Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 6)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

Hà Nội, 28. 9. 1987

Ông Nhàn,

Hôm trước tôi gửi thư cho ông qua Diệp Minh Tuyền. Nhận được chưa. Hôm nay thì chắc gửi qua Phan Hồng Giang.

1/ Tôi gửi số Tạp chí Văn học số 3/87 ông xem phần về Tiễn đăng tân thoại là tiền thân của Truyền kỳ mạn lục. Hình như có lần nào gần đây ông nói với tôi chuyện này, nghĩa là nghe nói có chuyện này; – nay thì xác thực rồi. Các kiệt tác của ta trong quá khứ là phóng tác cả. Cũng hơi buồn.

2/ Xem xong, ông chuyển cho bà Inna Zimonina vì hồi nọ ông Nguyễn Minh Châu muốn chuyển bài viết đánh máy của tôi cho bà Inna. Nay lại có bản in rồi. Ý ông Châu chắc là muốn gợi ý cách chọn, cách hiểu các truyện của ông ấy cho dịch giả Xô-viết.

3/ Bài của ông về Thời xa vắng bây giờ bọn họ đánh mất bản đánh máy. Bản chính ở nhà bà Yến giữ. Vậy phải chờ bà Yến về bọn này mới có bài đăng được. Gần đây thì chính ông Kim Lân bảo Bùi Bình Thi đi tìm lại bài ấy để đăng. Nhưng bà Thiếu Mai bảo để cho “Văn nghệ”. Ông nhớ dặn bà Yến chuyện này (cô Thư bảo đưa cho Yến bản viết tay rồi).

– Các chuyện ở nhà, Phan Hồng Giang nắm còn vững hơn mình. Hắn sẽ sang tai các vị.

Chúc Nhàn + Yến và cháu Nam khỏe, vui. Gởi lời chúc Trà bảo vệ thành công luận án.

Thân

LẠI NGUYÊN ÂN

Hà Nội, 12. XII. 1987

Nhàn, Trà thân mến,

Đã nhận được quà của hai bạn rồi, rất cảm ơn và tự hẹn là sẽ viết trả lời sớm. Nhưng lần lữa mãi, vì cảm thấy khi ở bên ấy còn cả hơn chục “nhà văn trẻ” thì Nhàn cũng đỡ cô độc và không đến nỗi thiếu thông tin. Hôm anh Nam sang, mình không kịp viết, vả lại nói trong thư những ý kiến nhận xét riêng mà Nhàn lại sẽ gặp và làm việc với anh Nam, thì e có những điều không tiện lắm.

Mình vẫn sống như cũ, ở chỗ cũ. Mấy thứ đem về, bán đi ăn hết rồi, lại thấy túng bấn. Mà giá cả thì lên một cách tăng tốc; bơm 1 lốp xe đạp là 10 đ., nhà mình đi chợ mua thức ăn mỗi ngày hết khoảng 300 – 500 đ. Lương mình tính theo bây giờ là cả thảy 5.000 đ., gạo bây giờ theo sổ cũng với giá 50 đ/kg, dầu 60đ/lít… Đó, kể để ông hình dung sinh hoạt của mọi người bây giờ.

Nhưng thôi, ta hãy quay lại “tháp ngà”!

Cuộc gặp của ông Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ, ông được đọc qua báo chí rồi, anh Nguyên Ngọc cũng kể rồi. Sau đó, là nghị quyết Bộ chính trị, cũng công bố rồi. [1] Bây giờ là triển khai.

Nhưng văn nghệ có tình hình này: báo chí khởi sắc (cả các loại báo khác) thì người ta tăng giá giấy theo phương thẳng đứng đến nỗi sách ế ghê gớm… Mức bây giờ cho sách truyện dịch là khoảng 800đ/1000 trang sách in 13 x 19 cm. Sách thông thường bây giờ hơn trăm trang đã là ngoài 100 đ., trên sức mua bình thường, thành thử thị trường Sài Gòn tiêu thụ lớn như thế, bây giờ cũng ế. Giấy quá đắt, công in quá cao, nhuận bút đã cải tiến nhưng vẫn rẻ mạt (thượng thặng của văn sáng tác bây giờ là khoảng 1.000 đ./1 trang tác giả). [2] Mà sách thì đắt. Làm báo làm sách lại một phen lao đao, có lẽ tình hình sẽ đỡ căng khi mức lạm phát lại tăng lên, đồng tiền tiếp tục mất giá. Ấy là nếu giá giấy không tăng, nhưng bây giờ 450.000 đ./tấn giấy mà nghe nói sang đầu 88 sẽ lại tăng gấp đôi nữa, giá bán tờ “Văn nghệ” có thể là 80đ./1 số! Vừa rồi, các báo tuần đều gộp 2 kỳ làm 1 để đỡ sớm phá sản, thế là các chuyện “vụ việc” đỡ được 1/2, thật lợi cho các giới chức quyền. Nhưng mà nhiều báo vẫn hay lắm. Ông chắc không được đọc Thể thao Văn hóa. Có những bài rất hay, lấy từ nguồn Pháp, nói về Tình yêu thời thổ tả của G. Garcia Marquez, và Плaxa của Ch. Aitmatov (bài của Claude Prévost), [3] hoặc bài tựa tập thơ Hồ Xuân Hương ở Pháp do một tay nguyên Thủ tướng Công-gô nay là Phó tổng giám đốc UNESCO, – một bài tuyệt vời. Chính khách của thiên hạ rất hiểu văn hóa, chứ có đâu như mấy vị trưởng lão của chúng ta, dốt nát và hợm hĩnh. Một cậu bé, là V. D. T. gửi bài từ Astrakhan về, nói cái hay của chợ tranh Izmailovo cũng hay lắm (nghe nói là cậu Vũ Dương Tân, con cụ Vũ Đình Long /Tân Dân/, họa sĩ lấy vợ Nga đang ở bên đó). Rồi một bài kín 2 trang của Nguyễn Đăng Mạnh nói về Vũ Trọng Phụng, nỗi căm uất khôn nguôi… Đấy là tờ tiên tiến, rất văn hóa, như ông đã rất sành mà bảo sớm cho tôi. Các báo ở Sài Gòn thì mình ít được đọc, nhưng được biết Tuổi trẻ, Thanh niên là những tờ khá. “Văn nghệ” (của ông Ngọc) vừa qua đã chinh phục trở lại được người đọc Sài Gòn, người ta thấy lại cái quy luật: khi các tư tưởng chín, nó phải chín và nổ ra ở đất Bắc. Tờ Nhân dân thì thủ cựu, nhưng tờ Quân đội nhân dân thì can đảm hơn (Hà Phạm Phú bây giờ trưởng ban văn nghệ, ông nên có bài cộng tác), nên theo dõi qua tờ này.

Trong ngọn gió đổi mới, giới phê bình lý luận diễn ra nhiều điều thú vị. Đức tìm mọi cách nói ông ta khác Đệ. H.Trinh trở cờ, phất cờ tân tiến, đổi mới. Hôm họp ở Ban Văn hóa văn nghệ trước ngày công bố nghị quyết 05 (họp 2 ngày) – à, Mai Liên có dự, nếu gặp Nhàn chắc hắn đã kịp kể, – H.Trinh nói trong giọng này: ta viết cũ lắm, nghiên cứu cũ lắm, viện tôi toàn người kém năng lực, trong khi thế giới người ta nghiên cứu khác nhiều rồi, v.v. Hôm ấy, ông Đệ và Nguyễn Văn Hạnh đề nghị thảo luận 3 vấn đề: 1/ Chính trị – văn nghệ, tự do sáng tác; 2/ Chức năng văn nghệ; 3/ hiện thực XHCN. Không có ý kiến nào về vấn đề một lại tốt như bài của Trà đâu. [4] Đại khái lý luận loanh quanh lắm. Người ta không dám “phản đối” cái mới, xu hướng mới (mà ông Độ phất cờ) nhưng vòng vo, chờ, nghe ngóng. Hôm ấy, chỉ có Phạm Vĩnh Cư có ý hay: các nhà sáng lập marxisme chỉ có Marx là thị hiếu nghệ thuật tốt, nhưng không dành cho một công trình nào hoàn chỉnh, Engels, Lenin đều kém và thiếu toàn diện; lý luận nghệ thuật của chủ nghĩa Mác còn chờ một thiên tài đủ sức giải quyết… Có nghe các ý kiến mới thấy vấn đề trình độ ở ta thật gay go, tất nhiên, không trừ ai, kể cả mình (mình đã nghĩa lý gì). Cái ông Vũ Đức Phúc trở thành một người bảo thủ thẳng thắn. Ông ấy bảo văn nghệ phụ thuộc chính trị là định mệnh, nhưng hoài nghi mọi đổi mới, cải tổ. Khi Lê Sơn nói đến tư tưởng cởi mở của Gorbachev, ông ấy ngồi dưới bảo: chúng mày chờ thằng cha Gorbachev nó chết hoặc bị lật đổ rồi hãy nói nhá! Ông ta chỉ ủng hộ viết về tiêu cực để tố bọn đương chức đương quyền.

Tôi không kể hết các ý kiến phát biểu hai hôm ấy được, vì dài quá. Nhưng vẫn thế thôi. Có một luồng dư luận ngầm, thực chất là chống đổi mới, nhưng không công khai, nó hòa trong “đa số im lặng”, cả trong các vấn đề xã hội khác, cả trong văn nghệ. Nghe nói ông H.X.Trường lại “trích dẫn” tôi tại một cuộc hội thảo của tiểu ban tư tưởng của TW, đại khái ông ta phản đối văn nghệ là thông tin mà ông ta cho là tôi có lần phát ngôn (dăm bảy năm trước tôi đã nói cho ông ta biết cái ý sau một bài tôi đăng Nhân dân, nhưng đến giờ ông ta vẫn không hiểu).

Tuyển tập Vũ Trọng Phụng đã ra tập I, có kịch Không một tiếng vang, tiểu thuyết Giông tố và một tác phẩm di cảo Người tù được tha. Ông Mạnh viết lời đầu sách. Năm nay là 75 năm sinh Vũ Trọng Phụng, nhưng Hội Nhà Văn không dám đứng ra tổ chức. Chủ nhật vừa rồi, chính Câu lạc bộ của Cung Văn hóa Việt Xô đứng ra làm; đúng là một nhà văn được độc giả và bạn bè tưởng nhớ. Hôm ấy ông Nguyễn Hoành Khung nói chính, rồi các vị Vũ Đình Liên, Đồ Phồn, Trần Lê Văn, Mạnh Quỳnh, Hoàng Thiếu Sơn nói. Người ta thêm dịp chửi Hoàng Văn Hoan đã góp phần cấm in và nghiên cứu Vũ Trọng Phụng, nhưng quả là cũng không chịu nổi khi ông Hoàng Thiếu Sơn bảo Giông tố còn hay hơn Chiến tranh và hòa bình, chỉ chịu thua Đốt…

Hội Nhà văn không kỷ niệm Nam Cao và Vũ Trọng Phụng, nhưng nghe đâu đang định in tác phẩm của hai ông ấy vào kế hoạch phụ để kiếm lãi! “Tác phẩm văn học” ra đến số 2 rồi, càng rõ cái xu hướng cổ lỗ bảo thủ của nó. Ông Kim Lân có bảo tôi đưa bài về Thời xa vắng của ông để ông ấy xem và dùng cho “Tác phẩm văn học”, nhưng rồi ông ấy trả lại, bảo là bài không nói gì mới so với những bài đã đăng, may sao “Văn nghệ” sẵn sàng dùng, tuy có phải cắt ngắn ít nhiều, như ông đã thấy. [5] Tôi có cảm giác bản thảo bài đó đã đi 2 vòng Mat – Hà, Hà – Mát, lại Mát – Hà [Moskva – Hà Nội] rồi mới được đăng, cũng kỳ khu thật!

Chuyện đại hội vẫn xa vời lắm, người ta chần chừ mà.

À, tôi đã kể chuyến đi Hà Nam Ninh kỷ niệm Nam Cao chưa nhỉ. Chắc là chưa. Hôm ấy tôi cùng Phú, Tùng đưa Nguyễn Hoành Khung và Bùi Công Minh đi. Lễ ở tỉnh tẻ ngắt, vì ủy ban tỉnh làm, lại huy động học trò vài trường nào đấy làm cử tọa, mà học trò lại bỏ nên lèo tèo, hội trường lớn 3-2 vắng ngắt. Hôm ấy tôi có cảm giác ông Nguyễn Khải hơi hỗn với vong hồn Nam Cao. Ông ta phát biểu đại ý có nói: cái cuộc đời ấy sao tẻ thế mà lại viết hay, có mỗi một chuyến đi thì lại chết ngay. Thằng con Nam Cao nói mấy tháng nay trong dịp chuẩn bị kỷ niệm, gia đình tôi đọc báo, càng thấy rõ tầm vóc Nam Cao; ông Khải dựa vào ý ấy bảo: đấy, tuyên truyền cộng sản nó làm ra thế, chứ gia đình người ta chỉ thấy bố người ta thế thôi mà. Các nhà văn vẫn ghen ghét, ngay cả với danh vang của đồng nghiệp đã chết.

Sau đó bọn mình về huyện Lý Nhân rồi xuống làng Đại Hoàng. Nhà Ủy ban xã làm trên đất nhà Lý Cường; đi thăm nhiều chỗ: nhà của riêng vợ chồng Nam Cao (giờ người khác mua ở), vườn nhà bố mẹ Nam Cao (giờ ông Đạt em ruột Nam Cao ở, vườn rất đẹp). Ông Đạt ngồi kể một buổi sáng về những điều trong gốc gác gia đình Nam Cao. Một chuyến thú vị. Ông Khung và Minh ghi được ít nhiều, thêm cho cuốn Nam Cao, con người và tác phẩm sắp tới. Cậu Trần Quang Vinh làm điều tra lịch sử tác phẩm rất kỹ, biết hết các nhân vật trong tác phẩm Nam Cao lấy mẫu ở ai ai, v.v. Chỉ tiếc là không kịp đến mộ Nam Cao ở Ninh Bình, vì xe cơ quan phải về gấp…

Sử đi Liên Xô ghé qua ông, chắc đã nói một ít chuyện. Mai Liên nữa. Có gặp Sử, ông bảo bài Tính nhân loại của ông ấy có một đoạn đọc lên rất giống đoạn Dzeverin viết trong tham luận tại Hội nghị Leningrad, có đăng trên Лит. газета 4/II/1987. [Lit. gazeta = Báo Văn học]. Giống thôi, chứ ai “gà” ai được!

Ông bảo Sử đi thì tôi cô độc à? Thì tôi vẫn cô độc đấy thôi. Nhưng khi Sử ở nhà, thỉnh thoảng còn ghé đến nhà nhau trò chuyện, giờ thì cô độc nhiều hơn. Nhưng thỉnh thoảng nói chuyện với Phạm Vĩnh Cư cũng thú lắm. Hắn ta biết xã hội và văn học Liên Xô nhiều ghê gớm, mình phải nghe cho biết, có làm cái gì còn đỡ hố! Cũng có thể trò chuyện với La Khắc Hòa, một tay cũng ham bàn luận như mình. Bây giờ báo “Văn nghệ” đề nghị Hòa thế vào chỗ Sử [6] nên sẽ có dịp gặp nhau thường xuyên hơn. Mình lại phải lôi một lô sách cho Hòa đọc, rồi lại bàn về văn học ta 10 năm qua! Thêm một đối chứng!

Ông có hỏi cái buổi họp ở Hội Văn nghệ Hà Nội, hôm ấy tôi nói xoàng thôi. Tôi có bảo mình là kẻ đến sau của một lớp người thành được nhà phê bình là do “đâm thuê chém mướn” – có lẽ cái ý ấy cộm nên nghe nói người ta cự lại. Thỉnh thoảng tôi có gặp B.Việt, ít thôi, một nhân vật rồi, hãnh tiến nữa, nhưng hay làm ra vẻ u sầu, để dễ chê bai mọi người. Người ta bảo trong số các “nhân vật trẻ” bây giờ B.Việt và Ng. Kh. Điềm là cùng một type!

Hôm họp với ông Nguyễn Văn Linh, Ngô Thảo đang dong ruổi miền Trung, khi ra Hà Nội, thì bản thảo cбoрник [sbornik = sách tập hợp các bài viết] của Thảo, tôi đã đưa ông Kiên duyệt. Nhưng sau khi nghe các nhận xét của tôi, Thảo đề nghị lấy lại để bổ sung hoặc làm lại, rồi mãi vẫn không nộp, vì bảo loạt bài tiểu luận trong đó đã cũ mất rồi. Có thể Thảo sẽ không in hoặc đổi lại nhiều.

Kế hoạch 88 hình như tôi có nói với ông rồi. Cuốn của Thảo thế là gặp khó khăn. Cuốn ông Ph.Lựu thì cũng cũ kỹ, sách vở, xa thực tế văn học và lý luận bây giờ. Tôi đang tính thêm vào kế hoạch 88 hoặc sau đó: 1 cuốn về các vấn đề lý luận mới, ví dụ sẽ có bài ông Trần Độ Văn nghệ và đổi mới, rồi các bài của Trà, của Sử, của ông Mạnh, v.v. Có lẽ ông Kiên ủng hộ. Tập Lý luận tiểu thuyết, đã ký hợp đồng với Cư. [7] Tôi còn định làm một tập Vũ Trọng Phụng trong hồi ức người cùng thời lấy các tư liệu cũ và đặt một vài hồi ức mới. Rồi cuộc thảo luận về Гoлос автря и проблемы poмана [Golos avtora I problemy romana = Giọng điệu tác giả và các vấn đề của tiểu thuyết] trên И.Л. [ I.L., viết tắt tên tạp chí “Văn học nước ngoài” xuất bản tại Moskva] do Затонский [Dmitry Vladimirovich Zatonskij, 1922-2009, nhà nghiên cứu LX.] chủ trì, tôi thấy có thể làm thành một tập mỏng… Ông thử góp thêm ý kiến với tôi nhé.

Không khí Tác Phẩm Mới dạo này vẫn thế. Có chiều trầm hơn. Một điều này có thể ông Nguyên Ngọc đã nhận xét với ông rồi: anh Nam không hăng hái như trước nữa. Tôi cảm thấy dấu hiệu trì trệ của Tác Phẩm Mới qua cách làm sách văn xuôi, thơ, dịch (tức là mình tự khen riêng phần phòng mình đấy, lại thiếu khách quan!). Quá ít người hiểu những vấn đề sâu của nghề sách, nhất là nội dung ý đồ sau một quyển sách. Buồn!

Dẫu sao, tôi vẫn hăng hái lắm, viết xong bài cho Tuyển tập Chu Văn rồi, được dịp vạch ra cái dở cái hẹp của nhà văn cán bộ qua ví dụ này. Lại có thêm vài bài viết nữa, bàn về Cái mới thì xoàng thôi, bài vừa viết xong mới thích, vì vạch cơ chế quan liêu hóa nhà văn ở ta. Tiếc là khi đưa ông Nguyên Ngọc thì chính ông ấy lại chê, bảo rắc rối. Hẫng đi mất vài ngày, bà Thiếu Mai bảo tham nên viết dài, rối, đến lượt Lã Hòa, nó lại khen mạnh. Bây giờ phải liệu chỗ khác mà đăng thôi, lại chạy.

Ông Phan Cự Đệ giải tán lớp phê bình trẻ rồi, ngày mai chủ nhật xem phim để cáo chung lớp! Lớp lang này chỉ cho thấy các khuôn mặt những nhà phê bình tương lai cũng méo mó như cha anh, buồn thật.

Hôm họp ở Ban Văn hóa văn nghệ, ông Nguyễn Văn Hạnh có hỏi mình liệu có chịu lên Ban làm gì đấy, ví dụ theo dõi các vấn đề lý luận. Mình bảo chịu thôi, vì một là sẽ không có gì ăn, hai là cảnh đó sẽ khó viết thoải mái, anh em nghệ sĩ thì bảo mình là giám sát họ, đồng nghiệp phê bình thì bảo bài anh là ý ban hay ý anh… Nghĩ lại, thấy trả lời thế quá thẳng, mà ông Hạnh cũng to chứ, nhưng tính mình thế, chẳng sửa được.

Tuần văn hóa Liên Xô, đoàn nhà văn sang, mình có xúc tiếp vài lần. Cô Svetlana tác giả “Chiến tranh không có gương mặt đàn bà” [8] là gương mặt văn học tử tế nhất đoàn. Không biết sao Bykov không sang, cả Marian nữa cũng không sang. Phạm Vĩnh Cư chỉ mong có Marian thôi, hắn đi dịch cho Zakharov và Văn Phác mà cứ nghĩ đến bạn. Phạm Vĩnh Cư định nếu có Marian sẽ giới thiệu với Nguyễn Minh Châu, vì bây giờ ông ấy đang nhiều cái nghĩ mới hay lắm, lại có thêm hai truyện vừa, quãng dưới 100 trang mỗi cái, nghe nói là khá, mà mình chưa được đọc. Nói nhỏ với ông là Cư sợ bà Inna thân mến của chúng ta làm hỏng văn ông Châu khi sang tiếng Nga. Ông lưu ý Marian đọc ông Châu, và có thể làm một tập khác. Ông Nhàn này, cái cô Kondakova người Moskva, nhà thơ trẻ ấy là người thế nào? Thơ ấy, thơ thôi, chứ người thì họ là Tây, ta khỏi cần biết! Cô ấy là thành viên trẻ đẹp nhất đoàn, nhưng mình ngờ ngợ là một поэтессa [poetessa = nữ thi sĩ] hạng 3 có phải không nhỉ. Cũng có dịch thơ Việt đấy, nhưng là thơ cổ thì phải. Thật là nghịch lý: bên ta những người trẻ thường sang Nga để biết ông Gogol, ông Tolstoi chứ không phải để biết người viết đương thời; bên Tây khi tìm gặp Việt Nam trong sách vở thì lại đi gặp những người thiên cổ; chỉ có những người đương thời là không gặp nhau! Mấy ông nhà văn các dân tộc thiểu số thì mặn mà, họ khiến mình nhớ tới các nhà văn gặp ở Alma Ata. Nhưng sáng tác của họ chỉ là tấm gương cổ vũ ta đi giật lùi về văn chương phố huyện thôi. Tay Ю. Суровцев [Yuri Surovtsev] đoàn trưởng, thì rõ là một quan chức; trước đó mình có dịch bài của tay ấy đăng “Coв. кyльтура” [“Sov. Kultura” = “Văn hóa Xô-viết”] (tháng 10) về coц.peaлизм [socz-realizm = chủ nghĩa hiện thực XHCN] tưởng hắn đang dè dặt hơn trong vấn đề ấy, khi hỏi mới rõ là hắn vẫn tự tin như xưa. Mà ở ta thì trên vấn đề này, người ta dè dặt đi rất nhiều, mà thế là phải, vì có метод [metod = phương pháp, ý nói phương pháp sáng tác] không, метод nào đáng là ngọn cờ, – chưa quan trọng cho bằng ý nghĩa của sáng tác cụ thể đối với dân tộc, nhân loại, thời đại. Cảm giác về “nước lớn” và “học phiệt” của họ ở mình lại càng rõ ra. Nếu so với cảm tưởng khi tiếp một bà của báo New York Times, một cậu ở tạp chí Kinh tế Viễn Đông, và cả một cậu ở Daily Telergraph mình tiếp trước đó thì thấy bọn Anh Mỹ lanh lợi và biết trọng người khác (dù chắc họ cũng coi ta là nhược tiểu) hơn hẳn cái đám mà dân Hà Nội gọi chung là “Nga ngố” này (“ngố” là để so với Tây Âu chứ không phải so với ta Việt!).

À, sang 88 Nhàn có về phép không? Nên về vào dịp đại hội nhà văn cho vui, ông ạ. Có thể là mùa thu, nhưng ông Độ đang muốn làm sớm hơn đấy. Để chuẩn bị, các hội đồng đang làm những cuộc thảo luận. Hôm cách đây một tuần có làm một cuộc về thơ. Lại kết hợp với Hà Nội thôi. Họ không mời mình, BV. không thể ưa được mình. Nghe nói phần lớn hôm ấy là các vị lão làng nói, thành thử ít bàn được chuyện gì ra trò. Sắp tới có thể làm về phê bình, nghe nói là 2 ngày liền kia đấy. Cũng có nhiều vấn đề lắm. Tất cả các vấn đề còn gì! Lại còn những vấn đề mà đám bảo thủ tích lũy được qua việc vào “sổ đen” của họ về những bài tiên tiến gần đây. Họ không chừa mình đâu, có khi còn là một trong những đối tượng chính nữa. Nhưng không thể “làm thịt” được mình. Thời thế khác rồi.

Chuyện Đảng của mình đang tiến triển, nhưng chậm chạp lắm. Hy vọng trong 88 sẽ xong. [9] Đối chiếu với tinh thần đổi mới thì tự mình thấy mình có thể đã là коммунист [kommunist = người cộng sản] rồi, thế mà có khi chính như thế lại khó được các коммунисты [kommunisty = những người cộng sản] khác chấp nhận! Nhưng mình đã đủ lớn khôn để không lấy lòng ai.

Đến bây giờ, có lẽ cái câu hỏi của ông lúc ra đi “Khi tôi về, cơ quan có còn như thế này không?” là một câu hỏi реально! [real’no = thực] Lắm lúc tôi cũng đâm sợ rằng mình “xía vô” việc của nhiều người quá: việc của tổ dịch, của tổ văn xuôi, tổ thơ. Cái mồm không giữ im được mà! Phú cai quản việc trị sự in ấn, có vẻ đòi hỏi chi phối biên tập tợn. Phải có lãi, làm sách lãi, – có vẻ đúng cả, nhưng để “lãi” bây giờ thì chỉ có dịch best-seller Âu Mỹ thôi. Tôi cũng chán không muốn hoàn thành kế hoạch sớm, vì xong rồi bản thảo lại đọng lại trị sự, có đến nhà in cũng bị xếp lại để in cái khác, mau bán hơn. Sách 87 của tổ ta đã ra các cuốn Những năm tháng ấy; Thi pháp thơ Tố Hữu; Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học II; Xuân Diệu, con người và tác phẩm; còn Sự thật của đời sống, – sức mạnh của văn học (về Đại hội nhà văn Liên Xô) đang thúc cho ra nốt. Vẫn gác lại ở Sài Gòn: Cuộc tìm tòi vô tận; Những gương mặt (tập chân dung của Tô Hoài). Còn 3 cuốn đang làm: Ngô Thảo; Văn học 1975-85, tác phẩm và dư luận; Phương Lựu (2 tập của Ngô Thảo, Phương Lựu chông chênh như nói trên). Cuốn Văn học 1975-85, tác phẩm và dư luận, tôi định làm thành 2 tập, cho mỗi tập không dày quá; kể ra thành một thì hay hơn.

Bản thảo có vẻ đang cạn đi, nhưng nhiều cái sẽ cũ đi đến mức không thể in. Tôi sợ cuốn P.L. là ở trường hợp ấy. Có lúc tôi đùa, bảo để tập ấy đến khi ông về ông làm!

Thôi, bây giờ cho tôi “hỏi han” riêng ông tiến sĩ một tí!

Thứ nhất, chuyện công tác khi về, mình nghĩ Trà đã có dự tính, nhưng theo mình nên chú ý đến khả năng ra Hà Nội. Cái đó có lợi cho phong trào chung hơn. Nếu Trà muốn, chắc không phải khó lắm, Ủy ban KHXH, Bộ Giáo dục, Ban Văn hóa văn nghệ đều có những chỗ thiếu cả. Mình muốn bọn mình trao đổi và hợp sức làm một cái gì cho văn hóa, học thuật chung có một bước mới. Lực lượng mới, có tâm huyết, có trình độ và phương pháp và hiểu biết đủ sức làm, – lại ít quá, phân tán thì dễ bị hòa tan lắm. Môi trường mà. Hà Nội có môi trường cho lý luận, tư duy khoa học, chỉ hiềm là đói thôi.

Thứ hai, chuyện viết lách lâu dài. Nên có sớm một cái gì với Tác Phẩm Mới, ở Tác Phẩm Mới như ta bàn nhau cái đêm ở Hồng trường ấy. Hoặc chuyên đề luận án đem “Việt hóa”. Hoặc một tập bài lý luận như hai bài rất có triển vọng mà mình đã đọc, và ông Nguyễn Kiên cũng thú vị. Hoặc một chuyên đề mới, dài hơi, giải quyết một vấn đề của văn học sử Việt Nam hiện đại. Mình nghĩ nhiều đến khả năng thứ hai. Nên bàn thêm cả với Nhàn nữa, vì loại nào, tính cách của bản thảo có thể đưa Tác Phẩm Mới thì Nhàn còn sành hơn mình nhiều.

Nhưng khả năng thứ hai lại phải tính đến ý đồ làm một tập nhiều tác giả về các vấn đề đổi mới văn nghệ mà mình nói ở trên với Nhàn. Cho nên cũng phải tính. Dẫu sao trong vòng năm 88 Trà dứt khoát phải có một bản thảo gì đấy đưa cho Tác Phẩm Mới để kịp đưa kế hoạch 89.

Ngoài ra là các chuyện khác. Đường hoạn lộ công danh của bạn còn dài, như Lý Toàn Thắng là một trường hợp tương tự (cho mình gửi lời thăm vợ chồng con cái Thắng nhé).

Về hai bài đã gửi về. Dư luận đã và sẽ khen. Nhưng để bàn với nhau, mình thích bài 1 hơn bài 2. Ngay ở bài 1, mình thấy Trà nhấn phương diện tư tưởng của văn học (với đặc thù của tư tưởng trong thể hiện của văn học) là rất thời sự với ta, nhưng về học thuật thì có vẻ theo школа [shkola = trường phái] của Посполов [G. N. Pospelov] [10] triệt để quá đấy. Còn phương diện nghệ thuật của vấn đề thì sao? Nếu có dịp, phải viết bù một bài khác để lấp cái lỗ hổng, cái phần lệch này.

Bài 2, mình thấy có ích với hiện thời, nghĩa là cái lý luận ấy rất hợp với một nền văn học cần đổi cách nhìn trên một vấn đề cũ của nó (chính trị – văn nghệ) nhưng lý luận này vẫn phải đặt trên căn bản cũ của nó, đặt vừa trong khuôn khổ một nền văn học do nhà cầm quyền kiểm soát nó, nuôi sống nó. Đấy là chỗ yếu của tinh thần lý luận ở bài ấy. Mình cho trong không khí đổi mới, phải nhìn thật rộng ra để đòi hỏi một nhận thức toàn diện nhất, rộng nhất về quan hệ cơ bản này. Đằng sau nó là quan hệ của интелигенция [inteligentsija = giới trí thức], của деятели культуры [dejateli kultury = các nhà hoạt động văn hóa], của творцы в областей культуры, искусства, наук и техники [tvortsy v oblastej kultury, iskysstva, nauk I tekhniki = những người hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật] một bên, và một bên là полтикан [politikan = nhà hoạt động chính trị], là тиран [tiran = bạo chúa], những nhà độc tài, những hệ thống quyền lực. Hoặc đó là quan hệ của hai loại bá quyền xã hội: bá quyền của kẻ cầm quyền, kẻ cai quản xã hội, bá quyền hành chính một bên, và một bên nữa là bá quyền của trí tuệ, của tri thức, của các giá trị nhân bản. Theo mình, phải đẩy tới cấp độ khái quát ấy mới thấy đến cùng vấn đề cơ bản này về mặt lý luận và từ đó mà thấy (và phải thừa nhận) vô số развидности [razvidnosti = dạng thức] của quan hệ ấy trong lịch sử nhân loại.

Nhưng thôi, cao đàm khoát luận không phải là chỗ của thư từ.

Trước hết mong Trà giữ được sức khỏe, qua cái mùa đông Nga khắc nghiệt này vừa để bảo vệ xong, tức là làm xong cái việc cần làm để về làm việc ở nước nhà cho hiệu quả hơn.

Hai bạn có nhiều dịp trò chuyện với đám chúng sinh văn chương hiện ở các loại trường lớp bên ấy không? Có “giáo hóa” được gì không. Nguy lắm, gay lắm vì đồng nghiệp của ta kém lắm, lại ít ỏi, lại tự phụ, lại hiếu thắng, hiếu danh… Chao ôi “cái lũ chúng bay…” như ông Gorky nói ấy – như là chúng ta nữa chứ. Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?!

Thôi nhé. Viết dài quá rồi. Quá khuôn khổ một bài báo dưới tay biên tập của bà Thiếu Mai rồi. Xin thôi. Xin thôi.

Chúc mọi sự may mắn, như ý. Có thể, thư này là cái quà “nước bọt” duy nhất mình gửi cho hai bạn vào dịp năm mới 88.

Rất thân mến,

L. NG. ÂN

TB.: Mấy cuốn sách thuốc ấy mà, ông Nhàn nhờ tìm, tôi không dám hứa đâu, vì khó kiếm lắm.

Cuốn Một thời đại văn học mới chưa in ra, do tình hình giá, lại còn do những rắc rối trong hậu trường nhà xuất bản này. Nghe nói ông L.H.C. trở nên độc đoán, nắm tất cả. Ban lãnh đạo thực tế bây giờ là ông L.H.C. + ông Tr. Việt + cô Hòe… Chiều qua 15/12 phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam trong buổi thời sự đã phát bài tố cáo các việc lộng hành ở chi nhánh miền Nam và bản thân H.L.G., và đòi cử đoàn kiểm tra có đủ phẩm chất (vì mấy đoàn đã bị “mua” rồi). Tôi cũng đã chạy vạy, nói với ông L.H.C., ông H.L.G. để cho sách sớm ra. Ông Mạnh có chỗ đáng trách vì ông ấy ở Sài Gòn có uống rượu với H.L.G., hỏi chuyện cuốn Tuyển tập Vũ Trọng Phụng mà không hỏi về cuốn của nhóm mình. Mà trước lúc ông ấy đi Campuchia mình đã bảo ông ấy rồi, là sách in ở Sài Gòn.

Chú thích

[1] Hai sự kiện chính trị liên quan đến đời sống văn nghệ đương thời: 1/ Cuộc gặp gỡ của Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ trong hai ngày 6 và 7 tháng 10/1987; 2/ Nghị quyết 05/TW ngày 28. 10. 1987 của Bộ Chính trị TƯ Đảng CSVN “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”.

[2] Cách tính nhuận bút cho đến lúc này (năm 1987) vẫn theo quy cách từ trước đó, căn cứ vào trang tác giả và mức trả theo từng loại (A, B, C) do văn bản của Bộ Văn hóa quy định. 1 trang tác giả là 1.000 từ. Sách in ra sẽ được nhà xuất bản cho nhân viên đếm số trang tác giả, và biên tập viên đề xuất mức tính nhuận bút, tổng biên tập hoặc giám đốc duyệt; sau đó phòng kế toán tính nhuật bút bằng phép nhân số trang với mức nhuận bút 1 trang tác giả được duyệt; số lượng in nhiều (trên 1.00 bản) sẽ được tính thêm như chỉ số phụ.

[3] “Tình yêu thời thổ tả” (1985) tiểu thuyết của nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez (s. 1927); Плaxa (chữ Nga, Plakha = Đoạn đầu đài), tiểu thuyết của nhà văn nước CH Kyrgystan thuộc Liên Xô Chinghiz Aitmatov (1928-2008), đăng lần đầu trên tạp chí “Novyj Mir” (Hội Nhà Văn LX) năm 1986.

[4] Chỗ này muốn nhắc đến bài tiểu luận “Văn nghệ và chính trị” của Lê Ngọc Trà (đăng V.N. s. 51+52, ngày 19. 12. 1987).

[5] Đó là bài của Vương Trí Nhàn: Một đóng góp vào việc nhận diện con người Việt Nam hôm nay, nói về tiểu thuyết Thời xa vắng (đăng V.N. s. 49+50, ngày 05. 12. 1987)

[6] Khi Trần Đình Sử đi Kiev, LX. để làm tiếp luận án tiến sĩ thì La Khắc Hòa, bút danh Lã Nguyên, được mời làm thay vị trí của Tr.Đ.Sử trong nhóm cộng tác viên giúp việc tổ lý luận phê bình báo “Văn nghệ”. Tuy vậy, thông tin này có thể là lầm lẫn, vì theo một vài nguồn ghi chép khác thì La Khắc Hòa đã có mặt ngay từ ngày đầu lập nhóm cộng tác viên giúp việc báo “Văn nghệ” (có dự cuộc họp ngày 16. 7. 1987 của Ban biên tập báo “Văn nghệ” cùng 3 thành viên khác của nhóm cộng tác viên gồm Từ Sơn, Lại Nguyên Ân, La Khắc Hòa, Trần Đình Sử).

[7] Đây là nói đến hợp đồng Nxb. Tác Phẩm Mới đặt nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư thực hiện cuốn “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”, trích dịch một số tác phẩm của học giả Nga Xô-viết M. Bakhtin; bản thảo này sau khi dịch giả chuyển đến nhà xuất bản đã được 2 biên tập viên L.N.Â. và V.T.N. biên tập khá kỹ lưỡng, rồi đưa đánh máy hoàn chỉnh; bản thảo hoàn chỉnh này sau đó sẽ được trường viết văn Nguyễn Du đứng tên xuất bản lần đầu (1991), Nxb. Hội Nhà Văn đứng tên xuất bản lần hai (2003).

[8] Đây là nói đến Svetlana Alexandrovna Alexeivich (1948-) nữ nhà văn Belorusia, tác giả nhiều truyện ký tư liệu, sớm nhất là “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” (1985).

[9] Chỗ này nhắc đến việc chi bộ Nxb. Tác Phẩm Mới tiến hành các thủ tục để kết nạp L.N.Â.; việc này chấm dứt vào tháng 11/1989, khi đương sự thông báo với chi bộ thôi không còn nguyện vọng này nữa.

[10] Đây là nói về Ts. Genady Nikolaevich Pospelov (1899-1992), Gs. Đại học Lomonosov, Moskva, tác giả nhiều công trình lịch sử và lý luận văn học, người chủ biên công trình “Dẫn luận nghiên cứu văn học” (dùng cho ngành ngữ văn trong các trường đại học và cao đẳng thuộc LX. cũ) đã dịch ở VN (bản dịch Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Nghĩa Trọng, Nxb. Giáo dục, 1985, tái bản 1998).

Comments are closed.