Phạm Nguyên Trường
334. Intergovenmentalism – Liên chính phủ. Lí thuyết về hội nhập và phương pháp ban hành quyết định trong các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện cho các quốc gia hợp tác trong một lĩnh vực cụ thể nào đó mà vẫn giữ được chủ quyền của mình. Khác với các cơ quan siêu quốc gia (supranational bodies), trong đó quyền lực được ủy quyền một cách chính thức, trong các tổ chức liên chính phủ, các quốc gia không chia sẻ quyền lực với các chủ thể khác và quyết định được đưa ra theo lối nhất trí hoàn toàn. Trong Liên minh châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng là ví dụ về cơ quan liên chính phủ, trong khi Hội đồng, Nghị viện châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu, là cách thức ban hành quyết định siêu quốc gia. Tất cả các sáng kiến hội nhập khác, trong đó có các sáng kiến giữa các nước đang phát triển, hầu như hoàn toàn mang tính liên chính phủ.
335. Internal Colonialism – Chủ nghĩa thực dân nội bộ. Chủ nghĩa thực dân nội bộ là khái niệm được người Nga sử dụng từ khoảng đầu thế kỷ XIX. Tuy nhiên, tương tự như nhiều tư tưởng trong khoa học xã hội, cùng với thời gian, ý nghĩa của nó đã thay đổi đáng kể. Ban đầu, người ta dùng khái niệm này để mô tả quan hệ kinh tế giữa thành thị giàu có và các vùng nông thôn nghèo khó. Sau đó, người ta dùng nó để mô tả tình trạng bất bình đẳng dai dẳng về kinh tế giữa các khu vực trung tâm và vùng ngoại vi của đất nước. Kể từ những năm 1960, người ta dùng nó để nói về sự chênh lệch tương tự như quan hệ giữa nước mẹ giàu có và các thuộc địa của nó. Sự thay đổi về ý nghĩa xuất hiện khi người ta nhận ra rằng các vùng ngoại vi kém phát triển thường khác với vùng trung tâm của đất nước về nhiều lĩnh vực chứ không chỉ đơn giản là của cải. Về cơ bản có hai kiểu khác biệt làm cho người ta nghĩ tới chủ nghĩa thực dân nội bộ.
Thứ nhất, bản chất của nền kinh tế ở những vùng nghèo khổ. Một số vùng kém phát triển làm hệt như các nước thuộc địa, chuyên phát triển các ngành dành cho xuất khẩu và thường là công nghiệp khai khoáng. Các khu vực kém phát triển cũng phục vụ những khu vực phát triển y hệt như các nước thuộc địa, không thể phát triển nền tảng kinh tế cho nền kinh tế dựa vào đầu tư trên diện rộng mà, chuyên phục vụ nhu cầu kinh tế của nước bóc lột. Thứ hai, sự khác biệt về văn hóa và dân tộc giữa các thuộc địa và nước mẹ thường cũng xuất hiện ngay trong lòng đất nước thực hiện chính sách chủ nghĩa thực dân nội bộ. Có thể có sự khác biệt trong trình độ học vấn và phong cách giáo dục, và những khác biệt rõ ràng trong ngôn ngữ và tôn giáo. Nói chung, địa vị xã hội của những người sống ở các vùng nghèo hơn làm cho họ khác với những người sống ở trung tâm của đất nước. Tất cả những yếu tố này có thể tạo ra một điểm tương đồng nữa, đấy là, cũng như các thuộc địa xây dựng các phong trào độc lập, các khu vực thuộc địa nội bộ thường tiến hành đường lối chính trị tự trị, đòi và đôi khi tìm cách giành độc lập thực sự.
336. International Court of Justice – Toà án Công lý Quốc tế (ICJ). Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), đôi khi còn được gọi là Tòa án Quốc tế (World Court) là một trong 6 tổ chức quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc (UN), được thành lập vào năm 1945, mà tiền thân là Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent Court of International Justice) được thành lập năm 1920. ICJ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia theo luật pháp quốc tế và cố vấn ấn về các vấn đề pháp lý quốc tế. ICJ là tòa án quốc tế duy nhất xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia, các phán quyết và ý kiến của Tòa án này là nguồn chính của luật quốc tế.
ICJ là có 15 thẩm phán, do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an LHQ bầu ra với nhiệm kỳ 9 năm. Mỗi nước, trong mỗi giai đoạn, chỉ có nhiều nhất một thẩm phán; tập thể các thẩm phán phải đại diện cho các nền văn minh và hệ thống pháp luật chính của thế giới. Trụ sở của Tòa án nằm ở Cung điện Hòa bình ở The Hague, Hà Lan. ICJ là cơ quan chính duy nhất của Liên hợp quốc không nằm tại Thành phố New York. Ngôn ngữ làm việc chính thức của nó là tiếng Anh và tiếng Pháp.