Phương Hương (Thích Nữ Chân Không)
Chia sẻ về nếp sống an trú hiện tại (hiện pháp lạc trú)
Tôi viết cho Lê Thương ngày 31 tháng 12 năm 1979
Anh Lê Thương,
Phương Hương có một người chị và một lũ cháu vừa vượt biên sang Pháp mới đây nên vâng lời mẹ PH đã nhận lời làm việc lại cho bệnh viện nhỏ của tỉnh. Chỉ còn có bốn mươi mấy phút nữa là hết năm 1979. Bên ngoài mưa gió dữ lắm. Đêm Noel vừa qua, tuyết đã rơi trên miền Đông Nam sông Aube của chúng em một lớp dày 30 phân, PH phải trực bệnh viện nhưng giao thừa dương lịch này PH được ở nhà. Tới bữa 28 tháng 12, tuyết mới bắt đầu tan. Đêm nay bọn con nít đi dự réveillon trong các buổi liên hoan của Việt Kiều. Cao Thái và Trần Văn Trạch nghe đâu cũng hát cho nhiều tiệm ăn lớn. Hát suốt đêm. Em khỏi trực, ở nhà nấu một nồi cháo nấm lớn, có nấm, tiêu, gừng, ngò, thơm phức. Ăn với cả nhà có cả má và chị PH nữa. Nấm này ngọt và thơm như nấm mối bên ta (hơn nấm rơm nhiều lắm) PH hái được ở các gốc thông trên rừng. Mùa thu năm nay dài lắm, kéo mãi đến mồng 10 tháng 12 năm 1979. Vẫn còn nắng ấm nên nấm mới mọc nhiều hơn mọi năm. Lúc 9g 30 tối, đài truyền hình TF 1 trình bày chương trình “Joyeux Noel Tino” của Tino Rossi. Tino Rossi của các bài “Petit Papa Noel” chắc anh biết. Bài này con nít Pháp nào sinh từ năm 1940 đến giờ cũng biết hát, và con nít Việt nào học trường Pháp cũng quen thuộc. Chương trình đứng đắn lắm và dễ chịu nữa. Trong này ông ta có giới thiệu nồng nhiệt cái bài hát mới của ông “La vie commence à 60 ans” (Cuộc đời thực sự bắt đầu từ năm 60 tuổi). Ông ta vừa hát vừa cười hoài, khoe mãi cái hàm răng giả của mình! Bao quanh Tino là nhiều ca sĩ trẻ tuổi hình như tất cả đều muốn ăn mừng đặc biệt cho ông trong chương trình này, nên mỗi người chỉ hát có một bài và để dành choTino hát có đến trên 15 bài, bài nào cũng có nhạc cảnh và vũ khúc yểm trợ.
Nhìn kỹ phút giây hiện tại.
Trong cái bài “La Vie commence à 60 ans” Tino nói tuổi trẻ hấp tấp quá, đi mau quá, không thực sự có thì giờ để sống. Ông ta nói đến 60 tuổi mới bắt đầu cuộc sống, mới có thì giờ để nhìn rõ sự vật quanh mình, nhìn vào mắt của những người thân yêu, thực sự nghe tiếng chim kêu, thực sự nhìn hoa nở. Cái mặt ông già trông dễ thương quá. PH càng thương ông khi nghĩ rằng cái triết lý sống của ông, bọn PH đã học được từ hồi… 20 tuổi và tập sống với nó từ dạo ấy. Hồi đó PH và các bạn hay đi chùa, một ngôi chùa lá ở Gia Định và đã được đọc một đoản văn về Tình Mẹ tên là Bông Hồng Cài Áo. Đoản văn này đã dạy cho PH nhìn kỹ mẹ, nhìn kỹ tất cả mọi việc xảy đến cho PH hằng ngày, từ câu nói của người thân, một em bé hàng xóm, từ tiếng rao hàng đến tiếng cười, tiếng khóc, chiếc lá, nụ hoa chung quanh. Cũng dạo ấy, trong lớp học Thiền tại chùa Gò Vấp, PH được dạy phải “sống với giây phút hiện tại, đừng luyến tiếc quá khứ, đừng quá mơ tưởng, bị níu kéo bởi tương lai”. PH cùng các bạn tưởng mình thực hành phép sống trong hiện tại giỏi lắm cho đến ngày PH bị ông Thiệu nhốt vào tù. Suốt mấy tuần lễ trong tù, PH thèm đi xe gắn máy, thèm dạo phố quá, và thèm coi Ti Vi quá, những thứ mà khi tự do, PH không thèm đoái hoài tới. Khi được thả ra, PH kể lại kinh nghiệm cho mấy đứa bạn nghe, chúng nó cười PH hết sức. Chúng nó nói PH được ngồi tù gần một tháng, mà không sống cuộc đời trong tù được một ngày cho trọn vẹn. PH mắc cỡ quá nói “Để kỳ sau vào tù PH sẽ sống trọn vẹn trong tù cho mà xem!”. Nhưng từ đó về sau, PH không được vào tù nữa! Tuy nhiên PH đã học được bài học và đang tập sử dụng ngày tháng của PH một cách có ý thức.
Trong thư gửi cho Anh Lê Thương tháng 12, tôi viết cho nhạc sĩ:
PH đã nhận được thư của anh viết vào những ngày 7 và 30 tháng 11 năm 1979 và cả 1.12.1979 có cả hai bản nhạc PH mừng lắm. Mừng nhất là anh được bình an và anh không hề giận PH. Thư của anh làm PH vui quá đi thôi, tụi này châu đầu xem và lên tinh thần quá. PH rất mừng vì thư anh viết vẫn đầy phong độ. Những nét hài hước của anh cho PH thấy anh còn hùng mạnh (không hết xí quách) chút nào và an lành. Cái hài hước của anh cho PH thấy một tâm hồn vừa sain (thanh bạch) vừa sobre (tinh khiết). Nó là một món thuốc rất quý báu. Nó có khả năng níu giữ lại ánh sáng, nụ cười và lòng tin tưởng ở tương lai. Thư của anh làm cho PH và các em vui vô hạn. Nó bổ gấp mấy lần thuốc bổ của PH gửi các anh.
Nói đến vườn rau Phương Vân Am.
Tôi viết tiếp: Từ ngày nhận làm việc lại cho bệnh viện, PH cũng gắn nhận công việc tối thiểu để có thì giờ cuốc đất làm vườn, trồng rau trồng cải. Mùa đông này PH xây được một cái nhà mặt trời bằng ny lon để có thể tiếp tục có cải bẹ xanh và rau ngò, rau húng ăn suốt mùa đông tuyết giá. Ở bệnh việc PH lưu tâm nhiều đến các cô y tá, các người lao công, cười đùa với bệnh nhân luôn, như môt đại gia đình. Xã hội tiêu thụ này thiên hạ hay dùng thừa thải phí phạm quá anh à. PH tập không tham gia vào guồng máy tiêu thụ phí phạm này. Cái nông trại cũ PH chữa lại bằng tay chân mình (làm thợ hồ 70%), mướn thợ 30%. Tuy có lò sưởi có hệ thống gaz to lớn nhưng PH ít dùng lắm. PH mặc nhiều áo ấm, đốt nhiều than củi thôi. Chỉ khi có đại giá từ 10 đến 15 độ âm dưới 0% thì PH mới mặc áo ấm. Khi đi làm việc, PH chỉ có chiếc xe hơi 2 ngựa và trong nhà chỉ có rất ít đồ đạc. Cái máy Ti Vi cũ mua lại của hãng bán Ti Vi cũ. Khách và chủ chỉ có túi ngủ mà đứa nào cũng thấy sang và hạnh phúc lắm và PH vẫn nuôi hy vọng khi có dịp trở về VN sống sẽ không bị đời sống vật chất bên này níu kéo. PH chẳng có tâm sự u uất gì đâu anh à, tập tành sống cho vui, cho lúc nào cũng thảnh thơi. PH chỉ còn phải học cái tinh thần hài hước của anh, tập sống được như anh trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước hiện tại, chắc không dễ đâu. Có được tánh đó nữa thì trong hoàn cảnh nào PH cũng có được ‘‘Bông Hồng Cài Áo’’ an trú trong hiện tại, nhìn kỹ mẹ nhìn kỹ người thương, có phải không thưa anh?
Hôm đêm Giáng Sinh (Noel) PH dành phần trực bệnh viện và nhường cho các bác sĩ người Pháp về đoàn tụ gia đình con cái họ vì lễ này rất thiêng liêng với người Tây Phương. Bây giờ là giao thừa Tết Tây năm 1979 – 1980, thì PH không trực ở bệnh viện nữa, ở nhà ăn cháo Nấm nóng, có ngò gừng tiêu thơm lừng, chơi với mẹ và chị và các bạn xong. Bây giờ thì cả nhà đi ngủ, PH lấy viết khai bút năm 1980 cho anh đây. Bây giờ ngoài trời vẫn còn mưa gió dữ lắm.Tết Tây bên này họ ăn uống, khiêu vũ, uống rượu say và lái xe như điên ngoài đường. Chở vào bệnh viện bao nhiêu là người bị tai nạn xe cộ đêm giao thừa Tết Tây, rất nhiều, thật uổng phí và đáng thương. Nghĩ đến những người như vậy PH phát lòng thương họ quá chừng. Không biết trân quý những phút giây bình an để nhìn lại một năm qua mình đã làm gì cuộc đời mình và quyết định năm nay mình sẽ làm khá hơn ra sao? PH viết những giòng chữ đầu năm này cho anh và chúc năm mới mang lại cho anh chị nhiều an lành. Ôi có biết bao nhiêu điều PH muốn chia sẻ với anh chị mà… chắc phải đợi chừng nào gặp anh chị, PH mới nói hết được những điều PH cảm nghĩ. Năm mới kính chúc anh chị một năm mới thật vừa ý và riêng anh, nhạc cảm dâng lên như hải triều.
Lê Thương viết 27.1.80
Mến gửi Phương Hương,
Mới nhận được colis thứ hai của Phương Hương tôi vội biên thư đáp ngay kẻo chậm chạp sẽ gây thắc mắc. Colis 1 tới ngày 7/1/80 mang danh hiệu các vị thuốc Optalidon – Ganidan nhức đầu, đau bụng nên tôi chậm phúc đáp vì còn đợi chép xong một số bài nhạc trẻ em, gửi PH… Mà cũng như đợi đau bụng đẻ. Chưa chép được bao nhiêu thì đã bị một colis thứ 2 rớt ngay vào lưng. Nó mang danh hiệu Ukapen Nibion ông cụ bà cụ. Nó rớt vào lưng ngày 26.1.80. Thế là nội cái tháng giêng đầu thập niên, Phương Hương đã đánh trúng vào kẻ xa xôi này 2 colis nặng tình thương hải ngoại.
Sung sướng vì những món quà dễ thương do cô PH gửi và không biết còn sống kịp cho đến thập niên 90 và thế kỷ 21 để lãnh hoài hoài không, nhưng nhắm mắt sớm quá sợ hụt bao nhiêu kỳ vọng văn nghệ nên Lê Thương lại càng khỏe thêm và lại còn có thể trở thành “Tarzan nổi giận” để mà biên thư cám ơn PH không ngừng. Đó PH nghĩ xem, cây viết Parker PH cho, nó chạy đều cũng trên mặt giấy của PH mà lại thêm cả mực Parker và Ruban Kores mà không tăng gia sản xuất âm nhạc thì kể tội ấy đáng chết.
Ông cụ được Nibiol – Forte mừng quýnh và tự hứa sẽ khỏi bệnh ngay để ăn tết Canh Thân cho yên dạ. Bà cụ được thuốc chích và Suppositoire đâm lo, vì sẽ không được nằm yên suốt ngày như trước mà phải đi tống độc rắc rối cho cuộc đời. Nhưng nỗi tạm khổ ấy sẽ thoáng qua nếu hai đầu gối láng màu bóng đầu voi sẽ xẹp đi và chắc lần này sẽ có hi vọng khỏi.
Các cụ xin trân trọng gửi lời đa tạ bác sĩ Phương Hương – vì các cụ khẳng định PH phải là bác sĩ thì mới chọn thuốc hay được. Và tôi liền phụ đề ngay câu “Thưa cụ, bác sĩ này mát tay có tiếng ạ” các cụ mỉm cười gật đầu thán phục và tôi ra về với cảm giác say sưa là đã nhờ Phương Hương đem lại cho hai cụ một hứng sống đầy phấn khởi.
Ít nữa là thế, trong cảnh đời hoàng hôn lúc con cháu bỏ đi. Hoặc chưa đi thì cũng như gần đi mà thân già thì càng thấy trơ trọi và cả cô đơn ngay giữa đô hội.
Chính tôi cũng gởi lời khen PH hiểu rõ tâm lý và bệnh lý trong gia đình VN mà gửi nhiều thứ thuốc rất cần dùng và thông dụng gần như hằng tuần cho người lớn, trẻ em.Tôi có lại thăm các bạn, hai ông Vĩnh Phan và Ngô Nhật Thành, hai “suyễn sĩ” nổi danh; hai ông cũng đều có trong túi hộp Ventoline cứu khổ, nên chuyện trò với tôi có bề lưu loát, khác với những lần cứ phải tạm ngừng nói để thanh toán những cái tắt thở bất tri kỳ vị. Anh Lê T Nguyễn, tác giả Nắng Chiều có chép thêm bài nhạc với cả lời ngoại ngữ nào đó. Tôi rất mừng và cũng mong PH không thất vọng vì chúng tôi. Tôi chưa lại thăm ông Bửu Lộc nên không biết ông còn cái bao tử cũ đau yếu hay đã thay bao tử mới rồi. Ông ấy rất dễ thương, người thì nhỏ bé, lời nói thì ôn tồn nhỏ nhẹ mà bà ấy thì to lớn khỏe mạnh, dám gấp rưỡi ổng. Có khi, trước mặt vợ ổng, ông nói đùa, chỉ vào thân hình vợ “bà mà đánh tôi một cái thì tôi ngay vào tường dẹp lép ngay liền à”! Chúng tôi đều cười. Có lẽ Phương Hương nên tặng thêm thuốc Contracide nào đó vì bệnh đau bao tử lúc này vượt chỉ tiêu. Ăn uống nhiều chất lạ nên bao tử phản đối om sòm. Tiếng vang dội sang tới Pháp là đem thêm bận rộn và cứu xét cho Phương Hương và các bác sĩ mát tay.
Sự thông cảm giữa những người bệnh và người tặng thuốc đang là một đề tài thời sự khá nóng bỏng làm tăng nhiệt độ sở Bưu Điện lên đến khoảng 40 độ bách phân chứ không ít. Quả về sức nóng và mồ hôi dầu, mồ hôi muối đổ ra đáng gọi nơi đó là một sa mạc đông người.
***
Anh Lê Thương viết thư một cách ý tứ, khéo cám ơn giúp cho từng người nhận quà với giọng văn trào phúng ngọt ngào, làm hứng khởi những người gửi thuốc. Anh cũng viết khéo là thiên hạ đi Bưu điện xếp hàng lãnh quà rất rất đông và vất vả như những con lạc đà chở hàng hóa băng qua sa mạc vậy và cũng cho biết hàng hóa thực ra cũng chỉ là để biến thành gạo mà nuôi cả nhà. Anh tiếp :
Và tôi là một trong những con lạc đà lưng có bướu, bước tới để cõng lên lưng những kiện hàng qua hàng ngàn cây số. Vui ở chỗ đó và cũng đáng thán phục dân tộc VN mình có một sự kiện lịch sử độc đáo là: Lúc kia… bỗng có kẻ đi người ở rồi bỗng có lời nhớ lời thương… rồi bỗng có thơ đi hàng về… rồi phù thủy Sè Gòong bỗng biến hàng thành gạo như người khác biến đạo thành đời. Chỉ có thế mà thôi.
***
Thuyền nhân và hồn ma những người chết vì vượt biển
Trước tết Canh Thân 1980, Lê Thương có viết cho tôi về chuyện của những người vượt biên lấy thuyền tàu ra biển để mong tìm tới định cư ở một nước khác. Anh viết nhiều lần về đề tài này, kể cả những chuyện hồn ma của những người vượt biển chết giữa biển cả.
Có lẽ vì ám ảnh bởi những thao thức của bao nhiêu người đi tìm một chân trời một hoài vọng mới mà anh mới viết ra khúc nhạc ‘‘Biển sau giông tố ’’. Sau khi nhả ra được nhạc khúc đau thương kia thì anh lại dùng ngòi bút, viết tả cái bề mặt của Sài Gòn. Xin mời các bạn đọc một vài đoạn trong lá thư này cho vui và cũng để biết tâm trạng đồng bào Việt Nam vào thời điểm ấy:
Lại Tết Saigòn !
Hôm nay chỉ còn cách tết Nguyên Đán có độ 20 ngày, chợ Sè Gòong đã dựng lều dựng quán bán đồ tết, rượu chợ Lớn, văn hóa phẩm (tức là các thiệp chúc tết, đồ tặng ngày tết) xứ sở tuy kém lộng lẫy nhưng không kém sặc sỡ. Quán ăn thì nhiều hơn cả, vì bao tử Sè Gòong vẫn phải tồn kho để mà tồn tại. Thời nào cũng như thời ấy. Nghĩ đến tết ai cũng thốt ra những hận với tủi, những quyết chí không thèm sắm sửa gì cho nó cực thân rồi rốt cuộc gần ngày 30, hàng nào cũng bán hết đồ; mà lúc này nhiều cán bộ lại ăn tết xôm hơn ai hết. Các cô các cậu vẫn cố diện như hồi nào, áo từ nước ngoài gởi về vẫn nhan nhản các sắc màu; đường Lê Lợi mỗi chiều vẫn đầy dẫy đám trẻ với cả một số Hippi choai choai còn sót lại, và nhiều thanh niên non choẹt để râu “dây thép gai” tua tủa: tóc dài vẫn còn. Họ có bùa “miễn cắt tóc” vì là người đang đợi danh sách xuất ngoại hoặc là người Hoa đang chờ kỳ tàu vượt biển. Phố phường còn vui thì họ còn đi lại để nhiễm lấy hình ảnh chót của một “quê hương”… chắc sẽ không quay về nhìn lại. Nét mặt tinh anh và nụ cười trên môi họ như thoảng một nét sầu vạn cổ của những bài đường thi có nói đến “Tống Biệt” đến Giang Nam, đến bến Tiêu Tương nào đó. Mai kia khi từ xa nhìn lại quê hương cũ, lòng họ sẽ được se lại từ từ, êm dịu như được bàn tay ngọc của một mỹ nhân bóp nhẹ, nắn vuốt cho ra được một viên ngọc gọi là giọt lệ…
Giọt đó trong trẻo thì ghi vào thi văn, còn những luồng nước mắt chảy ào ào như suối thì để thấm vào khăn hồng mà phơi khô trong đêm lạnh.
Mỗi lần ra đi là làm héo tấm lòng một ít và nụ cười khi từ giã chỉ giống như hoa Huệ sầu, câu ca dao đẹp đẽ của miền nam đã nói: Hoa Huệ sầu ai nên hoa Huệ héo
Hoa Huệ sầu “tình” trong héo ngoài tươi.
những người bỏ nước đi chui
Tôi đã được chào từ giã nhiều lần bởi những con người ra đi.
Con người ra đi. Có khi đi được, sáu bảy tháng sau mới có tin gửi tréo từ trại sang nước xa rồi mới tới nhà, có người đi hụt, gặp nhau lại vừa mới gọi chào đã thấy “người đi hụt” tiu ngỉu như mèo mất tai trông tức cười. Anh đành an ủi (xin nhận nơi này làm quê hương) vậy. Cũng có khi người đi biệt tăm hơi hỏi ai cũng không biết. Rồi một lá thư hải ngoại gởi về có lời kể kinh khủng (lúc tàu chúng tôi đang đi giữa đêm. Biển lúc bấy giờ lặng sóng, ở dưới hầm nóng quá, tôi (người kể) lóp ngóp lên boong ngóng gió – lát sau lúc mọi người đã ngủ gục thì tôi còn thao thức. Bỗng lúc nhìn xuống phía dưới tàu lúc trời đen càng sẫm màu mực tôi thấy ba bốn bóng người rũ rượi quần áo trắng như dính sát vào thân. Họ nhìn tôi như đưa tay cầu cứu và nói khều khào: “Cứu chúng tôi với, cứu chúng tôi với, chúng tôi là người chết bị đắm tàu. Cứu chúng tôi với… với…….” Tôi (người kể) hết hồn gục mặt xuống không dám nhìn và cũng không có lối xuống hầm đành nằm chịu trận. Lát sau nhìn lại thì biển vẫn đen và mênh mông tối ám…”
Phương Hương thấy không, biển Nam Hải hầu như có đông đảo những “hồn ma bóng quế” bơ vơ chết không có mồ chôn, còn lưu lạc tìm thuyền kẻ đồng hương qua lại, để nhắn gởi gì không biết.
Đi chui, thanh toán và báo thù.
Đời thì đầy khoa học, chuyện hồn ma không có gì là khoa học cả, ai muốn tin thì tin, nhưng sự kiện xảy ra cứ làm sửng sốt cả những người trí thức ít mê tín nhất, như chuyện sau đây. Người kể là một giáo sư trường Marie Curie (tôi nghe lại qua chị Ba Bảng, người Bến Tre như Phương Hương, hình như cũng đang đợi được xum họp gia đình). Giấy tờ nghe đâu xong cả, chị tóc bạc phơ, ốm nhom. Hai vợ chồng nọ ra miền Trung, nơi hẹn đi gọi là “bãi đáp” ở một vùng trời yên bể lặng, núi cao hùng vĩ. Trong đám người cùng đi có một cô gái có một nhan sắc, cô được con trai ông chủ tàu yêu tha thiết, muốn cưới cho kỳ được nhưng kỳ lạ là chàng nhất định không đi, vì linh tính báo điềm nguy nan làm sao không biết. Cô gái thì nhất định ra đi và có hẹn sang nước ngoài sẽ lấy chàng nhưng vô hiệu. Có thể chàng có hăm đi tố nên trong đám người đi có người cương quyết bịt miệng chàng và một đôi ngày trước giờ khởi hành họ giết chàng trai để trừ hậu quả… Giờ lên đường đã đến. Tàu ra khơi, được khoảng một ngày trời thì trong đám người làm tàu bỗng nhiên cứ cãi cọ nhau dữ dằn mà mọi khi họ vẫn hòa thuận. Việc kỳ dị này làm mọi người khó chịu nhưng tàu nhỏ cứ tiến. Bỗng một đêm mọi người đang ngủ ngon thì một người trong họ bỗng ngồi lên hốt hoảng nhìn các bạn đồng hành. Có người hỏi sao thì bà ta kể rằng: tôi nằm mơ thấy chiếc tàu chúng ta đi trên biển mà có một cái hòm nổi nó theo sau. Mọi người đều sợ nhưng trấn an nhau cho đó chỉ là một ác mộng của người bệnh hoạn, bỏ qua. Đêm hôm sau, đang ngủ cũng một người khác cũng chồm lên hốt hoảng như bà đêm trước. Hỏi ra bà cũng thấy một cái hòm theo tàu mà còn có dây nối cái hòm vào tàu nữa. Mọi người bắt đầu lo là điềm xấu gì đây nhưng cũng phải trấn tĩnh cho im chuyện mà đi tiếp. Tàu vẫn lướt trên biển, mọi người có cảm giác là đang sắp đến một đất lành nào đây… vì đã qua vài ngày. Song đêm đó, một trong những anh làm tàu vì nóng nên ra nằm ở mũi để ngủ cho mát. Đang đêm anh ngồi bật người lên, la lối nhìn hai bên tàu, mặt mũi kinh hoàng. Hỏi tại sao thì anh nói là mới đây anh vừa mơ thấy một cái hòm theo tàu ngay gần mũi. Mà hòm lại hé mở có một cánh tay thò ra tính nắm lấy anh. Anh hết hồn nên tỉnh dậy. Đó là lần thứ ba mơ thấy cái hòm mà trên tàu người ta đã dặn nhau đừng tiết lộ chuyện đó cho nhiều người kẻo hốt hoảng cả đám. Thế mà vẫn thấy hòm. Sáng sau, không hiểu tại sao tàu như trục trặc, kẹt gì không chịu chạy và lạc phương hướng không còn biết đang ở đâu, và biến mất cả các hi vọng gần tới bờ (vì hôm trước có người nhìn thấy núi ở xa xa rồi. Bỗng thấy 4 con cá Nược, con chạy đầu, con chạy đuôi, hai con vây bên hông hầu như đến để dẫn tàu theo hướng đi của chúng, tàu chạy lại được, nhưng đi trong mù mịt… mặc theo số phận, có lúc 4 con cá Nược như đi đâu mất, tàu bị xoay sở lấy hướng vu vơ khó điều khiển không biết tại sao. Hôm sau lại thấy mấy con cá trở lại vây lấy tàu như dẫn đi nữa. Tàu chạy hầu như theo định hướng vô hình, cứ tiến, cứ tiến đến chiều hôm đó thì thấy cảnh núi non xa xa rồi gần gần. Khi tới bờ thì ôi thôi tàu lại trở về “bãi đáp” cũ. Nơi mới vĩnh biệt cách đây vài hôm. Mọi người bị bắt, nhốt. Bảy tháng sau, hai vợ chồng giáo sư trở về SG chưa hết kinh hoàng vì câu chuyện huyền bí vừa xảy ra cho họ. Việc xảy ra cho ông, ông nhớ mãi suốt đời và nói ai muốn tin thì tin. Nhưng hai vợ chồng ông thì biết rành rành và ghi suốt đời vào tâm cảm…
Năm Thân: Đó Phương Hương, chuyện vặt xứ nhà, lâu lâu kể lại cho vui. Đôi khi cũng nghe lại bốn chữ “Đồng bào thân mến” nhưng đồng bào ruột thịt nghe mà ghê sợ vì ruột đã mềm đứt làm chín khúc mà thịt cũng đang rã lần trên mặt xí quách đang lỏng le như long đanh óc cả. Đó là nhân loại năm Canh Thân chăng? “Không pết” không còn ai để mà hỏi, vì Khánh Sơn đã chết năm ngoái, năm kia, nhà bói toán Huỳnh Liêng cũng chết ở Lái Thiêu, nhà tướng số Huỳnh Minh đổi sang nghề đông y, các cô coi bài (bói bài) nay đều đi “xung phong” đi lao động. Đầu năm không có ai xem cho một quẻ.
Thơ “Phụ Lục” 1/12/79
Cánh nhạn 15/7 của Phương Hương tưởng là lạc mất hút đã lò dò xà xuống nhà tôi – vừa hạ cánh, khoai lang của nông trại đã rơi lỏong lỏong rất ngoạn mục, bao thơ rộng thênh thang, 3 lá thư như 3 mảng sơ mi ủi xếp gọn gàng và mỗi chương một đề tài hồi hộp. Quả Phương Hương là một cô chủ trại chu đáo hết mực.
***
Sau đây là thơ của Lê Thương gửi cho anh Cao Thái, một ca sĩ mà anh quen biết. Anh cũng biết Cao Thái là anh ruột của cô Phương Hương. Lá thư này là một bức tả chân tình trạng và tâm trạng của các nghệ sĩ đang sống ở bên nhà, sống mà không thấy được một ngày mai nào cả cho mình và cho đất nước.
Lê Thương gửi CAO THÁI ngày 5/1/80
Mến gửi anh Cao Thái,
Từ đầu năm 79, được gói quà của anh với cô Phương Hương đã là một năm qua, hôm qua 4/1/80 mới được carte postale của anh; như vậy cũng đã là một gắng công vượt bật rồi. Như vậy tôi phải xếp anh hạng nhì còn hạng nhất là trật, chưa viết thư vì kẹt nặng vi trùng “lambien” không cho viết thư vì không chắc có cây viết nào sẵn trong túi chưa? Tôi có gặp anh (Trần Văn) Khê tháng trước ở Việt Nam và nghe anh nói về Trạch. Nay Trạch (từ ít lâu) ở chung với anh thì hai người đỡ cô đơn vì tôi biết tài nói chuyện tiếu lâm của Trạch. Tụi tôi hồi đó đã tôn ảnh làm “á hậu” vì một tài ba quái kiệt.
Tháng 10, khi được thơ Phương Hương tôi cũng được nghe nói anh ca hát giúp các nhóm bên ấy và đã được đồn đại này nọ về xu hướng này kia nhưng hát giúp là nhiệm vụ và vui thích của “đời chim” nên cứ ca cứ hát cho trời xanh gió mát và cho thông cuống họng. Thây kệ ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, phải không anh?
Tôi chịu thái độ khảng khoát ấy của anh và chắc anh đã được vui phần nào là đẹp lòng đồng bào và cho đồng bào quen với phong tục của loài chim. Trên cành ca hát cho trời quang gió mát, cho dịu lại tâm hồn của bà con cô bác: đời chỉ có thế thôi. Trạch thì như tôi biết trước đây vẫn hát chắc chưa khảng khoát như anh. Song Trạch hình như vẫn thiếu bài ca vừa ý mình, nên vẫn e dè.
***
Lê Thương hát tiếu lâm
Mãi sau này đọc tiểu sử của Lê Thương trên Wikipedia tôi mới biết những bài hát tiếu lâm đã làm chúng tôi cười quá chừng khi xưa là của Lê Thương. Tuy Trần văn Trạch hát nhưng lời và nhạc lại là chính của Lê Thương. Như chuyện cô Quờn ghen đòi đốt chồng ‘‘Đốt hay không đốt’’. Bản nhạc ‘‘Nàng Hà Tiên’’ mà cả gia đình tôi, nhất là chị hai tôi, hay hát, bản nhạc ‘‘Đêm Đông’’ lời Việt và Pháp là cũng của Lê Thương.
Lê Thương tả Sàigòn với giọng tiếu lâm có thể gây cảm hứng cho những ca sĩ như Trần Văn Trạch lắm. Cũng với tính khôi hài tiếu lâm này, Lê Thương thuật cách nhận được thư và quà của chúng tôi ‘‘Cánh nhạn ấy bay một tháng 21 ngày – lần này thơ rớt vào ngực (không có trúng lưng) nên tôi vội bắt nó bằng hai tay mừng rỡ.’’
LT viết :
Anh em nghệ sĩ bên ấy ra sao? Anh Thái ráng cho tôi biết ít nhiều cho vui mà nhớ họ. Chứ bên này họ ít gặp nhau và thấy nhau xa xa là có vẻ lãng xẹt sang hướng khác để khỏi phải chào hỏi vô vị, trừ những bạn thân thì cà phê cà pháo bên nhau đều đều; đôi khi nhậu nhẹt ba sợi với nhau rồi hát lại vài câu đại khái: Hãy rót cho ta vài ly (à vài ngàn ly) rượu độc và đừng nói chi những lời hằn học để ta say trong men đắng hương đời và nhìn mặt trời đêm đang mọc!… đó là lời một ca sĩ già cọc, hát tiếng ca chọn lọc và bộ mặt hơi mốc… nên đáng bị oọc! Đáng kiếp và khiếp khiếp.
Đấy mới là một khía cạnh chút xíu của cái Sè goòng vẫn muôn mặt này. Sè goòng ôi (chớ không có ơi) !
Cao Thái ôi – anh em già như Lê Thương này vẫn sống phây phây không chờ một ngày mai ráo trọi… mà hay nhìn lại những mẩu dĩ vãng chưa đến nỗi khô queo để thương lại cuộc đời và nhớ lại các bạn ra đi, toàn bạn trẻ đẹp trai con nhà giàu – và lúc nhìn kế mình ở Sè goòng thì cứ phải gặp toàn là “các cụ” trông xốn con mắt.
Cứ qua phố là thấy những chàng trai – má phính còn bấm ra sữa mẹ, mà họ thả toàn râu mép dài thoòng, tóc tai nhầy nhụa mồ hôi muối, để tỏ ra ta đã già, ta đang bụi đời vì đời chẳng còn lý gì với ta, tuy ta vẫn níu lấy nó… (nếu hỏi thăm kỹ) thì các chàng có thể thêm câu thòng vọng cổ… vì Nàng đã đi rồi – hay các nàng Hipi choai choai cũ mà ta vẫn thương vẫn nhớ đã đi tuốt luốt hết rồi… trơ trụi cái đời mất hụi.
Với câu vọng cổ xuống Xề ấy, thì ai cũng phải tối tăm mặt mũi vì hình ảnh các cụ non quá là nhiều mà các cụ già cũng không thể cạnh tranh được với họ về cái vẻ lừng khừng ngày ngày mọc rễ ở quán cà phê, quán nhậu ven đường. Một ly cà phê một đồng (500 cũ) phải đệm một điếu 3 số 5, 2 đồng rưỡi (1250 đồng cũ) mới thỏa chí tang bồng.
Đó cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ xíu nữa của cái Sè goòng lên mặt này. Mặt thì “dzậy” nhưng lòng thì có trời mà hiểu nó đang nghĩ gì. Mà không hiểu nổi hết thì cứ cho là bộ đồ lòng nó không còn ngon như trước, nếu ma cà rồng nào lăm le muốn ăn – vì có ăn thì chỉ thấy toàn sợi pha bo bo và nui bột khoai mì. Ma cà rồng ăn sẽ phải chết vì không tiêu và đáng đời. Ai biểu nghèo mà ham.
Nếu kể ra thì có 1001 chuyện dzui dzui kể ra phải 1 ram giấy mới hết. Năm tháng còn dài, trong những thơ sau sẽ kể cho nhau nghe mà cứ yêu đời một cách lỳ lợm, kệ Bà nó. Phải không Cao Thái.
Lê Thương
Tái Bút
Anh Đặng Bá Thế bị Diabete từ vài năm nay, nay nó biến chứng ra bại xụi, anh vào nhà thương đã vài lần nhờ các con ảnh gửi thuốc về khá đều nên ảnh không trầm trọng thêm nhưng chưa khỏe. Anh ở gần nhà nên tôi lại thăm anh luôn. Lúc này anh buồn chuyện gia đình nhiều vì các con ở xa học giỏi tài cao, nhưng lúc già và bệnh thì vẫn cô đơn như thiếu con và thiếu tình thân mật của con.
Nguyễn Đình Nghĩa thì càng lão luyện về sáo – Cả nhà con trai con gái đều học sáo và thổi càng ngày càng hay trong lúc túi áo càng ngày càng rỗng. Tôi hay lại thăm Nghĩa, nhà thì đầy tre làm sáo mà chưa thèm cắt. Gia đình có giấy Certificate d’héberg (giấy bảo lãnh cư trú ở Pháp) từ gần một năm mà vẫn chờ chưa thấy gì cả.
Còn thuốc thì nếu Cao Thái có gửi cho tôi xin nhớ vài món như Lincocine, Decaris trừ lãi cho các cháu ngoại tôi – Aspirine pH8, Collyre nhỏ mắt nào trừ nhặm mắt hàng ngày, thuốc nhức mỏi cho tuổi già, và một số tétracycline viên và một số viết Bic. Phương Hương đã gửi cho tôi nhiều lần thuốc vào tháng 12/79 tới có gửi cho cổ thơ dài 6 trang và bài hát. Cao Thái nhắn giùm cổ là có lãnh được xin báo tin. Thơ lúc này lang bang đi hay lạc, khi mau 19 ngày khi 4 tháng rưỡi không chừng đời.
Cao Thái hỏi giùm Trạch là đã gặp vợ con ở Lò Heo cũ chưa? Mong thơ ảnh – nếu ảnh cần có thể bài hát “thời sự” cười gửi ảnh cho vui nhưng mong thơ lắm. Cánh thơ xa là một liều thuốc bổ chữa những biến chứng của bệnh buồn bệnh khổ.
NB. Tôi nghe về đau mắt có thuốc Collyre Triantibiotique CHIBRET tốt lắm. Mong anh gửi.
***
Sự tin nhảm bành trướng rất mạnh ở Sài Gòn
Lê Thương rất ưa kể chuyện Sè Goòng cho tôi nghe. Tôi có cảm tưởng ngồi viết thư cho tôi anh cảm thấy thoải mái như đang chuyện trò với một người mà anh có thể tâm sự được. Đây là một vài câu chuyện anh kể, trong đó có những chuyện ma. Anh nói từ mùa thu 1979, sự tin nhảm bành trướng rất mạnh ở Sài Gòn, và thiên hạ rất ưa nói và nghe những chuyện ấy. Đây là thơ anh viết ngày 29.2.1980.
Thư của Phương Hương viết 3 trang nói về giao thừa Tết tây lạnh lẽo mới tới vào ngày 25/2/80. Cánh nhạn ấy bay một tháng 21 ngày – lần này thơ rớt vào ngực (không có trúng lưng) nên tôi vội bắt nó bằng hai tay mừng rỡ. Sẵn có bà xã ra lãnh nó từ tay người đưa thư nên tôi đọc cả cho bả nghe.
Vừa nghe đến chỗ Phương Hương lãnh săn sóc bệnh nhân cho một nhà thương – bà xã tôi vội ngắt “đúng cô Phương Hương là một bác sĩ” (nghe cái giọng nhận xét giống như ông cụ) (đã nói trong thư 12 trang mà bây giờ chắc Phương Hương đã lãnh được vì gởi từ khoảng 12/12/79). Tôi chỉ mỉm cười không thêm, (bác sĩ mát tay) như đã nói với ông cụ.
Tôi nghiêm sắc mặt vì chữ “bác sĩ, vì từ hồi nào đến giờ tôi vẫn sợ chích (nhất là khi chính mắt thấy tại nhà thương thời cách mạng, nhiều bác sĩ thọc mũi kim một cách không nề hà vào đùi non của chúng sinh).
Chuyện người thiếu ăn đói quá xỉu
Nói đến câu chuyện chích mũi kim, tôi còn câu chuyện hết hồn mà một bác sĩ đã kể cho nghe.
Hồi đó Phương Hương nhớ, nhà thương Thị Nghè cũng là nhà dưỡng lão hay có nhiều người chết dồn lại đó. Cứ thường ngày hay có chiếc xe cày màu đen chở một số xác chết vào gởi ở trong nhà thương Chợ Rẫy – ở trong một cái bồn lạnh khá rộng. Tất nhiên những xác ấy đều là xác của những người vô thừa nhận, không còn ai bà con gì ráo dòm ngó xin về, nên vào gởi ở Chợ Rẫy để sinh viên Y khoa ngành giải phẫu tập sự mổ xẻ cho quen tay – xác chết vào đó thì cứ nằm yên đã… để tôi nói chuyện về một hôm tại Thị Nghè.
Tại nhà xác Thị Nghè thì mỗi lần có người chết tính để dành xác cho Chợ Rẫy thì anh gác nhà xác liền chích cho xác một vài mũi Formol để cho đỡ hôi thối sớm mà còn gởi đi chứ.
Nhưng một chiều người ta khiêng vào cho anh xác của một bà già, đặt lên cái cáng đó. Đáng lẽ như thường lệ anh đi lấy ống chích và làm phận sự thông thường thì hôm đó anh hơi say rượu, anh bỏ khay chích lạng chạng đi nhậu tiếp… Sáng sớm hôm sau tỉnh giấc, anh chợt nhớ tới bà già chưa được mũi Formol anh vội đi lấy thuốc vào nhà xác.
Đến cái cáng bà già nằm, anh lật xem sơ qua xác bả để tính chích vào mông gì đó, anh vừa lấy tay đập đập vào mông thì bỗng bà già lóp ngóp ngồi xổm dậy, bà quay mặt nhìn qua anh gác dan với đôi mắt mờ mờ hơi ngạc nhiên, nhìn quanh phòng xác rồi bà bước xuống đất, đứng dậy đi ra cửa từ từ.
Anh gác dan hết hồn hết vía từ lúc bà ngồi dậy, đã lùi vài ba bước khi thấy bả quay nhìn ảnh. Song khi thấy “xác bả” biết đi ra cửa anh tò mò đi theo. Bà già ra đến sân thấy trời sáng trưng, bà nhìn qua vài người qua lại rồi hỏi lối về nhà.
Lúc bấy giờ anh gác dan mới hoảng hồn vì cảm thấy là bà già chưa chết, mặc dầu chiều hôm qua người bà đã lạnh đến nỗi người nhà thương tưởng chết cho khiêng xuống nhà xác. Nghe đâu bà già còn sống với con cháu hàng lâu năm sau.
Chuyện xổ số đề. Đám cưới ma
Đó là chuyện có thật trước đây. Lại đây là một chuyện ma mà người kể cũng nói là có thật ở Sè Gòong mới đây không xa.
Lúc này chẳng là lúc có sổ xố lu bù tèo gần như mỗi ngày. Không ở Sè Gòong thì ở Tiền Giang, Hậu Giang cho thiên hạ ham độc đắc trút tiền túi ra mà mua – vé số cũng bán theo giá thông cảm – nghĩa là mắc hơn đôi chút đối với giá chính thức và cũng là dịp mặc sức cho dân Sè Gòong Chợ Lớn xổ đề xả giàn.
Đi đâu xóm nào chợ nào cũng nghe bàn đề. Con bướm, con chó, con mèo, con dê số đầu số đuôi cứ tíu tít cả lên, chẳng còn nghĩ gì hơn là hôm nay “đánh số mấy”, chắc hôm nay nó ra con gà, con heo, con khỉ. Người trúng đề cũng nhiều, mặt tròn xoe mắt sáng quắc còn các chị đánh trật số lắc đầu cười lạt như nước ốc, mặt bí xị.
Những ma quái ở trong việc tin dị đoan đi hỏi số đề ở nghĩa địa mới là ghê.
“cô gái bị ma cưới mất”. Chuyện này xảy ra khoảng tháng 9 năm ngoái cho một “cô gái bị ma cưới mất”. Toàn là chuyện rất kỳ dị rất khó tin nhưng các bà kể lại một cách xác tín mạnh mẽ đến nỗi người nghe là tôi ít tin bậy mà cũng phải lưu ý và hôm nay ghi vào “sổ đoạn trường” để gởi sang cho Phương Hương và các bạn nghe cho vui.
Ở Bình Thới, phía bên trên Phú Thọ, lối ngồi ở xa phía trường đua Sè Gòong, Phương Hương nhớ không, nơi đó trước đây hay là chỗ xử bắn những người mắc tội này nọ. Các bà lại tin nơi đó chắc là có những hồn người chết oan nên chắc là “thiêng!” Mấy bà kéo nhau lên định đúng 12 giờ đêm là lạy khấn xin trúng đề sẽ tạ ơn – nhớ là mấy bà lúc này túng tiền quá, mà đã lo tiền thì cũng dám liều cả, nên đợi đến khuya vào chỗ xử bắn khấn lâm râm.
Ma đòi cưới người sống
Một bà cụ có con gái đến tuổi cập kề cũng đi theo và bà nhiệt tâm quá sức mà chắc cũng hết hồn hết vía quá đỗi, xin trúng số đề. Và còn khấn là nếu trúng thì hồn ma xin gì được nấy. Bỗng bà thấy một bóng gì thoáng tới rất nhanh rồi một bàn tay lành lạnh đặt trên vai bà. Bà nghe rõ vài câu… cho con số nên đánh, nhưng ma lại bồi thêm một câu độc ác, nói là anh chết chưa có vợ con, nên xin cưới con gái bà (vì xin gì được nấy. Lúc này bà hết chịu đựng nổi cái điều kiện ghê sợ này nên bà té xỉu, các bà khác thấy vậy cũng hồn vía lên mây vực bà ra… và cho bà nằm để sớm mai về nhà gấp. Sáng ra bà già đã tỉnh nhưng không nói cho ai hay con số đã nghe được, bà đánh con số và trúng mấy trăm ngàn thật. Các bà kia theo dõi cứ đợi xem bà ra sao, thấy bà trúng đề thật mới xúm nhau lại mừng quýnh. Nhưng… lúc bà vừa đi lãnh tiền về đến nhà thì ôi thôi, con gái bà nằm chết tại nhà không biết tại sao, mà cũng chẳng ai hay biết cô bệnh gì ráo. Thiên hạ xôn xao kêu bác sĩ lại thì người cô đã lạnh ngắt – không còn ai biết cứu đàng nào, nghe đâu có người lại chích thuốc làm hô hấp nhân tạo… nhưng vô hiệu quả.
Các bà tin chắc là con gái bà đã bị ma cưới mất, từ đó các bà bàn tán không còn dám lên Bình Thới khấn đề gì ráo.
Phương Hương chắc đã thấy chỗ xuống tinh thần của một số đông người chán nản và đời sống gay gắt đã tạo nên nhiều tệ đoan, dị đoan, đa đoan làm điên đầu bất cứ ai muốn nghĩ đến tiền đồ xã hội.
Tết năm nay dân chúng vẫn đốt pháo như điên. Có một đôi vợ chồng, vợ bán rau ở chợ, chồng bán nước dừa trên xe ba bánh mà dám đốt hơn 120 đồng bạc pháo (hơn 60 chục ngàn đồng cũ). Tai nạn về pháo cũng đến hàng trăm.
Phương Hương thân mến.
Thôi, Phương Hương ơi, cũng vì uống thuốc bổ 3 vitamin Phương Hương cho, nên nó cương trí, nói nhảm từ nãy đến giờ mà chưa hết chuyện, 9 trang giấy và cái bút Parker Phương Hương tặng vẫn hoạt bát nhưng có hơi dai, hơi dài, hơi dốc. Đó là chủ nghĩa “3D” đang thịnh hành tại nhiều nơi trên toàn cầu và riêng tại quê nhà Phương Hương biết lấy. Tôi đang kết luận bằng cách quay về thực tế như chiếc thuyền về bãi đáp vừa kể lần này không có gì mà hết hồn cả.
(còn tiếp)
Trích từ sách “Phương Hương xuôi vạn lý”, NXB Hồng Đức 2014. Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của tác giả.