viết rất xác đáng về loại “thơ tình dục”, hay những bài phỏng vấn đối thoại với các nhà văn nổi tiếng của Lê Mỹ Ý….Trong tủ sách nhà tôi, 17 số Cửa Việt thời Tường- Tạo và 18 số báo Thơ và Sao Việt là ba loại báo duy nhất được đóng thành tập để lưu trữ làm tài liệu tham khảo lâu dài.
Thời có blog, Nguyễn Trọng Tạo là người hăng hái cổ võ nhiều người chơi Blog, góp phần hình thành nhiều Cậu lạc bộ Blog ở các địa phương. Tạo dựng blog cho tôi, nhà thơ nữ Phạm Dạ Thuỷ, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Mai Văn Hoan.v.v..Ai không tự post bài, ảnh lên blog được thì cứ mail bài, anh ra cho Tạo. Tạo giúp tất cả mọi người. Cái tình ấy không ai quên ! Riêng một mình Tạo có ba cái blog : Nguyễn Trọng Tạo, Hội ngộ văn chương, Sao Việt, cái nào cũng thuộc loại “blog sôi nổi nhất” cả. Blog Hội Ngô Văn chương hay Nguyễn Trọng Tạo như là hai tờ báo văn chương mạng rất hấp dẫn độc giả. Chỉ hơn một năm đã có hơn trăm ngàn lượt người truy cập. Nghĩa là Tạo vẫn không chịu bỏ báo. Anh dùng báo mạng để nói những nỗi niềm bức xúc tâm huyết của mình về văn chương và cuộc đời.
Vì cho đến bây giờ , đã hai mươi năm bài thơ Tản mạn thời tôi sống của Tạo ra đời, nhưng “thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi . Câu trả lời vẫn không dễ dàng chi”.
Ảnh : Trọng Tao- NM, Trong Tạo- BS già Nguyễn Tích Ý, Trọng Tạo- Lê Huy Mậu- 2 người Nghệ An làm nên bái hát KHÚC HÁT SÔNG QUÊ lừng danh. Và ảnh Tạo tại bệnh viện lấy từ FB Tùng Bách
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=569073760100852&id=100009946985094
[i] Tựa đề của Văn Việt