Chi Cao
Maelstrom có nghĩa là một vùng nước xoáy nguy hiểm rợn người. Khi nói đến câu truyện vùng nước xoáy này của Edgar Poe người ta thường dùng ngay từ maelstrom để giữ lại không khí nguyên bản.
Edgar Poe(1809-1849) là văn sĩ, thi sĩ và triết gia Mỹ tác giả của nhiều tiểu thuyết kinh dị. Năm 1849 được tìm thấy bất tỉnh trên một đường phố Baltimore và chết trong bệnh viện từ thiện. Một tài hoa kỳ lạ và bi thảm trong lịch sử văn học Mỹ.
Lý thuyết tương đối của Einstein là một bức tranh vĩ đại và tuyệt đẹp về vũ trụ. Từ năm 1905 đến nay, lý thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein vẫn không ngừng làm rung động bao nhiêu tâm hồn ham mê khoa học và dẫn dắt họ tìm tòi thêm nững điều mới lạ về vật chất, về không thời gian.
Mỗi người trong chúng ta đều có dịp, một đêm trăng sao nào đó, nhìn lên bầu trời sâu thẳm, và sau giây lát choáng ngợp bởi sự bao la bí mật của vũ trụ, chúng ta tự hỏi: vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, có biên giới hay không biên giới, vũ trụ đã hình thành và phát triển như thế nào, vật chất và không thời gian liên hệ với nhau theo những định luật gì? Einstein đã sáng lập ra một lý thuyết đặt cơ sở cho việc trả lời những câu hỏi trên. Đó là lý thuyết tương đối, theo lý thuyết này tính chất của không thời gian được xác định bởi sự phân bố của vật chất, hay nói cách khác,vật chất làm ra cong không- thời gian giống như một vật nặng đặt trên một màng cao su làm võng màng này xuống.
Một hệ quả tất yếu của lý thuyết tương đối là tồn tại trong vũ trụ những lỗ đen. Năm 1973, thông báo về sự phát hiện ra lỗ đen đã làm cho các nhà thiên văn và vật lý hấp dẫn, sửng sốt, mặc dầu sự tồn tại của lỗ đen đã được Oppenheimer và Snyder tiên đoán từ năm 1939 trên cơ sở của lý thuyết tương đối Einstein. Lỗ đen là những sao đã tiêu hao hết nhiên liệu hạt nhân của mình và co lại dưới tác dụng hấp dẫn. Trường hấp dẫn và độ cong của không gian ở đây lớn đến nỗi tia sáng bức xạ từ lỗ đen cũng không đủ sức vượt ra ngoài.
Quanh lỗ đen có những vùng không gian với tính chất riêng. Vùng ngoài cùng có ranh giới gọi là ranh giới tĩnh. Nếu con tàu vũ trụ lọt vào vùng này thì có hy vọng thoát khỏi sức hấp dẫn của lỗ đen và vượt ra ngoài theo chiều quay của lỗ đen. Tiếp theo vùng không gian này là vùng không gian nằm sau ranh giới có tên là chân trời. Nếu con tàu rơi vào vùng không gian nằm phía sau chân trời thì mất mọi hy vọng thoát khỏi tai biến bị hút vĩnh viễn bởi lỗ đen. Những vùng không gian với các tính chất nói trên đều suy ra từ phương trình Einstein. Sự phát hiện ra lỗ đen đầu tiên (Thiên nga X-1) đập mạnh vào trí tưởng tượng của con người.
Song có một điều kỳ lạ và bất ngờ đối với các nhà vật lý là hiện tượng lỗ đen với các vùng không gian có các tính chất nói trên đã được mô tả trong truyện: Một cuộc đi xuống vực xoáy (A descent into the Maelstrom) của Edgar Poe.
Một sự trùng hợp tình cờ? Hai hiện tượng giống nhau? Hay ở đây là sự gặp gỡ giữa duy lý của trí tuệ khoa học với trực giác của tài năng nghệ thuật.
Sau đây là một đoạn trích từ truyện:
“Con thuyền của chúng tôi bị hất tung lên khỏi mặt biển, tôi cố gắng vuợt qua nỗi sợ và tập trung mọi cảm giác để nghĩ xem có thể làm được điều gì thì tôi thấy dường như ai đó đã bấu chặt vào cánh tay tôi. Đấy là anh tôi và tim tôi rộn lên một niềm vui sướng vì nghĩ rằng anh tôi đã bị sóng hất ra khỏi con thuyền-song tiếp theo giây phút hạnh phúc đó thì tôi lại rơi vào một niềm kinh hải – anh tôi đã ghé sát vào tai tôi rồi thét lên “maelstrom”.
Chưa hết ! Độc giả hãy nhìn kỹ bức tranh khắc gỗ ở thế kỷ XIX. Bức tranh đã lột hết tinh thần tai biến của hiện tượng lỗ đen và làm cho chúng ta ngạc nhiên vì tính chính xác trong cách mô tả của nghệ nhân. Các bức tranh nghệ thuật sau này về lỗ đen dường như chép lại ít nhiều từ bức tranh khắc gỗ trên.
Dường như nghệ thuật và khoa học là hai cây đàn đang thực hiện bản hòa âm của vũ trụ?
Nguồn: https://www.facebook.com/chi.cao.7165/posts/1639349242953490