2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 84)

Hoàng Hưng

841. Insecure attachment: (sự) Ràng buộc không an toàn

Một trong nhiều mẫu quan hệ cha mẹ-con cái nhìn chung là tiêu cực, trong đó đứa con mất tự tin khi có mặt cha mẹ, đôi khi thể hiện trầm cảm khi cha mẹ rời đi, và phản ứng khi cha mẹ quay lại bằng cách né tránh.

842. Insightful learning: Phương pháp học thấu hiểu

Một hình thức học mang tính thức nhận (nhận thức), liên quan đến việc tái sắp xếp hay tái cấu trúc các yếu tố của vấn đề để đạt được sự hiểu vấn đề và đi đến một giải pháp. Phương pháp học thấu hiểu được Wolfgang Kohler mô tả trong những năm 1920, dựa trên quan sát loài linh trưởng xếp chồng các hộp hay sử dụng que để lấy đồ ăn, và được đưa ra như một lựa chọn thay thế cho việc học dựa trên điều kiện hoá.

843. Instance theory: Thuyết ví dụ

Giả thuyết cho rằng việc phân nhóm phụ thuộc vào những ví dụ cụ thể được nhớ đến của loại hình, đối lập với một nguyên mẫu trừu tượng hay một qui tắc dựa vào một đặc điểm nổi bật vốn xác định tư cách thành viên của loại hình. Thuyết ví dụ cũng được áp dụng cho những câu hỏi về chú ý, thu nhận kĩ năng, và quyết định xã hội, giữa những vấn đề khác. Các thuyết ví dụ về định kiến chẳng hạn, cho rằng mẫu rập khuôn (stereotype) không chỉ là sự trừu tượng hoá những đặc trưng điển hình của các thành viên của một nhóm cụ thể, mà dựa trên những kí ức của người tri nhận về những thành viên cá nhân cụ thể của nhóm. Cũng gọi là exemplar theory.

844. Instrumental behavior: Hành vi công cụ

– Hành vi được học và khơi gợi qua sự củng cố tích cực hay tiêu cực những đáp ứng đích (target responses) hơn là những đáp ứng bản năng. Thuật ngữ được dùng đồng nghĩa với operant behavior (hành vi tác động) thường là để mô tả hành vi trong những qui trình điều kiện hoá liên quan đến các chuỗi hoạt động kéo dài, như thể mở một hộp bí mật với lời giải cần thiết (puzzle box).

– Các hành động trực tiếp tác động hay điều khiển hành vi của những người khác.

845. Instrumentalism: Thuyết công cụ

– (trong triết học của khoa học) Quan điểm cho rằng các lí thuyết không phải được coi là đúng hay sai, mà là những công cụ giải thích cho phép quan sát cái thế giới cần được sắp xếp một cách có ý nghĩa. Quan điểm này liên hệ với Thuyết Thực chứng của Ernst Mach (Machian Positivism)

– Một thuyết về kiến thức nhấn mạnh giá trị thực dụng hơn là giá trị đúng thực của các ý tưởng. Theo quan điểm này, giá trị của một ý tưởng, khái niệm hay phán xét nằm ở khả năng giải thích, tiên đoán và kiểm soát các tương tác chức năng cụ thể với thế giới trải nghiệm. Quan điểm này liên hệ với thuyết Thực dụng (Pragmatism) do John Dewey phát triển.

846. Instrumentality theory: Thuyết công cụ tính

Thuyết cho rằng thái độ của một người đối với một sự kiện phụ thuộc vào tri kiến của người ấy về chức năng của sự kiện với tư cách một công cụ đem đến những hậu quả mong muốn hay không mong muốn.

847. Integrated personality: Nhân cách thống nhất

Một nhân cách trong đó các nét cấu thành, các mẫu ứng xử, các động lực… được sử dụng một cách hữu hiệu với cố gắng tối thiểu hay không có sự xung đột. Những người có nhân cách thống nhất được cho là tự biết mình và có thể vui hưởng cuộc sống một cách đầy đủ. Cũng gọi là well-integrated personality.

848. Integrative behavioral couples therapy: Liệu pháp lứa đôi ứng xử hợp nhất

Liệu pháp lứa đôi sử dụng các kĩ thuật của Liệu pháp Lứa đôi Ứng xử nhưng cũng tập trung chú ý vào tình cảm chấp nhận của mỗi người đối với những sự không tương thích của người kia vốn có thể hay không thể dễ làm cho thay đổi. Nó dựa vào niềm tin rằng việc tập trung chú ý vào thay đổi những cái không tương thích sẽ dẫn tới sự kháng cự thay đổi khi có thể thay đổi, hay dẫn đến sự thất vọng không cần thiết cho cả hai khi sự thay đổi là không thể.

849. Integrative complexity: Tính phức hợp tích hợp

Mức độ một đối tượng của thái độ (attitude object) được nhìn như có cả những đặc điểm tích cực lẫn tiêu cực và mức độ những đặc điểm ấy được nhìn như có liên quan đến nhau. Tính phức hợp tích hợp thấp xảy ra khi một đối tượng của thái độ được nhìn một cách đặc biệt tích cực hay tiêu cực. Tính phức hợp tích hợp trung bình xảy ra khi đối tượng được nhìn như có cả các đặc điểm tích cực lẫn tiêu cực, nhưng những đặc điểm này được nhìn như ít liên quan với nhau. Tính phức hợp tích hợp cao xảy ra khi các đặc điểm tích cực và tiêu cực được nhìn như có liên quan với nhau.

850. Integrity versus despair: (sự) Viên mãn đối lập với tuyệt vọng

Giai đoạn thứ tám, và cuối cùng, của Tám Giai đoạn Phát triển của Erik Erikson, xảy ra trong tuổi già. Trong giai đoạn này, cá nhân phản tư về cuộc đời mình đã sống và có thể phát triển sự viên mãn – thoả mãn vì đã sống một cuộc đời tốt lành và có thể đến gần cái chết với sự thư thái, hay nỗi tuyệt vọng – cảm thức cay đắng về những cơ hội bị mất và thời gian lãng phí, và một nỗi sợ hãi tiến đến cái chết. Cũng gọi là ego integrity versus despair.

Comments are closed.